PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA BỒ-TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP KINH
Hán dịch: Tam tạng Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: THIỀN ĐỊNH BA-LA-MẬT-ĐA

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát tu hành hạnh tinh tấn hướng đến thiền định Bồ-tát Ba-la-mật-đa? Đại Bồ-tát trước hết là xa lìa lỗi lầm nhiễm dục các pháp bất thiện, đối với tầm từ phát sinh hỷ lạc. Đây gọi là nhập giải Sơ thiền định hạnh.

Này Xá-lợi Tử! Kế đến là Đại Bồ-tát xa lìa tầm từ, tức là đối với một cảnh tánh bên trong phát sinh tâm trong sạch thanh tịnh, đối với Đẳng trì phát sinh hỷ lạc. Đây gọi là nhập giải Nhị thiền định hạnh.

Này Xá-lợi Tử! Kế đến nữa là Đại Bồ-tát xa lìa tham ái, hành niệm chánh tri, chỉ thọ diệu lạc, thân luôn chánh tri. Như Thánh nhân quán sát xả niệm ly hỷ diệu lạc hạnh. Đây gọi là nhập giải Tam thiền định hạnh.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát trước hết là đoạn trừ khổ, vui, thích thú, phiền não, không khổ, không vui, xả niệm thanh tịnh. Đây gọi là nhập giải Tứ thiền định hạnh. Đại Bồ-tát như thật được viên mãn thanh tịnh thuần nhất không xen tạp, tâm chánh đẳng dẫn không còn các chi phần khác và tùy phiền não, không lìa Đẳng trì, nhưng có khả năng thực hành sự nghiệp thiền định ấy, lại còn viên mãn năm thần thông và trí nghiệp ấy. Năm thần thông là gì? Một là Thiên nhãn; hai là Thiên nhĩ; ba là Tha tâm; bốn là Túc trụ; năm là Thần cảnh. Đó là năm thần thông.

Lại nữa, sao gọi là Bồ-tát đối với Thiên nhãn… Thần cảnh có khả năng viên mãn chánh hạnh thần thông trí nghiệp tối thượng?

Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát này an trụ như thật tâm chánh đẳng dẫn, viên mãn thanh tịnh thuần nhất không xen tạp và tùy phiền não, tâm không ham muốn các hữu tình mà lại có khả năng khởi thần cảnh đẳng thông. Đây gọi là thần thông trí nghiệp. Lại được Thiên nhãn thanh tịnh hơn cả mắt người thường, có khả năng quán sát các hữu tình. Như vừa mới sinh ra liền chết, các tướng tốt, xấu, đường ác, đường thiện, thù thắng vi diệu, hạ liệt thấp kém, cho đến biết được nghiệp hạnh sai khác của các hữu tình, trong thân, miệng, ý đầy đủ các ác hạnh, khởi lên tà kiến phỉ báng Thánh hiền, tích tập nghiệp nhân tà kiến, đến khi mạng chung đọa vào đường ác Na-lạc-ca. Lại còn có thể biết được thân, miệng, ý của hữu tình đầy đủ thiện hạnh, khởi lên chánh kiến, tán thán Thánh hiền, tích tập nghiệp nhân chánh kiến, đến khi mạng chung sinh vào đường thiện, hoặc sinh lên cõi trời.

Này Xá-lợi Tử! Do Thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường nên có thể biết rõ hữu tình tích tập nghiệp ác.

Này Xá-lợi Tử! Đây là Thiên nhãn thanh tịnh của Đại Bồ-tát tối thắng hơn các hữu tình, biết rõ sắc tướng không bị chướng ngại. Không những thế còn hơn cả các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Hữu học, Vô học, đại A-la-hán và Bích-chi-phật, thật là tối thượng tối thắng biết rõ tất cả không có ai hơn. Lại Thiên nhãn này đối với tất cả đạo xuất ly, xuất ly tối thắng, các Bồ-tát có thiên nhãn này đối với vô lượng hữu tình trong mười phương thế giới, hoặc thô, hoặc tế, hoặc hơn, hoặc kém, hoặc xa, hoặc gần, đều biết rõ các tướng có sắc không có đối ngại.

Lại nữa, Thiên nhãn này thấy sắc rốt ráo, trừ vô sắc giới. Vô lượng hữu tình trong mười phương thế giới, hoặc sinh, hoặc diệt và nghiệp nhân tất cả căn nhân ấy, hoặc tăng, hoặc giảm, hoặc thắng, hoặc liệt, đều biết rõ, công đức trang nghiêm các cõi Phật trong mười phương thế giới tất cả đều thấy; giới uẩn thanh tịnh, an trụ thành tựu quả báo thù thắng vi diệu cũng đều biết rõ.

Lại nữa, Thiên nhãn này vượt hơn người thường, chư Phật Thế Tôn và chúng Bồ-tát tất cả đều thấy. Cho đến Chánh sĩ, Chánh niệm, Chánh tri, thông đạt cảnh giới oai nghi, đạo hạnh và pháp giải thoát được môn Tổng trì, an trụ trí tuệ phương tiện khéo léo, có khả năng hiểu rõ viên mãn tất cả. Mắt ấy vô ngại, không thấy các sắc. Mắt ấy không đắm trước, không nhiễm các sắc. Mắt ấy giải thoát xa lìa các kiến. Mắt ấy thanh tịnh tự thể xán lạn. Mắt không nương tựa, lìa các cảnh giới. Mắt không chấp thủ, lìa các phiền não. Mắt không ngăn che, lìa các nghi hoặc. Mắt không khởi niệm, lìa pháp đối ngại. Mắt được ánh sáng chiếu soi các pháp. Mắt theo trí tuẹ lìa cảnh giới thức. Mắt không dính mắc, lìa những gì khó điều phục và ngu si tối tăm tất cả phiền não. Mắt ấy có thể lựa chọn, biết các căn huyễn hóa. Lại mắt ấy không có gì hơn được, luôn luôn nhìn hữu tình với con mắt bình đẳng. Mắt ấy thanh tịnh, lìa sự suy nghĩ tạp nhiễm. Mắt ấy không nhơ, thể tánh trong sáng. Mắt ấy tùy theo tâm ý mà có thể hiện tiền thành thục Phật nhãn. Mắt ấy không tham sân, lìa mọi nghịch thuận. Lại thiên nhãn ấy đối với cảnh giới nghĩa, tu hành pháp thức tương ưng như thật, lại đối với hữu tình an trụ đại Bi.

