CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 12: PHẬT A – SÚC

Chánh văn: Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Ông muốn thấy Như Lai, thì làm thế nào để quán Như Lai?” Ngài La-thập nói:

– Nếu tự có tuệ nhãn, thì thường rỗng lặng chiếu soi, chẳng cần phải quán hình tướng. Nếu không có tuệ nhãn, thì đối diện với hình mà lại cách xa, nên mới hỏi nguyên do, làm thế nào để quán Như Lai? Vả lại, quán Phật có ba cách:

  1. Quán hình tướng.
  2. Quán pháp thân.
  3. Quán tánh không.

Tức trong ba pháp quán này, ông dùng quán pháp nào? Sau đều dùng tánh không mà đáp. Chương này đều dùng nghĩa phá tướng trong pháp quán của Trung luận và Bách luận để nói rõ về tánh không của Như Lai, mà không có nghĩa nào khác, cho nên chẳng cần hỏi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trước nói với ngài Văn-thù cùng đến ra mắt Phật, tuy mở mắt nhìn như thế tục mà chỗ quán xét thì khác. Như Lai nghịch nhìn lại tâm ông ấy đã biết là muốn hiểu rõ yếu chỉ đến quán Phật của mình. Nhưng muốn nói về Phật sự chẳng thể nghĩ bàn, cho nên đã biết mà còn hỏi.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ông Duy-ma-cật, trước đã mời các Bồ-tát cùng đến ra mắt Đức Phật, vốn là tại Phật tướng người, nhưng thấy Phật chẳng thể cho là vừa thấy hình tướng đã thấy Phật. Vì thế mới hỏi để luận rõ về nghĩa thấy Phật.

Chánh văn: Như con quán thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phật là gì? Là danh xưng của đạo Đại giác cùng lý tận tánh. Đạo ấy rỗng lặng kiên cố, siêu tuyệt cảnh thường, tâm chẳng thể dùng trí mà biết, hình chẳng thể dùng tượng mà dò, đồng hữu vi với vạn vật mà cư trụ nơi cảnh vô vi, ở trong ngôn từ số lượng mà ngụ tại làng vô ngôn; chẳng có mà chẳng phải là không, chẳng không mà chẳng phải là có. Vắng lặng rỗng rang, chúng sinh chẳng thể biết. Chẳng biết đặt tên là gì, nên gượng cho là giác, đó là cùng, là tột rồi vậy. Thế thì đồng với đắc, thì đắc cùng là đắc; đồng với thất, thì thất cũng là đắc. Vậy, nơi chân thì đồng với chân, nơi ngụy thì đồng với ngụy. Như Lai linh diệu chiếu soi, thầm hợp nhất với thật tướng, tướng của thật tướng tức tướng Như Lai. Cho nên kinh nói: “Thấy thật tướng của pháp tức thấy Phật.” Ông Tịnh Danh tự quán thật tướng của thân, cho là quán tướng Như Lai, nghĩa hợp ở nơi đây.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu cho rằng ta và Phật đối diện là thấy Phật, thì ta và Phật khác thấy nhau, cách nhau quá xa, há được Phật ư? Nếu có thể tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế, thì chẳng khác nhau, vì không nghịch là thấy được Phật.

Chánh văn: Con quán Như Lai quá khứ chẳng đến, vị lai chẳng đi, hiện tại chẳng dừng trụ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu cho thấy Phật là thấy, thật không có lý này, vì Phật chẳng thể thấy. Chẳng thấy có Phật mới chính là thấy Phật. Thấy Phật, tức thấy người này là Phật từ vị lai đến hiện tại, từ hiện tại vào quá khứ. Cho nên, suy biết chẳng thấy ba thời có Phật. Nếu ở quá khứ có Phật, thì lẽ ra phải đến, nhưng chẳng đến, vậy biết Phật chẳng tại quá khứ. Nếu vị lai có Phật, thì lẽ ra phải đi, nhưng Phật chẳng đi, nên biết Phật chẳng ở vị lai. Nếu hiện tại có Phật thì lẽ ra có dừng trụ, nhưng chẳng dừng trụ, nên biết Phật chẳng ở hiện tại.

