KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 10: CHÍ ĐẠI THỪA

Khi ấy, Bồ-tát Đẳng Hạnh thưa Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát phát nguyện và thực hành về Đại thừa?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Bồ-tát không hoại sắc
Thực hành tâm Bồ-đề
Biết sắc là Bồ-đề
Gọi là hành Bồ-đề.
Biết sắc là Bồ-đề
Đều hội nhập tướng “như”
Chẳng hoại tánh các pháp
Gọi là hành Bồ-đề.
Chẳng hoại tánh các pháp
Tức là nghĩa Bồ-đề
Trong nghĩa Bồ-đề ấy
Cũng không có Bồ-đề
Chánh hạnh nghĩa đệ nhất
Gọi là hành Bồ-đề.
Đối với ấm, giới, nhập
Người ngu cầu Bồ-đề
Ấm, giới, nhập tức là
Lìa chúng, không Bồ-đề.
Nếu có các Bồ-tát
Đối pháp thượng, trung, hạ
Không chấp cũng không xả
Gọi là hành Bồ-đề.
Chánh pháp và phi pháp
Chẳng phân biệt làm hai
Cũng không chấp chẳng hai
Gọi là hành Bồ-đề.
Nếu hai tức hữu vi
Chẳng hãi là vô vi
Lìa hai kiến chấp ấy
Gọi là hành Bồ-đề.
Bậc đó hơn phàm phu
Chẳng hội nhập pháp vị
Chưa chứng quả bậc Thánh
Là ruộng phước thế gian.
Thực hành pháp thế gian
Trong đó như hoa sen
Tuấn tú đạo Vô thượng
Gọi là hành Bồ-đề.
Nẻo hành của thế gian
Đều ở trong đó hành
Thế gian chỗ tham đắm
Trong đó, được giải thoát
Bồ-tát không lo sợ
Chẳng chìm vực sinh tử
Không mệt mõi không lo
Mà hành đạo Bồ-đề.
Vị ấy khéo giỏi biết
Tướng chân thật tánh pháp
Nên chẳng còn phân biệt
Chánh pháp hay phi pháp,
Khi hành đạo Thế Tôn
Không có pháp lìa bỏ
Pháp được thọ cũng không
Đó là tướng Bồ-đề.
Tất cả pháp vô tướng
Giống như là hư không
Hoàn toàn không khởi niệm
Tướng ấy chính là tướng,
Biết nẻo hành thế gian
Thông suốt lực phương tiện
Hay đầy đủ tất cả
Sở nguyện của chúng sinh,
Thường trụ nơi bình đẳng
Hộ trì chánh Pháp Phật
Tất cả không khởi niệm
Đó là pháp Như Lai.
Hoặc có Phật, không Phật
Pháp đó thường trụ thế
Thông suốt các tướng này
Gọi là hộ trì pháp.
Thật tướng của các pháp
Hiểu rõ được nghĩa ấy
An trú ở trong đó
Mà vì người thuyết giảng,
Thực hành pháp sâu xa
Ma không thể quấy nhiễu
Vị ấy đối với pháp
Không còn bị lệ thuộc,
Cầu đạt trí tuệ Phật
Không chấp vào mong cầu
Tuệ ấy nơi mười phương
Cầu không thể nắm bắt,
Trí tuệ Phật vô ngại
Không chấp pháp, phi pháp
Nếu không chấp vào đó
Thì thành tựu Phật đạo.
Những người thích làm thiện
Bố thí thành cao quý
Bỏ hết mọi sở hữu
Mà tâm không lay động.
Các pháp không thể bỏ
Cũng không thể nắm giữ  
Tất cả pháp thế gian
Vốn không thể nắm bắt.
Hiểu rõ tất cả pháp
Chẳng trí, chẳng bỏ tướng
Gọi là đại thí chủ
Không chấp vào các pháp.
Là các hàng Bồ-tát
Không chấp ngã, ngã sở
Nên khi hành bố thí
Tâm không sinh luyến tiếc.
Bố thí các sở hữu
Đều hồi hướng Phật đạo
Bố thí và Bồ-đề
Không trú nơi hai tướng.