Lại nữa, Thiên nhãn ấy nếu có người đến xin đều ban cho cả, thấy người phá giới cũng không sân giận, đối với người đọa lạc thường hay thủ hộ, đối với người biếng nhác thường hay khuyên răn sách tấn; vì người tán loạn thể hiện thiền định; vì người ác tuệ chỉ bày Tuệ nhãn chân chánh; vì người tà đạo khai ngộ chánh đạo; vì người hiểu biết thấp kém hay vượt trội hướng dan họ đến với tri kiến tối thượng của Phật.

Lại nữa, Thiên nhãn ấy đối với Nhất thiết trí trí thần thông tối thượng, đối với đạo Bồ-đề chuyên chú một cảnh quyết định hiện tiền.

Này Xá-lợi Tử! Đây là Đại Bồ-tát có thể viên mãn Thiên nhãn thông và sự nghiệp trí tuệ.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát được Thiên nhĩ thông và viên mãn chánh hạnh thần thông trí nghiệp tối thượng?

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này Thiên nhĩ thanh tịnh vượt hơn người. Thiên nhĩ ấy có thể nghe tiếng nhân, phi nhân trong mười phương thế giới; có thể nghe tiếng Trời, tiếng Rồng, tiếng Dạ-xoa, tiếng Càn-thát-bà, tiếng A-tu-la, tiếng Nuy-lỗ-noa, tiếng Khẩn-na-la, tiếng Ma-hầu-la, tiếng nhân, tiếng phi nhân, tiếng Thánh nhân, tiếng Thanh văn, tiếng Duyên giác, tiếng Bồ-tát, tiếng Phật. Đây gọi là Đại Bồ-tát nhiên nhĩ thanh tịnh. Thiên nhĩ ấy còn nghe được các tiếng tội nghiệp, tiếng địa ngục, tiếng bàng sinh, tiếng Diệm-ma-la giới, cho đến biên tế vi tế như tiếng bươm bướm, tiếng ong, tiếng bọ cạp, tiếng muỗi, tiếng ve và các ngữ nghiệp của hữu tình nói ra, hoặc tâm phan duyên thiện bất thiện, tất cả đều biết rõ, ngữ nghiệp nói ra căn thiện bất thiện, nhân và quả đều biết rõ. Nếu ngữ nghiệp tham thì liền biểu hiện ra nhiễm ái. Nếu ngữ nghiệp sân thì biểu hiện ra lời mắng chửi ác độc. Nếu ngữ nghiệp si thì biểu hiện tham sân. Các bản tánh ấy Bồ-tát dều biết rõ. Ngữ nghiệp si cũng biểu hiện lời mắng chửi ác độc; nếu ngữ nghiệp si thì biểu hiện sự ngu si đen tối, tất cả những trạng thái đó Bồ-tát đều biết rõ.

Lại nữa, trí Thiên nhĩ thông ấy biết rõ như thật phát sinh khéo léo, phá ngữ nghiệp ấy tùy thuận thanh tịnh, do đó nó có thể đối phá. Nếu ngữ nghiệp thanh tịnh thì nó có thể đối phá tất cả tham, sân, si… đều khiến thanh tịnh.

Lại nữa, Thiên nhĩ ấy nghe rõ được tiếng Thánh nhân, hoặc không phải Thánh nhân. Nghe như vậy rồi không sinh đắm trước tiếng Thánh nhân, còn đối với tiếng không phải Thánh nhân thì không đắm trước đối phá đối với tiếng Thánh nhân lại đạt được đại Từ, đối với tiếng không phải Thánh nhân thì phát khởi đại Bi, đối với tất cả tiếng không có tiền hậu tế, dùng trí quyết định biết rõ như thật.

Lại nữa, Thiên nhĩ ấy nghe chư Phật Thế Tôn nói pháp vi diệu trong mười phương tất cả thế giới, nghe rồi nhớ nghĩ thay đổi căn tánh, không sinh ngu si, nhiếp thọ tất cả, cũng không thất niệm. Như hữu tình ấy hiểu rõ căn tánh, biết rõ các pháp bình đẳng một vị.

Lại nữa, sau khi nghe một Đức Phật, hai Đức Phật nói pháp không sinh các sự tướng sai khác chướng ngại lẫn nhau.

 

*********

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Chư Phật Thế Tôn nói hạnh nhậm trì thuở xưa là do căn lành lắng nghe đời nay. Đối với thời phi thời đạt được lời nói ấy, hoặc trong chúng hội, hoặc khi nói pháp, hoặc nói phi thời đều có thể phân biệt hiểu ro hạnh ấy, khi đã nghe rồi lại có thể diễn nói. Khi nói pháp hoặc trong chúng hội, hoặc một Bí-sô, vì học nói pháp như thật ký biệt, không nên nói pháp đối với những người gây tổn hại, lại cũng không như thật ký biệt, phải nên lựa chọn người ấy xem thử có tương ưng với nghĩa lý không rồi mới dùng phương tiện khéo léo nhiếp thọ họ, vì họ mà nói pháp với tự tâm thanh tịnh trong sạch, hoặc đối với sắc tướng các thứ tiếng quyết định lắng nghe sinh hoan hỷ. Như sắc tướng các tiếng kia vì khiến lắng nghe quyết định hoan hỷ. Lại nếu ở trong chúng nói pháp, dùng Thiên nhĩ thức gia trì tiếng ấy khiến cho các hữu tình đều hiểu rõ. Nhưng các hữu tình nghe pháp này rồi hoặc có người hiểu, hoặc có người chưa hiểu, tất cả đều được pháp giới thanh tịnh; nhĩ giới, trí giới cũng được thanh tịnh. Nhĩ giới của ta thanh tịnh, hữu tình cũng được thanh tịnh, đối với nhĩ giới ấy khéo được xuất ly. Như trên đã nói văn, tự, nghĩa lý và ngôn từ khéo léo vi diệu của các hữu tình, khiến năm nẻo hữu tình nghe tiếng nói pháp thảy đều giác ngộ, lại có thể đối với nhĩ giới này được thành tựu Thiên nhĩ của Như Lai, Thiên nhĩ ấy không có tạp loạn. Đây gọi là Đại Bồ-tát được Thiên nhĩ thông viên mãn trí nghiệp.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát được Tha tâm trí thông và Chánh hạnh trí nghiệp viên mãn?

