KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 13: NÓI VỀ BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là từ bốn sự quyết đoán mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với các điều ác, bất thiện chưa sinh thì nên giữ gìn khiến chúng không dấy khởi, đó là sức mạnh tổng hợp của sáu pháp Độ vô cực nhằm tiêu diệt các thứ phiền não đem lại thanh tịnh, đó là Bố thí. Mong hạn chế điều bất thiện để tiêu trừ các điều ác không thích hợp với con đường tu tập, hành hóa, đó là Trì giới. Thông tỏ một cách an nhiên về đầu mối của các thứ phi pháp để hóa độ dẫn về nẻo đạo, đó là Nhẫn nhục. Đối với các điều ác chưa sinh thì trước hết nên tìm biện pháp để dứt sạch, nhờ đấy đạo pháp mới hưng thịnh, đó là Tinh tấn. Khuyến hóa mọi người khiến họ quy ngưỡng nẻo chánh giác rồi nêu bày truyền giảng về đạo pháp cùng quá trình tu tập, đó là Nhất tâm. Đem cảnh giới an nhiên tự tại làm cứu cánh các điều ác, bất thiện khiến chúng không thể phát sinh trở lại, nhân đó dốc tâm thực hiện để nuôi dưỡng đạo pháp hóa độ muôn loài, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhằm dấy khởi điều thích hợp, tìm diệt điều ác, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp phiền não dấy khởi thì nên mạnh dạn đi vào trong chốn ấy nương theo các phương tiện mà Bồ-tát đã sử dụng để học tập, đó là Bố thí. Chán ghét tính chất bất tịnh của các nạn ái dục để theo con đường thanh tịnh trong sáng, đó là Trì giới. Ở ngay nơi chỗ đoạn trừ cấu uế là tuân phụng tu tập theo nẻo thanh tịnh giải thoát, như tận diệt từ đầu mối của mọi thứ phi pháp, ác nhiễm mà công đức chưa phát sinh thì nên gắng khuyến trợ để chúng dấy khởi, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như đạt được sự hiểu biết thông tỏ để phân biệt nhận rõ các thứ phiền não, tiêu trừ mọi nẻo ái dục, đó là Tinh tấn. Thường chọn nơi vắng lặng, thực hiện các pháp Tam-muội định ý, đó là Nhất tâm. Sức khiến cho mọi người tin tưởng nơi sáu pháp Ba-la-mật, từ đấy dấy khởi và phát triển các đức lành nhằm độ thoát tất cả, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đối với các đức chưa dấy khởi nhân đấy làm cho hưng thịnh, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như phát triển các điều thiện phải luôn gắn bó với những chốn đói kém thiếu thốn, tích lũy công đức thường nên tự chế ngự nơi bản thân mình, đó là Bố thí. Hoặc như đạt được đức lành thì càng có được nhiều vui thích an lạc, từ đấy nên khiến tăng thêm việc thi ân cho tất cả, đó là Trì giới. Tuân phụng theo nẻo không–vô, luôn vun bồi gốc đức hạnh, lấy đó mà diệt trừ mọi hành động bất thiện, xấu ác, đó là Nhẫn nhục. Thân, khẩu luôn vững vàng trong hành động, sử dụng các phương tiện không dựa cậy, nhân đó mà dấy khởi đạo đức, đó là Tinh tấn. Hoặc như phụng hành giáo pháp thu phục mọi ý tưởng nương tựa, luôn gắn bó với các pháp chánh thọ định ý, đó là Nhất tâm. Chỗ tạo được sự hưng thịnh cho trường hợp tâm ý không có điều kiện để phát khởi, nhờ đấy mà ánh sáng đạo pháp được thành tựu để khai hóa hết thảy muôn loài khiến tất cả đều được đội ân đạo Từ bi, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là phát huy các đức đã tạo được, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Do dấy khởi các điều thiện là đầu mối của mọi công đức nên không tạo các hành động xấu ác cũng như các nghiệp không có ích lợi, đó là Bố thí. Dùng niềm vui thích an lạc ấy để dốc chí đạt tới neo chân chánh, không nhớ nghĩ về các nẻo hành động nhỏ hẹp chẳng đem lại lợi ích cho tất cả mọi loài, đó là Trì giới. Xem xét kỹ mọi nẻo thích nghi, tâm không mang oán hận, dứt trừ mọi thứ vội vã bất cẩn, đó là Nhẫn nhục. Đối với các trường hợp có thể giúp đỡ, giữ gìn, chưa từng làm điều hư dối, nhờ đấy đều khiến đến với đạo pháp, đó là Tinh tấn. Tuân phụng theo sức phát triển của đạo pháp, không làm những việc yếu kém thua sút, mạnh mẽ mà vững vàng, tự tin, đó là Nhất tâm. Tùy thuận tập tục ở đời nhưng không rơi vào tất cả sáu mươi hai nẻo nghi hoặc của tà kiến, khuyến trợ hết thảy mọi người không bám chấp vào vọng tưởng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ nhằm đạt được thần túc, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đoạn trừ các mối tham lam cấu uế, luôn nghĩ nhớ về kinh điển, do thành tựu được thần túc mà chưa từng bị quên mất, đó là Bố thí. Bồ-tát làm thế nào để thành tựu đầy đủ trên con đường hành hóa của mình? Từ chỗ an lạc của tâm ý, luôn nhớ nghĩ đến điều tốt, như đem diệu nghĩa của chánh pháp mà vui vẻ ban phát cho mọi người cùng cứu giúp mọi nguy ách của họ, đó là Trì giới. Niềm an lạc vững bền ấy không gì có thể hủy hoại, tâm không dấy sân hận, đó là Nhẫn nhục. Như ham chuộng con đường xuất gia tu học, từ bỏ mọi neo sung sướng vinh hoa của đời, lấy đạo pháp làm cõi an vui, đó là Tinh tấn. Như dùng sự quán tưởng đúng đắn để nhận ra tất cả các pháp trong ba cõi đều như huyễn hóa, đó là Nhất tâm. Bày biện các điều đúng, tốt, dứt mọi nẻo hồ nghi cùng tất cả các màn lưới che buộc vây phủ để đạt đến cõi vi diệu, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được bốn Thần túc, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhờ thần túc nên có thể phi hành đến khắp mười phương không một nơi chốn nào bị trở ngại để khai hóa hết thảy các loài, đó là Bố thí. Hoặc như đem chí dốc tâm dốc sức cho sự nghiệp lớn lao, tâm luôn phấn khích trong niềm vui của hạnh nguyện. Từ niềm vui của hạnh nguyện nên nhẹ nhàng tự tại đi đến khắp thiên hạ để giáo hóa, đó là Trì giới. Siêng tu, ý phát khởi, ngày ngày một tăng tiến mà không chút biếng trễ, việc hóa độ chúng sinh cũng vậy, đó là Nhẫn nhục. Đạt được các phương tiện thích hợp với hoàn cảnh để xuất gia học đạo, dứt mọi hành tà, đó là Tinh tấn. Dứt bỏ sạch mọi nẻo hồ nghi, khiến hết thảy đều được khai hóa, có thể đem lại bao niềm vui thích, nhân đấy mà phát tâm Bồ-đề, đó là Nhất tâm. Đối với trường hợp nên khuyến trợ để có thể đi vào tất cả các nơi chốn tăm tối ngăn che con người khiến họ nhận ra nẻo chân chánh, như thế là được cả mười phương đều đội ân, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là tâm thực hiện các thần túc, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tâm ấy luôn bình đẳng, dứt sạch mọi bụi bặm, cấu nhiễm, thường giữ nẻo thanh tịnh, đó là Bố thí. Hoặc như lìa bỏ ái dục cùng các nẻo bất tịnh để tu tập theo các pháp thanh tịnh dứt mọi phiền não, đó là Trì giới. Thông tỏ về nơi chốn sinh khởi như vậy đều dẫn tới sự hủy hoại tiêu diệt, nên chẳng thể tồn tại lâu dài, chỉ có đạo pháp mới là chỗ dựa chính đáng, đó là Nhẫn nhục. Đạt được chỗ dứt mọi tưởng chấp, tuy có chỗ đạt được nhưng chính là đạt chỗ “vô sở đạt”, đó là Tinh tấn. Chỗ tạo lập của tâm là nhằm loại trừ mọi nẻo vướng mắc, trói buộc, đạt được diệu lý “vô sở trụ” nên luôn theo đúng con đường chánh giác, đó là Nhất tâm. Đoạn trừ các mối vướng buộc tham chấp, tâm chưa từng bị buộc trói nên rộng mở như hư không, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ nhận biết của các thần túc, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như từ chỗ nhận thức tạo ra hành động khiến xa lìa mọi nẻo ái dục không còn trở lại tham đắm các cảnh trần, đó là Bố thí. Hoặc như đạt đến nẻo chân chánh nên không làm điều dua nịnh nguy hại, cũng như không phạm bất cứ một sai lầm nào, đó là Trì giới. Khuyến trợ các pháp thanh tịnh, dứt sạch mọi tỳ vết, cấu uế, luôn thận trọng đối với các trường hợp tranh cãi, đó là Nhẫn nhục. Đối với những trường hợp có thể vượt qua, từ đấy đi vào khắp các cõi chúng sinh để giáo hoa, đem đến mọi ân ích cho họ, đó là Tinh tấn. Như có thể thấu tỏ mọi nơi chốn trở ngại đều là sự hao tổn mất mát trên con đường tu tập nên dứt bỏ mọi phóng dật, đó là Nhất tâm. Khai thông mọi lối bị ngăn chận che lấp, giải thoát, không còn bị một chướng ngại nào, không đánh mất khả năng biện tài lớn lao để dẫn dắt những kẻ chậm chạp cùng khiến hội nhập vào cõi thâm diệu, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ cảnh giới đệ nhất thiền, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Cố gắng vận dụng phương tiện để đạt được công đức vô hạn lượng, đó là Bố thí. Như luôn quan sát các sự việc, khéo quyền biến theo hoàn cảnh mà giữ vững được tất cả, đó là Trì giới. Ở cảnh giới đệ nhất thiền ấy, nhận lãnh thu giữ các phương tiện mà không rời nhất tâm, chí giữ vững nẻo định tuệ, luôn nhớ đến nhân hòa, đó là Nhẫn nhục. Như dứt trừ mọi vọng động của năm ấm, thành tựu được năm thần thông, đi vào khắp năm cõi mà hóa độ mọi chúng sinh ở đấy, đó là Tinh tấn. Do đạt được cõi an định, tinh chuyên nên tâm tịch tĩnh, dứt mọi vọng niệm, có thể nhìn thấy khắp mười phương, đó là Nhất tâm. Như trường hợp năm người có thệ nguyện lớn lao, nhưng vì không kiên cố giữ vững nên đã làm trái với bản nguyện. Bấy giờ đã nhận ra, cung kính đảnh lễ tự quy ngưỡng thuận theo chánh pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ cảnh giới Đệ nhị thiền, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thực hiện các pháp thiền định để dứt trừ các nẻo vọng tưởng, mau chóng đạt được sự kiên định vững chắc, đó là Bố thí. Thông tỏ về vô số không thể tính kể các xứ sở, tuân giữ giới pháp, đem lại lợi ích cho đạo, nhân đấy mà mọi người cùng được đội ân, đó là Trì giới. Khiến cho chúng sinh thức tỉnh giác ngộ, tự mình có thể phân biệt nhận rõ tất cả các pháp thảy đều không, tâm dứt mọi vọng khởi, đó là Nhẫn nhục. Như chọn ở nơi vắng lặng, tịch tĩnh, để tâm tự uốn nắn thu giữ, dứt mọi phóng dật, đó là Tinh tấn. Hoặc như an vui với cảnh giải thoát, giữ vững không thoái chuyển, cũng không quá chú trọng vào những tiểu tiết của các pháp chánh thọ định ý, đó là Nhất tâm. Chỗ quán tưởng, phát minh luôn thể hiện lòng yeu mình thương người, hết thảy đều bình đẳng đối với muôn loài, không thiên lệch theo bè nhóm, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ cảnh giới Đệ tam thiền, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Thực hành Đệ tam thiền đem lại niềm vui an lạc thuận hợp, trừ bỏ mọi nẻo hành động xấu ác, bất thiện, đó là Bố thí. Theo phương tiện tu, lìa bỏ mọi thứ kỹ nhạc, chí quyết giữ đúng theo ý nghĩa của giới luat, đó là Trì giới. Như tâm ấy luôn tinh chuyên, lìa xa đối với mọi chỗ ưa thích, các thứ tà dục bên ngoài không làm cho mình vui thích, đó là Nhẫn nhục. Luôn hướng nội, nhận rõ các pháp là vô thường, khổ, không, phi nga (vô ngã), luôn luôn ghi nhớ về các điều ấy để tạo lập chí nguyện, đó là Tinh tấn. Ý đó luôn kiên cố, không nơi chốn nào mà không thấu đạt, hành động không trì trệ mà cũng không vội vàng, đó là Nhất tâm. Do đã dứt sạch các lậu, cho nên không còn trở lại chịu báo ứng của mọi nỗi âu lo về tội phước cũng như mọi tạo tác về hữu, vô, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ cảnh giới Tứ thiền, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng pháp Tứ thiền để dứt trừ tất cả mọi thứ khổ, chí hướng đến nơi an lạc với chánh pháp, vĩnh viễn xua tan bao mối phiền não, không còn gặp trở lại các hoạn nạn, đó là Bố thí. Dứt được mọi nỗi khổ từ khởi đầu đến chung cuộc trong ba cõi, do đấy đạt được sự an lạc lâu dài, hoàn toàn vắng bóng lo âu phiền muộn, đó là Trì giới. Xem xét tận cùng về hết thảy các pháp xoay chuyển trong ba coi, về mọi nẻo sinh tử nguy khốn, rốt ráo vốn là không, đó là Nhẫn nhục. Do đạt được cõi vắng lặng tịch tĩnh vì chưa từng dấy tưởng mong cầu, cho nên phải dứt bỏ mọi đối tượng mong đạt thì mới đạt được việc giữ gìn chánh niệm, đó là Tinh tấn. Nhờ đạt đến cõi an lạc mà công việc thực hiện các pháp thiền định chánh thọ định ý mới thành tựu, đó là Nhất tâm. Đem những thành tựu về các pháp thanh tịnh để khuyến trợ việc phụng hành diệu pháp cam lồ, là thần dược bất tử gọi là pháp huấn, dùng để trị lành hết thảy các bệnh về tăm tối, si mê thấp kém, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận ra chỗ dừng của thân ý mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Thế nào là chỗ dừng của thân ý? Đó là dứt trọn thân bất tịnh với các nẻo tạo tác về sát sinh, trộm cắp, dâm dục, phụng trì thân thanh tịnh, hành hóa không suy tính về cái ta của chính mình, đó là Bố thí. Dứt bỏ mọi thứ sở hữu cùng những thứ thích nghi thân thiết gần gũi mà không chút luyến tiếc, đó là Trì giới. Như đem niềm vui thích trừ bỏ các pháp phân biệt tôi, ta, không tham đắm đối với ba cõi, đó là Nhẫn nhục. Chỗ nhận thấy hết thảy mọi nẻo phóng dật đều từ nơi tâm, do vậy mà tạo được tự tại không chạy theo các pháp sai lầm, đó là Tinh tấn. Như thấy được ba đời thảy đều an nhiên, mọi sở hữu gốc là không, giống như cảnh huyễn hóa, đó là Nhất tâm. Nhận ra các nẻo phi pháp dấy lên rồi hủy diệt, mọi chỗ phát sinh gốc vốn là không nên rốt cuộc cũng chẳng có nơi nào sinh ra, chỉ là do nhân duyên kết hợp mà khởi lên, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là chỗ dừng của ý nhận ra nẻo lãnh thọ, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như khiến cho sự lãnh thọ ấy không hiển lộ, tâm dứt mọi tham dục, ý dừng nhận ra chỗ thọ nên an nhiên nghỉ ngơi không đuổi theo các duyên, đó là Bố thí. Do nhận rõ nẻo thọ nên không tạo họa phước, không gặp trở lại mọi hoạn nạn, đó là Trì giới. Dốc tin tưởng vào diệu nghĩa không, tâm dứt mọi vọng niệm, gắng gổ nhận lấy tất cả mọi sự việc khó có thể thực hiện được, đó là Nhẫn nhục. Không dựa vào lãnh thọ nên đối với mọi nẻo thiện ác khổ vui cũng không còn tham vướng, đó là Tinh tấn. Như đem nỗi an lạc thọ nhận trong ba cõi để tiêu trừ nỗi khổ của ba thứ độc gây nên, hoàn toàn dứt trừ sạch, đó là Nhất tâm. Hoặc như do khéo dứt trừ các thọ mà dốc chí hâm mộ đạo pháp, chưa từng vướng mọi lo lắng, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ dừng của tâm ý tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đoạn trừ các nẻo ham thích cũng như nhớ nghĩ về năm thứ dục lạc, nên có thể tự nhận thấy rõ nơi tâm mình cùng dấy khởi và phát triển việc nhớ nghĩ các pháp, đó là Bố thí. Thấy được những tỳ vết cấu uế ấy để tự chế ngự nơi tâm, uyển chuyển thuận hợp theo nẻo chân chánh, đó là Trì giới. Quan sát các pháp khiến dừng dứt mọi vọng niệm tuân phụng theo sáu pháp Ba-la-mật, đó là Nhẫn nhục. Như có thể ngăn chận chế ngự mọi nẻo giong ruổi buông lung của tâm khiến dứt trừ các hành động tà vạy, đó là Tinh tấn. Hoặc như nhớ nghĩ đến mọi người, tâm dứt ái dục, thảy đều rõ gốc của nó vốn không, đó là Nhất tâm. Theo nhận thức mà dốc tâm tin tưởng, nương tựa nơi sự vận hành của các duyên để theo các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ nhận ra chốn dừng của pháp ý mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận thấy thật tướng của các pháp và làm cho chúng hiển lộ khiến ai cũng thấy rõ, nhờ đấy mà tâm khai mở, đó là Bố thí. Quan sát về hết thảy các hiện tượng, nhận ra gốc của chúng là không, từ đấy xem xét tận cùng các pháp, thảy đều như cảnh huyễn hóa để cũng nhận ra gốc của chúng là không, đó là Trì giới. Tuân phụng kinh điển, tu theo nẻo nhân quả, mọi hành xử đối với tất cả đều không hề tăng giảm, đó là Nhẫn nhục. Như thấy kẻ khác gặp nguy khốn luôn dấy tâm từ nhằm diệt trừ mọi thứ độc hại để dốc sức giữ gìn đạo pháp, đó là Tinh tấn. Tuy tiếp cận và hành xử các pháp, thông tỏ chúng nhưng không hề có sự dựa cậy, tham vướng, chí luôn gắn bó với tịch tĩnh an định, đó là Nhất tâm. Thuận hợp với mọi nẻo chuyển biến của mười hai duyên khởi, nhận ra chỗ tận cùng của khởi điểm cùng gốc ngọn chúng thảy đều tịch tĩnh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ nhận ra chân lý của sự khổ, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như mắt xem xét các hiện tượng trong ba cõi tâm thông tỏ chúng thảy là không, từ đấy lìa bỏ mọi nỗi khổ hoạn cũng như dứt mọi nơi chốn mong cầu, đó là Bố thí. Nhận ra mọi đầu mối của khổ không một chút gì có thể gọi là vui, nhân đấy mà suy biết về mọi nẻo sinh tử đều là sầu não, đó là Trì giới. Xem xét mọi nỗi khổ đều từ sự duyên hợp nơi bản thân mà sinh ra cái nạn ấy, nhưng thảy hư dối, gốc là không, đó là Nhẫn nhục. Quan sát về mọi khổ não thảy từ nẻo vi tế mà dấy khởi, vì không thể phân biệt được tác dụng của nó nên không biết được, đó là Tinh tấn. Thấy rõ các thứ khổ ấy đã từ các nhân tích tập mà sinh