Chánh văn: Chẳng quán sắc, chẳng quán sắc như, chẳng quán tánh của sắc, chẳng quán thọ, tưởng, hành, thức, chẳng quán thức như, chẳng quán tánh của thức.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân vượt ngoài ba cõi, chẳng thuộc ấm, giới, nhập, nên chẳng thể dùng sinh, trụ, khứ, lai để quán; chẳng thể dùng như và tánh của năm ấm để quán.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ở trước nói chẳng thấy Phật, hoặc là chẳng thể thấy chứ chẳng phải không có Phật, cho nên suy không có Phật có thể thấy để tận lý vậy. Nhân Phật tức thân Phật do năm ấm tạo thành; nếu có thì lẽ ra sắc tức là Phật, nếu sắc chẳng tức Phật thì lẽ ra ngoài sắc có Phật. Ngoài sắc có Phật thì có ba trường hợp:

  1. Phật ở trong sắc.
  2. Sắc ở trong Phật.
  3. Sắc thuộc Phật.

Nếu sắc tức Phật thì chẳng cần bốn ấm khác; nếu ngoài sắc có Phật, thì chẳng cần có sắc, nếu trong sắc có Phật thì Phật vô thường.

Nếu trong Phật có sắc thì Phật có phần hạn. Nếu sắc thuộc về Phật thì chẳng thể biến đổi. Sắc tức là sự của sắc, như là sắc chẳng khác, tánh tức vô bản là sắc. Đã nói sự của sắc thì hoặc có thể thay đổi, cho nên nói như; tuy nói chẳng thay đổi bản, hoặc chẳng có thể như thế, nên lại nói tánh. Thế thì đầy đủ ba nghĩa mới thành nghĩa sắc. Vì thế tánh, như và năm việc chẳng khác, đến như thức cũng đồng. Đã không có chỗ thấy chính là thấy thật, vì thật thấy là Phật nên thấy thật chính là thấy Phật vậy.

Chánh văn: Chẳng phải do tứ đại tạo, đồng như hư không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân như hư không, chẳng phải do bốn đại tạo ra.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trước tuy suy nói không có Phật tướng người, chính là biểu thị không thật có Phật nhân, nhưng chưa đủ để hiển rõ nguyên do. Phật rốt cuộc không phải là Phật nhân, nếu có Phật nhân (người) ắt phải do bốn đại sinh, từ bốn đại sinh là người sinh tử, Phật thì chẳng như thế; đối với ứng mà có, nhưng Phật thì thường không.

Chánh văn: Sáu nhập không tích tập.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phàm có Phật nhân (người) ắt phải cần có sáu nhập tích tập mà xuất sinh. Đã không tích tập lại có Phật nhân ư? Năm ấm là bốn đại tạo ra, nên căn cứ theo sáu nhập để thuyết minh.

Chánh văn: Đã vượt ra ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân vượt ngoài sáu căn nên các nhập bên ngoài chẳng thể tích tập.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trên là nói sáu nhập không tích tập, nên không có Phật nhân, chính là nói đời sau không có Phật nhân, nhưng chưa đủ để nói hiện tại không có Phật nhân, nên lại phải nói đến sáu nhập đã vượt qua. Nói đã vượt qua sáu nhập tức không có tích tập từ rất lâu rồi.

Chánh văn: Chẳng tại ba cõi.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trên nói đã vượt qua sáu nhập, thì còn cho ở tại sáu xứ. Vượt qua hoặc chẳng đến là không có sáu nhập, xứ, nên mới nói chẳng tại ba cõi.

Chánh văn: Đã lìa ba cấu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã vượt qua ba cõi, thì đâu có cấu nhiễm của ba cõi.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã lìa ba cấu nên chẳng trụ trong ba cõi. Vì chẳng có ba nên chẳng trụ ba.

Chánh văn: Thuận ba môn giải thoát.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vì thuận ba giải thoát nên lìa ba cấu. Lấy ba để lìa ba.

Chánh văn: Ba Minh và vô minh đồng đẳng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thế của pháp thân vô tướng thuận ba giải thoát. Tuy có ba Minh mà chẳng khác vô minh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Thuận ba pháp môn Giải thoát thì minh và vô minh đồng đẳng.

Ba môn giải thoát đã là ba Minh, nên lại căn cứ theo ba Minh để luận.

Chánh văn: Không phải nhất tướng chẳng phải dị tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không có hình tượng chẳng phải không hình tượng, cho nên chẳng phải là một. Hình tượng mà chẳng phải hình tượng, nên chẳng thể nói là khác (dị).

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đẳng tức cả hai đồng đẳng, cả hai đồng đẳng thì chẳng một chẳng khác.

Chánh văn: Chẳng phải tự tướng, chẳng phải tha tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải tự mà đồng với tự, nên tự mà chẳng tự; chẳng phải tha mà đồng với tha, nên tha mà chẳng phải tha. Thân vô tướng há có thể lấy nhất, dị, tự, tha để quán thể của thân ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Có tự có tha thì trở thành sai biệt (dị).