Nay Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát có thể biết rõ được tâm biên tế thuở xưa của các loài hữu tình khắp cả mười phương tất cả thế giới và cũng biết rõ tâm hiện tại của các hữu tình ấy.

Lại nữa, tâm trí của hữu tình trong quá khứ nhân thô, nhân tế các thứ trí tâm cũng đều biết rõ. Hoặc hữu tình này tâm nhân tối thượng, hoặc hữu tình này tâm nhân vừa, hoặc hữu tình này tâm nhân thấp kém.

Lại nữa, hữu tình này căn tánh tương ưng với bố thí, hữu tình này căn tánh tương ưng với tịnh giới, hữu tình này căn tánh tương ưng nhẫn nhục, hữu tình này căn tánh tương ưng với tinh tấn, hữu tình này căn tánh tương ưng với thiền định, hữu tình này căn tánh tương ưng với tuệ thù thắng. Các tánh của hữu tình này lấy đại Từ làm nhân, căn tánh của hữu tình này lấy đại Bi làm nhân, căn tánh của hữu tình này lấy đại Hỷ làm nhân, căn tánh của hữu tình này lấy đại Xả làm nhân, căn tánh cua hữu tình này lấy Đại thừa làm nhân, căn tánh của hữu tình này lấy Duyên giác làm nhân, căn tánh của hữu tình này lấy Thanh văn làm nhân.

Lại nữa, hữu tình này thành thục đầy đủ các sức thiện nhân. Lại các hữu tình này thành tựu đầy đủ các sức thiện duyên. Nếu hữu tình không thành tựu sức thiện nhân duyên thì sẽ tương ưng với sức nhân duyên đó sinh vào dòng họ thấp kém. Nếu hữu tình thành tựu đầy đủ sức thiện nhân duyên thì sẽ tương ưng với sức nhân duyên ấy, nên được sinh vào dòng họ giàu sang cao quý. Hoặc có hữu tình trong ý thanh tịnh, nhưng việc làm không thanh tịnh. Hoặc có hữu tình việc làm thanh tịnh nhưng trong ý không thanh tịnh. Hoặc có hữu tình việc làm thanh tịnh, ý cũng thanh tịnh. Hoặc có hữu tình ý không thanh tịnh, việc làm cũng không thanh tịnh.

Này Xá-lợi Tử! Đây là căn nhân tâm trí sở hành thuở xưa của các hữu tình, tương ưng với trí thuyết pháp cua ta. Đây gọi là Đại Bồ-tát Tha tâm trí lực.

Lại nữa, nhập giải Tha tâm trí lực, nếu hữu tình này nhân hành bố thí thì đời vị lai được quả bố thí. Hữu tình này nhân hành trí tịnh giới, thì đời vị lai được quả tịnh giới. Nếu hữu tình nhân thực hành nhẫn nhục, thì đời vị lai được quả nhẫn nhục. Nếu hữu tình thực hành tinh tấn, thì đời vị lai được quả tinh tấn. Nếu hữu tình nhân hành thiền định, thì đời vị lai được quả thiền định. Nếu hữu tình nhân thực hành tuệ thù thắng, thì đời vị lai được quả tuệ thù thắng. Nếu hữu tình thực hành nhân Đại thừa, thì đời vị lai được quả Đại thừa. Nếu hữu tình thực hành nhân Duyên giác, thì đời vị lai được quả Duyên giác. Neu hữu tình thực hành nhân Thanh văn, thì đời vị lai được quả Thanh văn. Nếu hữu tình sống với nếp sống thế gian thì vị lai chịu quả thế gian.

Này Xá-lợi Tử! Hoặc là nhân duyên này hoặc là nhân duyên kia, đến đời vị lai các hữu tình này được căn tánh ấy, tất cả đều biết như thật. Đối với hữu tình ấy có khả năng thành thục không sinh nhàm chán mệt mỏi, cho đến vận dụng trí để biết rõ. Tâm căn bản này nếu là pháp khí chân chánh thì nói chánh pháp, đối với lời thuyết pháp sẽ được những gì, vì khiến không cho khởi lên các pháp khác, các nghiệp khác. Nếu các hữu tình trong đời hiện tại đối với các pháp rộng thực hành tầm từ, đối với những hành động tạo tác như thế Bồ-tát đều biết rõ như thật. Nếu các hữu tình có tâm tham trước Bồ-tát liền biết được tâm thức tham ấy một cách như thật. Nếu hữu tình ấy lìa tâm tham, Bồ-tát cũng biết lìa tâm tham một cách như thật. Nếu hữu tình ấy đắm trước tâm sân, Bồ-tát biết hữu tình ấy đắm trước tâm sân một cách như thật. Nếu hữu tình ấy lìa tâm sân, Bồ-tát cũng biết hữu tình ấy lìa tâm sân một cách như thật. Nếu hữu tình ấy đắm trước tâm si, Bồ-tát biết rõ hữu tình ấy đắm trước tâm si một cách như thật. Nếu hữu tình ấy lìa tâm si, Bồ-tát cũng biết hữu tình ấy lìa tâm si một cách như thật. Hoặc đây, hoặc kia, hữu tình tâm tạp nhiễm và chướng ngại, tất cả Bồ-tát đều có thể biết rõ như thật, biết như thật rồi lại vì nói pháp, muốn khiến tất cả hữu tình lìa mọi phiền não. Nếu Bồ-tát đến trong chúng hội quán sát như vậy, tất cả chúng hội hoặc đây hoặc kia, quán sát khắp tất cả hữu tình rồi liền vì nói pháp.

