KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 11: THẾ TRỤ

Chư Tỳ-kheo, ở trong thế giới có bốn thứ vô lượng chẳng thể lường tính, chẳng thể nêu bày, chẳng thể nghĩ bàn. Hoặc trời, hoặc người, hoặc những vị toán số trong thế gian muốn nắm bắt số lượng ấy, dù trải qua một năm, hoặc trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, hoặc ức năm, trăm ngàn ức năm, chẳng bao giờ có thể nắm bắt được. Bốn thứ ấy là gì? Chư Tỳ-kheo, như sự tồn tại của thế giới, điều này chẳng thể tính đếm mà biết được, dù trải qua một năm, một trăm năm, một ngàn năm, trăm ngàn năm, hoặc ức năm, trăm ức năm, ngàn ức năm, trăm ngàn ức năm. Chư Tỳ-kheo, như sự hoại diệt của thế giới sau khi tồn tại cũng chẳng thể tính toán mà biết được, dù trải qua một năm, trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, một ức năm, hoặc trăm ức năm, hoặc ngàn ức năm, hoặc trăm ngàn ức năm. Chư Tỳ-kheo, như sự hình thành của thế giới, sau khi hoại diệt, điều này cũng chẳng thể tính toán mà biết được, dù trải qua một năm, trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, hoặc ức năm, trăm ức năm, ngàn ức năm, hoặc trăm ngàn ức năm. Chư Tỳ-kheo, như sự tồn tại của thế giới sau khi hình thành, điều này cũng chẳng thể tính toán mà biết được, dù trải qua một năm, trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, hoặc một ức năm, trăm ức năm, ngàn ức năm, hoặc trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, đó là bốn thứ vô lượng chẳng thể lường tính, chẳng thể nêu bày, chẳng thể nghĩ bàn, hoặc trời, hoặc người, không ai tính toán mà có thể biết được, dù cho trải qua trăm ngàn vạn năm, trăm ngàn vạn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, mọi thế giới hiện có ở phương Đông đều chuyển biến trụ rồi hoại, không có thời gian dừng nghỉ, hoặc có sự chuyển thành, hoặc có sự chuyển hoại. Chư Tỳ-kheo, các phương Nam, Tây, Bắc mọi thế giới hiện có đều chuyển biến thành, trụ, hoại cũng lại như thế. Chư Tỳ-kheo, như bánh xe có năm bộ phận, trừ trục ra, chúng xoay chuyển chẳng ngừng, không lúc nào tạm nghỉ, đại khái thế giới cũng như vậy. Lại như cơn mưa mùa hạ, hạt mưa to nối nhau rơi xuống, không dừng nghỉ, cũng thế, sự chuyển biến thành, trụ, hoại của các thế giới ở phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc không khi nào dừng, cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, ở trong khoảng thời gian ấy lại có ba tai họa. Một là tai họa về nước, hai là tai họa về lửa, ba là tai họa về gió. Ở thời kỳ tai họa về lửa, chư Thiên ở cõi trời Quang âm khỏi bị tai họa ấy. Thời kỳ tai họa về nước, chư Thiên ở cõi trời Biến tịnh khỏi bị tai họa ấy. Thời kỳ tai họa về gió, chư Thiên ở cõi trời Quảng quả khỏi bị tai họa ấy. Thế nào là tai họa về lửa? Chư Tỳ-kheo, khi tai họa về lửa khởi lên, các chúng sanh đều có hạnh lành, nói lời như pháp, thành tựu năm kiến không có điên đảo, tu hành đầy đủ mười nẻo nghiệp thiện; đối với thiền vô giác quán, không dụng công tu, tự nhiên chứng đắc. Khi ấy chúng sanh kia dùng sức thần thông, trụ ở trên không, trụ nơi các cõi tiên, trụ nơi các cõi trời, trụ nơi cõi phạm hạnh. Trụ như vậy rồi, thọ cái vui vô giác quán của tầng thiền thứ hai. Chứng biết như vậy, thành tựu trọn vẹn, thân hoại mạng chung, liền sanh vào cõi trời Quang âm. Chúng sanh trong cõi Địa ngục, chúng sanh trong cõi Súc sanh, cõi Diêm-ma-la, cõi A-tu-la, cõi Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Tu-dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, và trời Ma thân cho đến cõi Phạm, tất cả chúng sanh sanh ở nhân gian đều thành tựu vô giác vô quán, chứng tri mọi sự an lạc, thân hoại mạng chung, liền sanh cõi trời Quang âm. Tất cả sáu đường đều dứt tuyệt. Đây gọi là thế gian chuyển đổi chấm dứt.

Chư Tỳ-kheo, thế nào là thế gian trụ rồi chuyển sang hoại? Chư Tỳ-kheo, vào thời kỳ nọ, thời gian lâu xa vô lượng, thiên hạ bị khô hạn, lại không có mưa, tất cả cỏ cây đều khô cháy, không còn một loại nào. Thí như cỏ lau nhân khi còn non cắt đi, lại không được tưới nước sẽ khô cháy mục nát, chẳng còn lại gì… Chư Tỳ-kheo, trời lâu chẳng mưa, tất cả cỏ cây khô cháy cũng lại như vậy. Chư Tỳ-kheo, các hành cũng vậy, tất cả đều vô thường, chẳng tồn tại lâu dài, chẳng bền chắc, chẳng tự tại, là pháp hoại diệt cần phải nhàm chán, xả ly, mau cầu giải thoát.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, bấy giờ có luồng gió lớn Ca-lê-ca thổi khiến cho tám vạn bốn ngàn do-tuần nước biển lớn dạt ra bốn phía. Ở dưới liền có cung điện lớn mặt trời, lại thổi một mặt trời lên khỏi biển, đặt ở khoảng giữa lưng chừng núi chúa Tu-di, cách đất bốn vạn hai ngàn do-tuần trong quỹ đạo mặt trời. Chư Tỳ-kheo, đó gọi là mặt trời thứ hai của thế gian xuất hiện trên đời, các ao hồ, sông ngòi nhỏ đều khô cạn tất cả không còn cái nào. Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường… như trên đã nói… nên cầu thoát khỏi.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, như trên đã nói, ngọn gió Ca-lê-ca thổi nước biển lớn, lại đưa cung điện mặt trời đặt trong quỹ đạo mặt trời. Đó gọi là mặt trời thứ ba của thế giới xuất hiện ở đời. Có bao nhiêu hồ lớn, ao lớn, rạch lớn, sông lớn và vô số sông…, tất cả các sông đều khô cạn không còn cái nào. Các hành cũng thế, tất cả đều vô thường. Cứ lần lượt như vậy, thế gian lại có mặt trời thứ tư xuất hiện. Bấy giờ tất cả hồ lớn, sông lớn như là hồ lớn Thiện hiện, hồ lớn Ana-bà-đạt-đa, hồ lớn Mạn-đà-kỳ-ni, hồ lớn Xà mãn… đều khô kiệt hết, không còn hồ nào. Các hành cũng vậy, tất cả đều vô thường… Cứ lần lượt như vậy, thế gian lại có mặt trời thứ năm xuất hiện. Vào lúc ấy, nước biển lớn dần dần khô cạn, lúc đầu vơi dần ngang tới mắt cá chân, cho đến giảm xuống ngang bằng đầu gối, cho đến nửa thân, cho đến một thân, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy thân, đến đó là khô cạn.

Chư Tỳ-kheo, lúc năm mặt trời xuất hiện, nước biển lớn dần dần vơi xuống bằng nửa cây Đa-la, cho đến một cây Đa-la, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy cây Đa-la, dần dần lại đến nửa câu-lô-xá, vơi dần khô cạn cho đến nửa do-tuần, một do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy do-tuần, dần dần vơi cạn cho đến một trăm do-tuần, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm do-tuần, cứ dần dần vơi…

