KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: TỐI THẮNG 

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, thế gian chuyển rồi, khi hình thành như vậy, các loài chúng sanh phần nhiều được sanh lên cõi trời Quang âm. Các chúng sanh ấy, khi sanh lên cõi trời kia, thân tâm thư thái, lấy sự vui mừng làm thức ăn, tự nhiên phát ánh sáng. Lại có thần thông đi trên hư không, được sắc đẹp thù thắng, tuổi thọ lâu dài, sống đời an lạc. Chư Tỳ-kheo, thế gian bấy giờ chuyển hoại rồi thành, rỗng không, không có vật gì. Trong cung của chư Phạm chưa có chúng sanh. Trên trời Quang âm, kẻ phước nghiệp hết lại sanh xuống trong cung điện Phạm, chẳng từ thai sanh, bỗng nhiên hóa hiện. Ban đầu, trời Phạm này, gọi là Sa-ha-ba-đế. Sa-ha là tên thế giới; Ba-đế là chủ, vì vậy cho nên có tên này xuất hiện.

Chư Tỳ-kheo, bấy giờ, lại có các chúng sanh khác phước thọ hết rồi, từ trời Quang âm, bỏ thân mạng xong cũng sanh xuống đây, thân hình đẹp đẽ, lấy niềm vui mừng làm thức ăn uống, tự nhiên phát ra ánh sáng, có sức thần thông bay trên hư không, thân sắc tươi đẹp, liền ở trong khoảng ấy, an trụ lâu dài. Các chúng sanh ấy, trong thời gian sinh sống, không có nam nữ, không có tốt xấu, chỉ có tên này: chúng sanh, chúng sanh mà thôi.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngay trong thời kỳ Tam-ma-da như thế, trên mặt đất này, sanh ra lớp mỡ đất, ngưng tụ khắp nơi. Thí như có người nấu chín nước sữa, trên sữa có màng mỏng đóng lại, giống như màng nước, kết trên mặt nước cũng như thế. Chư Tỳ-kheo, lại thời gian sau, trên mặt đất này đã sanh ra lớp mỡ đất, đứng yên tại chỗ, dần dần như kem, thành ra sanh tô, có các hình dáng màu sắc như vậy, mùi vị thơm ngon giống như mật thượng hạng. Lúc ấy chúng sanh ở trong đó, bỗng nhiên có kẻ tánh tham ăn, thích nghĩ thế này: “Nay ta cũng có thể dùng tay lấy thứ này nếm thử để biết được đây là vật gì”. Chúng sanh kia nghĩ như vậy rồi liền dùng ngón tay chọt sâu xuống một lóng, chấm lấy vị đất mút để thưởng thức. Thưởng thức rồi thích ý, chấm mút, chấm mút như vậy cho đến ba lần, liền sanh tham đắm. Kế đến dùng tay bốc, dần dần dùng tay hốt, sau lại hốt nhiều, tự do mà ăn. Khi đó vị chúng sanh ấy tự do hốt ăn như vậy. Có vô số chúng sanh khác trông thấy cũng liền bắt chước, tranh nhau mà ăn. Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ấy lấy vị đất này ăn mãi không thôi, thân hình họ tự nhiên xấu đi, da dẻ thô dày, nhan sắc phai mờ nhớp nhúa, hình mạo đổi khác, không còn ánh sáng, cũng không còn có thể bay lên hư không, vì lớp mỡ đất nên thần thông biến mất. Chư Tỳkheo, như trước đã nói, sau cũng như thế. Lúc đó thế gian trở thành tối tăm. Chư Tỳ-kheo, vì vậy nên thế gian mới có sự tối tăm lớn xuất hiện.

Lại nữa, tại sao ngay lúc ấy thế gian lại xuất hiện mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, lại có tên gọi ngày đêm, một tháng, nửa tháng, năm, thời tiết… xuất hiện? Chư Tỳ-kheo, bấy giờ, cung điện mặt trời to lớn đẹp đẽ từ phương Đông xuất hiện, vận hành vòng quanh lưng chừng núi Tu-di rồi lặn ở phía Tây. Lặn ở phía Tây rồi, trở lại xuất hiện ở phương Đông. Khi ấy chúng sanh lại thấy mặt trời to lớn đẹp đẽ từ phương Đông xuất hiện, bảo với nhau: “Chư Nhân giả, lại là mặt trời chiếu sáng cung điện, sẽ từ phương Đông xuất hiện trở lại, vòng sang phía phải núi Tu-di và sẽ lặn mất ở phương Tây”. Thấy ba lần rồi, họ vẫn bảo nhau: Chư Nhân giả, đó là ánh sáng lưu hành của trời kia, đấy là ánh sáng của trời kia lưu hành”. Vì vậy, họ gọi mặt trời là Tu-lê-da (Tu-lê-da theo đời Tùy ý chỉ cái này là cái kia) cho nên có tên gọi như thế xuất hiện.

Hết Quyển 9

 

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các vị nên biết! Cung điện mặt trời cao rộng bằng nhau năm mươi mốt do-tuần, trên dưới cũng vậy, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, hàng cây Đa-la cũng có bảy lớp bao bọc chung quanh, nhiều màu xen kẽ, dùng để trang nghiêm. Các bờ tường kia đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não tạo thành. Ở bốn phía đều có các cửa. Ở mỗi cửa đều có lầu gác canh phòng, đài quan sát và các rừng cây, ao, vườn. Ở trong ấy có đủ các loại cây, cây ấy có các loại lá, các loại hoa, các loại quả, các loại mùi thơm theo gió xông khắp. Lại có các loài chim cùng nhau ca hót.

Chư Tỳ-kheo, mặt trời kia dùng hai loại vật dụng tạo thành cung điện, vuông vắn như ngôi nhà, từ xa trông giống như tròn. Chư Tỳ-kheo, những gì là hai? Đó là vàng và pha lê. Cung điện mặt trời ấy do nhiều vàng trời và pha lê trời, hợp lại mà thành; một mặt hai phần đều là vàng trời trong sạch không dơ, lìa các cáu bẩn, sạch sẽ chói sáng; một mặt một phần là do pha lê trời tạo thành, sạch sẽ chói sáng, càng chà càng sáng, không có cấu uế.

Chư Tỳ-kheo, lại nữa, cung điện mặt trời đẹp đẽ to lớn kia, có năm loại gió thổi chuyển đi: một là Trì, hai là Trụ, ba Tùy thuận chuyển, bốn là Ba-la-ha-ca, năm là Tương hành.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ở trước cung điện mặt trời kia, đặc biệt có vô lượng vị trời đi trước; vô lượng trăm vị trời, vô lượng ngàn vị trời, vô lương trăm ngàn vị trời đi trước. Khi đi, ai nấy đều luôn được an lạc, đều gọi là lao hành. Danh xưng chư Thiên Lao hành phát xuất từ đó.

Chư Tỳ-kheo, trong cung điện mặt trời, dùng vàng Diêm-phùđàn làm xe, kiệu đẹp, cao mười sáu do-tuần, vuông tám do-tuần, trang nghiêm đẹp đẽ. Thiên tử mặt trời và quyến thuộc ở trong xe ấy, cùng nhau thọ hưởng thú vui năm dục của trời một cách đầy đủ, vui vẻ. Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trời thọ năm trăm tuổi, con cháu truyền nhau, đều cai trị ở đó. Cung điện tồn tại mãn một kiếp.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong các bộ phận nơi thân thể của Thiên tử mặt trời, ánh sáng phát ra, chiếu sáng xe Diêm-phù-đàn; ánh sáng xe Diêm-phù-đàn lại chiếu sáng cung điện kia. Từ trong đại cung điện mặt trời kia, ánh sáng liên tục phát ra chiếu sáng khắp cả bốn châu và các thế giới.

