KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: PHÂN BIỆT TÀ CHÁNH

Phật bảo Ca-diếp:

–Có bốn pháp: Có ma nói kinh, có Phật nói kinh, có các chúng sinh theo lời dạy của ma, có các chúng sinh theo lời dạy của Phật.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con phải phân biệt thế nào mà biết được, con mong muốn được nghe điều đó.

Phật bảo Ca-diếp:

–Thiện nam! Bảy trăm năm sau khi Ta nhập Nê-hoàn, giáo pháp của Như Lai từ đây sẽ tiêu diệt dần dần, loài ma làm Tỳ-kheo để phá hoại và làm rối loạn chánh pháp, làm tướng thợ săn mà tự mình che giấu, chúng làm ra dáng vẻ Tỳ-kheo, dáng vẻ Tỳ-kheo-ni; làm ra dáng vẻ Ưu-bà-tắc, dáng vẻ Ưu-bà-di; làm ra dáng vẻ Tu-đà-hoàn, dáng vẻ Tư-đà-hàm; làm ra dáng vẻ A-na-hàm, dáng vẻ A-la-hán, cho đến chúng làm ra dáng vẻ Phật, loài ma Ba-tuần ấy làm ra dáng xa lìa tướng thế tục nhưng thực hành pháp thế tục, chúng phá hoại và gây rối loạn giáo pháp của Ta. Ma Ba-tuần nói: “Như Lai ẩn mất từ cõi trời Đâu-suất, giáng thần xuống nhà của vua Tịnh Phạm, phu nhân Ma-da hòa hợp sự ái dục rồi từ đó Ngài mới được sinh ra. Nếu người nào nói rằng, Như Lai không từ ái dục sinh ra, lẽ nào có lý đó. Cùng pháp nhân gian như nhau, nhưng lại được chư Thiên, người đời và A-tu-la cung kính cúng dường. Vì sao? Vì vị ấy gieo trồng mọi cội rễ đức hạnh từ nhiều kiếp trước, vợ con và các thứ thuộc tự thân, vị ấy đều bố thí cho người, cho nên được làm Phật”. Với tướng mạo như thế, ông nên biết rằng, đó là kinh luật của ma nói. Vì sao? Vì việc giáo hóa chúng sinh nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác mới xuất hiện ở đời, không phải vì sự tích tập ái dục của cha mẹ mình rồi từ đó Như Lai mới sinh ra. Ta thị hiện tướng hạnh này là thuận theo thế gian. Với tướng mạo như thế, nên biết đó là kinh luật của Phật nói.

Nếu có chúng sinh tin thọ kinh luật của ma, nên biết hạng người ấy là thuận theo lời dạy của ma. Nếu chúng sinh ấy tin thọ kinh luật do Như Lai nói, nên biết người ấy là Bồ-tát.

Ma lại còn nói, Như Lai sinh ra ở đời rồi hướng về khắp mười phương, mỗi phương đi bảy bước. Không phải vì sự thị hiện mà người bảo rằng thị hiện, đó là điều không đáng tin. Những kinh luật như thế, nên biết đó là ma nói. Nếu nói rằng, khi Như Lai mới ra đời, hướng về khắp mời phương, mỗi phương đi bảy bước, đó là Như Lai phương tiện thị hiện. Những kinh luật như thế, qua đó biết là do Phật nói. Tin theo kinh luật của ma nói, nên biết hạng người ấy là thuận theo lời dạy của ma. Tin theo kinh luật do Phật nói, nên biết người ấy là Bồ-tát.

Ma lại còn nói, Như Lai đi đến miếu thờ trời rồi cung kính lễ bái,

chứ không phải là thiên thần lễ bái Bồ-tát. Vì sao? Vì thiên thần ở trước, Như Lai ở sau. Nên biết như thế là kinh luật của ma nói. Như Lai phương tiện thị hiện đi vào miếu thờ trời, chư Thiên, Đế thích, Phạm vương thảy đều cung kính làm lễ và hầu hạ Bồ-tát. Tướng mạo như thế là lời nói của Như Lai. Tin theo kinh luật do ma nói, nên biết hạng người ấy là thuận theo lời dạy của ma. Tin theo kinh luật do Phật nói, nên biết người ấy là Bồ-tát.

Ma lại còn nói, Như Lai làm Thái tử con vua, tự vui thú năm thứ dục với người trong cung và gái đẹp hầu hạ, nên biết đó là kinh luật do ma nói. Có người nói rằng, Đức Như Lai kia hiện giờ ở thâm cung, vui vẻ với gái đẹp hầu hạ trong cung, vị ấy bỏ nhà để đi học đạo giống như nhổ bỏ nước bọt. Nói như thế, nên biết ấy là kinh luật của Như Lai. Tin theo kinh luật do ma nói, nên biết hạng người ấy là thuận theo lời dạy của ma. Tin theo kinh luật do Phật nói, nên biết người ấy là Bồ-tát.

Ma lại còn nói, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, ở tại rừng cây của thái tử Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc, thu nhận và cất giữ tiền tài, vàng bạc, vật báu; nuôi dưỡng nô tỳ, voi, ngựa, bò, dê, gà, chó, mèo, chồn, khỉ, chuột; cất chứa đồng, sắt, lưu ly, chân châu, ngọc kha, vàng, bạc, ngọc báu, san hô, hổ phách; đủ mọi thứ đồ vật tạp nhạp, đủ mọi thứ nhà ở đất ruộng, đủ các thứ buôn bán; nuôi dưỡng con trai, con gái, gom góp cất giữ thóc gạo. Những việc làm như vậy là vì thương xót thế gian, cho nên thảy đều thu nhận. Những việc đại loại giống như thế, nên biết đó là lời nói của ma.

Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác xót thương hết thảy mọi loài chúng sinh, Ngài trú ở rừng Na-la, rồi nói cho vị Bà-la-môn Di-la-kỳ-la và vua Ba-tư-nặc: Này đại vương! Các đệ tử của ta thu nhận đồ vật phi pháp, đâu có lẽ đó. Nếu như họ cất chứa vàng bạc, nuôi dưỡng nô tỳ, voi, ngựa, trâu, dê, gà, chó, mèo, chồn, sóc, chuột; cất giữ đồng, sắt, lưu ly, vàng, bạc, chân châu, ngọc kha, đá ngọc, san hô, hổ phách, các thứ đồ vật tạp nhạp, đủ thứ nhà ở ruộng đồng, đủ thứ buôn bán; nuôi dưỡng con trai, con gái, gom chứa thóc gạo. Tự mình nấu chín, bảo người khác nấu chín, học xem tướng, học chú, học tiếng hót của các loài chim, suy tính năm tháng ngày giờ, khi thịnh khi suy, nhật thực nguyệt thực; ngẩng xem lịch số; học kết vòng hoa, học nghề làm mộc tinh xảo; học sách bói mộng, học sáu mươi tư nghề, uống các thuốc tiêu hóa thức ăn và trị môi răng; đeo tràng hoa, xoa hương thơm vào mình; dua nịnh quanh co, đi bách bộ, hiện ra tướng biết đủ nhưng thực sự cầu không biết chán; nói chuyện cười đùa, tham mùi vị đồ ăn thức uống, món ăn ngon bằng thịt và cá; hòa hợp các loại thuốc độc, hòa hợp các loại dầu thơm, làm các dụng cụ âm nhạc, giầy da, dù lọng; mở nhà làm tre nứa, xưởng dệt, chạm trổ, vẽ tranh, thêu hoa văn, uống đủ thứ thuốc, hòa hợp các mùi thơm; bắt chước điệu bộ nói năng chuyện trò, đứng dậy, ngồi xuống, nói cười, vui vẻ, yên lặng của nhà vua; học theo kiểu cách trang điểm, làm đồ trang sức, vòng hoa của nữ nhân; bắt chước nói năng trêu ghẹo, mặc áo quần có nhiều màu lẫn lộn; tạo ra nhà cửa lầu gác, đi vào chỗ hội hop nơi quán rượu và chốn lầu xanh, đủ mọi thứ tài vật phi pháp như thế, hoặc làm, hoặc nhận, hoặc nắm giữ, hay đem cho người khác. Như thế, thưa đại vương! Các sự việc đại loại ấy là điều Như Lai không cho phép. Vì sao? Vì những việc phi pháp này giống như loài cỏ dại làm hại mầm lúa tốt tươi, phải xử lý trừng phạt nghiêm khắc và đuổi họ ra khỏi đạo.

Người nào nói như thế, nên biết đó là nói theo kinh luật của Như Lai. Tin theo kinh luật do ma nói, nên biết hạng người này là thuận theo lời dạy của ma. Tin theo kinh luật do Phật nói, nên biết đó là Bồtát.

Ma lại còn nói, Như Lai chẳng thể nào thị hiện vào nơi miếu trời, cũng lại không thể hàng phục được các hàng trời người kia. Vị ấy cũng lại không thể nào xuất gia ở trong chín mươi sáu thứ đạo giáo, không thể hiện kiếp thành bại, không học tất cả các cách thức chữa bệnh, cũng không thể hiện ra thành người đầy tớ để sai khiến, con trai, con gái, cây thuốc, hoặc là đại thần của nhà vua. Nếu như Đức Như Lai làm những sự việc ấy thì chẳng phải là Như Lai, đó là hạng tà kiến. Như Lai bình đẳng trong cách xử sự giữa người đến xoa hương và người chặt đứt tay mình, không có sự oán giận, không có sự yêu thương, cũng không có sự việc này. Với tướng mạo như thế, nên biết đó là kinh luật của ma nói.

Như Lai thị hiện đi vào tất cả các miếu thiên thần, ở chín mươi sáu thứ đạo mà thị hiện xuất gia, hiện kiếp thành bại, đi vào các trường để học sách về chú thuật, thị hiện làm người đầy tớ bị sai khiến, làm con trai, làm con gái, hoặc làm cỏ thuốc, quốc vương, quan lớn; thị hiện vào nhà thổ; hoặc làm vị trưởng giả, cư sĩ, Phạm chí, con trai con gái nghèo túng cho đến các hạng người chẳng thành nam tính. Thị hiện đủ mọi thứ để giáo hóa rộng khắp cả hai mươi lăm cõi, mà không bị mê hoặc rối loạn bởi từng loại biến hiện kia, giống như hoa sen không dính mắc nước đục, bụi bặm, nên biết Như Lai vì việc hóa độ các chúng sinh, cho nên thuận theo thế gian. Với tướng mạo như thế, nên biết đó là kinh luật của Như Lai nói ra. Theo kinh luật của ma nói rồi tin tưởng, nên biết hạng người ấy là tùy thuận ma giáo. Theo kinh luật của Phật nói mà tin tưởng, nên biết đó là Bồ-tát.

Nói rằng kinh luật của Ta, điều mà Thế Tôn nói ra là tội, là ác, là nhẹ, là nặng, đó gọi là thô tội, đó gọi là tính tội, đó gọi là chế tội. Giới luật của Ta nói là chân thật như thế ấy, ông nói là thật, chẳng lẽ bỏ lời nói của Ta mà chọn lấy lời nói của ông chăng? Ông nói luật này là luận bàn thế tục chăng? Kinh luật này của Ta là chín bộ khế kinh do Như Lai nói đã được niêm phong ấn chứng xong, trong chín bộ kinh ấn chứng, Ta chưa từng nghe có âm thanh của một câu, một chữ, vài lời trong kinh Phương Đẳng. Như Lai nói kinh có mười bộ chăng? Bộ của kinh Phương Đẳng ấy là vô lượng, nên biết đều là do Điều-đạt làm ra, phá loại tất cả nghĩa mà nói ra lời hư dối, nói rằng kinh Phương Đẳng vượt ra ý nghĩ mà tạo ra xằng bậy là điều ta không tin.

Phật bảo Ca-diếp:

–Người nào nói như thế là làm rối loạn pháp giáo của Ta, phỉ báng khế kinh Phương Đẳng của Như Lai. Người nào nói như thế, nên biết đó là kinh luật của ma nói. Về đời sau này có hạng người như thế, ai nấy đều tự nói rằng, ta có kinh luật, rồi cùng tranh luận chung với kinh luật tà thuyết. Đối với chín bộ kinh, có các Tỳ-kheo tỏ ra biết Ta nói riêng kinh lớn Phương Đẳng Ma-ha-diễn này, họ có lòng tin và hướng về. Đối với giới luật, các vị ấy không dính mắc vào tà kiến, thảy đều có thể lìa bỏ uy nghi bất tịnh. Đối với pháp luật của Ta thì họ thanh tịnh đầy đủ, dường như vầng trăng tròn, họ biết từng kinh điển một, từng pháp luật, từng giới hạnh một, số ấy nhiều như cát sông Hằng, không thể nào nói và đếm xuể. Nghĩa lý chân thật, nghĩa lý của mọi thứ đều là do Phật nói. Nếu ai nói rằng, kinh luật của Ta không có giới ấy, nên biết đó là giới không phải do Phật nói. Người nào nói rằng, Ta hạn chế số người giữ giới này, nên biết hạng người như thế chính là người phạm giới. Nếu có kinh nói rằng, sự ít ham muốn và giữ trai giới thanh tịnh là phù hợp với lời Phật, nên biết nghĩa này đều là những điều Ta nói rõ trong kinh Ma-ha-diễn.

Nếu nói rằng Như Lai yên ổn cứu giúp và độ thoát tất cả chúng sinh, cho nên nói như thế này là kinh Phương Đẳng Đại Thừa Nê Hoàn, nên biết hạng người này quả là đệ tử của Ta. Nếu có người nào nói khác điều đó, thì Ta không phải là thầy của kẻ kia, kẻ kia không xuất gia học đạo ở chỗ của Ta, họ đều là đệ tử của kẻ ngoại đạo tà kiến. Với tướng mạo như thế, nên biết đó là kinh luật của Phật nói. Người nào tin theo kinh luật của ma nói, nên biết hạng người này là đi theo ma giáo. Nếu người nào đối với kinh luật của Như Lai nói, thuận theo rồi có niềm tin, nên biết đó là Bồ-tát.

Như Lai thành tựu vô lượng công đức, chứng đắc tuệ không, vô, Ngài nói khổ, không, vô ngã cho chúng sinh. Nay vì sự vô thường nên đã vào Nê-hoàn, cũng chẳng thị hiện tùy thuận thế gian. Người nào nói như thế, nên biết là ma giáo.

Nên biết Như Lai không thể nghĩ bàn, thành tựu vô lượng vô số công đức, là Phật Thế Tôn, chính là pháp thường trụ, không phải pháp thay đổi. Tất cả không phải là giống như chặt ngang cây Đa-la, thế mà Thế Tôn nói bốn pháp không thể độ thoát giống như chặt ngang cây Đa-la. Thế Tôn lại nói từng pháp không thể độ thoát dường như chẻ đá, nói pháp hơn người là về hạng vô gián, pháp hơn người ấy là người chưa chứng đắc Thánh quả mà nói mình đã chứng đắc.

Có một Tỳ-kheo ít muốn biết đủ, lại còn hiểu biết rộng. Nếu nhà vua, quan lớn và người đời trông thấy vị ấy, thì họ đều cung kính, rồi nói bài kệ khen ngợi Tỳ-kheo kia đủ mọi thứ công đức. Mọi người nói Tôn giả đó bỏ thân này xong sẽ thành Phật đạo. Tỳ-kheo nghe họ khen xong, bèn nói lời thế này: “Đối với người chưa đạt được quả vị, các ông đừng đem đạo quả để khen ngợi. Hễ là danh tự thì có nhiều sự ham muốn, đó là điều Phật không cho phép. Các ông hãy im lặng, đừng trọn đời làm người ưa thích pháp của ta mà gây ra danh tự nhiều sự ham muốn, chưa đạt được đạo quả, ta tự biết việc đó”. Thế nhưng, vị quốc vương và các đại thần kia nói với Tỳ-kheo: “Thưa Tôn giả! Nay cả thế giới đều nghe tin Tôn giả chính là Phật, mọi người đều theo Tôn giả để học kinh luật và ký luận”. Nên biết nhà vua và những ông quan lớn kia làm kệ tụng khen ngợi công đức vô lượng, nhưng mà Tỳkheo kia vẫn tu trì phạm hạnh, không có điều gì vi phạm. Không phải vì việc không giải thoát cũng chẳng phạm mà vị ấy tự xưng mình đạt được pháp hơn người.

Lại có Tỳ-kheo giảng nói kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, là do ở trong thân, vô lượng phiền não đều trừ diệt xong, Phật liền hiện ra rõ ràng, trừ hạng Nhất-xiểnđề”. Bấy giờ, có vị quốc vương và các đại thần hỏi Tỳ-kheo: “Ông sẽ làm Phật hay không làm Phật? Trong thân các ông đều có Phật tánh?”. Tỳ-kheo kia nói: “Chẳng biết tôi sẽ được làm Phật hay không, nhưng thật ra trong thân tôi có Phật tánh”. Các người kia lại nói với Tỳ-kheo: “Nay ông đừng làm hạng Nhất-xiển-đề, mà tự mình tính toán ta sẽ làm Phật”. Tỳ-kheo nói: “Vâng, chỉ cần trong thân ta có Phật tánh thật sự”. Tỳ-kheo kia tuy nói lời này, nhưng không phải là người tự xưng mình đạt được pháp hơn người, vì thật ra có Phật tánh, do bố thí, trì giới phát sinh.

Lại có Tỳ-kheo dấy lên sự suy nghĩ thế này: “Ta sẽ thành Phật, quyết định không nghi ngờ”. Suy nghĩ như thế tuy rằng chưa đạt được đạo quả, song phước của vị ấy vô lượng. Do ý nghĩa ấy, tất cả hàng Tỳkheo đều cần phải tu hành pháp suy nghĩ như thế. Vì sao? Vì tám mươi ức pháp chẳng thanh tịnh từ đây được lìa bỏ, sự thanh tịnh ít ham muốn đều được thành tựu, chân tánh Như Lai do pháp này mà hiện ra rõ ràng. Đến khi đạt được trăm ngàn các pháp chứa cất châu báu, Đức Thế Tôn vì lòng đại bi mà nói thế này: “Tướng mạo như vậy, nên biết đó là kinh luật do Như Lai nói”. Người nào tin theo kinh luật của ma nói, nên biết hạng người ấy là đi theo ma giáo. Người nào tin theo kinh luật của Phật nói, nên biết đó là Bồ-tát.

Lại nữa, ma còn nói rằng, cũng không có bốn tội đọa, mười ba tăng tàn, ba mươi pháp xả, chín mươi mốt pháp đọa, nhiều chúng học pháp, bốn pháp hối lỗi, hai pháp bất định, bảy cách diệt bỏ sự tranh cãi; không có tội sai trái vượt qua giới luật, cũng không có tội thô; cũng không có năm tội nghịch, không có sự chê bai kinh pháp; không có hạng Nhất-xiển-đề, cũng không có quả báo đọa vào trong địa ngục khi phạm các giới này; các vị Tỳ-kheo và người ngoại đạo ấy đều sẽ sinh lên cõi trời, thế nhưng Phật Thế Tôn vì sự khủng bố mọi người nên nói giới luật này. Nếu người nào muốn hưởng thú vui tột bực trong đời một cách thỏa thích, thì hãy nên bỏ pháp phục mà trở lại hưởng thụ năm dục, chán năm dục xong thì ăn năn hối lỗi rồi tu tập điều thiện. Như Lai còn ở đời cũng có hạng Tỳ-kheo quen theo sự hưởng thụ năm dục được sinh lên cõi trời, cũng được giải thoát. Xưa và nay có việc đó, không phải một mình ta bịa đặt, người phạm bốn pháp đọa, cho đến năm giới cấm và tất cả các luật nghi bất tịnh, thu nhận tài vật phi pháp đều được giải thoát. Nếu người nào nói lời như thế thì phạm tội sai trái vượt qua Tỳ-ni, sẽ đọa trong địa ngục tám vạn bốn ngàn năm, theo đúng cách tính ngày tháng năm ở cõi trời Đao-lợi, tội báo thuộc các thiên còn lại khác nhau, giảm sụt, nhẹ nặng, đó là lời nói lừa bịp dối trá của các luật sư, giả xưng lời Phật dạy là điều không đáng tin. Tướng mạo như thế, nên biết đó là kinh luật do ma nói, tội vượt qua Tỳ-ni rất là vi tế. Nếu có Tỳ-kheo phạm từng mỗi luật nghi vi tế này, biết mà che giấu giống như con rùa rụt cả sáu chi lại, nên biết đó là hạng người không thể gần gũi thân quen, giống như bài kệ của ta nói:

Nếu phạm tội vi tế
Người nói dối im lặng
Không kể vào đời sau
Không ác nào chẳng làm,

Những việc ấy đều là lời nói quyết định răn dạy của Như Lai, huống chi là phạm tội thô ác. Giới luật không có thô hay tế nên phải nắm giữ vững vàng. Vì Phật tánh, nếu người nào nói rằng, chín bộ kinh không nói đến chúng sinh đều có Phật tánh, lại nữa kinh Phương Đẳng cũng nói vô ngã, đó là kẻ phỉ báng chín bộ khế kinh, sao gọi là không khởi lên vọng kiến cố chấp của chúng sinh chăng? Trong chín bộ kinh, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, điều mà ta chưa từng nghe, ta nên chọn lấy điều nào? Hoặc có thể tự xưng nói pháp hơn người, nên biết những điều đó giống như nói biển cả không có các thứ vật quý báu.

Người kia tuy tiếp nhận sự học tập chín bộ khế kinh, nhưng các giáo pháp quý báu Phương đẳng cốt yếu trong biển Ma-ha-diễn không phải là cảnh giới của người kia. Thế nhưng, giáo pháp do Phật nói không phải cho hết thảy Thanh văn và Duyên giác, đều không phải là cảnh giới của người ấy. Thấy được tướng mạo nhân duyên của Phật nói, cũng lại có khả năng biết tất cả chúng sinh có Như Lai tánh, không hủy hoại tướng ngã, nhân, thọ mạng. Tâm giữ trung đạo mà nói rằng, trong thân ta đều có Phật tánh, ta sẽ được thành Phật, nay ta chỉ nên diệt hết các phiền não. Người nói như vậy chính là hàng Thanh văn của ta, nếu người nào nói khác điều này gọi là tự xưng mình có pháp hơn người.

Lại nữa, có người còn nói rằng, ta đã làm Phật, ta đã thấy pháp, trụ ở Phật địa, đó là tự mình nói được pháp hơn người. Nếu người ấy không nói như thế, những hạng người này chẳng bao lâu sẽ thành Phật đạo. Lời dạy bảo của Phật hết sức sâu xa quyết định như thế, mà ở trong các hàng Tỳ-kheo tự nói mình được pháp hơn người. Cũng vì lợi dưỡng cho nên họ dua nịnh quanh co, bước đi thong thả thị hiện thực hành việc xin ăn. Người phạm giới ngu si chưa đạt được đạo quả, mà lại hướng về mọi người rồi nói rằng mình đã đắc quả, khắp nơi nghe biết bèn cung kính phụng sự. Người ấy tăng thêm lòng tham bám riết không rời, chầu chực trông mong người ta cúng dường. Họ chẳng tu tập pháp niệm mà thị hiện uy nghi, cốt làm vui lòng người khác, ta nói hạng người đó là kẻ tự xưng mình được pháp hơn người.

Lại có Tỳ-kheo vì sự hộ trì chánh pháp nên thị hiện sự mong cầu lợi dưỡng và tham đắm tiếng tăm. Vị ấy suy nghĩ thế này, ta sẽ khiến cho tất cả mọi người nhận biết và khen ngợi ta rằng, thật quý hóa thay, rồi họ cung kính phụng sự, nhân đó, ta sẽ hàng phục kẻ ngoại đạo và người phạm giới, để làm rạng rỡ và giương cao đức độ của đấng Như Lai tôn quý nhất trong hàng chư Thiên, tuyên truyền rộng rãi kinh Phương Đẳng Bát Nê Hoàn, dìu dắt dạy bảo chúng sinh khéo hiểu rõ kinh luật và phần bù thêm vào chỗ thiếu sót của tạng luật do Như Lai nói, nuôi lớn hạt giống Như Lai trong bản thân của chính mình, chóng làm cho Phật tánh khai phát và hiện ra rõ ràng, vô lượng tai họa kết thắt bị trừ diệt cùng một lúc.

Tỳ-kheo ấy bảo cho các chúng sinh biết: Các ông đều thành tựu

tính của Như Lai làm tiêu diệt các phiền não. Tâm vì sự hộ pháp mà vị ấy nói lời như thế, ta nói hạng người này là Bồ-tát. Vì sự hộ pháp nên vị ấy không tự xưng mình được pháp hơn người. Tội vượt Tỳ-ni phải ở trong địa ngục tám vạn bốn ngàn năm, tính theo số năm ở cõi trời Đaolợi, huống gì là thô tội. Người mắc thô tội đối với Ma-ha-diễn ấy đều nên đuổi họ ra, người có giữ lấy cái gì thì ấy là thô tội, người vốn nhận bảo vệ vật trong tháp mà lấy vật như hạt cải, cho đến người không hỏi chủ mà lấy cuốn kinh đều là thô tội, người có lòng gian trá hủy hoại tháp cũng phạm thô tội, đều phải đuổi họ ra khỏi. Nếu nhà vua và đại thần có chùa tháp cũ, muốn làm nơi đặt xá-lợi để cúng dường, có lẽ vì sự cung kính nên vua lập một vị Tỳ-kheo, giao phó tiền bạc của cải cho vị ấy để làm việc kinh doanh, thế mà Tỳ-kheo kia bèn giữ lấy để sử dụng một mình, khiến cho người chủ quở mắng, hạng Tỳ-kheo ấy cũng cần phải đuổi họ ra khỏi. Cho dù người không có nam căn và người có hai căn đều nên đuổi họ ra. Vì sao? Vì vượt qua năm giới cấm. Thậm chí đối với con kiến, ta đều nên có lòng từ và ban cho nó sự không sợ hãi, đó là pháp Sa-môn. Giả sử có mùi thơm của rượu, cũng cần phải xa lìa, đó là pháp Sa-môn. Cho dù trong giấc mơ vẫn không nói dối, đó là pháp Sa-môn. Mặc dù trong mộng cũng chẳng ở chung với người nữ, đó là pháp Sa-môn. Nếu cùng ở chung với người nữ, tuy rằng không phạm giới, giống như hương hoa các thứ, khiến cho con người phóng túng, tâm khởi lên sự buông thả, đều là do ban ngày trông thấy, tâm theo đó mà nảy sinh, thì có mộng tưởng, tỉnh giấc mộng kia rồi cũng tăng thêm tâm niệm tán loạn. Khởi ý tưởng ăn thịt con mình mà thực hành pháp xin ăn, làm sao khiến cho tâm phóng túng nảy sinh được, tâm phát sinh trong mộng cần phải mau chóng trừ diệt. Tướng mạo như thế nên biết đó là kinh luật của Như Lai. Người nào theo kinh luật của ma nói mà có lòng tin, nên biết hạng người ấy là tuân theo ma giáo. Người nào theo kinh luật của Phật dạy mà có niềm tin, nên biết đó là Bồ-tát.

Người nào nói rằng, Như Lai cho phép vâng theo cách ngồi của bậc đại nhân, uy nghi đi đứng vâng chịu phép không nói chuyện, lao xuống núi, uống chất độc hại, nhịn ăn, giết hại mạng sống, trói buộc chúng sinh, tự trị thân thể, tạo tác nghiệp mậu-la, chú thuật làm mê hoặc. Hạng người Chiên-đà-la, người không đủ nam căn, người có hai căn nam và nữ, tay chân không đủ, Như Lai đều bằng lòng cho họ xuất gia, vì thương xót chúng sinh. Sữa, mật, lụa là, ngọc kha bối, thuộc da, các loại lúa gạo v.v… thảy đều không được ăn uống, nhận lãnh, đối với những cây cỏ, thì dấy lên ý tưởng thọ mạng, do lòng từ bi nên Như Lai vào Nê-hoàn diệt độ mãi. Tướng mạo như thế nên biết đó là kinh luật của ma nói. Trừ phép ngồi của bậc đại nhân và bốn thứ uy nghi ra, nếu người nào nói rằng Ta cho phép uống chất độc hại, nhảy vào lửa, nhịn ăn, lao đầu xuống vách núi, tàn sát chúng sinh, tạo tác nghiệp mậu-la, chú thuật làm mê hoặc; dùng sữa, mật, lụa là, ngọc kha bối, lúa gạo, thì dấy lên ý tưởng thịt chín, đối với tất cả cây cỏ thì dấy lên ý tưởng thọ mạng, nói như thế là điều Ta không bằng lòng. Nếu người nào nói lời này, nên biết hạng người này là đệ tử của ngoại đạo. Người nào nghe theo điều Ta cho phép rồi có thể thực hành, đó là đệ tử của Ta. Không nói bốn đại có ý tưởng thọ mạng, người nói như thế, nên biết đó là kinh luật của Phật nói, nói tỉ dụ như thế số đông nhiều vô lượng. Tin theo kinh luật của ma nói, nên biết hạng người này là tuân theo ma giáo. Người nào tin theo kinh luật của Phật nói rồi tin tưởng, nên biết đó là Bồ-tát.

Này thiện nam! Những điều nói như thế là kinh của ma nói, kinh của Phật nói có tướng khác biệt, phải nên phân biệt mới biết.

Ca-diếp bạch Phật:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con mới hiểu lời nói hết sức sâu xa của Như Lai.

Phật bảo Ca-diếp:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Ông hãy nên học tập như thế, đó là người thông minh trí tuệ.