THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH SỚ

Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ, chùa Đại Từ ân.

 

PHẨM 10: HƯƠNG ĐÀI

Tám phẩm, từ phẩm Phương Tiện trở xuống là nói về hai hạnh lợi lạc, còn phẩm này nói về hai quả lợi ích, khiến ưa thích mong cầu quả đức. Cho nên phẩm này nói về Bồ-đề xứ. Hoặc cho rằng tám phẩm trên nói riêng về hai lợi ích, phẩm này nói chung về hai lợi ích. Hương Đài là hiệu của Phật, nhờ vào quả đức của một Phật để nêu lên chỗ thù thắng của một Phật, khiến cho hàng giai vị thấp phát tâm mong cầu. Nêu lên hiệu Phật để làm tên phẩm; nói về hai lợi ích để tu tập, ánh sáng của thân Phật hiển bày; hình tướng của đài cao đều do mùi hương tích tụ mà thành, để lợi ích loài quần sinh, cho nên gọi là Hương Đài. Phẩm này nói rộng về việc trên cho nên gọi là phẩm Hương Đài.

Kinh: Bấy giờ, Xá-lợi-phất… sẽ thọ thực nơi đâu.

Tán: Toàn phẩm gồm năm đoạn:

  1. Ngài Thu Tử nghĩ đến việc thọ thực.
  2. Ngài Vô Cấu Xưng chê trách.
  3. Khiến người đến xin cơm.
  4. Được cơm trở về.
  5. Chúng đương thời được lợi ích.

Đây là đoạn văn thứ nhất. Phật chế đúng thời mới được thọ thực, phi thời không được thọ thực. Giờ thọ thực đã đến, vì thế mới suy nghĩ. Ma-ha tức là Đại, Tát-đỏa tức hữu tình, để phân biệt với giai vị thấp nói ở trước nên nói là Đại hữu tình. Bản dịch xưa ghi: “Bồ-tát sẽ thọ thực nơi đâu”, ở đây nói cũng có Thanh văn.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… mà nghe chánh pháp.

Tán: Đoạn thứ hai, ông Vô Cấu Xưng chê trách bảo thôi. Đây là lời chê trách. Tùy thuận Tiểu thừa thì tám giải thoát là để trừ tham dục, còn tám giải thoát của Đại thừa là trừ định chướng. Vả lại, trong định chướng thì tham là đầu. Tám giải thoát quán là trừ tham dục của năm cảnh. Nhân giả nay đã trụ, tham dục đã hết, mà tài thực còn mong cầu thì tâm nhiễm ô vẫn còn, chớ nên dùng tâm nhiễm ô mà nghe pháp; cần phải trừ sự ham muốn tài thực mà nguyện phát sinh pháp thực. Kinh Ahàm nói có chín loại thức ăn là: đoàn thực, xúc thực, tư thực, thức thực, thiền diệt thực, nguyện thực, niệm thực, giải thoát thực và hỷ thực, nên phải thường nghĩ xả bỏ bốn loại thực trước, mà nên chuyên cần ưa thích tu tập năm loại thực xuất thế gian kể sau, cho nên nói nhân giả đã trụ giải thoát, chớ để tài thực nhiễm ô tâm mình, tài thực thuộc về đoàn thực.

Kinh: Nếu muốn thọ thực… được thức ăn chưa từng có.

Tán: Đây là bảo thôi dứt. Tức thôi đừng nghĩ đến nữa, hứa sẽ nói.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… thần thông thù thắng.

Tán: Đoạn thứ ba, bảo người đến xin cơm, gồm bốn phần:

  1. Nêu lên nơi có thức ăn.
  2. Chọn ai có thể đến đó xin.
  3. Sai hóa nhân truyền lại lời này.
  4. Khiến thừa oai lực đến xin cơm.

Đây là văn thứ nhất, lại gồm có ba:

  1. Nêu chung về việc khởi dụng.
  2. Nêu riêng điều chỉ bày.
  3. Kết luận chúng đều thấy.

Đây là đoạn văn thứ nhất. Tuy thường ở trong định, vì thuận thế tục cho nên hôm nay lại nhập định. Nếu chẳng hiện thần thông, thì rốt cuộc họ chẳng thấy được cõi kia.

Kinh: Chỉ cho các Bồ-tát… an ổn trụ trì.

Tán: Đây là văn thứ hai nêu riêng về điều chỉ bày. Có mười bốn câu. Đoạn này gồm sáu câu:

  1. Khiến người thấy, tức Bồ-tát và Thanh văn.
  2. Nêu xứ sở, tức là phương trên.
  3. Xa gần, tức bốn mươi khắc-già-sa… .
  4. Tên cõi, tức cõi Nhất thiết Diệu Hương, vì tất cả cõi nước đều do mùi hương vi diệu tạo thành.
  5. Hiệu của Phật, tức Hương Đài.
  6. Khởi diệt tức hiện đang trụ trì.

Kinh: Trong thế giới kia… tất cả đều viên mãn.

Tán: Đoạn này gồm hai:1, Nói tổng quát về mùi hương rất thù thắng, vì do tu nhân năm uẩn thù thắng, nên chúng sinh cõi này nghe được mùi hương đó mà vào đạo; vì việc lợi lạc chúng sinh của chư Phật chẳng phải là một và để phá sự đắm trước mùi hương của loài hữu tình thế gian; hai là hiển thị cây cối phát ra mùi hương xông khắp nơi.

Kinh: Trong đó không có tên Nhị thừa… vì họ thuyết pháp.

Tán: Đoạn văn này có hai:

  1. Chỉ có chúng Đại thừa.
  2. Đức Phật ứng hợp thuyết pháp.

Kinh: Trong thế giới đó… vô lượng cõi Phật.

Tán: Đoạn văn này cũng có hai:

  1. Các việc đều do mùi hương tạo thành.
  2. Thọ thực mùi hương là bậc nhất; lìa hương vị và xúc, cả ba là thể của thức ăn, chất hương làm lợi ích, mùi hương là bậc nhất.

Kinh: Bấy giờ, Đức Như Lai kia… và các Bồ-tát.

Tán: Đoạn văn này cũng có hai:

  1. Phật… mới cùng thọ thực, thọ thực ắt nương vào đây, là cơ hội làm lợi ích.
  2. Hương Nghiêm cúng dường, hiển thị phước điền của Phật, vì chúng sinh tu hành pháp cúng dường. Bản dịch xưa ghi: “Có các Thiên tử đều tên là Hương Nghiêm”. Đây chỉ có một người, hai bản khác nhau.

