KINH BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa-môn Công Đức Trực, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: CHÁNH QUÁN

Bấy giờ, Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn thành tựu Tam-muội Bồ-tát niệm Phật mà chư Phật đã nói thì phải nên gần gũi tu tập những pháp nào?

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Nếu các Bồ-tát muốn được tu tập Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói, muốn được gần gũi chư Phật Như Lai, lại muốn mau đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tâm phải quyết định an trụ, phải bỏ hẳn tâm không quyết định, bỏ tâm ngã kiến, tâm biết vô ngã, nên quán thân này như bọt nước tụ lại, quán sắc ấm như cây chuối, lần lượt quán thọ ấm như bọt nước trôi, quán tưởng ấm như ngọn lửa đang cháy, quán hành ấm như mây trên không, quán thức ấm giống như huyễn hóa. Nếu Bồ-tát muốn nhập vào Tam-muội này thì phải nên sinh ý tưởng sợ hãi, lại phải đầy đủ tâm hổ thẹn, bỏ không sợ hãi mà tạo sợ hãi, bỏ không hổ thẹn mà tu tâm hổ thẹn, đầy đủ Xa-ma-tha (chỉ), Tỳ-bà-xá-na (quán), dùng trí phương tiện bỏ ngã và vô ngã, nên học trí giải thoát và pháp môn ba không, lại phải biết sinh khởi ba thọ, cũng nên lìa bỏ ba căn bất thiện, nên khởi Tam-muội chánh định tụ, quán các chúng sinh giống như thân ta, quán bốn Niệm xứ gồm thân, thọ, tâm, pháp, quán hoạn nạn của bốn thực để tạo tưởng vô thực, đó là đoàn thực, xúc thực, ý thực, thức thực. Tu tưởng bất tịnh và dùng Từ bi, an trụ nơi hỷ khiến xả đầy đủ, khởi lên các thiền định mà không tham đắm, cũng không hủy báng tất cả các pháp. Thân này không thật, giống như ánh lửa huyễn, không thích sống lâu phải nên chán lìa, khéo phòng hộ tâm, tu tập đa văn, không khinh mạn chánh pháp, siêng năng bảo hộ, không bài bác liền được văn tài cho đến pháp tài. Đã nghe pháp rồi, bảo vệ nghĩa ấy, tôn trọng Phật pháp, cung kính Tăng bảo, gần gũi Thiện tri thức, xa lìa bạn ác, không tham đắm mùi vị ngôn luận của thế tục, thường không lìa hạnh A-lan-nhã, tâm thường bình đẳng, thương xót chúng sinh, tâm ấy không thoái chuyển, không ôm lòng ganh ghét, nêu lường các pháp tâm không nhiễm vướng, phân biệt hết thảy vô số pháp, thường cầu kinh điển Đại thừa sâu xa, lòng tin kiên cố, không sinh nghi ngờ, thường siêng năng tinh tấn đọc tụng kinh này tức là đạo vô thượng của chư Phật, là chỗ sinh ra công đức của chư Phật. Tâm ấy nên chân thật như vậy, phải hàng phục kiêu mạn, hết lòng lắng nghe, thọ trì, tăng trưởng chánh pháp, phải lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, lười biếng, cao ngạo, tâm thị phi, phải xả bỏ các thuyết tà kiến hủy báng, giữ lấy chân ngã, trừ dứt lời nói dơ loạn, diệt mọi tranh luận, tâm phải thích an trụ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phải đầy đủ các Ba-la-mật, có thể xả bỏ đầu, mắt, tâm vẫn không thoái lui, như tánh bốn đại không thể thay đổi, thân ý phải chuyên cần, không tiếc thân mạng, bốn sự cúng dường tâm không tham đắm, an trụ vào mười hai hạnh Đầu-đà, không cầu danh tiếng và quyền lợi cho mình, bỏ tâm thương ghét, được bốn Thần túc, lìa bốn điên đảo và các thứ phiền não gai góc, vượt qua bốn dòng, đến bốn oai nghi, tu bốn Niệm xứ khiến được năm Căn, tu hành năm Lực, xả bỏ năm kết, không cầu cái vui phước báo