SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 11

Phẩm 10: HẠNH

Đã phạm một lỗi

Gọi người nói dối

Không khỏi đời sau

Các ác phát sinh

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đi kinh hành, lần lần Ngài đến phòng La-vân. Vừa thoáng thấy Đức Phật đến, La-vân liền từ đứng dậy khỏi chỗ ngồi, lau quét chỗ ngồi và lấy nước sạch.

Đến nơi, Đức Phật ngồi bên cạnh giường La-vân, lấy nước sạch rửa tay chân. Ngài chừa lại một ít nước dơ bảo La-vân rằng:

–Ngươi có thấy chút nước còn sót này chăng?

–Vâng, con có thấy.

Phật bảo La-vân:

–Sa-môn giữ hạnh cũng như thế, không biết hổ thẹn, không biết sỉ nhục. La-vân nên biết rằng: Nếu có Tỳ-kheo nào như thế thì không có việc ác nào là không làm, không đau khổ nào không gặp, giống như chút nước bẩn này không còn dùng được nữa.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đổ hết nước ấy xuống đất và bảo La-vân:

–Ngươi thấy Ta đổ nước xuống đất chăng?

–Vâng, con có thấy.

–Kẻ nào cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không có tâm sỉ nhục. Hạng người như vậy thì không có việc ác nào là không làm.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn úp chậu đựng nước xuống đất mà bảo La-vân:

–Ngươi có thấy Ta úp chậu nước chăng?

–Vâng, con có thấy.

–Nếu người nào cố ý nói dối, không biết hổ thẹn, không có tâm sỉ nhục, hạng người như thế thì không có việc ác nào là không làm.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La-vân:

–Hôm nay, ngươi phải thực hành tu học như thế, ngươi không được nói dối, dù chỉ để cười đùa trong giây lát, huống gì cố tình nói dối? Như vậy, La-vân phải tu học như thế.

Cho nên nói: Đã phạm một lỗi, gọi người nói dối, có nói trong hai trăm năm mươi giới oai nghi và bảy pháp nội cấm, hễ phạm một thì phải chịu khổ. Cho nên nói: Đã phạm một lỗi, gọi người nói dối.

Không khỏi đời sau: Đã mất gốc lành do công đức huân tập ở đời sau. Hễ người nói dối thì mọi người đều biết rõ, huống là nói điều hệ trọng gây tội ác, phải chịu khổ não không nơi nào không trải qua. Cho nên nói: Không khỏi đời sau, các ác phát sinh.

—————–

Thà nuốt sắt nóng

Uống nước đồng sôi

Chứ không vô giới

Ăn của tín thí.

Thà nuốt sắt nóng: Như có người cha hung ác nọ nung cho đỏ một viên sắt, rồi bắt con phải nuốt. Làm cháy môi, cháy lưỡi, cháy cổ họng, cháy bụng. Dù bị khổ ấy mà phải chết, nhưng không dính líu gì đến cái khổ vô lượng trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Cho nên nói: Thà nuốt sắt nóng, uống nước đồng sôi.

Chứ không vô giới, ăn của tín thí: Người không giữ giới thì bên ngoài mặc pháp phục, nhưng trong lòng gian trá. Họ tin theo người không có đức hạnh chân thật, tự đại kiêu ngạo, chỉ hiểu biết chút ít mà tự khoe khoang ở đời. Khi nhận của tín thí thì bảo lý đương nhiên phải như vậy, nào có nghĩ đến đời sau phải chịu muon thứ hình phạt. Thấy ai giữ giới thì sinh tâm khinh miệt người ta, khi chết liền đọa vào đường ác, không còn đủ thân, miệng, ý. Họ cũng không tu tập oai nghi lễ tiết, ra vào tới lui trái với giới cấm, phép tắt, thấy ai được lợi dưỡng thì sinh lòng ganh ghét. Chết liền bị khốn khổ, không có tội nào là không chịu, cho nên nói: Chứ không vô giới, ăn của tín thí.

—————-

Nếu ai sợ khổ

Cũng không ưa khổ

Chớ làm việc ác

Luôn nghĩ sửa đổi.

Nếu ai sợ khổ: Thân mình đã sợ khổ thì chớ làm cho người khác khổ. Gây khổ cho người thì sau phải chịu quả báo. Thân này như đất, hễ gieo xuống thì gặt quả. Các loài chúng sinh cũng như vậy, tùy theo tội đã gây mà về sau phải chịu quả báo. Tâm người khác nhau như hình tướng của họ, nhưng tội khổ thì cứ đuổi theo thân không chạy trốn đâu được, cho nên nói: Nếu ai sợ khổ, cũng không ưa khổ.

