SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 2

Phẩm 12: SẠN-ĐỀ-BA-LÊ

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Thế Tôn trú trong rừng Trúc, tại La-duyệt-kỳ. Lúc Thế Tôn mới đắc đạo, Ngài hóa độ cho anh em A-nhã Kiềutrần-như… rồi sau đó hóa độ cho anh em Uất-tỳ-la Ca-diếp một ngàn người. Sự hóa độ càng rộng rãi, chúng giải thoát ngày càng đông. Vào lúc đó nhân dân ở thành La-duyệt-kỳ ai cũng hân hoan vô cùng, không có ai mà không ca ngợi sự ra đời của Như Lai rất là đặc biệt, nhiều loại chúng sinh nhờ ân đức của Ngài mà được giải thoát. Lại khen ngợi anh em Kiều-trần-như, Uất-tỳ-la Ca-diếp và các Đại đức Tỳ-kheo do có nhân duyên gì với Đức Phật trong đời trước mà nay tiếng trống pháp vừa gióng lên thì được ưu tiên nghe trước và được nếm trước pháp vị cam lộ.

Khi các Tỳ-kheo nghe nhân dân trong thành khen ngợi như vậy liền đem sự việc này bạch lại với Đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:

– Trong quá khứ Ta cùng với những nhóm người này đã phát lời thề nguyện lớn là khi Ta thành đạo, trước hết độ cho những nhóm người này.

Các Tỳ-kheo nghe xong, lại hỏi Đức Phật:

– Những lời thệ nguyện lớn trong quá khứ đó là gì? Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót giải thích cho chúng con.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

– Hãy lắng nghe và khéo tư duy! Trong quá khứ lâu xa vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp không thể tính được, ở cõi Diêm-phù-đề này có một nước lớn gọi là Ba-la-nại, vua của nước này tên là Ca-lê. Bấy giờ, trong nước có một vị đại Tiên tên là Sạn-đề-ba-lê và năm trăm đệ tử, ở cõi sơn lâm tu hành nhẫn nhục. Một hôm vua, quần thần, phu nhân cùng các thể nữ đi dạo chơi trong núi rừng, vua dừng lại nghỉ mệt, các thể nữ tiếp tục đi xem các rừng hoa thì thấy Sạn-đề-ba-lê đang tĩnh tọa tư duy, trong lòng sinh tâm cung kính, liền nhặt các loại hoa rải trên thân để cúng dường ngài, rồi ngồi trước ngài để nghe pháp. Nhà vua nghe tiếng vọng lại mà không thấy các thể nữ và bốn vị đại thần, vua liền đi tìm, thấy họ đang ngồi quanh vị đại Tiên để nghe pháp. Vua tiến đến hỏi:

– Ông đã chứng đắc Tứ không định chưa?

Vị Tiên đáp:

– Thưa chưa.

Vua lại hỏi:

– Đã chứng đắc Tứ vô lượng tâm chưa?

Tiên nhân thưa:

– Thưa chưa.

Vua lại hỏi:

– Đã đắc Tứ thiền chưa?

Vị ấy cũng đáp:

– Thưa chưa.

Nhà vua tức giận quát:

– Từng ấy công đức mà ngươi nói chưa được thì như phàm phu, vậy mà cùng ngồi chung với những người con gái này ở nơi vắng vẻ làm sao mà tin được?

Vua lại hỏi tiếp:

– Ngươi là người thế nào, tu hành ra sao?

Vị Tiên đáp:

– Tôi tu hạnh nhẫn nhục.

Vua liền rút kiếm ra, nói:

– Nếu ngươi tu hạnh nhẫn nhục, ta muốn thử ngươi xem khả năng nhẫn nhục của người thế nào?

Nhà vua chém lìa hai cánh tay vị Tiên, rồi hỏi:

– Ngươi vẫn nhẫn nhục chứ?

Vua chém tiếp hai chân, rồi lại hỏi như thế.

Tiên nhân vẫn nói:

– Tôi tu nhẫn nhục.

Vua lần lượt cắt tai, cắt mũi, Tiên nhân vẫn ngồi yên, sắc mặt  không biến đổi và vẫn nói:

– Tôi tu nhẫn nhục.

Lúc ấy trời đất đều chấn động theo sáu cách, Tiên nhân và năm trăm đệ tử bay lên hư không. Các vị đệ tử hỏi:

– hầy bị các khổ hành hạ như vậy mà tâm nhẫn nhục vẫn không dao động.

Vị thầy đáp:

– Ta giữ tâm không biến đổi.

Vua hết sức ngạc nhiên hỏi:

– Ngươi bảo là nhẫn nhục, lấy cái gì làm bằng chứng?

Tiên nhân đáp:

– Nếu sự nhẫn nhục của tôi là chân thật, chí thành không hư dối thì máu huyết của tôi sẽ biến thành sữa, thân của tôi sẽ hoàn lại giống như cũ. Vừa mới nói xong, máu biến thành sữa, thân thể hồi phục lại như cũ. Vua nhận ra chứng cứ của sự tu nhẫn, trong lòng liền bồi hồi lo sợ, tự trách:

– Ta thật không có đầu óc, lại hủy nhục bậc Đại tiên. Xin ngài thương xót, nhận sự ăn năn sám hối của tôi.

Tiên nhân dạy:

– Người vì nữ sắc, dùng đao mà cắt thân hình của ta, ta vẫn nhẫn nhục như đất. Sau này ta thành Phật trước hết sẽ dùng đao trí tuệ để đoạn trừ ba độc của người. Bấy giờ trong núi có các Rồng, Quỷ, Thần thấy vua Ca-lê làm hại vị Tiên nhẫn nhục tất cả đều sầu thương áo não định nổi mây mưa, sấm sét vang rền làm hại nhà vua và quyến thuộc của vua. Vị Tiên ngửa mặt lên trời nói:

– Nếu các vị vì tôi thì xin đừng làm hại vua nước Ca-lê. Sau khi nhà vua xin sám hối thường cung thỉnh Tiên nhân đến cung điện để cúng dường. Khi đó có vị Phạm chí và một ngàn đồ chúng thấy vua cung kính thiết đãi Sạn-đề-ba-lê trong lòng đố kỵ cho người lấy bụi đất, phân làm dơ chỗ của đại Tiên, Tiên nhân thấy sự việc như vậy, liền phát lời nguyện:

– Tôi tu hạnh nhẫn nhục để độ cho quần sinh, nguyện thực hành liên tục để cầu thành Phật, thành Phật đạo rồi trước hết tôi dùng nước  chánh pháp để rửa sạch những bụi trần cấu uế cho họ được thanh tịnh.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

– Sạn-đề-ba-lê lúc đó nay chính là Ta. Vua Ca-lê và bốn vị đại thần là năm anh em Kiều-trần-như, một ngàn vị Phạm chí chính là Uất-tỳ-la và ngàn vị Tỳ-kheo. Lúc đó Ta là người lập nguyện tu nhẫn nhục, trước hết nhằm để tự độ thoát cho nên khi thành đạo Ta độ cho tất cả thoát khỏi khổ đau. Các vị Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy xong đều khen ngợi là chưa từng có và tất cả đều hoan hỷ phụng hành.