Chư Tỳ-kheo, lúc năm mặt trời xuất hiện, nước biển lớn lại dần dần vơi một ngàn do-tuần, hai ngàn do-tuần, cho đến ba, bốn, năm, sáu, bảy ngàn do-tuần. Chư Tỳ-kheo, đang lúc thế gian xuất hiện năm mặt trời, nước biển lớn kia còn sót lại… cho đến bảy ngàn dotuần, đến sáu ngàn do-tuần, như vậy cho đến bảy trăm do-tuần, sáu trăm do-tuần, năm, bốn, ba, hai, một trăm do-tuần. Nước còn đọng lại như vậy cho đến bảy do-tuần, hoặc sáu do-tuần, năm, bốn, ba, hai, một do-tuần; hoặc nước còn đọng lại giảm còn bảy câu-lô-xá, sáu câu-lô-xá, năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá. Chư Tỳ-kheo, khi năm mặt trời xuất hiện trong thế gian, nước biển lớn ấy sâu còn đọng lại bảy cây Đa-la, hoặc sáu cây Đa-la, năm, bốn, ba, hai, một cây Đa-la; hoặc nước còn lại sâu bằng bảy người, hoặc sáu người, năm, bốn, ba, hai, một người, cho đến nửa người, hoặc còn từ gối xuống đến mắt cá. Lại khi năm mặt trời xuất hiện, ở trong biển lớn, hoặc có lúc phần nước còn lại ít ỏi, như mưa mùa thu đọng lại trong vết chân trâu, nước có rất ít. Như vậy, lúc năm mặt trời xuất hiện, nước trong biển lớn cũng ít như thế. Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lúc năm mặt trời xuất hiện, trong biển lớn ấy, ở tất cả các nơi, nước khô cạn hết không còn giọt nào, như người bôi mỡ. Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành cũng lại như vậy, vô thường chẳng bền lâu, khoảnh khắc tạm thời… cho đến nên nhàm chán, nên xả ly, nên cầu giải thoát.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo… như trước… cho đến lúc sáu mặt trời xuất hiện ở thế gian, bốn đại châu kia và tám vạn bốn ngàn tiểu châu, tất cả núi lớn, cho đến núi chúa Tu-di đều bốc khói, khói bốc liên tục, như khi người thợ gốm nung đồ dùng, trên đồ dùng, ngọn lửa cùng lúc phựt lên, phựt lên liên tục, ngọn lửa ấy liền bùng lên, phủ kín khắp cả. Như thế, như thế, bốn đại châu kia và các núi lớn bốc khói mãnh liệt, cũng lại như thế… cho đến… chư hành vô thường… nên cầu giải thoát.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo… như trước… cho đến lúc bảy mặt trời xuất hiện, bốn đại châu ấy, và tám vạn bốn ngàn tiểu châu, tất cả núi lớn cho đến núi Tu-di đều cháy rụi, dưới đất, mạch nước cũng đều khô cạn. Nước đã hết, gió cũng tiêu. Khi ngọn lửa bùng cháy như thế, bảy trăm do-tuần phần trên đỉnh núi chúa Tu-di nhất thời ngã đổ. Lửa ấy càng mạnh, gió thổi lên thiêu đốt cung điện Phạm thiên, nhưng không thể lên đến trời Quang âm. Lúc ấy các Thiên tử ở cõi trời Quang âm sanh sau có mặt ở thế gian, vì chưa biết kiếp thế gian có sự chuyển hoại, chuyển hoại rồi thành và chuyển trụ, nên đều sanh tâm khiếp hãi, kinh ngạc, run sợ, cùng nói với nhau: “Không bao lâu ngọn lửa ấy sẽ thiêu đốt cung điện Quang âm này”. Khi ấy các Thiên tử nơi cõi trời Quang âm ở trước tại đó biết rõ sự hoại, thành, trụ của kiếp thế gian nên trấn an các Thiên tử hậu sanh: “Các vị chớ kinh sợ. Vì sao? Các vị nên biết, ngày xưa, có ngọn lửa cũng đến nơi đó”. Các Thiên chúng nghe lời ấy rồi, liền nhớ nghĩ về ánh sáng lửa khi xưa, nhớ nghĩ ánh sáng kia chẳng lìa tâm, cho nên mới được tên này, đó là Quang thiên. Lửa kia như thế bùng cháy rất lớn, đỏ rực mãnh liệt, thiêu đốt thành tro không còn lại gì, phải nên ghi nhớ. Chư Tỳ-kheo, các hành cũng thế… cho đến… nên cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, thế gian hoại rồi thành như thế nào? Chư Tỳkheo, bấy giờ, lại trải qua thời gian ngày tháng lâu xa vô lượng chẳng thể tính bàn, nổi lên mây dày to lớn đến nỗi che khắp cõi Phạm thiên. Sau khi che khắp, mưa lớn đổ xuống, hạt mưa rất to, hoặc như trục xe, hoặc như cái chày, trải qua nhiều năm, trăm ngàn vạn năm, khối nước mưa kia, dần dần dâng lên, đến chỗ ở của Phạm thiên, nước lênh láng khắp nơi. Nhưng khối nước ấy, có bốn luồng gió giữ lại, một gọi là trụ, hai gọi là an trụ, ba gọi là bất đọa, bốn gọi là kiên cố. Lúc ấy, sau khi mưa dứt, khối nước đó lại tự hạ xuống vô lượng trăm ngàn vạn ức do-tuần. Ngay khi ấy, bốn phương, nhất thời có gió lớn nổi dậy. Gió ấy tên là A-na-tỳ-la, thổi khối nước kia làm sóng nước nổi dậy cuồn cuộn chẳng dừng; trong nước tự nhiên sanh khối bọt lớn. Khi ấy, gió lớn A-na-tỳ-la thổi khối bọt kia ném lên không trung. Từ trên đó, tạo ra cung điện của các Phạm thiên, đẹp đẽ dễ ưa, do bảy báu xen lẫn tạo thành là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy mới có cung điện, tường vách đẹp đẽ như thế. Chư Thiên cõi Phạm thân xuất hiện ở thế gian.

