KINH TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Tây tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 10: CHÍ NGUYỆN ĐẠI THỪA

Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hạnh bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Bồ-tát lập chí nguyện nơi Đại thừa thì nên quán xét điều gì?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Chí nguyện cầu Phật đạo
Chưa từng chấp giữ sắc
Đạo cũng giống như sắc
Đây là tâm cầu đạo.
Sắc và đạo chẳng khác
Thực hành cũng như vậy
Không hủy bỏ sở nguyện
Là đạo tuệ đệ nhất.
Chẳng hoại là nghĩa đạo
Đạo là nghĩa vô ngã
Người tu đệ nhất nghĩa
Là chí nguyện cầu đạo.
Đối với ấm, giới, nhập
Mà cầu được Phật đạo
Hiểu điều này chẳng khác
Đạo và giác bình đẳng.
Nếu không chấp các pháp
Không thấy thượng, trung, hạ
Cũng không hề xả bỏ
Đây chính là cầu đạo.
Chánh pháp hoặc phi pháp
Không phân biệt là hai
Chẳng thủ đắc hai pháp
Đây chính là cầ u đạo.
Hữu vi tức hai pháp
Vô vi tức không hai
Xa lìa mọi phân biệt
Đây chính là cầu đạo.
Nếu vượt trên phàm phu
An trụ nơi tịch tĩnh
Chưa chứng quả Hiền thánh
Không nhiễm đấm thế gian.
Quán xét hết thảy pháp
Ở đời như hoa sen
Tu theo các diệu hạnh
Đây chính là cầu đạo.
Luôn ở trong thế gian
Mà tạo tác, hành hóa
Người đời bị trói buộc
Sáng suốt thì giải thoát
Không sợ hãi sinh tử
Bồ-tát chí mạnh mẽ
Chẳng sợ, luôn kiên cố
Tu hành theo Phật đạo.
Giả sử hiểu rõ hết
Phân biệt về pháp giới
Nơi pháp cùng phi pháp
Đều không hề vướng mắc.
Không chọn lựa các pháp
Chuyên tu hành Phật đạo
Chưa từng bị đọa lạc
Đạo ấy không hình tướng.
Các pháp cũng không tướng
Ví như nơi hư không
Không tướng, chẳng không tướng
Người trì không khởi niệm.
Dùng phương tiện thiện xảo
Để thực hành giải thoát
Khiến hết cả chúng sinh
Được đầy đủ chí nguyện.
Thường hộ trì chánh pháp
Kiến lập nơi bình đẳng
Đây gọị là chánh pháp
An trụ, không khởi niệm.
Tuy chư Phật xuất hiện
Hoặc là chẳng xuất hiện
Luôn trụ nơi chánh pháp
Là hộ trì kinh điển.
Tất cả pháp hiện tại
Chánh pháp hay phi pháp
Có giảng nói cũng vậy
Vì chẳng có nguồn gốc.
Tu theo đạo vi diệu
Không rõ việc của ma
Đối với pháp cũng vậy
Không chấp giữ giáo pháp.
Chí nguyện nơi Phật đạo
Nếu lầm theo kiêu mạn
Là không có trí tuệ
Giảng nói không kết quả.
Tuệ chư Phật vô lượng
Không đắm nhiễm các pháp
Chẳng đối tượng duyên dựa
Đây là đạo giải thoát.
Bố thí, chí hướng đạo
Ưa thích cho hết thảy
Hàng phục tất cả hữu
Không chấp giữ Phật đạo.
Pháp là rất khó cho
Cũng rất khó nhận được
Các pháp khác cũng vậy
Không có tướng cho, nhận.
Đạt giải thoát hoàn toàn
Hiểu rõ hết mọi pháp
Tu tập trải tình thương
Không rơi vào kiến chấp.
Chấp ngã và ngã sở
Hai điều ấy vốn không
Không có tầm ngã mạn
Không tham tiếc sở hữu.
Tất cả đều bố thí
Đều hồi hướng Phật đạo
Bố thí và Bồ-đề
Không chấp hai tướng ấy.
Cũng không chấp trì giới
Luôn an trụ chánh đạo
Không suy nghĩ, cho rằng
Ta giữ gìn giới cấm.