Chư Tỳ-kheo, xe và cung điện của Thiên tử mặt trời đều có đầy đủ một ngàn ánh sáng; năm trăm ánh sáng theo bên chiếu sáng, năm trăm ánh sáng hướng xuống chiếu sáng.

Lại nữa, vì nhân duyên gì mà chỗ ở của Thiên tử mặt trời, cung điện to lớn đẹp đẽ, chiếu sáng bốn đại châu và các thế giới?

Chư Tỳ-kheo, có một hạng người hay làm việc bố thí. Khi người ấy bố thí thì bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và người bần cùng cô độc, từ xa đến xin, và bố thí các thức ăn uống, xe cộ, áo quần, tràng hoa, chuỗi Anh lạc, hương xoa, giường, nệm, phòng xá, đèn dầu, nói chung là vật cần thiết dưỡng thân nuôi mạng. Khi bố thí, bố thí nhanh chóng, bố thí chẳng dua nịnh; hoặc lại cúng dường cho chư Tiên trì giới, người hành thiện đầy đủ công đức, phụng sự đủ các thứ cần dùng. Do nhân duyên ấy, thân tâm vị ấy thọ vô lượng an lạc. Thí như ở chốn rừng núi hoang vu vắng vẻ, nơi sa mạc bát ngát xa xôi, bỗng nhiên có một ao nước, nước ao mát mẻ, trong sạch, ngọt ngon. Có đoàn lữ hành, đi xa mệt mỏi, nóng bức đói khát, chẳng được ăn uống, trải qua nhiều ngày, đến chỗ ao ấy, uống rồi tắm rửa không còn đói khát, nóng bức, ra khỏi ao, thân ý vui vẻ, sung sướng vô cùng, lấy làm hoan hỷ. Như thế, như thế, người kia bố thí, do tâm thanh tịnh nên khi thân hoại mạng chung, sanh làm Thiên tử ở trong cung điện mặt trời. Sanh trong ấy rồi, vị ấy được quả báo về cung điện, phi hành nhanh chóng vừa ý như thế. Do nhân duyên đó, cung điện mặt trời chiếu sáng bốn châu và các thế giới khác.

Chư Tỳ-kheo, lại có hạng người, chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu, chẳng phóng dật, cúng dường chư Tiên hiền có đầy đủ công đức trì giới, gần gũi người chỉ thuần làm pháp lành… như trên, khi thân hoại mạng chung, theo nguyện vãng sanh lên cung điện mặt trời. Ở nơi ấy vị ấy liền hưởng thọ quả báo nhanh chóng. Vì vậy gọi là các nẻo nghiệp thiện. Do nhân duyên ấy, cung điện mặt trời đó chiếu sáng bốn châu và các thế giới khác.

Lại có một hạng người tu chẳng sát sanh cho đến tu chánh kiến, cũng từng cúng dường các vị tiên đầy đủ công đức trì giới, cũng từng gần gũi người chỉ thuần làm thiện. Vì gặp nhân duyên thanh tịnh ấy, nên liền được quả báo sanh lên cung điện mặt trời, thọ quả báo nhanh chóng. Do nhân duyên ấy, cung điện mặt trời chiếu sáng bốn đại châu và các thế giới khác… như trên

Chư Tỳ-kheo, sáu mươi sát-na gọi là một la-bà, ba mươi la-bà gọi là mâu-hưu-đa. Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời vận hành không ngừng nghỉ dù cho trong khoảng một mâu-hưu-đa, một la-bà hay một sát-na. Sáu tháng đi về hướng Bắc, trong một ngày chuyển dần về hướng Bắc sáu câu-lô-xá, chưa từng rời khỏi quỹ đạo mặt trời. Sáu tháng đi về phương Nam, cũng trong một ngày, chuyển dần về hướng Nam sáu câu-lô-xá, chẳng lệch khỏi quỹ đạo mặt trời.

Chư Tỳ-kheo, trong thời gian sáu tháng, thì vào ngày thứ mười lăm, cung điện mặt trăng cũng di chuyển như vậy.

Lại nữa, do nhân duyên gì, thường vào mùa hạ phát sanh nóng bức?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời, trong khoảng thời gian sáu tháng đi về hướng Bắc, một ngày thường đi sáu câu-lô-xá, chưa từng rời khỏi quỹ đạo mặt trời. Nhưng trong thời gian ấy, có mười nhân duyên nên phát sanh nóng bức. Những gì là mười?

Chư Tỳ-kheo, ngoài núi Tu-di lại có một núi tên là Khư-đề-laca cao rộng bằng nhau bốn vạn hai ngàn do-tuần, nhiều màu đẹp đẽ, do bảy báu tạo thành. Trong thời gian ấy, ánh sáng của cung điện mặt trời chiếu đến núi kia, làm cho núi phát nóng, nên ở thời điểm ấy có sự nóng bức. Đây là nhân duyên thứ nhất gây nóng bức.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngoài núi Khư-đề-la-ca, lại có một ngọn núi tên là Y-sa-đà-la, cao rộng bằng nhau hai vạn một ngàn do-tuần. Trong thời gian ấy cung điện mặt trời chiếu sáng đến núi kia làm cho núi ấy phát nóng. Đây nhân duyên thứ hai gây ra sự nóng bức.

Lại có núi Do-càn-đà cao rộng bằng nhau, một vạn hai ngàn do-tuần… Đó là nhân duyên thứ ba.

Lại có núi Thiện hiện, cao rộng bằng nhau sáu ngàn do-tuần…

Đó là nhân duyên thứ tư.

Lại có núi Mã phiến đầu, cao rộng bằng nhau ba ngàn dotuần… Đó là nhân duyên thứ năm.

Lại có núi Ni-dân-đà-la, cao rộng bằng nhau một ngàn hai trăm do-tuần… Đó là nhân duyên thứ sáu.

Lại có núi Tỳ-na-da-ca cao rộng bằng nhau sáu trăm do-tuần… Đó là nhân duyên thứ bảy.

Lại có núi Luân vi cao rộng bằng nhau ba trăm do-tuần… Đó là nhân duyên thứ tám.

Lại từ đại địa này trở lên cao một vạn do-tuần, ở trong hư không, có trú xứ là cung điện của các Dạ-xoa do pha lê tạo thành… Đó là nhân duyên thứ chín.

Lại có bốn đại châu, tám vạn tiểu châu, trong các châu ấy, có các núi lớn khác ngoài núi chúa Tu-di… Đó là nhân duyên thứ mười. Tất cả đều như đã nói về núi Khư-đề-la-ca.

Đó là mười nhân duyên sanh nóng bức trong sáu tháng cung điện mặt trời đi trong quỹ đạo về hướng Bắc.

Lại nữa, do nhân duyên gì ở trong đó có sự lạnh lẽo?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời, sáu tháng về sau, dần dần đi về hướng Nam. Bấy giờ lại có mười hai nhân duyên phát sanh lạnh lẽo. Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai núi là núi Tu-di và núi Khư-đềla-ca, có biển Tu-di-lưu rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, bao la bát ngát. Trong ấy có nhiều hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câumâu-đầu, hoa Bôn-đồ-lê-ca… mọc khắp mọi nơi, hương thơm ngào ngạt. Ánh sáng của cung điện mặt trời ngang qua nơi ấy, chiếu xuống biển kia. Đây là nhân duyên thứ nhất có sự lạnh lẽo. Cứ lần lượt như vậy, núi Y-sa-đà-la là nhân duyên thứ hai, núi Do-càn-đà là nhân duyên thứ ba, núi Thiện hiện là nhân duyên thứ tư, núi Mã phiến đầu là nhân duyên thứ năm, núi Ni-dân-đà-la là nhân duyên thứ sáu, núi Tỳ-na-da-ca là nhân duyên thứ bảy, núi Đại luân vi là nhân duyên thứ tám… Trong các biển ấy có các loài hoa đầy đủ thứ lớp như trong núi Khư-đề-la-ca đã nói.