Chư Tỳ-kheo, tạo như vậy rồi, khối nước lớn ấy, lại hạ xuống trăm ngàn vạn ức do-tuần… như trên… Bốn phương gió nổi dậy, tên là A-na-tỳ-la. Do gió lớn này thổi ném bọt nước tạo thành cung điện nên ở cõi trời Ma thân, tường vách, trụ xứ như trời Phạm thân không có gì khác, chỉ có màu sắc của vật báu thô tế xê xích, sai khác chút ít thôi. Cùng cách ấy, tạo ra cung điện của chư Thiên cõi Tha hóa tự tại, cung điện của chư Thiên trời Hóa lạc; kế đến tạo ra cung điện của chư Thiên cõi Đâu-suất-đà; kế đến tạo ra cung điện của chư Thiên trời Dạ-ma. Cứ như vậy, lần lượt xuất hiện đầy đủ, đều giống như cung điện của chư Thiên cõi Phạm thân, nhưng màu sắc nơi báu vật có khác là dần dần ít thô đi.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy, khối nước kia lại dần dần giảm thiểu và hạ xuống vô lượng trăm ngàn vạn ức do-tuần, bỗng nhiên dừng lại. Ở trong khối nước, bốn phía chung quanh tự nhiên sanh bọt, nổi lên mặt nước, dày sáu mươi tám ức do-tuần, rộng lớn vô cùng. Thí như trong suối, ao và hồ đầm, cùng khắp bốn phía đều có bọt nổi, che dày trên mặt nước, đứng yên tại chỗ. Như thế, như thế, này chư Tỳkheo, trong khối nước kia, cùng khắp bốn mặt, bọt nổi lên trên dày sáu mươi tám ức do-tuần, rộng lớn vô cùng, cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, luồng gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia, tức khắc tạo tác núi chúa Tu-di, kế đến tạo thành quách, nhiều màu khả ái, bốn báu tạo thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có núi chúa Tu-di xuất hiện rõ ràng. Chư Tỳ-kheo, lại vào thời ấy, gió lớn Tỳ-la thổi bọt nước kia lên đến núi chúa Tu-di, phân ra bốn phía, tạo bốn ngọn núi, mỗi ngọn cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đẹp đẽ, bảy báu hợp thành, đó là vàng, bạc… cho đến xa cừ, mã não. Do nhân duyên ấy, thế gian xuất hiện bốn ngọn núi lớn. Gió kia, lần lượt như vậy, thổi bọt nổi trên mặt nước tạo ra cung điện trời Ba mươi ba.

