ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TẬP GIẢI

Pháp sư Bảo Lượng, đời Lương soạn.
Hoàng Đế Vì Pháp sư Thích Bảo Lượng Chùa Linh Vị soạn lời tựa Nghĩa Sớ.

 

Phẩm 11: BỐN ĐẢO

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Đáp câu hỏi về chánh thiện thành tựu đầy đủ, nói rộng về bốn điên đảo. Vì muốn cho bốn đế đầy đủ, lại nói bốn đảo nên thuộc về lưu thông.”

Pháp sư Tăng Tông nói: “Ở trên nêu Cảnh để nói về trí. Ở đây nói về “Hoặc” để làm rõ “Giải”, vì nói rộng làm rõ tướng “Giải”, nên trước hết nêu tướng “Hoặc” kia thì nói về nghĩa mới được rõ ràng. Cũng như sắp nói về phương pháp tu thắng lợi trong văn của ba tu trên, thì trước hết nêu tám đảo.”

Pháp sư Bảo Lượng nói: “Đáp câu hỏi thứ chín, kế là, nói về lý ngụy.”

Pháp sư Trí Tú nói: “Trên nói về bốn đế, dẫn vật sinh “Giải”, chỉ vì hiểu biết chân thật khó phát sinh, đẽ trở nên lối chấp hẹp hòi, chấp thì thành trái ngược.”

“Phật bảo Ca-diếp: “Nói là bốn đảo” cho đến “Là vô thường, gọi là tội khổ lớn.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Trước nói về thể đảo, cũng nên nói rõ, chỉ vì văn kinh nói sơ lưọc mà thôi.”

Pháp sư Tăng Tông nói: “Dưới đây, trước nói trong khổ mà nghĩ là vui, trái với nỗi khổ, chính là chưa giải thích thích hợp với nghĩ là khổ trong chẳng phải khổ. Nay, sẽ giải thích về lý do của sự trái ngược kia. Có chấp này, nói là quyết định được lý, bèn chấp ngang trái tưởng vui ở trong sinh tử.”

Pháp sư Bảo Lượng nói: “Phân biệt trong đảo ban đầu, có ba lượt: Trước là nói về đảo sau. Kế là, nói về đảo trước. Thứ ba là nêu đảo sau để kết câu. Y theo đảo trong phần nói về Phật có bốn ý:

  1. Trước, là mở rộng môn chương.
  2. Giải thích môn chương.
  3. Cho rằng, Như lai là hành khổ.
  4. Nói Đức Phật là hoại khổ.

“Nếu người nào chấp như vậy, thì chính là người mắc tội khổ lớn.”

Pháp sư Trí Tú nói: “Trong phần giải thích về đảo ban đầu có ba lượt:

– Cuối cùng nghĩ là khổ gọi là điên đảo. Vì định chỉ rõ mê có vui trong khổ, nên giải thích về thể của khổ, có hai ý: Đầu tiên y cứ vào lý để nói về tướng mạo của đảo kia. Sau là kinh, kết thêm nghĩ là điên đảo. Đây là thứ nhất.

– Nếu đối với niềm vui, khởi tưởng khổ, thì sẽ chịu quả khổ, mà cho là “Ngã” tức là thọ hưởng niềm vui. Đây là ở trong khổ mà khởi “Hoặc vui”.

– “Nếu nói Như lai đã xả thân khổ này” cho đến “Đó gọi là chẳng phải khổ mà nghĩ là khổ.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Khổ có hai thứ: Hành khổ và Hoại khổ. Trước nói là Vô thường, thay đổi khác đi là hành khổ. Nay nói xả thân khổ này, nghĩa là hoại khổ, đều nêu cả hai đảo.” “Đây gọi là điên đảo”.

Xét: Pháp sư Trí Tú nói: “Ý thứ hai, kinh kết thêm tên đảo kia.”

