SỐ 186
PHẬT NÓI KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 3

Phẩm 11: BỐN LẦN DẠO XEM

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi chư Thiên khuyến khích Bồ-tát, phụ vương Bạch Tịnh trong giấc ngủ thấy chiêm bao: Bồ-tát xuất gia, thích nơi thanh vắng, chư Thiên vây quanh. Lại thấy cạo đầu, mặc áo ca-sa. Từ chiêm bao thức giấc, vua liền sai người hỏi xem Thái tử có còn ở trong cung không. Thị giả tâu: “Thái tử hiện đang ở trong cung”. Bạch Tịnh vương vào cung nói với Thái tử: “Hôm nay ta thấy điềm chiêm bao, Thái tử ắt sẽ xuất gia. Vì sao? Vì như điềm chiêm bao kỳ lạ ta vừa thấy, lòng ta tự nghĩ: Thái tử ắt muốn đi dạo xem. Vậy phải ra lệnh sửa sang đường sá, trang trí nơi các ngã tư đường, cho luyện tập đàn ca kỹ nhạc thật điêu luyện, làm cho tất cả đều được thanh tịnh đẹp đẽ. Bảy ngày sau Thái tử sẽ ra xem. Các đường sá phải được sửa sang bằng thẳng, sạch sẽ. Chớ để cho những điều không vừa ý lọt vào mắt Thái tử”.

Quần thần vâng lệnh, đúng như pháp sửa sang xong, treo các cờ xí, tàng lọng, binh lính vây quanh theo hộ tống. Bấy giờ Bồ-tát ra cửa thành phía Đông, với oai nghi lẫm liệt. Ngay khi ấy chư Thiên hóa thành một người già, đầu tóc bạc phơ, mắt lờ, tai điếc, răng rụng, hơi thở khò khè, rên rỉ, còng lưng chống chiếc gậy kéo lê từng bước rồi dừng lại ở giữa đường.

Bồ-tát biết nhưng cố hỏi:

-Đây là người gì mà đầu bạc, răng rụng, thân thể gầy gò như vậy?

Người đánh xe thưa:

-Đây gọi là người già, các căn đã mòn mỏi, hình dáng đổi thay, nhan sắc suy kém, ăn uống không tiêu, khí lực khô cạn, mạng sống đã ngã về Tây, tuổi thọ sắp chấm dứt, cho nên gọi là người già.

Bồ-tát liền nói:

-Đây chính là do pháp ở đời mà có ra nạn này. Tất cả chúng sinh đều có cái họa này. Mạng sống của con người trôi qua rất nhanh, giống như nước từ trên núi cao đổ xuống, một ngày trôi qua nhanh và khó có thể trở lại. Tuổi già đến nhanh cũng như vậy, há lại chẳng khổ hay sao?

Một lòng chuyên nhất, Ngài suy nghĩ ý nghĩa chân chánh. Người đánh xe thưa:

-Không riêng gì người này gặp nạn khổ mà tất cả thiên hạ ai nấy cũng đều như vậy. Đó là lẽ thường ở đời. Bậc Thánh tôn, cha mẹ, bà con dòng họ, trí thức, ai ai cũng đều phải đi đến sự già nua này, vì đều cùng là nghiệp.

Bồ-tát nói:

-Vì không hiểu nghĩa, người ngu tự đại không biết già đến, tự đắm mình vào thế tục, chẳng có thể quay trở lại. Đắm say theo năm món dục lạc thật chẳng lợi ích gì, nó chẳng khác nào lằn chớp giữa hư không.

Trở về cung suy nghĩ kinh điển, thương xót tất cả chúng sinh trong mười phương, Ngài nghĩ: “Nên dùng thuốc pháp, ắt sẽ chữa trị được bệnh này”.

Hôm sau, Bồ-tát lại xin ra dạo xem. Vua ra lệnh quan ngoại cho sửa sang đường sá và quét dọn sạch sẽ.

Bồ-tát cho xe ra cửa thành phía Nam; ngay giữa đường thấy một người bệnh, thân thể gầy đét, bụng lại phình to, nằm ngay bên đường, há hốc miệng kéo từng hơi thở, mạng sống sắp chấm dứt. Bồ-tát biết nhưng lại cố hỏi người đánh xe:

-Đây là người gì?

