KINH ĐẠI LÂU THÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Lập và Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: CHIẾN ĐẤU

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ngày xưa, chư Thiên muốn cùng đánh nhau với A-tu-luân, liền đứng xếp hàng bên doanh trại của mình. Khi ấy, trời Đế-thích bảo chư Thiên trời Đao-lợi: “Nếu chư Thiên chúng ta chiến thắng, A-tu-luân bại thì chúng ta sẽ dùng năm sợi dây trói A-tu-luân Duyma-chất”. Trời Đế-thích ra lệnh cho các trời Lạc… Chư Thiên cõi trời Đao-lợi liền nhận lệnh của trời Đế-thích.

Khi ấy A-tu-luân Duy-ma-chất cũng bảo các A-tu-luân: “Nếu các A-tu-luân thắng, chư Thiên bại thì sẽ bắt trời Đế-thích, dùng năm sợi dây trói lại”. Các A-tu-luân nhận lệnh.

Bấy giờ chư Thiên chiến đấu với A-tu-luân, chư Thiên đắc thắng. Chư Thiên Đao-lợi bắt A-tu-luân Duy-ma-chất, dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến trời Thiện đẳng để yết kiến trời Đế-thích. Nếu A-tu-luân Duy-ma-chất suy nghĩ: “Ta thích ở trên cõi trời”, liền tự thấy dây trói đã mở, tự nhiên năm điều vui của trời hiện ra trước mặt. Nếu A-tu-luân Duy-ma-chất tự nghĩ muốn trở về, liền tự trở về, năm sợi dây trói mất đi trở thành năm điều vui của cõi trời.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–A-tu-luân đã bị trói buộc như vậy mà sự trói buộc của ma lại kịch liệt hơn. Như vậy, nếu nghĩ là bị ma trói buộc thì chớ nghĩ là được ma mở trói. Đã có ngã mà nghĩ là ta có ngã thì sẽ bị đắm vào niệm không có ngã; do đó bị đắm vào niệm hữu sắc, do đó cũng bị đắm vào niệm vô hữu sắc; do đó cũng bị đắm vào niệm chẳng có sắc, cũng chẳng phải không có sắc; do đó cũng bị đắm vào niệm hữu tưởng; do đó cũng bị đắm vào niệm vô tưởng; do đó cũng bị đắm vào niệm chẳng có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng; do đó cũng bị đắm vào bệnh hoạn; do đó bị đắm vào sự lở lói; do đó bị đắm vào sự khổ đau. Đệ tử của bậc Hiền giả, nghe sự vướng mắc vào bệnh hoạn, vướng mắc vào sự lở lói, vướng mắc vào khổ đau như vậy, nên ưa hạnh dứt mọi tham đắm vướng mắc. Ngã ấy là bị đắm trước, là chẳng chuyên nhất, là loạn, là niệm hữu ngã trá hình, là bị đắm vào niệm không có ngã, là bị đắm vào niệm hữu sắc, là bị đắm vào niệm vô sắc, là bị đắm vào niệm chẳng có sắc cũng chẳng không có sắc, là bị đắm vào niệm hữu tưởng, là bị đắm vào niệm vô tưởng, là bị đắm vào niệm chẳng có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng, là bị đắm vào sự vướng mắc nơi bệnh hoạn, lở lói, khổ đau. Đệ tử bậc Hiền giả nghe sự vướng mắc nơi bệnh hoạn, lở lói, khổ đau ấy liền ưa thích hạnh dứt mọi tham đắm vướng mắc.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ngày xưa, A-tu-luân chiến đấu với chư Thiên. Thích-đề-hoànnhân bảo chư Thiên trời Đao-lợi: “Nếu chư Thiên thắng thì sẽ dùng năm sợi dây trói A-tu-luân Duy-ma-chất”. Chư Thiên liền nhận lệnh.

Lúc ấy Duy-ma-chất cũng bảo các A-tu-luân: “Nếu chúng ta thắng thì sẽ cùng nhau bắt trời Đế-thích, dùng năm sợi dây trói lại”. Sau đó, hai bên chiến đấu. Chư Thiên đắc thắng, liền bắt A-tu-luân Duy-ma-chất dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến trời Thiẹn đẳng để yết kiến Thiên vương Đế-thích. Khi A-tu-luân Duy-ma-chất đi đến, thấy trời Thiện đẳng, liền dùng lời hung ác chửi mắng.