Lại nữa, trong châu Diêm-phù ở chỗ có các dòng sông chảy, ánh sáng của cung điện mặt trời chiếu đến, nên có sự lạnh lẽo… lược nói cho đến… Đây là nhân duyên thứ chín gây ra sự lạnh lẽo.

Lại nữa, như các dòng sông chảy của châu Diêm-phù, ở châu Cù-đà-ni, các dòng sông chảy nhiều gấp bội; ở đấy ánh sáng của cung điện mặt trời chiếu đến, sự lạnh lẽo càng tăng. Đây là nhân duyên thứ mười gây ra sự lạnh lẽo.

Lại nữa, như các dòng sông chảy của châu Cù-đà-ni, ở châu Phất-bà-đề, các dòng sông chảy nhiều hơn nơi đây gấp bội. Đó là nhân duyên thứ mười một gây ra sự lạnh lẽo.

Lại nữa, như các dòng sông chảy của châu Phất-bà-đề, ở châu Uất-đơn-việt, các dòng sông chảy hơn nơi đây gấp bội. Ánh sáng của cung điện mặt trời chiếu đến nên sanh lạnh lẽo. Đây là nhân duyên thứ mười hai gây ra lạnh lẽo.

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời, trong khoảng thời gian sáu tháng đi về hướng Nam, mỗi ngày đi được sáu câu-lô-xá, không ngược quỹ đạo. Có mười hai nhân duyên như vậy nên có sự lạnh lẽo.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì về thời kỳ mùa đông đêm dài ngày ngắn? Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời, qua sáu tháng rồi, dần dần đi về hướng Nam, cứ mỗi ngày di chuyển sáu câu-lô-xá, không có sai lệch. Ngay lúc ấy, cung điện mặt trời ở tại mé cực Nam của châu Diêm-phù, địa hình nhỏ hẹp, nên mặt trời qua nhanh. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này vào mùa đông ngày ngắn, đêm dài.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì về mùa xuân, hạ, ngày dài đêm ngắn? Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trời, qua sáu tháng rồi dần dần đi về hướng Bắc, cứ trong mỗi ngày di chuyển sáu câu-lôxá, không có sai lệch ngoài quỹ đạo cố định. Ngay lúc ấy, đang đi ở trong xứ châu Diêm-phù, đất rộng, đi lâu nên ngày dài. Chư Tỳkheo, vì nhân duyên này nên mùa xuân, hạ ngày dài đêm ngắn.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, nếu ở châu Diêm-phù, khi mặt trời giữa trưa, thì ở châu Phất-bà-đề mặt trời vừa lặn, ở châu Cù-đà-ni mặt trời mới mọc, ở châu Uất-đơn-việt chính là lúc nửa đêm. Nếu ở châu Cù-đà-ni khi mặt trời giữa trưa, thì ở châu Diêm-phù này mặt trời vừa lặn, ở châu Uất-đơn-việt mặt trời mới mọc, ở châu Phất-bà-đề nhằm lúc nửa đêm. Nếu ở châu Uất-đơn-việt mặt trời giữa trưa thì ở châu Cù-đà-ni mặt trời vừa lặn, ở châu Phất-bà-đề mặt trời mới mọc, ở châu Diêm-phù nhằm lúc nửa đêm. Nếu ở châu Phất-bà-đề mặt trời giữa trưa thì ở châu Uất-đơn-việt mặt trời vừa lặn, ở châu Diêm-phù mặt trời mới mọc, ở châu Cù-đà-ni nhằm lúc nửa đêm.

Chư Tỳ-kheo, nếu người châu Diêm-phù gọi là phương Tây thì người Cù-đà-ni cho là phương Đông; người Cù-đà-ni gọi là phương Tây thì người cõi Uất-đơn-việt cho là phương Đông; người cõi Uấtđơn-việt gọi là phương Tây thì người cõi Phất-bà-đề cho là phương Đông; người cõi Phất-bà-đề gọi là phương Tây thì người châu Diêmphù cho là phương Đông. Hai phương Nam, Bắc cũng lại như vậy. Khi ấy Đức Thế Tôn tự thuyết kệ:

Chuyển biến trụ và hoại
Trời hiện và mỏng che
Mười hai loại gió thổi
Chư Thiên đi phía trước
Lầu gác và gió thổi
Thân thể ánh sáng chiếu
Nghiệp bố thí, trì giới
Qua sát-na, la-bà
Nóng thì có mười duyên
Lạnh có mười hai thứ
Ngày đêm và giữa trưa
Đông, Tây nói bốn hướng.

Chư Tỳ-kheo, cung điện của Thiên tử mặt trăng cao rộng bằng nhau bốn mươi chín do-tuần, bốn bên bao bọc gồm bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông. Lại có bảy lớp hàng cây Đa-la bao quanh nhiều màu dễ xem. Các bờ tường ấy đều do vàng, bạc… cho đến mã não, bảy báu tạo thành. Các cửa ở bốn mặt đều có lầu gác, trang trí đủ thứ… cho đến các loài chim cùng nhau ca hót, như đã nói về cung điện mặt trời ở trước.

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng thuần bằng bạc cõi trời, lưu ly xanh cõi trời xen kẽ lẫn nhau; hai phần bạc cõi trời, trong sạch không dơ, không có cặn bẩn, thể nó trong sáng, ánh sáng chói lòa, còn phần kia là lưu ly xanh cõi trời, cũng rất trong sạch, trong ngoài trong suốt, ánh sáng chiếu xa.

Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trăng kia, cung điện rất đẹp đẽ, được năm loại gió hộ tống đưa đi: Một là Trì, hai là Trụ, ba là Thuận, bốn là Nhiếp, năm là Hành. Do năm loại gió này hộ tống nên cung điện mặt trăng theo hư không mà đi.

Chư Tỳ-kheo, trước cung điện mặt trăng cũng có vô lượng cung điện của chư Thiên dẫn đường đi trước; vô lượng trăm ngàn vạn số Thiên tử… cũng đi ở trước. Khi đi ở trước họ luôn luôn thọ hưởng vô lượng các thứ diệu lạc. Các Thiên tử ấy đều có tên gọi.

Chư Tỳ-kheo, ở trong đại cung điện mặt trăng ấy, có một cỗ xe lớn, tạo thành bằng lưu ly xanh. Xe ấy cao sáu do-tuần, rộng tám dotuần. Thiên tử mặt trăng cùng với các Thiên nữ ở trong xe này dùng đủ các thứ vui của năm dục, cùng nhau thọ hưởng, vui vẻ thỏa thích, tùy ý mà đi.

Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trăng kia theo năm tháng trời thọ năm trăm tuổi, con cháu truyền nhau, ngự trị nơi ấy. Những cung điện ấy trụ một kiếp.

Chư Tỳ-kheo, trong các bộ phận nơi thân thể của Thiên tử mặt trăng phát ra ánh sáng chiếu khắp cỗ xe lưu ly xanh kia. Ánh sáng của xe ấy lại chiếu sáng cung điện mặt trăng. Ánh sáng của cung điện mặt trăng chiếu sáng bốn đại châu.