của năm dục, bỏ năm tâm nhơ, tu năm giải thoát, khéo biết năm ấm, bỏ sáu xứ dục và sáu thọ thân, trừ sáu ái thân, tu tập sáu niệm, biết sáu phần thức, siêng cầu sáu thần thông, tu bảy giác ý, hiểu sâu xa bảy cõi, đó là: cõi hại, cõi giận, cõi xuất, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc cho đến cõi diệt; đoạn trừ bảy sử và bảy thức trụ, bỏ tám thứ lười biếng, trừ tám vọng ngữ, biết tám pháp thế gian, được tám sự giác ngộ của bậc Đại nhân, biết tám Giải thoát, tu tám Chánh đạo, bỏ chín chỗ ở của chúng sinh, trừ chín pháp kiêu mạn, xua trừ chín não, gần gũi tu học chín pháp như hỷ. Lại nữa, siêng học chín định thứ lớp, bỏ mười ác, hành mười thiện theo phương tiện siêng năng tinh tấn cầu đạt mười Lực của Phật.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nay ta lược nói về Tammuội đã được chư Phật nói, phải nên siêng năng tu niệm để báo ân Phật. Học Tam-muội rồi, liền được Bất thoái chuyển nơi đạo quả Vô thượng Chánh giác. Như thế, Bồ-tát dùng sức của đại trí, có thể vì chúng sinh nói Tam-muội này. Ngoài ra, Thanh văn không thể quan sát, tuyên nói, ghi chép, thọ trì, đọc tụng. Nếu ai có thể quan sát, ghi chép, thọ trì, đọc tụng thì phước nghiệp của người ấy cũng không luống uổng, cốt yếu sẽ được gặp Phật ra đời. Nếu có Bồ-tát giáo hóa, thọ trì thì mau đạt được Bất thoái nơi đạo.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Chư Phật đã nói Tam-muội Niệm Phật là pháp cốt yếu, các đại Thanh văn không thể thực hành. Nếu người nào được nghe nói Tam-muội này thì đời vị lai sẽ được gặp Phật.

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu có tu Tam-muội
Chư Phật đã tuyên nói
Tâm quán pháp nối tiếp
Xả niệm không liên tục.
Khéo quan sát thân ấm
Lìa ngã, tưởng không ngã
Thân này không chắc chắn
Như bọt trên mặt nước.
Hư dối như huyễn hóa
Cũng trẻ con nhi nói
Quán sắc như mây trôi
Thấy thọ như bọt nổi.
Tưởng như ngọn lửa cháy
Quán hành ấm không thật
Giống như cây chuối kia
Quán năm thức như huyễn.
Sợ hãi tu hổ thẹn
Xá-ma, Tỳ-bà-na
Nên lìa không hổ thẹn
Trừ ngã, không ngã kiến.
Học tri kiến giải thoát
Và dùng ba không môn
Lại nên biết ba thọ
Xả bỏ ba căn ác.
Thường họ ba căn lành
Cầu Tam-muội tối thắng
Siêng hành giới, định, trí
Mau được định sâu xa.
Là tất cả tà kiến
Học Tam-muội chân chánh
Bỏ tranh luận thế gian
Thường tu pháp xuất thế.
Quan sát thân niệm xứ
Thọ, tâm cũng như vậy
Với pháp không nghi hoặc
Không lâu được định này.
Thường hành thiền giải thoát
Không tiếc thân, thọ mạng
Đa văn không cao ngạo
Không phỉ báng các pháp.
Nghe pháp nên thọ trì
Thọ rồi quan sát kỹ
Thường cúng dường chư
Phật Pháp, Tăng cũng như thế.
Với bạn lành tri thức
Luôn nghĩ báo ân họ
Lìa xa các bạn ác
Không nghe luận tà đạo.
Nên cầu khen người thiện
Thường cùng nhau du hóa
Không rời A-lan-nhã
Nên cầu thắng Bồ-đề.
Bình đẳng với quần sinh
Không hủy báng các pháp
Không nhiễm hết thảy pháp
Nên biết pháp chân thật.
Bỏ các hạnh phi pháp
Không lâu được định này
Trừ tất cả các ác
Vì thấy ngã chân thật.
Sát hại, mạn, dâm, đạo
Chê bai và biếng nhác
Miệng không tạo các ác
Tranh cãi các tà luận.
Nói pháp Phật thứ lớp
Nên cầu Tam-muội này
Thí, giới và nhẫn nhục
Tinh tấn, thiền, trí tuệ.
Thường siêng năng tu tập
Thành tựu các độ này
Không lâu sẽ đạt được
Công đức định pháp hạnh.
