CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 11: BỒ TÁT HẠNH

Chánh văn: Lúc bấy giờ, Đức Phật đang thuyết pháp nơi vườn cây Am-la, bỗng nhiên khu vườn trở nên rộng rãi trang nghiêm, tất cả đại chúng trong hội đều có màu vàng ròng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bậc Chí nhân không có xứ sở thường nhất, lý hợp thì thân cận. Như Lai và ông Tịnh Danh tuy hình tướng chẳng đồng xứ sở khác nhau, nhưng vẫn đồng thời tồn tại một cách kỳ diệu, vì thế thường hay qua lại giáo hóa, cùng hoằng dương đạo bất tư nghị. Nhân sai người đến thăm bệnh, đã nói như trên, mà bây giờ đến diện kiến Như Lai để ấn chứng kinh này. Cho nên trước tiên hiện điềm này để khai phát tâm đại chúng.

Chánh văn: Ngài A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà có điềm lành này? Khu vườn bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm, tất cả chúng hội đều có sắc vàng?

Ngài Tăng Triệu nói:

– Việc làm của bậc Đại sĩ thì hàng hành đạo kém nhỏ chẳng thể biết, nên phải hỏi nguyên nhân.

Chánh văn: Phật bảo A-nan rằng: “Đây là do ông Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng vây quanh phát tâm muốn đến nơi đây. Nên trước tiên hiện điềm lành này.” Bấy giờ, ông Duy-ma-cật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: “Chúng ta cùng nhau đến ra mắt Đức Phật.”

Ngài La-thập nói:

– Ông Duy-ma-cật khuyên cùng nhau ra mắt Phật, yếu chỉ có thể suy biết rằng:

  1. Thấy tâm thành thật của ông ấy, mà muốn được thỏa mãn bản ý của ông.
  2. Muốn chứng minh món cơm thơm có nhiều khả năng khai ngộ.
  3. Vì tâm các Bồ-tát ưa thích sự thù thắng viễn du, nay cần khiến trở về, nên muốn cùng nhau đến trụ xứ của Phật để cầu xin giáo pháp đem về.

Chánh văn: Để các Bồ-tát đảnh lễ cúng dường. Ngài Văn-thù-sưlợi nói: “Hay lắm! Nay chính là lúc nên đi!” Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức thời gian có ích lợi.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật liền dùng sức thần đặt đại chúng và các tòa sư tử vào bàn tay phải rồi đi đến trụ xứ của Phật. Đến rồi, ông đặt xuống đất.

Ngài La-thập nói:

– Ở thế gian nếu đón hay tiễn đều dùng xe ngựa, còn Đại sĩ thì vận thần thông diệu dụng.

Chánh văn: Đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi chắp tay đứng một bên.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngài Tịnh Danh đặt các tòa nơi đất, rồi trước tiên kính lễ Thế Tôn.

Chánh văn: Các Bồ-tát liền rời tòa, đến đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi đứng qua một bên. Các Đại đệ tử, Đế thích, Phạm vương, Tứ thiên vương… cũng đều rời tòa, lễ chân Phật rồi đứng về một bên. Bấy giờ, Thế Tôn y như pháp an ủi các Bồ-tát rồi bảo các đại chúng ngồi nơi tòa của mình. Đại chúng vâng lời dạy thực hành theo. Khi đã ổn định, Đức Phật hỏi ngài Xá-lợi-phất rằng: “Ông thấy thần lực tự tại mà Bồ-tát Đại sĩ thi thố chăng?” Ngài La-thập nói:

– Muốn khen ngợi thần lực kỳ diệu của đại sĩ để khuyên gắng những người có tâm tưởng nhỏ hẹp.

Chánh văn: “Thưa vâng! Bạch Thế Tôn con đã thấy.” Phật hỏi: “Ý ông thế nào?” Xá-lợi-phất đáp: “Con thấy các việc ấy thật chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải ý có thể lường, chẳng phải suy nghĩ có thể tính được.”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trước kia đã cùng với Bồ-tát Văn-thù vào ngôi thất bất tư nghị, nhân nơi việc mượn bảo tòa, đã thấy được thần lực, đến ăn cơm thơm, ở trên lòng bàn tay mà trở về đều chẳng thể dò được sự thần biến ấy, cho nên nói là bặt dứt suy nghĩ tính lường. Yếu chỉ lớn của kinh này là nói về đạo bất tư nghị, cho nên luôn hiển bày dấu tích bất tư nghị.

Chánh văn: Lúc bấy giờ, A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Mùi hương mà con nghe đây thật từ xưa chưa từng có, chưa biết là hương gì?”

Ngài La-thập nói:

– Hỏi về mùi hương thượng phẩm xông khắp tam thiên đại thiên, vì sao ngài A-nan chẳng nghe? Đáp: “Chẳng có phần nên dù ở gần mà chẳng nghe, nay mới được nghe.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Đức Như Lai sắp nói về nhân duyên của cơm thơm, cho nên khiến ngài A-nan hỏi.

Chánh văn: Đức Phật bảo A-nan rằng: “Đây là mùi hương từ lỗ chân lông của các Bồ-tát phát ra.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát cõi kia tức các Bồ-tát nước Chúng Hương. Sở dĩ chỉ nói các Bồ-tát cõi kia là vì muốn khiến cho Xá-lợi-phất tự nói mùi hương của một món cơm, nhân đó nói về lợi ích lớn của cơm thơm.

Chánh văn: Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất nói với ngài A-nan rằng: “Từ lổ chân lông của chúng tôi cũng phát ra mùi hương ấy!” Ngài A-nan hỏi: “Mùi hương ấy từ đâu mà có?” Đáp: “Trưởng giả Duy-ma-cật xin món cơm thừa của Đức Như Lai nước Chúng hương đem về nơi trượng thất của ông. Người nào ăn thì từ lổ chân lông đều phát ra mùi hương như thế!” Ngài A-nan lại hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Mùi hương ấy giữ được bao lâu?” Ông Duy-ma-cật đáp: “Đến khi cơm này tiêu hết.” Lại hỏi: “Cơm ấy bao lâu mới tiêu?” Đáp: “Sức của cơm này trải qua bảy ngày mới tiêu.”

Ngài La-thập nói:

– Bảy ngày mới tiêu là có hai nhân duyên, hoặc có người ăn cơm thơm, cơm tiêu chẳng đúng thời, thì chán mà xả bỏ, nên chẳng khiến để lâu. Cũng có thể nói ứng với người đắc đạo, mùi cơm đúng thời xông không quá bảy ngày thì ắt sẽ đắc đạo. Như bảy lần sinh đối với đạo tích, rắn cắn đi bảy bước… tất cả thế lực không quá số bảy. Theo sự việc thì chẳng cần phải để lâu, cho nên khiến không quá bảy ngày.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bảy ngày, thế lực của cơm mới tiêu là sức bình thường. Nếu ứng với việc nhân nơi món cơm mà bước lên thềm thang của đạo, thì cần phải đạt đến chỗ nên đạt thì cơm mới tiêu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Không quá bảy ngày.

Chánh văn: Thưa ngài A-nan! Những Thanh văn chưa vào chánh vị, ăn món cơm này, khi vào chánh vị thì cơm mới tiêu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vào cảnh vô lậu gọi là vào chánh vị.

Chánh văn: Đã vào chánh vị mà ăn cơm này thì đến khi được tâm giải thoát cơm mới tiêu. Ngài La-thập nói:

– Tức mười sáu tâm kiến đế.

Hỏi:

– Vì sao ăn cơm thơm lại đắc đạo?

Đáp:

– Thân an thì tâm thanh tịnh, phát khởi tâm chưa từng có. Cơm còn như thế, huống gì là đạo? Có diệu quả này ắt có diệu nhân, vô cùng tin thích, thấu đạt nhân quả tức hiểu được duyên khởi, hiểu duyên khởi thì thấy được thật pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thành tựu quả không chấp rước, gọi là tâm giải thoát.