Không sinh cũng không diệt
Thường trú ở trong ấy
Cũng không khởi các niệm
Ta an trú trì giới.
Người trú biết giới tướng
Không sinh, không tạo tác
Đó là giới thanh tịnh
Giống như là hư không.
Thân như ảnh trong gương
Lời nói như tiếng vang
Tâm thì như huyễn hóa
Chẳng vì giới cao ngạo.
Tâm ấy thường uyển chuyển
An trú tánh vắng lặng
Diệt trừ tất cả ác
Thông suốt cắc pháp thiện.
Trì giới và phá giới
Không chấp vào hai tướng
Như vậy thấy pháp tánh
Thì trì giới vô lậu.
Đã đến bờ nhẫn nhục
Nhẫn tất cả việc ác
Đối các loài chúng sinh
Tâm này thường bình đẳng
Các pháp niệm niệm diệt
Tánh ấy thường chẳng trụ
Trong đó không nhục mạ
Cũng không có cung kính.
Nếu thân bị cắt, xả
Tâm ấy kkhông hề động
Biết tâm không ở trong
Cũng không ở bên ngoài.
Oán, thân và đao gậy
Đều từ bốn đại khởi
Nơi đất, nước, gió, lửa
Chưa từng có thương tổn.
Thông suốt các việc này
Thường hành pháp nhẫn nhục
Bồ-tát hành như vậy
Chúng sinh chẳng sánh kịp,
Dũng mãnh, siêng tinh tấn
Trú vững pháp Đại thừa
Bậc này thân và tâm
Không có chỗ nương tựa.
Tuy biết gốc sinh tử
Cõi này không thể đạt
Vì tất cả chúng sinh
Trang nghiêm thệ nguyện lớn.
Pháp không quyết định sinh
Lầm sao có tướng diệt
Bản tế không nắm bắt
Vì điên đảo nên thuyết.
Tánh pháp không thể bàn
Thường ở trong thế gian
Nếu biết được như vậy
Không sinh cũng không diệt
Bồ-tát nghĩ chúng sinh
Không hiểu rõ pháp tướng
Vì họ nên tinh tấn
Khiến xa ba điên đảo.
Chư Phật thường chẳng vướng
Tướng quyết định chúng sinh
Mà thệ nguyện rộng lớn
Quán xét lực tinh tấn.
Tư duy tất cả pháp
Biết hết thảy đều huyễn
Chẳng phải tướng kiên cố
Quán tưởng như hư không.
Phân biệt từ hư vọng
Thân đắm khổ não sinh
Vì đó mở bầy pháp
Khiến được vào Niết-bần.
Vì họ hành tinh tấn
Không hủy hoại các pháp
Lìa pháp và phi pháp
Hành tinh tấn chân chánh.
Xa lìa những hạnh đó
Hiểu rõ định không tranh
Một mình nơi thanh vắng
Thường sợ chốn sinh tử.
Thích sống nơi vắng lặng
Như tê giác một sừng
Tự tại nơi thiền định
Hiểu rõ các thần thông.
Tâm thường trú bình đẳng
Trụ ở nơi tịch tĩnh
Oai nghi không biến đổi
Thường vui trong thiền định.
Tin hiểu pháp thường định
Và vô lậu Niết-bàn
Tâm nầy được giải thoát
Nên gọi bậc thường định.
Tự trú pháp bình đẳng
Từ đây dẫn chúng sinh
Không trái hạnh bình đẳng
Nên gọi bậc thường định.
Ý chí thường vững chắc
Không quên tâm Bồ-đề
Cũng giáo hóa chúng sinh
Nên gọi bậc thường định.
Luôn nhớ nghĩ chư Phật
Thân pháp tánh chân thật
Xa lìa tướng sắc thân
Nên gọi bậc thường định.
Thường tu niệm nơi pháp
Như thật tướng các pháp
Cũng không có nhớ nghĩ
Nên gọi bậc thường định.
Thường tu niệm với Tăng
Tăng tức là vô vi
Lìa số và phi số
Thường hội nhập định nàỵ.
