SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN XI

Phẩm 11: TẬP HỌC KỸ NGHỆ

Khi Thái tử tuổi vừa lên tám, Đại vương Tịnh Phạn nhóm họp bá quan, quần thần tể tướng, rồi ngài hỏi:

-Ngày nay trong nước trẫm, các khanh có biết ai là người trí tuệ bậc nhất, ai là người đầy đủ tài năng thông thạo các ngành nghề, đủ khả năng làm thầy dạy lịch sử, văn học và tất cả các kinh luận cho Thái tử?

Quần thần tâu:

-Xin Đại vương biết cho, hiện giờ có Đại sư Tỳ-xa-bà Mật-đa-la rất giỏi các kinh luận, là kẻ tài năng trong thiên hạ, người có thể dạy các kinh luận cho Thái tử.

Đại vương liền cho sứ giả triệu đại sư Tỳ-xa-bà Mật-đa-la về triều, rồi Đại vương lại bảo:

-Này Tôn giả Đại sư, khanh có thể vì trẫm dạy tất cả sách vở kỹ nghệ, kinh luận cho Thái tử được không?

Tỳ-xa-bà Mật-đa-la đáp:

-Kẻ hạ thần này xin phụng mạng Đại vương, có thể làm được việc này.

Đại vương hết sức vui mừng, rồi chọn ngày lành tháng tốt, cùng các vị Đại đức kỳ cựu trong hoàng tộc, sắp đặt đầy đủ các lễ nghi. Lại triệu tập năm trăm đồng tử xếp hàng theo thứ lớp trước sau hai bên tả hữu, trông buổi lễ thật trang nghiêm. Ngoài ra có rất đông nam đồng tử tùy tùng, hộ vệ Thái tử đồng đến học đường.

Đại sư Tỳ-xa-bà Mật-đa-la từ xa trông thấy Thái tử có oai đức thế lực quá lớn, nên hoảng hốt đứng dậy cúi mình lễ dưới chân Thái tử. Lễ rồi đứng dậy, Đại sư thấy mọi người đưa mắt nhìn mình nên sinh tâm hổ thẹn. Đang khi ấy trên hư không xuất hiện một Thiên tử tên là Tịnh Diệu, từ cung trời Đâu-suất cùng với vô lượng vô biên chư Đại vương Thiên thần thường ủng hộ bên Thái tử, ẩn thân trong hư không nói kệ:

Các nghề trong thế gian,
Cùng các thứ kinh luận,
Thái tử đều biết rõ,
Ngài dạy cho mọi người.
Bậc Tối Thắng chúng sinh,
Vì tùy thuận thế gian,
Quá khứ đã học tập.
Nay giả theo thầy học,
Bao nhiêu trí xuất thế,
Các đế cùng các lực,
Các pháp nhân duyên sinh,
Sinh ra và tiêu diệt.
Biết hết trong một niệm,
Danh sắc hiện chẳng hiện,
Như trên đều chứng biết,
Huống nữa là văn tự.

Thiên tử nói kệ, lại dùng các thứ hoa rải trên mình Thái tử rồi liền trở về cung trời Đâu-suất.

Khi ấy Đại vương Tịnh Phạn dùng vô số ngọc ngà quý giá cung cấp cho các Bà-la-môn, lại dọn đủ thức ăn trăm vị thết đãi họ. Rồi ngài đem Thái tử phó chúc cho Đại sư Tỳ-xa-bà Mật-đa-la, chỉ để lại các dưỡng mẫu, còn bao nhiêu trở về vương cung.

Đây là buổi học đầu tiên của Thái tử, dùng gỗ ngưu đầu chiên-đàn loại tốt nhất làm bảng viết, bớn học cụ đều làm bảy báu, dùng các loại hương thơm đặc biệt của chư Thiên thoa trên mặt bảng. Rồi Thái tử cầm bảng đến trước Quỹ phạm sư Tỳ-xa-bà Mật-đa-la thưa:

-Ngày nay Tôn giả Quỹ phạm dạy cho tôi sách gì? (Bản Phạn vốn thiếu một đầu sách). Sách của Phạm Thiên (Nay chính là sách mười bốn âm của Bà-la-môn) hay sách Khư-lô-sắc-tra (dịch Lô Thần). Hoặc sách của Tiên nhân Phú-sa Ca-la (Tùy dịch: Liên hoa), hoặc sách A-la-ca (Tùy dịch: Tiết phần), hoặc sách Mộng-già-la (Tùy dịch: Kiết tường), hoặc sách Da-mị-ni (Tùy dịch: sách nước Đại Tần), hoặc sách Ương-cù-lê (Tùy dịch: sách ngón tay), hoặc sách Da-na-ni-ca (Tùy dịch: Đà Thừa), hoặc sách Ta-già-bà (Tùy dịch: Trâu cái), hoặc sách Ba-la-bà-ni (Tùy dịch: lá cây), hoặc sách Ba-lưu-sa (Tùy dịch: lời nói ác), hoặc sách Tỳ-đa-đồ (Tùy dịch: Thây chết đứng dậy), hoặc sách Đà-tỳ-đồ-quốc (Tùy dịch: Nam Thiên-trúc), hoặc sách Chỉ-la-đê (Tùy dịch: người lõa hình), hoặc sách Độ-kỳ-sai Na-bà-đa (Tùy dịch: xoay bên hữu), hoặc sách ưu-già (Tùy dịch: Rực rỡ), hoặc sách Tang- khư (Tùy dịch: Kế toán), hoặc sách A-bà-vật-đà (Tùy dịch: Ngược), hoặc sách A-nậu-lô-ma (Tùy dịch: Thuận), hoặc sách Tỳ-da-mị-xa-la (Tùy dịch: Tạp), hoặc sách Đà-la-đa (Núi Điểu-tràng-biên), hoặc sách Tây Cù-da-ni (Nhà Tùy không dịch), hoặc sách Kha-sa (Sớ-lặc), hoặc sách Chỉ-na-quốc (Đại Tùy), hoặc sách Ma-na (Đấu-thăng), hoặc sách Vị-đồ-xoa-la (Chữ trung), hoặc sách Tỳ-đa-tất-để (Xích), hoặc sách Phú-số-ba (Hoa), hoặc sách Đề-bà (Trời), hoặc sách Na-già (Rồng), hoặc sách Dạ-xoa (Tùy không dịch), hoặc sách Càn-thát- bà (Âm thanh cõi trời), hoặc sách A-tu-la (không uống rượu), hoặc sách Ca-lâu-la (Chim cánh vàng), hoặc sách Khẩn-na-la (Phi nhân), hoặc sách Ma-hầu-la-già (Rắn lớn), hoặc sách Di-già Giá-ca (Tiếng các thú), hoặc sách Ca-ca-lâu-đa (Tiếng chim), hoặc sách Phù-ma-đề- bà (Trời địa cư), hoặc sách An-đa Lê-xoa Đề-bà (Trời trên hư không), hoặc sách uất-đa-la Câu-lô (Bắc Tu-di), hoặc sách Bô-lâu Bà-tỳ Đề-ha (Đông Tu-di), hoặc sách Ố-sai-ba (Cử), hoặc sách Nị-sai-ba (Ném), hoặc sách Ta-già-la (Biển), hoặc sách Bạt-xà-la (Kim cang) hoặc sách Lê-già Ba-la-để-lê-già (Qua lại), hoặc sách Tỳ-khí- đa (Đồ ăn thừa), hoặc sách A-nậu Phù-đa (Vị tằng hữu), hoặc sách Xa-ta Đa-la Bạt-đa (Như phục chuyển), hoặc sách Già-na-na Bạt-đa (Toán chuyển), hoặc sách Ưu-sai Ba-bạt-đa (Cử chuyển), hoặc sách Ni-sai Ba-bạt-đa (Trịch chuyển), hoặc sách Ba-đà Lê-khư (Túc), hoặc sách Tỳ-câu Đa-la Ba-đà-na-địa (Từ hai câu Tăng thượng), hoặc sách Da-bà-đà Thâu-đa-la (Thêm mười câu trở lên), hoặc sách Vị-đồ-bà Sái-ni (Trung lưu), hoặc sách Lê-sa-da Ta-đa-ba Di-tỷ-đa (Khổ hạnh của chư Tiên), hoặc sách Đà-la-ni Ty-xoa-lê (Quán đất), hoặc sách Già-già-na Ty-lệ-xoa-ni (Quán hư không), hoặc sách Tát-bổ-sa-địa-ni Sơn-đà (Hạt quả tất cả thuốc), hoặc sách Sa-la-tăng-già Hà-ni (Tổng lãm), hoặc sách Tát-bà-lâu-đa (Tất cả tiếng)…

Thái tử trình bày tên các sách rồi, lại thưa hỏi Quỹ phạm sư:

-Thưa Tôn sư, có sáu mươi bốn tên sách như vậy, không biết Tôn sư dạy cho tôi sách nào?