Bấy giờ người hầu cận, ở trước trời Đế-thích liền nói kệ:

Trời Đế-thích sợ hãi chăng
Không có sức nên lặng thinh
Nghe Duy-ma-chất trước mặt
Miệng thốt ra lời thô ác?
 
Trời Đế-thích đáp:

Đâu vì sợ mà lặng thinh.
Sức ta chẳng kém Duy-ma
Vì sao người có trí tuệ
Lại cùng tranh với kẻ ngu?
Người hầu cận lại đọc kệ:
Nếu khi kẻ ngu đến đánh
Chẳng nên nhẫn nhịn việc này
Với họ phải dùng gậy gộc
Để đánh trả kẻ ngu si.

Trời Đế-thích đáp kệ:

Ta đã biết rõ điều này
Chẳng nên nói với kẻ ngu
Nếu kẻ ngu có nổi sân
Thì người trí không nên cãi.
Người hầu cận lại nói kệ: 
Trời Đế-thích nên thấy nhân
Nên biết, yên lặng như vậy
Thì kẻ ngu cho bậc trí
Vì sợ hãi nên lặng thinh.
Người ngu si tự cho rằng
Ngài sợ hãi nên làm thinh
Do vậy nên hãy đến đánh.
Vua sợ hãi chạy như trâu.

Thích-đề-hoàn-nhân đáp lại, nói kệ:

Nghĩ: đến quấy nhiễu, hại ta
Cho là sợ nên im lặng
Lợi của thân, nghĩa bậc nhất
Là nhẫn nhục chẳng gì bằng.
Với bọn người xấu ác kia
Nếu có ý khởi sân hận
Chẳng nên thốt lời giận dữ
Cùng tranh cãi kẻ hận sân.

Thích-đề-hoàn-nhân một lần nữa nói kệ trả lời người hầu:

Việc xảy ra có hai nhân
Là vì mình và người khác
Nếu có người khởi tranh cãi
Người trí tuệ không cùng tranh.
Nếu có xảy việc đôi co
Là vì mình hay người khác
Người cho đó là ngu si
Vì với pháp không hiểu rõ.
Người không sức nói có sức
Người có sức bảo si mê
Người hành pháp, dùng sức họ 
Không có ai hàng phục được.
Người mà có sức lực ấy
Đối kẻ yếu, họ lặng thinh
Ta biết nhẫn là rất khó
Càng khó hơn trước kẻ yếu.
 
Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nên biết trời Đế-thích lúc bấy giờ là thân Ta. Ta đã nhẫn nhục như vậy, Ta nay cũng vẫn nhẫn nhục.

Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Ngày xưa A-tu-luân cùng chiến đấu với chư Thiên đắc thắng, chư Thiên bị hại. Trời Đế-thích liền ngồi trên ngàn cỗ xe ngựa chạy về, chớp mắt ẩn vào cây lớn, thấy trên cây có các tổ chim, trong đó có hai quả trứng, liền tự nói kệ:

Này người hầu, chim sắp về
Nên lui xe ngựa, tránh đi
Thà A-tu phá hoại ta.
Chớ đừng phá hai trứng ấy.

Người hầu liền nhận lệnh của trời Đế-thích quay ngàn cỗ xe ngựa tránh đi. Các A-tu-luân thấy ngàn cổ xe ngựa của trời Đế-thích quay trở lại, liền nói: “Họ muốn trở lại chiến đấu với chúng ta”, vì thế A-tu-luân hoảng sợ bỏ chạy, chư Thiên đắc thắng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy muốn biết trời Đế-thích bấy giờ là ai chăng? Chính là thân Ta đó. Lúc ấy Ta thương xót nghĩ đến tất cả dân chúng và các loài sâu bọ nhỏ bé nhất.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ngày xưa, chư Thiên chiến đấu với A-tu-luân, chư Thiên đắc thắng, A-tu-luân bại. Khi đó trời Đế-thích rất hoan hỷ, trở về cho tạo dựng một đại giảng đường đặt tên là Thắng. Vì sao đặt tên là Thắng? Vì thắng các A-tu-luân. Giảng đường có một trăm lớp lan can, giữa mỗi lớp lan can đều làm bảy trăm đường đi; giữa mỗi đường đi có bảy trăm ngọc nữ, mỗi ngọc nữ có bảy trăm người hầu. Trời Đế-thích khỏi phải lo về áo quần, thức ăn uống cho các ngọc nữ. Mỗi người như việc làm đời trước, tự nhiên được sanh ra trong giảng đường. Tất cả giảng đường trong ngàn thế giới, không có cái nào bằng giảng đường của trời Đế-thích.