Chánh văn: Nếu chưa phát tâm Đại thừa mà ăn cơm đó, thì đến khi phát tâm rồi cơm mới tiêu; nếu đã phát tâm Đại thừa, ăn món cơm này, đến khi đạt được Vô sinh pháp nhẫn cơm mới tiêu; đã đạt được Vô sinh pháp nhẫn ăn món cơm này thì đến Nhất sinh bổ xứ cơm mới tiêu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trong bảy ngày ắt có sở đắc. Nhưng khi ngộ từ món ăn, không được có hai giai vị, chỉ là Nhất sanh bổ xứ, còn Phật thì không nhờ nơi đó mà được, vậy Bồ-tát vô sinh và người đã vào chánh vị há nhờ vào phương pháp bên ngoài để tiến lên ư? Mà nay nói như thế là để chỉ rõ món cơm này để tuyên lý cùng cực, có đủ các nghĩa ấy.

Chánh văn: Ví như có món thuốc tên là thượng vị, người uống vào các độc tiêu hết rồi thuốc mới tiêu. Cơm này cũng như thế, diệt trừ tất cả độc phiền não rồi cơm mới tiêu. A-nan bạch Phật rằng: “Thật chưa từng có! Bạch Thế Tôn! Như món cơm thơm này có thể làm Phật sự vậy.

Ngài La-thập nói:

– Thần thông biến hóa, thuyết pháp độ người là những pháp thông thường để giáo hóa. Còn cơm vốn là để nuôi lớn thân thể mà nay dùng đó để đắc đạo, nên khen là chưa từng có. Phật lấy việc giáo hóa người làm sự nghiệp, phàm giáo hóa người đều gọi là Phật sự. A-nan cho rằng việc kỳ diệu của Phật sự đều là tại nơi đây. Nên về sau nói rộng về Phật sự để khai mở tâm A-nan.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cơm vốn là để nuôi dưỡng thân thể mà nay lại trừ cả kết phược, thì thật là chưa từng thấy nghe.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Phật lấy việc khai ngộ làm sự nghiệp, mà cơm thơm có thể làm được, đó là việc chưa từng có.

Chánh văn: Phật nói: “Đúng thế! Đúng thế! A-nan! Hoặc có cõi Phật lấy ánh sáng làm Phật sự.

Ngài Tăng Triệu nói:

– A-nan thấy được sự lợi ích của cơm thơm, cho rằng lý rốt ráo của Phật sự chỉ ở tại đó, cho nên Phật khai thị rộng thêm về việc này, khiến cho A-nan ngộ được Phật đạo thật vô cùng. Chúng sinh ở cõi ấy thấy ánh sáng kỳ diệu của Phật thì tự vào đạo; xét kỹ cũng có những lợi ích khác, nhưng chỗ lấy ánh sáng làm chủ. Các câu sau cũng giống như thế.

Chánh văn: Có cõi nước lấy Bồ-tát làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Đức Phật trụ ở vị Tông chủ, im lặng không nói, chỉ sai các Bồ-tát hoằng đạo giáo hóa chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Có vị Phật luôn im lặng, trụ ở vị Tông chủ, để Bồ-tát làm hóa chủ.

Chánh văn: Có cõi lấy hóa nhân của Phật làm Phật sự.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Có cõi nước thuần chỉ dùng hóa nhân làm Phật sự, như Tu-phiếnđầu-tỷ.

Chánh văn: Có cõi lấy cây Bồ-đề làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Trổ hoa kết quả hoặc phát ra mùi hương vi diệu, hoặc phóng ra ánh sáng, hoặc thuyết pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cây nơi Đức Phật thành đạo gọi là Bồ-đề. Ánh sáng của cây này chiếu cùng khắp, mùi hương lan tỏa mọi nơi, hình sắc thật vi diệu, tùy mỗi người ưa thích mà được thấy như ý. Cây phát ra pháp âm, tùy sự ưa thích của mỗi người mà được nghe như thế. Đây là cây báo ứng của Như Lai. Chúng sinh gặp cây này, tự nhiên ngộ đạo. Cõi này lấy cây làm căn bản cho việc giáo hóa.

Chánh văn: Có cõi lấy y phục, ngọa cụ của Phật làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Xưa vua ở cõi Diêm-phù-đề được đại y của Phật. Bấy giờ, thế gian xảy ra dịch bệnh, vua bèn treo y trên cao để mọi người nhìn thấy. Người nào nhìn thấy mà quy y thì bệnh tiêu trừ, tâm tin kính càng sâu, nhân đó mà được giải thoát. Đó là ví dụ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chú thích cũng đồng như thế.

Chánh văn: Có cõi lấy cơm làm Phật sự, có cõi lấy vườn rừng, nhà cửa làm Phật sự.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nước Chúng hương tức theo việc này. Nghĩa khác thì cho rằng về ăn uống là lấy thiệt căn để thông đạt đạo pháp; về vườn rừng là lấy nhãn căn để thông đạt Phật đạo.

Chánh văn: Có cõi lấy ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp tùy hình làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Hoặc một tướng, hai tướng, cho đến nhiều tướng, tùy sự ưa nhìn của chúng sinh mà hiện tướng thích hợp. Cũng có thể nói dùng hình tượng Phật, như vua Bình-sa tặng cho vua Phất-ca-sa một tượng Phật, nhân đó mà vua Phất-ca-sa đắc đạo. Sau nói thân Phật là thân hóa hiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người thích tướng đẹp trang nghiêm thì dùng tướng tốt và vẻ đẹp chỉ bày.

Chánh văn: Có cõi nước dùng thân Phật làm Phật sự. Có cõi nước lấy hư không làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Trừ bỏ hình sắc thì rỗng rang không tượng, khiến kia được tâm không và vắng lặng, lụy tưởng tiêu trừ, cũng như ngài Văn-thù-sư-lợi trừ bỏ các sắc tượng, hiện tướng hư không để giáo hóa vua A-xà-thế.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người thích có thì giữ thân để chỉ bày có, người thích không thì diệt thân để hiển thị không, như kinh Mật Tích đã nói. Tám tướng tuy nơi thân mà thân và tướng chẳng phải một, vì nhân mỗi mỗi khác nhau, thế thì Phật sự chẳng đồng.

Chánh văn: Chúng sinh theo duyên ấy mà vào luật hạnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhân tuy khác, nhưng đều được vào luật hạnh.

Chánh văn: Có cõi lấy các dụ mộng, huyễn, bóng vang, ảnh trong gương, trăng trong nước, sóng nắng làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Trong mộng mà ngộ thì cảm được chúng sinh. Sáu việc kia tức là hiển hiện các hình sắc không thật, khiến cho người ngộ được lý sâu xa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Như có người chẳng ngộ được lời chánh, thì nhân nơi dụ mà hiểu.

Chánh văn: Có cõi nước dùng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tức Phật sự ở cõi Ta-bà.

Chánh văn: Hoặc có cõi Phật dùng cõi thanh tịnh vắng lặng, không lời, không thuyết.

Ngài La-thập nói:

– Có hình sắc nhưng không có ngôn giáo như ông Duy-ma im lặng mà thành tựu sự luận bàn.

Chánh văn: Không chỉ bày, không biết, không tạo tác, không làm mà làm Phật sự.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Có cõi chân tịnh độ, chỉ thuần là pháp thân Bồ-tát, ngoài không ngôn thuyết, trong không còn tình thức, vắng lặng vô vi mà siêu việt, giác ngộ ngoài sự, chẳng phải là cảnh giới mà lời nói và tình thức có thể nghĩ bàn, đó là Phật sự tối thượng.

Chánh văn: “Như thế, này A-nan! Tất cả những oai nghi đi đứng, các việc làm của chư Phật đều là Phật sự.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Phật sự là lấy việc có lợi ích làm sự nghiệp, các oai nghi đi đứng, cử động, cúi ngước của Như Lai cho đến động chân giơ tay của ngài đều có ích lợi, vì thế các việc làm, không gì chẳng phải là Phật sự. Trên đã lược nói xong.

Chánh văn: Này A-nan! Có bốn ma và tám mươi bốn ngàn môn phiền não.

Ngài La-thập nói:

– Căn bản phiền não có bốn là ba độc và đẳng phần. Hai mươi mốt ngàn trần cấu thuộc về một bệnh, bốn bệnh là tám mươi bốn ngàn trần cấu. Nói chung thì tám mươi bốn ngàn, nếu phân biệt riêng các tướng thì gồm có vô lượng. Nay nói tám mươi bốn ngàn thì gần vô lượng nên nói là môn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ba độc và đẳng phần, bốn pháp này là gốc của phiền não, từ một gốc sinh ra hai mươi mốt ngàn phiền não, tổng cộng là tám mươi bốn ngàn phiền não. Từ tám mươi bốn ngàn phiền não sinh ra vô lượng trần cấu nên gọi là môn.