Người đánh xe thưa:

-Đây gọi là người bệnh đã gần chết. Mạng sống chỉ còn trong giây lát, các đốt xương muốn rã rời. Chút sống thừa chỉ còn như sợi tóc.

Bồ-tát liền nói:

-Vạn vật vô thường, có thân đều phải có khổ. Có sinh thì đều có cái khổ này, làm sao tránh khỏi được! Thân ta không bao lâu nữa cũng sẽ như vậy, lại chẳng đau đớn hay sao? Có thân tất có khổ, không có thân mới có an vui.

Liền cho xe trở về cung. Một ngày khác xin phép vua cha đi dạo xem. Vua sắc quan ngoại sửa sang đường sá cho bằng phẳng, sạch sẽ. Thái tử cho xe ra cửa thành phía Tây, thấy một người chết đặt nằm trên giường, cả nhà vây quanh khiêng ra ngoài thành, khóc lóc thảm thiết, nước mắt như mưa, đầu mặt dính đầy bụi đất, đấm ngực kêu gào: “Vì sao bỏ tôi một mình ra đi?”

Bồ-tát biết nhưng vẫn hỏi:

-Đây là người gì?

Người đánh xe trả lời:

-Đây là người chết. Người sinh ra tất phải có chết, cũng như có mùa Xuân tất phải có mùa đông. Thân này chết rồi thần hồn lìa xa bà con họ hàng. Người vật đều một mối như nhau, không sinh tất không tử.

Bồ-tát đáp:

-Luận về chết là khổ, tinh thần sợ hãi. Có sinh thì phải có cái khổ già bệnh, chết này, là do bên trong đã chín muồi mà đến. Điều đó lại chẳng khổ hay sao? Ta thấy người chết hình thể biến hoại nhưng tinh thần lại không mất. Cho nên Thánh nhân cho thân là khổ hoạn mà kẻ ngu thì quý mến nó cho đến chết cũng không nhàm chán. Ta không thể nào lại lấy cái chết để nhặn lấy cái sống, qua lại mãi trong năm đường làm cho lao nhọc tinh thần ta!

Ngài liền cho quay xe trở về, nghĩ đến việc cứu độ chúng sinh trong mười phương.

Lại một ngày khác, Ngài xin phép phụ vương đi dạo xem. Ra cửa thành phía Bắc, thấy một vị Sa-môn tịnh tu phạm hạnh, yên lặng, thong dong, các căn tịch tịnh, mắt nhìn ngay thẳng, oai nghi phép tắc không mất phép đạo, y phục ngay thẳng, tay cầm pháp khí.

Bồ-tát hỏi:

-Đây là người gì?

Người đánh xe thưa:

-Đây gọi là Tỳ-kheo. Do bỏ tình dục, tâm ý vắng lặng, giống như núi lớn không thể lay động, khó nhiễm ô, như hư không. Tới, lui, cúi, ngước không mất phép tắc mẫu mực. Tâm như hoa sen không hề bị nhiễm, cũng như ngọc minh châu. Lục thông thông suốt không hề ngăn ngại. Từ bi thương xót đối với tất cả, muốn cứu độ khắp mười phương.

Bồ-tát liền nói:

-Lành thay! Chính đây mới đúng là chỗ ta hằng ưa thích. Tâm ý vắng lặng, tự thương xót cứu độ kẻ khác, nghiệp lành mau chóng thành quả cam lộ.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Phụ vương Bạch Tịnh xem xét đức hạnh của Bồ-tát, thấy nghe Bồ-tát không ưa thích sự giàu sang ở đời, tâm như hư không mà lòng càng lo sợ. Sợ Thái tử sẽ xuất gia nên ngày đêm lo giữ gìn, cho xây cao thêm tường thành và đào sâu các đường hào quanh thành. Thay lại cửa thành. Tiếng đóng, mở cửa nghe xa bốn chục dặm. Đặt các lực sĩ khoẻ mạnh, mặc áo giáp, cầm gậy đứng ở bốn cửa thành canh giữ. Răn bảo tất cả binh sĩ chớ để sơ hở, sẽ không cho Thái tử bỏ xuất gia. Ở trong cung tăng cường thêm các thể nữ đàn ca, hát xướng, vui chơi cốt để làm cho Thái tử được vui, không còn ôm lòng sầu muộn.

