SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 11: HIỆN HÓA

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thiện Tư Duy thưa Thắng Thiên vương rằng:

–Hóa Phật mà Như Lai tạo ra có thể biến hóa được không?

Thắng Thiên vương đáp:

–Lấy sự việc của Đức Thế Tôn làm chứng, hóa Phật mà Phật tạo ra, có thể biến hóa thành vô lượng, hằng hà sa số hóa Phật với nhiều màu sắc hình tướng, thị hiện thần thông để nói pháp lợi ích cho chúng sinh. Thiện nam tử! Nhờ nguyện lực thanh tịnh đời trước của chư Phật nên mới có như vậy.

Bồ-tát Thiện Tư Duy thưa:

–Đại vương! Ngài khéo nói pháp sâu xa về nguyện lực thanh tịnh đời trước của chư Phật, vậy cúi mong đại vương, thỉnh sức oai thần của Phật làm cho Bát-nhã ba-la-mật trụ lâu ở đời mà không bị chìm mất.

Thắng Thiên vương đáp:

–Thiện nam tử! Bát-nhã ba-la-mật đều được tất cả chư Phật hộ trì. Vì sao? Vì dùng văn tự để nói Bát-nhã ba-la-mậtl như vậy văn tự không sinh, không diệt, không chìm mất; văn tự làm rõ nghĩa lý nên cũng không sinh, không diệt, không mất.

Thiện nam tử! Bát-nhã ba-la-mật của chư Phật Như Lai rất sâu xa nên cũng không chìm mất. Vì sao? Vì pháp không sinh, nếu pháp không sinh thì tất nhiên không diệt. Như vậy lời dạy của Như Lai là bí mật. Nếu Phật ra đời hoặc không ra đời thì tánh tướng vẫn thường trụ, gọi là pháp giới hay như như. Tên không khác, nhưng tùy thuận nhân duyên bên ngoài mà không trái nghịch. Đó là chánh pháp, tánh ấy thường trụ không mất.

Bồ-tát Thiện Tư Duy thưa:

–Đại vương! Những người nào có thể hộ trì chánh pháp?

Thắng Thiên vương đáp:

–Thiện nam tử! Nếu không trái nghịch với tất cả pháp, thì gọi là hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì không có tranh luận và không trái đạo lý, nên gọi là hộ trì chánh pháp.

Lại hỏi:

–Thế nào không trái đạo lý?

Đáp:

–Nếu thuận theo văn tự là không trái đạo lý và không có chỗ để tranh luận thì gọi đó là hộ trì chánh pháp. Vì sao? Vì phàm phu thế gian đều chấp trước các kiến, còn người thuận đạo lý thường nói không. Cho nên thế gian sinh ra tranh luận; như vậy phàm phu tham đắm vào pháp có, còn người thuận theo đạo lý thì coi thường việc này. Thế gian nói có thường, lạc, ngã, tịnh; người thuận đạo lý nói: Vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, cho nên thế gian sinh ra tranh luận.

Thiện nam tử! Tất cả phàm phu đều thuận theo thế gian, còn người thuận theo đạo lý thì ngược lại với thế gian, cho nên thế gian thường sanh tranh luận. Tất cả phàm phu đều chấp ấm, xứ, nhập, còn người thuận đạo lý thì nói tất cả pháp đều không có chấp trước, cho nên thế gian pháp khởi tranh luận.

Thiện nam tử! Tất cả phàm phu thuận theo đời thì không thực hành đạo lý, còn người thuận theo đạo lý thì trái với đời.

Bồ-tát Thiện Tư Duy thưa:

–Đại vương! Nay ngài chọn lấy những pháp nào?

Thắng Thiên vương đáp:

–Tôi không chọn lấy người mà cũng không chọn lấy pháp.

Lại hỏi:

–Vì sao không chọn lấy?

Đáp:

–Lìa ngã, lìa chúng sinh, lìa pháp; những cái lìa ấy đều không thể nắm bắt. Lìa quá khứ, vị lai, hiện tại, những cái lìa ấy cũng không thể nắm bắt. Lìa chư Phật và không lìa chư Phật; lìa cõi nước Phật và không lìa cõi nước Phật; lìa pháp và chẳng lìa pháp…

Này thiện nam! Thực hành như vậy gọi là thuận đạo lý, là không nắm giữ những điều không đáng nắm giữ.