Chư Tỳ-kheo, Thiên tử mặt trăng kia có năm trăm luồng ánh sáng chiếu xuống phía dưới, năm trăm luồng ánh sáng chiếu chung quanh. Vì vậy mặt trăng gọi là ngàn ánh sáng, cũng gọi là ánh sáng mát lạnh.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì cung điện mặt trăng chiếu sáng bốn đại châu? Vì trong quá khứ bố thí cho Sa-môn và Bà-la-môn, người bần cùng cô độc từ xa đến xin ăn; đều bố thí đồ ăn, thức uống, xe cộ, y phục, tràng hoa, các thứ hương thơm, giường, phòng, các vật dụng nuôi sống… Khi bố thí, kịp thời, nhanh chóng, không có tâm dối trá quanh co; hoặc lại cúng dường chư Tiên đầy đủ công đức trì giới, chánh trực, thuần thiện. do nhân duyên đó nên thọ vô lượng các thứ thân tâm an lạc. Thí như trong chốn núi đầm vắng vẻ, sa mạc hoang vu, có một ao nước, mát mẻ đẹp đẽ, không có cáu bẩn. Khi ấy có người, đường xa mỏi mệt, đói khát nóng bức, vào trong ao này tắm rửa, uống nước, trừ tất cả khổ, thọ vô lượng lạc. Như thế, như thế, do nhân duyên trên, sanh trong cung điện mặt trăng thọ quả báo an lạc, cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, hoặc lại có người dứt bỏ sát sanh cho đến dứt bỏ uống rượu và các hạnh phóng dật, cúng dường, phụng sự chư Tiên có đức thì được sanh vào trong cung điện mặt trăng, chiếu sáng bốn châu; hoặc lại có người vì dứt trừ sát sanh cho đến có chánh kiến nên được cung điện đi trên hư không nhanh chóng. Đây gọi là các đạo nghiệp thiện.

Lại do nhân duyên gì cung điện mặt trăng dần dần hiện ra?

Chư Tỳ-kheo, việc này có ba nhân duyên: Một là di chuyển, xuất hiện trái nhau. Hai là thân chư Thiên màu xanh, hình mang Anh lạc, tất cả đều xanh, thường trong nửa tháng, che khuất cung ấy, vì che khuất nên khi ấy hình mặt trăng dần dần hiện ra. Ba là từ cung điện mặt trời có sáu mươi luồng ánh sáng cùng loạt phát ra che vầng trăng kia, do nhân duyên ấy mặt trăng dần dần hiện ra.

Do nhân duyên gì cung điện mặt trăng ấy hiện ra tròn đầy như thế?

Chư Tỳ-kheo, cũng do ba nhân duyên nên có như vậy: Một là lúc bấy giờ cung điện mặt trăng chuyển xuất đối mặt nhau, do đó nên hiện ra tròn đầy. Lại nữa, chư Thiên màu xanh, y phục bằng Anh lạc, tất cả đều xanh, thường trong nửa tháng che khuất cung điện mặt trăng. Nhưng cung điện mặt trăng này, vào ngày trai nhật, ngày thứ mười lăm, hình rất tròn đầy, ánh sáng vằng vặc. Thí như thắp đuốc lớn nhiều dầu lên, thì ánh sáng các ngọn đèn nhỏ đều bị lu mờ. Như vậy, cung điện mặt trăng, vào ngày thứ mười lăm có thể che khuất các thứ ánh sáng, cũng lại như vậy.

Sáu mươi luồng ánh sáng của cung điện mặt trời cùng lúc phát ra che vầng trăng. Cung điện mặt trăng này vào này trai nhật, ngày thứ mười lăm tròn đầy, ở tất cả chỗ đều không bị che khuất, khi ấy ánh sáng mặt trời chẳng thể che khuất được.

Do nhân duyên gì cung điện mặt trăng vào ngày thứ mười lăm của phần hắc nguyệt cung điện mặt trăng hoàn toàn không hiện?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng ấy vào ngày thứ mười lăm của phần hắc nguyệt quá gần với cung điện mặt trời, do ánh sáng mặt trời kia che khuất nên hoàn toàn không hiện.

Có nhân duyên gì cung điện của mặt trăng gọi là mặt trăng?

Chư Tỳ-kheo, cung điện mặt trăng đó, ở phần trăng tối, một ngày qua đi cho đến hết tháng, ánh sáng vằng vặc dần dần giảm đi. Do nhân duyên này gọi là mặt trăng.

Do nhân duyên gì trong cung điện của mặt trăng có các ảnh lần lần hiện ra?

Chư Tỳ-kheo, trong đại châu này có cây Diêm-phù. Do cây này nên gọi là châu Diêm-phù. Cây ấy cao lớn, ảnh hiện trong vầng trăng. Do nhân duyên này nên có các ảnh hiện ra.

Do nhân duyên gì có các dòng sông chảy ở thế gian?

Chư Tỳ-kheo, vì có mặt trời nên có sức nóng; vì có sức nóng nên có sự thiêu đốt; vì có sự thiêu đốt nên có hơi bốc lên; vì có hơi bốc lên nên có sự ẩm ướt; vì có sự ẩm ướt nên trong tất cả núi chất lỏng chảy thành nước rồi hình thành các sông. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này nên trong thế gian có sông chảy.

Do nhân duyên gì năm loại hạt giống xuất hiện ở thế gian?

Chư Tỳ-kheo, hoặc ở phương Đông có các thế giới hoặc thành rồi hoại, hoặc hoại rồi thành, hoặc thành rồi trụ; các phương Nam, Tây, Bắc, thành hoại và trụ cũng lại như vậy. Lúc ấy có luồng gió lớn A-na-tỳ-la đặc biệt ở thế giới thành trụ khác, thổi năm loại hạt giống rải vào thế giới này, rải rồi rải nữa cho đến rải khắp; đó là hạt căn, hạt hành, hạt tiết, hạt tiếp, hạt tử. Đấy là năm loại hạt.

Chư Tỳ-kheo, quả của cây Diêm-phù lớn bằng cái chậu một hộc của nước Ma-già-đà. Khi hái quả ấy, nhựa chảy ra, sắc trắng như sữa, vị ngọt như mật. Chư Tỳ-kheo, quả của cây Diêm-phù, tùy chỗ sanh ra, có năm phần lợi ích; đó là phương Đông, Nam, Tây và trên dưới. Quả sanh ở phần phía Đông thì các Càn-thát-bà cùng ăn; quả sanh ở phần phía Nam là thức ăn của dân chúng trong bảy làng xóm. Những gì là bảy? Một là Bất chánh khiếu, hai là Khiếu hoán, ba là Chánh thể, bốn là Hiền, năm là Thiện, sáu là Lao, bảy là Thắng. Ở trong bảy thứ làng xóm ấy có bảy ngọn núi đen: Một là Thiên sương, hai là Nhất bác, ba là Tiểu cước, bốn là Hà phát, năm là Bách thiên đầu, sáu là Năng thắng, bảy là Tối thắng. Ở trong bảy núi kia có bảy cái hang là chỗ ở của Phạm tiên: Một là Thiện nhãn, hai là Thiện hiền, ba là Tiểu, bốn là Bách thiên đầu, năm là Lạn vật trì, sáu là Hắc nhập, bảy là Tăng trưởng. Khi phần phía Tây sanh quả thì Kim sí điểu cùng ăn; phần trên sanh quả thì Dạ-xoa hư không cùng ăn; phần dưới sanh quả thì các loài sâu trong biển đến ăn. Ở đây có bài kệ:

Mới nói mưa nhiều ít
Thị hiện trong cung điện
Hai việc có gió nhiều
Ở trước chư Thiên đi
Xe cộ và thọ mạng
Thân thể ánh sáng chiếu
Nghiệp bố thí, trì giới
Vầng trăng đầy và khắp
Trăng bị che không hiện
Có ảnh do duyên gì
Các sông, các hạt giống
Cây Diêm-phù sau cùng.