Nếu xả phần trong thân
Ngoài của cải, quyến thuộc
Không lâu được Bồ-đề
Tam-muội tâm vắng lặng.
Nếu người tâm như đất
Nước, gió, lửa, hư không
Thảy đều sẽ mau chóng
Được Tam-muội vi diệu.
Nếu có tất cả người
Thân tâm luôn ngay thẳng
Không tham đắm cơm áo
Giường nệm và thuốc thang.
Người ấy sẽ mau đắc
Pháp Tam-muội như thế
Thành tựu bốn Chánh cần
Đầy đủ bốn Như ý.
Xả bỏ bốn điên đảo
Bốn phiền não gai góc
Cầu vượt khỏi bốn dòng
Xả bỏ mọi ái thủ.
Tu hành năm Căn, Lực
Đoạn trừ năm kết sử
Không cầu quả năm dục
Tâm xả mọi phiền não.
Nên tu năm giải thoát
Và năm thân Tam-muội
Biết thật pháp năm ấm
Tu tập sáu hòa kính.
Xa lìa không cung kính
Trừ bỏ sáu xúc thân
Quán sáu thọ liên tục
Bỏ sáu ái thân kia.
Thành tựu sáu thần thông
Dốc tu sáu niệm xứ
Cũng lại siêng thực hành
Pháp phần của sáu thức.
Tu bảy Bồ-đề phần
Lại hành bảy Thánh tài
Nghĩ bỏ nơi kiêu mạn
Đoạn trừ bảy kết sử.
Nếu tu hạnh như vậy
Để cầu thắng Tam-muội
Loại bỏ bảy thức kia
Trừ tám vọng ngữ này.
Thường tu tám Thánh đạo
Đạt Tam-muội không khó.
Được tám giác đại nhân
Hành tám môn giải thoát.
Biết tám pháp thế gian
Tức vì trí tối thắng
Thường tu hành như vậy
Đạt Tam-muội không khó.
Tự lìa chín phiền não
Cũng không não hại người
Tu chín pháp Hỷ, Xả
Rồi sẽ được Tam-muội.
Thông tuệ bỏ mười ác
Tu hành mười nghiệp lành
Lại tuân theo mười Lực
Được Tam-muội không khó.
Thường thọ trì pháp lành
Xả bỏ các pháp ác
Ngày đêm thâu giữ tâm
Được Tam-muội không khó.
Trụ Tam-muội này rồi
Sức nói không nghĩ bàn
Thường thấy Phật sắc vàng
Cũng được nghe nói pháp.
Nếu muốn thấy mười phương
Phật hiện tại diệt độ
Cho đến đời vị lai
Tạo lợi ích chúng sinh.
Người ấy nên tu tập
Tam-muội tối thượng diệu.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nếu muốn thành tựu tất cả Tam-muội Niệm Phật mà chư Phật đã nói thì nên khiến tâm họ liên tục như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Các Bồ-tát này nếu có thể chí tâm, nhớ nghĩ về quá khứ, hiện tại, vị lai, vô lượng hết thảy chư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn trong mười phương thì đều biết về chúng sinh qua lại trong sinh tử, trụ thai mẹ đầy đủ, thuộc tộc họ hiền thiện tướng tốt, bốn Tỳ-xá-la, Từ, Bi, Hỷ, Xả, hổ thẹn sợ hãi, oai nghi các hạnh thảy đều đầy đủ các pháp Xama-tha, Tỳ-bà-xá-na, giải thoát tri kiến, các môn Giải thoát, Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc, Căn, Lực, Giác đạo đều biết đầy đủ, biết bốn dòng sinh tử đầy đủ, cũng biết đầy đủ nguồn cội của chúng sinh, sinh sáu thần thông, khởi đại thần túc; giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đều đầy đủ, giải thoát vô ngại, lợi ích vô ngại, tất cả pháp lành cũng đều đầy đủ; sắc tâm thanh tịnh, cảnh trí thanh tịnh, đầy đủ những thân kim sắc thanh tịnh. Nhưng Bồ-tát này lại nghĩ: “Chư Phật Như Lai chí tâm bất động, cũng nên an trụ nơi tâm không chấp trước. Lại nên quán tâm liên tục như vậy: Những pháp gì là Như Lai? Sắc là Như Lai phải chăng? Hay Như Lai không phải là sắc? Nếu cho sắc là Như Lai thì sắc xứ nơi chúng sinh đầy đủ là sắc ấm, như vậy thì chúng sinh nên là Như Lai? Nếu cho khác với sắc là Như Lai thì ngoài mười hai duyên lẽ nào có Như Lai. Lại cho thọ là Như Lai chăng? Hay không phải thọ là Như Lai? Nếu cho thọ là Như Lai thì tất cả chúng sinh đầy đủ thọ ấm, như vậy chúng sinh nên là Như Lai? Nếu cho không phải thọ là Như Lai thì ngoài mười hai duyên làm gì có Như Lai. Tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nhãn căn là Như Lai chăng? Hay không phải nhãn căn là Như Lai? Nếu nhãn căn là Như Lai thì tất cả chúng sinh nên là Như Lai. Nếu không phải nhãn căn là Như Lai thì ngoài mười hai duyên làm gì có Như Lai. Các căn như nhĩ cũng lại như vậy. Cho bốn đại là Như Lai chăng? Hay không phải bốn đại là Như Lai? Nếu bốn đại là Như Lai thì bốn đại trong ngoài đều là Như Lai. Nếu lìa bốn đại là Như Lai thì ngoài mười hai duyên làm gì có Như Lai. Địa, thủy, hỏa, phong cũng lại như vậy.”