Chánh văn: Chẳng phải vô tướng, chẳng phải chấp thủ tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã chẳng phải là tướng không vật, lại chẳng phải là tướng có thể chấp thủ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu vô tướng là một, thì lại chẳng thể chấp thủ tướng không nhất và không dị.

Chánh văn: Chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia, chẳng phải giữa dòng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Thuận ba môn giải thoát thì đến bờ kia. Nếu có đến thì chẳng đến, không đến không phải chẳng đến, thì mới thật là đến. Bờ này là sinh tử, bờ kia là Niết-bàn, giữa dòng là kết sử.

Chánh văn: Mà giáo hóa chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn nói bờ này, thì lại tịch diệt đồng Niết-bàn, muốn nói là bờ kia thì sinh tử là trụ xứ, lại chẳng phải giữa dòng mà giáo hóa chúng sinh. Đây là chỗ cùng tột của đạo. Bờ này là sinh tử, bờ kia là Niết-bàn, giữa dòng là Hiền Thánh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phàm giáo hóa chúng sinh là làm cho họ đoạn trừ kết sử xa lìa sinh tử đến Niết-bàn, nhưng trước nói không phải ba nơi, tựa như chẳng có giáo hóa, nên phải nói như thế, vậy ba nơi chẳng phải không có.

Chánh văn: Quán tịch diệt mà chẳng vĩnh viễn diệt.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Quán tịch diệt, quán tức tịch diệt, diệt mà chẳng diệt, há có thể có hình tướng, tên gọi?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã nói giáo hóa chúng sinh, thì tựa như thấy có chúng sinh, nên nói thêm quán tịch diệt. Quán tịch diệt, chẳng phải là vĩnh viễn diệt độ.

Chánh văn: Chẳng đây, chẳng kia.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu giáo hóa chúng sinh, thì tựa như có tại đây tại kia. Tại đây tại kia là dấu tích của ứng hóa, chứ chẳng phải là thật.

Chánh văn: Chẳng lấy đây, chẳng lấy kia.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải đây mà đồng với đây, nên đây mà chẳng phải đây; chẳng phải kia mà đồng với kia, cho nên kia mà chẳng phải kia, thế thì đâu thể lấy đây mà đồng với kia, lấy kia mà đồng với kia? Đây là nói tâm của bậc Thánh không có lấy đây kia để đồng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tuy nói chẳng tại đây tại kia, nhưng có thể lấy dấu tích đây kia mà giáo hóa. Đây kia là do chúng sinh chấp thủ, chứ chẳng phải là Phật như thế.

Chánh văn: Chẳng thể dùng trí mà hiểu, chẳng thể dùng thức mà biết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm trí thức sinh là sinh từ nơi tướng, pháp thân đã vô tướng thì chẳng phải là chỗ lường biết của trí thức.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã chẳng trụ đây kia, lại chẳng lấy đây kia, thì đâu thể dùng trí để hiểu, dùng thức để biết mà nói về nó được?

Chánh văn: Không tối không sáng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sáng thì vượt trên cả ba loại ánh sáng, ai có thể cho là tối? Tối thì tối hơn mật thất, ai có thể cho là sáng? Thế thì tại tối là tối, tại sáng là sáng. Hay tối hay sáng, đâu phải là năng lực của tối sáng làm được ư? Nên nói không tối không sáng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Sáng chẳng tại hình tích tức là tối, nhưng lý thì chẳng có tại đâu, nên chẳng phải là tối. Hình tích mà trái lại có sáng là sáng. Nhưng đó là do chúng sinh chấp giữ, chứ chẳng phải là sáng thật.

Chánh văn: Không danh không tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng thể dùng danh để đặt tên, chẳng thể dùng tướng để lập tướng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trong hình tích đã có danh, mà Phật thì không danh. Tướng là dáng mạo có thể đặt tên.

Chánh văn: Chẳng mạnh, chẳng yếu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Là chỗ chí nhu chẳng có trái nghịch thì ai nói là mạnh? Mạnh mẽ không thể chế phục thì ai nói là yếu?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vận động cả trời đất mà chẳng phải mạnh, ứng khắp cõi vô thường cũng chẳng phải là yếu.

Chánh văn: Chẳng tịnh, chẳng uế.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ở nơi tịnh thì tịnh, ai cho là uế, ở nơi uế là uế, ai cho là tịnh. Thế thì làm mạnh yếu, tịnh uế mà thật chẳng phải là chỗ làm của mạnh yếu, tịnh uế.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tướng quý và vẻ đẹp trang nghiêm thân mà chẳng phải là tịnh, quả báo bị thương xăn lúa ngựa mà chẳng phải là uế.