Chánh văn: Các chúng sinh vì nó mà nhọc nhằn khổ sở, còn chư Phật thì lấy đó làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Phật sự có ba loại:

  1. Lấy pháp thiện làm Phật sự, như ánh sáng, thần thông, thuyết pháp…
  2. Lấy vô ký làm Phật sự, như hư không….
  3. Lấy các pháp bất thiện làm Phật sự như tám mươi bốn ngàn môn phiền não.

Ví như một thầy thuốc có thể dùng thuốc lành hoặc dùng thuốc độc để trị bệnh cho người. Đức Phật cũng như thế, có lúc dùng phiền não, như Phật dùng ái để độ Nan-đà, dùng sân khuể để độ rồng độc…

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chúng sinh đều cho phiền não là bệnh, mà chư Phật lại lấy phiền não làm thuốc. Như dâm nữ cho dục là bệnh, đến cùng tột tâm dục đó mới ngộ đạo, rồng độc cho sân hận là bệnh, thì làm tăng trưởng tâm sân hận này cùng tột rồi mới chịu giáo hóa. Đấy là lấy dục trừ dục, lấy sân trừ sân giống như lương y lấy độc trừ độc. Đó là tính vô cùng của Phật sự vậy.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu cho nhầm thuốc, thì thuốc trở thành độc. Nếu bệnh trừ thì độc là thuốc. Vì thế bậc Đại Thánh là bậc Y vương chữa tâm bệnh, chạm việc đều là pháp lương dược.

Chánh văn: Đó gọi là vào pháp môn của tất cả chư Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nếu có thể ứng hợp vô cùng mới thuận đẹp xấu, không việc gì chẳng làm, làm thì chẳng gì không phải là Phật sự. Đó mới gọi là vào pháp môn của chư Phật.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Chỉ cần đạt một môn thì các việc đều thành tựu.

Chánh văn: Bồ-tát vào pháp môn này.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát trụ thứ bảy trở lên dự vào môn này.

Chánh văn: Nếu thấy tất cả cõi Phật thanh tịnh đẹp đẽ chẳng lấy làm vui, chẳng tham trước, chẳng cống cao; dù thấy tất cả cõi Phật bất tịnh cũng chẳng buồn, chẳng ngại, chẳng lui sụt chỉ nên ở nơi chư Phật sinh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính khen chưa từng có. Công đức của chư Phật Như Lai đều bình đẳng, vì giáo hóa chúng sinh mà hiện ra các cõi Phật bất đồng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phật không có xứ sở nhất định, ứng vật mà hiện, tại tịnh thì hiện tịnh, tại uế thì hiện uế, đẹp xấu nơi người, còn đối với Phật thì không hai, như thế há tự sinh vui buồn trong đó ư? Vì thế người dự vào môn này thấy tịnh chẳng tham vì phần mình chẳng cao; thấy uế chẳng ngại, vì trái tâm chẳng lui sụt, nên sinh tâm chân tịnh, biết Phật bình đẳng mà ứng tích chẳng đồng, còn như hàng hẹp lậu thì chẳng thể có tín tâm bình đẳng. Nếu chẳng vào môn Phật sự, thì sao có thể lấy tịnh uế làm tâm?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Bồ-tát đã vào môn này thì liền biết cõi Phật có nghĩa tùy ứng, đẹp xấu do người, đối với ta nào có khác. Chỗ đáng quý trọng chỉ là ứng, nên chỉ khen ngợi ứng sinh là kỳ diệu.

Chánh văn: Này A-nan! Ông thấy đất của cõi Phật có bao nhiêu thì hư không không có bấy nhiêu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Không có đất là hư không, mà đất phát sinh từ trong đó.

Chánh văn: Như thế, thấy sắc thân của chư Phật có bao nhiêu.

Ngài La-thập nói:

– Ở đây là nói thân hóa hiện. Sau nói sắc thân… là thân chân báo ứng.

Chánh văn: Thì tuệ vô ngại không có bấy nhiêu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phật tuệ như hư không, ứng hình giống như đất, chẳng thể cho đất sai khác mà hư không có khác, chẳng thể cho hư không là một mà giải thích đất.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Sắc thân là ứng hiện bên ngoài, xuất sinh từ tuệ vô ngại, không phải sắc thân.

Chánh văn: Này A-nan! Sắc thân, oai tướng, chủng tánh, giới, định, tuệ, giải thoát, Giải thoát tri kiến, lực, vô úy, pháp bất cộng, đại từ, đại bi, oai nghi được hành trì của chư Phật và thọ mạng, sự thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật của ngài, đầy đủ các Phật pháp, tất cả đều bình đẳng.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Sắc thân của chư Phật tuy có rất nhiều, nhưng mỗi một vị Phật đều gồm đủ, cho nên không gì chẳng bình đẳng.

Chánh văn: Cho nên gọi là Tam-miệu-tam Phật-đà.

Ngài La-thập nói:

– Tam-miệu-tam Bồ-đề, Hán dịch là Chánh biến tri. Nay nói Tammiệu-tam Phật-đà tức dịch Chánh biến giác. Thấy các pháp không sai biệt là chánh, trí trùm khắp cả gọi là biến, ra khỏi cơn mộng sinh tử gọi là giác.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hán dịch là Chánh biến tri. Thấy các pháp không sai biệt là chánh, trí trùm khắp là biến, quyết định pháp tướng là tri.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Nếu chẳng bình đẳng, thì có chỗ chẳng rốt ráo, chẳng được gọi là Bậc Chánh Biến Giác.

Chánh văn: Gọi là Đa-đà A-già-độ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hán dịch là Như Lai, cũng nói là Như Khứ. Như pháp mà lai (đến), như pháp mà khứ (đi). Cổ kim chẳng thể biến đổi, ngàn Thánh đồng dấu vết nên gọi là Như Lai, cũng gọi là Như Khứ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Như tức tâm thầm hợp với như, không có lý chẳng như; từ trong ấy mà lai (đến), nên không đâu chẳng như.

Chánh văn: Gọi là Phật-đà.

Ngài La-thập nói:

– Đa-đà A-già-độ, Hán dịch là Như Lai, cũng gọi là Như Khứ. Biết như pháp, thuyết như pháp, nên gọi là Như. Chư Phật từ đạo an ổn mà đến (lai), Đức Phật này cũng đến như thế, Đức Phật kia từng an ổn mà đi, Đức Phật này cũng đi như thế. Phật-đà, Hán dịch là Giác, đắc đạo gọi là Giác. Giác có hai nghĩa:

  1. Giác bốn đế.
  2. Giác tất cả pháp, giác mà chẳng rốt ráo thì chẳng phải là chân giác, nên không gọi là Giác.

Như Đức Phật hỏi ngài Xá-lợi-phất ba câu mà chẳng đáp, thiên nữ hỏi thì im lặng không lời, đó đều chưa tránh khỏi còn mê ngủ. Nói biến, nói như, nói giác, ba tên này là danh xưng của sự thể hội rốt ráo, đủ để nói chư Phật đều bình đẳng, khác với Nhị thừa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hán dịch là Giác, tức là tỉnh thức từ trong giấc ngủ sinh tử triền miên chẳng thể tự thức. Tỉnh thức cho mình, đánh thức người chỉ có Phật mà thôi. Ba câu này đều là danh xưng của sự thể hội cùng cực. Nếu đầy đủ các Phật sự như trên, mà có một mảy may không bình đẳng thì chẳng đủ để có ba hiệu đã nêu.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Trong giấc ngủ kết sử mà tỉnh giấc, nên tâm thầm hợp với như.

Chánh văn: Này A-nan! Nếu ta nói rộng nghĩa ba câu này, thì suốt đời ông cũng chẳng thể lãnh thọ hết.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Không gì chẳng biết, không gì chẳng làm được, há có thể thọ nhận cùng tận được ư? Nói ngài A-nan chẳng thể lãnh thọ hết cũng đâu đủ để khen ngợi cho sự rộng lớn kia? Ý muốn khen Bồ-tát mới có khả năng lãnh thọ hết.

