SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11-12

Phẩm 11: MA CHƯỚNG

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói những công đức của thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhưng khi họ thọ trì đọc tụng pháp môn này lẽ nào không có các nạn do ma ác làm chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, rất nhiều!

Này Tu-bồ-đề! Các ma ác trong mọi lúc luôn tìm chỗ sơ hở để gây hại người trì pháp.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói thì các nạn ấy tướng trạng ra sao?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Nếu có người tu theo Bồ-tát thừa, tu tập pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, muốn nói pháp môn này cho người khác, khi đó lại không nói hoặc nói mãi không dừng, thì nên biết đó là việc của ma. Nếu có người nói pháp, khi nói sinh tâm ngã mạn tự cao thì nên biết đó là việc của ma. Nếu có người khi biên chép, thọ trì, đọc tụng mà cười cợt xem thường thì nên biết đó là việc của ma. Nếu có người hành trì pháp mà tâm tán loạn thì nên biết đó là việc của ma. Những người hành trì pháp mà nói chuyện phi pháp nên biết đó là việc của ma. Nếu có người hành trì pháp mà nhớ không rõ ràng, phần nhiều bị quên thì nên biết đó là việc của ma. Nếu những người trì pháp gây khó khăn cho nhau không chịu hòa hợp đối với pháp môn này, không sinh lòng tín kính thì nên biết đó là việc của ma. Nếu có người khi biên chép thọ trì pháp môn này, đọc tụng mà không thể điều phục các căn thì nên biết đó là việc của ma. Nếu những người nghe pháp, nghĩ rằng đối với pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa này ta không được ý vị, không hiểu rõ ràng, do đó họ bỏ pháp này. Lại nghĩ: “Trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này không nói đến việc thọ ký cho ta, nên ta không sinh lòng tin hiểu, thanh tịnh, nghĩ vậy, họ đứng dậy bỏ đi, nên biết đó là việc của ma.”

Lại có người nghe pháp suy nghĩ: “Pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa trong đó không có nói tên ta, không nói đến thành ấp, làng xóm các chỗ ở của ta, không nói đến nơi ta được sinh ra và cả danh tự tộc họ của cha mẹ ta, vì thế ta không nghe và ghi nhận pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, ta nên bỏ đi.” Nếu người nghĩ như thế thì liền thoái đọa không biết bao nhiêu số kiếp. Sau đó lại nhờ thắng nhân này nên được tu tập lại pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát nếu không nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì không thể thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian. Vì thế Tu-bồ-đề! Nếu người thoái chuyển tâm nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người tu Bồ-tát thừa không chịu cầu trí Nhất thiết trí trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà lại cầu trong pháp Thanh văn, Duyên giác thì nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người muốn học để thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian mà không học pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này, lại muốn theo học pháp Thanh văn, Duyên giác. Tu-bồ-đề! Nếu không học pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này thì không thể thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian đó là người sinh hiểu biết điên đảo. Trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà không thể tu tập hiểu đúng như thật, lại bỏ gốc lấy ngọn. Tu-bồ-đề! Như người đói đi làm thuê để kiếm ăn, mà bỏ ông chủ của mình đến xin thức ăn nơi người khác vậy.

Này Tu-bồ-đề! Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát, những thiện nam, thiện nữ cũng như vậy, bỏ pháp môn căn bản trí Nhất thiết trí của Bát-nhã ba-la-mật-đa lại lấy pháp ngọn ngành của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì nhân duyên này nên biết đó là việc của ma. Vì sao? Vì người ấy không đủ trí tuệ mới cho pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này không thể đạt đến trí Nhất thiết trí kia, do đó mới bỏ pháp này, lại cho pháp môn của Thanh văn, Duyên giác có thể thành tựu trí Nhất thiết trí, nên mới nhận lấy pháp ngọn ngành.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên biết những tướng như vậy, biết rồi nên xa lìa, không nên ưa thích tu học, vì học như vậy chẳng được tương ưng. Nếu có người ưa thích pháp Thanh văn, Duyên giác thì học như vậy. Vì sao? Vì trong pháp Thanh văn chỉ tu tập điều phục ngã tướng, chứng được ngã không, Niết-bàn, vắng lặng tự cho là được pháp rốt ráo. Nên đối với pháp môn tối thượng này không thể tinh tấn tu hành, cũng không thể làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh. Vì thế Đại Bồ-tát không nên học như vậy.