ra, tự lao vào chốn tăm tối tà vạy mà bỏ quên cái gốc thanh tịnh, đó là Nhất tâm. Hành giả quán tưởng như vậy, không còn đi theo con đường tà vạy, từ đấy đoạn trừ hết thảy các thứ khổ, khiến cho gốc rễ đầu mối của chúng đều bị diệt thì làm gì còn những ngành ngọn, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là từ chỗ nhận ra chân lý của nguyên nhân khổ, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thực hiện việc học tập, hành động, tâm luôn lìa bỏ mọi nẻo tạo tác của năm ấm, sáu trần, đó là Bố thí. Hoặc thấy chúng sinh lẩn quẩn trong các nẻo của năm ấm, sáu trần, mười hai nhập, nên cố dứt trừ mọi tập nhiễm của chúng, đó là Trì giới. Như cùng hòa hợp sinh sống trong sự tu tập các pháp Ba-la-mật, thành tựu được các pháp hành hóa đúng theo nẻo đạo Bồ-đề vô thượng, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như dứt bỏ ái dục, có được đầy đủ các pháp về đạo phẩm, quan sát tất cả các pháp để nhận ra đầu mối của chúng do nhân duyên kết hợp sinh ra, đó là Tinh tấn. Như đoạn trừ mọi trói buộc của tất cả nơi chốn thọ và nhận ra là không chỗ thọ, đó là đó là Nhất tâm. Quán tưởng về các nạn, các pháp không đem lại ích lợi là nhằm để tiêu diệt sạch mọi lo âu về khổ não hư trá, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận ra chân lý về sự tận diệt khổ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đạt được sự diệt khổ, từ đấy tu tập theo nẻo đạo, phụng hành diệu lý vô nguyện, đó là Bố thí. Như đem ứng dụng niềm an lạc hết mực do đã tận diệt mọi khổ vào hành động để nhận ra tận diệt theo nẻo “vô sở tận” mới đích thực là tận diệt, đó là Trì giới. Xua trừ mọi tưởng chấp là gốc của chướng ngại để có được sự an nhiên tự tại, dứt mọi chấp trước, đó là Nhẫn nhục. Nhận thức mọi hiện tượng từ gốc xuất phát để nhận ra mọi xoay chuyển của sự khổ nhọc, nhân đấy mà dứt trừ các thứ phiền não, đạt được sự an lạc lâu dài, đó là Tinh tấn. Giữ vững sự tu tập thanh tịnh, an tọa riêng biệt nơi chốn vắng lặng, thực hiện các pháp Tam-muội để tự điều phục tâm ý, đó là Nhất tâm. Như không chấp vào quá trình tu chứng, dứt sạch mọi bụi bặm cấu nhiễm, lìa bỏ ái dục, thực hành các pháp chánh thọ định ý khiến luôn được an nhiên, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là nhận ra chân lý về con đường diệt khổ, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đã đạt được chân lý giác ngộ tối thượng, nẻo hành hóa cùng với đạo luôn hợp nhất, cùng hòa hợp một cách sáng suốt để cứu giúp mọi nguy khốn, đó là Bố thí. Thấy rõ được nẻo đạo pháp theo kinh điển để học hỏi tu tập, không trở lại theo con đường tà giáo mà nhân đấy để hóa độ chúng, đó là Trì giới. Như còn nhớ nghĩ về các pháp tà ấy là không thể nhớ nghĩ về đạo pháp, nên cần khuyến trợ để đến với chánh pháp khiến cho nẻo chánh giác luôn được tồn tại, đó là Nhẫn nhục. Đạt được các pháp Tổng trì để có thể quán xuyến mọi ngọn nguồn các pháp trong ba cõi, từ đấy nêu giảng rõ về kinh điển, thừa hành đúng theo chánh pháp, đó là Tinh tấn. Ví như đang hành xử theo đạo pháp thì không nên chạy theo thế tục, tạo nhân chân chánh ấy nên có thể dứt hết mọi nẻo hư vọng, đó là Nhất tâm. Hoặc như có khả năng giảng giải đạo pháp theo từng hình loại, hết thảy đều thông tỏ và tùy từng đối tượng mà dẫn dắt, giáo hóa, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tín căn mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tin tưởng, từ đó dứt mọi thứ xấu ác, nhằm thể hiện rõ gốc tịch tĩnh, trừ mọi hành động bất thiện làm hiển lộ đạo pháp lớn lao, đó là Bố thí. Phụng hành, tin nên tạo được an lạc đến với hết thảy các pháp, nhận ra đầu mối của mọi đức hạnh là “vô sở sinh” đó là Trì giới. Do mang lòng tin tưởng hết mực nên luôn đạt được mọi hoan hỷ vui thích, dứt sạch sân hận, đó là Nhẫn nhục. Đạt đến nẻo “vô sở hữu” mới thực là diệu hữu, từ đấy mà chấp trì tất cả các pháp một cách rốt ráo, đó là Tinh tấn. Đem gốc rễ của sự giải thoát làm ngọn nguồn cho mọi đạo đức, từ đấy mà tin tưởng, siêng năng tinh tấn tu tập để các căn luôn được tịch tĩnh an định, đó là Nhất tâm. Do có thể giữ vững tin tưởng mà chí nguyện cũng luôn gắn bó với các đạo phẩm, dứt mọi sự ham thích tà niệm, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tinh tấn căn, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp có thể siêng năng tu tập thì giữ lấy kiên cố, phụng hành các phương tiện, hoàn toàn dứt sạch mọi tham lam luyến tiếc, đó là Bố thí. Chẳng dựa vào các pháp hữu vi, cũng không rời bỏ nẻo ánh sáng hiển bày, luôn gắn bó với cac pháp vô vi tịch tĩnh, đó là Trì giới. Mọi nẻo hành xử của thân, cũng như đối với tất cả mọi hình loại đều không phạm đến, đó là Nhẫn nhục. Dốc chí với các nẻo cao xa huyền diệu, ham chuộng những thệ nguyện lớn lao thể hiện lòng thương vô bờ, đó là Tinh tấn. Nghe ngóng, lãnh hội tùy theo hoàn cảnh, hiểu biết liền dốc sức phụng hành không hề biếng nhác, bê trễ, đó là Nhất tâm. Chỗ học hỏi khắp các pháp thảy đều thông suốt mọi sư việc nơi hiện thế và cả đời sau, gắn bó với sự nghiệp cứu đời, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Ý căn (Niệm căn) mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thấy được chân đế, nên xem mọi sự nghiệp nơi gia đình đầy dẫy những lo âu, cấu uế, chỉ muốn trừ bỏ những nẻo ấy, đó là Bố thí. Quán tưởng các pháp hữu vi như tham dục là do không nhớ nghĩ các pháp vô vi để dứt trừ mọi nẻo tham đắm vướng mắc, đó