SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 12: ĐẲNG VÔ ĐẲNG

Bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, con có thể giảng nghĩa Đại Bồ-tát và do đâu mà gọi là Đại Bồ-tát chăng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Được, ông cứ nói!

Hiền giả Xá-lợi-phất nói:

–Vứt bỏ tất cả kiến chấp, kiến chấp tôi ta, người, thọ mạng, việc phàm phu, loài hữu tình, có tạo tác, không tạo tác, chấp chặt với quan điểm thường, chấp chặt với quan điểm không, chấp chặt với quan điểm ấm, chấp chặt với quan điểm chủng, chấp chặt với quan điểm suy, chấp chặt với quan điểm nhập, chấp chặt với quan điểm hư, chấp chặt với quan điểm thật, chấp chặt với quan điểm mười hai nhân duyên, chấp chặt với quan điểm bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, hoặc chấp chặt với quan điểm giáo hóa chúng sinh, chấp chặt với quan điểm làm thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật, chấp chặt với quan điểm Phật đạo, chấp chặt với quan điểm giác ngộ, chấp chặt với quan điểm chuyển pháp luân. Dứt trừ tất cả sự chấp chặt đối với các quan điểm này mà thuyết pháp, thì gọi là Đại Bồ-tát.

Hiền giả Tu-bồ-đề hỏi Hiền giả Xá-lợi-phất:

–Thưa Hiền giả! Vì sao Đại Bồ-tát chấp chặt với quan điểm về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tôi, ta, người, thọ mạng, bốn chủng, suy, nhập, mười tám chủng, bốn Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật?

Hiền giả Xá-lợi-phất trả lời:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật không có phương tiện thiện xảo, khi tiếp xúc sắc phát khởi chấp chặt quan điểm cho là có sở đắc. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tôi, ta, người, thọ mạng, bốn chủng, suy, nhập, mười tám chủng, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, khi đã tiếp xúc với những pháp này, rồi phát khởi các chấp chặt với quan điểm cho là có sở đắc. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, kinh qua những pháp ấy, dùng phương tiện thiện xảo trừ các chấp chặt quan điểm, vì họ thuyết pháp, khiến cho xa lìa điên đảo, chẳng cầu sở đắc.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con có thể nói danh hiệu Đại Bồ-tát và mục đích ý nghĩa của Đại Bồ-tát chăng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Được, ông cứ nói!

–Vâng lời dạy của Thế Tôn, theo con hiểu thì tâm của Bồ-tát bình đẳng không ai bằng, không có tâm oán địch, tâm của các Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh kịp. Vì sao? Vì tâm trí Nhất thiết không có các lậu, cũng không nhân duyên. Giả sử tâm trí Nhất thiết không có các lậu, cũng không nhân duyên như thế, thì đối với tâm ấy, không có chỗ chấp trước. Cho nên gọi Đại Bồ-tát là giả hiệu Đại Bồ-tát.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Vì sao cái gọi là tâm của Đại Bồ-tát bình đẳng không ai bằng, tâm không oán địch, tâm của các Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh kịp?

Tu-bồ-đề trả lời Xá-lợi-phất:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát ấy từ khi mới phát tâm chưa từng thấy phát khởi, phát diệt, không từ đâu đến, chẳng tăng, chẳng giảm, không có trần cấu, cũng không kết hận.

Thưa Hiền giả! Giả sử cái chẳng khởi, chẳng diệt, không từ đâu đến, chẳng tăng, chẳng giảm, không có trần cấu, cũng không kết hận, không có tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, không có tâm Bồ-tát, cũng không có tâm Phật thì, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đó là tâm Đại Bồ-tát, bình đẳng không ai bằng, tâm không oán địch, tâm Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể sánh kịp.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Hiền giả không chỉ giảng tâm Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể sánh kịp, mà còn giảng tâm chẳng chấp trước Thanh văn, Bích-chi-phật, lại chẳng nên chấp trước sắc là đối tượng tìm cầu, thọ, tưởng, hành, thức là đối tượng tìm cầu.

Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Thật chẳng chấp trước

sắc thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng chấp trước nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng chấp trước mười tám chủng, các suy, nhập, mười hai nhân duyên; chẳng chấp trước bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo. Chẳng chấp trước mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Như vừa rồi, Hiền giả Tu-bồ-đề đã giảng luận, tâm Trí nhất thiết ấy không có các lậu, cũng không nhân duyên, thì thưa Hiền giả, tại sao tâm phàm phu ngu si cũng chẳng vô lậu, không có nhân duyên, bản tịnh là không, cho đến tâm của Thanh văn, Bích-chiphật, Thế Tôn không có các lậu, không có nhân duyên sao?

Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Đúng vậy!

Hiền giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Sắc cũng chẳng là vô lậu sao? Không nhân duyên sao? Bản tịnh là không sao? Thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng là vô lậu sao? Không nhân duyên sao? Bản tịnh là không sao? Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Đúng vậy!

Hiền giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mười tám chủng, bốn đại, suy, nhập, mười hai nhân duyên chẳng là vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao? Bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, Năm năn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo chẳng là vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao? Mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, vô vi, vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao?

Tu-bồ-đề trả lời:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Đúng như Hiền giả đã nói, tâm phàm phu ngu si, tâm Thanh văn, Bích-chi-phật cũng vô lậu, cũng không nhân duyên, bản tịnh là không. Ấm, chủng, nhập, bốn đại, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng vô lậu, cũng không nhân duyên, bản tịnh là không.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Đối với các tâm này, không nên chấp trước. Lại chẳng nên chẳng chấp trước không có sắc và sắc sao? Chẳng nên chẳng chấp trước không có thọ, tưởng, hành, thức và thọ, tưởng, hành, thức sao? Lại nữa, thưa Hiền giả Tu-bồ-đề, chẳng nên chẳng chấp trước không có Ý chỉ và Ý chỉ sao? Không có Ý đoạn và Ý đoạn sao? Không có thần túc và thần túc sao? Không có năm Căn và năm Căn sao? Không có năm Lực và năm Lực sao? Không có bảy Giác ý và bảy Giác ý sao? Không có tám Thánh đạo và tám Thánh đạo sao? Không có mười Lực và mười Lực sao? Không có bốn Vô sở úy và bốn Vô sở úy sao? Không có bốn Phân biệt biện và bốn Phân biệt biện sao? Không có mười tám pháp Bất cộng và mười tám pháp Bất cộng sao?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Chẳng nên chấp trước không có sắc và sắc, chẳng nên chấp trước không có thọ, tưởng, hành, thức và thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên chấp trước không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Chẳng nên chấp trước không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng nên chấp trước không có bốn đại, suy, nhập và bốn đại, suy, nhập. Chẳng nên chấp trước không có mười hai nhân duyên và mười hai nhân duyên. Chẳng nên chấp trước không có ba mươi bảy phẩm và ba mươi bảy phẩm. Chẳng nên chấp trước không có mười Lực và mười Lực. Chẳng nên chấp trước không có bốn Vô sở úy và bốn Vô sở úy. Chẳng nên chấp trước không có bốn phân biệt biện và bốn phân biệt biện. Chẳng nên chấp trước không có mười tám pháp Bất cộng của chư Phật và mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Vì vậy cho nên Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật với tâm đạo, không có tâm oán địch. Tâm các Thanh văn, Bích-chi-phật đều không sánh kịp, cũng chẳng tưởng nghĩ Thanh văn, Bích-chi-phật, không chỗ nương tựa, chẳng theo điên đảo, cũng không sở đắc. Vậy nên thành tựu tất cả các pháp.