Này Xá-lợi Tử! Đời này đời sau và căn tánh trí của các hữu tình này, tất cả Bồ-tát đều biết rõ như thật. Tuy công dụng như vậy nhưng tự tâm của Đại Bồ-tát không có đắm trước và Tha tâm cũng không chỗ trụ. Vì sao? Vì trí của Đại Bồ-tát này biết rõ cho nên tâm không chỗ trụ; do ý nghĩ biết rõ nên tâm không chỗ trụ; do tuệ biết rõ, cho nên tâm không chỗ trụ; do thú hướng biết rõ, cho nên tam không chỗ trụ; do tuệ thù thắng hiểu rõ, cho nên tâm không chỗ trụ; do giác ngộ biết rõ, cho nên tâm không chỗ trụ; do đoạn trừ các tập khí và các tùy miên sinh phiền não, lìa cấu quang không có các lỗi lầm, đối vơi các pháp phân biệt rõ ràng, đối với tất cả hữu tình tâm hạnh sai khác, có khả năng hiểu biết sâu xa nên tâm không chỗ trụ.

Này Xá-lợi Tử! Đối với hành tướng như vậy Bồ-tát hiểu rõ tâm trí hữu tình, cho nên gọi là Đại Bồ-tát được Tha tâm thông trí nghiệp viên mãn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát Túc trụ niệm thông và Chánh hạnh trí nghiệp viên mãn?

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát đối với tất cả hữu tình trong mười phương thế giới, đầy đủ vô lượng thứ Túc trụ niệm thông, hoặc một ngày, hai ngày, ba, bốn, năm ngày, hoặc mười ngày, hai mươi cho đến năm mươi ngày, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời, cho đến trăm kiếp thành hoại, ngàn kiếp thành hoại, trăm ngàn kiếp thành hoại, vô lượng trăm ngàn kiếp thành hoại. Thuở xưa các loại hữu tình này có danh tự như vậy, có chủng tộc như vậy, có tên họ như vậy, sắc tướng như vậy, hình trạng như vậy, chỗ ở như vậy, ăn uống như vậy, sống lâu như vậy, khổ vui như vậy, sống chết như vậy và tuổi thọ như vậy, chết kia sinh đây, tất cả Bồ-tát đều biết rõ. Lại biết tự thân và các hữu tình, túc trụ niệm này không phải chỉ có một thứ; đời trước của tự thân và đời trước của Bổ-đặc-già-la người khác, túc trụ niệm này không phải chỉ một thứ, lại là nhân thiện căn niệm lực đời trước của chính mình và nhân thiện căn niệm lực đời trước của người khác, thiện căn của chính mình thành thục Bồ-đề, khiến hữu tình khác nhớ nghĩ thiện căn ấy mà phát tâm Bồđề. Lại như nhân khổ vui đời trước đều tùy thuận vô thường, khổ, vô ngã. Nó đã tùy thuận vô thường, khổ, vô ngã tức là không thích sắc tướng, không thích thọ dụng, không thích quyến thuộc, không thích giàu có, không thích làm Chuyển luân thánh vương, không thích làm chúa trời Đế Thích, không thích làm Đại phạm Thiên vương, không thích làm Hộ thế Thiên vương, tất cả chỗ sinh ra, vương vị tự tại và các dục lạc đều không ham thích. Bồ-tát suy nghĩ đúng đắn như vầy: “Chỗ này không thành thục được hữu tình lại chịu luân hồi, tùy thuận vô thường, khổ, vô ngã, chiêu tập nghiệp phiền não thuở xưa.” Bồ-tát nghĩ thế rồi liền sinh nhàm chán hối cải xa lìa và các nghiệp thiện bất thiện hiện tại, cho đến mạng căn đều nhàm chán không dám làm. Nhờ thiện căn thuở xưa khiến thành thục rộng lớn Chánh đẳng Chánh giác, lại còn có khả năng tích tập thiện căn trong hiện tại, trừ diệt tất cả cảnh giới hiểm nạn, thành thục chủng tử Phật, Pháp, Tăng liên tục không gián đoạn, thành thục nhất thiết trí trí chánh niệm duyên lực, đem chánh niệm này gia trì chính mình, gia trì pháp giới. Bồ-tát do không khuynh động cho nên không bị quấy nhiễu, thành thục định nghiệp cũng không nhiễu loạn não hại, dùng Xa-ma-tha để tự gia trì tâm không mê loạn, áp dụng Tỳ-bát-xá-na để nhiếp thọ. Do trí hiện lượng cho nên không khiếp sợ, do nhớ nghĩ chân chánh cho nên không quên mất, hưởng mọi khoái lạc, tích tập các hạnh, giac ngộ không nhờ sự hướng dẫn của người khác; do tích tập hạnh cho nên hướng đến bờ giác, tất cả đều có khả năng đạt đến hạnh tích tập; do duyên lực chánh niệm cho nên không quên mất pháp trong quá khứ, hiện tại. Đây gọi là Đại Bồ-tát Túc trụ niệm thông trí nghiệp viên mãn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát đối với Thần cảnh thông và Chánh hạnh trí nghiệp viên mãn?

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này đoạn trừ các hành, có thể tu tập đầy đủ dục thần túc định; đoạn trừ các hành, tu tập đầy đủ cần dũng thần túc định; đoạn trừ các hành, tu tập đầy đủ tâm thần túc định; đoạn trừ các hành, tu tập đầy đủ quán thần túc định. Bồ-tát tâm ham muốn siêng năng quán sát nhiếp thọ các pháp, có thể tu tập thành tựu xuất ly, lại hay tu tập mỗi mỗi bốn Thần túc này liền được thần cảnh thông trong hiện tiền và được thọ dụng. Bồ-tát dùng vô lượng thứ thần thông biến hóa ấy, thường luôn quán sát tất cả hữu tình. Mỗi một thần biến đều có thể điều phục tất cả hữu tình, thần biến này hay hiển hiện tất cả, hoặc thân, hoặc lực, hoặc gia trì, mỗi một thân tướng như vậy đều có thể điều phục các loại hữu tình. Mỗi một thân tướng như vậy đều có thể hiển hiện hoặc là thân tướng Phật, hoặc thân tướng Duyên giác, hoặc thân tướng Thanh văn, hoặc thân tướng trời Đế Thích, hoặc thân tướng Đại phạm vương, hoặc thân tướng trời Hộ thế, hoặc thân tướng Chuyển luân vương.