Vị bồ-tát ấy đời trước đã từng chứa nhóm trí đức, nên ngay khi còn ở trong thai mẹ đã có oai thần lành tốt. Trong giấc chiêm bao thấy công huân phước lộc của Ngài rất là to lớn. Mười phương tự nhiên có bảo cái che khắp ba cõi được an ổn, chỉ dạy cho tất cả diệt trừ các đường ác.

Ở ngã tư đường, có chim bốn sắc biến làm một sắc, thấy các thứ dơ nhớp, đi ngang qua đó mà không bị dơ chân. Lại có con sông lớn tràn đầy nước, chúng sinh muốn qua mà không thể vượt được, sinh lòng sợ hãi liền vượt qua được. Thấy vô số người đều bị bệnh tật không có thầy thuốc chữa trị, liền vì họ làm vị thầy chữa trị vô số bệnh tật khiến cho tất cả không còn có sự đau đớn. Tự thấy thân mình ngồi trên tòa sư tử; Thiên nhân trên hư không chắp tay cúi đầu. Thấy ở nơi chiến trường hàng phục oán địch, vô số chư Thiên ở trong hư không hầu hạ. Đây chính là Bậc Thánh nhân thấy trong giấc mộng, thanh tịnh tốt lành, đầy đủ chánh hạnh. Thiên nhân nghe, trong lòng vui mừng. Không lâu Ngài sẽ thành đạo, làm Bậc Thầy tôn quý trong hàng trời người.

Bấy giờ Bồ-tát khởi ý nghĩ: “Giả sử ta không đến từ giã phụ vương mà đi xuất gia là điều không nên”. Liền ngay giữa đêm khuya thanh vắng tự ra khỏi cung thất của mình, đi đến cung điện phụ vương, xem xét khắp cung điện mà lòng không hề sợ. Ánh sáng chiếu khắp nơi. Vua thức giấc, thấy ánh sáng liền sai người xem xét bốn cửa thành, binh tướng không ra, vì sao có ánh sáng này chiếu sáng cùng khắp?

Quân hầu đến bạch:

-Trời còn chưa sáng, mặt trời cũng chưa mọc, tự nhiên có ánh sáng chiếu trên các vách tường và cây cối. Muôn chim ca hót vang lừng và cùng nhau muốn bay về phía có ánh sáng. Đây là ánh sáng tột bậc, êm dịu, an ổn, mát mẻ, hòa nhã. Vách tường, cây cối hoàn toàn không có bóng in lên. Bấy giờ, Đấng chí đức ở nơi ấy tư duy xem xét khắp bốn phương, ngồi ngay chỗ cửa sổ.

Khi ấy có các vị Thiên nhân muốn đi nhưng không đi được, Ngài mong muốn cho phụ vương biết mà thức dậy. Bồ-tát đứng ngay thẳng bày tỏ ý của mình với phụ vương:

-Xin phụ vương chớ ôm lòng sấu lo buồn khổ, chớ nghĩ ngợi xa xôi. Chư Thiên khuyến giúp con nay nên xuất gia. Con xin nhận lỗi mình chưa giúp nước.

Vua cha nghe nói thương khóc rơi lệ hỏi Thái tử:

-Chí nguyện của con như thế nào? Khi nào con mới trở về cùng ta bày tỏ cho thỏa lòng nhớ thương, mong đợi? Ta nay tuổi đã già yếu, nước nhà không có người thừa kế.

Bồ-tát liền đem lời êm dịu bày tỏ cùng phụ vương:

-Con muốn xin bốn điều. Giả sử phụ vương cho con được hoàn toàn tự tại với bốn điều nguyện này, con sẽ không xin đi xuất gia. Bốn nguyện đó là:

  1. Con muốn luôn luôn được trẻ mãi không già.
  2. Con muốn trọn đời không bệnh tật.
  3. Không chết.
  4. Không xa lìa.

Thần tiên ngũ thông tuy trụ một kiếp cũng không tránh khỏi cái chết. Giả sử phụ vương cho con bốn nguyện này, con sẽ không xin đi xuất gia.