là Trì giới. Xem xét kỹ cả hai chiều thuận, nghịch, không nhiễm theo các thứ khổ, tâm dứt sạch tham đắm, đó là Nhẫn nhục. Như có thể thu giữ toàn bộ hết thảy các pháp, không hề bị quên mất hay that tán, từ đấy đạt đến gốc của mọi nẻo đạo đức, đó là Tinh tấn. Hành hóa theo đúng nẻo tịch nhiên, đi vào mọi nơi chốn an trụ, tâm dứt mọi vọng niệm, đó là Nhất tâm. Theo đúng nẻo chân lý đã được chứng thực, không rơi vào các nẻo hư vọng, tư duy về các pháp để nhận ra chúng là không có gốc rễ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Định căn và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng định căn để tiêu trừ các thứ phiền não vốn là những chướng ngại cho việc hội nhập cõi thâm diệu, từ đấy không còn gặp trở lại những hoạn nạn nữa, đó là Bố thí. Trừ dứt mọi nẻo vọng loạn, chứng đắc các pháp Tam-muội để khai thị cho hết thảy chúng sinh, đó là Trì giới. Như tâm luôn tịch nhiên chưa từng vọng động, thực hành đúng nẻo các pháp chánh thọ định ý, đó là Nhẫn nhục. Hoặc như chí không ưa thích các nẻo chuyển biến của nhân duyên, chỉ xem tính chất dịu ngọt an lạc của pháp lạc là chánh pháp vô thượng, đó là Tinh tấn. Như tâm ấy thường chuyên nhất, không hai niệm, luôn thực hiện các pháp chánh thọ định ý nhằm đem lại lợi lạc cho tất cả, đó là Nhất tâm. Mạnh mẽ mà vững chắc, chí không khiếp nhược, tâm tự điều phục chế ngự, thực hiện các pháp Tam-muội chánh định, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tuệ căn và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dốc chí giữ vững tất cả mọi nẻo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, từ đấy nhằm tiêu trừ mọi hiện hành của phiền não trần cấu, đó là Bố thí. Do đạt được sự thông tỏ ánh sáng giác ngộ, nhờ đấy mới tiếp cận đến cõi sâu xa huyền diệu khiến tâm luôn an nhiên dứt mọi nương tựa, đó là Trì giới. Như có thể vì chúng sinh mà nhẫn chịu hết thảy mọi khó nhọc, đời đời xoay chuyển khắp cõi sinh tử ma không biếng trễ, đó là Nhẫn nhục. Thấu đạt diệu nghĩa của đạo, thu giữ quán xuyến mọi nẻo thiết yếu, từ đấy nhận ra gốc của các pháp là thanh tịnh, đó là Tinh tấn. Tôn phụng nẻo tịch nhiên vô vi của bậc Thánh giác ngộ, vì chúng sinh nên mới nêu bày chỉ dạy về cội nguồn của các pháp, đó là Nhất tâm. Đem ánh sáng giải thoát để phụng hành đúng nẻo không chỗ hành, không một đối tượng nào mà không thông đạt nên chúng sinh trong ba cõi đều đội ân, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tín lực, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có được sự tin tưởng vững chắc, từ đấy dứt bỏ mọi sai trái thất tín, như con của Sư tử vương cùng giao ước với chúng bạn mà chưa từng thất tín, đó là Bố thí. Chỗ đứng vững của giới luật là tính chất tinh chuyên không biếng trễ. Cũng như về thời xa xưa có chú voi con luôn dốc ăn uống để thân mình mau to lớn. Bồ-tát cũng như vậy, luôn uống lấy các pháp nhu hòa thuận hợp để nuôi dưỡng thân tâm, luôn nhớ nghĩ, do vậy mà Phật đạo được thành tựu, đó là Trì giới. Do phiền não dấy khởi nên có người đến giết hại, thân thể tan nát mà tâm Từ vẫn thể hiện liên tục. Cũng như Bồ-tát Tô-ma là bậc Đại sĩ đã cứu đám côn trùng thân mềm, tuy bị kẻ ác hại thân nhưng tâm không hề biến đổi, đó là Nhẫn nhục. Siêng năng tinh tấn trong mọi hành động, chưa từng thối bước, đổi hướng, nhằm dứt sạch mọi cội nguồn như có thể làm khô cạn biển lớn, nẻo hành hóa như thế để dốc tiêu trừ tham dâm, giận dữ, si mê, đó là Tinh tấn. Như thực hiện các pháp thiền định đạt được mọi an lạc thanh thoát, dẫn đến sự hành hóa luôn chuyển đổi tăng tiến nhằm tiêu trừ mọi thứ tưởng chấp, đó là Nhất tâm. Nẻo tu tập theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, nhưng đấy chính là sự thọ nhận không chỗ thọ, từ đó, con đường hành động theo đúng chánh pháp, không trái với lời dạy của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tinh tấn lực tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như gắng gổ thực hành nhẫn nhục, tùy hoàn cảnh mà sử dụng phương tiện thích hợp để độ thoát tất cả, đó là Bố thí. Hoặc như vận dụng mọi sức lực để đạt được thắng lợi tối thượng, nhân đấy mà thể hiện mọi tạo tác, cũng như vị Thái tử con quốc vương Câuda, đã dùng sức mạnh để chế ngự mọi kẻ oán địch, đó là Trì giới. Như được nghe về tính chất an nhiên vô vi của các pháp thì có thể tùy thuận thích ứng ngay. Cũng như phu nhân của quốc vương Tu Tinh đã thể hiện mọi sự hành xử hết sức đặc biệt về nhu hòa nhân ái khiến không ai không quy phục, đó là Nhẫn nhục. Con đường dốc sức siêng năng tu tập luôn đi đúng nẻo chân chánh giác ngộ, từ đấy mà có được sự thông đạt rộng lớn dứt bỏ mọi biếng nhác lười trễ, đó là Tinh tấn. Thực hiện các pháp thiền định, không một cõi nào mà không đi vào nhằm cứu độ hết thảy mà không phóng dật, đó là Nhất tâm. Từ chỗ phát sinh của ánh sáng giác ngộ mà thực hiện thành tựu một cách trọn vẹn con đường, tùy theo hoàn cảnh nhưng vẫn thuận hợp diệu nghĩa. Giống như về thời xa xưa, có vị Đồng tử Uất-đa đã khéo khuyến dụ đám bạn bè đông đảo, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Ý lực (niệm lực) tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như ở tại cõi trời mà không đoạn trừ năm thứ dục lạc ở cõi ấy, nhưng tâm không vướng dục, cũng không hiển lộ sự ham thích về dục, đó là Bố thí. Hoặc như thấy các nàng ngọc nữ của chư Thiên nơi cõi trời, xem mọi đối tượng ấy như những hoạn nạn mà dứt mọi