KINH
PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Hùng

 

Phẩm thứ 12:  BỐN PHÁP ĐIÊN ĐẢO

[883a] Đức Phật lại bảo ngài Ca-diếp rằng:

– Điên đảo nghĩa là khổ mà nghĩ vui, nghĩ rằng Như Lai là pháp vô thường, nê-hoàn diệt tận, như củi hết lửa tắt, đó là đại khổ. Nếu ai nghĩ rằng Như Lai vô thường tức là điên đảo. Vui mà tưởng khổ, đối với Như Lai trường tồn mà thấy giống như chúng sinh, đó là điên đảo. Ba cõi là khổ mà nghĩ rằng vui, đó là điên đảo. Đây là những điều điên đảo thứ nhất.

– Vô thường nghĩ thường, đó là điên đảo. Thường nghĩ vô thường, đó là điên đảo. Thường nghĩ vô thường là nghĩ Như Lai đạt được nê-hoàn nhờ tu cực không[232], đó là điên đảo. Tu cực không rồi, chúng sinh đoản thọ liền được trường thọ, cho kết quả ấy là pháp thường tồn, đó là điên đảo. Đây chính là điều điên đảo thứ hai.

– Phi ngã tưởng ngã, đó là điên đảo. Ngã tưởng phi ngã, tức là điên đảo. Cho rằng tất cả thế gian có ngã, tức là điên đảo. Chư Phật dạy rằng thể tính Như Lai là ngã chân thật, nhưng với nghĩa này lại tưởng phi ngã, đây chính là điều điên đảo thứ ba.

– Tịnh nghĩ bất tịnh, đó là điên đảo. Bất tịnh nghĩ tịnh, đó là điên đảo. Như Lai thường trụ, chẳng phải là thân thụ thực ô uế, nhưng người mắt thịt cho rằng là thân thọ thực ô uế, pháp không thanh tịnh; Pháp, Tăng, Giải thoát cũng sẽ diệt tận, đó là điên đảo. Đối với tất cả thân hình bất tịnh, không thấy một chút thanh tịnh nào cả, nhưng mà chúng sinh ngu si, điên đảo lại nghĩ thanh tịnh, đây chính là điều điên đảo thứ tư.

– Như vậy, thiện nam! Đây là bốn điều điên đảo vọng tưởng.

Bồ-tát Ca-diếp bạch với Phật rằng:

– Hay thay, Thế Tôn! Từ trước đến nay con thường chấp giữ những điều điên đảo, bây giờ mới thấy chính pháp Như Lai.

-o0o-

[232] Cực không 極空: cứu cánh không (Tuệ Sĩ).