Kinh: Bấy giờ, đại chúng này… các việc như thế.

Tán: Đây là đoạn tổng kết, đại chúng đều thấy.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… lấy thức ăn Diệu Hương.

Tán: Thứ hai, chọn người có thể đến kia xin cơm. Gồm có bốn:

  1. Hỏi đại chúng.
  2. Im lặng trả lời.
  3. Hỏi lại.
  4. Trách cứ.

Đây là văn đầu. Suy cử tất cả chúng chẳng được, mới tự hóa hiện. Vì muốn hiển thị tâm kính nhường là đức, cho nên mới lễ suy cử đại chúng.

Kinh: Do Bồ-tát Diệu Cát Tường… đều im lặng.

Tán: Đây là phần im lặng thay lời đáp. Ý nghĩa của sự im lặng gồm có bốn:

  1. Thức ăn dùng để đãi khách, khách chẳng nên đi, ngài Cát Tường lấy làm lạ về việc Vô Cấu hỏi khách, cho nên đều khiến cho im lặng.
  2. Đại sĩ cầu pháp, chẳng theo tài thực, tuy có suy cử, nhưng cũng khiến cho im lặng.
  3. Hiển thị việc các Bồ-tát chẳng bị nhiễm ô đối với thức ăn, cho nên đều khiến tất cả im lặng, để làm rõ chỗ sâu xa này.
  4. Nên rõ việc ngài Vô Cấu Xưng có thần thông tự tại, chỉ cho các Bồ-tát thấy, khiến vui thích kính ngưỡng.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… khiến họ như thế.

Tán: Đây là phần hỏi lại. Bồ-tát vì lợi ích hữu tình, vâng mệnh đến vấn an, đàm luận, đặt tòa; tòa tuy đặt đã lâu, luận đàm kế đó mới bày, cho nên hỏi ngài Cát Tường vì sao không dùng thần lực gia hộ cho các Bồ-tát, mà khiến cho họ đều im lặng chẳng đáp.

Kinh: Bồ-tát Diệu Cát Tường nói… chớ khinh người chưa học.

Tán: Đây là đoạn trách cứ. Nguyên do khiến im lặng đã trình bày ở trước. Đối với chúng mà chê khinh, nghĩ rằng chẳng phải là điều nên làm, cho nên nay trách cứ chớ khinh người chưa học. Chưa học còn chẳng thể khinh, thì bậc đã có đức sao lại xem thường được? Vì sự việc chưa thể biết được.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… che mờ đại chúng trong hội.

Tán: Đoạn thứ ba, hóa hiện khiến truyền lại lời này. Gồm hai:

  1. Nói về thần thông hóa hiện.
  2. Khiến truyền lại lời nói.

Đây là văn thứ nhất. Hỏi: Vì sao xin tòa, tâm nghĩ thì tòa đến, nay xin cơm, vì sao phải sai hóa nhân đến xin? Đáp: Thức ăn thì tùy theo khách đến, cho nên khiến hóa nhân, tòa ngồi thì không tùy theo khách xin tòa, cho nên xin tòa chẳng cần khiến đến xin. Vả lại thần thông biến hóa thì quyền nghi chẳng phải là một, hà tất chỉ khiến hóa nhân, chưa hẳn đều không tin.

Kinh: Mà bảo rằng… mới cùng ngồi thọ thực.

Tán: Từ đây là đoạn truyền lại lời nói, gồm có hai:

  1. Nêu xứ sở.
  2. Truyền lời nói.

Đây là văn nêu xứ sở.

Kinh: Ông đến nơi kia… ở có an lạc chăng.

Tán: Đây là đoạn văn truyền lại lời nói. Gồm có bốn:

  1. Dạy phép tắc, tức đến đảnh lễ.
  2. Khiến cung kính vấn an, nên nói rằng.
  3. Xin cơm.
  4. Lý do.

Đoạn này gồm hai câu là một và hai. Bản dịch xưa chỉ có truyền nói và đảnh lễ, không có lời dạy hóa nhân đến đó đảnh lễ.

Kinh: Lóng tâm nhiễu về bên phải… làm Phật sự.

Tán: Chánh thức nói về xin cơm.

Kinh: Khiến cho các hữu tình thấp kém… tiếng tăm vang khắp.

Tán: Nguyên do xin cơm, có hai:

1. Thấy cơm liền phát tâm gọi là vui thích Đại Tuệ; chúng sinh được lợi ích và phát dương đức của Phật gọi là tiếng tăm vang xa. Do hai nghĩa này mà khiến xin cơm.

Kinh: Bấy giờ, vị hóa Bồ-tát… chân của Phật Hương Đài.

Tán: Phần thứ tư, Hóa nhân thừa oai thần đến xin cơm. Có hai:

  1. Thấy đến cõi kia.
  2. Nghe truyền lại lời dặn dò.

Đây là văn thứ nhất.

Kinh: Lại nghe nói rằng… trụ có an vui chăng?

Tán: Nghe truyền lại lời dặn. Có ba câu:

  1. Nghe cung kính thăm hỏi.
  2. Nghe xin cơm.
  3. Nghe nguyên do.

Đây là câu thứ nhất.

Kinh: Lóng tâm đi nhiễu bên phải… mà làm Phật sự. Tán: Đây là câu nói về xin cơm.

Kinh: Khiến hữu tình thấp kém… danh tiếng vang xa.

Tán: Đây là nghe nói nguyên do.

Kinh: Bấy giờ chúng hội Bồ-tát ở phương trên… vì sao gọi là hàng thấp kém thích dục lạc?

Tán: Đoạn lớn thứ tư nói về việc xin được cơm trở về. Gồm sáu ý:

  1. Còn ở tại cõi kia chưa về.
  2. Được cơm trở về.
  3. Mọi người nghe đều vân tập.
  4. Khuyên mọi người dùng cơm.
  5. Chúng cõi này hỏi về Đức Phật cõi kia.
  6. Chúng cõi kia hỏi về Phật pháp ở cõi này.

Trong ý thứ nhất lại có bốn câu:

  1. Bồ-tát khen ngợi han hỏi.
  2. Đức Phật cõi kia trình bày.
  3. Xin nói lại nguyên do.
  4. Nói rộng về đức tôn quý.

Tán thán thì có thể tự biết được. Về câu hỏi thì có ba:

  1. Hỏi đến phương Đông.
  2. Hỏi cõi nước.
  3. Hỏi về ý tại sao nói thấp kém.

Tất cả đều như văn kinh đã ghi.