Bồ-tát Thiện Tư Duy khen:

–Hay thay Đại sĩ, hay thay Chánh sĩ! Ngài có khả năng nói Bát-nhã ba-la-mật sâu xa như vậy; không lấy, không chấp trước, không danh, không tự; diệt các hý luận, lìa chẳng thể phân biệt và đối tượng tư duy.

Khi ấy, trong chúng có một Thiên tử tên là Hiền Đức, đứng dậy sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Pháp không phân biệt như Thắng Thiên vương đã nói. Vậy pháp đó là pháp gì?

Phật bảo Thiên tử Hiền Đức:

–Pháp không phân biệt tức là vắng lặng. Vì sao? Vì lấy mà chẳng lấy; chẳng lìa ngã và ngã sở; không khởi động, không dừng nghĩ. Đó gọi là pháp không phân biệt.

Thiện nam tử! Đại Bồ-tát quán sát như vậy, mới có thể hộ trì chánh pháp, nhưng cũng không thấy mình hộ trì và pháp được hộ trì.

Khi Phật nói pháp này, trong chúng có mười ngàn Tỳ-kheo tâm được giải thoát. Một ngàn Thiên tử đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu.

Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tư Duy thưa Thắng Thiên vương:

–Những biện tài gì mới có thể nói pháp sâu xa như vậy?

Thắng Thiên vương đáp:

–Thiện nam tử! Phải hoàn toàn không còn tập tánh phiền não, đạt được biện tài mới có thể nói như vậy; nó vượt qua ngôn ngữ, không thể bày tỏ Đệ nhất nghĩa trí; biện tài như vậy mới có thể nói được pháp sâu xa.

Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tư Duy hỏi Thiên tử Hiền Đức:

–Thiện nam tử! Thế nào là trong pháp vô sinh mới nói được biện tài?

Thiên tử Hiền Đức đáp:

–Nếu Đại Bồ-tát không trụ trong pháp không sinh, không diệt thì không có biện tài nói pháp sâu xa được. Vì sao? Vì phải xa lìa hý luận; không thấy đối tượng duyên và chủ thể duyên; tâm không có chỗ trụ trước thì mới có thể nói. Không trụ người, không trụ pháp, không trụ bên đây, bên kia mà chỉ trụ nơi thanh tịnh Đệ nhất nghĩa đế, cho nên mới có thể nói.

Bồ-tát Thiện Tư Duy bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiên tử Hiền Đức thật là hiếm có, có khả năng thông đạt pháp sâu xa biện tài vô tận như vậy.

Phật dạy:

–Này thiện nam! Thiên tử Hiền Đức này từ thế giới Diệu hỷ là cõi nước của Đức Phật Bất Động, đến thế giới Ta-bà, để nghe giảng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa đó.

Phật lại bảo Bồ-tát Thiện Tư Duy:

–Ở quá khứ vô lượng trăm ngàn ức kiếp, Thiên tử Hiền Đức đã tu tập môn Đà-la-ni, do đó trọn kiếp nói pháp cũng không hết được.

Bồ-tát Thiện Tư Duy bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đà-la-ni là những pháp gì?

Phật dạy:

–Này thiện nam! Tên các pháp, không có pháp nào có thể nhập Đà-la-ni.

Thiện nam tử! Đà-la-ni này vượt qua các văn tự; lời nói không thể diễn tả hết được mà tâm cũng không thể suy lường; các pháp trong ngoài đều không nắm bắt được.

Thiện nam tử! Không có một pháp nhỏ nào có khả năng nhập được Đà-la-ni. Cho nên nói các pháp không thể nhập Đà-la-ni. Vì sao? Vì pháp này bình đẳng, không cao thấp, không ra vào, không có một văn tự nào đến từ bên ngoài mà vào được, cũng không có một văn tự nào từ pháp này ra, lại không có một văn tự nào trụ trong pháp này, cũng không có một văn tự nào làm cho ta thấy được Đàla-ni, cũng không phân biệt được pháp và phi pháp. Các văn tự đó, có nói nó cũng không giảm, không nói nó cũng không tăng, từ xưa đến nay không tạo ra mà cũng không hoại diệt.