Chánh văn: Chẳng tại phương, chẳng lìa phương.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân chẳng tồn tại đâu mà không đâu chẳng tồn tại. Không tại đâu nên chẳng ở nơi phương sở; không đâu chẳng tại, nên chẳng lìa phương sở.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đông cảm thì tại Đông, Tây cảm thì tại Tây, há tại phương sở nhất định ư? Nhưng Phật ứng hiện, chẳng được nói là phương sở không có Phật, cho nên nói chẳng tại chẳng lìa.

Chánh văn: Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn nói là hữu vi ư? Thì lại không danh không tướng. Muốn nói là vô vi ư? Thì ứng hiện vạn hình.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu vào hữu thì hữu vi, nếu tại không thì vô vi, mà Phật đã không có cái hữu này, lại chẳng phải không có hữu, thế thì có gì là hữu vi vô vi?

Chánh văn: Không chỉ bày, không ngôn thuyết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sáu căn chẳng thể đạt đến, há có thể thuyết để chỉ cho người ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ứng với thấy thì chỉ bày, ứng với nghe thì tuyên thuyết, Phật vốn không chỉ bày, không tuyên thuyết.

Chánh văn: Chẳng bố thí, chẳng bỏn sẻn, chẳng giữ giới, chẳng phạm giới, chẳng nhẫn nhục, chẳng sân khuể, chẳng tinh tấn, chẳng lười biếng, chẳng định, chẳng loạn, chẳng phải trí, chẳng phải ngu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Lấy sáu Độ làm thể, nên có thể ứng hiện như trước đã nói, độ mà có độ thì chẳng phải độ, chẳng độ không độ, thì mới là độ.

Chánh văn: Chẳng thành thật, chẳng dối trá.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng thể cho thiện là thiện, chẳng thể cho ác là ác.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Sáu Độ lấy thành thật làm đạo, nhưng thành mà có thành thì chẳng phải là thành thật, chẳng thành không thành mới là thành thật.

Chánh văn: Chẳng đến chẳng đi.

– Đã có độ, đã có thành thật, thì liền ứng theo cảm mà đến, hết cảm thì đi. Nếu có đến đi này, thì chẳng thể đến đi.

Chánh văn: Chẳng thể xuất nhập.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Lặng lẽ mà đi, im vắng mà đến, âm thầm mà vào, kín nhiệm mà ra, ai biết được tăm hơi?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đến là xuất, đi là nhập.

Chánh văn: Bặt đường nói năng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thể thì bặt đường ngôn ngữ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tạm tổng kết. Đã nói dùng sáu Độ vô tướng làm Phật, há có thể dùng tướng ngôn thuyết mà diễn bày ư?

Chánh văn: Chẳng phải phước điền, chẳng phải chẳng phước điền.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vì lấy vô tướng làm Phật, nên hay khiến cho người cúng dường được phước, đó là phước điền. Nếu như thế thì có tướng.

Chánh văn: Chẳng xứng cúng dường, chẳng phải không xứng cúng dường.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thể vô tướng thì chẳng thể thấy được bờ bến, vậy ai có thể biết được là điền hay chẳng phải là điền, là xứng hay chẳng xứng?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Là phước điền thì xứng được cúng dường, chẳng phải phước điền thì chẳng xứng cúng dường.

Chánh văn: Chẳng giữ, chẳng bỏ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chấp giữ thì mất chân thật, xả bỏ thì trái với đạo.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Là phước điền thì nên giữ, chẳng phải phước điền thì nên xả bỏ.

Chánh văn: Chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vắng lặng vô hình thì chẳng phải là hữu tướng; có ba mươi hai tướng, thì chẳng phải là vô tướng.

– Nếu là phước điền là người phước đức, người phước đức thì có tướng có lộc.

Chánh văn: Đồng với mé chân, bình đẳng với pháp tánh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vô tướng thì được như thế. Cho Phật là sai biệt, nên nói là đồng đẳng.

Chánh văn: Chẳng thể cân, chẳng thể lường, vượt ngoài sự cân lường.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thể vô tướng đồng với chân tế (mé thật), bình đẳng với pháp tánh. Lời nói chẳng thể luận đến được, ý nghĩa chẳng thể suy lường được, vượt khỏi cảnh tính toán, ra ngoài phạm vi cân lường.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã đồng chân tế, bình đẳng với pháp tánh, há có thể dùng ý để suy nghĩ được ư? Vượt qua các sự cân lường, nghĩa là lời nói chẳng thể đạt đến.

