SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 12: THÍ DỤ

Đức Phật dạy:

–Ví như đang đi trong biển cả, thuyền bỗng vỡ, thì biết rằng người trong thuyền sẽ bị rơi xuống biển chết chìm, không thể qua biển được. Nhưng trong thuyền ấy có ván, có cột buồm, nếu người nào mạnh mẽ vớ được nó, cỡi trên các vật ấy thuận theo dòng nước được đến bờ thì phải biết là người đó nhất định chẳng chết chìm trong nước. Vì họ nhờ vớ được ván hoặc cột buồm. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chẳng được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, chẳng được học phương tiện thiện xảo thì Bồ-tát ấy bị rơi vào trong các quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, được học phương tiện thiện xảo thì Bồ-tát này không bao giờ lười biếng giữa chừng mà vượt qua khỏi các quả vị A-lahán, Bích-chi-phật, trụ ngay nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ví như có người mang chiếc bình đất sét chưa nung đi lấy nước, thì biết là chiếc bình ấy chẳng bao lâu sẽ bị rã giữa đường. Vì sao? Vì chiếc bình này chưa hoàn thành. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chẳng được nghe Bátnhã ba-la-mật thâm diệu, chẳng được học phương tiện thiện xảo thì Bồ-tát ấy không thể nào đắc trí Nhất thiết trí, giữa chừng lại đâm ra chán nản mà bị rơi vào trong các quả vị A-lahán, Bích-chi-phật.

Ví như có người mang chiếc bình đã hoàn thành đi lấy nước, thì biết là sẽ yên ổn mang được nước trở về. Vì sao? Vì chiếc bình đã hoàn thành. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, được học phương tiện thiện xảo thì biết là Bồ-tát này không bao giờ cảm thấy lười biếng dừng nghỉ giữa chừng mà tiến thẳng lên đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ví như chèo chiếc thuyền hư cũ không được sửa chữa vào trong biển cả, đem của cải chất vào thuyền ấy muốn chở đến một nơi nào đó, thì biết thuyền này chẳng thể nào đến nơi, dọc đường đắm chìm, tiêu tan của cải. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà không được nghe Bát-nhã ba-lamật thâm diệu, không được học phương tiện thiện xảo thì Bồtát ấy giữa chừng sẽ chán nản rồi đánh mất của báu quý giá, lại còn bỏ đại trân bảo đi. Cái gì là đại trân bảo? Đó chính là Phật. Bồ-tát này giữa chừng rơi vào các quả vị A-lahán, Bích-chi-phật.

Ví như có người sáng suốt kéo chiếc thuyền hư cũ lên bờ sửa chữa xong mới cho hạ thủy, chất của cải xuống thuyền chở đến nơi muốn đến, thì biết là thuyền này không bị tan vỡ giữa đường mà chắc chắn an toàn đến nơi. Nếu Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được học phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, thì biết là Bồ-tát ấy không bao giờ lười biếng đời giữa chừng mà đang an trụ trong đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Bồtát ấy một lòng có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn nên không bao giờ còn rơi vào trong quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, mà hướng thẳng đến cửa Phật.

Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, quá già thân thể bất an hoặc bệnh hàn, bệnh nhiệt nằm liệt giường. Người ấy có thể tự đứng dậy được chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không thể được. Vì sao? Vì người ấy quá già không còn sức lực. Giả sử lành bệnh đi nữa vẫn không thể tự đứng dậy bước đi.

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chẳng được học phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật thì không thể nào đến Phật đạo, sẽ giữa chừng dừng nghỉ, rơi vào trong quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật. Vì sao? Vì người ấy không được học phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu.

Đức Phật dạy tiếp:

–Nhưng nếu người ấy lành bệnh phong hàn thân thể khỏe lại, ý muốn đứng dậy đi, có hai người mạnh khỏe, mỗi người đỡ một bên nách hoặc nắm tay dắt đi từ từ. Họ nói với người bệnh: “Cứ yên tâm đừng sợ, chúng tôi sẽ đưa đến nơi muốn đến, nghĩa là không bỏ ở giữa đường.” Như vậy, người bệnh ấy có thể đến nơi muốn đến được chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Người ấy có thể đến nơi.

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát có tin ưa, có hạnh quyết định, có tinh tấn, muốn đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được nghe Bát-nhã bala-mật thâm diệu, được học phương tiện thiện xảo thì Bồ-tát ấy không bao giờ lười biếng ở giữa chừng, mà có thể đạt đến cứu cánh là đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.