KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: TRÍ HIỂU CHÚNG SINH

Phật nói:

–Thiện nam! Như Lai biết rõ chí nguyện, sở học, hình tướng, nhân hành của tất cả chúng sinh. Thế nào là biết? Hoặc có người sống trong tham dục, giải thoát từ sân hận; người sống trong sân hận giải thoát từ tham dục; người sống trong ngu si, tham dục, giải thoát từ sân; người sống trong ngu si tham dục, giải thoát từ sân; người sống trong đức lành giải thoát từ bất thiện, người không lành lại tin đạo lành; người ít siêng năng giải thoát từ lòng tin vi diệu; người thích pháp nhỏ lại sống trong sự vi diệu, người sống trong sự vi diệu lại tin pháp nhỏ, tạo nghiệp tà vạy không thoát các cõi; người thiếu niềm tin lại thành tựu chánh nghiệp, người hướng đến chánh định được giải thoát; người tin vượt cõi Dục, người tin vượt cõi Sắc; người tin vượt ba cõi; người ít tin lại đạt sự thù diệu, người thích sự thù diệu lại đưa đến tổn hại; người sinh vào đâu, thân hình ra sao, gia nghiệp nhiều ít, lòng tin sâu cạn, Như Lai đều biết rõ, nên tùy thuận thuyết pháp, giúp chúng giải thoát. Đó là hạnh thứ ba của Phật.

Như Lai lại nói kệ:

Chúng sinh chí khác nhau
Sở thích lại không giống
Tâm tánh không nhất định
Như Lai đều biết rõ.
Phật biết rõ chí hướng
Cùng mọi sự tin thích
Sống trong tham, sân, si
Hoặc đọa trong ngu muội.
Ngu si cùng tham dục
Tạo nghiệp thiện, không thiện
Hành nghiệp nhỏ hoặc lớn
Như Lai đều biết rõ.
Nhân thấp kém, vi diệu
Chí tánh thích sâu xa
Hoặc từ nghiệp đặc thù
Siêng năng tin giải thoát.
Từ lòng tin thấp nhỏ
Lại đạt quả vi diệu
Từ hạnh đức lớn lao
Đạt quả trí thấp kém.
Tà vạy không tỏ ngộ
Không hiểu được Tam-muội
Tin thích vượt ba cõi
Phật biết rõ tất cả.
Thân hình lúc thọ sinh
Mọi việc của chúng sinh
Nhân tướng đều sai khác
Tin tưởng được giải thoát.
Chúng sinh trong ba cõi
Phật biết nên giảng pháp
Tùy thuận độ tất cả
Là hạnh của Mười Lực.