Lại nữa, ở khoảng lưng chừng phía Đông, Tây, Nam, Bắc núi chúa Tu-di, chỗ rộng bốn vạn hai ngàn do-tuần, tạo ra cung điện cho Tứ đại thiên vương; vách tường, bờ thành đều bằng bảy báu, đẹp đẽ thẳng tắp, nhiều màu dễ xem. Như vậy xong rồi, lúc ấy ngọn gió kia lại thổi bọt nước lên khoảng lưng chừng núi chúa Tu-di, bốn vạn hai ngàn do-tuần, tạo thành cung điện cho Nguyệt Thiên tử; tường thành cao lớn, bảy báu tạo thành, nhiều màu đẹp đẽ. Tạo như vậy rồi, lại thổi nước lớn tạo thành đầy đủ bảy cung điện lớn cho Nhật Thiên tử; thành quách, lầu gác đều do bảy báu tạo thành, vạn phần đẹp đẽ, nhiều màu dễ xem. Do nhân duyên ấy, thế gian mới có cung điện mặt trời ở trong hiện tại. Lại nữa, chư Tỳ-kheo, gió ấy thổi bọt nước kia lên trên núi chúa Tu-di tạo thành ba chỗ thành quách, bảy báu trang nghiêm, nhiều màu đẹp đẽ là các báu: vàng, bạc… cho đến xa cừ, mã não. Do nhân duyên đó, thành quách như vậy xuất hiện nơi thế gian.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt ở trên nước biển này cao một vạn do-tuần, tạo cung điện pha lê cho Dạ-xoa trên không; thành quách, lầu gác cũng bằng pha lê. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có tường vách, cung điện của Dạ-xoa ở trên không xuất hiện đầy đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khi ấy, gió lớn A-na-tỳ-la lại thổi bọt nước ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc núi chúa Tu-di, mỗi phía cách núi một ngàn do-tuần. Dưới biển lớn, tạo thành bốn mặt thành của A-tula, bảy báu trang nghiêm, đẹp đẽ khả ái… cho đến… thế gian có thành A-tu-la bốn mặt ấy xuất hiện như vậy.

Lại nữa, gió lớn A-tỳ-na-la thổi bọt nước kia đặt để bên ngoài núi chúa Tu-di, ngay chỗ ấy, lại tạo thành núi lớn, tên là Khư-đề-laca. Núi ấy cao rộng, mỗi mặt bốn vạn hai ngàn do-tuần, đều do bảy báu tạo thành, trang nghiêm, đẹp đẽ dễ xem. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có núi Khư-đề-la-ca xuất hiện như thế.

Lại nữa, gió lớn A-tỳ-na-la thổi bọt nước kia, đặt ở bên ngoài núi Khư-đề-la-ca, ngay nơi ấy, tạo thành một núi tên là Y-sa-đà-la. Núi ấy cao rộng, mỗi mặt hai vạn một ngàn do-tuần, nhiều màu khả ái, bảy báu tạo thành… cho đến các báu như xa cừ, mã não… Chư Tỳkheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có núi Y-sa-đà-la xuất hiện như thế.

Lại nữa, gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia đặt để bên ngoài núi Y-sa-đà-la, cũng tạo thành một ngọn núi ở nơi ấy, tên là Do-cànđà-la. Núi ấy cao rộng một vạn hai ngàn do-tuần, nhiều màu khả ái… cho đến do bảy báu xa cừ, mã não… tạo thành. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, thế gian mới có núi chúa Do-càn-đà-la xuất hiện. Lần lượt như vậy, tạo thành núi Thiện hiện, cao rộng bằng nhau, sáu ngàn dotuần. Lại, kế đến tạo thành núi Mã phiến đầu, cao rộng bằng nhau ba ngàn do-tuần. Tiếp theo lại tạo thành núi Ni-dân-đà-la, cao rộng bằng nhau một ngàn hai trăm do-tuần. Kế đến lại tạo thành núi Chước-ca-la, cao rộng bằng nhau ba trăm do-tuần, nhiều màu khả ái, đều là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não… bảy thứ báu đẹp đẽ tạo thành, như trước đã nói đầy đủ về sự tạo tác núi Khư-đề-la-ca, không có gì khác. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, thế gian mới có các núi Chước-ca-la… xuất hiện như vậy.

Lại nữa, gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia phân tán ra rồi đặt để ở bốn phía bên ngoài núi Chước-ca-la, tạo thành bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, cùng các núi lớn khác. Lần lượt như vậy, tạo tác xong xuôi. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, thế gian mới có bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ và các núi lớn lần lượt xuất hiện.