Kinh: Liền hỏi Đức Hương Đài Như Lai tối thượng… vì chúng con mà nói việc này.

Tán: Kết luận xin trả lời giải thích.

Kinh: Đức Phật liền dạy rằng… tuyên dương chánh pháp.

Tán: Đức Phật cõi kia chỉ bày. Gồm hai:

  1. Nói về Đức Thích-ca.
  2. Nói về ngài Vô Cấu.

Đây là nói về Đức Thích-ca, xuất hiện ở đời có năm điều xấu ác, vì độ các hữu tình dục lạc thấp kém mà tuyên dương chánh pháp. Câu trả lời này đã trả lời hai câu hỏi là trả lời về xứ sở tức từ câu phương dưới…, và trả lời câu hỏi về ý nghĩa hạ liệt ý lạc, tức nói hữu tình ở đời có năm điều xấu ác, tiếng Phạm Khứ-tố-ha, Hán dịch là kham nhẫn, tức hay nhẫn chịu các việc khổ não, như các việc Thiên Thọ ra máu, Thiện

Tinh quét sạch dấu vết…

Kinh: Cõi ấy có Bồ-tát tên là… khai thị diệu pháp.

Tán: Đây là nói về ngài Vô Cấu, có hai:

  1. Nói về thân mình.
  2. Nói về sai hóa Bồ-tát.

Đây là ý thứ nhất.

Kinh: Sai hóa Bồ-tát… căn lành tăng tiến.

Tán: Đây là nói về sai khiến hóa Bồ-tát. Sở dĩ xưng dương Ta và cõi này là muốn khiến cho các Bồ-tát cõi kia tăng tiến căn lành, tức là ý nghĩa của câu “Sẽ ưa thích đại tuệ” nói ở trước. Đây là trả lời câu hỏi từ đâu đến.

Kinh: Chúng Bồ-tát cõi kia… không sợ sệt như thế.

Tán: Hỏi lại nguyên do. Ông Vô Cấu Xưng kia đạo đức thế nào mà thần thông vô úy đáng kính nể như thế?

Kinh: Đức Phật kia nói rằng… vô lượng hữu tình.

Tán: Đây là nói rộng về Đức Bồ-tát Sơ địa có thể biến khắp trăm trăm ức cõi nước, Bồ-tát Địa thứ hai có thể biến khắp một ngàn trăm ức cõi, cho đến Bồ-tát Địa thứ mười có thể biến cùng khắp tất cả cõi nước trong mười phương. Trong giây lát có thể khiến hóa nhân đi khắp nơi làm Phật sự, lợi lạc loài hữu tình. Ông Vô Cấu Xưng kia, đức và vị đã

cao tột, nên mới được như thế.

Kinh: Bây giờ, Hương Đài Như Lai tối thượng… tay của hóa Bồtát.

Tán: Đoạn thứ hai, xin được cơm trở về, gồm bảy câu:

  1. Hương Đài và cơm.
  2. Bồ-tát xin đi.
  3. Đức Phật cõi kia chấp nhận.
  4. Bồ-tát đến cõi này.
  5. Hóa tòa ngồi tiếp khách.
  6. Mùi hương của cơm xông khắp.
  7. Đại chúng nghe đều khoan khoái và kinh ngạc.

Đây là văn thứ nhất. Có một vật chứa mùi hương hay sinh ra các mùi hương đựng đầy loại cơm thơm, trao cho hóa Bồ-tát. Nhờ Phật lực gia bị mà có đầy cơm để trao cho, đó là hiển thị Phật Từ bi muốn lợi ích tất cả, tự làm đầy cơm trao cho thì hoặc để hiển thị do Phật chưa hẳn đã tự đầy.

Kinh: Bấy giờ, cõi Phật kia… nghe chánh pháp.

Tán: Thứ hai, Bồ-tát xin đi. Xin đi đến cõi này lễ kính Tam bảo. Đây là lễ kính Phật và nghe chánh pháp. Bản dịch xưa không có ghi pháp.

Kinh: Đồng muốn chiêm ngưỡng lễ kính… gia hộ cho phép.

Tán: Đây là kính lễ Tăng. Trình bày ý xin đi, nguyện mong cho phép.

Kinh: Đức Phật cõi kia dạy rằng… nay đúng là lúc nên đi.

Tán: Thứ ba, Phật cho phép và dặn bảo. Có hai ý:

  1. Cho phép.
  2. Dặn bảo.

Đây là ý thứ nhất.

Kinh: Các ông phải nên… mê mờ buông lung.

Tán: Đây là lời dặn bảo, có ba:

1. Bảo nên thâu nhiếp mùi hương.

2. Ẩn dấu sắc tướng.

3. Bảo khi đến thế giới kia chớ nên sinh ý tưởng cho là thấp kém. Hoặc đầu tiên nói về người, kế đó nói về thế giới cho nên dặn bảo. Đầu tiên có hai lời bảo, đây là lời văn thứ nhất. Thế giới kham nhẫn chỉ có mùi hôi chẳng có hương thơm, nên vừa nghe mùi hương vi diệu, e rằng sinh mê mờ đắm nhiễm yêu thích, đã mê muội rồi thì không thể rõ biết bèn sinh buông lung, chẳng tự sách tấn.

Kinh: Các ông nên tự ẩn dấu sắc tướng… tâm sinh xấu hổ.

Tán: Đây là bảo nên ẩn dấu sắc tướng. Bậc Đại Bồ-tát cõi kia có tướng quý và vẻ đẹp trang nghiêm thân, sắc tướng đẹp đẽ bậc nhất. Các vị Bồ-tát nhỏ ở cõi này tùy thuận cõi xém xấu mà sinh, nên bên ngoài không có sắc tướng đẹp đẽ, vậy khi nhìn người xem lại mình thì tâm sẽ sinh hổ thẹn, vì thế nên phải ẩn dấu sắc tướng chớ khiến họ sinh tâm kia.

Kinh: Các ông ở nơi… mà làm chướng ngại.

Tán: Bảo đến cõi kia chớ nên sinh ý tưởng cho là hạ liệt. Đầu tiên là nêu lên, sau là giải thích.

Đây là phần đầu. Thế giới Diệu Hương đều do hương quý giá tạo thành, thế giới này toàn là nơi dơ xấu thật thấp kém. Chướng ngại có hai: Đối với thế giới sinh ý tưởng thấp kém, thì tâm sinh ti tiện chẳng kính Phật cõi ấy chẳng thể độ sinh, tự làm chướng ngại; hai là, đối với thế giới sinh ý tưởng thấp kém, thì tâm sinh thấp hèn chẳng hóa độ người, làm chướng ngại cho chúng sinh ở cõi ấy.

Kinh: Vì sao?… không sai biệt.

Tán: Đây là giải thích ý dặn bảo. Tất cả cõi nước không có thật thể, giống như hư không, hoặc là cõi pháp tánh không có tướng trạng, như hư không, đâu có gì là thiện, là ác? Chư Phật vì hóa độ quần sinh, nên tùy chỗ ưa thích mà thị hiện, nhiễm hay tịnh không nhất định. Nhưng báo độ do Phật cảm nên thì thanh tịnh không sai khác, cho nên biết cõi của Đức Thích-ca là uế là do tùy chỗ ưa thích mà hiện, nhưng bản độ thanh tịnh không khác với cõi của Ta, vì thế chẳng nên sinh ý tưởng cho cõi kia là thấp kém.

Kinh: Bây giờ, vị Hóa Bồ-tát… tự nhiên hiện ra.

Tán: Thứ tư, chúng cõi kia đến cõi này. Đức Phật kia cho phép đến để hợp với ý của Tịnh Danh, tâm Vô Cấu nghĩ để lợi lạc chúng sinh hợp cơ. Cho nên cả hai nương vào oai thần mà tự nhiên hiện đến.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… đều ngồi trên đó.

Tán: Đoạn thứ năm là hóa hiện các tòa ngồi để tiếp khách. Sắp đặt tòa ngồi để tiếp đãi khách là phép tắc thông thường, cho nên phải hóa hiện ra để khách quý ngồi.

Kinh: Bấy giờ, vị Hóa Bồ-tát… mùi hương thơm ngào ngạt.

Tán: Thứ sáu, hương của cơm xông khắp, gồm ba ý:

  1. Trao bát chứa cơm.
  2. Xông khắp thế giới.
  3. Do mùi hương thơm ngào ngạt, tất cả đều như văn kinh đã ghi, có thể tự biết.

Kinh: Thành lớn Quảng Nghiêm… thân tâm thư thái.

Tán: Thứ bảy, đại chúng nghe mùi hương thân tâm thư thái và kinh ngạc.

Kinh: Bấy giờ, trong thành này… vào thất của ông Vô Cấu Xưng.

Tán: Đoạn thứ ba nói về mọi người nghe mùi hương vân tập đến.

Có hai ý:

  1. Vua và nhân dân vào trượng thất.
  2. Trời thần cùng đến.

Đây là muốn hiển thị việc đáng tôn quý, u và hiển đều đầy đủ.

Vua và nhân dân gồm có ba:

  1. Vào.
  2. Khen ngợi.
  3. Lễ kính.

Đây là phần thứ nhất. Người nghe mùi hương ở gần đều đến.

Kinh: Thấy trong ngôi trượng thất này… khen là điều chưa từng có.

Tán: Thứ hai, khen ngợi. Thấy rất nhiều người, thấy tòa cao rộng, cho nên tâm sinh vui vẻ, khen là điều chưa từng có.

Kinh: Lễ các Bồ-tát… lại đứng về một bên.

Tán: Thứ ba là lễ kính. Bồ-tát và Thanh văn biến thân tướng xứng với tòa, các người đến thấy thế, liền kính lễ.

Kinh: Bấy giờ, các Địa thần… đến trượng thất của Vô Cấu Xưng.

Tán: Đây là trời thần đến. Hàng có oai linh nghe hương theo lý phải tìm đến, hà huống các vị có oai đức nghe rồi mà chẳng đến sao? Chư Thiên ở cõi Sắc tuy không có tỷ thức, nhưng các Thánh căn liên quan nhau, cho nên nghe được mùi hương cũng đã đến; lẽ ra phải nói y nơi định mà biết mùi hương, cho nên cũng đến.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… thức ăn có vị cam lộ.

Tán: Đoạn thứ tư, khuyên mọi người thọ thực, gồm sáu:

  1. Khuyên tất cả đều dùng.
  2. Có người nghĩ cơm ít.
  3. Hóa nhân cật vấn.
  4. Ăn xong vẫn còn thừa.
  5. Ăn xong thân tâm được an lạc.
  6. Thân phát ra mùi hương.

Đây là văn thứ nhất, lại có hai câu:

  1. Khuyên.
  2. Răn dạy.

Đây là lời khuyên. Món cơm này là vị cam lộ do Hương Đài Như Lai ban cho, có thể làm tiêu tất cả những phiền não độc hại, đó là thức ăn có vị thượng diệu.

Kinh: Món cơm như thế… nhất định chẳng thể tiêu.

Tán: Đây là lời răn dạy. Chư Phật thực hành Đại bi, huân kết thân tâm mà biến sinh món cơm này, vốn muốn làm lợi ích loài hữu tình, chớ nên dùng tâm thấp kém có một ít lợi lạc sinh tử mà ăn món cơm này, không có từ bi thì nhất định cơm chẳng tiêu, đó là ý nghĩa răn dạy quần sinh.

Kinh: Bấy giờ, trong chúng… đại chúng nhiều như thế.

Tán:Thứ hai, có vị nghĩ cơm có quá ít.

Kinh: Hóa Bồ-tát… vô lượng phước tuệ.

Tán: Thứ ba, hóa Bồ-tát cật vấn, có hai ý:

  1. Lược hỏi.
  2. Giải thích rộng.

Lược hỏi lại có hai:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.

Đây là phần nêu lên. Món cơm này là do Như Lai ban cho, chớ nên dùng ít phước nhỏ để nghĩ là chẳng đủ.

Kinh: Vì sao… rốt cuộc chẳng thể hết.

Tán: Đây là lời giải thích. Nước ở biển thì vô cùng, món cơm cũng vô tận. Do sức Phật lập bày cho nên như thế.

Kinh: Giả sử vô lượng đại thiên thế giới… còn chẳng thể hết.

Tán: Giải thích rộng nghĩa đã nêu trên, gồm có hai: Đầu tiên là nêu lên, sau là giải thích. Giả sử tất cả hữu tình trong cõi đại thiên, mỗi mỗi dùng tay vắt một nắm cơm này to như núi Diệu cao, trải qua một kiếp mà ăn vẫn không thể hết.

Kinh: Vì sao?… rốt cuộc chẳng thể hết.

Tán: Giải thích lý do. Năm phần pháp thân như trước đã giải thích. Thức ăn từ vô biên nhân này sinh ra, nên quả cũng vô lượng, Phật dùng còn thừa, cho nên hữu tình trải qua một trăm kiếp ăn vẫn chẳng hết.

Kinh: Bấy giờ, đại chúng… mà vẫn còn thừa.

Tán: Ăn xong vẫn còn thừa. Vừa thấy bát cơm thì nghĩ chỉ một người ăn là hết, nhưng nhờ đức của Phật gia hộ, cho nên ăn không bao giờ hết.

Kinh: Bấy giờ, các Thanh văn…

Tán: Thứ năm, ăn xong được an lạc. Đầu tiên là nêu pháp, sau là dụ. Được mùi hương vi diệu giữ gìn, oai đức của bậc Thánh tiếp dẫn, vốn vì muốn cứu giúp chúng sinh, cho nên thân an lạc. Nêu dụ nói rằng người ăn cơm này thì thân như thân an định của các Bồ-tát ở thế giới an lạc trang nghiêm, trong tất cả báo độ ở mười phương, vui vẻ khoan khoái không còn phiền não, giống như cõi kia. Không chỉ ở thế giới cực lạc Tây phương mà cả thế giới an lạc ở mười phương, đều được lấy làm dụ.

Kinh: Các lổ chân lông trên thân… các mùi hương vi diệu.

Tán: Thứ sáu, thân phát ra mùi hương. Người ăn cơm này cũng như các cây Diệu Hương trong cõi Diệu Hương ở mười phương, thường phát ra mùi hương, ngày đêm không dứt. Không chỉ lấy cây hương ở thế giới Diệu Hương ở phương trên làm dụ mà lấy tất cả thế giới Diệu Hương ở mười phương làm dụ, ý nghĩa cũng không khác.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… thuyết pháp như thế nào?

Tán: Đoạn thứ năm hỏi Đức Phật kia, gồm có hai:

  1. Hỏi.
  2. Đáp.

Đây là lời hỏi. Giai vị thấp, có người chẳng biết, cho nên thử hỏi xem các ông có biết chăng?

Kinh: Các Bồ-tát cõi kia… thảy đều điều phục.

Tán: Đây là lời đáp, có hai:

  1. Trả lời sự bất đồng.
  2. Giải thích tướng lợi ích.

Đây là văn thứ nhất. Chẳng giống với cõi nước này căn cứ vào âm thanh mà phát khởi ngôn từ để thuyết pháp, mà chỉ dùng mùi hương vi diệu, khiến họ dứt ác. Cho nên nói điều phục.

Kinh: Các Bồ-tát cõi kia… công đức của Bồ-tát.

Tán: Giải thích tướng lợi ích. Bồ-tát tọa thiền dưới gốc cây hương này, mùi hương phát ra các vị này nghe được liền đạt được định thù thắng. Định là căn bản để phát tuệ, công đức của Bồ-tát đầy đủ do đây mà sinh. Định hay phát sinh tất cả công đức, cho nên gọi là định nhất thiết đức trang nghiêm.

Kinh: Bấy giờ, các vị Bồ-tát ở phương trên… thuyết pháp như thế nào.

Tán: Đây là đoạn thứ sáu các Bồ-tát cõi kia hỏi pháp ở cõi này.

Toàn văn gồm có sáu phần:

  1. Hỏi về hóa nghi.
  2. Trả lời về hóa pháp.
  3. Bồ-tát cõi kia khen ngợi.
  4. Nói về việc thành tựu.
  5. Hỏi về nhân sinh tịnh độ.
  6. Trả lời về nghiệp đắc sinh tịnh độ.

Đây là phần thứ nhất.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… mà điều phục giáo hóa họ.

Tán: Thứ hai, là trả lời về hóa pháp, có ba:

  1. Nêu lên là dùng lời.
  2. Luận riêng về tướng của lời nói.
  3. Giải thích nguyên do của lời nói.

Đây là ý thứ nhất. Phàm giáo hóa là phải thích ứng với cơ nghi, cơ nghi đã khó điều phục, thì việc giáo hóa phải cứng chắc, dùng lời nói dẫn dắt làm lợi ích. Nếu đầu tiên chúng sinh tin theo, thì nên dùng mùi hương để hướng dẫn. Vì chúng có trái nghịch nên phải dùng lời nói cang cường để giáo hóa mà điều phục họ.

Kinh: Vì sao gọi là… lời nói cang cường?

Tán: Đây là luận riêng về tướng của lời nói, có ba là hỏi, đáp và kết luận thành tựu ý nghĩa. Đây là lời hỏi.

Kinh: Tức nên nói… đây là các căn thiếu khuyết.

Tán: Đây là lời đáp, có hai:

  1. Gồm bốn đoạn nêu lên nhân ác quả ác khiến mọi người nhàm chán xa lìa.
  2. Gồm hai mươi đôi, chỉ chung về thiện ác khiến người sinh vui thích và nhàm chán.

Đây là đoạn thứ nhất gồm năm câu nêu lên quả ác. Vô hà sinh nghĩa là sinh vào tám cõi không an ổn, nghĩa vô hà như trước đã giải thích. Trong ba ác thú, lẽ ra nên nói xứ sở, hình lượng, tướng khổ thọ mạng có hạn, như những chỗ khác đã nói, nhưng sợ văn dài dòng nên không thuật,

Kinh: Đây là thân làm việc ác… là quả của ý làm việc ác.

Tán: Thứ hai gồm ba câu nêu lên nhân quả ác của ba nghiệp. thể tánh của ba nghiệp có biểu hiện và không biểu hiện. Các văn nhiều ít, thế giới rộng hẹp, đều như đã nói ở chương trước, nhưng chung cho ba loại là căn bản, gia hạnh và hậu khởi, nghiệp nặng nhẹ, tất cả đều thuộc vào đây. Cho nên ngoài mười nghiệp đạo ác lại nói riêng về ba nghiệp.

Nghiệp đạo chỉ có nặng vì chỉ thuộc căn bản.

Kinh: Đây là đoạn sinh mạng (sát sinh)… là quả của dục tà hạnh.

Tán: Đoạn thứ ba gồm mười câu nêu lên nhân quả của mười nghiệp đạo ác. Thân có ba ác, “bất dữ thủ” bản xưa ghi là trộm cắp; không chỉ cướp đoạt trộm cắp mới gọi là thuộc tội này; nay muốn hiển thị tất cả những vật người không cho mà cưỡng lấy đều thuộc về tội này, cho nên gọi là bất dữ thủ. Dục tà hạnh, dục tức tham dục, hiển thị tất cả thời đều là tham dục cho nên muốn cái chẳng phải vật của mình. Dẫu là của mình mà hành phi thời, phi xứ, phi lượng, phi độ thì cũng thành nghiệp đạo… khác với của mình mà hành phi nghiệp đạo, nên gọi là tà hạnh.

Kinh: Đây là lời hư dối… là quả của lời nói tạp uế.

Tán: Đây là bốn ác về lời nói. Tâm cảnh trái nhau thì gọi là hư, khiến cho người khác hiểu việc này thì gọi là dối gạt. Nếu lời vọng nói sinh tử là thật ngữ cũng gọi là vọng ngữ, vì thể đều hư vọng. Ly gián ngữ, bản dịch xưa ghi là lưỡng thiệt; lưỡng đầu thủ thiệt có thể gọi là lưỡng thiệt; ngũ đầu thủ thiệt có thể gọi là ngũ thiệt. Do đó nên gọi là ly gián ngữ, tức dùng lời nói chia cách tình thân hảo của người. Thô ác ngữ, bản dịch xưa ghi là ác khẩu, đây chẳng là miệng ác mà là lời ác, vì phát ra lời hèn kém, thô bỉ của thế tục, đáng ghét nên gọi là thô ác ngữ. Tạp uế ngữ, bản dịch xưa ghi ỷ ngữ, trau chuốt gọi là ỷ, các lời khen tặng đều gọi là ỷ ngữ. Nay nói tạp uế, thì dùng văn từ trau chuốt tạp nhạp, bỉ ổi nên gọi là uế, các lời khen tặng không có các lỗi này.

Kinh: Đây là tham dục… quả báo của tà kiến.

Tán: Đây là ba nghiệp ác của ý. Tên của quả ác nghiệp này mỗi mỗi có bốn:

1. Quả dị thục, tức là tạo mười nghiệp đạo ác phẩm hạ, sinh vào ngạ quỷ, tạo mười nghiệp đạo ác phẩm trung thì sinh vào súc sinh; tạo mười nghiệp đạo ác phẩm thượng thì sinh vào Na-lạc-ca. Quả trời người thì đều do nghiệp thiện chiêu cảm. Dẫu cho có nghiệp quả bất thiện của biệt báo thì chẳng gọi là Dị thục. Do đó chỉ nói tại ba ác thú.

2. Quả đẳng lưu, tức là từ đường ác chết đi sinh vào cõi người; do sát sinh, cho nên thân nhiều bệnh thọ mạng ngắn ngủi; do bất dữ thủ cho nên nghèo cùng, do dục tà hạnh nên vợ chẳng trinh thuận; do nói lời hư dối nên luôn bị phỉ báng, do nói lời ly gián nên bạn bè chia cách; do nói lời thô ác nên luôn nghe những âm thanh không như ý; do nói lời tạp uế nên lời nói chẳng nghiêm túc, do tham dục nên tham tâm càng mạnh, do sân hận nên tâm sân càng lớn, do tà kiến nên tà kiến càng tăng.

3. Quả tăng thượng, do sát sinh cho nên tất cả những vật dụng đều thiếu thốn hoặc chẳng có gì, do bất dữ thủ cho nên phần nhiều gặp sương và mưa đá, do dục tà hạnh nên thường gặp bụi bặm; do nói lời hư dối nên thường gặp mùi hôi thối, do nói lời ly gián nên thường gặp chốn hiểm trở; do nói lời thô ác, nên nơi đất sinh sống thường là dơ xấu, đá sỏi, chua mặn, do nói lời tạp uế nên thường gặp thời tiết biến đổi trái nghịch, do tham dục nên quả hạt được ít, do sân hận nên mùi vị của quả thường đắng cay; do tà kiến nên mùi vị của quả đắng hoặc cay hoặc hoàn toàn không kết quả.

4. Quả sĩ dụng, khiến cho hai pháp tương ưng và câu hữu tăng trưởng, hoặc cho rằng không có một thể riêng biệt, tức do năm uẩn giả của ba quả trên chiêu cảm, không có nhiều tướng riêng biệt, cho nên không kể ra. Mỗi một quả như thế đều đã được luận Du-già năm mươi chín, sáu mươi; luận Đối Pháp bảy, và kinh này đã nói.

Kinh: Đây là xan lận… là quả báo của ngu si.

Tán: Đoạn thứ tư có sáu câu nói về nhân quả của sự xấu ác, cũng gồm có ba quả, theo trước tự có thể biết, tùy theo nghĩa mà phối hợp.

Kinh: Đây là sở học đã thọ nhận… đây chẳng phải là điều nên làm (phi ưng tác).

Tán: Đây trở xuống là hai mươi đôi đối đãi. Bản dịch xưa chỉ có mười chín đôi chung cho thiện ác, khiến người sinh tâm chán ghét hoặc ưa thích. Đoạn này gồm ba đôi. Sở học đã thọ tức là giới luật khi mới thọ. Trì biệt giải thoát tức là giữ già giới, hoặc đầu tiên là già giới, sau là tánh giới; hoặc sau là đầu tiên vì đầu tiên đã xa lìa ác; hoặc đầu tiên là sau cùng, vì khiến lãnh thọ; giải thích theo trên thì có thể biết. Đây là ưng tác tức là tác trì giới; phi ưng tác tức chỉ trì giới hoặc tác phạm giới.

Kinh: Đây là Du-già… đây chẳng phải là chướng ngại.

Tán: Đoạn này gồm ba đôi đối đãi. Du-già nghĩa là quán hành tương ưng. Vĩnh đoạn tức dùng Thánh đạo diệt trừ. Chướng ngại tức là pháp chướng ngại Thánh đạo.

Kinh: Đây là phạm tội… đây là tà đạo.

Tán: Đoạn này gồm ba đôi. Xuất tội tức pháp sám hối. Tạp nhiễm, nhiễm nghĩa là phiền não… cùng với nhiễm xen lẫn, tức các pháp hữu lậu.

Kinh: Đây là thiện… đây là lỗi lầm.

Tán: Đoạn này gồm sáu đôi. Thuận với chánh lý lợi ích hữu tình gọi là thiện; có thể bị hủy hoại gọi là thế gian, đáng chán đáng sợ gọi là tội. Lậu tức phiền não, giống như ngôi nhà rách nát dơ xấu, rất đáng chán ghét. Vì có các phiền não này nên gọi là hữu lậu; làm điều đó nên gọi là tác, có chỗ làm đó nên gọi là hữu vi. Gia công mà được đức này nên gọi là công đức, giải thích theo trên có thể biết.

Kinh: Đây là hữu khổ… đây là Niết-bàn.

Tán: Đoạn này gồm năm đôi. Bức bách gọi là khổ, vui thích gọi là lạc; pháp ác thì đáng chán, pháp kém thì đáng bỏ, phiền nhiễu là sinh tử, theo trên thì có thể biết.

Kinh: Các pháp như thế có vô lượng môn.

Tán: Đây là đoạn tổng kết. Các môn kể từ trên đến đây gọi là vô lượng nghĩa, sợ dài dòng nên không thuật đủ, nên như lý mà suy tìm, các chúng sinh ở cõi khác căn cơ lanh lợi dễ giáo hóa, thấy ánh sáng… liền có thể vào đạo, cõi này chẳng như thế, cho nên mỗi mỗi cần phải chỉ dạy rõ ràng.

Kinh: Hữu tình ở cõi này… khiến cho họ điều phục.

Tán: Giải thích nguyên do dùng lời nói, gồm ba:

  1. Pháp.
  2. Dụ.
  3. Hợp.

Đây là pháp.

Kinh: Ví như voi ngựa… sau đó mới điều phục được.

Tán: Đây là phần dụ. Bản xưa gồm hai dụ. Gia sở độc tức là dùng roi gậy đánh đập khổ sở.

Kinh: Các hữu tình cang cường ở cõi này như thế… hướng vào chánh đạo.

Tán: Đây là phần hợp. Hối tức chỉ bày; dụ tức hiển dụ, tha thiết hiển dụ chỉ bày, khiến cho họ điều phục mà hướng vào chánh vị.

Kinh: Bấy giờ, các Bồ-tát ở phương trên… được pháp chưa từng có.

Tán: Thứ ba là khen ngợi, gồm hai câu:

  1. Được pháp chưa từng có.
  2. Phát lời khen ngợi.

Đây là văn thứ nhất.

Kinh: Đều nói rằng… điều phục nhiếp ích.

Tán: Đây là lời khen ngợi. Đầu tiên khen ngợi Đức Như Lai, sau khen ngợi các Bồ-tát. Thích-ca tức là Năng là họ của Đức Phật; Mâuni tức Tịch Mặc. Hay tịch mặc (vắng lặng) các pháp ác nơi sinh tử, cho nên gọi là Năng Tịch. Thích-ca là họ, Cù-đàm là Vọng; Hán gọi là Nhật Chích, còn gọi là Cam giá, người có họ là Lô là Quỷ tử lô, thuộc về lô này thì trọng vọng còn lô khác thì chẳng phải. Như họ Thích-ca là Cùđàm Thích-ca, thuộc họ Thích-ca này là đáng trọng vọng, còn Thích-ca khác thì chẳng phải. Bản duyên của ngài thì có chương riêng. Thật đức của Phật Thích-ca, ca ngợi chẳng bao giờ cùng, nay hiện sinh làm thân thấp kém cho nên gọi là che dấu. Chúng sinh cực ác cho nên gọi là hạ liệt. Không có pháp tài của bậc Thánh cho nên gọi là nghèo cùng, điều phục tức đoạn ác, nhiếp ích tức ban cho điều thiện.

Kinh: Các Bồ-tát này… hữu tình khó hóa độ.

Tán: Khen ngợi Bồ-tát. Nhẫn chịu các sự mệt nhọc, nghĩa là khi làm lợi lạc chúng sinh có nhiều việc khổ não. Tối thắng, hy hữu, vững chắc nghĩa là các việc não loạn không làm cho lui sụt. Vượt trên ngoại đạo… gọi là thắng tinh tấn, thế gian khó gặp nên gọi là hy hữu; chẳng thể lui sụt nên gọi là vững chắc, chẳng thể nghĩ bàn là lời khuyên gắng sâu xa. Đại bi tinh tấn là vì chúng sinh mà phát khởi. Lời tinh tấn này chung cho các nghĩa trên là thắng, hy hữu, vững chắc, chẳng thể nghĩ bàn, đại bi.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… hữu tình khó giáo hóa.

Tán: Thứ tư, thuật lại. Có hai:

  1. Thuật lại.
  2. Khen những điều hơn.

Đây là thuật lại lời khen ngợi Như Lai đã nói ở trước.

Kinh: Các Bồ-tát… vô lượng hữu tình.

Tán: Đoạn này là thuật lại lời khen ngợi các vị Bồ-tát đã nói ở trước.

Kinh: Đại sĩ nên biết!… công đức đạt được. Tán: Tán thán những điều hơn, gồm có ba:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.
  3. Kết luận.

Đây là phần đầu.

Ở cõi này tu hành các hạnh Bồ-tát thì hay nhẫn chịu gian khổ mà siêng năng, làm lợi ích rộng khắp, vì thế một đời tu phước còn hơn ở cõi Nhất thiết Diệu Hương, tu tập trăm ngàn kiếp.

Vì các việc ở cõi này đều do mùi hương tạo thành cho nên gọi là Nhất thiết.

Kinh: Vì sao?… chẳng có.

Tán: Giải thích điều hơn, có hai:

  1. Nói nguyên do.
  2. Nói về hạnh.

Đây là văn thứ nhất. Do tu mười pháp cứu chúng sinh khổ não, hơn các cõi Phật khác, trong các cõi Phật khác không có hữu tình khổ não và các phiền não… cũng không có hàng Nhị thừa, cho nên một đời tu tập hơn tu nhiều kiếp.

Kinh: Mười pháp ấy là gì?

Tán: Đây là nêu hạnh, có ba:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.
  3. Kết luận.

Đây là phần nêu lên.

Kinh: 1. Dùng tuệ thí… nhiếp phục kẻ ngu si.

Tán: Đây là sáu đáo bỉ ngạn, trừ sáu pháp tệ hại để nhổ trừ gốc khổ cho hữu tình, các cõi Phật khác, chỉ có hạnh thù thắng, không có sáu pháp tệ hại này.

