SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 11: KHÔNG THỂ TÍNH KỂ

Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ cùng tột rốt ráo rất lớn, không thể tính lường, không gì sánh được.

Đức Phật dạy:

–Đúng vậy, Như Lai là Bậc Vô Sư Trí Nhất Thiết. Thế nên Minh độ không thể tính kể, an ổn rốt ráo, không có gì sánh được.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Như Lai là Bậc Vô Sư Trí Nhất Thiết vô lượng, vô biên?

Đức Phật dạy:

–Năm ấm không thể tính lường, các pháp cũng vậy. Năm ấm vô biên, các pháp giới hạn, không có bờ mé. Thế nào là chỗ năm ấm, các pháp cũng cùng tận? Thế nào Thiện Nghiệp, hư không có tính kể hết được không?

Thiện Nghiệp thưa:

–Không thể hết, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

–Các pháp cũng vậy. Do đó, pháp Như Lai, các pháp vô lượng, vô biên. Do pháp vô lượng nên phát tâm học Minh độ vô lượng. Như vậy vốn không có tâm niệm. Ví như hư không không tâm không niệm. Có tâm, có niệm là nhờ làm theo lời giảng nói này, không thể tính kể thời gian.

Năm trăm Tỳ-kheo, hai mươi Tỳ-kheo-ni đắc quả Ứng nghi, sáu mươi tín nam, tín nữ đều được Dự lưu, hai mươi vị Bồ-tát đạt

được pháp lạc không từ đâu sinh, sẽ được thọ ký trong kiếp Hiền này.

Thiện Nghiệp thưa:

–Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Minh độ rất lớn, rất an ổn rốt ráo.

Đức Phật dạy:

–Đúng như lời ông nói, sinh ra đạo Nhất thiết trí, các Bồ-tát, Duyên giác đều từ trong ấy mà ra cả. Ví như Chuyển luân thánh vương, tất cả cõi nước đều là bề tôi lệ thuộc vào vua, không có gì lo âu. Pháp Phật, pháp Duyên giác, pháp Thanh văn đều từ trong đó sinh ra. Gầy dựng năm ấm không thọ không nhập thì đạo Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác, trí Nhất thiết cũng không thọ không nhập.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao trí Nhất thiết không thọ không nhập?

Đức Phật dạy:

–Thế nào, ông có thấy hàng Thanh văn được vào không?

Thiện Nghiệp thưa:

–Thưa không thấy, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Lành thay, lành thay! Ta cũng không thấy nơi nhập vào của Như Lai, như ta không chỗ nhập vào. Nhất thiết trí cũng không có nơi nhập vào.

Các Thiên tử, Phạm Thiên tử trời Ái dục đều bạch Phật rằng:

–Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Minh độ khó hiểu.

Dù cho nhân dân trong cõi nước tam thiên ở thời Phật quá khứ đã làm công đức, tất cả đều tin tưởng một cách trọn vẹn qua một kiếp cũng không bằng ngay ở đây – trong Minh độ sâu xa – một ngày ưa thích, nghĩ nhớ đến sự sâu xa không thể tính lường sinh ra công đức kia.

Đức Phật bảo các Thiên tử:

–Dù cho lại có người hiền nghe pháp sâu xa rồi được chứng đắc nhanh hơn những người kia đã tin ưa qua một kiếp. Công đức của họ không bằng ngưòi hiền này.

Nghe việc này xong, các Thiên tử đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh và từ từ lùi xa, rồi không hiện nữa, mỗi vị tự trở về.

Thiện Nghiệp lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát Đại sĩ tin Minh độ này là từ đâu sinh đến?

Đức Phật dạy:

–Ví như nghé con mới sinh không rời mẹ, như vậy Bồ-tát Đại sĩ nghe Minh độ rồi chắc chắn không rời Pháp sư, chính là từ trong cõi người sinh đến.

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị nào đạt được công đức ấy, có phải là từ cõi Phật phương khác sinh đến không?

Đức Phật dạy:

–Có vị cúng dường ở cõi Phật phương khác, rồi từ nơi đó sinh đến. Còn ở trên cõi trời Đâu-thuật thì theo thưa hỏi Bồ-tát Từ Thị về Minh độ, nên bây giờ muốn cầu pháp một cách siêng năng, rồi nhờ công đức này lại được kinh này. Hoặc có vị đời trước trong lúc nghe không thưa hỏi về Minh độ, bây giờ mới nghe kinh này nên đối với kinh đó có sự nghi ngờ, nhàm chán, không tin chuộng. Người ấy đời trước không thưa hỏi thầy các việc.

Lại nữa, đời trước Bồ-tát Đại sĩ khi nghe kinh này rồi ở trong đó thưa hỏi về Minh độ hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến năm ngày, nhờ công đức này bây giờ trở lại được kinh này thì tin ưa ngay. Hoặc có người lúc ưa muốn nghe thì bị công dụng của kinh nay làm rối loạn nên tâm vị ấy thường xao động. Nếu nói thì vừa cúi vừa ngửa; người này từ hàng tân học đến, như vậy ít tin ưa nên rơi vào hai nơi là Thanh văn và Duyên giác.