SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 13: PHÂN BIỆT

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bồ-tát mới phát tâm phải học Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát mới phát tâm cần phải gần gũi Thiện tri thức, kính mến Thiện tri thức, có thiện ý tuân theo lời giáo huấn của Bát-nhã ba-la-mật. Thế nào là tuân theo lời giáo huấn của Bát-nhã ba-lamật? Đó là nếu khi Bố thí thì Bồ-tát phải hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không được chấp sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Vì sao? Vì trí Nhất thiết trí của Bát-nhã ba-lamật thâm diệu không có chấp trước. Nếu Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ thì phải đem hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không được chấp sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Vì sao? Vì trí Nhất thiết trí không có chấp trước, không được ưa thích đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Bồ-tát mới phát tâm phải học Bát-nhã ba-la-mật như thế.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát chịu khổ vì muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát yên ổn chịu khổ là vì ở thế gian hộ, vì thế gian tự quy, vì thế gian xá, vì thế gian độ, vì thế gian đài, vì thế gian đạo.

Thế nào là Bồ-tát vì thế gian hộ? Thế gian tử sinh khổ sở, Bồtát đều cứu hộ, giáo hóa, độ thoát. Đó là thế gian hộ.

Thế nào là thế gian tự quy? Sinh, già, bệnh, chết thảy đều độ thoát. Đó là thế gian tự quy.

Thế nào là thế gian xá? Bồ-tát đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được mệnh danh Như Lai, lúc ấy vì thế gian thuyết kinh không có chấp trước, đó là thế gian xá. Thế nào là không có chấp trước? Sắc không có dính mắc, không có trói buộc, sắc ấy không từ đâu sinh, không diệt về đâu. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng vậy. Các pháp cũng không có có dính mắc, không có trói buộc như vậy.

Thế nào là thế gian độ? Sắc ấy chẳng phải là sắc thì đó là độ. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức ấy chẳng phải là thức thì đó là độ. Độ là chẳng chấp các pháp. Tu-bồ-đề thưa:

–Như lời Phật dạy, độ là các pháp đắc Vô thượng giác. Vì sao? Vì không chấp trước chăng?

Đức Phật dạy:

–Đúng thế, vì không chấp trước, Bồ-tát chịu khổ quán niệm pháp không biết mỏi mệt đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành Phật, nhân đó thuyết kinh. Đó cũng là thế gian độ.

Thế nào là thế gian đài? Ví như cái đài trong nước, nước kia bị tách làm hai. Sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức, quá khứ, vị lai, hiện tại bị đứt đoạn làm hai. Cũng giống như vậy, các pháp cũng đứt đoạn. Giả sử các pháp đoạn thì đó là cam lộ, đó là Nê-hoàn. Bồtát quán niệm pháp không biết mỏi mệt đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là thế gian đài.

Thế nào là thế gian đạo? Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bèn thuyết sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức không. Thuyết các pháp không, pháp ấy cũng không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Các pháp không, các pháp không có tưởng, các pháp không có xứ sở, các pháp không có thức, các pháp không từ đâu sinh ra. Các pháp không, các pháp như mộng, các pháp như nhất, các pháp như huyễn, các pháp không có giới hạn, các pháp không thật có, đều như nhau không có khác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Ai là người hiểu được Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu? Đức Phật dạy:

–Bồ-tát cầu pháp này đã từ lâu, đó cũng là người đã tạo công đức từ thời Phật quá khứ đến nay. Chỉ có những người như thế mới hiểu được Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là cầu pháp này đã từ lâu? Đức Phật dạy:

–Lìa bỏ sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức không còn có nữa thì mới hiểu biết Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu này.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát này vì thế gian đạo chăng?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát này đắc Vô thượng giác làm bậc thầy dẫn đường cho không thể kể xiết vô số người.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát chịu khổ mặc áo giáp đại công đức vì thế mặc áo giáp đại công đức không trói buộc; sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức không trói buộc, cũng chẳng trụ ở A-lahán, Bích-chi-phật, cũng chẳng chấp trí Nhất thiết trí. Vì các pháp không trói buộc, nên mặc áo giáp đại công đức. Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu chẳng nên tìm cầu ở ba cõi.

Đức Phật hỏi:

–Vì sao Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu chẳng nên tìm cầu ở ba cõi?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu cũng chẳng có người nắm giữ, cũng chẳng không người nắm giữ. Từ trong Bát-nhã ba-la-mật vì không có pháp được sinh ra, nên nắm giữ Bát-nhã ba-la-mật là nắm giữ không, nắm giữ Ba-la-mật là nắm giữ các pháp, nắm giữ Ba-lamật là nắm giữ không sở hữu, nắm giữ Bát-nhã ba-la-mật là nắm giữ sự không chấp trước. Đức Phật dạy:

–Trong Bát-nhã ba-la-mật, phải biết Bồ-tát không thoái chuyển ấy đối với Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu không chấp trước, không bao giờ nghe theo lời người khác, tâm không sợ hãi, không biếng nhác. Bồ-tát ấy đã từng thưa hỏi về trí tuệ trong kinh thâm diệu này từ thời Phật quá khứ, hôm nay được nghe Bát-nhã ba-lamật thâm diệu, tâm tiếp tục không sợ hãi, không biếng nhác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu tâm không sợ hãi, không biếng nhác, vì sao cần phải quán Bát-nhã ba-la-mật?

Đức Phật dạy:

–Tâm hướng đến trí Nhất thiết trí, đó là quán Bát-nhã ba-lamật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là tâm hướng đến trí Nhất thiết trí? Đức Phật dạy:

–Tâm hướng đến không, đó là quán trí Nhất thiết trí. Quán trí Nhất thiết trí, đó là chẳng quán chẳng thể kể trí Nhất thiết trí, như chẳng thể kể sắc tức là chẳng phải sắc, như chẳng thể kể thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức tức là chẳng phải thức. Cũng chẳng vào, cũng chẳng ra, cũng chẳng đắc, cũng chẳng biết, cũng chẳng có biết, cũng chẳng không biết, cũng không sinh, cũng không diệt, cũng không có người tạo tác, cũng không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cũng không sở kiến, cũng không sở tại. Như vậy, không chẳng thể hạn lượng, chẳng thể kể trí Nhất thiết trí, chẳng thể kể không có người làm Phật, không có người đắc Phật, không có người từ trong sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức đắc Phật, cũng không có người từ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-lamật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-lamật, Bát-nhã bala-mật-đắc Phật.

Chư Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, khó hiểu, khó rõ, khó biết.

Đức Phật bảo chư Thiên tử:

–Bát-nhã ba-la-mật rất thâm diệu, khó hiểu, khó rõ, khó biết. Đức Như Lai yên ổn chứng ngộ rất sâu kinh này, nên biết Vô thượng Chánh giác không có tạo tác, Vô thượng Chánh giác cũng không có Vô thượng Chánh giác. Kinh này như hư không sâu thẳm, không có kinh nào sánh bằng như các pháp không từ đâu đến cũng không đi về đâu.

Chư Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc đều bạch Phật:

–Hiếm có người ở thế gian tin kinh thâm diệu này! Người thế gian tham đắm các dục, vì xót thương họ nên Phật thuyết kinh thâm diệu này.

Đức Phật dạy:

–Đúng thế! Này chư Thiên tử, hiếm có người thế gian tin kinh thâm diệu này! Họ tham đắm các dục, vì xót thương người thế gian nên Phật thuyết kinh thâm diệu này.