Kinh: 7. Dùng thuyết pháp trừ tám vô hà… người ưa thích pháp nhỏ.

Tán: Đây là bốn luân phá dẹp tám nạn, nhiếp phục tất cả hữu tình như trước đã nói, các cõi khác không có tám nạn. Dùng pháp Đại thừa để nhiếp phục những người thích pháp Tiểu thừa, các cõi khác không có Tiểu thừa, cho nên là thù thắng.

Kinh: 9. Dùng các căn lành… tất cả hữu tình.

Tán: Các cõi khác không có hạng người chưa gieo trồng thiện căn, tất cả đều là hàng thiện căn đã thuần phục, cho nên cõi này hơn các cõi khác. Cõi khác không có hữu tình theo pháp ác, chẳng cần bốn nhiếp pháp; cõi này thực hành bốn nhiếp, nhiếp phục các hữu tình hành pháp ác, cho nên hơn các cõi kia.

Kinh: Đây là mười pháp thiện tu tập. Tán: Kết luận.

Kinh: Cõi kham nhẫn này… chẳng có Tán: Kết luận những điều hơn.

Kinh: Bấy giờ, các vị Bồ-tát cõi kia… sinh vào các cõi tịnh khác.

Tán: Đoạn thứ năm hỏi về nhân tịnh độ. Bồ-tát ở cõi này thực hành mười pháp đã nêu, trụ ở giai vị trước mười Địa, thành thục được mấy pháp mà chẳng hủy hoại pháp này, không làm tổn thương hạnh thiện? Hoặc chẳng hủy hoại hạnh thiện, không tổn thương mà khởi pháp ác, được trụ ở giai vị Thập địa, sau sinh vào tịnh độ? Nếu đã trụ ở mười Địa thì tự tại sinh vào tịnh độ, chẳng cần nhờ câu hỏi này.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… sinh vào các tịnh độ khác.

Tán: Đoạn thứ sáu, đáp về nghiệp được tịnh độ, gồm ba phần:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.
  3. Kết luận.

Đây là phần một.

Kinh: Tám pháp là gì?

Tán: Đây là giải thích, có hai:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.

Đây là nêu lên.

Kinh: 1. Bồ-tát tư duy rằng… mong cầu thiện báo.

Tán: Đây là lời giải thích thế nào là tám. Thấy người đối với mình mà có ơn, thành Bồ-đề của mình, chẳng phải mình có ích cho người, vì chẳng thấy sự lợi ích lớn. Huống hồ ba việc đều không mà lại có mong cầu thiện báo?

Kinh: 2. Các Bồ-tát nên nghĩ rằng… thảy đều hồi hướng cho tất cả.

Tán: Tâm đại bi vận dụng rộng khắp, thay thế chúng sinh chịu khổ. Tâm đại bi rộng lớn hồi hướng thiện căn cho tất cả.

Kinh: 3. Bồ-tát nên suy nghĩ… tâm không quái ngại.

Tán: Oán thân chẳng hai, bình đẳng thực hành cứu độ, chẳng vì yêu ghét, tâm không chướng ngại. Quái tức là chướng.

Kinh: 4. Bồ-tát nên nghĩ rằng… thương kính như Phật.

Tán: Kiêu tức buông thả, thân tâm buông lung, mạn tức cao ngạo, tôn mình mà khinh người. Kiêu có bảy loại: Kiêu vì thân không bệnh; kiêu do tuổi trẻ; kiêu do sống lâu, kiêu do dòng họ tôn quý, kiêu do có sắc lực; kiêu do giàu sang; kiêu do đa văn. Mạn cũng có bảy loại:

  1. Mạn, người kém thì cho là mình hơn, hoặc người hơn thì cho là bằng mình.
  2. Quá mạn, đối với người hơn mình thì cho rằng mình bằng người, và nếu người bằng mình thì cho rằng mình hơn người.
  3. Mạn quá mạn, người hơn mà cho rằng mình hơn.
  4. Ngã mạn tức tự thị cao ngạo.
  5. Tăng thượng mạn, tức được ít cho là được nhiều.
  6. Ti mạn, tức người hơn mình nhiều phần mà cho rằng mình chỉ kém người ít phần.
  7. Tà mạn, nghĩa là mình hoàn toàn vô đức mà cho rằng mình có đức. Xưa do bên trong kiêu nên bên ngoài sinh mạn, vì thế mà trầm luân trong sinh tử, nay nên trừ bỏ, tôn kính người như Phật.

Kinh: 5. Bồ-tát nên suy nghĩa rằng… không nghi không phỉ báng.

Tán: Xưa chẳng nghe pháp, dẫu có nghe thì sinh nghi ngờ bài báng, nên trầm luân nơi sinh tử. Nay được nghe thì nên đoạn nghi, trừ dứt tâm báng bổ.

Kinh: 6. Bồ-tát nên suy nghĩ… chẳng sinh kiêu mạn.

Tán: Xưa thường hay ganh ghét đố kỵ với sự vinh quý của người, còn mình có lợi thì kiêu mạn, cho nên trầm luân nơi sinh tử. Nay thấy người có lợi thì không tật đố, mình có lợi thì không kiêu căng.

Kinh: 7. Các Bồ-tát nên suy nghĩ… chẳng chê lỗi người.

Tán: Điều phục tự tâm, xa lìa pháp ác. Vì tâm động loạn như khỉ vượn khó chế phục, cho nên cần phải điều phục. Mỗi ngày ta ba lần tỉnh xét còn là lòng nhân của thế gian, huống hồ là luôn luôn xét nghĩ đến lỗi của mình, chẳng hủy báng lỗi người, chẳng phải là Bồ-tát ư?

Kinh: 8. Bồ-tát nên suy nghĩ… pháp Bồ-đề phần.

Tán: Đối với pháp ác chẳng nên buông lung, đối với pháp thiện nên luôn luôn cầu thực hành, tu pháp Bồ-đề phần, từng không si mê biếng trể.

Kinh: Thế giới kham nhẫn… sinh vào tịnh độ khác.

Tán: Đây là lời kết luận.

Kinh: Vô Cấu Xưng… Vô sinh pháp nhẫn.

Tán: Đoạn thứ năm của phẩm nói về chúng đương thời được lợi ích. Người chưa cầu thú hướng thì đồng phát tâm. Người đã tu hành thì được Vô sinh nhẫn.