Lại nữa, mỗi mỗi thân tướng hiện ra đó đều có thể điều phục tất cả hữu tình và thương xót các loài bàng sinh. Lại thân tướng được hiện ra đó diễn nói chánh pháp cho các loài hữu tình, lại còn có thể hiện thế học như vậy, để điều phục sân nhuế cực trọng của tất cả hữu tình. Đó gọi là đại tráng sĩ lực, bốn phần Na-la-diên lực, cho đến các lực như vậy, chỉ dùng hai ngón tay dở hỏng núi Tu-di cao đến sáu mươi trăm ngàn du-thiện-na, rồi lại ném qua núi khác cách xa tám vạn bốn ngàn du-thiện-na. Ví như cầm một trái Am-ma-la từ phương này ném qua thế giới phương khác, nhưng sức than cảnh thông của Đại Bồ-tát hoàn toàn không bị lay động. Bồ-tát lại có khả năng đem tam thiên đại thiên thế giới rộng lớn như vậy, dưới thời tận mé nước, trên thời lên đến trời Sắc cứu cánh, trong khoảng đó đặt hữu tình trong lòng bàn tay trải qua số kiếp, tất cả những con đường đi qua thảy đều hiển hiện. Đại Bồ-tát vì các loài hữu tình mạn, quá mạn, sân hận cực trọng, dùng sức thành tựu điều phục tất cả hữu tình mạn, quá mạn san hận cực trọng đó, sau khi điều phục rồi lại vì nói pháp. Lại nương theo thần túc đó được trí gia trì, từ trí gia trì lại được các pháp như vậy. Lại dùng gia trì hóa biển cả thành dấu chân bò, từ dấu chân bò hóa thành biển cả. Lại dùng sức gia trì biến đống lửa thành hồ nước, hóa hồ nước thành đống lửa. Nói tóm lại, đối với pháp thượng trung hạ nhờ tất cả sự gia trì lẫn nhau cho nên đạt được thành tựu mọi sở hữu ở thế gian như vậy. Tất cả các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn… đều không có khả năng làm chấn động thay đổi và có thể ẩn hiện.

Lại nữa, pháp gia trì này không có ở thế gian, duy chỉ Đức Phật Thế Tôn mới có. Lại dùng duyên lực gia trì khéo léo vì các loài hữu tình mạn, quá mạn, sân giận cực trọng diễn nói pháp vi diệu khiến tất cả đều được hoan hỷ.

Lại nữa, người tu tập thần túc đó đối với cảnh giới ma, quyến thuộc thiên ma và cac phiền não đều không bị đoạn diệt, siêu việt tự tại trong cảnh giới Phật, lại còn có khả năng hiểu rõ cảnh giới ấy, đối với hữu tình không có tổn hại phần nhỏ nào, luôn luôn tương ưng tùy thuận tất cả thiện căn. Đó gọi là Đại Bồ-tát viên mãn trí nghiệp thần cảnh thông.

Này Xá-lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ-tát thần thông lại còn gọi là trí? Vì Thiên nhãn quán sát sắc tướng một cách chân chánh cho nên gọi là thần thông, pháp trí huyễn hóa không tác chánh hạnh cho nên gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu đối với tất cả hữu tình thật có nghe thì gọi đó là thần thông, đối với lỗi lầm đời trước đều không thể được gọi đó là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu biết rõ tất cả tâm hạnh thì gọi là thần thông, đối với tâm diệt trí không diệt chánh hạnh thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đối với đời trước niệm ấy không ngại thì gọi là thần thông, nếu đối với trí ba đời đều không ngại thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đối với tất cả quốc độ tùy ý mà đến thì gọi là thần thông, đối với quốc độ hư không ngại thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Lập pháp phần vị thì gọi là thần thông, quán sát pháp thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đối với các thế gian khéo léo hướng dẫn hóa độ thì gọi là thần thông, đối với các thế gian đều không bị trói buộc đắm trước thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Vượt qua tất cả cõi trời Đế Thích, Phạm thiên, Hộ thế thì gọi là thần thông, vượt qua tất cả Thanh văn, Duyên giác thì gọi là trí.

Lại nữa, này Xa-lợi Tử! Những điều đã nói ở trên thì gọi là viên mãn thần thông trí nghiệp.

Này Xá-lợi Tử! Tất cả phiền não tán loạn, Đại Bồ-tát định phần tâm hạnh và trí gia trì cho đến tâm nhiễm tán loạn của tất cả hữu tình và hạnh định phần của Đại Bồ-tát, nên biết tích tập.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này tích tập khắp nơi mà được an trụ. Đây gọi là Tam-ma-hy-đa.

Lại nữa, tất cả hữu tình này gọi là Tam-ma-hy-đa. Tâm thường bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Ý thường bình đẳng gọi là Tam-mahy-đa. Thiện xảo bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Trong ý hết sức bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Bố thí bình đẳng gọi là Tam-ma-hyđa. Trì giới bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Nhẫn nhuc bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Tinh tấn bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Thiền định bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Tuệ thù thắng bình đẳng gọi là Tam-ma-hy-đa. Tất cả pháp ấy bình đẳng gọi là Tam-ma-hyđa. Nếu đối với tất cả pháp bình đẳng thì tất cả hữu tình bình đẳng và tất cả Bồ-đề bình đẳng. Hiểu rõ tất cả như vậy thì gọi là Tam-mabát-na.

Lại nữa, nếu hiểu rõ tất cả các pháp như hư không thì gọi là Tam-ma-bát-na. Nếu hiểu rõ tất cả bình đẳng không tướng, không nguyện, không hạnh tích tập thì gọi là Tam-ma-bát-na. Lại nếu hiểu rõ tất cả âm thanh các pháp thì gọi là Tam-ma-bát-na. Lại đối với tất cả chỗ nhiêu ích hoặc không nhiêu ích, tâm đều bình đẳng như đất, tâm bình đẳng như nước, tâm bình đẳng như lửa, tâm bình đẳng như gió, tâm bình đẳng như hư không, cao thì lìa trạo cử, thấp thì không hôn trầm, khéo léo an trụ, tất cả đạo hạnh không lay động thì gọi là Tam-ma-hy-đa. Không phân biệt đạo hạnh của chính mình thì gọi là Tam-ma-bát-na. Tuy ngôn từ phong phú nhưng miệng không có lỗi lầm, không cao, không thấp cũng không đông loạn, tương ưng tùy thuận, thành tựu tất cả pháp nghĩa thế gian, khong bị nhiễm trước tất cả phiền não, xa lìa cảnh giới tầm từ ồn ào, pháp hạnh như vậy gọi là Tam-ma-hy-đa. Lại đối với tất cả thế gian mọi nghề nghiệp khéo léo đều có thể hiển hiện, đối với sự tướng ấy cũng không xả bỏ. Đại Bồ-tát đối với Thiền định ba-la-mật-đa hiểu rõ bình đẳng, nhưng lại phát sinh trí tuệ phương tiện, không bị tâm đại Bi duyên trói buộc, quán sát hữu tình hiểu rõ bình đẳng, phương tiện vắng lặng thật hết sức vắng lặng. Đó gọi là trí tuệ. Khiến trí tuệ Phật không hiện ra trước. Đó gọi là phương tiện. Nếu hiểu rõ các pháp bình đẳng không bị trói buộc thì gọi là trí tuệ; không chấp thủ tất cả các pháp thì gọi là phương tiện. Đối với pháp giới không tính toán suy nghĩ thì gọi là trí tuệ; nếu hiểu rõ thân Phật bình đẳng, không sinh hiện tiền tác chứng thì gọi là phương tiện. Đối với Pháp thân niệm không chỗ trụ thì gọi là trí tuệ; nếu hiểu rõ tiếng của Phật một cách bình đẳng lãnh ngộ phạm âm vi diệu đầy đủ thì gọi là phương tiện. Suy nghĩ pháp không thể nói thì gọi là trí tuệ; đối với tâm kim cang hiểu rõ bình đẳng, có khả năng an trụ tối thắng thì gọi là phương tiện. Đối với chánh niệm, niệm không tán loạn thì gọi là trí tuệ; đối với nguyện thuở xưa hiểu rõ bình đẳng, lại có khả năng thành thục hữu tình an trụ tối thắng thì gọi là phương tiện. Đối với tất cả hữu tình niệm ngã không thật thì gọi là trí tuệ; niệm thiện căn ấy chứng không sở chứng, đó là phương tiện. Niệm không căn ấy và không chấp trước, đó là trí tuệ; đối với cõi Phật hiểu rõ bình đẳng khiến thanh tịnh hiện tiền, đó là phương tiện. Niệm cõi ấy như hư không, đó là trí tuệ; lại niệm Bồ-đề đạo tràng hiểu rõ bình đẳng khiến hiện tiền trang nghiêm, đó là phương tiện. Lại niệm chấm dứt, hoặc các pháp nhiễm, đó là trí tuệ; nếu đối với chuyển pháp luân hiểu rõ bình đẳng, có khả năng ứng với cơ duyên, đó là phương tiện. Lại chuyển ấy không chuyển, đó là trí tuệ; cho đến hạnh Bồ-đề phần hiểu rõ bình đẳng, có thể xả ly hiện tiền, đó là phương tiện. Cho đến niệm ấy đối với tất cả pháp không có tương ưng và các tùy hoặc. Vì trí tuệ thiền định diệu lạc của Như Lai không có nhiệt não, đối với tướng, không tướng tất cả phan duyên hàng phục thảy đều hiểu rõ. Tất cả Đại Bồ-tat định, phi định vị, do khéo xuất ly tương ưng như vậy, đó là trí tuệ. Các Đại Bồ-tát đạt được thiền định vô tận Ba-la-mật-đa, các việc ma không thể tiện lợi, khéo léo an trụ trong pháp khí chư Phật.

Này Xá-lợi Tử! Như vậy là ta đã nói trí tuệ phương tiện, Đại Bồ-tát đối với Thiền định ba-la-mật-đa có thể xuất ly.

*********

 

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát được thần thông không thoái chuyển, hoặc dùng ý tưởng, hoặc dùng sự nghiệp, đều là việc làm thần thông du hý, dù ở nơi nào cũng được an trụ, hiện các việc làm, các việc làm ấy đều là thần thông trí lực tối thắng nhất thế gian. Đối với các việc làm tuy đầy đủ các tướng khéo léo lựa chọn, nhưng lại hiện chứng pháp đệ nhất thế gian và xuất thế gian. Thần thông của Bồ-tát thị hiện tướng vô tận, cũng như hư không bao trùm khắp tất cả. Thần thông của Bồ-tát hiện tất cả tướng sắc vô sắc lại có thể tùy thuận nhập vào tất cả tiếng, nhưng lại bình đẳng đối với tiếng trước. Thần thông Bồ-tát quán sát tâm hạnh của tất cả hữu tình, đối với thể tánh của hữu tình ấy tùy duyên hiển hiện, đối với các kiếp tùy theo sự suy nghĩ ấy, tiền tế hậu tế không gián đoạn tất cả chỉ hiện thần cảnh biến hóa, quyết định hiện tiền không có hành tướng riêng khác. Thần thông Bồ-tát đạt trí lậu tận quán thời phần rồi nhưng không siêu việt thù thắng hơn các pháp lựa chọn thế gian, tất cả Thanh văn, Duyên giác khó có thể đo lường. Thần thông Bồtát nghĩa ấy sâu xa phá tan bọn ma, chế phục ngoại đạo, đối với Bồđề tràng có khả năng tổng trì tất cả pháp Phật, ý chí cầu chánh giác, tùy theo từng chủng loại chuyển bánh xe chánh pháp. Khéo léo điều phục tất cả hữu tình, đến vị quán đảnh được pháp tự tại.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát thần thông không thoái chuyển, sự nghiệp làm ra đều không ngã mạn. Tâm ấy thanh tịnh khéo léo điều phục chân chánh, sáng suốt tự tại, lìa các nhiễm dục và tùy phiền não, thành tựu tất cả thiện nghiệp vi diệu tịch tĩnh; đối với thiền định giải thoát Tam-ma-địa, Tam-ma-bát-để, khởi suy nghĩ chân chánh không bị trói buộc, bởi dòng sinh tử. Vì sao? Vì đã giải thoát mọi sinh nghiệp phien não trói buộc điên đảo chấp trước. Thế nên không bị sinh tử trói buộc mà lại không phá hoại Đại thừa chứng thành tất cả pháp Phật, nhưng pháp Phật ấy tìm cầu khắp mười phương thật không thể được. Lại tất cả pháp đều thuận với pháp Phật. Thế nên pháp Phật tức là tất cả pháp, nếu tìm cầu tất cả pháp như thật thì cũng không thể được. Đối với toán số và không phải toán số, bình đẳng siêu việt không có một phần nhỏ nào. Đây gọi là không có pháp cũng không phải không pháp. Nếu có thể biết rõ pháp và phi pháp thì không chấp trước vào pháp này, lại cũng không chấp trước vào nghĩa của pháp này. Nếu chấp trước vào nghĩa thì không phải là cái lợi đại nghĩa. Nếu lại đối với nghĩa không phải nghĩa đều không chỗ trụ. Giá như thấy được nghĩa ấy nhưng trí lại vô ngại; nếu trí vô ngại tức là không biến kế. Nếu không biến kế thì không có đối tượng. Nếu không có đối tượng thì không chỗ trụ. Nếu không chỗ trụ thì không gián đoạn. Nếu không gián đoạn thì không hư tác. Nếu không hư tác thì không mê loạn. Nếu không mê loạn thì không có ngã, ngã sở. Nếu không có ngã, ngã sở thì không tranh luận. Nếu không tranh luận thì là pháp Sa-môn. Nếu không tranh luận thì là pháp Sa-môn, tức là dụ hư không ấy bằng phẳng như lòng bàn tay. Nếu dụ hư không ấy bằng thẳng như lòng bàn tay thì không đọa vào Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nếu không đọa vào tất cả chỗ thì không có hình sắc và không hiển sắc, cũng không phần vị. Nếu không hình sắc không hiển sắc và không phần vị thì tùy thuận giác ngộ như vậy. Nếu có thể tùy thuận như vậy thì tùy chỗ giác ngộ như vậy.

Sao gọi là tùy thuận giác ngộ và tùy chỗ giác ngộ? Nghĩa là, nếu biết rõ pháp cực vi ấy đều không thể được thì đó là tùy thuận giác ngộ và chỗ giác ngộ. Phải nên hiểu rõ điều đó một cách bình đẳng, thì có khả năng thành tựu pháp hy hữu của Đại Bồ-tát.

Sao gọi là pháp hy hữu của Đại Bồ-tát? Nghĩa là, đối với Từ không ngã, Bi không chúng sinh, Hỷ không thọ giả, Xả không Bổđặc-già-la. Bố thí không bỉ hối cùng với tâm trì giới sinh tâm tịch tĩnh; nhẫn nhục phát sinh tâm vô tận; tinh tấn phát sinh tâm tối thượng; thiền định lìa tâm tán loạn; tuệ thù thắng không có hý luận; niệm xứ không niệm xứ tâm tac ý; chánh đoạn tùy tâm sinh diệt; thần túc lìa tâm hy hý. Đối với tín, tấn, niệm, định, tuệ khởi tâm vô ngại tự nhiên hiểu rõ bình đẳng. Năm căn, năm lực như vậy khởi tâm khuất phục không tổn hoại. Đối với bảy Giác chi khởi tâm phân biệt Bồ-đề. Đối với tám Thánh đạo khởi tâm quán sát chánh giải. Đối với Xa-ma-tha khởi tâm bình đẳng. Đối với Tỳ-bát-xá-na phát khởi tâm hy hữu, biết hết quán sát Thánh đế, thành thục hữu tình, phát khởi bản tâm thanh tịnh. Đối với pháp giới nhiếp thọ chánh pháp, tâm không tạp loạn. Đối với pháp vô sinh khởi tâm bất khả đắc. Đối với địa không thoái chuyển khởi tâm chuyển không chuyển. Đối với tướng được khởi tâm vô tướng, trang nghiêm Bồ-đề đạo tràng, khởi tâm tùy thuận ba cõi, chế phục quần ma, khởi tâm nhiếp thọ hữu tình. Đối với Bồ-đề tự tánh các pháp, khởi tâm tùy thuận giác ngộ. Đối với chuyển pháp luân khởi tâm không sở chuyển. Đối với đại Niết-bàn khởi tâm tùy hiện luân hồi tự tánh bình đẳng.

