SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 12: A-LA-LAM UẤT-ĐẦU-LAM

Dòng Nhật quang Cam giá
Đến rừng vắng lặng kia
Tới chỗ vị Mâu-ni
Đại tiên A-la-lam.
Ca-lam dòng quý tộc
Xa thấy Bồ-tát đến
Lớn tiếng xa khen ngợi
An ủi rằng lành thay
Chắp tay lẫn cung kính
Hỏi thăm an lành không.
Hỏi thăm sức khỏe rồi
Khoan thai cùng ngồi xuống
Phạm chí thấy Thái tử
Dung mạo rất uy nghi
Gội nhuần, kính đức hạnh
Như khát uống cam lộ
Đưa tay bảo Thái tử:
“Biết Ngài xuất gia lâu
Bỏ cha, mở khóa ái
Giống như voi thoát nài
Trí sâu, tuệ giác sáng
Khỏi ăn quả độc này.
Thuở xưa, vua Minh Thắng
Nhường ngôi lại cho con
Như người đeo tràng hoa
Khô héo nên vất bỏ
Chẳng bằng Ngài tuổi trẻ
Không lên ngôi Thánh vương.
Xét chí vững của Ngài
Xứng đáng là pháp khí
Nên ngồi thuyền trí tuệ
Vượt qua biển sinh tử.
Hễ có người đến học
Xét tài rồi mới dạy
Nay tôi đã biết Ngài
Chí vững chắc, quyết định
Hãy nên hết lòng học
Tôi không giấu điều chi.”
Thái tử nghe dạy bảo
Vui mừng mà đáp rằng:
“Ngài có tâm bình đẳng
Khéo dạy, không thương ghét
Chỉ nên hết lòng nhận
Việc mong cầu đã được.
Đi đêm được đuốc sáng
Lạc lối được người dẫn
Qua biển được thuyền nan
Nay tôi cũng như vậy
Đã được Ngài thương xót
Dám hỏi điều tâm nghi:
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Làm thế nào được khỏi?”
Bấy giờ A-la-lam
Vừa nghe Thái tử hỏi
Liền đem các kinh luận
Để giải thích sơ lược:
“Ngài là bậc cơ ngộ
Người thông minh bậc nhất
Giờ xin nghe tôi nói
Nghĩa sống chết, sinh diệt.
Tánh, biến, sinh, già, chết
Năm thứ là chúng sinh
Tánh nghĩa là thuần tịnh
Chuyển biến là năm đại
Ngã, giác cùng với kiến
Căn theo cảnh là biến
Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Đều gọi là cảnh giới
Tay chân, ngữ hai đường
Đó gọi năm nghiệp căn.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
Đó gọi là Giác căn
Ý căn gồm hai nghĩa
Vừa nghiệp vừa gọi giác
Tánh chuyển biến là nhân
Người biết nhân là Ngã.
Vị tiên Ca-tỳ-la
Và đệ tử quyến thuộc
Đối yếu nghĩa tôi đây
Tu học được giải thoát.
Tiên Ca-tỳ-la kia
Nay Ba-xà-ba-đề
Giác biết sinh, già, chết
Thuyết này gọi là kiến
Trái với thuyết nói trên
Thuyết gọi là Bất kiến
Nghiệp ngu si ái dục.
Thuyết ấy là luân chuyển
Nếu vướng ba thứ này
Chúng sinh ấy không lìa
Bất tín, ngã, nghi, lạm
Bất biệt, không phương tiện
Cảnh giới sâu chấp trước
Mãi nằm trong ngã sở.
Bất tín, điên đảo chuyển
Làm khác cũng hiểu khác
Ngã nói, ngã hay biết
Ngã đến đi, ngã trụ
Các chấp ngã như thế
Đó gọi ngã tác chuyển.
Đối các tánh do dự
Phải quấy không phải thật
Không quyết định như thế
Thuyết ấy gọi là Nghi.
Nếu nói pháp là Ngã
Nói đó tức là ý
Cũng như Giác và Nghiệp
Nói số lại nói Ngã
Không phân biệt như thế
Thuyết ấy gọi chung Lạm.
Ngu, trí tánh biến đổi
Không rõ gọi Bất biệt
Lễ bái, tụng các sách
Sát sinh tế miếu trời
Nước lửa thảy là tịnh
Mà sinh tưởng giải thoát
Các thứ kiến như thế
Đó gọi không phương tiện.