“Nếu ta nói rằng Như lai là thường” cho đến “Nói như thế, tức là ta cảm nhận niềm vui.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Giải thích về ý sinh ra đảo, tức là ngã kiến. Nếu nói Phật không sinh, diệt, thì tức là tự tại, tự tại là “Ngã”. Ngã kiến là gốc sinh ra các kiết. Cho nên, không nói Đức Phật là thường.”

Pháp sư Bảo Lượng nói: “Dưới đây, là thứ hai nói về đảo ở trước. “Hoặc” là “Tự cho rằng”. Nếu nói Phật là thường, thì tức là chấp ngã. Thuở xưa ta vì lối chấp này, nên mắc vô lượng tội. Nay, nếu nói Phật là vô thường, thì sẽ lìa bỏ ngã kiến, thọ nhận niềm vui.”

Pháp sư Trí Tú nói: “Giải thích thỏa đáng về khởi chấp vui trong khổ, có hai ý, đây là ý thứ nhất, nêu ra ý khởi đảo kia.

“Như lai vô thường, tức là khổ này” cho đến “Vì cứ nghĩ là vui, nên gọi là điên đảo.”

Xét: Pháp sư Trí Tú nói: “Ý thứ hai, kinh kết thêm thành đảo kia.”

“Vui mà nghĩ là khổ, gọi là điên đảo” cho đến “Gọi là điên đảo, đó gọi là đảo ban đầu.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói:“Hoặc” là “Cho rằng” vì thường thì không diệt, diệt thì bất thường, là giải thích về lý do của hành khổ này.”

Xả thân là thế nào? Vui thì không nên xả mà xả, nên biết là khổ. Đây là giải thích thế nào là hoại khổ?”

Pháp sư Bảo Lượng nói: “Dưới đây thứ ba, nêu lại đảo sau, kết thúc câu trước.”

Pháp sư Trí Tú nói: “Chính là nói đối với vui mà khởi chấp khổ, là đảo có ba ý:

  1. Dựa theo lý để nói chấp kia là đảo.
  2. Kinh kết thêm thành điên đảo.
  3. Nêu ra ý khởi chấp của người kia.”

“Vô thường, mà nghĩ là thường, thường, mà nghĩ là vô thường” cho đến “Đây gọi là điên đảo thứ hai.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Tánh “Không” là thường, vì thấy thường nên thường, không thấy thường là vô thường.”

Pháp sư Tăng Tông nói: “Nên nói đối với thường, nghĩ là vô thường, gọi là chẳng tu pháp “Không”, sinh tử là không quả Phật là không. Nếu nói quả Phật là không, thì sẽ mất đi giới hạn, trái với đạo tu “Không”. Tuổi thọ ngắn ngủi, nghĩa là lối chấp đã trái thì chắc chắn không được mầu nhiệm chân thường, há không phải tuổi thọ ngắn ngủi ư?”

“Vô ngã nghĩ là “Ngã”, “Ngã” nghĩ là “Vô ngã” cho đến “Đây gọi là điên đảo thứ ba.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Không có Phật tánh: Vì Phật tánh không có “Hoặc”, nên tự tại không dứt, vì có “Hoặc” nên không được tự tại.”

Pháp sư Bảo Lượng nói: “Có hai thứ bậc: Từ đầu đến “Là gọi điên đảo”, trước nói về đảo ở trước, kế là từ Phật pháp có ngã trở xuống, kế là nói đảo sau tuy nói có ngã, nhưng không có Phật tánh, chỉ vì chấp thần ngã là “Ngã”, nên không nói Phật tánh là ngã.”

“Tịnh, nghĩ à bất tịnh, bất tịnh tưởng là tịnh” cho đến “Chúng con đều là người tà kiến.”

Xét: Pháp sư Tăng Lượng nói: “Có hai thứ bậc: Từ đầu v.v…đến là diệt”, đó gọi là điên đảo. Trước nói về đảo sau. Kế là, từ nghĩ là bất tịnh” cho đến “điên đảo thứ tư là nói về đảo trước. Phẩm cuối Bồ-tát bạch Phật, đã nói bốn đảo xong, Bồ-tát Ca-diếp nhận lấy, hiểu biết rõ.”