Vua nghe càng buồn thêm và bảo:

-Bốn nguyện ấy từ xưa đến nay không ai đạt được. Ai là người có thể tránh khỏi được bốn nạn này. Con như sư tử khuyên giúp, thương xót và độ thoát chúng sinh mà thực hiện đầy đủ nguyện này.

Bấy giờ Bồ-tát ra khỏi cung điện, một lòng vững chắc không nhìn thấy cảnh tượng chung quanh. Phụ vương sáng sớm thức dậy liền đăng triều họp dòng họ Thích và đem việc này báo cho họ biết:

-Thái tử chắc chắn bỏ nước xuất gia, học đạo. Các khanh nên bày kế gì để giữ Thái tử lại?

Các người thuộc dòng họ Thích tâu:

-Phải luôn luôn theo giữ. Vì sao? Vì các bà con trong dòng họ Thích đông nhiều vô số. Thái tử dầu có sức mạnh nhưng làm sao có thể một mình ra khỏi được.

Khi ấy Bạch Tịnh vương ra lệnh năm trăm người trong dòng họ Thích có nhiều sức khỏe, có nhiều mưu kế, phương tiện, chỉ dạy năm trăm binh lính học hết tất cả các chiến thuật, sai đại lực sĩ đứng ở cửa thành phía Đông canh giữ Bồ-tát. Mỗi một lực sĩ họ Thích có năm trăm binh đi theo; mỗi một binh lính có một chiếc xe chở năm trăm người theo canh giữ Bồ-tát. Khắp bốn cửa thành thảy đều như vậy. Các ngã tư đường cùng tất cả các con đường làng, các cổng làng cũng đều như vậy cả.

Tự thân phụ vương cùng với năm trăm Thích tử vây quanh, cỡi xe voi, ngựa đứng giữ ở cửa cung của mình ngày đêm không ngủ.

Bấy giờ hoàng hậu Đại Ái Đạo bảo với các thị tùng:

-Ban đêm đốt đèn, đốt hương, chớ có ngủ nghỉ. Nay bậc ly cấu không thích ở trong cung, ắt muốn xuất gia. Chúng ta hãy cùng nhau ngăn giữ, chớ để cho Ngài đi. Trổi các kỹ nhạc cho Ngài được vui, đóng chặt tất cả các cửa, không được cho mở tự do. Trang trí các cờ lọng lụa là. Các cửa sổ phải trang sức đẹp đẽ. Rừng cây ăn trái, các phẩm vật đều trưng bày ra khiến cho Ngài nhìn thấy; giả sử Ngài muốn đi nhưng vì yêu mến những cảnh bày ra đây mà có thể không đi.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ có hai mươi lăm tướng quân quỷ thần và tướng quân Bàn-xà quỷ, quỷ tử mẫu và năm trăm người con… đều cùng nhóm họp và bàn luận với nhau:

-Ngày hôm nay Bồ-tát bỏ nước xuất gia, chúng ta hãy cùng nhau theo hầu hạ, cúng dường.

Lại Tứ Thiên vương cùng một lúc bậả khắp với các quỷ thần:

-Ngày hôm nay Bồ-tát bỏ nước, bỏ ngôi vua, các ngươi hãy siêng năng hầu hạ cúng dường.

Các quỷ thần này đều đem theo năm trăm loại binh, thế lực mạnh mẽ giống như kim cang không có thể phá hoại, siêng năng dũng mãnh giúp đỡ chúng sinh. Thân của quỷ cao lớn như núi Tu-di, không để cho những việc không tốt xúc phạm đến bậc chí đức. Thích, phạm, Viêm thiên, Đâu-suất thiên, Vô Mạn thiên, Hóa tự tại thiên đều sắc vô số trăm ngàn các quan thuộc hạ trước sau theo dẫn đường, hoa hương, kỹ nhạc, nước hương rưới xuống đất, cùng nhau theo hầu hạ Bồ-tát. Thích, Phạm Thiên vương theo hầu ở hai bên.

Khi ấy có Thiên tử tên Tịnh Ý bảo:

-Ta sẽ giúp đỡ nước Ca-duy-việt, giúp cho tất cả nam nữ đều được an hòa.

Có Thiên tử tên Quang Âm tự nói:

-Thân ta sẽ hóa làm ra tất cả voi, ngựa, xe chở nam nữ xướng lên âm thanh. Giả sử có người nào không nghe được cũng khiến cho tâm của người đó được vắng lặng không còn nghĩ nhớ.