Chánh văn: Dẫu cho tất cả chúng sinh đầy trong cõi tam thiên đại thiên, đa văn bậc nhất như ông A-nan, được niệm Tổng trì, thì những người đó cùng kiếp cũng không lãnh thọ hết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nghĩa ba câu vô cùng như thế, thì đạo bình đẳng theo lý không đâu chẳng rốt ráo, há cho là có hơn kém xen lẫn trong ấy ư?

Chánh văn: “Như thế, này A-nan! Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật không có hạn lượng, trí tuệ biện tài không thể nghĩ bàn.” A-nan bạch Phật rằng: “Từ nay về sau con không dám tự cho mình là đa văn nữa.”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngài A-nan là bậc Đa văn nhớ giỏi nhất trong năm trăm đệ tử.

Nay nghe Phật sự bèn tự xét mình là thiểu văn.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ngài A-nan đâu chẳng biết mình có đa văn? Mà tự cho là chẳng đạt, chính là để hiển rõ ý Phật.

Chánh văn: Đức Phật bảo A-nan rằng: “Chớ nên sinh tâm lui sụt! Vì sao? Ta nói ông Đa văn bậc nhất trong hàng Thanh văn, chứ chẳng phải là trong hàng Bồ-tát. Hãy thôi đi A-nan! Người trí chẳng nên so sánh với các Bồ-tát. Vì tất cả biển sâu có thể dò, nhưng thiền định, trí tuệ Tổng trì, biện tài và tất cả các công đức của Bồ-tát khó có thể suy lường được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chúng sinh có người so với bậc trên thì chẳng đủ, so với bậc dưới thì có dư. Chẳng nên dùng dưới có dư mà so lường với trên.

Chánh văn: Này A-nan! Các ông hãy gác qua việc của Bồ-tát đi; chỉ như ông Duy-ma đây trong một lúc hiện bày sức thần thông, mà tất cả các Thanh văn, Bích-chi-Phật trải qua trăm ngàn kiếp tận lực biến hóa cũng chẳng thể làm được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Một lúc tức là từ các việc được hóa hiện từ đầu đến giờ. Một lúc mà còn như thế, huống gì nói đến tất cả việc biến hiện của ông ấy?

Chánh văn: Lúc bấy giờ, các Bồ-tát nước Chúng hương chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Khi chúng con vừa mới thấy cõi này, đã  khởi ý tưởng cho là thấp kém, bây giờ hối hận tự trách.” Ngài La-thập nói:

– Tuy đã tuân phụng Thánh chỉ, nhưng đến khi thấy cõi bất tịnh thì ý tưởng cho là thấp kém phát khởi. Do nhớ lời Phật dạy, nên khởi tưởng còn mỏng nhẹ. Đã hiểu được bình đẳng nên thành tâm tự hối trách.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vừa thấy cõi uế liền sinh ý tưởng cho là thấp kém, nghĩ rằng chư Phật, Bồ-tát cũng có cao thấp, nay nghe Phật sự ở cõi này liền tự hối lỗi.

Chánh văn: Xa lìa tâm này, vì sao? Chư Phật có phương tiện không thể nghĩ bàn, vì độ các chúng sinh, nên thuận theo sự thích ứng mà hiện các cõi Phật sai khác. “Dạ, bạch Thế Tôn! Xin ban cho chúng con một ít pháp, để khi trở về cõi kia chúng con nhớ nghĩ đến Như Lai.” Ngài La-thập nói:

– Cõi kia cũng chưa hẳn chỉ dùng mùi hương làm Phật sự, cho nên xin ban cho giáo pháp. Lại cũng muốn đem đến khắp mười phương để giáo hóa ở các cõi nước bất tịnh, cho nên xin nghe các pháp môn. Cũng có thể cho rằng đến một cõi nước ở phương xa, chẳng lẽ lại trở về không; Vả lại, các Bồ-tát còn ở lại nơi cõi kia sẽ hỏi han những điều cốt yếu, cho nên cầu xin được nghe pháp khác lạ. Cũng nói rằng muốn các Bồ-tát cõi kia biết ân, cho nên xin nghe pháp. Vì sao phải khiến cho biết báo ân? Vì các Bồ-tát cõi kia trụ ở cõi nước thanh tịnh, chỉ cần dùng cơm thơm mà tự vào luật hạnh. Thường lạc thì quên lạc, quên lạc thì quên nguyên do, nguyên do là Phật, mà kia lại chẳng biết, đó là chẳng biết ân vậy. Nếu nghe được hai môn khổ ở sau mà chứng đắc, chính là ngộ tự nhiên, người chứng đắc nhân pháp vi diệu mà được công đức sâu xa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã biết Phật sự khó nghĩ bàn, nên muốn xin được nghe pháp để đem về bản độ, tuyên dương đạo chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, khiến chúng sinh nơi đó nhớ nghĩ đến công đức của Phật.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Xin pháp đem về cõi kia.

Chánh văn: Đức Phật nói với các Bồ-tát rằng: Có pháp môn tận, vô tận vô ngại.

Ngài La-thập nói:

– Tận có hai loại:

  1. Vô vi tận.
  2. Hữu vi tận.

Hữu vi tận tức là vô thường dời đổi diệt hết. Vô vi tận tức trí tuệ đoạn trừ khiến diệt hết. Nay nói môn Tận tức là hữu vi vô thường diệt hết. Nói vô ngại tức không ngăn ngại đối với hai việc. Chẳng diệt hết công đức hữu vi nên không có ngại của phàm phu, không trụ vô vi nên chẳng có ngại của Nhị thừa.

Chánh văn: Các ông nên tu học.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Muốn trở về cõi kia, vốn là từ nơi việc xả bỏ đây mà đến kia, còn là tâm tự tế độ, đối với Bồ-tát còn là trói buộc. Nếu giải thoát mới đúng là pháp.

Chánh văn: Thế nào là tận? Đó là pháp hữu vi.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Hữu vi là pháp vô thường tận diệt.

Chánh văn: Thế nào là vô tận? Đó là pháp vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp hữu vi có ba tướng nên có tận diệt, pháp vô vi không có ba tướng nên không tận.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vô vi thì bất tận.

Chánh văn: Như Bồ-tát thì không tận diệt hữu vi.

Ngài La-thập nói:

– Tất cả pháp thiện là công đức hữu vi, tất cả hữu vi đều là phiền não lớn, vì để trừ bỏ phiền não, nên có pháp cần phải giữ lại. Ví như có vô lượng oán tặc trong một ngôi thành lớn, trong thành có một người đến hàng phục, nhờ người này phá được oán tặc, cho nên tuy là giặc mà cũng nên cúng dường.

Chánh văn: Chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hữu vi tuy hư giả, nhưng nếu xả bỏ thì nghiệp lớn chẳng thành. Pháp vô vi tuy là thật, nhưng nếu trụ nơi đó thì tuệ tâm chẳng sáng tỏ. Vì thế Bồ-tát chẳng diệt hết hữu vi thì các đức thảy đều thành tựu; vì không trụ vô vi nên đạo che trùm tất cả. Đến như vào tử ra sinh, gặp chúng sinh đều chuyển vận, ở nơi tịnh thì hiện tịnh mà chẳng lấy làm vui, nơi uế thì hiện uế mà chẳng lấy làm lo. Thích ứng theo người mà động, thật đối với ta là vô vi. Đó là đạo bình đẳng chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Phàm đạo chẳng thể nghĩ bàn ắt sinh khởi từ môn tận bất tận, các Bồ-tát cõi kia nghe được Phật sự bình đẳng chẳng thể nghĩ bàn, nên xin được nghe pháp. Cho nên Đức Phật khai thị hai môn này để chỉ bày đạo chẳng thể nghĩ bàn không ngăn ngại.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Ở cõi này có khổ là hữu vi, cõi kia không khổ là vô vi. Nếu bị trói buộc tại tận hữu vi trụ vô vi, thì đó là tâm khổ hoạn của cõi này, chẳng phải là cõi kia có như thế. Thế thì nhờ vào việc trở về cõi kia để nói về pháp thật có thể trừ khử được sự trói buộc này.

Chánh văn: Thế nào là chẳng tận hữu vi? Đó là chẳng lìa đại từ, chẳng bỏ đại bi.