Kẻ ngu si chấp đắm
Ý, lời nói, giác nghiệp
Và cảnh giới chấp đắm
Thuyết ấy gọi là trước.
Các vật đều ngã sở
Đó gọi là nhiếp thọ
Tám thứ hoặc như thế
Càng chìm trong sinh tử.
Những kẻ ngu ở đời
Nhiếp thọ lấy năm tiết:
Ám si và đại si
Tức giận và sợ sệt
Biếng nhác gọi là Ám
Sống chết gọi là Si
Ái dục gọi đại si
Người lớn sinh mê lầm
Ôm hận gọi tức giận
Tâm hãi gọi sợ sệt.
Phàm phu ngu si ấy
Chấp đắm năm dục lạc
Sống chết là gốc khổ
Xoay lăn trong năm đường
Chuyển sinh ngã thấy nghe
Ngã biết, ngã làm ra
Do vì chấp ngã này
Thuận theo dòng sinh tử.
Nhân này không có tánh
Quả cũng chẳng có tánh
Gọi đó suy nghĩ đúng
Bốn pháp hướng giải thoát.
Thông minh và ngu tối
Hiển bày, không hiển bày
Nếu biết bốn pháp này
Lìa được sinh, già, chết.
Sinh, già, chết đã hết
Mau được chỗ vô tận
Bà-la-môn thế gian
Thảy đều nương nghĩa này
Tu hành các phạm hạnh
Cũng nói rộng người nghe.’
Thái tử nghe lời ấy
Lại hỏi A-la-lam:
“Thế nào là phương tiện
Rốt ráo đến chỗ nào?
Thực hành phạm hạnh nào?
Lại nên vào lúc nào?
Vì sao tu phạm hạnh?
Pháp nên đến chỗ nào?
Các yếu nghĩa như thế
Xin nói đủ tôi nghe.”
Bấy giờ, A-la-lam
Nói như kinh luận kia
Tự dùng tuệ phương tiện
Lại giải thích sơ lược:
“Trước lìa tục xuất gia
Y theo hạnh khất thực
Tu tập các oai nghi
Vâng giữ các chánh giới
Ít muốn và biết đủ
Ngon dở đều thọ nhận
Một mình tu vắng lặng
Siêng tu các kinh luận
Thấy tham dục sợ sệt
Lìa dục được thanh tịnh,
Giữ các căn vào làng
Tâm sống trong vắng lặng
Lìa dục ác bất thiện
Các phiền não cõi Dục
Xa lìa sinh vui mừng
Được thiền sơ giác quán.
Đã được vui Sơ thiền
Cùng với tâm giác quán
Cho đó là đặc biệt
Tâm ngu si ưa đắm
Tâm nương xa lìa vui
Qua đời sinh Phạm thiên.
Người trí tự biết được
Phương tiện dùng giác quán
Tinh tấn cầu tiến lên
Tương ưng Thiền thứ hai
Mê đắm vui mừng kia
Được sinh trời Quang âm,
Phương tiện lìa vui mừng
Tu lên Thiền thứ ba
An vui không cầu thắng
Sinh lên trời Biến tịnh,
Xả bỏ ý vui ấy
Chứng được thiền thứ tư
Khổ vui đều đã dứt
Hoặc nghĩ rằng giải thoát
Nhờ phước Tứ thiền kia
Được sinh trời Quảng quả.
Chư Thiên này sống lâu
Nên gọi là Quảng quả
Ở đó thiền định khởi
Thấy có thân là lỗi
Tăng tiến tu trí tuệ
Chán lìa Thiền thứ tư
Quyết định cầu tiến thêm
Tìm cách trừ sắc dục
Trước các lỗ trên thân
Dần dần tu cởi mở
Cuối cùng phần vững chắc
Đều thành tựu không quán
Tiến quán vô lượng thức
Khéo léo trong vắng lặng
Lìa ngã và ngã sở
Quán sát vô sở hữu.
Vô sở hữu xứ này
Văn-xà da xương lìa
Chim hoang thoát khỏi lồng
Xa lìa khỏi cảnh giới
Giải thoát cũng như vậy.
Bà-la-môn trên đây
Lìa thân thường bất tận
Người trí phải nên biết
Đó là chân giải thoát.