Có Thiên tử tên Thanh Tịnh bảo:

-Ta sẽ ở trong hư không lập bảy cỗ xe lớn treo thòng tất cả mặt trời, mặt trăng và ngọc châu chiếu sáng rực rỡ. Chưng bày tràng phan bảo cái, rải hoa, đốt hương, sửa sang đường sá hầu hạ Bồ-tát.

Long vương La-mạt nói:

-Ta sẽ hóa làm ba vạn sáu ngàn cỗ xe để ở các ngã tư đường và sai chư Thiên ngọc nữ đến ngồi trên đó trổi các kỹ nhạc cúng dường hầu hạ Bồ-tát.

Thiên đế Thích nói:

-Ta sẽ đem quyến thuộc đi ở trước dẫn đường Bồ-tát.

Bồ-tát Pháp Hạnh nói:

-Ta sẽ nổi mây sắc vàng ròng, mưa hương thơm chiên-đàn cùng khắp thiên hạ.

Long vương Hòa Lân, Long vương Ma-na-tư, Long vương Tán Câu, Long vương A-nậu-đạt, Long vương Nan-đầu-hòa-nan đều tự nói cũng sẽ nổi mây sắc vàng ròng, mưa hương thơm chiên-đàn vi diệu.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-đạp-hòa… tâm luôn mong muốn được gần gũi, thăm viếng, hầu hạ Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ pháp chánh đạo, ưa mến sự an ổn, vào trong cung suy nghĩ đến các việc làm của chư Phật trong quá khứ, thương xót chúng sinh, cho nên từ khi mới phát tâm hành đạo cho đến lúc thuần thục không xả bỏ bốn nguyện. Những gì là bốn?

1. Trong khi học đạo, giả sử ta thành Chánh giác, sớm đạt được Nhất thiết trí, mặc áo giáp hoằng thệ, cứu các nạn khổ cho tất cả chúng sinh, ta sẽ giúp cho chúng sinh thoát khỏi sự trói buộc của sinh, già, bệnh, chết trong ba cõi. Chúng sinh nương nơi thế tục bị các nạn khổ vây quanh, ta sẽ khiến cho đạt đến sự vắng lặng, không còn ân ái ràng buộc. Đây là nguyện thứ nhất.

2. Chúng sinh chìm đắm trong vô minh tăm tối, hoàn toàn không hiểu biết. Vì ngu si che lấp nên sinh ra các tư tưởng bất tịnh. Ta sẽ vì họ mở bày con mắt tuệ thanh tịnh, thấu suốt trong ngoài không giới hạn. Đây là nguyện thứ hai.

3. Chúng sinh ở đời dựng cờ tự đại, thường mưu tính cho cái ngã của mình mà sinh lòng tham đắm thân mạng. Trọng mình khinh người, tâm luôn ở trong sự điên đảo tà kiến. Vô thường thì cho là thường. Tâm không ham mến đạo Thánh, đọa nơi ba nghiệp. Ta sẽ vì họ chỉ dạy khiến cho tất cả đi vào đạo chân chánh. Đây là nguyện thứ ba.

4. Chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử, trôi lăn không bờ không bến, diệt mất gốc trí tuệ, mê lầm trong năm đường không có thể tự cứu. Ta sẽ vì họ nói pháp, làm cho tất cả đều được độ thoát. Đây là nguyện thứ tư.

Ta ở trong đời trước thường lập bốn nguyện này, nay đã đạt được, không thể trái bỏ; cho nên xuất gia thành tựu chánh giác độ thoát mười phương.

Bấy giờ Thiên tử Pháp Hạnh, Thiên tử Tịnh cư đi vào cung điện tự hiện ra hình tượng. Hình tượng vui chơi biến đổi vô thường, ở ngay trong hư không; khi ấy vì Bồ-tát nói kệ:

Thiên tử trên không khen
Sen giác ngộ lặng sáng
Vì sao tại ngũ dục
Đại Thánh bỏ nhà cửa
Nhận lời ta khuyên giúp
Nên xem xét trong cung
Thấy nhiều người mê hoặc
Như thấy chết trong đời.