SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 4

Phẩm 12: XUẤT GIA

Bấy giờ Bồ-tát nhìn khắp tất cả những người thân thuộc, thấy các kỹ nữ giống như những người gỗ trăm đốt rỗng không, trông rỗng như ruột cây chuối, chẳng có thật, kẻ thì tựa đầu lên chiếc trống, người thì gượng ôm lấy cây đàn, gối đầu lên cánh tay, cổ chân nhau nằm la liệt khắp trên sàn nhà, nước mắt nước mũi, nước dãi chảy ra. Các thứ nhạc khí đàn cầm, đàn tranh, ống tiêu, ông địch vung vãi ngổn ngang. Những loài chim canh gác đều ngủ say.

Bồ-tát quán sát khắp mọi người rồi quay lại nhìn người vợ, thấy nơi đó đầy cả hình thể, tóc, móng chân tay, tủy não, xương, răng, đầu lâu, da, thịt, gân, mạch, máu mủ, tim, phổi, lá lách, thận, gan, mật, ruột, dạ dày, phẩn, nước tiểu, nước mắt, nước dãi. Bên ngoài nhờ một lớp da bao bọc, nhưng bên trong là chỗ chứa đựng của bao nhiêu vật hôi thôi, nhơ nhớp, chẳng có một chút gì là đặc biệt quý báu, gượng lấy hương thơm xoa ướp, dùng hoa hòe trang sức điểm tô cũng chẳng khác nào của tạm mượn phải hoàn trả lại; lại cũng chẳng được bao lâu. Mạng sống trăm năm nhưng ngủ nghỉ đã mất đi phân nửa; lại còn bao nhiêu thứ buồn lo chi phối. Cái vui thật chẳng được là bao!

Phóng túng làm hỏng đức, khiến con người trở thành ngu si. Đó không phải là điều mà chư Phật, Duyên giác và các bậc Chân nhân khen ngợi. Cho nên tham dâm đưa đến già, sân hận đưa đến bệnh, ngu si đưa đến chết. Trừ sạch được ba điều này mới có thể đắc đạo.

Tất cả những vật sở hữu đều như mộng huyễn. Ba cõi không có chỗ nhờ, chỉ có đạo mới là nơi có thể nương tựa. Ngay khi ấy đọc kệ:

Thấy họ càng thương xót
Than thở, phát đại Bi
Đời ác độc khổ đau
Cớ sao ưa ái dục?
Xót thương kẻ ngu tối
Dục khổ lại nói vui
Xả tham, ưa trí tuệ
Không xả, không được an.

Bấy giờ Bồ-tát theo cảnh ấy xem xét nơi hậu cung phát khởi lòng thương rộng lớn, thấy như vậy rơi lệ, lòng Ngài rất xót thương cho họ. Người si có ba mươi hai cái hại đối với chúng sinh:

-Người ngu mê lầm bị điều ấy làm hại sinh ra tám nạn.
-Chỗ nhận thức bị nhiễm nhơ, cũng giống như chiếc bình đẹp đẽ đựng đầy thuốc độc, người ngu không hiểu cho là cam lộ.
-Người ngu mê lầm như bị cuốn,trong dòng nước dữ.
-Người ngu ưa thích việc đó như uống nước độc.
-Người ngu ở đó như con chó gặm cục xương.
-Người ngu rơi vào đây như đi vào khói mù.
-Người ngu tham điều xấu như mực bôi lên áo.
-Người ngu bị ách này như chim bị sa lưới.
-Người ngu bị dục lôi kéo giống như đồ tể lôi súc vật.
-Người ngu dù gần sát bên cũng không thấy được tai nạn sẽ đến.
-Người ngu chìm đắm vào đó như con trâu già bị sụp vũng lầy.
-Người ngu rơi vào đây giống như thuyền bị lủng, chìm trong biển lớn.
-Người ngu rớt vào đây như người mù bị ném vào hang sâu.
-Người ngu không biết hạn lượng, như vực sâu không đáy.
-Người ngu bị cháy thiêu ở đây như trời đất gặp kiếp thiêu.
-Người ngu mê đắm như bánh xe quay vòng không có đầu đuôi.
-Người ngu luồn lách theo đây như người mù vào núi.
-Người ngu rong ruổi luông tuồng theo đây như con chó bị cột cổ không rứt ra được.
-Người ngu tiêu diệt điều này như mùa đông đốt cây cỏ.
-Người ngu ngày một hao tổn theo đây như mặt trăng sau ngày rằm.
-Người ngu chinh phục điều này như những con rồng con gặp chim kim sí.
-Người ngu gặp điều này như cá Ma-kiệt nuốt chửng thuyền bè lớn.
-Người ngu buồn bực về điều này như cửa hàng buôn bán gặp giặc cướp.
-Người ngu lo sợ điều này như cây lớn bị đốn.
-Người ngu lo rầu việc này như gặp rắn độc.
-Người ngu ưa thích việc này như đem mật bôi lên lưỡi dao rồi đưa cho trẻ con liếm.
-Người ngu mê đắm điều này như lửa đốt cây khô.
-Người ngu gặp việc này như trẻ con đùa giỡn với vật nhọn.
-Người ngu bị điều này điều khiển như voi bị câu móc.
-Người ngu mất hết gốc đức như kẻ đánh bạc bị mất của và công lao phước lộc cũng tiêu tan.
-Người ngu bị vứt bỏ như thương gia phóng đãng rơi vào nơi quỷ dâm.

Đây là ba mươi hai việc xét thấy nơi hậu cung. Xem thấy các thể nữ Ngài khởi tưởng bất tịnh, tự mắng thân mình, thân ngồi trên hoạn hại. Chớ nên có ý nghĩ tham đắm thân này. Nên vào nơi thanh vắng yên tịnh, tâm không dính mắc, ngay khi đó đọc kệ.

Xét từ đầu đến chân
Thấy không một chút sạch
Chớ nên tham thân này
Đây là nơi gây tội
Do đó phải xa thân
Mũi dãi chảy nhơ nhớp
Do đây chớ yêu mến
Hạnh sạch như hoa sen
Bỏ vô số bất tịnh
Khởi bình đẳng điều định
Do biết các chân lông
Như trùng không thể mến
Thân này giống như voi
Xương, tủy, thịt, máu hợp
Gân, mạch cùng da bọc
Lông, tóc, các móng, răng
Có tám vạn loài trùng
Ngày đêm thi nhau gặm
Nếu người có trí tuệ
Trọn không nghĩ đến thân.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bồ-tát xét thấy thân tâm suy tư về những điều trên, chư Thiên cõi Dục ở trong hư không đều biết rõ những điều suy nghĩ của Bồ-tát.

Thiên tử Pháp Hạnh từ xa bạch với Bồ-tát:

Cúi xin Đại thánh, giờ đã đến, sao Ngài còn chậm trễ?

Lúc ấy Bồ-tát quán sát nơi hậu cung, thấy tâm ý, các căn đều vô thường, biết thân tồn tại không lâu, cũng giống như dòng nước trôi đi không trở lại. Việc làm của người đời là mưu tính cho cái ngã của mình. Hễ ở đâu có cái ngã của mình thì có sự chấp chặt sâu dày. Người có đạo hạnh cùng tột mới là người đứng đầu, quán sát đúng các cảnh giới nên mến thích sự an vui của bậc Thánh, còn người chấp cái ngã của mình thì tự cho ngã là tôn quý. Tâm không dính vào một chỗ nào mới nên hành đạo.

Thiên tử Pháp Hành lại bạch:

-Không dùng hạnh này để đạt quả vị Phật. Hiện tại trong việc hành đạo chỗ tu rất là khó, phải xét thân mình đồng như hang núi, chính đó mới là rốt ráo của bậc Bồ-tát đại sĩ Nhất sinh bổ xứ.