Phương tiện mà Ngài hỏi
Và người cầu giải thoát
Như lời tôi nói trên
Người tin sâu nên học.
Vị tiên Lân-kỳ-sa
Cùng với Xà-na-già
Tỳ-đà-ba-la-sa
Và người cầu đạo khác
Đều từ nơi đạo này
Mà được chân giải thoát.”
Thái tử nghe Tiên nói
Suy nghĩ nghĩa thú ấy
Phát khởi duyên đời trước
Rồi lại thưa hỏi nữa:
“Nghe Ngài trí tuệ cao
Nghĩa nhiệm mầu sâu xa
Biết nhân mà không bỏ
Chẳng phải đạo rốt ráo.
Tánh chuyển biến biết nhân
Nói rằng người giải thoát
Tôi quán sinh pháp này
Cũng là pháp chủng tử.
Ngài cho ngã thanh tịnh
Đó là chân giải thoát
Nếu gặp nhân duyên hội
Thì trở lại buộc ràng
Giống như chủng tử kia
Giờ, đất nước lửa gió
Lìa tan sinh trái lý
Gặp duyên chủng lại sinh
Nghiệp nhân ái vô tri
Bỏ thì gọi giải thoát.
Các chúng sinh còn ngã
Không giải thoát rốt ráo
Nơi nơi bỏ ba chủng
Mà lại được ba thắng
Vì ngã thường có nên
Kia phải theo nhỏ nhiệm
Vì theo lỗi nhỏ nhiệm
Nên tâm lìa phương tiện
Tuổi thọ được lâu dài.
Ngài cho chân giải thoát
Ngài nói lìa ngã sở
Nếu lìa thì không có
Các số đã không lìa
Làm sao lìa Cầu-na?
Cho nên có Cầu-na
Nên biết chẳng giải thoát.
Cầu-ni và Cầu-na
Nghĩa khác mà thể một
Nếu nói lìa nhau thì
Không hề có việc ấy.
Sắc nóng xa lìa lửa
Lửa khác không thể được
Như trước khi có thân
Thì không hề có thân
Như thế trước Cầu-na
Cũng không có Cầu-ni
Cho nên trước giải thoát
Sau mới bị thân buộc
Lại biết do lìa thân
Hoặc biết hoặc không biết
Nếu nói là có biết
Thì nên có chỗ biết
Nếu như có chỗ biết
Thì chẳng phải giải thoát
Còn nếu nói không biết
Thì ngã không dùng được.
Lìa ngã mà có biết
Thì ngã đồng gỗ đá
Biết đủ cả tinh thô
Bỏ thô mà trọng tinh
Nếu bỏ được tất cả
Thì việc làm rốt ráo.”
Lời A-la-lam nói
Không vui lòng Thái tử
Biết chẳng Nhất thiết trí
Nên đi tìm vị khác
Đến chỗ tiên Uất-đà.
Kia cũng chấp có ngã
Tuy quán cảnh nhỏ nhiệm
Thấy lỗi tưởng, bất tưởng
Lìa trụ tưởng phi tưởng
Lại không có đường ra
Vì chúng sinh đến đó
Sẽ lại bị lui sụt.
Vì Bồ-tát mong thoát
Lại bỏ tiên Uất-đà
Để cầu đạo mầu hơn
Bèn lên núi Già-xà
Thành tên Khổ hạnh lâm
Năm Tỳ-kheo trước ở.
Thấy năm Tỳ-kheo ấy
Khéo thu nhiếp các căn
Giữ giới tu khổ hạnh
Ở rừng khổ hạnh kia
Cạnh sông Ni-liên-thiền
Vắng lặng rất an vui,
Bồ-tát liền đến đó
Ngồi một chỗ suy nghĩ.
Năm Tỳ-kheo biết Ngài
Chuyên tâm cầu giải thoát
Nên hết lòng cúng dường
Như kính trời Tự tại,
Nhún mình thờ làm thầy
Mỗi bước thường không rời
Giống như người tu hành
Các căn tùy tâm chuyển.
Bồ-tát siêng tìm cách
Để vượt già, bệnh, chết
Chuyên tâm tu khổ hạnh
Tiết chế thân quên ăn
Tịnh tâm giữ trai giới
Người tu khác không kham.