tham đắm, đó là Trì giới. Tuy ở nơi thiên cung mà không ham chốn thiên thượng, không vui thích với cảnh điện ngọc đền vàng, xem trăm thứ hương vị một cách thản nhiên, đó là Nhẫn nhục. Dù làm người hay chư Thiên cũng cầu giải thoát, lìa bỏ mọi thứ vui thú dịu ngọt, chỉ lấy đạo pháp làm niềm vui, đó là Tinh tấn. Như ở nơi cõi chư Thiên, trụ tại chốn đông đảo nhưng tâm không loạn động, ý luôn an định gắn bó với chánh pháp, đó là Nhất tâm. Vì chư Thiên, người mà nêu bày giảng giải kinh điển, chỉ luôn thể hiện sự ung dung, thấu đạt, dứt mọi sợ hãi, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Định lực và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với tất cả mọi sở hữu có thể đem cứu giúp mà không luyến tiếc, luôn vui thích trong cảnh tịch nhiên. Như vua Ma-điều lìa bỏ ngôi báu cùng cõi nước xuất gia làm vị Sa-môn, đó là Bố thí. Luôn thận trọng, giữ gìn trong mọi hành động của thân, dứt mọi lỗi lầm của khẩu nghiệp cùng nuôi dưỡng tâm ý không chạy theo đời, đó là Trì giới. Mọi cử động, làm việc đều luôn thuận hợp an ổn, không buông theo điều phi nghĩa, đó là Nhẫn nhục. Quan sát các pháp để nhận ra nẻo chân đế mà dứt mọi tà niệm, đó là Tinh tấn. Đối với hết thảy các pháp, bốn chúng đệ tử phải gắng học hỏi tu tập đạt đến quả vị Chánh giác Vô thượng, luôn quan sát để nhận ra các pháp là không, là Vô sở hữu, đó là Nhất tâm. Không dựa cậy vào các pháp thế gian, tâm luôn gắn bó với thệ nguyện lớn. Cũng như nhà chuyên sản xuất đồ gốm đã làm nên các thứ đồ dùng đủ loại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được Tuệ lực, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có người đến bày tỏ yêu sách muốn lấy đầu mình, tức thì đem cho ngay, tâm không dấy sự chống đối, cũng như về thời xa xưa quốc vương Ca-di đã dũng cảm khi có người cầu xin như vậy, bố thí thân mạng của mình, đó là Bố thí. Cứu giúp mọi người không tham tiếc thân mình, cũng như trường hợp Duyệt-xoa ngăn chận con đường thông thương chính trong nước. Bấy giờ, Bồ-tát không hề tiếc thân mạng mình đã cùng với đám quỷ dữ chiến đấu, nhân đấy mà hàng phục và hóa độ chúng, vì tất cả mọi người mà khai thông con đường ấy khiến cho đám thương khách qua lại an on, đó là Trì giới. Ngày trước, có vị Bồ-tát ba lần lui tới đi vào biển lớn nhằm cứu thoát những người bị nạn khiến họ được bình yên mà cùng trở về nhà, đó là Nhẫn nhục. Chỗ dấy khởi sự cứu giúp cùng với nơi chốn đạt được ấy, như trường hợp phải vượt qua mọi sông suối, bảy lần đi đến biển lớn, đem hết của cải quý giá dùng để cứu giúp bao kẻ nghèo đói thiếu thốn, đó là Tinh tấn. Thực hiện các pháp thiền định để giúp cho tâm ý dứt bỏ mọi nẻo phóng túng, mong muốn được sinh vào cõi nào, cõi trời hay nhân gian, hoặc sinh ngay nơi cõi Phật trong mười phương, đó là Nhất tâm. Tuân phụng nẻo giác ngộ của bậc Thánh, nhận rõ mọi pháp ở thế gian giống như bầy ngựa hoang, từ đấy khéo giữ gìn bản thân mình để khuyến trợ Thánh đạo, khiến có thể tuyên giảng đạo pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Niệm giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Lìa bỏ niệm bất thiện, chuyên tinh niệm về đạo, nhân nhớ nghĩ về các công đức mà phát huy đạo Bồ-đề vô thượng, đó là Bố thí. Chỗ ý nương tựa vào niệm, từ đấy suy nghĩ về hình tướng của các pháp mà tự kiềm chế lấy bản thân khiến dứt mọi nẻo phóng túng, đó là Trì giới. Như dốc chí với niệm, tập hợp các pháp, dứt bỏ buông thả phóng dật, thể hiện siêng năng tu tập dứt mọi chốn mong cầu hay lìa bỏ, thực hiện hoài bão đối với đạo pháp thể hiện tâm Từ bi đối với hết thảy các loài, luôn nhất tâm, định ý, đó là Tinh tấn. Mạnh mẽ mà vững chắc, cứu giúp cùng thu giữ mọi sức lực khiến không còn yếu kém thua sút, đó là Nhất tâm. Đã cởi mở được mọi ý niệm, thuận theo sức mạnh của diệu nghĩa, nhất là diệu nghĩa của các bậc cao đức, các bậc Thánh giác ngộ, rất khó đạt đến, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Trạch pháp giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như lựa chọn các pháp để phụng hành những pháp thanh tịnh, trừ bỏ mọi pháp tỳ vết cấu uế, đó là Bố thí. Thuận cầu giải thoát, nêu bày truyền giảng các pháp để nhằm hóa độ hết thảy mọi chúng sinh khổ đau trong khắp ba cõi, đó là Trì giới. Diệt trừ mọi nẻo tôi, ta, dứt mọi nơi chốn luyến mộ, chỉ nhớ nghĩ đến đạo Chánh giác Vô thượng là thứ quy giá nhất, đó là Nhẫn nhục. Nẻo hành hóa theo đúng chánh pháp, lựa chọn, mong đạt được diệu nghĩa của kinh điển thông qua sáu pháp Ba-la-mật cùng các kho tàng của ba thừa, đó là Tinh tấn. Mong đạt được sự thông tỏ khắp các pháp, dứt mọi hình sắc ảnh tượng, tiếp cận cảnh giới an nhiên, bao la, huyền diệu vượt mọi giới hạn của nơi chốn xứ sở, đó là Nhất tâm. Tìm tòi nơi tất cả mọi xứ sở hiện có cũng không thể hộ trì được cội nguồn của cảnh giới an nhiên tự tại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Tinh tấn giác ý, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể biết rõ về tất cả tài sản sự nghiệp ở đời là chẳng có thể giữ gìn được, nhờ đấy mà tâm dứt mọi tham vướng, từ bỏ mọi sở hữu thế gian, đó là Bố thí. Nẻo siêng năng tu tập hoàn toàn dứt mọi dục lạc, hâm mộ nơi đạo pháp, đạt đến Chánh giác Vô thượng, đó là Trì giới. Con đường dốc sức tu tập cần thông tỏ hết thảy các pháp trong ba cõi, tất cả khắp mọi nẻo trên trời dưới đất đều là cảnh huyễn hóa, không có chốn nào vững chắc để dựa cậy, đó là Nhẫn