Tỳ-xa-bà Mật-đa-la nghe Thái tử kể tên sách, trong lòng hoan hỷ vui mừng hớn hở, nhưng thầm nghĩ hổ thẹn, dẹp bỏ được tánh cống cao ngã mạn, đến trước Thái tử đọc kệ ca ngợi:

Bậc trí tuệ thanh tịnh ít có,
Khéo tùy thuận các pháp thế gian.
Chính thân ngài uyên thâm các luận,
Lại trở vào lớp học của ta.
Sách như vậy ta chưa từng học,
Nhưng Thái tử lại thông tất cả.
Đại đạo sư cho cả trời người
Nay ta lại theo ngài học hỏi.

Bấy giờ có năm trăm đồng tử của quần thần thuộc dòng họ Thích đồng vào lớp học với Thái tử. Họ tập viết và tập đọc các mẫu tự, do oai đức của Thái tử cộng với thần lực của chư Thiên, nên trong khi năm trăm đồng tử tập đọc các mẫu tự, lại lồng vào đó những âm thanh khác, như:

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ A thì phát ra tiếng “Các hành vô thường”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Y thì phát ra tiếng “Tất cả các căn đều phòng hộ”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ưu thì phát ra tiếng “Tâm được tịch định”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Yết thì phát ra tiếng “Các pháp lục nhập phải chứng biết”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ô thì phát ra tiếng “Phải ra khỏi biển lớn phiền não”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ca thì phát ra tiếng “Phải thọ các nghiệp báo đã tạo”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Khư thì phát ra tiếng “Dạy nhổ tất cả cội gốc phiền não”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Già thì phát ra tiếng “Mười hai nhân duyên rất khó vượt qua”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Hàng thì phát ra tiếng “Các vô minh che lấp dày đặc phải trừ sạch”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Nga thì phát ra tiếng “Khi Như Lai thành Phật, đối với chúng sinh sợ sệt ở các phương khác, ngài bố thí vô-úy.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Giá thì phát ra tiếng “Cần phải chứng biết bốn pháp chân lý”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Xa thì phát ra tiếng “Phải biết ngày nay có bao tâm mê hoặc tà vạy dua nịnh đều phải trừ diệt”.

Khi năm trăm đồríg tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Phải vượt qua biển sinh tử”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Phải xổ ngã, và bẻ gãy cây cờ ma phiền não”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Nhã thì phát ra tiếng “Phải dạy bốn chúng thuận tu giáo pháp”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Tra thì phát ra tiếng “Tất cả chúng sinh phàm phu khắp tất cả mọi nơi kinh sợ lời nói vô thường này”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Trá thì phát ra tiếng “Cần phải nhớ nghĩ chữ Trá này, nếu các căn thuần thục không còn đắm các pháp, tức được chứng biết”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Đồ thì phát ra tiếng “Phải chứng được bốn pháp Như ý túc, tức bay được trên hư không”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Trà thì phát ra tiếng “Làm hoa búp hoan hỷ, như lời nói chữ Trà, tiêu diệt các hành và mười hai pháp nhân duyên vô thường hiển hiện”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Noa thì phát ra tiếng “Người đắc đạo khi thọ lợi dưỡng, không có một vi trần phiền não nào không tiêu diệt mà thọ sự cúng dường của kẻ khác”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Đa thì phát ra tiếng “Nên hướng về khổ hạnh”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Tha thì phát ra tiếng “Phải quán như thế này: Tâm của tất cả chúng sinh như chiếc búa, các cảnh giới bên ngoài như tre gỗ”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Đà thì phát ra tiếng thế này: “Phải đồng tu hạnh bố thí và khổ hạnh”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Tha thì phát ra tiếng “Phải có tiếng pháp”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Na thì phát ra tiếng “Cần phải dùng ẩm thực để sống”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Chân như thật đế”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Phả thì phát ra tiếng “Phải thành đạo, chứng diệu quả”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Mở tất cả các trói buộc”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Không còn thọ thân đời sau”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ma thì phát ra tiếng “Tất cả sự khủng bô của sinh tử đáng sợ”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Da thì phát ra tiếng “Vì người diễn nói rõ tất cả các pháp môn”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ra thì phát ra tiếng “Phải có Tam bảo”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ La thì phát ra tiếng “Đoạn các ái”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Đoạn tất cả chủng tử căn bản của thân”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Xa thì phát ra tiếng “Chứng được chỉ quán”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Sa thì phát ra tiếng “Phải biết sáu cõi”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ Ta thì phát ra tiếng “Phải chứng các trí”.