Thiền tư trong vắng lặng
Ròng rã suốt sáu năm
Ngày ăn một hạt mè
Thân thể rất ốm gầy
Mong độ người chưa độ.
Hoặc nặng lại càng chìm
Đạo nhờ tuệ giải thoát
Không ăn, chẳng phải nhân
Thân thể tuy suy yếu
Nhưng tâm tuệ càng sáng
Tâm rỗng, thân nhẹ nhàng
Tiếng khen vang khắp nơi
Như vầng trăng mới mọc
Hoa Cưu-mâu-đầu nở
Tiếng thơm vang khắp nước
Gái, trai đua đến xem.
Thân hình như cây khô
Qua thời gian sáu năm
Chán sợ khổ sinh tử
Chuyên cần nhân Chánh giác
Tự nghĩ chẳng nhờ đó
Lìa dục, tịch quán sinh
Chẳng như Ta lúc trước
Ở dưới cây Diêm-phù
Được pháp chưa từng có.
Nên biết đó là Đạo
Đạo chẳng do thân gầy
Thân cần phải có sức
Uống ăn nuôi các căn
Căn vui giúp tâm an
Tâm an thuận vắng lặng.
Lặng là nhân thiền định
Nhờ thiền biết thánh pháp
Sức pháp được khó được
Vắng lặng lìa già chết
Lìa các cấu bậc nhất
Các pháp mầu như thế
Đều nhờ uống ăn sinh.
Suy nghĩ nghĩa ấy rồi
Tắm gội sông Ni-liên
Tắm xong, định bước lên
Sức yếu, không lên được
Thiên thần uốn cành cây
Đưa tay vịn bước lên.
Bấy giờ, cạnh rừng ấy
Có một cô gái nọ
Chăn bò tên Nan-đà,
Trời Tịnh cư đến bảo:
“Bồ-tát ở trong rừng
Cô nên đến cúng dường.”
Nan-đà-bà-la-xà
Vui mừng đến chỗ Ngài
Tay đeo xuyến ngọc trắng
Thân mặc áo màu xanh
Màu trắng, xanh ánh nhau
Như nước thấy bóng chìm
Tâm kính tin hớn hở
Cúi lễ chân Bồ-tát
Kính dâng cháo sữa thơm
Cúi xin thương xót nhận.
Bồ-tát nhận và dùng
Nàng được quả hiện pháp
Dùng xong, các căn vui
Kham thọ nhận Bồ-đề
Cả thân thể sáng ngời
Đức hạnh càng thêm cao
Như trăm sông đổ biển
Trời, trăng càng thêm sáng.
Năm Tỳ-kheo thấy Ngài
Kinh ngạc, lấy làm lạ
Cho Ngài tâm đạo lùi
Bỏ đi, tìm chỗ tốt
Nếu người được giải thoát
Năm đại đều xa lìa.
Bồ-tát đi một mình
Đến dưới cội Cát tường
Ngay dưới cội cây ấy
Thành đạo Đẳng chánh giác.
Nơi ấy đất rộng bằng
Cỏ mềm mơn mởn mọc
Sư tử khoan thai bước
Mỗi bước, đất rung chuyển
Đất cảm động rồng mù
Vui mừng, mắt được sáng
Nói từng thấy Phật trước
Tướng đất rung như nay.
Đấng Mâu-ni tôn quý
Mặt đất không ai hơn
Mỗi bước chân đạp đất
Tiếng rung chuyển ầm ầm
Ánh sáng màu chiếu khắp
Như mặt trời sáng hôm.
Năm trăm con chim xanh
Trên không nhiễu bên phải
Làn gió mát nhẹ nhàng
Thuận theo mà cuốn tròn
Các điều lành như thế
Đều đồng Phật quá khứ
Cho nên biết Bồ-tát
Sẽ thành đạo Chánh giác.
Được người cắt cỏ kia
Cho cỏ mềm thanh tịnh
Bèn trải dưới gốc cây
Chánh thân mà an tọa
Ngồi kiết già, không động
Như rồng buộc lấy thân
Quyết không rời chỗ này
Tu tập đến rốt ráo.
Khi Ngài phát thệ này
Trời, rồng đều mừng vui
Gió mát nhè nhẹ thổi
Cỏ cây không xào xạc
Tất cả các cầm thú
Im bặt không tiếng kêu
Đó là tướng nói lên
Bồ-tát sẽ thành đạo.