Vua A-tu-luân nghĩ: “Sức oai thần của ta rất tôn quý, thế mà các mặt trời, mặt trăng và trời Đao-lợi ở trên ta cứ qua lại trong hư không. Ta muốn lấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng bỏ vào trong lỗ tai đi khắp mười phương”. Nghĩ như vậy rồi, liền nổi giận không dằn lại được. Bấy giờ vua A-tu-luân nghĩ đến A-tu-luân Duy-ma-chất. A-tuluân Duy-ma-chất biết việc ấy, liền mang các loại dụng cụ, trang bị các loại binh khí xe ngựa và vô số trăm ngàn A-tu-luân cùng kéo đến chỗ vua A-tu-luân, dừng lại ở trước.

Lúc ấy vua A-tu-luân lại nghĩ đến A-tu-luân Xá-ma-lợi. A-tuluân Xá-ma-lợi biết việc ấy liền mang các loại dụng cụ, trang bị binh khí, ngựa xe cùng với vô số trăm ngàn A-tu-luân kéo đến chỗ vua A-tu-luân dừng lại ở trước.

Vua A-tu-luân lại nghĩ đến A-tu-luân Mãn-do, A-tu-luân Kỳ-la. Hai vị biết việc đó, liền mang các loại dụng cụ, trang bị binh khí, cùng với vô số trăm ngàn A-tu-luân kéo đến chỗ vua A-tu-luân dừng lại ở trước.

Bấy giờ vua A-tu-luân tự mang các loại dụng cụ, trang bị binh khí, ngựa xe, cùng với vô số trăm ngàn A-tu-luân vây quanh, từ thành xuất phát, kéo đi để chiến đấu với chư Thiên trời Đao-lợi.

Khi ấy Long vương Nan-đầu-hòa-nan dùng thân quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, làm chấn động núi Tu-di, dùng đuôi đập xuống biển lớn, nước biển vọt lên bên núi Tu-di đến ba trăm ba mươi sáu vạn dặm. Trời Đao-lợi liền biết A-tu-luân muốn đến chiến đấu với chư Thiên. Lúc ấy các rồng trong biển mang các loại trang bị, binh trượng, ngựa xe, đến nghinh chiến với các A-tu-luân. Đánh mà đắc thắng thì đuổi các A-tu-luân về thành quách của chúng. Nhưng các vị rồng thất bại, không thắng được liền đi đến chỗ quỷ thần Câu-đề nói với các vị ấy: “Các A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên. Hãy cùng đến nghinh chiến”. Chư quỷ thần Câu-đề nghe các vị rồng nói, liền mang các loại chiến y và đồ trang bị, binh trượng, ngựa xe, cùng đi đến chỗ A-tu-luân để chiến đấu, nếu đắc thắng thì đuổi các A-tu-luân về thành quách của chúng. Nhưng chẳng thắng được, liền đi chỗ quỷ thần Trì Hoa, nói với các quỷ thần Trì Hoa rằng A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên nên cùng đến nghinh chiến, đuổi đi. Quỷ thần Trì Hoa nghe lời nói đó của rồng và quỷ thần Câu-đề liền mang các loại binh trượng, trang bị ngựa, xe, cùng đến chỗ A-tu-luân để chiến đấu, nếu đắc thắng sẽ đuổi các A-tuluân về thành quách của chúng, nhưng không thắng được liền đến chỗ quỷ thần Thái-đà-mạt, nói với họ: “Các A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên, nên cùng đến nghinh chiến và đuổi đi”. Quỷ thần Thái-đà-mạt nghe rồi, liền mang các loại binh trượng, ngựa xe, cùng đến nghinh chiến với A-tu-luân, nếu đắc thắng sẽ đuổi các A-tu-luân về thành quách của chúng, nhưng không thể thắng được, liền đi đến chỗ Tứ thiên vương, nói với Tứ thiên vương: “Các A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên, nên cùng đến nghinh chiến, đuổi đi”. Chư Thiên nghe xong, Đại thiên vương Tỳ-sa-môn ngay khi ấy nghĩ đến chư Thiên Đề-đầu-lại, Thiên vương Đề-đầulại biết việc ấy, liền mang đầy đủ các đồ trang bị, binh trượng, xe ngựa, cùng với vô số trăm ngàn Đề-đầu-lại vây quanh sau trước, đi đến chỗ của Đại thiên vương Tỳ-sa-môn, dừng lại ở trước. Thiên vương Tỳ-sa-môn lại nghĩ đến Thiên vương Tất-lâu-lặc. Thiên vương Tất-lâu-lặc biết việc đó, liền mang đầy đủ các loại trang bị, binh trượng, ngựa xe, cùng với vô số chư Thiên lại cùng với vô số trăm ngàn binh sĩ, lại cùng với vô số trăm ngàn loài Rồng vây quanh trước sau, đi đến chỗ Đại thiên vương Tỳ-sa-môn, dừng lại ở trước.