Chánh văn: Chẳng lớn, chẳng nhỏ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Lớn bao trùm trời đất, nên chẳng thể cho là nhỏ; nhỏ không có gì có thể chứa trong đó, nên chẳng thể cho là lớn, mà có thể làm lớn làm nhỏ, chỉ vì đó là không lớn không nhỏ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu nói là nhỏ thì lớn bao trùm cả trời đất, nếu nói là lớn thì nhỏ không gì có thể nhập vào trong đó. Chánh văn: Chẳng thấy (kiến) Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì chẳng phải là sắc, cho nên chẳng thấy (kiến).

Chánh văn: Chẳng nghe (văn).

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải là âm thanh, nên chẳng nghe.

Chánh văn: Chẳng nhận biết (giác).

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải là hương, vị, xúc cho nên chẳng phải là cảnh biết của ba căn.

Chánh văn: Chẳng hiểu biết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải là pháp, nên chẳng phải là cảnh mà ý biết được.

– Không chỉ không thể thấy nghe nhận biết và hiểu biết, mà cũng không thể tạo tác ra thấy nghe hay biết.

Chánh văn: Xa lìa các trói buộc.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thể vô lậu dứt bặt các trói buộc.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã không thấy, nghe, hay, biết thì do đâu mà sinh trói buộc?

Chánh văn: Bình đẳng với các trí, đồng với chúng sinh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Há lại cho trí vượt quần trí, tự khác với quần sinh ư?

Chánh văn: Không phân biệt các pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bình đẳng với trí thật tướng, đồng với tánh của chúng sinh, mịt mờ không bờ bến, há có phân biệt với các pháp ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đối với tất cả pháp, đều không có tâm phân biệt.

Chánh văn: Tất cả đều không được, không mất, không ô trược, không phiền não.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Không được nên không mất, chẳng trong nên chẳng đục (trược); thể ở ngoài sự thì đâu có gì phiền não?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Có mất thì có ô trược, đã ô trược thì thành phiền não. Từ đây trở xuống là nói về “không” trong lý không tướng của Phật.

Chánh văn: Không tạo tác, không khởi.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Có trược thì có phiền não, liền có tạo tác có khởi thân sau.

Chánh văn: Không sinh không diệt.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân vô vi, bặt dứt tạo tác, thì ai có thể tạo tác đây; để khiến khởi sinh, làm diệt?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã tạo tác khởi thân sau, thì có sinh diệt.

Chánh văn: Không sợ sệt, không lo buồn, không vui mừng, không nhàm chán.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Có sinh diệt, là pháp đáng lo sợ, thì liền vui sinh mà buồn diệt, vui buồn không dứt thì sinh nhàm chán.

Chánh văn: Không đã có, không sẽ có, không hiện có.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân chẳng nương gá, bặt dứt hữu vi ba cõi, tam tai chẳng thể làm lo sợ, trước sau không thể biến đổi. Thể ấy vắng lặng vô vi, không thuộc số lượng, há có lo sợ, buồn chán, vui thích trong đó ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đã không buồn vui, thì chẳng thọ các hữu.

Chánh văn: Chẳng thể dùng tất cả ngôn thuyết phân biệt để hiển thị được.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đây là tổng kết.

Chánh văn: Bạch Thế Tôn! Thân Như Lai, con quán như thế!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hết lời nói, cùng tột trí nghĩ suy mà chẳng thể hiển bày; yếu chỉ đến quán Như Lai là như thế.

Chánh văn: Nếu quán như thế là Chánh quán, nếu quán pháp khác là Tà quán. Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi ông Duy-ma rằng: “Ông chết ở đâu mà sinh đến cõi này?”

Ngài La-thập nói:

– Thấy thần đức kỳ diệu, thì nơi đến ắt phải thù thắng. Nên mới hỏi nơi đã đến đây. Ông Duy-ma sợ người còn chấp vào chết sinh cho nên văn sau phản vấn để nói rõ không có việc chết rồi sinh. Cũng có người cho rằng sinh phần của ông Duy-ma chưa hết, mới hỏi về chết rồi sinh, nên sau đáp chẳng dứt pháp thiện, chẳng tăng trưởng pháp ác để nói sinh phần đã hết. Chẳng đáp thẳng vào câu hỏi là muốn:

  1. Khuất phục hàng Thanh văn.
  2. Chẳng muốn tự hiển thị chỗ phát xuất của mình thù thắng.Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên nói như quán thật tướng của thân, thật tướng vô sinh, mà nay có sinh là để thành tựu nghĩa tự quán ấy, nên dùng chết sinh để hỏi.

Chánh văn: Ông Duy-ma hỏi: “Pháp mà ngài đạt được, có chết rồi sinh không?”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nghịch vấn sở đắc của ngài Xá-lợi, để chứng minh không có chết rồi sinh. Pháp đạt được là pháp vô vi vô tướng. Tam thừa đều từ vô tướng mà đắc quả.