nhục. Tự điều phục lấy tâm mình để từ đấy giáo hóa chúng sinh, không gì là không thông suốt, giúp cho mỗi đối tượng đạt được sở nguyện của mình, đó là Tinh tấn. Nhớ nghĩ, thực hành thiền định là nhằm đoạn trừ mọi trói buộc vướng mắc, mong đạt đến gốc ngọn nhưng không thể nhận ra cội nguồn, đó là Nhất tâm. Ánh sáng giác ngộ không có nơi chốn để dựa cậy, cũng không từ chỗ kẻ khác ban cho. Thấu đạt hết thảy các phương pháp cùng mọi âm hưởng để hội nhập nơi Địa thứ bảy, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Hỷ giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Dung mạo luôn hòa nhã vui tươi, yêu quý chánh pháp không hề biết chán, đó là Bố thí. Luôn giữ gìn đối với ba nghiệp thân, khẩu, ý: Thân có ba, khẩu có bốn, ý có ba, đó là Trì giới. Tâm luôn nhu hòa, dịu dàng, chưa từng dấy sân hận, đó là Nhẫn nhục. Thường nhớ nghĩ đến mười phương Phật mà dứt mọi ý tưởng tà vạy, đó là Tinh tấn. Tâm ấy luôn tịch tĩnh, an định, dứt mọi vọng niệm, đó là Nhất tâm. Nẻo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ luôn ghi nhớ làu làu, nhờ đấy mà nhận rõ mọi hiện tượng đều là đầu, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Tín giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Thân hành động dốc sức tin tưởng, trong ngoài đều tương ứng, đó là Bố thí. Tâm luôn nhớ nghĩ đến việc tin tưởng mà dứt trừ mọi ý tưởng tà vạy, đó là Trì giới. Ở nơi chốn sinh tử mà không dấy mọi tham lam ganh ghét, đó là Nhẫn nhục. Nơi chốn bày tỏ sự tin tưởng chưa từng bị dứt đoạn, nhờ đó mà thông đạt bao nghĩa lý lớn lao, dứt sạch mọi lối che chắn, trở ngại, đó là Tinh tấn. Mọi nẻo tin tưởng được tập hợp, luôn giữ gìn không để bị thất tán con đường đạt đến quả vị Chánh giác Vô thượng để độ thoát tất cả các loài, đó là Nhất tâm. Quan sát các lối diệt trừ để nhận ra diệu lý “vô sở diệt”, ham chuộng nẻo đường chân chánh, giác ngộ để từ đó cứu độ chúng sinh trong ba cõi, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Định giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Hành hóa luôn tinh tấn không hề biếng trễ, như đạt được định ý thấy được chư Phật trong mười phương, đó là Bố thí. Đạt được tịch tĩnh, lìa mọi nẻo ái dục, không tham đắm vinh hoa, chí dốc nơi đạo giải thoát, đó là Trì giới. Chỗ dừng của định ý để nhận lấy các thứ đạo phẩm nhằm phụng hành theo tám nẻo đường chân chánh, dứt mọi chấp giữ nơi các pháp của Bồ-tát, đó là Nhẫn nhục. Ý luôn thể hiện bình đẳng, rõ hết thảy mọi hiện tượng là không, xưa nay đều an nhiên tự tại không hề bị xâm phạm, hủy hoại, đó là Tinh tấn. Khiến cho mọi người luôn thấy rõ ve sáu mươi hai thứ kiến chấp, chính là những lớp màn lưới tự buộc trói lấy mình cùng với các ấm, trần phủ che dày đặc, chỉ nhờ tỏ ngộ về gốc của vạn pháp là không thì tự nhiên được dứt trừ sạch, đó là Nhất tâm. Như lãnh hội được nẻo tận cùng của các pháp, bản chất của chúng là không sinh diệt, tất cả đều tịch tĩnh, chân không, vô ngại, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được Hộ (xả) giác ý và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đều có thể giũ bỏ mọi đối tượng từng được yêu mến quý trọng mà không chút tham tiếc, từ đấy dốc cứu giúp bao kẻ nguy khốn dẫn dắt họ đến với đạo pháp, đó là Bố thí. Luôn giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, tâm không để phạm vào mười nẻo bất thiện, đồng thời dốc phụng hành mười đức, đó là Trì giới. Quan sát kỹ để nhận thấy chúng sinh luôn bị dẫn dắt theo mười hai nẻo, là do không được giác ngộ, Bồ-tát đã thông tỏ về các nẻo ấy nên không còn dựa cậy, vướng mắc, đó là Nhẫn nhục. Xa lìa mọi nẻo phân biệt về đuôi đầu gốc ngọn, mọi chốn vin dựa nêu bày, dứt hết các chốn tập nhiễm để dốc tu tập theo sáu pháp Ba-la-mật, đó là Tinh tấn. Tâm luôn nhớ nghĩ đến chúng sinh do vì tạo các nghiệp sai phạm cấu uế mà bị đọa nơi các cõi ác. Vì những hạng chúng sinh đó mà ưu tư lo lắng hết mực xót thương, đó là Nhất tâm. Luon đoạn trừ mọi nẻo sinh khởi để nhận ra là không chỗ sinh, từ đấy nhận biết về các thứ hoạn nạn cùng hết thảy các pháp, bản thể của chúng là Vô sở hữu, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được chánh kiến, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đã có được chánh kiến thì đều lìa bỏ các nẻo hành động tà vạy, cũng như những đầu mối vô ích, đó là Bố thí. Thấu đạt, thông suốt trong mọi nhận thức, từ khởi điểm cho đến chung cuộc luôn dứt hư vọng, thường giữ trọn chữ tín, đó là Trì giới. Tỏ ngộ về thể, hành hóa theo nẻo thanh tịnh để điều phục tâm ý, quy ngưỡng về đạo lớn để nhằm độ tất cả, đó là Nhẫn nhục. Do có thể tự chế ngự mình nên luôn bày tỏ lòng thương nghĩ đối với mọi người cũng như đối với tất cả mọi nỗi khổ cực về sinh tử trong ba cõi, từ đấy theo chánh pháp mà siêng năng tu tập, đó là Tinh tấn. Chí luôn hướng về đạo vô thượng, dứt bỏ mọi tạo tác sinh tử trong ba đời, luôn xa lìa tính cao ngạo, tâm luôn khiêm cung tự điều phục, đó là Nhất tâm. Bỏ mọi thứ tà kiến, tiếp cận được nẻo dẫn về chân đế, hành hóa theo pháp của bậc Khai sĩ, không chốn nào mà không thông tỏ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được chánh niệm và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Luôn tư duy để đoạn trừ mọi nơi chốn tạo tác mà ngộ lẽ “vô sở tác”, từ đấy vun trồng gốc thiện của công đức, đó là Bố thí. Do có được chân lý của chánh niệm nên thường tư duy về đạo pháp, không cần phải