Ngài La-thập nói:

– Từ bi là căn bản của Phật đạo. Hàng Thanh văn không có, nên diệt hữu mà trụ vô. Muốn chẳng diệt hết hữu vi mà vào Phật đạo, cần phải do từ bi, cho nên phải nói trước.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ bi là nền móng để vào hữu, là gốc để lập đức, cho nên phát khởi thì liền nói đến.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Hạnh Bồ-tát có hai là công đức và trí tuệ. Công đức tại khởi đầu, trí tuệ tại chung cuộc. Nghĩa của chẳng tận hữu vi thuộc về khởi đầu, nên công đức chẳng tận diệt, nghĩa của trụ vô vi thuộc về chung cuộc, nên trí tuệ chẳng trụ. Chẳng tận hữu vi là cầu lý mà chẳng xả bỏ thân sinh tử, lấy từ bi làm gốc, nên đầu tiên phải nêu lên.

Chánh văn: Phát tâm Nhất thiết trí mà không quên bỏ.

Ngài La-thập nói:

– Chí cầu Phật đạo, tâm ấy sâu xa kiên cố, thí như trồng cây gốc rễ ăn sâu, khổ nhổ. Cho nên trải qua kiếp số càng sáng tỏ, chẳng bao giờ tạm mất.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phát tâm chẳng bao giờ quên, là trọng tâm của các hạnh.

Chánh văn: Giáo hóa chúng sinh chẳng bao giờ nhàm chán mỏi mệt.

Bản khác ghi: Tâm chẳng nhàm mỏi.

Ngài La-thập nói:

– Phiền não nhiều hay ít cũng không chán nản, vì đã dùng đại Bi làm gốc, nên vào khổ càng ân cần. Tuy ma oán bức bách tâm cũng không mỏi mệt.

Chánh văn: Đối với bốn Nhiếp pháp thường nghĩ nhớ thuận làm, giữ gìn chánh pháp chẳng tiếc thân mạng, gieo trồng thiện căn.

Ngài La-thập nói:

– Tâm thuận vững chắc sâu xa, chẳng thể lay động, gọi là căn. Như có một người kia đến thăm ngài Xá-lợi-phất cầu xuất gia, ngài Xá-lợi-phất quán xét túc mạng của người này, biết rằng đã chẳng trồng thiện căn từ tám vạn đại kiếp trước, nên không chịu độ. Người này lần lượt đến năm trăm vị đệ tử Thanh văn cầu khẩn, nhưng tất cả đều chẳng nhận. Bấy giờ, người này đến bên cổng tinh xá Kỳ-hoàn khóc than sầu não, Đức Phật từ bên ngoài trở về thấy vậy bèn hỏi han . Người ấy thuật lại mọi việc. Đức Phật liền la trách ngài Xá-lợi-phất không cùng, và nói rằng: “Trí tuệ của ông chẳng sâu xa, chẳng thấy được căn cơ người này, mà vọng khinh khi ư?” Đức Phật liền độ người ấy, ngài khen rằng: “Thiện lai! Tỳ-kheo” thì râu tóc tự rụng, pháp y đắp nơi thân, trở thành Sa-môn. Sau đó Đức Phật thuyết pháp khai ngộ thì chứng quả A-lahán.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Đức Phật rằng: “Người này trồng thiện căn Nêhoàn khi nào?” Đức Phật đáp: “Vào thời quá khứ vô số kiếp lâu xa về trước có Đức Phật xuất thế hiệu là Nhân Khả, bấy giờ, có một người vào rừng đốn củi, gặp một con hổ từ trong rừng vọt ra muốn ăn thịt, người này bèn trèo lên cây cao, còn con hổ thì đang đứng chờ bên dưới. Người này vô cùng sợ hãi, đúng lúc ấy, Đức Phật Nhân Khả từ hư không bay qua, người này vừa thấy liền niệm “Nam-mô Phật”, thì tự tâm sinh tin thích, chán nhàm sinh tử, từ nơi tâm sâu xa phát nguyện rằng: “Nguyện xa lìa nỗi khổ này.” Do thiện căn này mà nay được giải thoát. Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất hướng về Phật sám hối lỗi lầm của mình, toàn thân gieo xuống đất vô cùng buồn khổ. Đức Phật nói: “Ví như trong đá có vàng, người ngu chẳng biết nên vứt đi chẳng giữ, người thợ kim hoàn thấy biết là có vàng, liền dùng dụng cụ mà lọc lấy. Cũng như thế trong đá chúng sinh vô minh có vàng trí tuệ, nay trí tuệ của ông không sâu xa cho nên chẳng độ, Như Lai thấy được căn cơ của họ nên dùng pháp thiền định trí tuệ mà lọc lấy.” Chánh văn: Không mỏi mệt nhàm chán.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Lấy từ bi làm gốc, phát tâm làm tâm, sau đó mới thuận bốn Nhiếp pháp mà giáo hóa chúng sinh, hộ trì chánh pháp, gieo trồng thiện căn, dùng các đức này để làm tươi tốt cành lá, cây đạo ngày càng sum suê, đó là chẳng tận hữu vi vậy. Ở sau nói các hạnh nguyện là thuộc về cành lá, ngày càng tươi tốt, ngày càng sum suê để thành tựu nghĩa chẳng tận. Nếu xả bỏ từ bi, cây đạo chẳng lập, các đức hao tổn, tự ẩn nơi Niết-bàn là tận hữu vi.

Chánh văn: Chí thường an trụ nơi phương tiện hồi hướng.

Ngài La-thập nói:

– Vạn pháp thiện đều vô thường tùy ý mà thành tựu, nên cần phải dùng phương tiện hồi hướng đến Phật đạo. Như vua Bình-sa bị nhốt trong ngục, từ một lổ trống nhỏ của ngục, vua xa thấy Đức Phật đang dạo qua lại trên núi, tâm sinh hoan hỷ vô cùng, ứng sinh về cõi Trời Đâu-suất. Lúc đó nghe Tỳ-sa-môn Thiên vương ăn mùi hương, vì đói mà chết nên khi ấy tâm rất ưa thích, nguyện rằng: “Ta nay nên sinh về cõi có món ăn kia”, tức thời liền hóa sinh nơi đầu gối của Tỳ-sa-môn.

Việc nhỏ đã hồi hướng, thì việc lớn cũng thế.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phương tiện hồi hướng là hạnh cốt yếu để tăng tiến pháp thiện, cho nên thường an trụ nơi đó.

Chánh văn: Cầu pháp không biếng trễ.

Ngài La-thập nói:

– Cầu pháp không siêng năng thì quả báo chưa ứng đáp, nên tâm sinh tà kiến, cho rằng không có chỗ chứng đắc. Vì thế người tu hành nên siêng năng cầu pháp.

Chánh văn: Thuyết pháp không tiếc.

Bản tiếng Phạm ghi: “Vô sư quyện.”

Ngài La-thập ghi: Các sư ngoại đạo thuyết pháp cho các đệ tử nghe, nhưng những điều cốt yếu của pháp thì giữ lại mà không ban cho. Còn Bồ-tát thì dốc hết điều mình biết để truyền dạy, nên gọi là vô sư quyện.

Chánh văn: Siêng năng cúng dường chư Phật, vào sinh tử mà không sợ hãi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng phải do kết nghiệp mà sinh, thì đâu có gì phải sợ?

Chánh văn: Đối với các vinh nhục, tâm không vui buồn, chẳng khinh người chưa học, kính người mới học như Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chưa học thì sẽ học, nên chẳng khinh; đã học thì sẽ thành, nên kính như Đức Phật.

Chánh văn: Người bị phiền não, thì làm cho phát sinh chánh niệm.

Ngài La-thập nói:

– Nghĩ đến tà thì phiền não sinh, nghĩ đến chánh thì phiền não diệt, cho nên giáo hóa làm tâm nhớ nghĩ đến Chánh đạo.

Chánh văn: Đối với niềm vui xa lìa thì chẳng cho là quý.

Ngài La-thập nói:

– Xuất gia lìa dục và thiền định trí tuệ xa lìa vọng tưởng đều gọi là niềm vui xa lìa. Nhờ vào đó để cầu đạo, chứ chẳng phải là việc đáng tôn quý nhất.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đạo độc thiện đâu đủ để quý trọng.

Chánh văn: Chẳng đắm trước niềm vui của mình, vui với niềm vui của người.