Chánh văn: Ông Xá-lợi-phất nói: “Không có chết rồi sinh!” Nếu các pháp không có tướng diệt rồi sinh, thì vì sao ngài hỏi: “Ông chết ở nơi đâu mà sinh về đây?

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ sở đắc của mình, mà có thể biết được pháp tướng, nên mới hỏi lại ngài Xá-lợi-phất.

Chánh văn: Ý ngài thế nào? Ví như một nhà huyễn thuật tạo ra các nam nữ, các người huyễn này có chết rồi sinh không? Xá-lợi-phất đáp: “Không có chết rồi sinh.” Nói: “Ngài không nghe Đức Phật dạy các pháp như huyễn ư?” Đáp: “Có nghe như thế!” Lại nói: “Nếu tướng các pháp như huyễn, vì sao ngài lại hỏi ta: “Ông chết ở đâu mà sinh đến đây?”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sinh giống như sự tồn tại của biến hóa, tử giống như sự qua đi của biến hóa, chúng sinh thì đều như thế, nên hỏi là vì sao?

Chánh văn: Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chết là tướng hư hoại của pháp hư giả, sinh là tướng tương tục của pháp hư giả.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trước xác định tướng chết rồi sinh.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Đây là lý sinh tử, mà chẳng thật.

Chánh văn: Bồ-tát tuy chết nhưng không đoạn các gốc thiện, tuy sinh nhưng chẳng tăng trưởng pháp ác.

Ngài La-thập nói:

– Phàm phu khi chết thì khởi ác diệt thiện, đã sinh thì tăng thêm điều ác. Bồ-tát thì chẳng như thế. Vả lại, phàm phu đã đoạn hết gốc thiện, nên mệnh chung tăng trưởng tâm ác điên đảo, sau đó mới thọ sinh. Bồ-tát thì chẳng phải như thế, từ pháp hóa sinh, thanh tịnh, tùy ý hiển hiện, nên không có hoạn lụy này; không có hoạn này thì thân tuy có đến đi mà chẳng phải là chết rồi sinh. Ở đoạn trên, trước nói về tánh không hiển thị, không có chết rồi sinh. Ở đây thì nói từ pháp hóa sinh, tự tại, để hiển thị không có chết sinh. Xét hai môn thì nói chết sinh là không có căn cứ, mà hỏi chết rồi sinh là quá sai lầm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thiện ác đều là tướng tương tục hư dối, là pháp hư hoại. Nhưng phàm phu sinh thì tăng trưởng pháp ác, chết thì đoạn dứt pháp thiện. Bồ-tát sinh thì tăng trưởng pháp thiện, chết thì dứt pháp ác. Chết sinh tuy đồng mà tăng, diệt khác nhau. Nhưng đều là tướng bại hoại hư dối, đâu khác gì huyễn hóa.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Sinh tử còn chẳng thật, đã chẳng nên hỏi, huống là đều không? Nếu có sinh tử, vậy tử thì phước đức tận. Sinh thì tăng trưởng các ác.

Chánh văn: Bấy giờ, Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: “Có một cõi nước tên là Diệu hỷ, có Đức Phật hiệu là Vô Động, ông Duy-macật đã chết ở cõi đó mà sinh sang đây.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên trả lời là không có sinh, ở đây lại nêu ra nơi sinh, đó là do thích ứng với chúng sinh mà nói, chẳng phải là vô ích.

Chánh văn: Xá-lợi-phất nói: “Thật chưa từng có! Bạch Thế Tôn! Vị này có thể xả bỏ cõi thanh tịnh mà thích đến cõi nhiều khổ não oán hại.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi này trái nghịch với cõi khác, có rất nhiều oán hại.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất rằng: “Ý ông nghĩ sao? Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì có hợp với tối chăng?” Đáp: “Không, ánh sáng mặt trời xuất hiện thì không còn bóng tối.” Hỏi: “Vì sao mặt trời đi qua cõi Diêm-phù-đề?” Ngài Xá-lợi-phất đáp: “Vì muốn dùng ánh sáng chiếu phá tối tăm cho cõi này.” Ông Duy-ma-cật lại nói: “Bồ-tát cũng thế, tuy sinh vào cõi Phật bất tịnh, nhưng chủ yếu là giáo hóa chúng sinh mà chẳng hợp với kẻ ngu tối, chỉ trừ phiền não tăm tối cho họ mà thôi.” Bấy giờ, cả đại chúng khát ngưỡng muốn thấy cõi Diệu hỷ, Đức Như Lai Vô Động và các vị Bồ-tát, Thanh văn. Đức Phật biết tâm niệm của chúng hội, nên bảo ông Duy-ma-cật rằng: “Này thiện nam! Hãy hiện ra cõi Diệu hỷ, Đức Phật Vô Động, các Bồ-tát và hàng