Đều thấy Phật mười phương
Tất cả loài chúng sinh
Mà mắt đối với sắc
Trọn không sinh hai tướng.
Pháp chư Phật đã thuyết
Tất cả đều lãnh thọ
Mà tai đối với thanh
Cũng không sinh hai tướng.
Trong thiền định nhất tâm
Biết tâm các chúng sinh
Tâm mình và tâm người
Cả hai chẳng phân biệt.
Nhớ nghĩ đời quá khứ
Như hằng hà sa kiếp
Trước kia và sau này
Cũng không có phân biệt
Đi khắp vô lượng cõi
Thị hiện sức thần thông
Mà ở trong thân tâm
Không có tưởng nhàm chán.
Phân biệt rõ các pháp
Thuyết biện tài vô tận
Trong vô lượng số kiếp
Tánh tướng pháp mở bày.
Trí tuệ đến bờ kia
Khéo hiểu ấm, giới, nhập
Thường thuyết cho chúng sinh
Không chấp, không hý luận.
Khéo biết pháp nhân duyên
Xa lìa tướng nhị biên
Biết là nhẫn phiền não
Cũng biết nhân thanh tịnh.
Tin hiểu pháp nhân duyên
Thì không có tà kiến
Pháp đều thuộc nhân duyên
Không có gốc quyết định.
Kiến chấp ngã và Phật
Kiến chấp không, sinh tử
Kiến chấp về Niết-bàn
Kiến chấp đều không đúng.
Ánh sáng trí vô lượng
Rõ thật tướng các pháp
Không tối, không chướng ngại
Là hành đạo Bồ-đề.
Thừa này gọi Đại thừa
Thừa chẳng thể nghĩ bàn
Đều dung nạp chúng sinh
Nên dung lượng vô tận.
Ở trong tất cả thừa
Thừa nầy là bậc nhất
Như vậy Đại thừa ấy
Sinh ra các thừa khác.
Thừa khác có hạn lượng
Không dung nạp tất cả
Chỉ thừa Vô thượng ấy
Mới độ hết chúng sinh.
Nếu hành Đại thừa này
Vô lượng như hư không
Thì tất cả chúng sinh
Không có tâm keo kiệt.
Hư không không giới hạn .
Cũng không có hình sắc
Đại thừa cũng như vậy
Chẳng giới hạn ngăn ngại.
Nếu tất cả chúng sinh
Nương nơi Đại thừa ấy
Nên xem tướng thừa đó
Chỗ bao dung rộng lớn.
Vô lượng, vô số kiếp
Nêu công đức Đại thừa
Và người nương thừa đó
Cũng không thể cùng tận.
Nếu người nghe kinh này
Cho đến giữ một kệ
Vĩnh viễn thoát các nạn
Đạt đến chốn an Ổn.
Người kính niệm kinh này
Sau khi bỏ thân mạng
Không đọa vào đường ác
Thường sinh trong trời, người.
Ở đời ác về sau
Nếu người nghe kinh ấy
Như Lai sẽ thọ ký
Rốt ráo thành Phật đạo.
Người thọ trì kinh này
Phật pháp ở người đó
Người ấy trụ pháp Phật
Có thể chuyển pháp luân.
Người thọ trì kinh này
Chuyển đổi vô lượng kiếp
Lưu chuyển trong sinh tử
Được gần gũi Phật đạo.
Người thọ trì kinh này
Đạt trí tuệ, tinh tấn
Gọi là đại dũng mãnh
Phá trừ các quân ma.
Ta thời Phật Nhiên Đăng
Trụ nhẫn, được thọ ký
Nếu người thích kinh này
Ta thọ ký cũng vậy.
Người sau đời Thế Tôn
Hay giảng rõ kinh này
Phật tuy không trụ thế
Có thể làm Phật sự.

Khi Đức Phật nói kệ này, có năm ngàn Thiên tử đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hai ngàn Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn vô sinh, mười ngàn Tỳ-kheo thông tỏ các pháp, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát, ba vạn hai ngàn người xa lìa mọi cấu uế phiền não, ở trong các pháp chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh.