KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Địa-bà-ha-la, người xứ Trung Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN IV

Phẩm 10: CHỈ RÓ VỀ CÁC THỨ KINH SÁCH CHỮ NGHĨA

Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Khi Bồ-tát vừa tròn bảy tuổi, Ngài đã đầy đủ cung cách uy nghi, trăm ngàn điều tốt lành. Vua cha chuẩn bị để Bồ-tát đến học đường, có tới mười ngàn đồng nam, một vạn đồng nữ vây quần cùng đi với Bồ-tát đến trường học. Một vạn cỗ xe chở các món ăn thượng vị cùng những vật phẩm quý giá. Khắp các đường phố trong kinh thành Ca-tỳ-la và các làng mạc quanh vùng đều ra mừng đón. Trăm ngàn các thứ âm nhạc đồng hòa âm cùng với hoa trời rải xuống như mưa. Lại có vô số trăm ngàn thể nữ trang phục đẹp đẽ đeo đầy các chuỗi ngọc anh lạc, hoặc ở nơi lầu gác mái hiên, hoặc ở nơi cửa ngõ đền điện chiêm ngưỡng Bồ-tát, dùng các thứ hoa đẹp từ xa tung rải lên Ngài. Lại có trăm ngàn thể nữ ở cõi trời ăn mặc trang điểm đẹp đẽ, mỗi vị cầm bình báu đựng đầy nước thơm đi trước rưới khắp con đường Bồ-tát đi. Chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la- già…, mỗi vị ở trên hư không hiện nửa thân hình tay cầm vòng hoa, các xâu chuỗi anh lạc, châu báu giăng treo khắp trên cao. Tất cả các vị trong tộc họ Thích trước sau vây quanh cùng đi với vua Du-đầu-đàn đưa Bồ-tát đến trường học.

Khi Bồ-tát vừa tới trường, thầy dạy là bác sĩ Tỳ-xa-mật-đa thấy Bồ-tát uy đức tột bậc, tự thấy mình như không đủ sức làm thầy Bồ-tát, sinh tâm vô cùng hổ thẹn, đầu óc choáng váng nên ngã lăn ra đất. Lúc ấy một vị Thiên tử ở cõi trời Đâu-suất tên Diệu Thân vội đỡ bác sĩ Tỳ-xa-mật-đa, đưa về chỗ cũ rồi bay vút lên hư không đọc bài tụng:

Tất cả học nghệ ở thế gian
Từ vô lượng kiếp đã tu tập
Vì muốn khích lệ các đồng tử
Tùy thuận thế pháp đến học đường
Lại muốn chế ngự mọi chúng sinh
Khiến nhập chân thật Đại thừa pháp
Hiểu rõ nhân duyên, thấu Tứ đế
Diệt mọi phiền não đạt thanh tịnh
Bậc Tối Tôn, chủ mọi cõi trời
Bậc thí cam lộ vượt tất cả
Mọi nẻo tâm ý của chúng sinh
Chỉ trong một niệm đều thông suốt
Các pháp tịch diệt đã tỏ ngộ
Huống chi văn tự phải học hỏi.

Lúc ấy vị Thiên tử nói kệ xong, liền dùng các thứ thiên hoa, thiên hương cúng dường Bồ-tát rồi vụt biến mất. Vua Du-đầu-đàn ra lệnh cho các đồng tử và các bảo mẫu trông coi, hầu hạ Bồ-tát, rồi vua trở lại hoàng cung. Bấy giờ Bồ-tát tay cầm thiên thư làm bằng những thẻ chiên-đàn, có xoa các thứ thiên hương và được tô điểm, nạm bằng các thứ ngọc quý ma-ni sáng rực. Bồ-tát hỏi thầy dạy:

-Sách Phạm-mị, sách Khư-lô-sắt-để, sách Bô-sa-ca-la, sách Ương-già-la, sách Ma-ha-để, sách ương-cù, sách Diệp-bán-ni, sách Sa-phú-ca, sách A-ba-lô-sa, sách Đạp-tỳ-la, sách Kế-la-na, sách Đa-ta-na, sách ức-kỳ-la, sách Tăng-kỳ, sách A-bạt-mâu, sách A-nô-lô, sách Đạt- la-đà, sách A-sách, sách Chi-na, sách Hộ-na, sách Mạt-đề-át-sát-la- mật-đát-la, sách Phất-sa, sách Đề-bà, sách Na-già, sách Dạ-xoa, sách Càn-thát-bà, sách Ma-hầu-la, sách A-tu-la, sách Ca-lâu-la, sách Khẩn-na-la, sách Mật-phú-già, sách Ma-du, sách Bạo-ma-đề-bà, sách An-đa- lực-xoa-đề-bà, sách Câu-đa-ni, sách uất-đơn-việt, sách Phất-đề, sách Ôc-khế-bà, sách Nặc-khế-ba, sách Bát-la-khế-ba, sách Bà-kiệt-la, sách Bạt-xà-la, sách Lệ-khư-bát-la-để-lệ, sách Ti-khế-ba, sách An-nô-bát-đô-đa. sách Sai-xá-tát-đa-bà, sách Kiêt-ni-na, sách Ô-sai-ba, sách Nặc-sai-ba, sách Ba-đà-lệ-khư, sách Địa-đát-la-ô-tán-địa, sách Dạ-bà- đạt-xa, sách Bạt-đà-bán-địa, sách Mạt-đề-la-hý-ni, sách Tát-bà-lũ-đa- tăng-già-ha, sách Bà-thi, sách Tì-đà-a-nô-lộ-ma, sách Ni-sư-đáp-đa, sách Hồ-lô-chi-ma, sách Đà-la-ni-nhàn-đa, sách Già-già-na-tất-lợi-kỳ- na, sách Tát-bà-ôc-sát-địa-lưỡng-sản-đà, sách Bà-kiệt-la, sách Tăng-già-ha, sách Tát-bà-ỉộ-đa-hầu-lâu-đa. Trong sáu mươi lăm bộ sách kể trên, thầy muốn dùng bộ sách nào để dạy?

Lúc ấy thầy dạy Tỳ-xa-mật-đa được nghe những bộ sách mà bản thân chưa từng nghe, lòng vô cùng hoan hỷ, tự dứt bỏ hết mọi ý tưởng tự phụ, cất tiếng đọc bài tụng:

Bậc Thắng trí thanh tịnh ít có
Đã tự thông thạo tất cả pháp
Học đường hỏi thầy về phép học
Nói ra bao sách chưa từng nghe
Vô kiến đảnh tướng thật tôn quý
Diện mạo uy nghi chưa, từng gặp
Thần lực trí tuệ khó ai hơn
Tài nghệ thật đáng giáo huấn ta
Trí còn thiển lậu ta nên học
Bao nhiêu sách vở thật chưa tường
Là Bậc Tối Thượng chủ mọi trời
Thế gian thật không ai sánh nỗi.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Lúc bấy giờ mười ngàn đồng tử cùng Bồ-tát đầu tiên học các chữ mẫu với thầy. Lúc đọc to chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên tất cả các hành là vô thường; khi đọc kéo dài chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên tinh thần tự lợi lợi tha; lúc đọc to chữ Y thì đồng thời phát ra âm thanh nói về các pháp môn căn bản rộng lớn; khi đọc kéo dài chữ Y thì đồng thời phát ra âm thanh nói về tất cả các thứ bệnh tật ở thế gian; lúc đọc cao giọng chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự phiền não loạn động của thế gian; khi đọc to chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên trí tuệ của tất cả chúng sinh trong thế gian còn thấp kém, hẹp hòi; lúc đọc to chữ Oánh thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt hết mọi thứ âu lo tội lỗi; lúc đọc to chữ Ái thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất uy nghi thù thắng; khi đọc to chữ Ô thì đồng thời phát ra âm thanh muốn lìa bỏ dòng thác sinh tử để đạt đến giải thoát; lúc đọc to chữ Áo thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện mọi sự biến hóa lưu chuyển; lúc đọc to chữ úm thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất vô ngã, vô ngã sở của mọi vật mọi pháp; lúc đọc to chữ A thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tính chất tịch diệt của tất cả pháp; lúc đọc cao giọng chữ Ca thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự thâm hiểu về nghiệp quả; lúc đọc to chữ Khư thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ tất cả các pháp vốn mênh mông vắng lặng như hư không; lúc đọc cao giọng chữ Già thì đồng thời phát ra âm thanh nói lên sự thấu hiểu giáo pháp duyên khởi sâu xa; khi đọc to chữ Già thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự diệt trừ tất cả màn lưới vô minh tăm tối, mê mờ sâu dày; lúc đọc to chữ Nga thì đồng thời phát ra âm thanh bày tỏ sự dứt trừ vòng luân chuyển mười hai chi của chúng sinh; lúc đọc to chữ Giả thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự quán sát Tứ diệu đế.

Lúc đọc cao giọng chữ Xa thì đồng thời phát ra âm thanh mong muốn dứt sạch mọi tham dục; lúc đọc to chữ Xã thì đồng thời phát ra âm thanh mong vượt qua biển sinh tử đạt đến bờ giải thoát; lúc đọc to chữ Xà thì đồng thời phát ra âm thanh mong hàng phục hết thảy các thứ ma quân; khi đọc to chữ Hoại thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự khai ngộ cho tất cả chúng sinh; khi đọc cao giọng chữ Trá thì đồng thời phát ra âm thanh mong được vượt thoát mãi các nẻo đường trong sáu cõi; khi đọc to chữ Đà thì đồng thời phất ra âm thanh mang tính chất đối đáp; khi đọc cao giọng chữ Trà thì đồng thời phát ra âm thanh nói về sự đoạn trừ tất cả ma oán, não loạn; khi đọc to chữ Trà thì đồng thời phát ra âm thanh nêu rõ mọi cảnh giới đều là bất tịnh; khi đọc cao giọng chữ Noa thì đồng thời phát ra âm thanh mong đoạn sạch tất cả các phiền não vi tế; khi đọc cao giọng chữ Đa thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ sự không sai khác trong chân như của tất cả pháp; khi đọc cao giọng chữ Tha thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sức mạnh của tinh thần vô úy; khi đọc cao giọng chữ Đà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện việc giữ giới nghiếm túc; khi đọc to chữ Đà thì đồng thời phát ra âm thanh mong đạt bảy món tài sản của bậc Thánh; khi đọc cao giọng chữ Nà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự thông tỏ về thân và tâm; khi đọc cao giọng chữ Ba thì thanh thể hiện sự thông tỏ về thân và tâm; khi đọc cao giọng chữ Ba thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự chứng đạt chân lý tuyệt đối; khi đọc cao giọng chữ Phả thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự chứng đắc các quả vị ngay trong hiện tại; khi đọc cao giọng chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự giải thoát mọi trói buộc; lúc đọc to chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt sạch mọi pháp hữu lậu; lúc đọc cao giọng chữ Ma thì đồng thời phát ra âm thanh bày tỏ sự tiêu diệt mọi niệm kiêu mạn; lúc đọc to chữ Dã thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện sự thông đạt tất cả các pháp; khi đọc to chữ La thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện tâm niệm chán ghét, xa lìa sinh tử, vui thích chân lý giải thoát tuyệt đối; lúc đọc cao giọng chữ La thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện ý chí đoạn sạch cội rễ sinh tử; lúc đọc cao giọng chữ Bà thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện pháp môn thượng thừa tối tôn tôi thắng; lúc đọc to chữ Xả thì đồng thời phát ra âm thanh nêu bật ý nghĩa pháp môn Tam-muội chánh định, chánh tuệ; khi đọc cao giọng chữ Sa thì đồng thời phát ra âm thanh thể hiện việc chế ngự, điều phục sáu xứ đạt sáu loại thần thông; khi đọc to chữ Ta thì đồng thời phát ra âm thanh nêu rõ sự chứng đắc Nhất thiết trí; khi đọc to chữ Ha thì đồng thời phát ra âm thanh mong dứt sạch tất cả nghiệp tạo tác của phiền não; khi đọc to chữ Sai thì đồng thời phát ra âm thanh nói rõ văn tự không thể diễn tả, biểu hiện trọn vẹn tất cả pháp.

Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Khi Bồ-tát cùng với các đồng tử ở học đường cùng đọc to các mẫu tự thể hiện vô lượng trăm ngàn âm thanh của các pháp môn khiến cho ba vạn hai ngàn đồng nam, ba vạn hai ngàn đồng nữ đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đó là nhân duyên Bồ-tát thị hiện đến học đường.