Bồ-tát quán liên tục như vậy rồi, mới thấy rõ sắc ấm chẳng phải là Như Lai, khác với sắc ấm cũng chẳng phải là Như Lai; lại thấy thọ ấm chẳng phải là Như Lai, khác với thọ ấm cũng chẳng phải là Như Lai; tưởng, hành, thức cũng chẳng phải là Như Lai, khác với tưởng, hành, thức cũng chẳng phải là Như Lai. Lại thấy nhãn căn chẳng phải là Như Lai, khác với nhãn căn cũng chẳng phải là Như Lai; nhĩ, tỷ, thiệt, thân chẳng phải là Như Lai, khác với nhĩ, tỷ, thiệt, thân cũng chẳng phải là Như Lai; thấy sắc, thanh chẳng phải là Như Lai, khác với sắc, thanh cũng không phải là Như Lai; thấy hương, vị, xúc chẳng phải là Như Lai, khác với hương, vị xúc cũng chẳng phải là Như Lai; thấy ý và pháp chẳng phải là Như Lai, khác với ý, pháp cũng chẳng phải là Như Lai; thấy bốn đại chẳng phải là Như Lai, khác với bốn đại cũng chẳng phải là Như Lai; địa, thủy, hỏa, phong cũng lại như vậy. Bồ-tát quán tâm liên tục như vậy, đối với tất cả pháp sẽ đạt được trí phương tiện.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ông dùng pháp nào để có thể đạt được đạo Bồ-đề vô thượng? Dùng thân để đạt được hay dùng tâm để đạt được? Nếu dùng thân để đạt được thì thân này bất tịnh, không có hiểu biết, như cây, cỏ, ngói, đá. Bồ-đề thì phi sắc, không có hình thể, tướng đó vắng lặng, là pháp không thể thấy. Thân này đã như cây cỏ vô tri, làm sao đạt được đạo Bồ-đề? Còn nếu dùng tâm để đạt được đạo Vô thượng thì tâm không hình tướng, giống như huyễn hóa. Bồđề thì không tâm cũng không có hình sắc, tướng mạo như huyễn như hóa làm sao có thể đạt được? Nếu các Bồ-tát hiểu được như vậy thì chẳng phải thân có thể được Bồ-đề vô thượng, cũng chẳng phải tâm để được Bồ-đề vô thượng, cũng không lìa thân và lìa tâm để được đạo Vô thượng.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Ông phải nên quán Đức Như Lai như vậy. Người quán như thế gọi là chánh quán.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bồ-tát quán pháp tương tục như vậy nhưng tâm không dao động. Bồ-tát phải nên hiểu sâu xa như vậy thì không thoái chuyển đối với pháp Tam-muội, lại thường xa lìa tâm không tương tục, tất sẽ mau đắc Bồ-đề vô thượng.

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói, kệ:

Tâm, niệm tâm tương tục
Khứ, lai và hiện tại
Không lâu được thấy Phật
Hết thảy Đấng Phổ Nhãn.
Trụ đại oai lực Phật
Thương xót lợi thế gian
Nhớ nghĩ Hoa trong người
Công đức Đấng Điều Ngự.
