SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 10: CÁC DUYÊN

91- Truyện Về Chàng Tu-Bồ-Đề Có Tâm Độc Ác

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn mới thành Chánh giác, vì muốn hóa độ các vua rồng, nên Ngài đến dưới núi Tu-di, hiện thân Tỳ-kheo, ngồi thẳng tư duy.

Lúc ấy có một con chim cánh vàng đầu đàn lặn xuống biển bắt được một rồng con, rồi đem lên đảnh núi Tu-di định ăn thịt. Khi ấy rồng con chưa chết, từ xa thấy vị Tỳ-kheo đang ngồi thẳng tư duy, nên rồng dốc lòng cầu khẩn Tỳ-kheo từ bi cứu hộ cầu cứu xong thì liền chết.

Rồng con chết sinh vào trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Xá-vệ, tên là Phụ-lê, có tướng mạo khôi ngô khác thường ít có trên đời, do đó đặt tên là Tu-bồ-đề.

Tu-bồ-đề dần dần khôn lớn, trí tuệ thông minh không ai sánh kịp, nhưng tánh tình lại hung ác, hễ thấy người hay súc sinh, liền nổi giận chửi mắng. Cha mẹ và người thân đều chán ghét, chẳng muốn thấy mặt.

Tu-bồ-đề phải bỏ nhà vào sống trong rừng. Thấy các chim thú và cỏ cây, gió thổi dao động…, Tu-bồ-đề cũng sinh tâm giận dữ, không bao giờ có tâm hoan hỷ.

Bấy giờ, có vị Thần núi bảo Tu-bồ-đề:

–Vì sao ngươi bỏ nhà vào sống trong núi rừng này? Nếu không biết tu thiện, thì không có lợi ích gì cả, như vậy vào đây cũng chỉ luống công khổ nhọc mà thôi! Hiện giờ, Đức Thế Tôn đang ở tại tinh xá Kỳ hoàn, Ngài có phước đức lớn, có khả năng giáo hóa chúng sinh  bỏ ác làm lành, bây giờ nếu ngươi đến đó, chắc chắn sẽ dứt bỏ được tâm tức giận độc ác.

Nghe Thần núi nói, Tu-bồ-đề liền sinh tâm vui mừng, bèn hỏi Thần núi:

–Đức Thế Tôn hiện nay ở đâu?

Thần núi đáp:

–Ngươi cứ việc nhắm mắt lại, ta sẽ đưa ngươi đến chỗ Thế Tôn.

Tu-bồ-đề nghe lời thần núi nhắm mắt lại trong giây lát. Bất giác, Tu-bồ-đề tự nhiên có mặt tại Kỳ hoàn. Thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như tram ngàn mặt trời, Tu-bồ-đề rất vui mừng, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền dạy về tội ác của sự tức giận, là ngu si phiền não, đốt cháy căn lành, làm cho các điều ác thêm lớn, sau sẽ chịu quả báo đọa vào địa ngục, chịu nhiều đau khổ, không thể kể xiết; nếu thoát khỏi địa ngục, còn phải đọa vào loài rồng, loài rắn hay quỷ thần, La-sát… tâm thường độc ác, tàn hại lẫn nhau.

Tu-bồ-đề nghe Phật dạy, trong tâm lo sợ, khắp người nổi ốc, ăn năn tự trách, ở trước Phật sám hối tội lỗi. Sám hối xong, Tu-bồ-đề hoát nhiên đắc quả Tu-đà-hoàn, trong tâm vui mừng, cầu xin Phật xuất gia.

Đức Phật chấp nhận và gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Tu-bồ-đề tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu đã chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Tu-bồ-đề đời trước đã làm được phước lành gì, nay tuy được làm người, nhưng tâm thường tức giận không hề dứt bỏ, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong chánh pháp của Ngài, có một vị Tỳ-kheo thường làm việc khuyến hóa.

Trong một vạn năm, Tỳ-kheo này thường cùng các Tỳ-kheo khác đi khắp nơi để cúng dường chư Tăng.

Một thời gian sau, có những vị Tăng vì thiếu duyên nên không thể cùng đi, Tỳ-kheo này dùng những lời độc ác chửi mắng: “Mấy ông thật ngang bướng, chẳng khác nào loài rồng dữ.” Tỳ-kheo ấy mắng chửi xong rồi bỏ đi.

Vì nghiệp duyên ấy, nên trong năm trăm đời Tỳ-kheo này phải đọa làm rồng dữ, thân tâm chất chứa toàn những thứ độc ác, hay quấy nhiễu chúng sinh; nay tuy được thân người, nhưng tập quán xưa chẳng dứt bỏ, nên thường hay sinh sân hận.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Tỳ-kheo khuyến hóa chúng sinh, nhưng dùng lời độc ác chửi mắng lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Tu-bồ-đề. Nhờ công đức cúng dường chúng Tăng lúc đó, nên nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


92- Truyện Vị Tỳ-Kheo Trưởng Giả Ở Trong Thai Mẹ Sáu Mươi Năm

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, trong nước có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu, nhiều không thể tính kể được. Ông chọn con gái trong một gia đình giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng muốn sinh nhưng đứa bé không chịu ra; rồi lại tiếp tục mang thai, đủ mười tháng thì sinh được một đứa bé. Cái bào thai trước vẫn nằm ở hông bên phải.

Như vậy, người vợ lần lượt mang thai chín lần; cứ đủ mười tháng đều sinh được con, chỉ có đứa con đầu tiên là còn nằm trong thai, không chịu ra.

Người mẹ rất khổ sở, phát bệnh. Bà dùng các thứ thuốc để tự điều trị nhưng không bớt bệnh, bà bảo với người trong nhà:

–Trong bụng ta có đứa con, nó vẫn còn sống không chết, nếu ta  chết hãy mổ bụng ta để lấy đứa con ấy mà nuôi dưỡng.

Căn bệnh người mẹ không hề thuyên giảm, khi bà qua đời, người thân đem thi hài ra nơi gò mả, rồi mời thầy thuốc nổi tiếng Kỳ-bà mổ bụng ra xem, quả thấy một đứa bé, tướng mạo già nua, tóc trên đầu bạc trắng, đứng dậy lom khom đi lại, nhìn xung quanh và nói với người thân:

–Các ngươi nên biết, do đời trước ta nói lời ác để nhục mạ chúng Tăng, cho nên phải ở lâu trong thai đến sáu mươi năm, chịu nhiều khổ não không thể nói được.

Những người thân nghe đứa bé nói vậy liền kêu gào khóc lóc, buồn bã không thể nói được.

Bấy giờ Đức Thế Tôn từ xa biết đứa bé này căn lành đã thuần thục, nên Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo đến chỗ đứa bé.

Đức Phật hỏi đứa bé:

–Ngươi có phải là vị Tỳ-kheo Trưởng lão không?

Đứa bé đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, con thật là vị Tỳ-kheo Trưởng lão. Phật hỏi đứa bé hai ba lượt như vậy và đứa bé cũng đều trả lời:

–Con thật là vị Tỳ-kheo Trưởng lão.

Lúc ấy đại chúng thấy đứa bé đối đáp với Đức Phật, ai cũng thắc mắc nên bước ra bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đứa bé già nua này đời trước đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay phải ở trong bào thai lâu năm đến nỗi tóc bạc trắng, đi đứng lom khom, lại đối đáp với Đức Thế Tôn như thế?

Đức Phật bảo đại chúng:

–Các vị hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp.

Có các Tỳ-kheo kiết hạ an cư, chúng Tăng hòa hợp, sai một vị Tỳ-kheo lớn tuổi làm Tăng Duy na.

Trong chúng cùng nhau lập ra quy định là những người đắc đạo trong mùa an cư mới được phép Tự tứ, nếu ai chưa đắc đạo thì không được Tự tứ.