Thiện nam tử! Như văn tự, thì tâm cũng vậy; giống như tâm, tất cả pháp cũng như vậy. Vì sao? Vì pháp lìa ngôn ngữ nói năng nên cũng lìa sự suy lường; vốn không sinh, diệt nên không ra vào. Đó gọi là các pháp không thể nhập Đà-la-ni. Nếu thông đạt được pháp môn này thì biện tài vô tận, vì sao? Vì khi thông đạt được pháp môn này rồi thì pháp nói không hết, không cùng tận.

Thiện nam tử! Người nào có thể nhập được hư không, thì mới có thể nhập được pháp môn Đà-la-ni này.

Thiện nam tử! Đại Bồ-tát có khả năng thông đạt được pháp môn Đà-la-ni này, nên thân, tâm, khẩu được thanh tịnh; hành động theo đạo lý, nên trí tuệ được kiên cố; tất cả chúng ma không thể não loạn; tất cả ngoại đạo không dám ngước nhìn; tất cả phiền não không thể phá hoại; sức khoẻ tráng kiện, tâm không khiếp nhược; nói pháp vô tận tuyên giảng tất cả Thánh đế sâu xa. Trí tuệ đa văn cũng như biển lớn, an trụ chánh định như núi Tu-di khiến chúng sinh không sợ, như sư tử vương, ví như hoa sen không nhiễm pháp đời, lợi ích chúng sinh như đại địa, rửa sạch nhơ bẩn như dòng nước lớn, dùng lửa lớn để thành tựu thế gian, làm đẹp lòng mọi người bằng sự bình đẳng mát mẻ như mặt trăng. Hay phá vỡ được tối tăm như ánh sáng mặt trời. Diệt hết phiền não oán hận mới gọi là sức mạnh. Chế ngự tâm tánh cũng như rồng lớn, có thể tạo ra sấm pháp vang động cả bầu trời và tuôn ra mưa pháp giống như trận mưa lớn; cũng như thầy thuốc trừ bệnh phiền não cho chúng sinh; như quốc vương dùng pháp trị đời; như Tứ Thiên vương hay bảo hộ chúng sinh và chánh pháp; như Đế Thích giàu sang nhất cõi trời, người; tâm được tự tại như Đại phạm vương làm chủ thế giới Ta-bà; thân được vô ngại như chim Ca-lầu-la; chỉ dạy chúng sinh như người cha ở đời; giống như vua Tỳ-sa-môn hay ban pháp báu và cho các báu. Đó là chỗ công đức trí tuệ trang nghiêm mà mỗi khi chúng sinh nhìn thấy, thảy đều lợi ích; là chỗ khen ngợi của chư Phật, Thế Tôn và tất cả chư Thiên hết lòng ủng hộ.

Thiện nam tử! Đại Bồ-tát đạt được các pháp không thể nhập Đà-la-ni này. Với nhiều tự tại sẽ làm lợi ích chúng sinh; phương tiện nói pháp không cùng tận; tâm không mỏi mệt, không cầu danh lợi; bố thí pháp bình đẳng không ghen ghét; giữ giới thanh tịnh thì thân, khẩu, ý không lỗi lầm; nhẫn nhục thanh tịnh xa rời các buồn giận; tinh tấn thanh tịnh sẽ làm xong được các việc; thiền định thanh tịnh thì khéo chế ngự được tâm; trí tuệ thanh tịnh thì không còn nghi ngờ vướng mắc, đủ bốn Vô lượng tâm cũng như Phạm vương; thực hành các chánh định, đẳng trì; tu đạo vô thượng thế gian không gì hơn; đủ các công đức trí tuệ, nhận địa vị Quán đảnh.

Khi Phật nói pháp môn Đà-la-ni này, trong chúng có sáu vạn bốn ngàn Bồ-tát đạt được quả vị không thoái chuyển. Ba vạn Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Hai vạn trời người được Pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu; vô lượng, vô biên trời, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.