Khi năm trăm đồng tử đọc chữ thì phát ra tiếng “Phải đánh tan các phiền não”.

Khi năm trăm đồng tử xướng các tự mẫu, do sức oai thần của Thái tử cùng với sự hộ trì của chư Thiên; do đó mới phát ra âm thanh diễn tả các pháp môn vi diệu bí mật sâu xa như vậy.

Rồi sau đó, Đại vương Tịnh Phạn nhóm họp các quần thần cùng thảo luận:

-Này các khanh, tất cả quần thần ai biết ở đâu có võ sư võ thuật cao cường, có tài sử dụng các binh khí, trí lược hơn người, có thể làm thầy dạy Thái tử Tất-đạt-đa ta.

Quần thần tâu:

-Đại vương phải biết, ở xứ này có chàng sằn-đề Đề-bà (Nhà Tùy dịch: Nhẫn Thiên) con của Thiện Giác thuộc dòng họ Thích, người võ nghệ cao cường, thông thạo hai mươi chín kỹ năng, kỹ thuật tinh vi, động tác uyển chuyển nhẹ nhàng, song hết sức lanh lẹ và rắn chắc, người có thể làm thầy dạy Thái tử.

Hai mươi chín kỹ năng đó là: Phóng lên lưng voi, vọt lên xe, lao qua hầm, nhảy lên ngựa, bắn tên giỏi, chạy nhanh, ý chí kiên cường, thân cử động nhẹ nhàng lanh lẹ. Nhận định thận trọng, có tài huấn luyện, có tài dùng móc câu điều khiển voi, hiểu biết rành rẽ, thi hành chu đáo, vãi lưới bắt voi, lại khéo nuôi dưỡng súc vật, xử đoán nghiêm minh, có tài chỉ huy mã binh, lão luyện am tường địa thế núi sông, tay nắm chắc chắn, chân đứng vững vàng, chải đầu búi tóc, bền vững chắc chắn, có thể phá có thể mở, có thể xẻ có thể bửa, bắn không lạc đích, có tài trương cung sắt vô song, xa nghe âm thanh bắn tên liền trúng, bắn nhằm tên vết thương rất sâu. Sáng suốt thông minh, lời nói tao nhã, biện luận mẫn tiệp, hiểu biết rõ ràng, sách lược đa mưu, bàn cổ luận kim, tùy thời uyển chuyển.

Bao bí quyết võ thuật, sử dụng binh khí người đều thông đạt, nên chỉ một mình sằn-đề Đề-bà mới có khả năng dạy tất cả võ thuật sử dụng binh khí cho Thái tử.

Đại vương Tịnh Phạn nghe lời nói này, hết sức vui mừng, liền ra lệnh quần thần mời Nhẫn Thiên (sằn-đề Đề-bà).

Khi Nhẫn Thiên đến, nhà vua ra lệnh:

-Khanh có thể dạy tất cả võ thuật sử dụng các binh khí cho Thái tử Tất-đạt-đa chăng?

Nhẫn Thiên đáp:

-Kẻ hạ thần này có thể đảm trách.

Đại vương lại nói:

-Nếu khanh chấp nhận, phải dạy con ta đạt được kết quả hết sức tốt đẹp.

Lúc ấy, vua Tịnh Phạn vì Thái tử cho lập một hoa lâm viên tên là Cần cù, để cho Thái tử du ngoạn vui chơi, hoặc luyện tập võ nghệ. Cùng lúc ấy, có năm trăm quần thần hoàng gia cũng vì con mình đều lập hoa viên để cho các đồng tử dạo chơi, hay tập võ nghệ trong hoa viên cửa mình.