Bấy giờ Bồ-tát đối với mọi việc đều thông suốt, tâm Ngài vững chắc, tâm suy tư sáng rõ, vui vẻ trong lòng, mục đích là phụng sự giúp đỡ mọi người xa lìa trần cấu, không vì cung kính, chỉ vâng theo đạo mà thôi, từng niệm, từng niệm an ổn, thanh thản như nước trong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trong lòng vui vẻ, quan sát khắp mọi người đang ở trước mặt, rồi vén bức màn báu trang sức, bước lên giảng đường, chắp tay niệm danh hiệu chư Phật trong mười phương và từ xa đảnh lễ các Ngài. Xem thấy trong hư không trăm ngàn chư Thiên đều đi đến vây quanh rải hoa, đốt hương, dâng các loại hương bột, dùng y phục, lọng lụa trang sức, tay cầm tràng phan bảo cái cùng các dụng cụ cúng dường, cúi đầu làm lễ Bồ-tát. Thấy Tứ Thiên vương, Quỷ thần, La-sát, Càn-đạp-hòa…Các chúng Long Vương đều mặc áo giáp, vứt bỏ hết các điều không tốt lành, sạch hết các hạnh xấu, buông rủ ngọc anh lạc, cúi đầu lạy Bồ-tát. Các Thiên tử ở trong cung điện nhật nguyệt… đứng ở hai bên cầm hoa hương, lọng lụa, tràng phan, báo cái.

Bấy giờ đã gần nửa đêm, Bồ-tát bảo Xa-nặc:

-Hãy mau thức dậy sửa soạn yên cương cho con bạch mã. Ngày hôm nay đúng là ngày tốt, nên ra đi.

Xa-nặc nghe nói trong lòng buồn rầu, nước mắt tuôn trào:

-Việc làm Ngài bình đẳng sáng suốt, thanh tịnh giống như sư tử. Nay sắp lên đường, xin Ngài dạy bảo.

Sắc diện đoan chánh như trăng rằm trung thu. Nhan mạo hòa vui không gợn một vết nhăn, chỗ hiểu biết trong sạch giống như hoa sen. Âm thanh hòa nhã, trong sáng như ngọc minh châu. Các anh lạc báu nơi thân chiếu sáng rực rỡ. Tâm như hư không, như vua trong loài hươu, đi như nhạn vương một mình bay đi không hề sợ nguy hiểm. Mọi người đều theo, nay muốn xuất gia.

Bấy giờ Bồ-tát lại bảo với Xa-nặc:

-Muốn chọn ngựa trắng, nhiều đời đã từng đi sẽ đưa đến quả Thượng tôn. Vợ con, ân ái, của báu, sự nghiệp giàu sang, tất cả chỉ là lao ngục, là những thứ xưa nay ta tránh xa không ưa thích, chỉ muốn giữ giới, phụng hành nhẫn nhục, tu tinh tấn lực, thiền định, trí tuệ, điều mà tâm ta hằng ưa thích. Từ vô số trăm ngàn ức kiếp đã từng phụng hành là chí hướng hâm mộ được thành đạo, đoạn nguồn gốc sinh tử, trí tuệ sáng suốt chỉ dạy cho tất cả chúng sinh. Từ đây trở đi không còn ưa thích giàu sang phú quý, bổng lộc, chỉ để chí nơi đạo lớn.

-Lúc ta mới sinh, Phạm thiên, Đế Thích tự hiện xuống đảnh lễ, ngay khi ấy ta đã quyết định việc này. Vua hỏi thế nào, A-di đáp: “Nay đây một tướng của Thái tử có đủ cả trăm phước, oai thần sáng chói không ai có thể sánh kịp. Nếu người ở đời làm Chuyển luân thánh vương sẽ làm chủ cả bốn châu thiên hạ. Nếu không thích ở đời, bỏ nước xuất gia làm Sa-môn thời sẽ thành Phật, dứt hẳn sinh, già, bệnh, chết, dùng chánh pháp giáo hóa không hề sao lãng!”