Chớ làm việc ác: Không được đem điều ác đến cho tất cả chúng sinh. Người tự lợi rồi mới làm lợi người, nếu không có khả năng làm lợi ích cho mình thì đâu thể đem lợi ích cho kẻ khác được? Nếu ở nơi ồn náo hay nơi vắng vẻ, hoặc lớn hay nhỏ, thấy hay không thấy, hễ là kẻ ác thì phải xa lìa họ, như tránh kiếp thiêu, cho nên nói: Chớ làm việc ác, luônnghĩ sửa đổi.

——————

Cố ý làm ác,

Đã làm, sẽ làm

Không tránh khỏi khổ

Muốn trốn ích gì?

Cố ý làm ác: Hoặc lại có người đã làm ác, đang làm ác hay mới làm ác. Đã làm là quá khứ, mới làm là hiện tại, sẽ làm là vị lai. Ba đời làm ác nhưng không biết khổ đến, cho nên nói: Cố ý làm ác, đã làm sẽ làm.

Không tránh khỏi khổ: Các loài chúng sinh thì tâm thích làm ác, mà không biết về sau tội báo sẽ đến. Nếu hiện giờ trái phạm phép vua cấm thì tùy theo tội nặng, nhẹ mà xét xử định tội. Pháp luật ở đây cũng giống như vậy. Cứ quen theo điều ác, không tự thức tỉnh mà buông lung tâm ý, cho nên nói: Không khỏi đau khổ.

Muốn trốn ích gì: Sau khi người chết, vua Diêm-la sai ngục tốt A bàng đến đón rước thần thức người tội. Thân bị năm vòng dây trói chặt, dẫn đến chỗ vua Diêm-la. Vua hỏi người tội:

–Ngươi có lần nào trông thấy vị sứ trời thứ nhất chăng?

Đáp:

–Dạ không thấy.

Vua hỏi người tội:

–Thế nào anh kia, khi sống trên đời, anh từng đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh thấy nam nữ, cha mẹ bồng con không thể lìa nó mà đại tiểu được, cha mẹ dành chỗ khô cho con lấy chỗ ướt cho mình, tắm gội rửa ráy, thay áo quần. Anh có thấy những việc ấy chăng?

Đáp:

–Dạ có trông thấy.

Vua bảo người tội:

–Sao ngươi không lo nghĩ điều ấy? Trong pháp luật cõi đời, hễ thấy quả báo thiện ác thì phải biết cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý tu các pháp lành.

Người tội đáp:

–Khi sống trên đời, tâm tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật, cho nên những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.

Vua bảo người tội:

–Như lời ngươi nói đã gây ra tọi thì nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội nghiệp là do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa-môn, Bà-la-môn gây ra.

Lúc bấy giờ vua Diêm-la dùng lời của vị sứ trời thứ nhất đó mà răn dạy. Rồi dùng lời của vị sứ trời thứ hai răn dạy. Vua hỏi:

–Ngươi có lần nào thấy vị sứ trời thứ hai chăng?

Đáp:

–Dạ không thấy.

Vua hỏi người tội:

–Thế nào anh kia! Khi sống trên đời, anh từng đi qua xóm làng, quận huyện, thành ấp, anh có thấy nam nữ ốm đau, nguy khốn, ngồi trên nệm, trên giường, hoặc nằm, hoặc ngồi không?

Người tội thưa:

–Có thấy.

Vua hỏi:

–Thế nào anh kia, tại sao anh không nghĩ những điều ấy? Đối với pháp luật hiện tại, tội anh như thế, phải cẩn thận giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.

Người tội thưa:

–Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật, cho nên những gì mà tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.

Vua bảo người tội:

–Như ngươi nói, những gì ngươi gây ra, ngày nay ngươi phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội là do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa-môn, Bà-la-môn gây ra, cũng không phải do các trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.

Lúc bấy giờ vua dùng lời của sứ trời thứ hai mà dạy bảo, sau đó lại dùng lời của sứ trời thứ ba dạy tiếp:

–Ngươi có lần nào thấy vị sứ trời thứ ba chăng?

Đáp:

–Dạ, không thấy.

Vua hỏi người tội:

–Sống trên đời, anh đã đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có thấy những cụ già chống gậy rên rỉ, bước đi lụ khụ, đầu bạc, răng rụng, ăn uống khó nhọc, mạng sống trong một sáng, một chiều chăng?

Người tội đáp:

–Dạ, có thấy.

Vua hỏi người tội:

–Thế nào anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?

Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy, ngươi phải tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.

Người tội thưa:

–Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật? Những gì mà tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.

Vua bảo người tội:

–Như lời ngươi nói, những gì ngươi đã gây ra thì ngày nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa-môn, Bà-la-môn gây ra, cũng không phải do các trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.

Lúc bấy giờ vua Diêm-la dùng lời của vị sứ trời thứ ba mà dạy bảo, sau đó vua dùng lời của vị sứ trời thứ tư dạy tiếp:

–Ngươi có lần nào trông thấy vị sứ trời thứ tư chăng?

Đáp:

–Dạ không thấy.

Vua hỏi người tội:

–Thế nào anh kia, sống ở trên đời, anh từng đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có thấy người nam, nữ chết hay không? Hoặc chết từ một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, than thể sình trướng, máu mủ chảy lênh láng. Hoặc bị chim, kên kên, chó sói, cọp ăn thịt, anh có trông thấy chăng?

Tội nhân thưa:

–Dạ có thấy.

–Thế nào, anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?

Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy. Phải biết tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.

Người tội thưa:

–Khi còn sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.

Vua bảo người tội:

–Như lời ngươi nói, những gì ngươi đã gây ra thì ngày nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra, chứ không phải do cha mẹ, anh em, bà con họ hàng, Sa-môn, Bà-la-môn gây ra, cũng không phải do các trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.

Lúc ấy vua Diêm-la dùng lời của vị sứ trời thứ tư dạy bảo, sau đó dùng lời của vị sứ trời thứ năm dạy tiếp:

–Ngươi đã trông thấy vị sứ trời thứ năm chưa?

Đáp:

–Dạ, không thấy.

Vua hỏi người tội:

–Thế nào anh kia, khi sống ở trên đời, anh đã đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có trông thấy bọn cướp bị vua bắt trói không? Hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo mũi, cắt tai, hoặc lột da, hoặc rút gân, hoặc dùng cưa cưa cổ, hoặc lấy cây nhọn đâm vào bụng, rồi rút ra từ miệng, hoặc nấu đồng chảy ra rồi tạt vào người, hoặc chặt đứt tứ chi, hay treo lộn ngược trên cây cao, bảy hôm sau mới dùng tên bắn chết. Hoặc dùng dây da sống buộc đầu treo ngược, rồi bỏ ngoài đồng hoang. Hoặc mổ bụng moi ruột rồi dồn cỏ vào cho đầy. Ngươi có thấy cảnh ấy không?

Người tội đáp:

–Dạ có thấy.

–Thế nào anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?

Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy. Phải tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.

Người tội thưa:

–Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.

Vua bảo người tội:

–Như lời ngươi nói, những tội do ngươi gây ra thì bây giờ phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra, chẳng phải do cha mẹ, anh em bà con họ hàng, Sa-môn, Bà-la-môn gây ra. Cũng không phải do các trời, người đời xúi giục người gây ra.

Lúc bấy giờ, vua Diêm-la dùng lời của vị sứ trời thứ năm để dạy bảo, sau đó vua liền giao người tội cho ngục tốt, dẫn y đến vạc nước sôi, tùy theo tội nặng nhẹ mà y bị đẩy vào một trăm ba mươi sáu vạc nước sôi, chịu khổ trải qua nhiều kiếp khó lường, cho nên nói: Muốn trốn ích gì.

——————

Chẳng lên không, xuống biển

Không thể vào khe núi

Không thể ở nơi nào

Trốn được tội đã gây.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Ni-câu-loại, nước Thích Sí Sấu Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ vua Lưu Ly nhóm họp bốn thứ binh để đánh chiếm nước Xá-di. Ông đem quân chiếm các doanh trại, rồi buộc vua cha phải nhường ngôi, tự lên làm vua. Có một vị quan độc ác tên là Da-lợi, thưa với tân vương:

–Khi vua còn là thái tử, về bên ngoại ở nước Xá-di, đến tinh xá của Phật thì bị dòng họ Thích làm nhục. Lúc ấy, vua có nói rằng: “Nếu ngày nào lên làm vua, ta sẽ giải quyết việc này”, giờ đây đã đến lúc.

Với binh mã hùng mạnh, vua liền ra lệnh với xa giá oai vệ định đi báo thù. Đức Phật biết rõ ý định ấy, Ngài liền đến ngồi dưới gốc cây khô bên vệ đường. Lúc ấy, đích thân vua Lưu Ly dẫn binh mã đi đánh nước Xá-di. Trên đường đi, vua gặp Đức Thế Tôn, liền đến trước Phật thưa rằng:

–Ở đây có nhiều cây cối cành lá sum suê, vì sao Ngài không ngồi đó mà lại ngồi dưới gốc cây khô này?

Đức Phật bảo vua:

–Vì bóng mát của bà con họ hàng dày lắm, không thể lìa bỏ.

Ngày xưa, cây này cành lá sum suê, Ta từng qua đây, được thụ hưởng sức che chở bóng mát của nó.

Nghe vậy, vua liền quay trở về. Về đến nơi, vua ra lệnh cho bốn chúng và bảo trên dưới:

–Chúng ta nên lui quân, không tiến đánh nữa. Vì bà con họ hàng mà ngày nay Đức Như Lai đem sức thần che chở cho họ, ta không thể tiến đánh được.

Các quan thưa với vua:

–Đức Như Lai đâu thể ngồi mãi dưới gốc cây ấy được!

Đức Như Lai thấy vua rút binh, Ngài biết nhân duyên đời trước, không thể tránh khỏi tai họa. Ngài liền dùng trí Túc mạng quán sát nguyên do. Thấy rằng những người thuộc dòng họ Thích chắc chắn phải chịu quả khổ, Ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi mà trở về. Về đến nơi, Ngài ngồi giữa đại chúng Tỳ-kheo Tăng. Bấy giờ ngài Đại Mục-kiền-liên thấy Như Lai thương xót cho những người dòng họ Thích nên ngài có vẻ lo lắng, ngài bèn đến trước Phật, bạch:

–Nay vua Lưu Ly đem quân đánh nước Xá-di. Con nghĩ rằng người trong nước ấy phải chịu khổ, con muốn dùng phương tiện để cứu giúp họ. Một là đem hết người nước ấy lên hư không, hai là đem cả nước ấy mà đặt lên mặt biển, ba là đem hết nước ấy mà đặt vào bụng núi Tu-di, bốn là đem cả nước ấy mà đặt trên mặt đất ở xứ khác, khiến vua Lưu Ly không biết họ ở đâu.

Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:

–Ta biết thầy có trí đức, thần túc vô lượng, muốn đem yên ổn lại cho người nước Xá-di, nhưng làm sao thầy đặt họ an ổn với oan gia đời trước được?

Ngài Mục-kiền-liên liền lạy Phật rồi lui. Lúc bấy giờ, Đức Phật nói ý nghĩa việc ấy cho đại chúng biết, cũng muốn làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian và muốn chỉ rõ ra rằng:

Oan gia đời trước không bao giờ tránh khỏi. Đại chúng nghe Đức Phật nói như thế, buồn bã rơi lệ, thương xót cho việc vua Lưu Ly báo thù cũ. Đức Phật ở giữa đại chúng nói bài kệ rằng:

Chẳng lên không, xuống biển

Không thể vào khe núi

Không thể ở nơi nào

Trốn được tội đã gây.

Chúng sinh bị khổ não

Không tránh được già chết

Chỉ có người trí nhân

Không nghĩ lỗi của người

Chúng sinh bị khổ não: Nếu thấy việc phi pháp của người khác thì mình phải thức tỉnh, thầy Tỳ-kheo chỉ nghĩ nhớ năm pháp.

Sau đó, làm khơi dậy ý người. Năm pháp là gì? Đó là:

  1. Người không thông suốt khế kinh.
  2. Người không giữ giới đầy đủ.
  3. Người không có tâm định.
  4. Người ngu muội, không có trí tuệ.
  5. Người chưa dứt hết các lậu.

Cho nên nói: Chúng sinh bị khổ não, không tránh được già chết.

Chỉ người có trí nhân: Muốn sửa đổi cho người thì trước hết mình phải cẩn thận, nếu tự mình ô uế mà muốn sửa đổi kẻ khác thì bị mọi người chê cười, xem thường việc làm của mình. Cho nên, người hiểu biết hoàn toàn xa lìa điều ấy. Sự trói buộc trong lao ngục không gì bằng sự oan đối của nhân duyên. Trói buộc trong địa ngục thì không trói buộc gì cả, mà đó là chịu quả báo tùy theo tội nặng hay nhẹ mà mình đã gây ra. Cho nên nói: Chỉ người có trí nhân, không nghĩ lỗi của người.

——————-

Nói dối tìm lỗi

Việc đã không chánh

Chê oán người lành

Lấy cong đối hiền

Buộc tội người ấy

Là gieo vực sâu.

Nói dối tìm lỗi: Có người không tự lượng sức mình, trong tâm không suy nghĩ, thường tìm lỗi người, thấy cái xấu thì vui mừng, thấy cái tốt thì không noi theo. Làm những chuyện tà vạy mà cho là chánh, cho nên nói: Nói dối tìm lỗi, việc đã không chánh.

Chê oán người lành: Hoặc có người lương thiện, tâm thích tu học, nhưng áo không đủ che thân, cơm không no bụng, bị kẻ ngu coi thường, họ che lấp đức hạnh tốt của người này, không cho hiển bày ra được. Bởi tội lỗi ấy nên kẻ ngu phải chịu khổ trong một trăm ba mươi sáu địa ngục. Từ ngục này qua ngục khác, phải chịu biết bao khổ não không thể kể xiết, thức ăn là đồng sôi, nhà ở là vạc nước sôi, máu mủ tanh hôi là bữa ăn thịnh soạn, tủy não là phấn sáp. Hết tội địa ngục thì đọa vào loài súc sinh, chịu nhiều thân hình, chí thú khác nhau, hoặc cao, hoặc thấp, ăn cỏ ăn rơm mà phải gánh vác nặng nhọc. Tất cả đều do xung đột mà ra. Nếu đọa vào loài ngạ quỷ thì chỉ ăn không khí, rồi bị dao sắt đâm thủng bụng. Hơi trong bụng tuôn ra rồi chảy trở vào đầu bụng, giống như La-cốc quán không, trong ngoài đều hiện rõ ngoài. Cho nên nói: chê bai, oán ghét người lương thiện, lấy cong vạy để đối đãi người hiền sĩ.

Buộc tội người ấy: Việc mình đã làm theo thân như bóng theo hình. Trôi lăn trong năm đường ác chịu vô lượng khổ não. Đến bất cứ nơi nào cũng không thoát khỏi bốn trói, năm kết. Dù được làm người thì thường bị giam nhốt trong ngục tù, thân bị tra khảo, đánh đập, muốn chết cũng không được, cho nên nói: Buộc tội lỗi cho người ấy, là tự gieo mình vào vực sâu.

—————–

Việc làm của người

Có tốt có xấu

Đều là do mình

Không bao giờ mất.

Việc làm của người: Tất cả các loài chúng sinh có hình tướng này, tâm nghĩ, miệng nghĩ, thân nghĩ, ý nghĩ, cho nên nói: Việc làm của người.

Có tốt có xấu: Hoặc thiện, bất thiện, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc đau khổ, đau vui. Thiện và ác ấy do bởi hành động mà ra, cho nên nói: Có tốt có xấu.

Đều là do mình: Người làm thiện làm ác, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc khổ, hoặc vui đều có quả báo không thể trốn tránh được. Làm lành thì sinh lên cõi trời; làm ác thì đọa xuống địa ngục, cho nên nói: Đều là do mình.

Không bao giờ mất: Việc làm thiện, ác như bóng theo hình, chịu oan đối do hành động, không bao giờ mất. Dù cho trời tan, đất sụp, núi Tu-di sập đổ, nước biển khô, cạn, trời trăng rơi rụng, các vì sao biến mất đi nữa, nhưng quả báo thiện, ác vẫn không mất đi bao giờ. Cho nên có bài tụng rằng:

Động chuyển, co duỗi

Bóng luôn theo thân

Hoặc đi hoặc đứng

Không rời khỏi thân

Bóng luôn theo hình

Hình cũng theo bóng

Do làm thiện, ác

Không hề lìa nhau

Không bao giờ mất.

Người giữ điều tốt

Biết việc nên làm

Chớ chấp việc ấy.

Người cũng chết mất.

Người giữ điều tốt: Người biết tự sửa đổi thân mình, không nghĩ đến điều hay dở của kẻ khác, cũng không chê cười ai, biết chọn lấy những điều cốt yếu. Nếu gian dối, không thật đối với người thì trong trăm ngàn đời nơi kia sinh nơi đây, thường bị người xem thường, xoay vần chịu quả báo, bị trói buộc không thoát được.

Tùy theo những gì mình đã làm mà chịu quả báo, như trồng hạt đắng thì trổ trái đắng, trồng hạt ngọt thì trổ quả ngọt. Quả báo thiện ác cũng như thế. Làm lành thì sinh lên cõi trời, làm ác thì đọa xuống địa ngục. Cho nên nói: Người giữ điều tốt, biết việc nên làm, chớ chấp việc ấy, người cũng chết mất.

—————-

Không khởi làm ác

Như lính bị chém

Dẫn đi không biết

Đã đọa đường ác

Sau chịu khổ báo

Mới biết nghiệp trước.

Không khởi làm ác: Người ngu trong suy nghĩ về điều lành. Họ thường nghĩ về mười việc ác như sát sinh, dâm dật…, cho nên nói: Không khởi làm ác.

Như lính bị chém: Không bao giờ có trở lại thân hình như cũ và tâm được trở lại Vì người ngu nghĩ như vầy: đàn-việt thí chủ vốn tự nghèo thiếu, còn kẻ keo kiệt ganh ghét thì lại giàu có. Do đó, người ngu thấy vậy chê cười. Cứ khư khư chấp chặt tâm không khai ngộ. Cho nên nói: Không khởi làm ác, như lính bị chém.

Dẫn đi không biết, đã đọa đường ác: Không biết những việc làm thiện và ác trong đời này và đời sau, không nghĩ về sau sẽ không có ai che chở cho mình, cho nên nói: Dẫn đi không biết, đã đọa đường ác.

Sau chịu khổ báo, mới biết nghiệp trước: Thuở xưa, có vị cư sĩ sai người nhà làm thịt chim trĩ nấu ăn. Họ bỏ thịt chim trĩ vào nồi rồi mới nhúm lửa. Tình cờ có con rắn độc rớt trong nồi ấy. Theo cách ăn của người cư sĩ thì trước phải hỏi thầy. Thầy bảo:

–Món ấy không nên ăn.

Nhưng cư sĩ không nghe lời thầy bảo, cứ ăn. Qua đêm nọc rắn độc bắt đầu phát sinh tác dụng. Cư sĩ bèn hỏi thầy, thầy bảo:

–Vì không nghe lời ta nên mới ra nông nỗi này.

Lúc ấy vị thầy liền nói bài kệ:

Ham vị mới trúng độc

Không nghe lời ta bảo

Khốn đốn vì chất độc

Giờ mới tự biết ra.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với hội chúng:

–Nên làm điều này, không nên làm điều kia. Người làm ác, chết đọa vào địa ngục; người tu làm việc lành được phước sinh lên cõi trời. Nhưng đã từ lâu, chúng sinh trong đời này, không nghĩ đến việc vô thường biến đổi, không nghe theo lời dạy rốt ráo chân thật của Như Lai, cho ác là thiện, cho phải là quấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Tâm ngu không mở tỏ

Quen ác, không nghe ta

Chịu khổ đau địa ngục

Mới nhớ lời chân thật.

Sau chịu khổ báo, mới biết nghiệp trước: ở địa ngục bị lửa nóng thiêu đốt đau khổ, ở ngạ quỷ thì bị khổ đói, ở súc sinh thì thường chịu khổ chở nặng, cho nên nói: Sau chịu khổ báo, mới biết nghiệp trước.

—————–

Hung dữ ngang ngược

Chìm dần tội ác

Ham làm điều ác

Tội báo tự đến

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Xá-vệ.

Lúc ấy vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc. Khi ngồi trên lầu vắng lặng, vua tự suy nghĩ rằng: “Vì sao chúng sinh không tự suy nghĩ về mình?” Rồi vua lại suy nghĩ tiếp: “Có những người từ thân, miệng, ý nghĩ đều xấu xa điên đảo, ấy là người không biết tự nghĩ về mình. Thế nào là chúng sinh tự nghĩ về mình? Nếu có chúng sinh thân, miệng, ý thực hành sự thanh tịnh thì đó là người biết tự suy nghĩ về mình”. Lúc ấy, trên lầu cao vắng lặng, vua liền đứng dậy, cho sửa soạn xa giá quý báu cùng đoàn hộ giá đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, vua lạy sát đất chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Giây lát, vua từ chỗ ngồi đến trước Phật bạch:

–Mới đây, ngồi trên lầu cao vắng lặng con nảy sinh ý nghĩ:

“Chúng sinh nào tự suy nghĩ về mình? Chúng sinh nào không tự suy nghĩ về mình?” Lúc ấy Thế Tôn của con cũng có những suy nghĩ trùng hợp như thế. Có các chúng sinh từ thân miệng, ý nghĩ điều điên đảo xấu xa, ấy là người không tự suy nghĩ về mình. Thế nào là chúng sinh tự suy nghĩ về mình? Nếu có chúng sinh thân, miệng, ý thực hành sự thanh tịnh, ấy là người tự suy nghĩ về mình.

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đúng thế, đúng như lời đại vương nói. Có các chúng sinh thân, miệng, ý không thanh tịnh, đó là họ không biết tự suy nghĩ về mình. Còn người từ thân, miệng, ý đều thanh tịnh là người biết tự suy nghĩ về mình. Vì sao? Đại vương nên biết, có các chúng sinh không tự suy nghĩ về mình, đó là tự làm tổn giảm, sinh ra các pháp bất thiện. Có các chúng sinh thân, miệng, ý thực hành sự thanh tịnh thì tự vì mình. Vì sao? Vì người ấy tu hạnh thanh tịnh.

Lúc bấy giờ Tôn giả Mã Thanh liền nói bài kệ này:

Người quen làm điều ác

Không nghĩ tội đời sau

Làm ác chịu tai ương

Hại thân mãi không thôi.

Cho nên nói: hung dữ ngang ngược, chìm vào tội ác, ham làm điều ác, tội báo tự đến, sinh vào nơi nào cũng phải chịu quả báo xấu ác. Sinh vào địa ngục thì chịu khổ vô lượng do bị đánh bằng roi, bằng gậy. Sinh trong ngạ quỷ khổ vì ngu mê. Sinh trong súc sinh thì phải chịu khổ đền tội. Nếu sinh lên làm người thì khổ vì thiếu giác quan. Cho nên nói: Ham làm điều ác, tội báo tự đến.

—————–

Người làm việc ác

Không thể tự giác

Ngu si quá mạnh

Sau chịu khổ độc.

Người làm việc ác, không thể tự giác: Phàm phu ngu mê thường có tâm mê lầm, buông lung làm việc ác, không chịu sửa đổi, cũng không biết qua kiếp sau phải chịu quả báo, cũng như có người đi trên đường núi hiểm trở, hai bên là vực thẳm, chỉ nhắm mắt mà đi, nào biết gì đến nguy hiểm hoặc phải bỏ mạng. Kẻ phàm phu cũng lại như vậy.

Người ta mù quáng không có hiểu biết, cũng không biết về sau phải chịu quả báo, cho nên nói: Người làm việc ác, không thể tự giác.

Ngu si quá mạnh, sau chịu khổ độc: Người hiểu biết có mắt sáng trông nhìn, giống như con đường đi duy nhất có hố lửa đang cháy. Có người đi qua đó nhưng không rõ đường. Người có mắt sáng bèn chỉ bảo cho người đi đường kia rằng: “Giữa đường có hố lửa to, ông không nên đi qua đó. Các anh nên ngừng lại đây, chớ nên đi nữa”. Những người này đã quyết chí nên không tin lời người có mắt sáng nên đều tiếp tục đi và đều rơi xuống hố lửa hết. Họ khổ đau dữ dội, kêu trời gọi đất, ăn năn không còn kịp nữa. Tự nói với nhau rằng: “Người hiểu biết đã dạy bảo nhưng chúng ta không chịu nghe lời. Nay chịu đọa khổ thế này biết trách ai đây?” Chúng sinh này sống điên đảo cũng như vậy. Người nào một mực đi tới sẽ bị người hiểu biết quở trách, ngăn cản không cho đi tới, e sẽ gặp nhiều gian nan, nhiều khổ sở. Nếu các anh vẫn bước tới, chắc chắn sẽ gặp tai nạn, không thể tránh khỏi. Cho nên nói: Ngu si quá mạnh, sau chịu khổ độc.

——————–

Người làm việc ác

Trở lại đốt mình

Khóc nước mắt tuôn

Đời sau chịu báo.

Người làm việc ác: Hoàn toàn là việc ác, bất thiện, không đáng nghĩ nhớ, không đáng vui, cho nên nói: Người làm việc ác.

Trở lại đốt mình: Nếu người biết sửa đổi, biết có sầu buồn khổ não, đêm ngày lo nghĩ đưa đến phiền não. Cho nên nói: Người làm việc ác, trở lại đốt mình.

Khóc nước mắt tuôn: Đêm ngày buồn khóc, đầu tóc rối bời, cất tiếng buồn khóc, cho nên nói: Khóc nước mắt tuôn.

Đời sau chịu báo: Chịu khổ vô lượng, không đáng yêu thích và lại có vô số sầu lo khổ não gian nan, trăm ngàn buồn tủi. Cho nên nói: Đời sau chịu báo.

——————–

Người lành làm đức

Một ngày thêm nhiều

Quyết tâm làm lành

Phước tự nhiên đến.

Người lành làm đức: Giống như có người thực hành đến nơi đến chốn thì được trời, người cung kính, khen ngợi công đức, đề cao việc thiện ấy. Khắp nơi đều nghe biết, vô số người đến cúng dường, cho nên nói: Người lành làm đức.

Ngày một thêm nhiều: Đêm ngày luôn có niềm vui, không chút sầu lo. Tâm ý hân hoan, không có gì bực bội, cho nên nói:

Ngày một thêm nhiều.

Quyết tâm làm lành, phước tự nhiên đến: Nếu sinh lên cõi trời thì phước đức tự nhiên đến, trăm ức cung điện, năm màu đen vàng, vui sướng không cùng cực. Nếu sinh làm người thì hưởng năm thứ dục lạc, vui với đàn ca xướng hát. Tâm ý luôn hân hoan, thanh thoát, không khởi loạn tưởng, cho nên nói: Quyết tâm làm lành, phước tự nhiên đến.

———————-

Cười đùa là ác

Thân cứ việc ấy

Kêu khóc thọ báo

Tùy việc tội đến.