Này Xá-lợi Tử! Như vậy là ta đã nói Đại Bồ-tát đối với tùy thuận giác ngộ và chỗ giác ngộ có khả năng thành tựu pháp hy hữu.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Sao gọi là thiền định? Nghĩa là, Bồ-tát đối với thiền định không có đắm trước, có thể viên mãn Tam-ma-địa của Như Lai, lại không ham thích mùi vị thiền duyệt. Các Đại Bồ-tát tuy vui thích thân thể nhưng không đắm trước, đối với thiền định thường thích đại Bi. Vì lý do đó cho nên giữ lại các hoặc nhiễm. Lại đối với thiền định thích Đẳng trì không thoái chuyển. Vì lý do đó cho nên nhàm chán Dục giới. Lại đối với thiền định thích tu thần thông nghiệp. Vì lý do đó cho nên biết rõ tâm hạnh của tất cả hữu tình. Đối với thiền định lại thông đạt thật tế. Vì lý do đó cho nên tâm trí được tự tại. Lại đối với thiền định được trí Đẳng chí. Vì lý do đó cho nên bao trùm tất cả Sắc, Vô sắc giới. Đối với thiền định đạt được vắng lặng tối thượng. Vì lý do đó cho nên đối với Thanh văn, Duyên giác, Tam-ma-bát-để thường cầu tăng trưởng. Đối với thiền định lại không động loạn. Vì lý do đó cho nên trụ rốt ráo tối thượng. Lại đối với thiền định thường thực hành đối trị. Vì lý do đó cho nên không trụ tập khí tương tục. Đối với thiền định được tuệ tối thắng. Vì lý do đó cho nên đệ nhất trong các thế gian. Lại đối với thiền định, trước hết là thông hiểu tâm ý của hữu tình. Vì lý do đó cho nên tối thượng trong các hữu tình. Lại đối với thiền định thường được tự tại vui thích Tam bảo. Vì lý do đó cho nên đạt được công đức vô tận của Như Lai. Lại đối với thiền định được thù thắng tối cao. Vì lý do đó cho nên thường trụ Tam-ma-hy-đa. Lại đối với thiền định được tự tại chuyển. Vì lý do đó cho nên có khả năng viên mãn tất cả sự nghiệp. Lại đối với thiền định đều không lãnh thọ. Vì lý do đó cho nên được đại trí tuệ.

Này Xá-lợi Tử! Đó là thiền định của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Thiền định ba-la-mật-đa lấy gì làm chính? Lấy tâm quyết định làm chính, lấy tâm nhất cảnh làm chính, tâm không tán loạn làm chính, tâm an trụ làm chính, tâm Xa-ma-tha làm chính, tâm Tam-ma-địa làm chính; lấy căn đẳng trì làm chính, lực đẳng trì làm chính, chánh đẳng đẳng trì làm chính, định giải thoát làm chính, chín Định thứ đệ làm chính, bất tương vi làm chính, thiện pháp làm chính, nhiếp phục phiền não oán tặc làm chính; viên mãn Tam-ma-địa uẩn làm chính, Bồ-tát Tam-ma-địa làm chính, Phật Tam-ma-địa làm chính.

Này Xá-lợi Tử! Pháp tịch tĩnh như vậy gọi là Đại Bồ-tát thực hành hạnh Thiền định ba-la-mật-đa làm chính.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thiền định giải thoát Ba-la-mật
Thường trong nhiều kiếp hành hạnh này
Ý không đắm trước pháp thế gian
Đó là Tịnh chiếu Tam-ma-địa
Nếu thông đạt các Ba-la-mật
Như cung điện trang nghiêm tối thắng
Hay có khả năng lìa dơ bẩn
Đó là Nguyệt quang Tam-ma-địa
Thành tựu vô ưu giới đức quang
Đối với các pháp tự tại chuyển
Pháp này cao dũng như Tu-di
Đó là Pháp quang Tam-ma-địa
Đối với pháp bảo địa trang nghiêm
Chánh pháp tổng trì diệu thanh tịnh
Tam này hay xét tâm người khác
Là trí chánh pháp chuyển tự tại
Định hay bẻ gãy các phiền não
Như cờ châu võng không chướng ngại
Giải thoát tối thắng trong mười lực
Là Tam-ma-địa phá ma lực
Thắng không thể thắng đen Tu-di
Hiệu là Trí quang thanh tịnh nhãn
Nếu thường chắp tay khen lời hay
Diệu trụ trì địa Tam-ma-địa
Vì hay hiểu rõ không vô tướng
Vô nguyện tịch tĩnh địa cũng vậy
Pháp niệm công đức trí tự tại
Chư Phật Tam-ma-địa vô biên
Rồng Tô-nan-đà sư tử vương
Hoặc đến hoặc đi thường an tĩnh
Nhãn lực thanh tịnh không lay động
Định tên”xa lìa các thứ tưởng”
Kim cang định như kim cang địa
Cao hiển không động bằng Tu-di
Âm thanh thanh tịnh vang tất cả
Tam-ma-địa xa lìa phiền não
Tất cả tướng công đức to lớn
Cũng như hư không không ngằn mé
Tăng trưởng đầy đủ trí tuệ niệm
Biện tài tuyên nói đều vô tận
Quán sát hữu tình khiến làm thiện
Vô biên vô tận không tổn giảm
Từ hay điều nhu, Bi thiện căn
Hỷ nhập cực Hỷ, Xả hai chướng
Giải thoát kiên cố sinh hoan hỷ
Như cờ kim cang thắng liên hoa
Biển Trí trí quang đều không động
Gọi là pháp nghĩa Tam-ma-địa
Giải thoát vô biên biển ánh sáng
Định tuệ Như Lai nguyện trang nghiêm
Chánh giác vô thượng diệu tịch tĩnh
Tên định Bất động pháp điều phục
Ánh sáng nguyện được cõi trang nghiêm
Khiến ý hữu tình đều hoan hỷ
Luôn luôn tùy thuận đạo chánh giác
Trang nghiêm bảo kế Ba-la-mật
Nhanh chóng như gió không hạn cuộc
Cũng như kho biển chứa các báu
Thí chân cam lồ môn giải thoát
Nở hoa bảy giác Tam-ma-địa
Nghĩa đại thần thông diệu nhiếp thọ
Thông đạt vô biên đều viên mãn
Hiện khắp cảnh giới Phật như vậy
Gọi là Tích thạch sơn vương định
Nếu tu Thiền định ba-la-mật
An trú cảnh giới định Đẳng dẫn
Bồ-tát vô lượng môn công đức
Đó là Tịch tĩnh Tam-ma-địa
Đối với Đẳng dẫn tùy tác ý
Nói ra điều gì đều phép tắc
Cho đến đi ngồi trong oai nghi
Như vậy luôn luôn không buông lung
Các pháp tịch tĩnh tối thắng này
Không ngã, không nhân, không thọ giả
Cũng không phân biệt phi phân biệt
Chỉ vô dư này lên bờ giác
Nếu tu Thiền định ba-la-mật
Sẽ được biển công đức vô biên
Các chúng Bồ-tát có trí tuệ
Phải nên thương xót các hữu tình.