SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 14: A-DUY-TAM BỒ-ĐỀ

Bồ-tát hàng ma rồi
Lòng vững chắc an tĩnh
Cầu chứng nghĩa đệ nhất
Vào sâu trong diệu thiền
Các Tam-muội tự tại
Lần lượt hiện trước mặt.
Đầu hôm nhập chánh định
Nhớ lại đời quá khứ
Từ nơi đâu tên gì
Mà sinh đến nơi này
Như vậy trăm, ngàn, vạn
Sinh tử đều biết rõ.
Chịu sinh tử vô lượng
Tất cả loài chúng sinh
Đều từng là thân thuộc
Nên khởi tâm đại bi.
Tâm đại bi nghĩ rồi
Lại quán chúng sinh ấy
Luân hồi trong sáu nẻo
Sinh tử không cùng tận
Luống dối không vững chắc
Như cây chuối mộng huyễn.
Vào ngay lúc nửa đêm
Chứng được tịnh Thiên nhãn
Thấy tất cả chúng sinh
Như xem hình trong kính
Chúng sinh chết rồi sống
Sang hèn và nghèo giàu
Tịnh nghiệp, bất tịnh nghiệp
Tùy thọ báo khổ vui,
Quán sát người làm ác
Sẽ sinh vào đường ác
Người tu tập nghiệp lành
Sinh lên cõi trời, người,
Nếu người đọa địa ngục
Thọ vô lượng thứ khổ
Phải uống nước đồng sôi
Giáo sắt xuyên thân thể,
Xô vào vạc nước sôi
Ném vào đống lửa đỏ
Bầy chó nanh dài xơi
Chim mỏ nhọn mổ não,
Sợ lửa chạy vào rừng
Lá kiếm cắt đứt thân
Dao bén chặt thân thể
Hoặc búa bén chém chặt
Chịu biết bao đau khổ
Nghiệp hành, không chết được.
Thích làm việc bất tịnh
Chịu quả báo đau khổ
Vị đắm trong giây lát
Khổ báo rất lâu dài
Trồng nhân khổ cười vui
Mà chịu tội kêu khóc.
Các chúng sinh nghiệp ác
Nếu thấy tự chịu báo
Thì khí mạch đứt liền
Sợ hãi băng huyết chết.
Tạo các nghiệp súc sinh
Các nghiệp đều sai khác
Chết đọa vào súc sinh
Chịu nhiều thân khác nhau,
Hoặc là thân da thịt
Lông, sừng, xương, đuôi, cánh
Lại tàn hại lẫn nhau
Thân thích ăn thịt nhau
Vác nặng mà mang ách
Câu, dùi đâm, roi đánh
Bị thương, chảy máu mủ
Đói khát nhưng không thoát,
Xoay vần giết hại nhau
Không có sức tự tại
Trên đất, nước, không trung
Không có chỗ trốn chết.
Người tham lam keo kiệt
Sinh vào đường ngạ quỷ
Thân cao lớn như núi
Cổ họng tựa mũi kim
Lửa đói khát bùng lên
Trở lại tự đốt thân.
Người xin tiếc không cho
Hoặc cản người bố thí
Sinh vào ngạ quỷ kia
Muốn ăn chẳng thể được
Đồ thừa người đổ bỏ
Muốn ăn cũng biến mất.
Những người nghe xan tham
Bị khổ báo như thế
Cắt thịt bố thí người
Như vua Thi-tỳ kia.
Hoặc sinh vào loài người
Thân ở trong nhà xí
Chuyển động rất khổ cực
Ra thai sinh sợ hãi
Thân mềm chạm vật ngoài
Như đao kiếm cắt xẻ,
An phận theo túc nghiệp
Không lúc nào không chết
Cần khổ não mà sinh sống
Được sống mãi chịu khổ.
Nhờ phước sinh cõi trời
Lửa khát ái đốt thân
Lúc phước hết qua đời
Năm tướng suy chết đến
Giống như hoa, cây héo.
Tiều tụy mất ánh sáng
Quyến thuộc người còn mất
Buồn khổ không lưu được,
Cung điện chợt rỗng không
Ngọc nữ đều xa lìa
Ngồi nằm trên bụi đất
Buồn khóc luyến mến nhau.
Người sống thường đọa lạc
Kẻ chết buồn luyến tiếc
Tinh tấn tu khổ hạnh
Tham cầu sinh cõi trời
Đã có khổ như vậy
Hèn thay! Gì đáng tham!