Thế nào là Bồ-tát tu học?

Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát đối với việc học và hành đều đã an trụ vào pháp như thật, lại tu tập tất cả hạnh tương ưng với thiện căn, hộ trì vô lượng, vô biên tất cả chúng sinh trong thế gian, làm cho họ đều an trụ trong pháp chân thật và chứng được Niết-bàn tối thượng thì đó mới là Bồ-tát tu học.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ví như có người, tuy được thấy voi nhưng không thể xem xét để biết hình tướng của nó, mà tìm dấu chân voi cho đó là hình tướng voi. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao người ấy có trí tuệ không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như vậy. Người ấy trước đã tu tập theo Bồ-tát thừa, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy có nghe và tu tập nhưng không thưa hỏi nghĩa lý, không thể hiểu rõ như thật thắng hạnh. Do không hiểu rõ nên mới xả bỏ pháp môn này nên chẳng chứng được quả Đẳng chánh giác, lại ưa thích trong pháp Thanh văn, Duyên giác chứng được ngã không, Niết-bàn, vắng lặng và cho rằng đã đạt quả pháp rốt ráo. Này Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ví như ở thế gian có người vào trong biển cả để tìm của báu, tới biển rồi mà chẳng chịu đi tìm lại men theo vũng nước do dấu chân trâu để lại mà tìm châu báu, tự cho rằng vũng nước do dấu chân trâu cùng với nước biển giống nhau. Tu-bồđề! Ý ông nghĩ sao, người đó có trí không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Trong đời vị lai, có người thoái thất tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như thế, người ấy trước đã an trụ vào Bồ-tát thừa, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tuy có nghe và tu tập nhưng thưa hỏi nghĩa lý nên không hiểu rõ thắng hạnh chân thật, do không hiểu rõ nên xả bỏ pháp môn này, lại ưa thích điều phục ngã tướng trong pháp Thanh văn, Duyên giác, chứng được ngã không, Niết-bàn vắng lặng. Cho rằng ở trong các quả vị Tu-đà-hoàn, Tưđà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và Duyên giác chứng được pháp như thế và lý như thế, các lậu sạch hết, tâm được giải thoát, xa lìa sự ràng buộc. Này Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chẳng nên sanh tâm như thế, vì sao? Vì các Bồ-tát đã an trụ vào pháp Đại thừa, mặc áo giáp tinh tấn đề trang nghiêm, hằng thường tu tập tương ưng với các pháp môn Ba-la-mật-đa, thương xót chúng sanh ở thế gian rộng làm lợi ích, cho nên những vị nào có trí tuệ điên đảo tâm chẳng điều phục nhu hòa thì chẳng thể tu tập pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này và xả bỏ pháp môn này không hay không biết, chẳng thể an trụ vào pháp Bồ-tát, chẳng tương ưng với thắng hạnh của các pháp Ba-lamật-đa, chỉ ưa thích pháp Thanh văn, Duyên giác nên biết căn lành của vị này chưa được thành thục vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Lại như có người thợ khéo ở thế gian muốn xây dựng cung điện thù thắng như của trời Đế Thích mà lại đo đạc kích thước dài rộng của cung điện Nhật nguyệt kia.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, cung điện Nhật nguyệt kia có đẹp hơn cung điện của Đế Thích không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Không vậy, bạch Đức Thế Tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như thế, người ấy trước đã an trụ vào Bồ-tát thừa; đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu đã nghe và tu tập nhưng không thưa hỏi về nghĩa lý nên không hiểu rõ mà xả bỏ pháp môn này lại ưa thích tìm cầu điều phục ngã tướng trong pháp Thanh văn, Duyên giác, chứng được ngã không, Niết-bàn vắng lặng, tự cho là đã được quả vị rốt ráo. Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như có người muốn gặp vua Chuyển luân thánh vương tuy đã thấy nhưng không thể quan sát hình tướng, oai thần, phước đức đúng như thật, lại thấy hình tướng các Tiểu vương cho là cùng với vua Chuyển luân thánh vương kia không khác. Ý ông nghĩ sao? Hình tướng và oai đức của vua Chuyển luân thánh vương với các Tiểu vương kia có giống không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật dạy:

–Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như vậy. Người ấy trước đã an trụ vào Bồ-tát thừa, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy có nghe và tu tập nhưng không thưa hỏi về nghĩa lý, không thể hiểu rõ như thật về thắng hạnh. Do không hiểu rõ nên mới xả bỏ pháp môn này, lại ưa thích tìm cầu trong pháp Thanh văn, Duyên giác. Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Đức Như Lai đã dùng phương tiện quyền xảo vì các Bồ-tát giảng thuyết pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, làm cho các Bồ-tát trong đó tu học có thể thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên Như Lai đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì các Bồ-tát như lý chỉ bày, như thật giảng dạy như chỗ lợi ích, như lý sinh hoan hỷ, để hướng đến và an trú vào pháp môn thắng nghĩa, làm cho các Đại Bồ-tát không còn thoái chuyển đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người an trụ như vậy thì không còn thoái chuyển quả vị Đại Bồ-tát, đã được an trụ vào pháp Đại thừa, giả sử người đó lại bỏ mà sinh tâm mong cầu thừa thấp kém Thanh văn, Duyên giác thì ý ông nghĩ sao, người có trí không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Lại như có người bị đói khát thúc giục phải đi tìm khắp nơi kiếm ăn, gặp được thức ăn thơm ngon lại bỏ đi không chịu nhận lấy mà thích nhận thức ăn để sáu mươi ngày, thì ý ông nghĩ sao người đó có trí không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như vậy. Người ấy trước đã an trụ vào Bồ-tát thừa, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tuy đã nghe và tu tập nhưng không thưa hỏi về nghĩa lý, không thể hiểu rõ như thật về thắng hạnh. Do không hiểu rõ nên mới xả bỏ pháp môn này, lại ưa thích tìm cầu trong pháp Thanh văn, Duyên giác. Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như có người thấy ngọc ma-ni quý báu vô giá, nhưng không lấy ngọc, lại lấy thủy tinh cho đó là ngọc ma-ni, thì ý ông nghĩ sao người đó có trí không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật dạy:

–Trong đời vị lai có người thoái tâm đối với pháp Bồ-tát cũng lại như vậy. Người ấy trước đã an trụ vào Bồ-tát thừa, đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tuy đã nghe và tu tập nhưng không thưa hỏi về nghĩa lý, không thể hiểu rõ như thật về thắng hạnh. Do không hiểu rõ nên mới xả bỏ pháp môn này, lại cầu học Nhất thiết trí trong pháp Thanh văn, Duyên giác, cho rằng cùng với pháp môn của Bồ-tát không khác. Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người khi sao chép, thọ trì, đọc tụng giảng thuyết pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, dù siêng năng hay biếng trễ, mà tâm họ tán loạn thì mỗi mỗi nên biết đó đều là việc của ma.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sao chép được chăng?

Phật bảo:

–Không.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật-đa đâu phải văn tự mà có thể sao chép được, văn tự chỉ hiển bày pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa, Bát-nhã ba-la-mật-đa lìa tướng văn tự. Vì thế trong văn tự mà cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa thì hoàn toàn không thể được. Nếu có người nghĩ: “Ta ghi chép Bát-nhã ba-la-mật-đa”, nghĩ rồi liền chép. Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có ngươi khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không nhất tâm, hay nhớ nghĩ các việc như: thành ấp, xóm làng, vườn, rừng, ao hồ, cha mẹ, sư trưởng và các bạn bè, thân mình, thân người, hoặc trong, hoặc ngoài, tất cả những việc ăn mặc, giường nằm, thuốc men, ca hát, cười giỡn, những cảnh sướng khổ, vui buồn, thương ghét, cho đến tham, sân, si… thì nên biết mỗi mỗi sự chướng ngại ấy đều do ma ác làm, khiến cho hành giả tâm bị tán loạn không thể thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu-bồ-đề! Vì duyên cớ này nên biết đó là việc của ma. Vì thế, các Đại Bồ-tát biết rồi liền xa lìa, không để chúng ma dò tìm chỗ sơ hở.

Lại có người khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa, mà suy nghĩ về việc của vua. Do nhân duyên này làm chướng ngại nên không thể thọ trì, đọc tụng pháp môn, phải biết đó là việc của ma.

Nếu có người khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa, lại toan tính kinh doanh tài bảo, các vật. Do nhân duyên này làm chướng ngại nên không thể thọ trì, đọc tụng pháp môn, phải biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại suy nghĩ văn chương, thi phú, ngôn ngữ của thế gian. Do nhân duyên này làm chướng ngại nên không thể thọ trì, đọc tụng pháp môn thì phải biết đó là việc của ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, các ma ác hiện ra hình Bí-sô đến trước người ấy nói: “Ta có pháp môn ông nên học, sao chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập như vậy, thì sẽ đạt đến Nhất thiết trí.” Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này, phải biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người ở trong Bồ-tát thừa muốn thông đạt phương tiện quyền xảo của Bồ-tát, nhưng không hiểu rõ như thật về pháp Bồ-tát, lại để tâm cầu pháp Thanh văn, Duyên giác, người đó trong pháp môn này cũng nói Không, Vô tướng, Vô nguyện cho là đồng với pháp môn của Bồ-tát không khác. Tu-bồ-đề! Nếu muốn hiểu thông suốt phương tiện quyền xảo và trí tối thắng của Bồ-tát thì nên biết đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mong cầu một cách đúng đắn. Nếu còn tu tập pháp môn Thanh văn, Duyên giác thì nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu người nghe thích nghe, người nói thì mệt mỏi, hoặc người nói thích nói, người nghe mệt mỏi thì nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, nếu người nghe ưa thích nghe và ghi nhận pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghe rồi biên chép, đọc tụng nhưng khi giảng thuyết không nói pháp này, mà luận bàn giễu cợt nói kinh pháp khác. Do đó không hợp ý làm cho người nghe pháp không nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng, thì nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người thuyết pháp không biếng nhác ưa thích giảng thuyết pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng người nghe pháp không chú tâm nghe. Do đó, không hợp ý thì nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người nói pháp thiểu dục, hoan hỷ, không nói lời vô nghĩa, vui thích nói pháp, nhưng người nghe pháp thân thể rã rượi, tâm thức hoan mê. Do đó không hợp ý, không nghe được pháp Bátnhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng, thì nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người nghe pháp có lòng tin ưa muốn nghe pháp này, nhưng người nói pháp tìm cách tránh né, không muốn nói pháp. Do đó không hợp ý, làm cho người nghe pháp không nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng thì nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người thuyết pháp ưa thích thuyết giảng mà người nghe lại vì các chuyện khác nên chẳng ưa nghe, do không hợp ý, nên không nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để thọ trì, nên biết đó là việc của ma lại, khi có người thuyết pháp thì ưa thích thuyết giảng mà người nghe bị cơn buồn ngủ chế ngự, hôn mê mệt mỏi chẳng thể nghe nhận, do đó không hợp ý, không nghe được pháp Bát-nhã bala-mật-đa để thọ trì đọc tụng nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người nghe pháp muốn nghe pháp này, nhưng người thuyết giảng không mạch lạt, người nghe không thích nghe. Do đó không hợp ý, không nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người nghe pháp ưa thích nghe, nhưng người nói pháp bị cơn buồn ngủ chế ngự, hôn mê mỏi mệt không thể thuyết pháp. Do đó không hợp ý, người nghe không nghe được pháp Bát-nhã bala-mật-đa để thọ trì, đọc tụng, nên biết đó là việc của ma.