Nghĩ sinh tử thuở xưa
Trụ thai mẹ tộc tánh
Tướng mạo đều đầy đủ
Không lâu sẽ thấy Phật.
Nghĩ Phật tám mươi tướng
Và nhân duyên đời trước
Thường hợp nghiệp tối thắng
Ý chánh niệm pháp lành.
Nghĩ sáu thần biến Phật
Thần thông đại tự tại
Giới, định, trí, giải thoát
Đều đã được thành tựu.
Vì sao Đấng Tối Thượng
Được quả vị vắng lặng
Niệm Từ, Bi, Hỷ, Xả
Đấng tối thượng thế gian.
Hổ thẹn, Lực không sợ
Oai đức thầy thế gian
Nghĩ Xa-ma-tha Phật
Và Tỳ-bà-xá-na.
Lại nghĩ trí giải thoát
Cho đến ba không môn
Nghĩ đủ bốn Chánh cần
Thần túc cũng như thế.
Nghĩ đầy đủ Căn, Lực
Cho đến Bồ-đề phần
Nghĩ Phật lìa sinh diệt
Được nơi vắng lặng này.
Niệm pháp thiện khó bàn
Sắc, thọ đều thanh tịnh
Cho đến tưởng, hành, thức
Cũng thanh tịnh như vậy.
Nghĩ Phật sắc vàng ròng
Tâm an trụ không đắm
Quán pháp nào là Phật?
Thâu giữ tâm tương tục.
Sắc chẳng phải Như Lai
Bốn ấm cũng như thế
Lìa ấm chẳng Như Lai
Biết tưởng, thức cũng vậy.
Nhãn chẳng phải Như Lai
Nhĩ và pháp cũng thế
Lìa nhãn chẳng Như Lai
Pháp năm tình đều vậy.
Nghĩ mười hai nhân duyên
Điều tâm được thấy Phật
Bốn đại chẳng phải Phật
Khác bốn đại cũng vậy.
Nên rõ mười hai duyên
Thấy Phật chẳng là khó
Nếu cho ấm là Phật
Thì Đức Như Lai ấy.
Chúng sinh đều có ấm
Cũng tức là Như Lai
Nếu muốn được Căn, Lực
Nên niệm mười hai duyên.
Ấm chẳng thầy thế gian
Khác ấm cũng như vậy
Các nhân duyên thuở xưa
Thường phân biệt tương tục.
Vì có thể thâu giữ
Trí lực không nghĩ bàn
Thân này thường không biết
Như cây, cỏ,ngói, đá.
Bồ-đề không hình sắc
Vắng lặng thường không sinh
Thân không chạm Bồ-đề
Bồ-đề không chạm thân.
Tâm không chạm Bồ-đề
Bồ-đề không chạm tâm
Mà có tướng xúc chạm
Thật là chẳng nghĩ bàn.
Đây là Phật Thế Tôn
Chỗ vắng lặng tối thắng
Khéo trừ diệt tất cả
Mọi tà kiến ngoại đạo.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao có thể biết được biết được ngã kiến, lại lìa được kiến ấy như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Nếu Bồ-tát muốn xả bỏ ngã kiến thì chớ đắm chấp nơi trụ xứ, nên nương tựa chỗ không nương tựa, muốn dùng pháp sáng tạo lợi ích cho tất cả, muốn thổi loa pháp, đánh rống đại pháp, muốn tạo thuyền pháp, kiến lập cầu pháp, đưa các chúng sinh vượt qua dòng chảy sinh tử, muốn quán thân tướng và không tương tục, thân này đầy bất tịnh, cấu uế, xấu ác, máu mủ đờm dãi thường bài tiết nơi chín lỗ, vô thường hư hoại, chốc lát không, mỏng manh khó tin, không thể yêu thích? Giống như trẻ con, nói hư vọng không biết, thân này không thật, như bọt nước tụ lại. Giả sử có dùng y phục, đồ ăn thức uống, xông ướp mùi thơm, trang sức các loại châu báu, với trăm ngàn năm xuôi theo tâm ý rồi cũng hoại diệt, vô ích trong sinh tử, như tánh thân này là pháp sinh tử, lại là chỗ ăn uống của loài trùng thú. Đối với nhiều kiếp hoặc ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chỗ Diêm-la vương chịu vô lượng khổ chưa từng dừng nghỉ. Lại còn ở nhiều kiếp trong sinh tử làm tôi tớ cho kẻ khác sai khiến dụ. Thân này luôn phải chịu các khổ não mà trước đây không thể biết về khổ, để đoạn trừ tập, chứng