Lại nữa, gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia vượt ra ngoài bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, núi chúa Tu-di và tất cả các núi lớn khác; đặt để vòng quanh, gọi là núi Đại luân vi, cao rộng bằng nhau sáu trăm tám mươi vạn ức do-tuần, thật vững chắc, do kim cương tạo thành, khó thể phá hoại. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, núi Đại luân vi xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, gió lớn A-na-tỳ-la thổi làm xoáy mòn đại địa, dần dần sâu xuống, rồi ngay trong ấy, khối nước lớn bỗng nhiên dồn lại. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, ở trong thế gian lại có biển lớn xuất hiện.

Lại, do nhân duyên gì mà nước biển lớn này mặn chát không thể dùng vào việc ăn uống? Chư Tỳ-kheo nên biết, việc này có ba nhân duyên. Một là từ sau nạn hỏa tai, trải qua thời gian lâu xa vô cùng, nổi mây lớn dày đặc, che kín đứng yên cho đến trời Phạm. Sau đó mưa xuống, hạt mưa rất lớn… như trước đã nói kỹ… Nước của cơn mưa lớn ấy rửa tất cả cung điện của trời Phạm thiên. Kế đến lại rửa khắp cung điện của trời Ma, cung điện trời Tha hóa tự tại, cung điện trời Hóa lạc, cung điện trời Đâu-suất-đà, cung điện trời Dạ-ma, rửa đi rửa lại, rửa mãi như thế. Khi rửa, các cung điện ấy có bao nhiêu vị cay, mặn, đắng đều chảy xuống hết. Kế đến lại rửa khắp núi chúa Tu-di, và bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, các núi lớn khác, núi Luân vi… Khi rửa như vậy, nước ngâm, thấm, chảy, rửa các vị mặn, cay, đắng trong đó, nhất thời đều chảy vào trong biển lớn.

Chư Tỳ-kheo, đó là nhân duyên thứ nhất khiến nước biển lớn mặn, không thể dùng trong ăn uống được.

Lại nữa, nước biển lớn ấy là chỗ ở của các đại thần, chúng sanh có thân to lớn. Đó là cá, ba ba, rồng, cá rái, giải, cá sấu, tôm, ếch nhái, cung-tỳ-la-đê, ma-da-đê, mị-li-da-đê, mị-đâu, la-đâu, lakỳ-la… Trong số ấy, hoặc có loài thân một trăm do-tuần, hai trăm dotuần, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm do-tuần; có những chúng sanh thân to lớn như vậy ở trong đó. Các loại phân tiểu của chúng lưu xuất đều ở trong biển, do nhân duyên này, nước biển mặn, không thể dùng trong ăn uống.

Chư Tỳ-kheo, đó là nhân duyên thứ hai khiến nước biển mặn.

Lại nữa, nước biển lớn ấy, khi xưa chư tiên nhóm họp lại để chú nguyện: “Nguyện cho mi thành vị mặn chẳng thể uống được! Nguyện cho mi thành vị mặn chẳng thể uống được!” Chư Tỳ-kheo, đây là nhân duyên thứ ba khiến nước biển lớn mặn chẳng thể ăn uống được.

Lại nữa, do có nhân duyên gì mà sức nóng khủng khiếp thiêu đốt thế gian? Chư Tỳ-kheo, ngay thời kỳ chuyển kiếp của kiếp sơ thế giới này, khi mới thành hình, gió lớn A-tỳ-na-la thổi dạt sáu cung điện lớn của mặt trời, đều đặt hết ở dưới nước của biển lớn. Đặt vào chỗ nào thì trong địa phận chỗ ấy, khối nước lớn kia tức tốc tiêu hết, chẳng chảy đâu được. Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó trong thế gian mới có sức nóng kinh khiếp thiêu đốt xuất hiện. Như thế gọi là thế gian chuyển hoại rồi trụ.