Hoặc khi người nói pháp ưa muốn nói pháp nhưng người nghe

pháp bị cơn buồn ngủ che phủ, hôn mê, mỏi mệt không thể nghe và ghi nhận pháp. Do đó không hợp ý, không nghe được pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng, nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có người khi thọ trì, đọc tụng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, có người đến nói như vầy: “Các ông nên biết địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và A-tu-la trong những loài này có nhiều sự khổ, thọ khổ như vậy, nên phải mau xa lìa, không chi bằng tu tập để ra khỏi các loài đó, chấm dứt sự khổ, chứng được Niết-bàn.” Tu-bồ-đề! Người nói như vậy, nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người khi thọ trì, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, có người đến nói như vầy: “Chư Thiên trong cõi trời có niềm vui thắng diệu. Như là cõi Dục có năm món dục lạc, cõi Sắc có niềm vui trong thiền định, cõi Vô sắc có niềm vui trong định vắng lặng, nhưng các sự vui ấy đều là pháp hữu vi vô thường, các tướng tan rã, rốt cuộc đều không thật. Ba cõi đều không, các pháp vô ngã, ông và các người trí nên biết rõ không chi bằng chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đắc quả ấy rồi không còn thọ thân sau nữa.” Tu-bồ-đề! Người nói như vậy là làm chướng ngại cho hạnh Bồ-tát, nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói pháp ở một mình, tâm nghĩ, miệng nói với đồ chúng: “Ai đi theo ta, ta sẽ nói pháp Bát-nhã ba-lamật-đa cho, bằng không theo ta, ta sẽ không nói.” Khi ấy, có các thiện nam vì tìm cầu và tôn trọng chánh pháp cùng đi theo Pháp sư, nhưng thời gian sau, vị Pháp sư chợt đổi ý, không muốn vì đồ chúng nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại đi đến các nơi nguy hiểm có sợ sệt, đói khát, khô khan, có cọp, sói, trùng độc, thú dữ, giặc cướp rất đáng sợ và nói với đồ chúng: “Các ông làm sao có thể chịu sự khổ này, nên tự lo liệu, để về sau khỏi hối hận.” Người nói pháp dùng cách tế nhị này, rời khỏi những người nghe pháp. Bấy giờ, những người ấy biết việc này nên nói với nhau: “Đây là tướng xa lìa chẳng hợp với tướng Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Vì thế những người ấy lần lượt lui về không còn theo Pháp sư nữa.

Tu-bồ-đề! Ở đây do không hợp ý, người nghe không nghe được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa để thọ trì, đọc tụng, nên biết đó là việc của ma.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu người nói pháp hoặc khi muốn đến nói rất kinh sợ, có các loại trùng độc, thú dữ, loài phi nhân tụ tập đến, hoặc đến các chỗ nguy hiểm, cằn cõi, đói khát mà nói với các thiện nam: “Này các thiện nam, các ông nên biết, tôi đến nơi cực kỳ nguy hiểm này, các ông không nên theo tôi, người nói pháp dùng cách tế nhị này để xa lìa. Các người muốn nghe pháp không được hòa hợp nên không sao chép, thọ trì, đọc tụng pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa, nên biết đó là việc của ma.”

Này Tu-bồ-đề! Nếu người nói pháp đối với nhà bạn thân thường lui tới, nhưng thời gian sau bảo với người bạn nghe pháp ấy: “Tôi có bà con các ông nên đến cầu xin những thứ cần như: thức ăn, y phục, các vật dụng… do đó bỏ bê việc nghe giảng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì thế không còn có thể thọ trì, đọc tụng, nên biết đó là việc của ma.

Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Mỗi sự việc như vậy đều là những cách thức làm chướng ngại của ma ác, muốn làm cho người tu pháp Bồ-tát không được nghe và ghi nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa này. Vì thế người tu pháp Bồ-tát đối với mọi lúc đều phải cảnh giác để xa lìa, làm cho các ma ác không còn tìm được chỗ sơ hở.

*********

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao ma ác thường xuyên bằng mọi cách gây các chướng ngại, làm cho người tu pháp Bồ-tát không thể nghe và ghi nhận, tu tập, thọ trì, đọc tụng chánh pháp Bát-nhã ba-lamật-đa này?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết, tại vì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh ra Nhất thiết trí của chư Phật, từ Nhất thiết trí lại sinh ra chánh pháp của chư Phật, từ chánh pháp của chư Phật sinh ra vô lượng, vô số chúng sinh. Chư Phật dùng sức trí tuệ phương tiện, làm cho tất cả chúng sinh đoạn trừ các phiền não, bởi phiền não được đoạn sạch nên các ma ác không tìm được chỗ sơ hở, do đó chúng không thể gây chướng ngại, nên tâm bị khổ não. Vì tâm bị khổ não nên chúng thường xuyên bằng mọi cách gây chướng, làm cho người tu pháp Bồtát không thể nghe, ghi nhận, thọ trì, đọc tụng chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Tu-bồ-đề! Các ma ác kia tạo phương tiện, hiện thân trước người nam giới mới an trụ Đại thừa, nói: “Pháp ông nghe chẳng phải là pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chân thật. Ta có kinh pháp là pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chân thật, ông nên theo ta tu tập như vậy.” Tubồ-đề! Ma ác kia dùng cách này muốn phá hoại người nam mới an trụ pháp Đại thừa. Vì những người ấy thiếu trí tuệ và lòng tin, chưa được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm còn nhút nhát

nên bị ma thâu tóm. Ma đã thâu tóm thì họ không còn đọc tụng, thọ trì, tu tập chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu-bồ-đề! Vì thế nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Ma ác kia hoặc có lúc hiện thân làm Bí-sô tu hành sai lầm về thắng hạnh sâu xa của Bồ-tát để phá hoại tâm pháp, ngược lại trong quả Thanh văn cho là chứng được chân thật. Tu-bồ-đề! Vì thế nên biết đó là việc của ma.

Này Tu-bồ-đề! Các ma ác kia dùng mọi phương cách như thế, đối với chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này gây chướng ngại, không cho người nào thọ trì, đọc tụng. Cho nên người tu tập pháp Bồ-tát phải thường cảnh giác để xa lìa, thì mới phát tâm tinh tấn, dũng mãnh, an trụ vững vàng trong chánh niệm chánh trí.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Ví như kho báu lớn ắt có nhiều bọn cướp thường rình rập muốn trộm lấy. Vì sao? Vì của báu khó được đó giá trị vô lượng, bởi thế nên có nhiều bọn cướp. Nay Pháp bảo này cũng lại như vậy, có nhiều chướng nạn thường có ma ác tìm chỗ sơ hở. Vì thế những người thiện nam mới an trụ vào Đại thừa, chưa đủ trí và lòng tin, tâm còn nhút nhát, ở trong pháp rộng lớn sâu xa mà không thể nghe, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì biết họ đều bị áp lực của ma gây hại.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người ở trong các nạn ấy đối với pháp môn này vẫn kiên trì, tu tập, thọ trì, đọc tụng, thì đâu còn không phải nhờ sức oai thần của chư Phật gia trì?

Phật dạy:

–Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói! Nếu có người ở trong các nạn ấy mà còn có thể nghe, tu tập, thọ trì, đọc tụng pháp môn này, nên biết đều là nhờ oai lực của chư Phật Như Lai cùng hộ niệm. Vì sao? Vì các ma ác kia thường xuyên dùng mọi phương cách, đối với các pháp môn này gây ra các chướng nạn. Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng lại luôn luôn bằng mọi cách dùng oai thần gia trì, hộ niệm pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này.