lìa bỏ ái dục vì cũng giống như hoa sen không hề bị nhiễm bùn, đó là Trì giới. Chỗ gọi là đất ấy có nghĩa là đất luôn có chủ, từ mọi nhân duyên kia mà đảm nhận việc sinh sản ra muôn vật. Bồ-tát thọ nhận giáo pháp của Phật cũng giống như vậy, nhưng luôn biet rõ thân vốn là không, đó là Nhẫn nhục. Đem chánh niệm bình đẳng để dứt trừ mọi phân biệt về hình tướng, đối với mọi nơi chốn hội họp đều nhận ra diệu lý “Vô hội hợp”, từ đấy mới có thể tích lũy công đức, đó là Tinh tấn. Khuyến trợ tất cả mọi công đức thiện, thảy đều rõ gốc là không, dứt mọi phân biệt, đó là Nhất tâm. Con đường tu tập luôn giữ vững chánh kiến trong đời hiện tại và cả vị lai, thực hiện các pháp cứu đời, nham đạt đến chân lý tuyệt đối, thanh tịnh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có chánh phương tiện và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Lưỡi không nói lời độc ác, đem điều thiện dạy dỗ cho người, mở bày chỉ rõ về đạo pháp nhằm cứu độ cho hết thảy muôn loài, đó là Bố thí. Nẻo hành hóa luôn thanh tịnh, dứt mọi uế trược, tuyên giảng các pháp của hàng Bồ-tát, đó là Trì giới. Luôn nêu bày lời nói chân chánh, có ý nghĩa, không truyền dạy các nẻo thế tục, vô ích, đó là Nhẫn nhục. Tuy ở trong thế gian nhưng luôn giữ gìn về ngôn ngữ, không ham thích đàm luận chuyện dung tục, đó là Tinh tấn. Luôn tinh chuyên trong hành động, tâm dứt trừ mọi vọng tưởng, tịch nhiên vô vi nên mọi nẻo thực hành các pháp chánh thọ định ý luôn hợp nhất, đó là Nhất tâm. Mọi ngôn từ luôn thể hiện sự chí thành, dốc luận bàn về đạo pháp, giảng thuyết về nghĩa lý, tránh mọi nẻo đàm luận viễn vông, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được chánh nghiệp và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Nẻo tu tập có được chánh nghiệp nên dứt hết mọi tội lỗi dùng đức để tự giữ gìn mà dốc tâm phụng hành Tam bảo, đó là Bố thí. Đạt được sở nguyện, gồm đủ các đức, dứt mọi nẻo phi pháp cùng các hành vô ích, đó là Trì giới. Mọi chốn đều luôn thích ứng thuận hợp, không rơi vào cõi điên đảo vì đã rõ về các pháp vô thường, khổ, không, phi ngã (vô ngã), đó là Nhẫn nhục. Hết thảy mọi chốn hướng tới đều không nhằm làm ngăn trở hiện tại bằng những hành động sai trai, không thích hợp, đó là Tinh tấn. Mọi sự thọ nhận để thực hiện luôn phụng hành mười điều thiện, sáu pháp Ba-la-mật, từ đấy hoàn toàn dứt bỏ mọi nẻo chấp trước, đó là Nhất tâm. Tuân phụng chánh nghiệp nên chưa từng dấy vọng tưởng, cũng không hề dốc vun đắp gốc tà, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là có được chánh mạng và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Lại luôn tùy thuận thích nghi với hoàn cảnh, khéo sử dụng phương tiện mà hóa độ mọi người, đem những hành động thích hợp với hoàn cảnh để giúp cho ý tạo lập chánh mạng, đó là Bố thí. Như dùng con đường giải thoát để soi sáng sự tu tập khiến cho than mạng luôn an trụ mà dứt mọi tham đắm về thân, đó là Trì giới. Hoặc như nhận thấy chúng sinh căn trí không thuần thục mà dấy khởi tâm Từ bi muốn hóa độ đưa họ về với đạo pháp, đó là Nhẫn nhục. Hay như từ chỗ nhận biết về tính chất hoại diệt của các pháp mà nhận ra là đạo pháp không thể hoại diệt, đó là Tinh tấn. Ở nơi chúng sinh mà không cùng thọ mạng như họ, dùng chánh pháp để dẫn dắt giáo hóa tất cả các loài, đó là Nhất tâm. Chẳng dùng đời sống vật chất để tạo lập cho thọ mạng của mình, mà thọ mạng ấy chính là dốc chí nơi đạo pháp, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được chánh ý (niệm) và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như ý thức quan sát khắp các nẻo biến chuyển của các pháp hữu vi để nhận ra gốc của nó là vô vi, tuy trụ nơi vô vi mà không chấp vào nẻo tu chứng, đó là Bố thí. Hoặc như đối với cac pháp thiện ác, thanh tịnh, uế trược… luôn lãnh hội theo diệu lý bất nhị, hết thảy các pháp cũng đều như vậy, đó là Trì giới. Đức hạnh không bị dứt mà mỗi ngày đều chuyển biến, nâng cao, cho đến đạt được địa Không thoái chuyển, đó là Nhẫn nhục. Như có được phước báo tốt đẹp về điều thiện vô số vô lượng, nên luôn nhớ nghĩ đến việc cứu giúp muôn loài trong mười phương, đó là Tinh tấn. Cùng nhận thấy về cội nguồn của tất cả các pháp đều đúng với chân lý như vậy, tức bản chất của chúng là Vô sở hữu, đó là Nhất tâm. Như tôn phụng cõi tịch nhiên, nhận rõ gốc ngọn đều là không, không có đối tượng nào bị quên mất, cũng chẳng có kẻ nào có thể xâm phạm, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là đạt được chánh định và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như vui thích với chánh kiến nên chẳng còn chạy theo nẻo tà kiến, nghi ngờ, đã thực hiện theo chánh kiến ấy thì luôn dứt mọi tà nghiệp, đó là Bố thí. Tạo lập được các hành động bình đẳng chân chánh để phụng trì các pháp Bồ-tát, đó là Trì giới. Như nhờ chánh định nên tạo được mọi an lạc giai thoát, không còn những tạo tác tà vạy, đó là Nhẫn nhục. Do có được sự an định ấy mà dốc phụng trì cái gốc của bậc Khai sĩ, sớm tối luôn siêng năng, dứt mọi biếng trễ cùng mọi dựa cậy nương nhờ, đó là Tinh tấn. Đem lại mọi an lạc như sở nguyện của tâm, mọi nẻo hành hóa đều theo điều thiện, nên luôn nhận được thư thái, an nhiên, đó là Nhất tâm. Thực hiện các pháp Tam-muội nhằm dứt hẳn mọi ràng buộc của bạn bè lũ nhóm, tâm cũng xua sạch mọi nẻo thị phi, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực. (Tám đạo phẩm trong đoạn kinh này thiếu một loại).