Thanh văn cho đại chúng ở đây được thấy, mọi người đang muốn xem.” Ngài La-thập nói:

– Vì những người có căn cơ thấp kém muốn tu Tịnh độ cầu vãng sinh, nên hiện ra quốc độ này. Chẳng phải thấy từ xa mà đem đặt vào cõi này là để hiển bày thần lực của ông Duy-ma. Chứng kiến trực tiếp sự việc thì tâm vui thích mà ngộ lại sâu, nên khiến hiện việc này.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã thấy tâm đại chúng khát ngưỡng, lại muốn nêu rõ đức chẳng thể nghĩ bàn của ông Tịnh Danh, cho nên bảo hiện bản quốc.

Chánh văn: Khi ấy ông Duy-ma nghĩ rằng: “Ta sẽ không rời tòa ngồi mà tiếp lấy cõi Diệu hỷ, cùng với tất cả núi Thiết vi, sông, suối, hang, ngòi, lạch, biển lớn, nguồn, các núi Tu-di và mặt trời, mặt trăng, các vì sao, các cung điện của trời, rồng, quỷ thần, Phạm thiên, các hàng Bồ-tát, Thanh văn, thành ấp tụ lạc, nam nữ, lớn nhỏ, cho đến Đức Như Lai Vô Động.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Khuất phục được bậc tôn quý là rất khó nên nói cho đến.

Chánh văn: Và cây Bồ-đề, hoa sen quý báu có thể làm Phật sự trong mười phương.

Ngài La-thập nói:

– Trên hoa sen có hiện hóa Phật, hoặc phóng ánh sáng, và thuyết pháp… biến hiện các tướng trạng, để khai ngộ chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cây Bồ-đề cõi kia và hoa sen quý báu đều thường phóng ánh sáng, làm Phật sự ở khắp mười phương, và trên hoa sen có các hóa Phật và Bồ-tát, cũng làm Phật sự khắp cả mười phương, đều đem về cõi này.

Chánh văn: Ba đường thềm báu từ cõi Diêm-phù-đề đến cõi Trời Đao-lợi, do đường thềm báu này mà chư Thiên xuống kính lễ Đức Như Lai Vô Động và nghe nhận kinh pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Báo lực thần thông của chư thiên cõi Dục, có thể đạp hư không mà đi, nhưng cõi kia dùng thềm báu để nghiêm sức, làm đường dạo chơi, nhân đó mà lên xuống.

Chánh văn: Người ở cõi Diêm-phù-đề cùng bước trên đường này để gặp chư thiên ở cõi Đao-lợi Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi nghiêm tịnh, thì phước tích tập. Quả báo của trời, người đều khác nhau không bao nhiêu, cho nên qua lại trên một con đường, ắt có niềm vui giao du nhau.

Chánh văn: Cõi Diệu hỷ thành tựu công đức vô lượng như thế. Phía trên từ trời A-ca-nị-trá, dưới đến mé thủy luân, dùng tay phải đoạn lấy rất nhanh và nhẹ nhàng như bánh xe của người thợ gốm.

Ngài La-thập nói:

– Bản tiếng Phạm ghi: “Như đoạn lấy khối bùn.” Nay nói như bánh xe của người thợ gốm là nói chặn lấy ngay ở giữa, như bánh xe của người thợ gốm, phía dưới chẳng chạm đất, bốn phía đều đoạn lìa.

Chánh văn: Đặt vào thế giới này giống như cầm một tràng hoa, chỉ cho tất cả đại chúng xem. Ông suy nghĩ xong thì nhập tam-muội, hiện sức thần thông.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nặng là gốc của nhẹ, tĩnh là chủ của động, nếu chẳng có sức tam-muội thì chẳng biết lấy gì để vận động thần túc.

Chánh văn: Dùng tay phải chặn lấy cõi Diệu hỷ.

Ngài La-thập nói:

– Chấn lấy tức là biểu thị không đem về hết cõi ấy.

Chánh văn: Đặt vào cõi này. Các Bồ-tát có thần thông và Thanh văn, trời, người cõi ấy đều cất tiếng hỏi rằng: “Dạ! Bạch Thế Tôn! Ai  đem chúng con đi? Xin Đức Thế Tôn cứu hộ!” Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát có đại thần thông nghịch quán thấy được nguyên nhân biến hóa này, vì đại chúng mà hỏi; còn những trời người khác vì chẳng biết mà hỏi. Tâm lo sợ không cùng, nên cầu xin cứu hộ.