đắc diệt, tu trì đạo, hành các công đức. Thân này tuy nhỏ nhưng chứa rất nhiều ô uế, nên dùng thân này thí cho các chúng sinh. Nếu ai tiếc thân mạng thì đem thân mạng cho họ. Nếu người cần sức thì đưa sức cho họ, cần thịt cho thịt, cần máu cho máu, phải nên cho hết mà không mong cầu đền đáp, hoặc đối với người kia không được lợi ích, nguyện dùng nhân duyên của tâm thiện mà xả thân, trừ ngã kiến hoặc hiểu được vô ngã, an trú nơi sự xả thân mà tư duy quan sát. Lại không tham chấp nơi hoặc của ngã kiến. Đem thân không bền chắc để tu thân chắc chắn.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như nơi thôn ấp có nhiều trẻ con cùng nhau ra khỏi thôn vui chơi nô đùa gần bên dòng sông, thấy bọt tụ, các trẻ con này tranh giành đùa giỡn mà đống bọt nước ấy chẳng tự hay biết, bị người khác lấy làm trò đùa cũng không thọ nhận. Như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có Bồtát tự quán thân mình, nên biết tâm ấy giống như đống bọt nước kia, không có phân biệt. Nếu Bồ-tát nào quán như vậy thì không lâu sẽ đạt được Tam-muội sâu xa này, cũng mau đắc đạo Bồ-đề vô thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Muốn cầu định tối thắng
Đạt Bồ-đề khó bàn
Quyết xả bỏ ngã kiến
Thường nên quán thân này.
Vô thường, khổ, bất tịnh
Mùi đờm dãi dơ bẩn
Bài tiết nơi chín lỗ
Thật rất đáng nhàm chán.
Hư dối không chân thật
Đây là pháp biến diệt
Mê hoặc như huyễn hóa
Cũng như đống bọt nước.
Thân ta rất mỏng manh
Nơi chốn của ung nhọt
Mùi độc đều hiện khắp
Không một chỗ đáng ưa.
Lo nuôi dưỡng vô ích
Bị trùng sói ăn thịt
Tất cả mọi thú vui
Cung cấp cho thân này.
Đều quy về hoại diệt
Trọn không có chân thật
Mãi mãi vô biên kiếp
Khổ thọ luôn vạn nẻo.
Quả địa ngục, súc sinh
Chỗ căn bản thọ khổ
Nhiều kiếp thêm đói khát
Không thể nghĩ bàn được.
Bị các khổ bức bách
Đi ngược đạo Bồ-đề
Thân ta đây không thật
Nên cho các chúng sinh.
Hiểu pháp, tâm không tiếc
Cấp những thứ cần dùng
Suy nghĩ thế này rồi
Liền xướng lời như vầy:
Nay ta xả thân này
Máu, thịt tùy ý lấy
Nếu ai tiếc thân mạng
Ta sẽ cho thân mạng.
Xả thân giúp chúng sinh
Sẽ mau được Tam-muội
Phần phần cầu bọt nước
Chưa từng được chắc thật.
Thân ta cũng như vậy
Cầu thật không thể được
Nếu đạt chánh quán này
Mau đắc đạo Bồ-đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Thường pháp của chư Phật Như Lai đều như vậy. Ngay khi Đức Thế Tôn mỉm cười, từ nơi khuôn mặt phóng ra ánh sáng đủ các loại màu sắc: Xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, lục, pha lê, trên lên đến trời Phạm thiên, từ cõi ấy lại trở xuống, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi đến tụ nơi đảnh, trong khoảnh khắc thì ẩn mất.

Lúc đó, Trưởng lão A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, dùng kệ thưa hỏi:

Đấng Điều Ngự tối thắng
Mỉm cười có nhân duyên
Thầy thế gian vô thượng
Xin vì con tuyên nói.
Là vì nhân duyên gì
Hiện ra mỉm cười này?
Sắc vàng trăm phước nghiêm
Khéo hiểu rõ chân đế.
Thương xót, lợi ích người
Chỗ thế gian quay về
Là vì nhân duyên gì
Hiện ra mỉm cười này?
