KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: HẠNH NGHIỆP

Phật nói:

–Thiện nam! Thế nào là hạnh nghiệp của Như Lai? Có ba mươi hai hạnh, với trí tuệ vô thượng, Phật biết xứ, phi xứ, hữu hạn, vô hạn, hữu vi, vô vi. Thế nào là xứ, phi xứ? Phi xứ: Không được cứu độ, thân làm ác, mộng nói lời ác, tâm nghĩ ác nên không bao giờ toại nguyện, không thể sinh vào cõi lành. Xứ: Được toại nguyện, thân làm lành, miệng nói lời lành, tâm nghĩ điều lành, vui vẻ an ổn, được sinh về cõi lành. Kẻ tham lam tài vật, pham giới cấm, làm ác lại mong được sinh vào cõi trời, người; kẻ độc ác sân hận lại mong được thân đoan chánh; kẻ biếng lười lại mong đạt đạo; kẻ phóng túng, mê hoặc lại cầu nhập tịch diệt; kẻ tà chấp không chánh kiến lại mong được trí vô ngại, trí chân chánh. Tất cả việc đó không thể xảy ra. Bố thí mới mong giàu có, giữ giới mới sinh vào cõi cõi trời người, nhẫn nhục được thân đoan nghiêm, tinh tấn mới đạt đạo, thiền định mới tịch diệt, chánh trí mới đạt vô ngại, việc này là thật. Kẻ phạm giới tâm không định, người giữ giới thanh tịnh tâm luôn tịch tĩnh; kẻ điên đảo không thể đạt nhẫn nhu thuận, người chánh trí mới đạt pháp nhẫn; kẻ hồ nghi tâm khong thể định, người trừ nghi tâm đạt định; người nữ không thể thành Chuyển luân vương, Đế Thích, Phạm thiên, Ma vương, Phật. Phải chuyển thân nữ mới thành các vị trên. Chuyển luân vương luôn dùng chánh pháp trị nước, thương yêu nhân dân, không tà ác, không thể có Chuyển luân vương làm điều bất thiện, tổn hại dân chúng, hung bạo, độc ác. Người cõi Uất-đơn-việt không bao giờ phạm điều ác, bị đọa địa ngục, chịu khổ. Người cõi ấy được sinh lên cõi trời, hưởng diệu lạc. Kẻ giết chúng sinh mong sống lâu, kẻ trộm cắp mong không mất của, kẻ dâm dục cầu được hóa độ, kẻ nói dối mong được biện tài, kẻ say rượu mong không loạn tâm, kẻ đâm thọc mong được hòa thuận, kẻ nói ác cầu được ngợi khen, kẻ nói lời thêu dệt mong được tiếng thơm, kẻ sân hận mong được sắc đẹp, kẻ tranh chấp cầu được an ổn, kẻ tà chấp cầu giải thoát. Tất cả việc đó không thể xảy ra. Người không giết chúng sinh được sống lâu, người thanh liêm không bị trộm, người trinh tiết không bị cưỡng dâm, trung tín không bị dối gạt, trí tuệ không say loạn, không tranh chấp, hòa nhã, không thô, thành thật không thêu dệt, nhẫn nhục, không sân hận, bố thí không tham lam, chánh kiến, không tà vạy những người như thế sẽ sống lâu, không mất của, vợ trinh thuận, hơi miệng thơm, đủ trí biện thuyết, quyến thuộc hòa thuận, được người khen ngợi, nghe tin lời mình nói, nhiều của cải, có sắc đẹp ưa nhìn, đời đời biết đạo. Những việc ấy là thật. Biết tám bậc sẽ đạt quả chứng; biết quả chứng sẽ tùy thời gian; biết dấu đạo (Dự lưu) không vào sinh tử tám lần; biết sự vãng hoàn không vào sinh tử ba lần; biết sự vãng lai (Nhất lai) không vào sinh tử hai lần; từ năm ấm đạt diệt độ; biết sự không trở lại (Bất hoàn) không vào sinh tử; biết nơi chốn sẽ nhập diệt; biết không chấp trước (A-la-hán) không còn vào các cõi; biết Hiền thánh không bỏ Phật đạo để học ngoại giáo; Hiền thánh nương tựa Phật, không quy y ngoại đạo; Bồ-tát sẽ đạt pháp nhẫn không thoái chuyển, không thể quay lại học pháp Tiểu thừa, Bồ-tát đạt pháp nhẫn nhất định sẽ thành Phật; Bồ-tát an tọa bên cây Bồ-đề không thành đạo sẽ không rời cây; Bồ-tát an tọa cội Bồ-đề nhất định thành Phật; trí Phật rộng lớn không gì trở ngại; trí Phật không bị trở ngại, không thể cho rằng trí Phật bị tổn hao, không cùng khắp. Vì trí Phật rộng lớn, thông đạt tất cả nên chúng sinh không thể thấy tâm Phật. Tâm Như Lai trên trời dưới đất không ai thấy được; trên trời dưới đất không ai thấy được tướng đỉnh đầu của Phật; biết Như Lai luôn sống trong định, biết tâm niệm của chúng sinh, tâm Phật không trở ngại, thấy biết tất cả; từ xưa đến nay Như Lai không quên, lời Phật dạy khắp mười phương, không có lỗi của lời nói, Như Lai không lậu hoặc, thân hạnh của Phật luôn thanh tịnh, hơn cả mặt trời, mặt trăng, Đế Thích, Phạm thiên. Sự thanh tịnh của hư không không gì sánh bằng, đạo tuệ của Phật cũng thế, vòi vọi không gì sánh.

Thiện nam! Việc biết về xứ, phi xứ của Như Lai không thể hạn lượng, lời Phật là không cùng, văn tự Phật giảng là chân thật.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Đại địa có thể phá
Hư không có thể lay
Lời của Phật nói ra
Không thể nào sai lệch.
Trượng phu có thể phục
Trong không tìm năm sắc
Lời của Phật nói ra
Không thể nào sai lệch.
Những lời dạy của Phật
Trước sau và khoảng giữa
Tất cả đều thành thật
Không ai có thể bì.
Phật giảng xứ phi xứ
Các khoảng trước giữa sau
Tất cả đều chân thật
Không bao giờ đổi khác.
Hiểu rõ tất cả cõi
Tùy thuận giảng kinh pháp
Vì thế không hư dối
Thấy rõ tâm chí tánh.
Các Đạo sĩ ngoại giáo
Không an ổn một nơi
Vì không hiểu xứ, xứ
Phật Chánh giác.
Không vậy.
Phật biết xứ, phi xứ
Tùy thuận độ chúng sinh
Tiếng Phật vang khắp nơi
Tùy nơi giảng kinh pháp.
Chúng sinh đều được độ
Phật quán sát tất cả
Tùy thời mà soi xét
Nên dùng pháp gì dạy.
Đó là hạnh bậc nhất
Đạo thù thắng của Phật
Hạnh Phật không lỗi lỗi
Độ chúng sinh như vậy.
Không thể nào tính đếm
Xứ, phi xứ Phật giảng
Đó là oai lực Phật
Ngoại đạo không sánh được.