Bản khác ghi: Chẳng đắm trước niềm vui mình, vui với niềm vui của người.

Ngài La-thập nói:

– Phàm phu thấy người khác vui vẻ thì sinh đố kỵ, thấy người khổ đau thì tâm an lạc, mình vui thì đắm trước, mình khổ thì tâm dao động. Bồ-tát không như thế, thấy người vui, chẳng đố kỵ mà sinh tâm tùy hỷ, thấy người khổ thì tâm động muốn làm cho được giải thoát; chẳng đắm trước niềm vui của mình, an lạc với sự đau khổ của mình.

Chánh văn: Tại Thiền định tưởng như địa ngục.

Ngài La-thập nói:

– Thiền định có ba:

  1. Đại thừa.
  2. Tiểu thừa.
  3. Phàm phu.

Thiền định của phàm phu thì sinh tâm cống cao ngã mạn; Thiền định của Tiểu thừa thì độc thiện, mong cầu chứng ngộ, hay thiêu hủy các pháp thiện, hủy hoại đạo căn vô thượng, đối với Bồ-tát thì đó là đường ác, nên xem như địa ngục.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thiền định tuy vui thích, nhưng an trụ nơi đó thì đạo lớn chẳng thành. Bồ-tát chẳng vui thích, nên tưởng như địa ngục.

Chánh văn: Ở trong sinh tử tưởng như vườn nhà.

Ngài La-thập nói:

– Ý luôn luôn muốn tế độ mình và người, nên thích dạo chơi nơi đó mà không sợ hãi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sinh tử tuy có khổ, nhưng là nhân của đạo lớn, Bồ-tát thích dạo chơi, nên tưởng như vườn nhà.

Chánh văn: Thấy người đến cầu xin thì tưởng như thầy giỏi.

Ngài La-thập nói:

– Vốn không có tâm bố thí, nhưng do người đến cầu xin phát khởi tâm bố thí của ta, thì đó là thầy của ta, nên khởi tưởng như thầy. Như vua Nguyệt Thị, một hôm tuần du quán xét, có vài ngàn người hành khất đứng bên đường đưa tay cầu xin những vật cần dùng. Vua hỏi đại thần rằng: “Những người ấy là ai? Họ trình bày điều gì?” Đại thần đáp: “Đó là những người ăn xin.” Vua là người có trí tuệ, căn cơ lanh lợi, đã hiểu được ý kia, liền nói với đại thần rằng: “Họ đều là thầy của ta, chứ chẳng phải người ăn xin đâu, ông chẳng hiểu được lời ấy vậy. Những điều mà họ cần là thuyết pháp cho ta, chứ chẳng phải xin ta.” Họ nói rằng: “Chúng tôi vào kiếp trước cũng đã làm quốc vương, do chẳng tu hạnh bố thí, nên nay thọ quả báo này, nếu vua nay chẳng bố thí, mai sau cũng sẽ như thế. Vì thế, nên biết đó là thầy của ta.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Người ăn xin tuy muốn tự lợi ích cho họ, nhưng thật ra là lợi ích cho ta, nên tưởng như thầy giỏi.

Chánh văn: Xả bỏ tất cả vật sở hữu mà tưởng đầy đủ Nhất thiết trí.

Ngài La-thập nói:

– Xả bỏ những vật sở hữu; tức là thân mạng, quốc thành, vợ con đều xả bỏ, ban phát cho chúng sinh. Khi ban phát nên biết rõ sự bố thí này ắt luôn sinh đầy đủ Nhất thiết trí, thấy rõ nhân quả, bố thí mà không hối tiếc.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm ban cho, còn có sự mong cầu kỳ diệu; lại xét rõ nhân quả chẳng hư dối.

Chánh văn: Thấy người phá giới, khởi tâm cứu hộ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Giới là để hộ vệ cho người, phá giới thì không có sự hộ vệ. Bồtát tự mình đã có giới hộ vệ, nên muốn hộ vệ cho người không có sự bảo vệ.

Chánh văn: Các Ba-la-mật, tưởng là cha mẹ.

Ngài La-thập nói:

– Tức lấy nghĩa Ba-la-mật thường sinh ra pháp thân. Cũng nói rằng con có việc cần thì thưa cha mẹ, Bồ-tát có việc cần thì cầu nơi sáu Độ, đây là lấy nghĩa làm lợi ích mà dụ như cha mẹ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bốn Độ còn lại, thực hành càng vào sâu, thì Pháp thân từ đó mà sinh ra, nên tưởng là cha mẹ.

Chánh văn: Pháp đạo phẩm tưởng là quyến thuộc.

Ngài La-thập nói:

– Trợ giúp thành tựu Thánh đạo, khiến đạo thêm tôn quý thù thắng.

Giống như người có quyến thuộc thì càng thêm tôn quý.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trợ giúp thành tựu cho ta đó là ba mươi bảy Đạo phẩm, giống như người có quyến thuộc giúp đỡ, thành đạt sự nghiệp.

Chánh văn: Phát hành căn lành không có giới hạn.

Ngài La-thập nói:

– Trên nói đầu tiên trồng căn lành, bây giờ nói tu tập thăng tiến, tu tập tăng tiến gọi là hành. Vạn thiện được thực hành không có giới hạn.

Cũng nói rằng chẳng lấy kiếp số làm giới hạn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên nói trồng căn lành, ở đây nói không giới hạn, tức chuyển tăng rộng lớn dần.

Chánh văn: Dùng các việc trang nghiêm ở Tịnh độ để thành tựu cõi Phật của mình.

Ngài La-thập nói:

– Giữ lấy tướng tịnh kia, sau đó tu hành tương xứng với tướng ấy, nên cõi tịnh không khác với tướng tịnh kia. Đó gọi là lấy của người mà thành tựu cho ta.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì cõi trang nghiêm tốt đẹp là tịnh độ, thì chẳng thể đạt cùng tận sự đẹp đẽ của Tịnh độ.

Chánh văn: Thực hành bố thí vô hạn lượng, đầy đủ tướng quý và vẻ đẹp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mở rộng bốn cửa, để tự do những ai cầu thì đến lấy, đó là pháp đại bố thí không ngăn ngại. Pháp bố thí này là nhân cảm tướng quý và vẻ đẹp.

Bản khác ghi: Thực hành bố thí vô ngại .

Ngài La-thập nói:

– Hoặc tâm bố thí thì đầy đủ mà tài vật thì thiếu, hoặc tài vật đủ mà tâm bố thí hạn hẹp, hai việc chẳng đủ thì chẳng thể đáp ứng với người mong cầu vô cùng. Nay hai việc đã đủ, nên có thể thực hành bố thí không giới hạn, thỏa mãn tất cả những mong cầu của chúng sinh.

Chánh văn: Trừ tất cả ác, thanh tịnh thân, khẩu, ý.

Ngài La-thập nói:

– Thân, khẩu, ý thanh tịnh nên các ác đều tiêu trừ. Nhân đã thanh tịnh thì quả tốt đẹp, do đó đầy đủ các tướng quý và vẻ đẹp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đây là nói ngay lúc hành bố thí, các ác đã trừ, ba nghiệp đều thanh tịnh, nên dẫn đến quả báo thanh tịnh sáng tỏ.

Chánh văn: Trải qua sinh tử vô số kiếp, mà ý vẫn dũng mãnh.

Ngài La-thập nói:

– Dũng tức nói có lực. Trên nói ý thanh tịnh, ở đây nói ý có lực, thanh tịnh mà có lực nên quả đại nguyện thành tựu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sinh tử dài lâu, độc khổ vô lượng, nếu chẳng có trí dũng, thì ai có thể ở được nơi ấy?

Chánh văn: Nghe vô lượng công đức của Phật mà chí chẳng mỏi mệt.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng nên cho rằng công đức của Phật khó sánh, mà mỏi mệt, chẳng tu tập theo.

Chánh văn: Dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Giặc phiền não ẩn kín và kiên cố khó phá trừ, nếu chẳng có kiếm tuệ, thì không biết lấy gì mà đoạn dứt.

Chánh văn: Ra khỏi ấm, giới, nhập.

Ngài La-thập nói:

– Phiền não đã trừ thì tùy pháp hóa sinh, thân pháp hóa siêu xuất ấm, giới nhập.

Chánh văn: Gánh vác chúng sinh.

Ngài La-thập nói:

– Ắt đến chổ rốt ráo, chẳng bỏ dở nửa đường.

Chánh văn: Vĩnh viễn khiến được giải thoát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp thân vượt ngoài ba cõi, chẳng thuộc ấm, giới, nhập, nên nói là ra khỏi. Nếu thọ thân, ấm, giới nhập thì ở trong tình trần bị trói buộc kềm tỏa, đâu thể tế độ cho người?

Chánh văn: Dùng đại tinh tấn phá dẹp ma quân.

Ngài La-thập nói:

– Ma tức Thiên ma.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ma binh rất mạnh mẽ, nếu lười biếng thì chẳng thể chế phục.

Chánh văn: Thường cầu trí tuệ thật tướng vô niệm.

Ngài La-thập nói:

– Không chấp tướng mà niệm. Hàng phàm phu thực hành trí tuệ hữu niệm, thì tâm cống cao ngã mạn càng tăng, vì thế Bồ-tát cầu trí vô niệm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chân trí vô duyên, nên lấy vô niệm làm tên, tục trí có duyên nên tướng niệm liền sinh.

Chánh văn: Thực hành thiểu dục tri túc mà xả bỏ pháp thế gian.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng vì vô dục mà xả bỏ pháp thế gian, tự làm biệt dị.

Chánh văn: Chẳng phá oai nghi.

Ngài La-thập nói:

– Hòa mà chẳng đồng.

Chánh văn: Mà thường tùy thuận thế tục.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đồng như thế tục hành động mà chẳng mất oai nghi của đạo, thiên hạ đều cho ta đồng như người mà chỉ mình ta khác người.

Chánh văn: Khởi Thần thông tuệ dẫn dắt chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Như những người thấy thân tướng chẳng xứng với đạo pháp, nếu không có thần thông biến hóa thì không biết lấy gì để dẫn dắt họ.

Chánh văn: Được niệm.

Ngài La-thập nói:

– Tức chánh niệm.

Chánh văn: Tổng trì.

Ngài La-thập nói:

– Lấy niệm giữ niệm, còn trì hay giữ gìn các pháp; nên đã nói niệm lại còn trì. Cũng có thể nói các niệm tăng trưởng, thì thành nghĩa của trì.

Chánh văn: Những điều đã nghe thì không quên sót.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là do hai pháp trì vừa nêu.

Chánh văn: Khéo phân biệt các căn, đoạn dứt nghi hoặc cho chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là tuệ.

Chánh văn: Dùng nhạo thuyết biện để nói pháp vô ngại.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhạo thuyết biện là một trong bốn vô ngại biện. Trên nói về niệm định trì biện, ở đây nói về niệm trì tuệ biện. Định tuệ sử dụng thay nhau hiển hiện ở bốn môn.

Chánh văn: Thanh tịnh mười nghiệp thiện, hưởng phước trời người.

Ngài La-thập nói:

– Vì chẳng kham lãnh thọ pháp, cho nên thuyết pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng vì phước báo mà tu thiện gọi là thanh tịnh các nghiệp thiện. Nhưng vì chúng sinh mà thọ nhận quả báo trời người ở cõi dục.

Chánh văn: Tu bốn Vô lượng, mở đường đến Phạm thiên.

Bản khác ghi: Tu bốn Vô lượng khiến sinh Phạm thiên.

Ngài La-thập nói:

– Muốn khiến làm Phạm thiên xin chuyển pháp luân, ở ngôi vị tôn quý mà dẫn dắt chúng sinh. Đó cũng là Bồ-tát tự hành, tự sinh về Phạm thiên.

Chánh văn: Khuyến thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ khen ngợi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tu Bốn đẳng tức mở đường vào Phạm thiên. Hiện làm Phạm vương thỉnh Phật thuyết pháp, tùy hỷ khen ngợi để hoằng dương chánh pháp, như các Thi-khí Phạm vương.

Chánh văn: Được âm thanh Phật.

Ngài La-thập nói:

– Là quả báo của lời khen ngợi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Kinh nói có tám loại âm thanh, hoặc mười sáu loại âm thanh. Kinh Mật Tích nói âm thanh Phật chẳng thể nghĩ bàn, thường tùy thuận theo chúng sinh mà phát ra vô lượng chủng loại.

Chánh văn: Thân khẩu ý đều thiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đó là ba pháp bất hộ của Như Lai.

Chánh văn: Được oai nghi Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm những cử động, như một âm thanh Như Lai, và ba bất hộ oai nghi của Phật, tất cả đều là Phật sự, Bồ-tát tuy chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng cũng sắp được nhập cảnh ấy, nên nói là được.

Chánh văn: Tu tập sâu dày các pháp thiện, công phu ngày càng tiến xa hơn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tuy chẳng tu pháp thiện, nhưng quý ở chỗ ngày càng tiến sâu.

Chánh văn: Dùng pháp Đại thừa giáo hóa để thành tựu Bồ-tát tăng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tăng đồ tuy đông, nhưng chỉ quý trọng Đại thừa Bồ-tát.

Chánh văn: Tâm không buông lung, chẳng mất các gốc lành.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Buông lung là cửa của các điều ác, là gốc mất đạo. Tâm không buông lung thì các điều thiện đều tụ tập, pháp thiện được vô lượng, nên nói lược là gốc.

Chánh văn: Tu hành các pháp như thế, tức là Bồ-tát chẳng tận hữu vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tu tập các pháp như trên là tự hành và hóa tha, công đức ngày càng tăng trưởng, chẳng diệt hết hữu vi. Phàm pháp hữu vi thiện biến đổi chúng sinh, nếu phế bỏ chẳng tu thì ngày càng hao tổn, ngày càng diệt hết.

Chánh văn: Thế nào là Bồ-tát chẳng trụ vô vi? Đó là tu học môn không mà chẳng chứng không.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ đây trở xuống đều nói về hạnh quán vô vi. Quán vô vi ắt thấy được niềm vui vắng lặng mà chẳng chứng Niết-bàn, vĩnh viễn ở nơi sinh tử, gọi là chẳng trụ vô vi. Không, vô tướng, vô tác ba thừa đều tu, nhưng pháp quán khác nhau. Nhị thừa quán không chỉ đạt vô ngã. Đại thừa quán không thì không pháp nào chẳng đạt nên không và pháp đều không, không và pháp đã không, nên chẳng chứng không.

Chánh văn: Tu học vô tướng, vô tác mà chẳng chứng vô tướng, vô tác.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vô tướng của Nhị thừa chỉ tại nơi Diệt đế, còn vô tướng của Đại thừa thì tại tất cả pháp. Vô tác của Nhị thừa chẳng tạo sinh tử, vô tác của Đại thừa chẳng tạo cả vạn pháp.

Chánh văn: Tu tập vô khởi mà chẳng chứng vô khởi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các pháp do duyên hợp mà có, duyên tan thì không, đâu có pháp nào có trước rồi đợi duyên để khởi? Đây là môn khác của không quán.

Chánh văn: Quán vô thường mà chẳng nhàm chán là gốc thiện.

Ngài La-thập nói:

– Vô thường thì các pháp đều diệt; diệt mà chẳng đoạn nên chẳng nhàm chán tu thiện. Cũng quán vô thường là đạo Niết-bàn, đạo Niếtbàn thì trái với gốc thiện. Nay chẳng trụ vô vi, nên chẳng nhàm chán hữu vi.

Chánh văn: Quán thế gian là khổ mà chẳng ghét sinh tử; quán vô ngã mà chỉ dạy cho người không mỏi mệt.

Ngài La-thập nói:

– Vô ngã thì chúng sinh không, không mà chẳng phải là vô, nên chỉ dạy cho chúng sinh mà không mỏi mệt.

Chánh văn: Quán tịch diệt mà vĩnh viễn chẳng tịch diệt.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhị thừa cho vô thường là vô thường, nên không thích pháp thiện hữu vi; cho khổ là khổ, nên chán ghét sinh tử khổ; cho vô ngã là vô ngã, nên biếng dạy cho người; cho tịch diệt là tịch diệt nên muốn vĩnh viễn tịch diệt. Bồ-tát chẳng cho vô thường là vô thường nên chẳng nhàm chán gốc thiện, chẳng cho khổ là khổ nên chẳng ghét sinh tử, chẳng cho vô ngã là vô ngã nên siêng năng dạy người không mỏi mệt. Chẳng cho tịch diệt là tịch diệt, nên chẳng vĩnh viễn tịch diệt.