Đại phương tiện có được
Không khỏi khổ chia lìa.
Than ôi! Các trời người
Dài ngắn không khác nhau
Nhiều kiếp tu khổ hạnh
Xa lìa hẳn ái dục
Rằng quyết định còn mãi
Mà nay đều đọa lạc
Địa ngục chịu các khổ!
Súc sinh tàn sát nhau
Ngạ quỷ đói khát ngặt
Làm người nhọc khao khát
Tuy nói: sinh Thiên vui
Chia lìa khổ lớn nhất
Mê lầm sinh cõi thế
Không một chỗ nghỉ ngơi!
Than ôi! Biển sinh tử
Lăn lộn không cùng tận
Chúng sinh mãi chìm đắm
Trôi dạt không chỗ nương
“Tịnh Thiên nhãn” như thế
Quán sát trong năm đường
Luống dối không vững chắc
Như cây chuối, chùm bọt!
Vào canh ba đêm ấy
Nhập vào chánh thọ sâu
Quan sát các thế gian
Luân chuyển khổ tự tánh
Luôn luôn sinh, già, chết
Số đó không hạn lượng
Tham dục, si ám che
Không biết do đâu xuất.
Suy nghĩ trong chánh niệm
Sinh tử từ đâu khởi?
Quyết định biết già, chết
Ắt do sinh mà ra
Thí như người có thân
Thì theo thân có khổ
Lại xét sinh do đâu
Thấy từ các nghiệp hữu
Mắt trời quán nghiệp hữu
Chẳng trời Tự tại sinh
Chẳng tự tánh, chẳng ngã
Cũng không phải không nhân.
Đốt tre đều đã chẻ
Các đốt khác không khó
Đã thấy nhân sinh tử
Dần dần thấy chân thật
Nghiệp hữu từ thủ sinh
Giống như lửa thêm củi.
Thủ lấy ái làm nhân
Như lửa nhỏ đốt núi.
Biết ái từ thọ sinh
Biết khổ vui cầu an
Đói khát cầu ăn uống
Thọ sinh ái cũng vậy.
Các thọ, xúc là nhân
Cả ba, khổ vui sinh
Người gia công dùi lửa
Thì được lửa mà dùng.
Xúc từ lục nhập sinh
Vì tối không minh giác.
Lục nhập, danh sắc khởi
Như mầm nảy lá cành.
Danh sắc từ thức sinh
Như ươm mầm, lá sinh.
Thức lại từ danh sắc
Xoay vần không còn thừa.
Duyên thức sinh danh sắc
Duyên danh sắc sinh thức
Như người, thuyền tiến lên
Đất, nước lại liền nhau.
Như thức sinh danh sắc
Danh sắc sinh các căn
Các căn sinh ra xúc
Xúc lại sinh ra thọ
Thọ sinh ra ái dục
Ái dục sinh ra thủ
Thủ sinh ra nghiệp hữu
Hữu thì sinh ra sinh
Sinh sinh ra già, chết
Luân hồi mãi không cùng.
Nhân duyên chúng sinh khởi
Chánh Giác đều giác tri
Chánh Giác đã chứng ngộ
Sinh hết, già chết dứt
Hữu diệt thì sinh diệt
Thủ diệt thì hữu diệt
Ái diệt thì thủ diệt
Thọ diệt thì ái diệt
Xúc diệt thì thọ diệt
Lục nhập diệt, xúc diệt
Tất cả nhập diệt hết
Bởi do danh sắc diệt
Thức diệt, danh sắc diệt
Hành diệt thì thức diệt
Si diệt thì hành diệt
Đại tiên thành Chánh giác.
Thành Chánh giác như thế
Phật hưng thịnh thế gian
Tám chánh: Chánh kiến thảy
Đường bằng phẳng thản nhiên
Rốt ráo vô ngã sở
Như củi hết lửa tắt
Việc phải làm đã làm
Đã thành đạo Chánh giác
Rốt ráo nghĩa đệ nhất
Vào nhà bậc Đại tiên.
Tối hết, tướng sáng sinh
Động, tĩnh đều vắng lặng
Chứng được vô tận pháp
Nhất thiết trí sáng ngời.
Đại tiên đức thuần hậu
Rung chuyển khắp mặt đất
Vũ trụ đều sáng rỡ
Thần, Rồng, Trời nhóm họp
Trên không tấu nhạc trời
Để cúng dường chánh pháp.