Nhân Trung Tôn hơn hết
Bậc tối thượng không lỗi
Các công đức Như Lai
Vi diệu không tỳ vết.
Lại vì nhân duyên gì
Hiện ra mỉm cười này?
Đấng Thánh trụ đại Bi
Tất cả đều quy hướng.
Đã lìa mọi phiền não
Điều Ngự dùng tâm tịnh
Cúi xin vì con nói
Nhân duyên gì mỉm cười?
Hôm nay ai sẽ được
Nghĩa lý sâu xa này
An trụ địa kiên cố
Ai sẽ gặp an lành.
Chỗ quay về thế gian
Vì sao hiện mỉm cười?
Tất cả nẻo quy hướng
Điều Ngự vì con nói.
Nguyện nghe người thanh tịnh
Nhân duyên khiến mỉm cười
Mong nhờ Thánh khai diễn
Nghi hoặc sẽ đoạn trừ.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

–Khi ta vừa giảng nói pháp quán tương tục này, có ba vạn người đắc pháp Nhãn thanh tịnh, tám vạn trăm ngàn ức na-do-tha chư Thiên đều lìa bỏ phiền não cấu uế, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Lại có ba vạn ức na-do-tha Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chứng quả Bất hoàn. Lại có ba vạn ức na-do-tha Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thanh tín sĩ, nữ đạt được Nhẫn vô sinh, ba vạn chúng sinh phát tâm Bồ-đề thảy đều tu tập hạnh Bồ-tát, ở kiếp Nhân tôn đều sẽ thành Phật, đây là mới phát tâm đạo vô thượng. Lại có chín vạn ức na-do-tha các chúng sinh đều được bất thoái chuyển nơi đạo Bồ-đề, sẽ được thành Phật hiệu là Phật Phóng Quang, Phật Ly Cấu Tôn Thích-ca Mâu-ni Nhật Quang Tướng, Phật Nguyệt Quang Minh và Phật Thiên Trung Tôn, chín mươi hai ức na-do-tha chúng phát tâm Thanh văn sẽ thành A-la-hán.

Lúc Đức Thế Tôn nói như vậy thì âm thanh chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Đức Phật dùng Thiên nhãn thấy rõ nơi chín mươi chín ức trăm ngàn na-do-tha cõi nước của chư Phật nơi mười phương, chúng sinh trong đó đều thấy Đức Như Lai phóng ra ánh sáng từ giữa chân mày, ánh sáng ấy tên là Minh diệm chiếu khắp mọi nơi chốn. Chúng sinh thấy rồi tâm sợ sệt, dựng chân lông.

Khi ấy, ở cõi nước với vô lượng trăm vạn ức na-do-tha các chúng sinh những ai gặp được ánh sáng này, trong đó có người được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, có nhiều chúng sinh phát tâm Bồ-đề đều được bất thoái chuyển nơi đạo Bồ-đề vô thượng, vào đời vị lai sẽ được thành Phật, đều cùng một hiệu là Bất thoái chuyển.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa này, nên nói lại bằng kệ:

Ta vừa nói điều này
Khi quán tâm tương tục
Liền có sáu mươi ngàn
Chín mươi chín ức chúng.
Nhờ nghe pháp lợi ích
Mà phát tâm Bồ-đề
Lại có ba vạn người
Đều được tuệ nhãn Phật
Nghe rồi niệm tương tục
Bồ-đề đó vắng lặng
Được thoát khỏi điều này
Nạn khổ của đường ác.
Tám vạn ức chư Thiên
Đã nghe tiếng Như Lai
Đều được pháp nhãn tịnh
Lìa hẳn khổ cõi ác.
Ba vạn ức bốn chúng
Được pháp nhẫn bất khởi
Thoát khỏi các đường ác
Lại không còn khổ não.
Sẽ được thành Phật đạo
Như mùa xuân tươi tốt
Ba vạn ức mọi người
Học nơi đạo Bồ-đề.
Người ấy cũng sẽ được
Đại oai lực chư Phật
Đã thành đạo Vô thượng
Thương xót ở thế gian.
Sáu vạn ngàn Thiên tử
Tu học đạo Bồ-đề
Hạnh vui trong niềm vui
Giống như Đấng Di-lặc.
Nương thế gian vô ngại
Nên cười nhiều lợi ích
A-nan, ông nên biết
Đều là có nhân duyên.
Do đó ta hôm nay
Hiện bày mỉm cười này.