Cười đùa là ác nghĩa: Hành động thiện, ác đều có nặng nhẹ. Tội mà thân, miệng, ý gây ra không phải chỉ có một thứ. Hoặc chính mình cười đùa làm ác, gây phiền nhiễu cho chúng sinh, không được ở yên ổn. Hoặc dùng những thứ như gạch đá, dao gạy gây tổn thương cho nhau, hoặc hội họp nhau cãi lẫy rồi đưa đến kiện thưa, giống như người đời ưa chơi đá gà, đấu dê, chọi trâu, đấu lạc đà, người đấu, đấu voi, hoặc mắng chửi nhau. Thấy những chuyện ấy, người ta vui sướng không kể xiết, nếu lúc chết đi kêu khóc chịu khổ, cho nên nói: Cười đùa là ác, thân đã gây ra, kêu khóc thọ báo, tùy việc tội đến.

——————–

Ác không báo ngay

Như vắt sữa bò

Tội rình trong tối

Như tro phủ lửa.

Làm ác không đưa đến quả báo: Người làm ác không phải quả báo đến ngay. Ngày xưa, nước nọ có tục lệ kỳ lạ là khi sinh con, phải đặt nó vào máng cỏ. Nếu lấy cỏ đó để vào trong sữa, thì sữa liền thành lạc, không bị hư theo thời tiết, cho nên nói: Làm ác quả báo không đến ngay, như vắt sữa bò. Nếu không như thế thì nghĩa ấy như thế nào? Đáp rằng: Đối với kẻ ngu si thì bị phiền não thiêu đốt rồi mới tỉnh ngộ.

Tội rình trong tối, như tro phủ lửa: Giống như rắc tro lên than,  người không biết, đi qua, dẫm lên đó, dần dần sức nong truyền tới, mới biết là lửa đã phỏng chân, hạng chúng sinh này cũng lại như thế. Đang khi làm ác thì trong tâm vui sướng. Nếu chết rồi, thì đọa vào đường ác, hình phạt bằng năm thứ khổ độc, chừng ấy tự tỉnh, mới hay là tội đã đến, cho nên nói: Tội rình trong tối, như tro phủ lửa.

———————

Ác không báo ngay

Như gươm bén kia

Không nghĩ đời sau

Phải chịu báo ấy.

Ác không báo ngay: Có người quen sống theo gốc rễ tội ác, khi sống được trăm tuổi thì họ ỷ mình sống lâu và cho rằng mình không có tội gì. Họ bảo nhau rằng: “Người làm ác thì ai cũng nói là có tội, nhưng tôi làm ác thì lại sống lâu”.

Có những người hàng thịt, thợ săn sinh tâm phỉ báng rằng:

“Sa-môn Cù-đàm không có đức hạnh chân thật, thích nói dối, hư vọng muôn điều. Cù-đàm dạy đệ tử rằng: Ai sát sinh, hại đến người vật thì sau khi chết bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu khổ vô lượng”. Bởi thế, nên Đức Thế Tôn nói bài kệ như vầy:

Làm ác, ác trói cột

Làm ác không tự biết

Cực ác, biết ác đến

Chịu cội nguồn của ác.

Đã nghe Phật dạy như vậy, nhưng tên hàng thịt nọ vẫn không sửa đổi, cho nên nói: Ác không báo ngay, như vắt sữa bò, không nghĩ đời sau, phải chịu báo ấy. Khi báo đến cùng lúc với ngục tối, trước mặt mới biết là ác, lại phải trải qua các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên nói: Không nghĩ đời sau, phải chịu báo ấy.

———————–

Như sắt sinh sét

Sét lại ăn sắt

Ác sinh từ tâm

Trở lại hại thân.

Như sắt sinh sét: như thanh sắt mới và tấm gương trong sáng, hoàn toàn trong sạch không dính chút bụi nhơ. Nhưng người nọ đem sắt cất giấu không kỹ, hoặc chôn dưới đất hoặc để nơi ẩm thấp nên sinh rỉ sét. Đến nỗi vừa chạm đến là hư nát, không còn dùng vào việc gì được nữa. Giống như người mang dao bén, ai nấy kinh sợ, y luôn mang theo mình để phòng thân, không rời nó. Nhưng lúc đó, anh lại bỏ quên, cất không kỹ nên nó bị rỉ sét, chất sắt không còn, khi tìm lại được thì nó không còn giá trị gì, một khi đã bị rỉ sét thì không còn dùng nữa. Cho nên nói: Như sắt sinh sét, sét trở lại ăn sắt. Người tu hành cũng lại như thế. Vì bị tham dục che bít, không nghĩ đến tai ương khổ não đời sau, sống với bọn ác tri thức, không kết bạn với người lành. Vì lý do ấy mà tự phá hoại căn lành, không tu phạm hạnh, dâm dật bất tịnh, tự mình vời lấy tai họa, chịu quả báo khổ đau. Cho nên nói: Ác sinh từ tâm, trở lại hại thân.