Gió mát nhè nhẹ thổi
Mây trời rưới mưa thơm
Hoa mầu nở trái lúc
Trái ngọt chín trước mùa
Các hoa báu cõi trời
Như Đại Mạn-đà-la
Từ trên không rơi khắp
Cúng dường Đấng Thích-ca.
Các chúng sinh dị loại
Lòng lành đến với nhau
Sợ hãi đều dứt hết
Không còn tâm sân mạn.
Tất cả các thế gian
Đều như bậc lậu tận
Chư Thiên ưa giải thoát
Đường ác được tạm an
Phiền não tạm ngưng đọng
Trăng tuệ dần thêm sáng.
Vị tiên dòng Cam Giá
Có những người sinh Thiên
Thấy Đức Phật ra đời
Vui mừng đầy khắp thân
Liền từ cung điện trời
Mưa hoa xuống cúng dường.
Các Trời, Thần, Quỷ, Rồng
Cùng khen công đức Phật.
Người đời thấy cúng dường
Và nghe tiếng khen ngợi
Tất cả đều vui theo
Hớn hở không kềm được
Chỉ có Ma thiên vương
Trong tâm rất lo buồn.
Phật trong bảy ngày ấy
Thiền tư tâm thanh tịnh
Quán sát cây Bồ-đề
Chăm chú không chớp mắt:
“Ta nương tựa chỗ này
Được toại tâm nguyện xưa
An trụ pháp vô ngã
Mắt Phật nhìn chúng sinh
Phát tâm rất thương xót
Muốn họ được thanh tịnh
Tham, sân, si, tà kiến
Trôi chìm mất bản tâm
Giải thoát rất nhiệm sâu
Nhờ đâu giảng nói được?
Nếu lìa phương tiện cần
An trụ trong im lặng
Nhớ lại bản thệ nguyện
Lại sinh tâm nói pháp
Quán sát các chúng sinh
Ai phiền não tăng giảm?”
Phạm thiên biết Phật nghĩ
Nên thỉnh Ngài chuyển pháp
Phát ánh sáng Phạm khắp
Vì độ chúng sinh khổ
Đến thấy Đấng Mâu-ni
Tướng đại nhân nói pháp
Nghĩa mầu đều hiện rõ
An trụ trong thật trí
Lìa lỗi gây khó dễ
Không có tâm dối luống
Tâm cung kính vui mừng
Chắp tay khuyên mời rằng:
“Nhờ phước gì thế gian
Gặp được Đấng Đại Bi?
Tất cả loài chúng sinh
Tâm cặn bã nhơ uế
Hoặc phiền não nặng nề
Hoặc phiền não nhỏ nhiệm
Thế Tôn đã hóa độ
Biển khổ lớn sinh tử
Nguyện sẽ cứu giúp họ
Các chúng sinh chìm đắm.
Như nghĩa sĩ ở đời
Được lợi đồng chúng sinh
Thế Tôn được pháp lợi
Nên cứu giúp chúng sinh
Con người thường tự lợi
Ta, người thêm lợi, nạn
Xin rủ lòng Từ bi
Vì nạn trong các nạn.”
Khuyên mời như thế rồi
Giã từ trở về trời
Phật do Phạm thiên thỉnh
Với tâm vui chí thành
Nuôi lớn tâm đại bi
Ý nói pháp tăng thêm,
Nghĩ sẽ đi khất thực
Bốn vua trời dâng bát
Như Lai vì pháp nên
Nhận bốn hợp thành một
Bấy giờ có người buôn
Được Thiên thần mách rằng:
“Đấng Đại Tiên Mâu-ni
Ở trong khu rừng kia
Ruộng phước tốt thế gian
Người nên đến cúng dường”.
Nghe nói rất vui mừng
Dâng cúng bữa cơm đầu.
Dùng xong, Phật lại nghĩ:
“Khai pháp cho ai trước?
Chỉ có A-la-lam
Và Uất-đầu-la-ma
Có thể thọ chánh pháp
Nhưng nay đã qua đời
Còn năm Tỳ-kheo thôi
Nên nghe pháp đầu tiên.”
Muốn nói pháp vắng lặng
Như ánh nắng xua tối
Liền đến Ba-la-nại
Chỗ ở vị Tiên xưa
Khoan thai bước sư tử
Bình thản mắt ngưu vương
Vì độ chúng sinh nên
Thành Ca-thi thẳng đến
Vua thú bước thanh thản
Ngoái nhìn rừng Bồ-đề.