Bấy giờ, Thiên vương Tỳ-sa-môn mang đầy đủ các loại trang bị, binh trượng, ngựa xe, cùng với vô số trăm ngàn loài quỷ thần vây quanh, cùng với chư Thiên vương đến chiến đấu với các A-tu-luân, nếu đắc thắng, sẽ đuổi các A-tu-luân về thành quách của chúng, nhưng chẳng thắng được, liền đi đến trời Thiện đẳng, tâu với trời Đế-thích và nói với chư Thiên cõi Đaolợi: “Các A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên, nên cùng đến nghinh chiến, đuổi đi”.

Lúc ấy trời Đế-thích bảo chư Thiên: “Hãy đến chỗ chư Thiên Tu-diệm, chư Thiên Đâu-suất, chư Thiên Ni-ma-la, chư Thiên Ba-lani-mật, nói rằng A-tu-luân muốn chiến đấu với chư Thiên, nên cùng đến nghinh chiến, đuổi đi”.

Thiên tử Ba-la-ma liền nhận lệnh của trời Đế-thích đi đến nói với bốn vị trời trên như vậy. Các vị trời ấy liền mang đầy đủ các loại trang bị, binh trượng, ngựa xe, cùng vô số chư Thiên xuống cõi trời dưới.

Trời Diệm đến sườn phía Đông của núi Tu-di ủng hộ trời Đaolợi. Trời Đâu-suất cùng với vô số chư Thiên đi đến trụ tại sườn phía Nam của núi Tu-di. Thiên tử Ni-ma-la cùng với vô số chư Thiên đi đến sườn phía Tây của núi Tu-di để ủng hộ trời Đao-lợi. Thiên tử Ba-la-ni cùng với vô số chư Thiên đến trụ ở sườn phía Bắc núi Tu-di để ủng hộ trời Đao-lợi.

Trời Đế-thích nghĩ đến các quỷ thần Duy Mạn. Các quỷ thần Duy Mạn biết việc ấy, liền mang đầy đủ các thứ trang bị, binh trượng, ngựa xe, đi đến chỗ trời Đế-thích, dừng lại ở trước.

Trời Đế-thích nghĩ đến voi chúa Thiện trụ. Voi chúa Thiện trụ biết việc ấy, liền mang đầy đủ các đồ trang bị, binh trượng, xe ngựa, đi đến chỗ trời Đế-thích, dừng lại ở trước.

Trời Đế-thích lại nghĩ đến các Thiên vương. Các Thiên vương biết điều ấy, liền mang đầy đủ các đồ trang bị, binh trượng, ngựa xe, đi đến chỗ trời Đế-thích, dừng lại ở trước.

Trời Đế-thích lại nghĩ đến chư Thiên Đao-lợi. Chư Thiên Đaolợi biết việc ấy, liền mang đầy đủ các đồ trang bị, binh trượng, ngựa xe, đi đến chỗ trời Đế-thích dừng lại ở trước.

Bấy giờ trời Đế-thích tự mang đầy đủ các loại trang bị, binh trượng, ngựa xe, ngồi trên lưng tượng vương Thiện trụ, cùng với vô số trăm ngàn vị trời vây quanh trước vua, ra khỏi thiên cung, đi đến chỗ các A-tu-luân, cùng chiến đấu, dùng dao, kiếm, mâu, tên, cung, nỏ đâm bắn. A-tu-luân bị thương, đau đớn chẳng kể xiết, tuy bị như vậy mà chẳng chết. Các A-tu-luân cũng thế, dùng dao, kiếm, mâu, tên, cung, nỏ bằng bảy báu đâm bắn làm chư Thiên bị thương, đau đớn không kể xiết, tuy bị như vạy nhưng chẳng chết. Trời ở cõi Dục chiến đấu với các A-tu-luân cũng như vậy. Vì dục là nhân ẩn tàng, vì nhân duyên là dục nên mới xảy ra như thế.