KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: BỐN THỨ ĐIÊN ĐẢO

Phật lại bảo Ca-diếp:

–Điều mà Ta gọi là điên đảo, có tư tưởng vui đối với sự khổ, Như Lai vô thường diệt tận Nê-hoàn, như củi hết lửa tắt thì cho là nỗi khổ lớn mà quán tưởng như thế này, Như Lai vô thường, đó là điên đảo. Có tư tưởng khổ đối với sự vui, đối với sự trường tồn của Như Lai mà khởi lên cái vọng kiến cố chấp thực hữu của chúng sinh, đó là điên đảo. Sự khổ não ở ba cõi mà khởi lên tư tưởng vui sướng, đó cũng là điên đảo, ấy là điên đảo thứ nhất.

Điên đảo đối với vô thường mà quán tưởng cho là thường, điên đảo đối với thường mà quán tưởng cho là vô thường. Đối với vô thường mà quán tưởng cho là thường, nghĩa là Như Lai Nê-hoàn, họ bèn tu lẽ Không tướng tột bực, đó là điên đảo. Tu lẽ Không cùng cực xong, chúng sinh có tuổi thọ ngắn ngủi liền được sống lâu, do đó kết quả tu tập là pháp tồn tại lâu dài, gọi là điên đảo, ấy gọi là điên đảo thứ nhì.

Điên đảo đối với vô ngã mà quán tưởng cho là ngã, điên đảo đối với ngã mà quán tưởng cho là vô ngã, họ nói rằng tất cả thế gian có ngã, đó là điên đảo. Phật nói Như Lai tánh chính là ngã chân thực, thế nhưng đối với nghĩa này họ tu tập vô ngã, đó gọi là điên đảo thứ ba.

Điên đảo đối với tịnh mà quán tưởng cho là bất tịnh, điên đảo đối với bất tịnh mà quán tưởng cho là tịnh, Như Lai thường trụ không phải thân uế thực, thế nhưng người phàm mắt thịt nói rằng thân uế thực, không phải pháp thanh tịnh, Pháp, Tăng và giải thoát cũng sẽ diệt mất hết, đó gọi là điên đảo. Họ đối với thân bất tịnh mà không có một phép quán tưởng thanh tịnh, vì ngu si điên đảo mê hoặc mà khởi lên quán tưởng thanh tịnh, đó gọi là điên đảo thứ tư.

Như thế, này thiện nam! Đó gọi là bốn thứ điên đảo.

Ca-diếp bạch Phật:

–Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ, con thường dính mắc vào sự điên đảo, nay mới bắt đầu biết chánh kiến của Như Lai.