Lại nữa, sao gọi là thế gian chuyển hoại thành trụ? Chư Tỳkheo, giống như hiện nay thế gian thành rồi trụ lập, nhưng có nạn lửa. Vì sao lại có nạn nước xuất hiện? Chư Tỳ-kheo, thời kỳ kiếp thủy tai, tất cả dân chúng có hạnh như pháp, nói lời như pháp, thành tựu chánh kiến, không có điên đảo, giữ mười hạnh lành. Những người này sẽ đạt được tầng thiền thứ ba Vô hỷ mà chẳng nhọc công sức, không có mệt mỏi, tự nhiên chứng đắc. Khi ấy chúng sanh đó được trụ trong con đường phạm hạnh của chư tiên, chư Thiên trên hư không; được trụ trong ấy rồi, đắc an lạc do lìa hỷ, liền tự khen: “Này chư Nhân giả, vui sướng quá! Vui sướng quá! Tầng thiền thứ ba này vui sướng như thế!”

Bấy giờ tất cả chúng sanh nơi ấy cùng hỏi những chúng sanh đắc thiền ấy. Họ liền đáp: “Lành thay Nhân giả! Đây là tầng thiền thứ ba Vô hỷ, nên biết như thế!” Các chúng sanh kia đã nghe và biết được rồi, lại thành tựu tầng thiền thứ ba Vô hỷ như vậy. Đã thành tựu rồi chứng đắc, chứng đắc rồi tư duy, tư duy rồi an trú, khi thân hoại mạng chung sanh lên cõi trời Biến tịnh. Như thế, dưới từ cõi Địa ngục, cõi Diêm-ma-la, cõi A-tu-la, trời Tứ thiên vương, cho đến trên chư Thiên Phạm thế, Quang âm, từ đây trở xuống, tất cả chúng sanh, tất cả xứ, tất cả hữu đều dứt hết. Chư Tỳ-kheo, như vậy gọi là thế gian chuyển biến.

Lại nữa, thế nào là thế gian chuyển rồi lại hoại? Chư Tỳ-kheo, trải qua thời gian Tam-ma-da lâu xa vô lượng, mây lớn che khắp, đến nỗi đầy cả cõi trời Quang âm. Từ đây trở xuống, mưa nước tro nóng trải vô lượng năm. Chư Tỳ-kheo, khi nước tro nóng kia mưa xuống, làm tiêu cung điện của trời Quang âm, tất cả đều tiêu diệt hết, không còn hình bóng, mảy may vi trần, có thể nhận biết được. Thí như váng sữa bỏ vào lửa cháy tiêu hết, hoàn toàn không còn dấu vết có thể nghiệm biết được. Như thế, như thế, nước tro nóng kia, khi mưa xuống làm tiêu cung điện của chư Thiên trời Quang âm… cũng lại như vậy, không còn dấu vết gì để có thể biết. Chư Tỳ-kheo, các hành là vô thường, phá hoại ly tán, lưu chuyển tiêu diệt, khoảnh khắc chẳng ngừng cũng y như thế, đáng chán, đáng sợ, nên cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, các cung điện của chư Thiên, các cõi trời Phạm thân, Ma thân, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, Đâu-suất, Dạ-ma… bị mưa tro nóng xối rửa tiêu diệt… như trên… giống như váng sữa ném vào lửa nóng tiêu tan hết không còn dấu vết… cho đến… tất cả các hành đều vô thường… nên cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, khi nước tro nóng kia mưa xuống, xối bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ và núi lớn khác, núi chúa Tu-di làm tiêu tan hết không còn vết tích gì có thể biết được… như trước đã nói rõ… phải nên nhàm chán. Sự biến đổi như vậy, chỉ riêng người thấy mới có thể tin thôi. Đó gọi là thế gian chuyển rồi để hoại.

Lại nữa, thế nào là chuyển hoại rồi thành? Chư Tỳ-kheo, bấy giờ nổi mây mưa lớn trải qua nhiều năm, nổi gió thổi bọt nước tạo thiên cung ở trên… cho đến… như sự việc về nạn lửa, đó là nạn nước.

Lại nữa, vì sao có nạn gió? Chư Tỳ-kheo, khi sắp có nạn gió, tất cả chúng sanh tu hành như pháp, thành tựu chánh niệm, sanh vào tầng thiền thứ tư, cảnh trời Quảng quả. Chúng sanh nơi địa ngục, bỏ thân địa ngục, sanh lại nhân gian, tu hạnh thanh tịnh, thành tựu Tứ thiền cũng y như thế. Các cõi Súc sanh, cõi Diêm-ma-la, cõi A-tu-la, trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Ma thân, chư Thiên Phạm thế, Quang âm, Biến tịnh… đều tu hành thành tựu Tứ thiền… như trên… Chư Tỳ-kheo, đó gọi là thế chuyển.