Không tạo tác, phát sinh
Bậc Thánh thông đạt giới
Vì vậy giới thanh tịnh
Rỗng lặng tựa hư không.
Thân như ảnh trong gương
Lời nói như tiếng vọng
Biết rõ tâm như huyễn
Trì giới không ngã mạn.
Đây là theo lời Phật
Ưa thích cảnh tịch nhiên
Diệt trừ mọi điều ác
Được giải thoắt, thanh tịnh.
Đều được gọi giới cấm
Là không phá, không giữ
Thấy rõ về pháp tánh
Đây là giới vô lậu.
Nhẫn nhục ba-lã-mật
Chịu được các điều ác
Đối tất cả chúng sinh
Tâm luôn xem bình đẳng.
Như pháp không nơi chốn
Không nương tựa hư không
Không thấy bị mắng nhiếc
Cũng chẳng được cung kính.
Thân bị chặt từng đoạn
Tâm vẫn không dao động
Tâm không có chốn trụ
Cũng chẳng ở trong, ngoài.
Quán dao nhọn, oán thù
Đều do bốn đại thành
Không bao giờ làm ác
Tâm nhẫn nhục như đất
Thông đạt được như vậy
Mới gọi là nhẫn nhục
Giúp cho mọi chúng sinh
Không khởi tâm sân hận.
Khuyên họ thích Đại thừa
Tinh tấn không sợ hãi
Vận hành của tâm ý
Không bao giờ chấp giữ.
Đầu mối của sinh tử
Không thể nào biết đươc
Nguyện dù vì một người
Cũng mặc giáp Đại thừa.
Các pháp chưa từng sinh
Thì làm sì có diệt
Chỉ bằng sức điên đảo
Không thể rõ “bản tế”
Dù có được Thiên nhãn
Pháp tánh vẫn khó bàn
Hiểu biết rõ như vậy
Không khởi cũng không diệt
Chúng sinh không biết được
Các pháp và phi pháp
Bồ-tất luôn tinh tấn
Khiến họ lìa điên đảo.
Chư Phật không chấp giữ
Hoàn toàn không phân biệt
Người tinh tấn riêng khác
Luôn mặc giáp đại nguyện.
Quán xét tất cả pháp
Như huyễn, như dợn nắng
Quán những gì bền chắc
Cũng đều như hư không.
Từ hư giả phân biệt
Nương tựa chẳng lợi ích
Vì vậy nói bình đẳng
Khiến đạt đến Niết-bần.
Theo nghĩa tinh tấn ấy
Tư hành không chướng ngại
Hành, sở hành đều bỏ
Tu tinh tấn tố thượng.
Đạo vốn là tịch tĩnh
Tu tập nơi nghĩa không
Chớ tin theo hư dối
Luôn lo sợ sinh tử.
Dũng mãnh, thích tịch tĩnh
Rõ vực thẳm vô thường
Bậc trí ưa thiền định
Thần thông Ba-la-mật.
Chốn vắng vẻ, thanh tịnh
Tầm an trụ bình đẳng
Oai nghi dứt tưởng niệm
Tâm ý thường định tĩnh.
Pháp vốn tịnh, bình đẳng
Tịch tĩnh lìa các lậu
Tin ưu nẻo giải thoát
Nơi các độ luôn định.
Tâm bình đẳng dạy người
Khiến an trụ trong đó
Không trái với hạnh ấy
Mới gọi là bình đẳng.
Không có tâm kiến chấp
Tâm đạo tỏa khắp nơi
Giáo hóa mọi chúng sinh
Nên gọi là bình đẳng.
Thường nhớ nghĩ chư Phật
Như Lai tức Pháp thân
Không chấp thủ các sắc
Nên gọi la bình đẳng.
Luôn nhớ tu kinh điển
Hoặc pháp hoặc phi pháp
Tâm cũng đều nhớ nghĩ
Nên gọi là bình đẳng.
Tâm nhớ nghĩ Thánh chúng
Tăng chúng là vô vi
Lìa số lượng, vô số
Thông đạt nơi thiền định.
Thấy hết thảy chúng sinh
Nơi mười phương cõi Phật
Mắt cũng không chấp sắc
Không có tưởng và hành.
Hoặc nghe tất cả Phật
Diễn nói các kinh pháp
Âm thanh đã lãnh hội
Cũng không có hai tướng.
Trong một tâm thấy biết
Tâm tất cả chúng sinh
Tâm người khác, tâm mình
Cũng không hề phân biệt.
Nhớ các đời quá khứ
Ức vạn hằng hà sa
Cũng không có trước sau
Nhớ biết đều như thế.
Đến được ngàn ức cõi
Hiện thần thông vô cùng
Hiểu rõ được mọi điều
Ba nghiệp không loạn động.
Phân biệt nơi các pháp
Biện luận hay bậc nhất
Giảng nói ngàn ức kiếp
Không bỏ mất pháp tánh.
Trí tuệ ba-la-mật
Phương tiện rõ năm ấm
 Tu hành không dừng nghỉ
Vì người giảng kinh pháp.
Thấu đạt pháp nhân duyên
Dứt trừ mọi phân biệt
Biết rõ các phiền não
Cũng chính là thanh tịnh.
Tin nhân duyên giải thoát
Không khởi các kiến chấp
Hiểu mọi việc như vậy
Các pháp không hình tướng.
Được nhìn thấy thân Phật
Nhập nơi pháp quán không
Thấy diệt độ hoàn toàn
Tất cả không thủ đắc.
Biết tuệ vốn thanh tịnh
Suy nghĩ nơi lưới đời
Nhằm lìa bỏ tối tăm
Nên tu tập đạo hạnh.
Đây chính là Đại thừa
Tuệ Phật khó nghĩ bàn
Vỗ về các chúng sinh
Khuyên dạy thừa vô thượng.
Trong tất cả các thừa
Đại thừã là tối thượng
Như vậy, một thừa ấỵ
Bao gồm tất cả thừa.
Nên hết thảy mọi người
Đều không thể suy lường
Pháp Đại thừa của ta
Cứu độ khắp muôn loài.
Người phát nguyện Đại thừa
Cũng giống như hư không
Chưa từng có tham dục
Đối chúng sinh không chấp.
Hư không, không giới hạn
Không sắc, không thể thấy
Đại thừa cũng như vậy
Vô hạn lượng, vô lậu.
Giả sử mọi chúng sinh
Đều nương học thừa ấy
Nơi thọ nhận cũng thế
Thừa ấy là thù thắng.
Ví nơi trăm ngàn kiếp
Tu tập theo thừa này
Khen ngợi công đức ấy
Cũng không thể cùng tận.
Được từ bỏ, vô ngại
Sáng suốt, đạt tự tại
Người giữ gìn, đọc tụng
Kinh điển tôn quý này.
Không bị đọa đường ác
Sau chắc đạt an ổn
Nơi cõi trời, cõi người
Kính kinh này cũng vậy.
Ta thọ ký cho ông
Tất thành tựu Phật đạo
Nếu được nghe kinh này
Sẽ hết mọi sợ hãi.
Được ở trong chánh pháp
Kiến lập kinh điển ấy
Vận chuyển bánh xe pháp
Trụ kinh này cũng vậy.
Tư duy về tất cả
Trong các kiếp sinh tử
Luôn gần Bậc Chánh Giác
Trì kinh này cũng vậy.
Người thọ trì kinh ấy
Sức dũng mãnh vô cùng
Hàng phục mọi quần ma
Tinh tấn, đạt trí tuệ.
Như Đức Phật Định Quang
Thọ ký đạt pháp nhẫn
Người cung kính kinh này
Cũng được ta thọ ký.
 Tuy Phật không ở đời
Dẫn dắt, độ thế gian
Người giảng nói kinh nầy
Vẫn hành hóa Phật sự.

Lúc Đức Phật nói kệ xong, chúng hội hiểu rõ về ý nghĩa của những lời dạy ấy, thì có mười ngàn vị Thiên tử phát tâm cầu đạo quả Chánh chân vô thượng, hai ngàn Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh, một ngàn Tỳ-kheo diệt hết các lậu, tâm được giải thoát, ba vạn hai ngàn người dứt sạch các phiền não, đạt Pháp nhãn thanh tịnh.