KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 13: VĂN TỰ

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Có đủ thứ dị luận, chú thuật, ngôn ngữ, văn tự v.v… đều là Phật nói, chẳng phải ngoại đạo nói.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Như Lai nói về căn bản của chữ?

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Đầu tiên nói nửa chữ để làm căn bản giữ gìn những ký luận, chú thuật, văn chương, các thật pháp của ấm. Người phàm phu học căn bản của chữ như vậy, rồi sau mới biết là pháp hay phi pháp.

Bồ-tát Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Cái gọi là chữ thì nghĩa ấy thế nào?

–Này thiện nam! Có mười bốn âm gọi là tự nghĩa. Cái gọi là chữ thì gọi là Niết-bàn, thường cố định chẳng lưu chuyển. Nếu chẳng lưu chuyển tức là vô tận. Phàm đã vô tận tức là thân kim cương của Như Lai. Mười bốn âm này gọi là tự bản. A ngắn là chẳng phá hoại mà chẳng phá hoại thì gọi là Tam bảo, ví như kim cương. Lại nữa, A thì chẳng lưu chuyển mà chẳng lưu chuyển tức là Như Lai. Cửu khiếu của Như Lai không có sự lưu chuyển nên chẳng lưu chuyển. Lại không có cửu khiếu nên chẳng lưu chuyển. Chẳng lưu chuyển tức là thường còn mà thường còn tức là Như Lai. Như Lai không tạo tác nên chẳng lưu chuyển. Lại nữa, chữ A là công đức, mà công đức tức là Tam bảo. Vậy nên gọi là A. Tiếp đến là A dài thì gọi là A-xà-lê. A-xà-lê nghĩa là gì? Nghĩa là ở trong thế gian được gọi là bậc Thánh. Sao gọi là Thánh? Thánh là không nhiễm trước, thiểu dục, tri túc, cũng gọi là thanh tịnh, có thể độ chúng sinh qua khỏi biển lớn sinh tử lưu chuyển ở ba cõi. Đó gọi là Thánh. Lại nữa, chữ A gọi là chế độ, tu trì tịnh giới, thuận theo oai nghi. Lại nữa, chữ A gọi là nương thánh nhân học theo oai nghi tiến, dừng, cử động, cúng dường, cung kính, lễ bái tam tôn, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ và học Đại thừa. Những thiện nam, thiện nữ trì đủ giới cấm và các Đại Bồ-tát v.v… đều được gọi là Thánh nhân. Lại nữa, chữ A gọi là giáo hối. Như nói: “Các ông nên làm như vầy. Chớ làm như vầy”. Nếu người có thể ngăn chận những pháp chẳng phải oai nghi thì gọi là Thánh nhân. Vậy nên gọi là chữ A.

Chữ Y ngắn tức là pháp Phật, phạm hạnh rộng lớn, thanh tịnh không cấu bẩn ví như trăng tròn đầy. Các ông nên làm như vậy, chẳng nên làm như vậy, là nghĩa là phi nghĩa, đây là Phật nói, đây là ma nói, đó gọi là Y. Y dài là pháp Phật thâm diệu khó được. Như pháp của trời Tự Tại, trời Đại Phạm thì gọi là tự tại, nếu người có thể trì giữ thì gọi là hộ pháp. Lại nữa, tự tại thì gọi là bốn hộ thế. Bốn tự tại này có thể thâu tóm kinh Đại Niết-bàn cũng có thể tự tại trình bày diễn nói. Lại nữa, chữ Y là có thể vì chúng sinh mà tự tại nói pháp. Lại nữa, chữ Y là tự tại nên nói những gì? Điều đó gọi là tu tập kinh điển Phương Đẳng. Lại nữa, chữ Y đoạn trừ ganh ghét như diệt trừ cỏ xấu, khiến cho tất cả đều biến thành tốt đẹp. Vậy nên gọi là Y.

Chữ Ưu ngắn là ở trong kinh, cái tối thượng, tối thắng tăng trưởng lên trên hết thì gọi là Đại Niết-bàn. Lại nữa, chữ Ưu là tánh của Như Lai, điều chưa từng nghe của Thanh văn, Duyên giác, như tất cả xứ thì xứ Uất-đan-việt ở phương Bắc là thù thắng nhất. Bồ-tát nếu có thể thính thọ kinh này thì đối với tất cả chúng sinh là bậc tối thượng, tối thắng. Vậy nên gọi là Ưu. Ưu dài là ví như sữa bò so trong các vị là trên hết. Tánh của Như Lai cũng như vậy, ở trong các kinh là tối tôn, tối thượng. Nếu có ai bài báng thì ông phải biết, người đó cùng với bò không khác biệt. Lại nữa, chữ Ưu là người gọi là không có trí tuệ, chánh niệm mà bài báng tạng bí mật vi tế của Như Lai thì phải biết người đó rất đáng thương xót, xa lìa tạng bí mật của Như Lai mà nói pháp vô ngã. Vậy nên gọi là Ưu.

Chữ Yên tức là pháp tánh Niết-bàn của chư Phật, cho nên gọi là Yên.

Chữ Dã là nghĩa của Như Lai. Lại nữa, Dã là tiến dừng, co duỗi, cử động của Như Lai không gì chẳng lợi ích cho tất cả chúng sinh. Vậy nên gọi là Dã.

Chữ Ô là nghĩa phiền não, mà phiền não là các lậu. Như Lai vĩnh viễn đoạn trừ tất cả phiền não nên gọi là Ô.

Chữ Pháo là nghĩa Đại thừa, đối với mười bốn âm là nghĩa cứu cánh. Kinh điển Đại Thừa cũng như vậy, đối với các kinh luận là tối cứu cánh. Vậy nên gọi là Pháo.

Chữ Am là có thể ngăn chận tất cả các vật bất tịnh, ở trong pháp Phật, có thể xả bỏ tất cả vật báu, vàng, bạc. Vậy nên gọi là Am.

Chữ A là nghĩa thừa thù thắng. Vì sao? Vì kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này ở trong các kinh là tối thù thắng. Vậy nên gọi là A.

Chữ Ca là đối với các chúng sinh khởi tâm đại từ bi, tưởng như con ruột, như La-hầu-la, làm việc ý nghĩa tốt đẹp. Vậy nên gọi là Ca.

Chữ Khư là chẳng phải bạn lành, mà chẳng phải bạn lành thì gọi là tạp uế, chẳng tin tạng bí mật của Như Lai. Vậy nên gọi là Khư.

Chữ Già là tạng, mà tạng tức là tạng bí mật của Như Lai. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh nên gọi là Già. Trọng âm Già là âm thường còn của Như Lai. Những gì là âm thường còn của Như Lai? Đó là Như Lai thường trụ bất biến. Vậy nên gọi là Già.

Chữ Nga là tướng phá hoại của tất cả các hành. Vậy nên gọi là Nga.

Chữ Già là nghĩa của tu, điều phục tất cả chúng sinh nên gọi là nghĩa của tu. Vậy nên gọi là Già.

Chữ Xa là Như Lai che chở tất cả chúng sinh ví như lọng lớn. Vậy nên gọi là Xa.

Chữ Xà là chánh giải thoát, không có tướng già, nên gọi là Xà. Chữ Xà trọng âm là phiền não ràng buộc ví như rừng rậm. Vậy nên gọi là Xà.

Chữ Nhã là nghĩa trí tuệ, biết tánh pháp chân thật. Vậy nên gọi là Nhã.

Chữ Tra là ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện bán thân mà diễn nói pháp ví như bán nguyệt. Vậy nên gọi là Tra.

Chữ Tha là pháp thân đầy đủ ví như vầng trăng tròn đầy. Vậy nên gọi là Tha.

Chữ Trà là Tăng ngu si, chẳng biết thường cùng vô thường, ví như đứa trẻ. Vậy nên gọi là Trà.

Chữ Trà trọng âm là chẳng biết ơn thầy, ví như con dê đen. Vậy nên gọi là Trà.

Chữ Noa chẳng phải là nghĩa Thánh, ví như ngoại đạo. Vậy nên gọi là Noa.

Chữ Đa là Như Lai khi đó bảo các Tỳ-kheo nên lìa khỏi kinh sợ, ta sẽ vì các ông nói pháp vi diệu. Vậy nên gọi là Đa.

Chữ Tha là gọi nghĩa ngu si. Chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử tự trói buộc như con tằm. Vậy nên gọi là Tha.

Chữ Đà là đại thí như là Đại thừa. Vậy nên gọi là Đà. Chữ Đà trọng âm là xưng tán công đức. Đó là Tam bảo như núi Tu-di cao ngất rộng lớn, không có điên đảo. Vậy nên gọi là Đà.

Chữ Na là Tam bảo an trụ không có khuynh động, ví như cái then cửa. Vậy nên gọi là Na.

Chữ Ba là nghĩa điên đảo. Nếu nói rằng, Tam bảo đều diệt hết thì phải biết người này tự nghi hoặc. Vậy nên gọi là Ba.

Chữ Phả là tai ách của thế gian. Nếu có người nói rằng, khi tai ách của thế gian khởi lên Tam bảo cũng hết thì phải biết người đó là ngu si, vô trí, trái với ý chỉ của bậc Thánh. Vậy nên gọi là Phả.

Chữ Bà là gọi mười lực của Phật. Vậy nên gọi là Bà. Chữ Bà trọng âm là gọi gánh nặng. Người đủ sức gánh vác chánh pháp vô thượng thì phải biết người đó là Đại Bồ-tát. Vậy nên gọi là Bà.

Chữ Ma là các Bồ-tát với chế độ trang nghiêm cao vời, gọi là Đại Bát Niết Bàn của Đại thừa. Vậy nên gọi là Ma.

Chữ Tà là các Bồ-tát ở tại khắp nơi vì những chúng sinh nói pháp Đại thừa. Vậy nên gọi là Tà.

Chữ La là có thể phá tan tham dục, sân hận, ngu si, nói pháp chân thật. Vậy nên gọi là La. Chữ La khinh âm là hàng Thanh văn thừa chuyển động chẳng trụ, Đại thừa yên ổn không có khuynh động. Bỏ Thanh văn thừa, tinh cần tu tập Đại thừa vô thượng. Vậy nên gọi là La.

Chữ Hòa là Như Lai Thế Tôn vì các chúng sinh nên mưa pháp lớn, gọi là kinh sách, chú thuật của thế gian. Vậy nên gọi là Hòa.

Chữ Xa là xa lìa ba mũi tên độc. Vậy nên gọi là Xa.

Chữ Sa là nghĩa đầy đủ. Nếu người có thể nghe kinh Đại Niếtbàn này thì tức là đã được nghe và thọ trì tất cả kinh điển Đại thừa. Vậy nên gọi là Sa.

Chữ Ta là vì các chúng sinh diễn nói chánh pháp, khiến cho lòng họ hoan hỷ. Vậy nên gọi là Ta.

Chữ Ha là gọi tâm hoan hỷ, khen: “Lạ thay! Đức Thế Tôn lìa khỏi tất cả hành. Lạ thay! Đức Như Lai vào Niết-bàn”. Vậy nên gọi là Ha.

Chữ La là nghĩa ma. Vô lượng các loài ma chẳng thể hủy hoại tạng bí mật của Như Lai. Vậy nên gọi là La. Lại nữa, chữ La là thậm chí thị hiện thuận theo thế gian, có cha mẹ, vợ con v.v… Vậy nên gọi là La.

Lỗ, Lưu, Lô, Lâu, bốn chữ như vậy nói có bốn nghĩa là Phật, Pháp, Tăng và đối pháp. Nói đối pháp là thuận theo thế gian như Đềbà-đạt-đa thị hiện phá hoại Tăng, hóa làm đủ thứ hình dáng sắc tượng vì để chế ra giới luật nên kẻ trí thông đạt biết rõ thì chẳng nên đối với việc này mà sinh kinh sợ. Đó gọi là hành động tùy thuận thế gian. Do đó cho nên gọi là Lỗ, Lưu, Lô, Lâu.

Hít hơi vào uốn lưỡi theo tiếng của mũi, tiếng dài, ngắn vượt lên, tùy theo âm giải nghĩa, đều nhân vào lưỡi và răng mà có sai khác. Như vậy nghĩa của chữ có thể khiến cho chúng sinh thanh tịnh được khẩu nghiệp. Phật tánh của chúng sinh thì chẳng nhờ văn tự như vậy, rồi sau đó thanh tịnh. Vì sao? Vì Phật tánh vốn tịnh, tuy ở tại trong ấm, giới, nhập mà chẳng đồng với ấm, giới, nhập. Vậy nên chúng sinh đều nên quy y. Các vị Bồ-tát đều do Phật tánh nên nhìn chúng sinh bình đẳng, không có sai biệt. Vậy nên “bán tự” làm căn bản cho các kinh sách, ký luận, văn chương. Lại, ý nghĩa của “bán tự” đều là nguồn gốc của lời nói phiền não nên gọi là “bán tự”. “Mãn tự” mới là căn bản của tất cả lời nói pháp thiện. Ví như người thế gian làm việc ác thì gọi là bán nhân (nửa người). Người tu hạnh thiện thì gọi là mãn nhân (người đầy đủ). Như vậy tất cả kinh sách, ký luận đều dùng “bán tự” làm căn bản. Nếu nói rằng, Như Lai và chánh giải thoát nhập vào “bán tự” thì việc đó chẳng đúng. Vì sao? Vì lìa văn tự. Vậy nên Như Lai đối với tất cả pháp không ngăn ngại, không nhiễm trước, thật sự được giải thoát. Thế nào gọi là hiểu rõ nghĩa của chữ? Có người biết Như Lai xuất hiện ở đời có thể diệt “bán tự”. Vậy nên gọi là hiểu rõ nghĩa của chữ. Nếu có người theo đuổi nghĩa của “bán tự” thì người đó chẳng biết tánh của Như Lai. Thế nào gọi là vô tự nghĩa? Người gần gũi tu tập pháp bất thiện thì đó gọi là vô tự. Lại, vô tự là tuy có thể gần gũi tu tập pháp thiện nhưng chẳng biết Như Lai, thường cùng vô thường, hằng cùng phi hằng và pháp, tăng hai báu, luật cùng phi luật, kinh cùng phi kinh, ma nói, Phật nói. Nếu có người chẳng thể phân biệt như vậy thì đó gọi là theo đuổi nghĩa vô tự. Ta nay đã nói về sự theo đuổi nghĩa vô tự như vậy. Này thiện nam! Vậy ông nay nên lìa “bán tự”, khéo lý giải “mãn tự”.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con cần phải học giỏi tự số. Con nay đã gặp được bậc thầy vô thượng, đã nhận lời dạy bảo ân cần của Đức Như Lai.

Đức Phật khen Bồ-tát Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Người ưa chánh pháp thì nên học tập như vậy.