Chánh văn: Quán xa lìa mà thân tâm tu thiện.

Ngài La-thập nói:

– Xa lìa có ba:

  1. Xa lìa năm dục thế gian.
  2. Xa lìa phiền não.
  3. Tánh các pháp đều là không, xa lìa.

Nay quán tánh không, xa lìa mà chẳng nhàm chán pháp thiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Xa lìa là tên khác của vô vi. Tuy đạt được niềm an lạc của vô vi xa lìa mà chẳng bỏ pháp thiện hữu vi.

Chánh văn: Quán không nơi về mà trở về với các pháp thiện.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các pháp, khởi đầu chẳng có chỗ đến, chung cuộc chẳng có nơi về, mà luôn trở về pháp thiện.

Chánh văn: Quán vô sinh mà dùng pháp có sinh để gánh vác chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tuy thấy vô sinh, mà ở nơi sinh để gánh vác chúng sinh.

Chánh văn: Quán vô lậu mà chẳng đoạn các lậu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm các pháp vô lậu đồng với vô vi, Thể của nó tự vô tướng, đều là hạnh vô vi. Tuy thấy vô lậu mà đồng hữu lậu với chúng sinh.

Đồng hữu lậu có hai loại:

  1. Có người vào sinh tử, mà thật chưa đoạn các lậu.
  2. Người đã tận trừ các lậu, mà hiện chẳng đoạn.

Chánh văn: Quán không có tu hành, mà dùng hành pháp giáo hóa chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Pháp tánh vốn không có nghiệp, đâu có gì để tu hành? Tuy biết không có tu hành mà ắt dùng các hành để giáo hóa người.

Chánh văn: Quán không mà chẳng bỏ đại Bi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tướng các pháp chỉ là không, chỉ là vô, nhưng chẳng vì không ấy mà xả đại Bi.

Chánh văn: Quán chánh pháp vị.

Ngài La-thập nói:

– Tức quán không sinh diệt, thủ chứng các pháp.

Chánh văn: Mà chẳng rơi vào Tiểu thừa.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chánh pháp vị tức giai vị quán vô vi mà thủ chứng.

Chánh văn: Quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không người, không chủ, không tướng, nhưng vì bản nguyện chưa đầy đủ thì không dối bỏ phước đức, thiền định, trí tuệ.

Ngài Tăng Triệu nói:

-Các pháp do nhân duyên mà thành, hư giả chẳng có gốc, thì lấy gì là thật, lấy gì là chủ? Tuy biết như thế, nhưng bản nguyện chưa đầy đủ, thì chẳng vì công đức định tuệ hư giả mà phế bỏ chẳng tu tập.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Chẳng trụ vô vi là lý cùng tột, dùng bản hoài vào sinh tử để đầy đủ các nguyện rốt ráo, cho nên được nêu sau cùng.

Chánh văn: Tu tập những pháp như thế tức là Bồ-tát chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tu tập đầy đủ các pháp môn ở trên, thì chẳng chứng vô vi. Chứng tức là quán vô vi tự chứng, đạo thành; tự chứng đạo thành tức là trụ vô vi.

Chánh văn: Lại vì đầy đủ phước đức nên chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên là nói thẳng vào ý Bồ-tát chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi, chưa giải thích vì sao chẳng trụ, vì sao chẳng tận. Phàm mỗi mỗi hạnh của bậc Đại sĩ đều có nguyên do, có sự kỳ diệu, cho nên cần phải đối luận rõ. Phàm tích tập các đức ắt phải vào các hữu, nếu trụ vô vi, thì chẳng đủ các công đức.

Chánh văn: Vì đầy đủ trí tuệ nên chẳng tận hữu vi.

Ngài La-thập nói:

– Trong một môn nói ở trên hiện bày một nghĩa, ở đây nói một môn có đủ hai nghĩa. Nếu chẳng trụ vô thì chẳng tận hữu, chẳng tận hữu thì chẳng trụ vô.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trí sáng tỏ ắt phải do sự rộng lớn, nếu phế bỏ hữu vi, thì chẳng đầy đủ trí tuệ.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Giải thích chung hai nghĩa ở trước. Sở dĩ muốn trụ vô vi là do tham trước niềm vui, như phước đầy đủ, thì liền tự có thường lạc, cần gì phải tham trước? Sở dĩ muốn tận hữu vi là vì ghét sự đau khổ, nếu trí tuệ đầy đủ thì tự chẳng khổ, có gì phải ghét?

Chánh văn: Vì đại Từ bi nên chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Từ bi thì vào sinh tử, há có thể trụ vô vi mà làm được ư?

Chánh văn: Đầy đủ bản nguyện nên chẳng tận hữu vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nguyện thành tựu là do tích đức, há có thể xả hữu vi mà làm được ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Giải thích riêng một nghĩa ở trên, lấy từ bi làm bản hoài, thì chẳng tham đắm niềm vui của mình. Muốn đầy đủ bản nguyện thì chẳng nên chấp vào khổ của mình. Đây là lấy công đức ở câu trước và trí tuệ ở câu sau, lược nêu hai đầu để luận thuyết được đầy đủ.

Chánh văn: Vì gom tập pháp dược nên chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn hái thuốc quý ắt phải vào núi hiểm hang sâu, chứ chẳng thể có nơi phòng nhà đẹp đẽ, muốn gom tập pháp dược ắt phải ở nơi các hữu nguy hiểm, chứ chẳng thể có được từ pháp vô vi.

Chánh văn: Tùy bệnh cho thuốc nên chẳng tận hữu vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phế bỏ hữu vi thì cách biệt với quần sinh, làm sao có thể tùy bệnh cho thuốc?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Giải thích chung hai nghĩa ở trên. Thế thì trở lại vào sinh tử, ắt có thể cứu độ chúng sinh, cho nên mới có bốn câu sau. Gom tập pháp dược, khiến đầy đủ lý các pháp, là ý nghĩa của công đức. Tùy bệnh cho thuốc, tức là biết được chủ, tùy bệnh mà trao thuốc tức là nghĩa trí tuệ.

Chánh văn: Vì biết bệnh của chúng sinh nên chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Biết rõ các bệnh của chúng sinh, ắt biết chỗ tận dứt các bệnh, vậy há đó là khả năng của vô vi ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Biết được tướng bệnh tức là nghĩa công đức.

Chánh văn: Vì diệt các bệnh nên chẳng tận hữu vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Diệt bệnh của chúng sinh ắt phải vào hữu mà trị, há là năng lực của tận hữu vi ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Thấu đạt được chỗ thích ứng của bệnh là nghĩa trí tuệ.

Chánh văn: Các Chánh sĩ Bồ-tát tu tập các pháp này thì chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hai pháp tuy khác mà hành ắt tương đồng. Cho nên đối luận để hiển bày. Nói về hạnh mỗi mỗi đều có nguyên do, nên khởi dụng chẳng đồng.

Chánh văn: Đó gọi là pháp môn Tận vô tận vô ngại, các ông nên tu tập.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì chẳng tận hữu vi, nên không ngại về đức thiếu sót; vì chẳng trụ vô vi, nên không ngại về độc thiện. Đó là hai môn vô ngại. Đây là con đường quan yếu để hoằng đạo của Bồ-tát, là nguyên nhân khởi Phật sự vô cùng. Khuyên tu học, lại chỉ bày đạo Phật sự chẳng thể nghĩ bàn, là khiến cho thẩm xét biết chư Phật không chỉ có bấy nhiêu.

Chánh văn: Bấy giờ, các Bồ-tát của Chúng hương nghe thuyết pháp này xong, tâm vô cùng hoan hỷ, dùng các loại hoa đẹp, đủ các màu sắc, tỏa các mùi thơm, rải khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Đức Phật, kinh này và các vị Bồ-tát, kế đó cúi đầu lễ chân Phật, khen ngợi là việc chưa từng có, nói rằng: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni mới có thể ở cõi này mà khéo léo thực hành các phương tiện.” Nói vừa xong bỗng biến mất ở đây mà trở về nước Chúng hương.