Bấy giờ võ sư Nhẫn Thiên đem Thái tử và năm trăm đồng tử vào hoa viên cần cù để dạy cách thức sử dụng các binh khí. Khi võ sư sằn-đề Đề-bà đem các thứ binh khí để chuẩn bị dạy cho Thái tử, Thái tử thấy rồi đều không sử dụng, nói với Nhẫn Thiên:

-Võ sư hãy dạy các thứ binh khí này cho năm trăm đồng tử, còn ta biết rồi chẳng cần tập học.

Nhẫn Thiên liền vì năm trăm đồng tử dạy cách sử dụng các binh khí ấy. Các đồng tử học chẳng bao lâu, mỗi người đều được thành tựu hai mươi chín kỹ năng một cách thông thạo.

Hai mươi chín kỹ năng đó là: Nhảy vọt lên xe, ngựa và voi trắng, cho đến chỉ thế lực trương cung sắt… năm trăm đồng tử đối với các pháp này đều thành tựu một cách hết sức lão luyện, trí tuệ sáng suốt, sử dụng lanh lẹ.

Nhẫn Thiên lại dạy các kỹ thuật mà một vị vua cần phải có, hết sức siêu việt, như các sách kế toán, hiểu biết sử dụng toán số, điêu khắc ấn loát, phân biệt rõ các âm: “Cung, thương, luật, lữ”, ca múa vui chơi, cách nói năng hoạt bát, hoặc chế tạo các vòng cong bằng ngọc quý kỳ lạ, nhuộm các màu sắc y phục, hội họa tranh ảnh, hay các việc hòa hợp hương liệu, hoặc hoa tay viết chữ chân chữ thảo, hoặc sáng tác văn chương, hoặc có thể nhào lộn trên lưng bạch tượng, hoặc xoay tròn trên yên ngựa, yên lạc đà, hoặc có thể uốn quanh nơi đầu, cổ, đuôi, chân ngựa voi và lạc đà một cách tài tình. Tất cả những kỹ thuật như vậy, năm trăm đồng tử đều được điêu luyện. Hoặc ở trên xe cũng có tài sử dụng các binh khí như múa đao, phóng lao, trương cung bắn tên sử dụng đều được toại ý, hai khuỷu tay vung múa một cách uyển chuyển, sức đánh thích hợp với búa đao, khi tấn khi thoái, nắm lấy ông chân, chụp lấy cánh tay, có tài ném đá, có tài chạy nhanh, cho đến các môn võ thuật tay có khí cụ, và nghe tiếng bắn tên, liền trương cung sắt, bắn lại như mưa, Thái tử đôi với tất cả các thứ này đều cho qua không học, lại nói:

-Ta đã am tường các loại ấy, võ sư chẳng cần phải dạy.

Nhẫn Thiên muốn dạy các pháp yếu của một vị vua, như là: Xem thiên văn, pháp cúng tế, xem tướng tốt xấu, suy tìm những việc đã qua, khéo quở trách lời nói sai lầm, biết rõ tiếng các loài cầm thú, thông đạt thinh luận, tạo tác các nghề, giải đáp nguyên nhân các nghề, các môn chú thuật. Ngoài ra còn mười thứ danh tự, các pháp chánh trị của bậc tiền bối… Tất cả các kinh điển, Nhẫn Thiên đều đem dạy cho Thái tử cùng cắc đồng tử hoàng gia. Đối với những kẻ khác, học các kinh luận này phải trải qua nhiều năm tháng, mà có người thành công, có người không thành công. Các kinh luận và kỵ thuật ấy, đối với Thái tử chỉ học trong bốn năm là thành công một cách dễ dàng. Ngoài ra các đồng tử hoàng gia cũng thông đạt một cách tự tại.

Lúc ấy Nhẫn Thiên liền làm kệ ca ngợi Thái tử:

Thái tử còn tuổi thơ,
Học tập rất dễ dàng,
Chẳng dừng nhiều trí lực,
Chốc lát tự thông đạt.
Thời gian học tập ít,
Hơn kề học nhiều năm.
Kỹ năng ngài học qua,
Tài giỏi hơn mọi người.