Chánh văn: Đức Phật Vô Động nói: “Chẳng phải Ta làm ra! Đó là sức thần thông của ông Duy-ma-cật tạo ra đấy!’. Còn tất cả những người chưa có thần thông khác chẳng biết chẳng hay mình đã đi đâu. Cõi Diệu hỷ tuy đã nhập vào cõi Ta-bà này mà chẳng tăng chẳng giảm, cõi này cũng không bị ép chật, vẫn nguyên như cũ, không sai khác. Bấy giờ, Đức Thích-ca Mâu-ni nói với đại chúng rằng: “Các ông hãy xem cõi Diệu hỷ, Phật Vô Động. Cõi ấy trang nghiêm bằng hạnh thanh tịnh của Bồ-tát và sự trong sáng của các đệ tử.” Đại chúng nói: “Dạ! Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thấy!” Đức Phật bảo: “Các Bồ-tát muốn được cõi Phật thanh tịnh  như thế, thì nên học đạo của Đức Như Lai Vô Động.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Lên được cao ắt phải do bước từ gốc thấp; cầu quả ắt phải tìm nhân.

Chánh văn: Khi hiện cõi Diệu hỷ này, ở cõi Ta-bà có mười bốn na-do-tha người.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mười vạn là một na-do-tha.

Chánh văn: Phát tâm Vô thượng Bồ-đề và đều nguyện sinh về cõi Phật Diệu hỷ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thọ ký rằng: “Sẽ được sinh sang nước ấy!” Bấy giờ, cõi Diệu hỷ đã thực hiện những việc lợi ích ở cõi Ta-bà xong liền trở về nơi cũ, cả đại chúng đều thấy. Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất rằng: “Ông có thấy cõi Diệu hỷ và Đức Phật Vô Động chăng?”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức nhờ nơi Xá-lợi-phất để nói về bậc Thánh tụ tập rất khó gặp, nghe được kinh pháp cũng chẳng dễ, nên hỏi riêng là “Ông có thấy chăng?”

Chánh văn: Dạ! Con đã thấy! Bạch Thế Tôn! Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được cõi thanh tịnh của Đức Phật Vô Động và sức thần thông như ông Duy-ma.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Do thấy mà phát nguyện.

Chánh văn: “Bạch Thế Tôn! Chúng con vui thích được lợi lành, được gặp người này để gần gũi cúng dường.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Đây là lời tự chúc mừng.

Chánh văn: Còn những chúng sinh hiện tại, hoặc sau khi Phật diệt độ mà nghe được kinh này thì cũng được lợi lành, huống là nghe rồi tin, hiểu, thọ trì, đọc tụng, giải nói, như pháp tu hành! Nếu có người tay cầm được kinh này là đã được kho pháp bảo.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tay cầm được quyển kinh, tuy chưa tụng đọc, thì cũng như người đã được kho báu mà chưa sử dụng. Trên dùng ngay việc nghe để so sánh chung, ở đây thì kết luận riêng về đức, để xét về chỗ hơn kém.

Chánh văn: Nếu có người đọc tụng, giải thích nghĩa của kinh này, như pháp tu hành, thì sẽ được chư Phật hộ niệm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hạnh là bên trong, hộ niệm là sức bên ngoài, lý hợp thì thầm cảm ứng, đó là lẽ tự nhiên.

Chánh văn: Nếu cúng dường người này, nên biết đó là cúng dường Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người này là người được Phật hộ niệm.

Chánh văn: Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này, nên biết nhà người ấy có Như Lai.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tùy theo ngôi nhà an trú để biên chép thọ trì kinh này, nên biết ngôi nhà ấy có Như Lai. Biên chép, thọ trì chủ yếu là ở nơi tay.

Chánh văn: Nếu có người nghe kinh này mà tùy hỷ, người này sẽ chứng thủ Nhất thiết trí.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nếu nghe kinh này, có thể tùy thuận theo nghĩa mà vui mừng thì người này sẽ hội được Nhất thiết trí, cho nên nói là thủ.

Chánh văn: Nếu có người tin hiểu kinh này, dù chỉ một bài kệ bốn câu, rồi giảng nói cho người khác nghe, nên biết người này đã được thọ ký Vô thượng Bồ-đề.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đây là nói đã hiểu một bài kệ bốn câu rồi giảng giải cho người khác nghe, thì phước ấy nhiều hơn phước của tùy hỷ, cho nên mới nói thọ ký. Trước nói thủ là chỉ nói hội quy, mà chưa đề cập đến thọ ký.