Vì sao chuyển hoại? Chư Tỳ-kheo, trải qua thời gian Tam-mada lâu xa vô lượng, có gió lớn nổi dậy; gió ấy tên là Tăng-già-đa. Chư Tỳ-kheo, gió ấy, trước hết thổi tất cả cung điện của chư Thiên trời Biến tịnh khiến va chạm nhau cho đến hoại diệt, không còn dấu vết có thể nhận biết. Thí như tráng sĩ lấy hai dụng cụ bằng đồng, hai tay nắm lấy chà xát vào nhau không thôi, hủy hoại tiêu diệt, không còn hình dáng vết tích nào có thể biết được. Gió hòa hiệp kia thổi làm tiêu mất cung điện trời Biến tịnh cũng y như vậy. Chư Tỳ-kheo, các hành vô thường, phá hoại, ly tán, khoảnh khắc chẳng lâu… cho đến… đáng chán, nên cầu thoát khỏi.

Lần lượt như thế, thổi cung điện của trời Quang âm, cung điện của chư Thiên trời Phạm than, tất cả cung điện của trời Ma thân, trời Tha hóa tự tại, trời Hóa lạc, trời Dạ-ma, làm đụng nhau, va nhau, cọ nhau, khiến đều tan nát, không còn hình tướng, không còn bóng dáng, không mảy may để có thể nhận biết. Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành cũng y như thế, mục nát chẳng bền, không chân thật, cần phải nhàm chán, xả ly, sớm cầu giải thoát.

Chư Tỳ-kheo, gió kia lại thổi bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, núi chúa Tu-di và các núi lớn khác, làm cho nhấc cao lên một câulô-xá, rồi phân tán hủy hoại, hoặc hai, hoặc ba, bốn, năm, sáu, bảy câu-lô-xá rồi phân tán hủy hoại. Hoặc thổi nâng cao lên một dotuần, hai, ba, bốn, năm, sáu bảy trăm do-tuần, rồi làm phân tán hủy hoại; hoặc thổi nâng cao lên ngàn do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngàn do-tuần, hoặc thổi nâng cao lên trăm ngàn do-tuần, rồi làm phân tán hủy hoại. Gió kia như thế, thổi tan hoại tất cả, đều làm cho không còn hình, không còn tướng, không còn vi trần tàn tích nào có thể nhìn thấy. Thí như người đàn ông khỏe mạnh cầm cục bột bóp vụn tan nát, rải khắp lên trên không, gió thổi bay hết không còn hình, không còn ảnh. Như thế, như thế, gió kia thổi phá các cây, các núi… cũng y như vậy, chỉ trừ người thấy mới có thể tin. Đây gọi là thế gian chuyển trụ rồi hoại.

Lại nữa, thế gian hoại rồi chuyển thành như thế nào? Chư Tỳkheo, như thế rồi lại trải qua thời gian Tam-ma-da lâu xa vô lượng năm, mây đen lớn nổi lên, che khắp thế giới cho đến trời Biến tịnh; đã che khắp rồi, lại đổ mưa lớn, giọt mưa rất to, hoặc như trục xe, hoặc như cái chày liên tục đổ xuống, trải qua nhiều năm, trăm ngàn vạn năm, lượng nước chứa cao đến trời Biến tịnh, tất cả đều tràn ngập, được bốn thứ gió giữ lại… như đã nói ở trên… cho đến thổi bọt nước tạo thành cung trời Biến tịnh, bảy báu nhiều màu hiện ra rõ ràng, tất cả đều như nạn lửa, nạn nước, trình bày theo thứ tự. Chư Tỳ-kheo, như thế gọi là thế gian hoại rồi chuyển thành.

Thế gian chuyển thành rồi trụ như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, giống như hiện nay thế gian, trời, người chuyển thành rồi trụ. Chư Tỳ-kheo, cũng lần lượt đều do gió thổi như vậy, đó gọi là ba nạn của thế gian.