Chư Tỳ-kheo, chúng sanh thuở ban đầu khi ăn vị đất, được nhiều lợi ích, sống lâu ở đời. Nhưng các người này, nếu kẻ ăn nhiều thì nhan sắc giảm sút, nếu ăn ít thì nhan sắc đẹp đẽ. Ngay khi ấy vì hình sắc hiện rõ nên chúng sanh khinh chê nhau, cùng tranh hơn kém. Người đẹp thì sanh kiêu mạn, vì kiêu mạn, nên đất mất mùi vị, tiếp tục sanh lớp đất, sắc vị đầy đủ. Thí như hoa Yết-ni-ca-la có màu sắc như vậy. Lại như mật nguyên chất nấu lên bỏ cặn bọt có vị như thế. Các chúng sanh ấy cùng tụ tập lại, ưu sầu khổ não, đấm ngực kêu gào, mê loạn khốn đốn, nói thế này: “Ôi! Vị đất của ta. Ôi! Vị đất của ta!” Thí như người đời nay có các vị ngon, sau khi thưởng thức, biết rồi nói rằng: “Ôi tuyệt, đây là vị của ta!” Chấp trước tên cũ chẳng biết thật nghĩa. Các chúng sanh ấy cũng như thế. Khi ấy chúng sanh đó ăn lớp đất mỏng kia cũng sống lâu ở đời. Người ăn nhiều thì nhan sắc xấu, kẻ ăn ít thì hình dáng đẹp. Vì có đẹp xấu nên sinh ngã mạn, lăng nhục nhau. Lớp đất mỏng lại biến mất, sanh các loại dây bò, hình sắc trọn vẹn, hương vị đầy đủ. Thí như hoa Ca-lambà-ca nở có sắc như vậy, cắt ra thì nhựa chảy giống như mật nguyên… cho đến như trước…, tụ tập sầu não, lần lượt như vậy. Dây bò biến mất rồi, có lúa thơm mọc, chẳng cày chẳng gieo, tự nhiên mọc lên, không vỏ không cây, hạt gạo tinh khiết, hương vị đầy đủ. Lúc ấy chúng sanh ăn loại đó rồi thân thể liền có mỡ, tủy, da, thịt, gân, xương, máu, huyết, các mạch lưu thông và tướng mạo, các căn nam nữ hiện rõ. Sắc tướng đã sanh, tâm nhiễm liền khởi, vì có nhiễm nên luôn nhìn nhau; đã luôn nhìn nhau liền sanh ái dục. Vì ái dục nên ở chỗ vắng làm việc phi phạm hạnh bất tịnh. Khi đó lại có các chúng sanh khác chưa làm chuyện này, thấy rồi bảo rằng: “Các ngươi đã làm chuyện quá xấu hổ. Tại sao như vậy?” Lúc ấy chúng sanh kia liền sanh xấu hổ, đã rơi vào các điều ác bất thiện, mới có danh tự “Ba đế” như vậy. (Ba đế, đời Tùy dịch là đọa, tức là phu chủ). Bấy giờ chúng sanh kia vì đọa vào các pháp ác như vậy nên người cùng hành dục đem đồ ăn uống biếu tặng cho nhau, nói với người nữ kia rằng: “Ngươi có chồng rồi! Ngươi có chồng rồi!” Nhân đó đặt tên là Bà-lê-da. (Tùy dịch là Phạn thực, tức là vợ.)

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, các vị Thắng nhân hạ sanh trước, thấy ở thế gian có chuyện vợ chồng xảy ra, lòng sanh chán ghét, dùng tay trái nắm lấy, tay phải xô đi, khiến rời bỏ xứ sở. Lúc đó đôi vợ chồng kia, hoặc hai tháng, hoặc ba tháng, đã đi rồi trở lại, liền bị những vị ấy dùng cây, gậy, đất cục, ngói, gạch ném quăng và nói: “Các ngươi nên trốn đi! Các ngươi nên trốn đi!” Vì vậy ngày nay, khi các người con gái lấy chồng, được ném các thứ hoa, hoặc ném vàng bạc, y phục, la-xà (la-xà tức là lúa khô làm hoa) và nói lời chú nguyện: “Xin chúc cô dâu an ổn hạnh phúc!”

Chư Tỳ-kheo, lần lượt như vậy, việc người xưa cho là xấu, người đời này cũng làm như vậy lại cho là tốt đẹp. Do nhân duyên ấy, các chúng sanh ở trong cõi đời làm các hạnh ác, lần lượt như thế cho đến tạo dựng các kiểu nhà cửa, vì nghiệp xấu ác kia đã che khuất.

Kệ rằng:

Trước làm thành Chiêm-bà
Sau làm Ba-la-nại
Qua kiếp tàn sau cùng
Quy hoạch thành Vương xá.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó các vị Thắng nhân ngày trước tạo lập thôn, thành, làng xóm, quốc ấp, kinh đô, cung thất, các trú xứ khác… làm đẹp thế gian, lần lượt xuất hiện.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh như thế, khi càng tăng trưởng hạnh phi pháp thì có chúng sanh khác, phước mạng, nghiệp hết, từ trời Quang âm, bỏ thân xuống lại vào trong thai mẹ, thọ thai, sanh thân. Vì nhân duyên đó, người đời nhiều dần, việc phi pháp càng tăng.

Chư Tỳ-kheo, các Thắng nhân xưa sanh trước ở thế gian, các chúng sanh ấy vì phước lực có thừa nên chẳng cần cày gieo mà có gạo thơm tự nhiên sanh ra. Buổi sáng lấy phần thì phần buổi tối thấy sanh lại như cũ; buổi tối lấy phần thì buổi sáng sanh lại như nguyên không khác. Nếu người chưa lấy thì vẫn còn y. Chúng sanh sanh sau vì phước mỏng dần, trễ nhác, lười biếng, tâm sanh tham tiếc, nghĩ thế này: “Nay, gạo thơm này chẳng phải cày gieo mà có thì cần gì phải khổ công phân chia hai buổi sớm tối đi lấy, tự chuốc lấy sự mệt nhọc, nay ta có thể lấy luôn một lần”, liền lấy hai phần gạo thơm một lần. Có chúng sanh khác đến kêu người kia nói: “Giờ ăn sắp đến, hãy cùng nhau đi lấy gạo thơm”. Người kia đáp: “Tôi đã lấy luôn phần buổi sáng, buổi tối cùng một lúc đem về rồi. Ngươi muốn đi lấy thì cứ đi đi!” Người đó nghĩ: “Người này làm hay, khỏe khoắn quá. Hai phần sớm tối cùng lấy luôn! Ta nay cũng có thể lấy hai phần ăn của ba ngày”. Nghĩ như thế xong vị ấy liền làm. Bấy giờ lại có các chúng sanh khác rủ người kia: “Chúng ta hãy cùng nhau đi lấy gạo thơm!” Người kia đáp: ‘Tôi đã lấy trước phần ăn ba ngày rồi! Các ngươi tự đi đi” Những người ấy nghe rồi lại nghĩ: “Người này khôn quá! Chúng ta nay cũng nên cùng lúc lấy luôn phần của bốn, năm ngày để dự trữ”. Do nhân duyên đó, bấy giờ gạo thơm dần dần sanh lúa, bọc hạt gạo bên trong. Lại chỗ bị gặt, không còn mọc nữa, chỗ chưa gặt thì vẫn còn y nguyên. Khi ấy ruộng lúa mới có sự phân chia, cỏ cây mới mọc. Lúc đó chúng sanh mới cùng tụ tập lại sầu lo khóc lóc, tự bảo nhau: “Ta nhớ khi xưa, thân được sanh ra, dùng sự vui mừng làm thức ăn, tự nhiên phát sáng, bay trên không tự tại, thần sắc đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài. Nhưng vì chúng ta bỗng sanh vị đất, sắc hương đầy đủ, ăn cũng sống lâu. Nếu ai ăn nhiều, hình sắc thô xấu, còn người ăn ít, nhan sắc vẫn đẹp. Vì tranh đẹp xấu nên sanh tâm kiêu mạn, trở thành sai biệt. Do sự việc này vị đất biến mất. Kế sanh lớp đất mỏng, tiếp sanh dây bò, rồi sanh gạo thơm, cho đến cây lúa, gặt rồi chẳng sanh, chưa gặt vẫn còn. Vì vậy nên thành có phân chia, cỏ cây mọc lên. Nay đây chúng ta nên chia khu vực, làm thành ranh giới, kia là phần anh, đây là phần tôi, và lập khế ước, người phạm bị phạt”.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, thế gian mới có các danh từ ranh giới, trách phạt xuất hiện.

Bấy giờ trong bọn họ có một chúng sanh vì tiếc lúa của mình, trộm lấy lúa của kẻ khác. Có người phát hiện liền bảo: “Ôi! Ngươi đã làm việc thậm ác! Đã làm việc thậm ác! Tại sao mình có rồi, lại trộm lấy của người khác?”, trách rồi thả đi và nói: “Chớ làm như vậy nữa!”. Nhưng chúng sanh ấy lại làm nữa, cũng trách rồi thả đi. Như vậy ba lần, không chịu hối cải, nên nặng lời trách mắng, dùng tay đánh vào đầu, dắt đến đám đông bảo với mọi người: “Người này ăn trộm”. Nhưng người ăn trộm kia ở trước đám đông, chống chế cãi lại nói với mọi người: “Nay chúng sanh này dùng lời thô ác, cố ý mạ nhục, dùng tay đánh đầu tôi”. Khi ấy các chúng sanh kia cùng nhau tụ tập, ưu sầu than khóc, tự bảo nhau: “Ngày nay chúng ta đến tình trạng thế này thật là khốn khổ. Chúng ta đã làm nảy sanh pháp ác bất thiện, khởi các phiền não, làm tăng trưởng quả khổ sanh, già trong vị lai, sẽ hướng đến đường ác. Nay chúng ta chứng kiến việc dùng tay đánh nhau, rồi níu kéo, xua đuổi, trách mắng, mạ nhục. Nay chúng ta phải tìm một người đứng đắn, cùng lập lên làm chủ để làm người bảo hộ. Nếu người đáng quở trách thì chính thức quở trách, người đáng phạt thì chính thức phạt, người đáng xua đuổi thì chính thức xua đuổi. Chúng ta chia ruộng, thóc lúa sở hữu tự mỗi người thu hoạch. Vị chủ bảo hộ nếu có cần thứ gì thì bọn chúng ta cùng nhau cung cấp”. Mọi người bàn luận chu đáo như vậy rồi, liền cùng tìm kiếm người đứng đắn làm chủ thủ hộ. Bấy giờ ở trong số đông kia chỉ có một người, thân hình cao lớn, mười phần trang nghiêm, dung nghi đẹp đẽ lạ thường, nhìn không biết chán, sắc thân sáng chói, các căn đầy đủ. Khi ấy mọi người đến chỗ người kia nói như thế này: “Lành thay nhân giả! Xin ngài vì chúng tôi mà làm vị chánh thủ hộ. Chúng tôi ai nấy đều có ranh giới đất ruộng, ngài nên đến xem xét, đừng để xâm lấn nhau. Kẻ đáng mắng thì phải mắng, đáng trách thì phải trách, đáng phạt thì phải phạt, đáng đuổi thì phải đuổi. Lúa thóc chúng tôi thu hoạch được sẽ phân chia cho ngài, không để thiếu thốn”. Người kia nghe rồi, liền chấp nhạn làm người thủ hộ, mắng, trách, phạt, đuổi công bình chính trực, không có sự xâm lấn. Mọi người khi thu hoạch lúa gạo đem đến cung cấp không để gián đoạn, thiếu thốn. Cứ theo cách như vậy làm vị chánh chủ. Vì từ trong ruộng lúa của dân chúng lấy đất mà phân chia nên nhân đó gọi là Sát-đế-lợi (đời Tùy dịch là Điền chủ). Khi ấy, mọi người y theo lời chỉ dẫn làm theo. Vị Sát-đế-lợi kia trong việc phục vụ cho mọi người luôn khôn khéo, trí tuệ, ở trong mọi người, tướng tốt hơn hết, vì vậy lại được gọi là Yết-la-xà (đời Tùy dịch là Vương). Mọi người lập làm Đại Bình Đẳng vương, vì vậy lại gọi là Ma-ha Tamma-đa (Tùy dịch là Đại Bình Đẳng).

Chư Tỳ-kheo, vị Ma-ha Tam-ma-đa kia, khi làm vua thì tất cả mọi người mới có tên là Tát-đa-bà (Tùy dịch là Chúng sanh).

Chư Tỳ-kheo, vua Ma-ha Tam-ma-đa có người con tên là Hôlô-giá (Tùy dịch là Ý Hỷ).

Chư Tỳ-kheo, khi vị Hô-lô-giá kia làm vua, mọi người cùng xưng là Ha-di-ma-ca (Tùy dịch là Xá Giả).

Chư Tỳ-kheo, vua Hô-lô-giá có người con tên là Ca-lê-da-na (Tùy dịch Chánh Chân).

Chư Tỳ-kheo, khi vị Ca-lê-da-na kia làm vua, mọi người cùng xưng là Đế-la-xà (Tùy dịch là Hồ-ma-sanh).

Chư Tỳ-kheo, vua Ca-lê-da-na có người con tên là Bà-la-ca-lêgia-na (Tùy dịch là Tối Chánh Chân).

Chư Tỳ-kheo, khi vị Bà-la-ca-lê-da-na kia làm vua, mọi người cùng xưng là A-bạt-la-khiên-đà (Tùy dịch là Vân Phiến).

Chư Tỳ-kheo, vua Vân Phiến ấy có người con tên là Ô-bô-sa-tha (Tùy dịch là Trai Giới).

Chư Tỳ-kheo, vua Trai Giới ấy khi tại vị, mọi người cùng xưng là Đa-la-thừa-già (Tùy dịch là Mộc Hĩnh).

Chư Tỳ-kheo, trên đảnh của vua Trai Giới kia tự nhiên lồi lên một bọc thịt, bọc thịt ấy rách ra, sanh một đồng tử đẹp đẽ lạ thường, đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, vừa sanh ra đã nói: “Ma-đà-đa” (Tùy dịch là Trì Ngã). Vị vua sanh trên đảnh ấy đầy đủ thần thông, có oai lực lớn, thống lãnh cả bốn đại châu, cai trị và giáo hóa tự tại.

Chư Tỳ-kheo, sáu vị vua ấy thọ mạng vô lượng.

Chư Tỳ-kheo, đùi vế bên phải của vị vua sanh từ đảnh ấy, lồi lên một bọc thịt, sanh một đồng tử, đẹp đẽ lạ thường, thân cũng đầy đủ ba mươi hai tướng, tên là Hữu Bễ Sanh, có oai lực lớn, thống lãnh bốn đại châu.

Đùi vế bên trái của vua Hữu Bễ ấy lồi lên bọc thịt, sanh một đồng tử, thân cũng đầy đủ ba mươi hai tướng, tên là Tả Bễ Sanh, có đủ oai đức, cai trị ba đại châu.

Bọc thịt ở đầu gối bên phải của vua Tả Bễ ấy, sanh một đồng tử, oai đức như những vị tướng, cai trị hai đại châu.

Bọc thịt ở đùi vế bên trái của vua Hữu Tất ấy, sanh một đồng tử, oai đức như những vị tướng, cai trị một đại châu.

Chư Tỳ-kheo, từ đó về sau, có vua Chuyển luân, đều lãnh một châu, các vị nên biết.

Chư Tỳ-kheo, lần lượt như vậy, từ lúc ban đầu chúng sanh lập vua Đại Bình Đẳng, rồi kế đến vua Ý Hỷ, đến vua Chánh Chân, đến vua Tối Chánh Chân, đến vua Thọ Trai Giới, đến vua Đảnh Sanh, đến vua Hữu Bễ, đến vua Tả Bễ, đến vua Hữu Tất, đến vua Tả Tất, đến vua Dĩ Thoát, đến vua Dĩ Dĩ Thoát, đến vua Thể Giả, đến vua Thể Vị, đến vua Quả Báo Xa, đến vua Hải, đến vua Đại Hải, đến vua Xà-câu-lê, đến vua Đại Xà-câu-lê, đến vua Mao Thảo, đến vua Biệt Mao Thảo, đến vua Thiện Hiền, đến vua Đại Thiện Hiền, đến vua Tương Ái, đến vua Đại Tương Ái, đến vua Khiếu, đến vua Đại Khiếu, đến vua Ni-lê-ca, đến vua Na-cù-sa, đến vua Lang, đến vua Hải Phần, đến vua Kim Cang Tý, đến vua Sàng, đến vua Sư Tử Nguyệt, đến vua Na-dađê, đến vua Biệt Giả, đến vua Thiện Phước Thủy, đến vua Xí Nhiệt, đến vua Tác Quang, đến vua Khoáng Dã, đến vua Tiểu Sơn, đến vua Sơn Giả, đến vua Diệm Giả, đến vua Xí Diệm.

Chư Tỳ-kheo, vua Xí Diệm ấy, con cháu truyền thừa có một trăm lẻ một đời, đều ở thành Bô-đa-la cai trị giáo hóa thiên hạ. Vua sau cùng tên là Hàng Oán; vì thường hay hàng phục các giặc oán nên gọi là Hàng Oán.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hàng Oán nối nhau cai trị giáo hóa tại thành A-du-xà, có năm vạn bốn ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Nan Thắng.

Chư Tỳ-kheo, con cháu của vua Nan Thắng ấy kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ba-la-nại, gồm có sáu vạn ba ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Nan Khả Ý.

Chư Tỳ-kheo, con cháu của vua Nan Khả Ý kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca-tỳ-la, gồm có tám vạn bốn ngàn vua. Vị vua sau cùng là vua Phạm Đức.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Phạm Đức kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Bạch tượng, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Tượng Đức.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Tượng Đức kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Câu-thi-na, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Hoắc Hương.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hoắc Hương kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ưu-la-xa, gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Na-già-na-thị.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Na-già-na-thị kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Nan hàng phục; gồm có ba vạn hai ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Hàng Tha.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hàng Tha kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Cát-na-cưu-già, gồm có một vạn hai ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Thắng Quân.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thắng Quân kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Bỉ ba, có một vạn tám ngàn vua. Vị vua sau cùng là Thiên Long.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiên Long kế tục nhau cai trị giáo hóa tại tthành Đa-ma-lê-xa, có hai vạn năm ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Hải Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hải Thiên kế tục nhau cai trị giáo hóa trở lại tại thành Đa-ma-lê-xa, có một vạn vua. Vị vua sau cùng cũng có tên là Hải Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hải Thiên kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Đàn-đa-phú-la, có một vạn tám ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Thiện Ý.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiện Ý kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ngọc xá đại, có hai vạn năm ngàn vua, vị vua sau cùng tên là Thiện Trị Hóa.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thiện Trị Hóa kế tục nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Ba-la-nại, có một ngàn một trăm vua. Vị vua sau cùng là Đại Đế Quân.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Đại Đế Quân kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Mao chủ đại, có tám vạn bốn ngàn vua. Vị vua sau cùng lại có tên là Hải Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Hải Thiên kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa thành Bô-đa-la có một ngàn năm trăm vua. Vị vua sau cùng tên là Khổ Hạnh.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Khổ Hạnh kế tục nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Mao chủ đại, có tám vạn bốn ngàn vua. Vị vua sau cùng là Địa Diện.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Địa Diện kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành A-du-xà, có một ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Trì Địa.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Trì Địa kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành lớn Ba-la-nại, có tám vạn vua. Vị vua sau cùng tên là Địa Chủ.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Địa Chủ kế tục nhau, cai trị giáo hóa tại thành Mị-tu-la, có tám vạn bốn ngàn vua. Vị vua sau cùng là Đại Thiên.

Chư Tỳ-kheo, con cháu của vua Đại Thiên cai trị giáo hóa tại thành lớn Mị-tu-la, có tám vạn bốn ngàn vua. Tám vạn bốn ngàn vị vua này đều ở tại thành lớn Mị-tu-la, tu hành phạm hạnh trong rừng Am-bà-la; vua sau cùng là vua Ni-mị, kế đến là vua Một, kế là vua Thụ Tê, rồi vua Ha-nô, vua Ưu-ba, vua Nô-ma, vua Thiện Kiến, vua Nguyệt Kiến, vua Văn Quân, vua Pháp Quân, vua Hàng Phục, vua Đại Hàng Phục, vua Cánh Hàng, vua Vô Ưu, vua Trừ Ưu, vua Kiên Tiết, vua Ma-la, vua Lâu-na, vua Phương Chủ, vua Trần Giả, vua Ca-la, vua Nanđà, vua Cánh Diện, vua Sanh Giả, vua Hộc Lãnh, vua Thực Ẩm, vua Nhiêu Thực, vua Nan Hàng, vua Nan Thắng, vua An Trú, vua Thiện Trú, vua Đại Lực, vua Lực Đức, vua Thụ Hành.

Chư Tỳ-kheo, con cháu vua Thụ Hành ấy kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca-nhiếp-ba có bảy vạn năm ngàn vua. Vị vua sau cùng tên là Am-bà-lê-sa.

Chư Tỳ-kheo, vua Am-bà-lê-sa có con tên là Thiện Lập.

Chư Tỳ-kheo, vua Thiện Lập và con cháu nối nhau cai trị giáo hóa tại thành lớn Ba-la, có một ngàn một trăm vua. Vị vua sau cùng tên là Kê-lê-kỳ.

Chư Tỳ-kheo, bấy giờ, có Đức Ca-diếp Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, xuất hiện ở đời. Bồ-tát khi ấy tu hành phạm hạnh sanh lên cõi trời Đâu-suất.

Vua Kê-lê-kỳ có người con tên là Thiện Sanh, con cháu nối nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Bô-đa-la, có một trăm lẻ một vua, vua sau cùng tên là Nhĩ Giả. Vua Nhĩ Giả có hai người con, người con lớn là Cù-đàm, người con thứ hai Bà-la-đọa-xà. Vua Cùđàm có một người con tên là Cam Giá Chủng.

Chư Tỳ-kheo, vua Cam Giá Chủng và con cháu nối nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành Ba-đa-la, có một trăm lẻ một vua Cam Giá Chủng. Vị vua cuối cùng tên là Bất Thiện Trường.

Chư Tỳ-kheo, vua Thiện trường sanh bốn người con: Một là Ưu-mâu-khư, hai là Kim Sắc, ba là Tợ Bạch Tượng, bốn là Túc Cù. Túc Cù có người con tên là Thiên Thành. Thiên Thành có con tên là Ngưu Thành. Vua Ngưu Thành và con cháu nối nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca-tỳ-la-bà, có bảy vạn bảy ngàn vị vua. Vị vua sau cùng là Quảng Xa, kế đến là vua Biệt Xa, vua Kiên Xa, vua Trụ Xa, vua Thập Xa, vua Bách Xa, vua Cửu Thập Xa, vua Tạp Sắc Xa, vua Trí

Xa, vua Quảng Cung, vua Đa Cung, vua Kiêm Cung, vua Trụ Cung, vua Thập Cung, vua Bách Cung, vua Cửu Thập Cung, vua Tạp Sắc Cung, vua Trí Cung.

Chư Tỳ-kheo, vua Trí Cung sanh hai người con: một là Sư Tử giáp, hai là Sư Tử Túc.

Sư Tử Giáp nối ngôi vua, sanh bốn người con trai: một là Tịnh Phạn, hai là Bạch Phạn, ba là Hộc Phạn, bốn là Cam Lộ Phạn và sanh một người con gái tên là Cam Lộ.

Chư Tỳ-kheo, vua Tịnh Phạn sanh hai người con: Một tên là

Tất-đạt-đa, hai tên là Nan-đà. Bạch Phạn có hai người con: Một là Đế-sa, hai là Nan-đề-ca. Hộc Phạn có hai người con: Một là A-nê-lâuđà, hai là Bạt-đề-lê-ca. Cam Lộ Phạn có hai người con: Một là Anan-đà, hai là Đề-bà-đạt-đa. Còn bà Cam Lộ chỉ có một người con tên là Thế-bà-la.

Chư Tỳ-kheo, Bồ-tát Tất-đạt-đa có một người con tên là Lahầu-la.

Chư Tỳ-kheo, lần lượt như vậy, từ vua Đại Bình Đẳng về sau, con cháu nối tiếp nhau, là một chủng tộc tối thắng cho đến đồng tử La-hầu-la tự thân chứng A-la-hán, đoạn các phiền não, dứt đường sanh tử, không còn tái sanh nữa.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này nên vào thuở xa xưa có dòng Sát-đế-lợi hơn hết xuất hiện ở thế gian, theo đúng như pháp, chứ chẳng phải phi pháp.

Chư Tỳ-kheo, vì các pháp như vậy, nên chủng tộc Sát-đế-lợi trong thế gian sanh ra là trên hết.

Bấy giờ, lại có các chúng sanh khác nghĩ thế này: “Thế gian là hữu vi, là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên độc”. Suy nghĩ chính chắn rồi, họ xả bỏ hữu vi, vào trong rừng núi, tạo lập thảo am, tĩnh tọa tu thiền. Nếu có nhu cầu gì, hoặc vào buổi sáng, hoặc vào chiều tối, họ tạm rời thảo am, vào làng khất thực, mọi người trông thấy, cần gì cúng nấy, nhanh chóng thực hiện, rồi cùng khen ngợi: “Những chúng sanh này sớm tu nghiệp thiện, xả bỏ các pháp ác bất thiện, đang tồn tại trong thế gian, đó là Bà-la-môn”. Vì Nhân duyên này dòng dõi Bà-la-môn xuất hiện ở thế gian. Trong số người ấy, hoặc có người thiền định bất thành, dựa vào thôn xóm, phần nhiều dạy về chú thuật. Do đây lại được gọi là hạng giáo hóa. Lại vì những người ấy vào thôn xóm nên gọi là hạng hướng tới thôn xóm. Lại vì thành tựu các pháp dục, nên gọi là hạng thành tựu dục. Do nhân duyên này, vào thuở xa xưa Bà-la-môn là thù thắng, là chủng tánh cao quý xuất hiện ở thế gian, theo đúng như pháp chẳng phải phi pháp.

Lại nữa, ngoài ra có một hạng chúng sanh làm đủ các thứ để cầu lợi như kỹ năng, công xảo, nghệ thuật, các ngành nghề sanh sống. Do nhân duyên này nên gọi là Tỳ-xá. Vì vậy cho nên ngày xưa dòng dõi Tỳ-xá xuất hiện ở thế gian. Họ cũng theo đúng như pháp chẳng phải phi pháp.

Chư Tỳ-kheo, ba dòng dõi này đã sanh ra ở thế gian rồi, về sau lại có giòng dõi thứ tư sanh ra ở thế gian.

Chư Tỳ-kheo, có một hạng người tự chê bai phép tắc vốn có của gia tộc họ, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xả bỏ thế gian, xuất gia tu đạo, tự xưng: “Ta là Sa-môn”. Nói như vậy rồi, liền thành tựu chánh nguyện. Dòng dõi Bà-la-môn, Tỳ-xá cũng vậy. Có một hạng người, cũng chê bai như trước, cũng bỏ nhà xuất gia, tự xưng: “ Ta là Sa-môn”, liền thành tựu chánh nguyện, vì họ đã có chánh nguyện về chủng loại.

Chư Tỳ-kheo, có hạng Sát-đế-lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm những hạnh ác; vì những hạnh ác, nên khi thân hoại mạng chung, chỉ nhận quả khổ. Bà-la-môn, Tỳ-xá cũng như vậy.

Lại có hạng Sát-đế-lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm các việc lành; vì làm việc lành nên khi thân hoại mạng chung chỉ thọ quả vui. Bàla-môn, Tỳ-xá cũng giống như vậy.

Chư Tỳ-kheo, lại có hạng Sát-đế-lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm cả hai việc ác, thiện; vì làm cả hai nên khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ quả khổ lẫn vui. Bà-la-môn, Tỳ-xá cũng như vậy.

Chư Tỳ-kheo, lại có hạng Sát-lợi chánh tín xuất gia, tu tập ba mươi bảy pháp trợ đạo, có khả năng dứt hết các lậu, tâm và trí được giải thoát, ngay hiện tại thấy pháp, chứng pháp, đắc các thần thông. Đã tác chứng rồi tự nêu rõ: “Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, về sau không còn thọ nhận thân sanh tử nữa”. Bà-la-môn, Tỳ-xá cũng y như vậy.

Chư Tỳ-kheo, ba dòng dõi ấy ở trong đời sau, có khả năng thành tự đầy đủ minh, hạnh, đắc quả A-la-hán, gọi là tối thắng.

Chư Tỳ-kheo, Phạm vương Sa-ha-bà-để, xưa ở trước ta, nói bài kệ:

Sát-lợi giống hơn hết
Nếu rời các chủng tánh
Thành tựu đủ minh, hạnh
Thì hơn các trời, người.

Chư Tỳ-kheo, Phạm vương Sa-ha-bà-để khéo đọc bài kệ ấy, chẳng làm điều bất thiện. Ta đã ấn chứng.

Chư Tỳ-kheo, Ta, Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói nghĩa này.

Chư Tỳ-kheo, cứ lần lượt như vậy, Ta đã nói đủ về thế gian chuyển thành, thế gian chuyển hoại, thế gian chuyển trụ.

Chư Tỳ-kheo, có một vị thầy giáo hóa vì các Thanh văn làm điều nên làm, thương yêu lợi ích, hành hạnh từ bi. Ta đã làm xong, các vị nên nương theo.

Chư Tỳ-kheo, hoặc ở nơi đồng trống, nơi rừng núi vắng vẻ, bên gốc cây, chốn phòng, thất tịch tĩnh, hoặc ở nơi hang hốc ven núi, gò mả, nơi đất thừa, xa lìa làng xóm, dùng các thứ cây cỏ kết tạm làm chỗ ở. Chư vị Tỳ-kheo nên ở các nơi ấy tu tập thiền định, chớ nên phóng dật khiến về sau phải hối hận.

Chư Tỳ-kheo, đó là lời huấn thị của Ta.

Phật thuyết kinh xong, chư Tỳ-kheo… hoan hỷ vâng làm.

Hết Quyển 10 – Trọn Bộ