KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 11: BA TIỂU KIẾP

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba tiểu kiếp. Ba tiểu kiếp ấy là gì? Một là kiếp đao kiếm, hai là kiếp lúa gạo quý hiếm, ba là kiếp tật bệnh. Đó là ba tiểu kiếp.

Thế nào là kiếp đao kiếm?

Khi ấy con người phần nhiều sống phi pháp, ngu si, tà kiến, làm mười điều ác. Vì người làm những việc ác như vậy, nên các thức ăn ngon như váng sữa, dầu mè, mật, đường cát, các thứ đó đều tiêu mất; các thứ y phục, gấm vóc, vải lông tốt đều mất hết. Đất ở cõi ấy tự nhiên phát sanh núi rừng, khe suối, hang hố, bờ vực. Các loại ngọc như lưu ly, pha lê… các thứ báu đều chìm trong đất, chỉ có bờ gai. Trong thời kiếp đao kiếm, dân chúng chẳng hiếu thuận với cha mẹ, chẳng nghe theo và phụng sự Sa-môn, Đạo nhân, chẳng kính bậc Tôn trưởng. Tiếng xấu ác ấy lan truyền khắp nơi.

Phật dạy:

–Thí như người đời nay, hiếu kính với cha mẹ, tôn kính, phụng sự Sa-môn, Đạo nhân, nghe theo lời của các bậc Trưởng lão. Tiếng tốt ấy đồn khắp nơi. Cũng như vậy, trong thời kỳ kiếp đao kiếm, dân chúng chẳng hiếu thuận với cha mẹ, chẳng nghe lời và phụng sự Sa-môn, Đạo nhân, chẳng kính bậc Trưởng lão, tiếng ác lan truyền khắp nơi. Trong thời kỳ kiếp đao kiếm hoàn toàn không có điều thiện, huống là có người làm việc thiện. Trong thời kỳ kiếp đao kiếm, người ở cõi này, không có hiện tượng mua bán đổi chác, các cây lớn đều ngã xuống đất, chỉ có hầm hố dơ bẩn, cao thấp chẳng bằng phẳng; nơi có nước thì sóng dậy mênh mông làm sụp lở bờ; nước sông cạn đến đáy; dân chúng thưa thớt, chỉ có sợ sệt, lông toàn thân dựng ngược. Trong thời kỳ kiếp đao kiếm, dân chúng gặp nhau thì chỉ muốn cướp bóc, giết hại nhau. Thí như loài chó sói ở chốn đầm hoang thấy bầy nai thì muốn giết hại, trong thời kỳ kiếp đao kiếm, dân chúng gặp nhau chỉ muốn cướp bóc, giết hại nhau, cũng như vậy. Tay nắm lấy cỏ cây, ngói đá thì đều hóa thành đao kiếm, giết hại lẫn nhau. Thời ấy, con người chỉ thọ mười tuổi. Trong đó, có người thông minh, trí tuệ, chạy trốn vào núi rừng, khe suối, hang hố, bờ sông sâu và nghĩ: “Không ai có thể giết ta được, ta cũng chẳng giết ai”, bèn ở đó ăn trái, dưa, rễ cây. Trong thời kỳ kiếp đao kiếm, con người giết hại nhau bảy ngày mới nghỉ. Người chết đều đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì trong thời kỳ kiếp đao kiếm đó, mọi người đều ôm ý tưởng, hành động độc ác, khi chết chỉ nghĩ ác. Thời kỳ kiếp đao kiếm là như vậy.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thế nào là thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm?

Trong thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm, con người phần nhiều sống phi pháp, ngu si, tà kiến, ganh ghét, tham lam keo kiệt, giữ của chẳng chịu bố thí. Vì vậy, trời mưa chẳng đúng thời tiết. Vì trời mưa chẳng đúng thời tiết, nên dân chúng cày cấy, gieo trồng nhưng lúa khô chết không mọc, chỉ còn thân cây khô, vì vậy lúa thóc quý hiếm. Người lượm lúa rơi trong ruộng để tự nuôi sống. Thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm là như vậy.

Lại nữa, người ta phải đi quét đường sá, chợ búa, xóm làng để được chia thóc, để tự nuôi sống. Lại nữa, trong thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm, lá cây rụng trên đất, người ta cào đất lượm lá cây, nấu ăn. Trong thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm, dân chúng bị tai nạn khốn khổ như thế. Trong thời kỳ này, người bị đói khát chết nhiều năm, hài cốt tan rã trên đất. Người đói khát đi lượm hài cốt nơi chợ búa, xóm làng, đường phố để nấu ăn. Dân chúng đói khát mới như vậy. Thời kỳ kiếp lúa gạo quý hiếm, người chết bị đọa vào trong loài ngạ quỷ. Vì sao vậy? Vì thời kỳ ấy, dân chúng ganh ghét nhau và tham lam bỏn sẻn. Đó là kiếp lúa gạo quý hiếm.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thế là thời kỳ kiếp tật bệnh?

Trong thời kỳ kiếp tật bệnh, con người phụng hành kinh, giới, theo chánh kiến, lìa tà kiến, làm mười điều thiện. Vì vậy, bấy giờ các quỷ thần ở thế giới phương khác, đến quấy nhiễu các người này, đánh ngã họ, nhiễu loạn tâm ý họ. Nơi này quỷ thần dâm loạn, vì vậy quỷ thần ở phương khác đến quấy nhiễu mọi người, đánh ngã làm rối loạn tâm ý. Thí như nhà vua, hoặc đại thần, ra lệnh binh lính giữ gìn cửa thành. Các binh lính này dâm loạn, nếu cường tặc của nước khác đến đánh úp thì cướp lấy đất nước, huyện ấp cũng như vậy. Thời kỳ kiếp tật bệnh, dân chúng phụng hành kinh giới, theo chánh kiến, lìa tà kiến, làm theo mười điều lành, quỷ thần ở phương khác đến xúc nhiễu người, đánh ngã, làm nhiễu loạn tâm ý. Ở thời kỳ kiếp tật bệnh, người chết đều được sanh lên trời. Vì sao vậy? Vì thời kỳ kiếp tật bệnh, dân chúng đều lần lượt hỏi thăm sức khỏe của nhau: “Thế nào, được an ổn chăng? Chẳng hề gì chứ?” Đó là thời kỳ kiếp tật bệnh.

Đó là ba tiểu kiếp.