Xa-nặc bạch:

-Xin nguyện y theo lời Ngài dạy.

-Khi ấy ngươi có nghe về năm dục lạc không?

Đáp:

-Không. Theo ý bậc Thiên tôn thì phải tạo vô lượng hạnh, nhưng con sống ngu tối không hiểu biết gì, nuôi dưỡng tóc râu, vì thân thể này mà gây khổ hoạn, tăng thêm tội lỗi chồng chất, chịu nhiều khổ đau.

Bồ-tất bảo:

-Chư Thiên, người đời đều cầm hương hoa hiện ra trước mắt, đồng đến nhóm họp, biểu hiện sức thần túc để hầu hạ ta.

Xa-nặc bạch:

-Nay trong vườn hoa trổ đầy hoa trái, các loài chim đua nhau ca hát vang lừng. Trong những ao tắm có các loại hoa sen, hoa phù dung xanh, thanh khiết. Có các con đường rộng rãi, bằng thẳng, các hàng cây quý được cắt xén, sửa sang ngay thẳng, đẹp đẽ. ở chỗ tám con đường giao nhau được trang trí các loại trướng báu. Mùa hè dạo chơi trong đó rất là vui thích. Đủ các môn ca nhạc đặc biệt được trình diễn để cùng nhau vui chơi. Mọi người đều cùng vâng thờ cấm giới, nói những lời chí thành. Từ khi Thái tử đản sinh, thường thuận theo ý Ngài, không vượt qua những lời Ngài dạy bảo. Khi còn niên thiếu sắc diện tươi sáng, tóc đen mướt, mọi người đều thích. Cúi xin Ngài nên bằng lòng với điều đó. Đời sống như vậy, sao Ngài lại bỏ ra đi?

Bấy giờ Bồ-tát lại bảo với Xa-nặc:

-Xa-nặc hãy thôi, đừng nói nữa! Dục lạc ấy không thường, không có thể giữ được lâu dài. Sự biệt ly cũng giống như dòng nước sông trôi chảy, không bao giờ trở lại, không có thể giữ được mãi mãi, đó là hoặc nghiệp mê lầm, giống như đưa nắm tay không ra để dối gạt trẻ con. Nó mềm yếu, không bền vững, giống như tường vách đất bùn, không thể nương tựa. Như lằn chớp giữa không trung, thoáng chốc đã diệt mất. Lại cảnh giới này không chân thật; kẻ ngu tối cho đây là an ổn, mà ta thấy nó dối lừa như bọt nước, vừa mới nổi lên liền tan mất; ở ngay chỗ điên đảo, cũng như đám bọt nổi trên mặt nước, như huyễn hóa, chiêm bao. Năm món dục lạc không bao giờ thỏa mãn; cũng như biển nuốt các dòng, như khát uống nước mặn, càng tăng thêm khổ hoạn mà thôi. Vô thường của dục chỉ có người trí mới có thể biết, người ngu không thể hiểu, cũng giống như người mù bị quăng vào hang tối. Xa-nặc nên biết, bùn ngũ dục không sạch. Ngạ quỷ, súc sinh do vì không hành thiện nên mất đi phẩm hạnh trong sạch, tăng thêm cảnh giới ma, oán kết đấu tranh, buồn rầu đau khổ, cùng với dâm quỷ gặp nhau. Người giác ngộ dứt bỏ, người thông minh xa lìa, bậc minh triết tiêu diệt. Người vô trí học tập theo như uống thuốc độc, là điều chư Phật hủy bỏ, người có trí học tập theo Thánh giáo.

Lúc đó đọc kệ:

Bỏ dục như ghẻ độc
Như bỏ những phẩn nhơ
Thấy chúng dục phát sinh
Vứt bỏ hằng an ẩn.