Lúc bấy giờ, chỉ có một mình vị Duy na này không đắc đạo, nên chúng Tăng không cho ông Bố-tát tự tứ. Vị Duy na rất buồn bã, nói như vầy:

–Một mình ta vì các ông coi sóc việc chúng, để các ông an ổn tu hành, nay lại không cho ta làm pháp Yết-ma tự tứ, Bố-tát.

Nói xong ông đùng đùng nổi giận chửi mắng chúng Tăng, rồi lôi các Tỳ-kheo vào trong nhà nhốt kín lại, còn nói: “Để cho mấy ông ở luôn trong tối, khỏi thấy ánh sáng như hiện bây giờ ta đang ở trong nhà tối vậy.” Nói dứt lời ông liền tự sát. Khi chết đi, ông liền bị đọa vào địa ngục, chịu khổ não dữ dội, mãi cho đến ngày nay mới được thoát khỏi nhưng còn phải ở lâu trong bào thai để chịu khổ như vậy.

Đại chúng nghe Phật dạy, ai nấy đều tự giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, nhàm chán sinh tử, có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


93- Truyện Vị Tỳ-Kheo Cụt Tay

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có rất nhiều tài sản, vật báu, nhiều không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, người vợ ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, nhưng không có tay, vừa sinh ra đã nói được và nói như vầy:

–Nay đôi tay của ta thật là khó có.

Đứa bé tỏ ra rất tiếc rẻ. Cha mẹ lấy làm lạ, bèn mời các thầy xem tướng về xem tướng cho con. Các thầy tướng xem xong hỏi cha mẹ đứa trẻ:

–Khi trẻ sinh ra có điềm lành gì chăng?

Cha mẹ đáp:

–Lúc mới sinh ra nó có nói như vầy: “Nay đôi tay của ta thật là khó có.”

Do đó mà đặt tên cho đứa bé là Ngột Thủ. Ngột Thủ dần dần khôn lớn, tính tình hiền hậu, thông minh trí tuệ. Một hôm, Ngột Thủ cùng các bạn thân đi dạo chơi, lần lượt đến tinh xá Kỳ hoàn. Thấy Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, Ngột Thủ rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên. Đức Phật liền nói pháp bằng nhiều cách cho Ngột Thủ nghe, tâm ý được mở tỏ, Ngột Thủ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, liền trở về xin cha mẹ đi xuất gia. Vì thương con nên cha mẹ không ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Phật xin cho Ngột Thủ xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Ngột Thủ tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Ngột Thủ này đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay vừa sinh ra đã biết nói, nhưng không có tay, lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Có hai thầy Tỳ-kheo, một vị đã chứng quả La-hán và vị kia còn là phàm phu, là vị Pháp sư nói pháp. Dân chúng đua nhau thỉnh vị Pháp sư nói pháp này đi thọ sự cúng dường của các nhà đàn-việt. Một hôm, vị Pháp sư phàm phu đi vắng, dân chúng bèn thỉnh vị La-hán. Khi vị Pháp sư phàm phu trở về thấy vậy, liền tức giận chửi mắng: “Tôi thường rửa bát và dâng nước cho ông uống, nay ông lại đi với người khác, từ nay về sau nếu tôi còn làm việc cho ông nữa thì sẽ bị cụt tay.”

Sau đó, hai người chia tay không còn ở chung với nhau nữa. Do nghiệp duyên ấy, mà trong năm trăm đời vị Tỳ-kheo này phải chịu quả báo không có tay, cho nên Ngột Thủ mới nói: “Nay đôi tay của ta thật là khó có.”

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Tỳ-kheo Pháp sư đã thề thốt lúc bấy giờ,  nay chính là Tỳ-kheo Ngột Thủ. Nhưng nhờ khi đó đã rửa bát và dâng nước uống cho bậc Thánh, nên nay gặp được Ta, xuất gia đắc đạo.

Khi Phật nói về truyện nhân duyên của Tỳ-kheo Ngột Thủ, các Tỳ-kheo ai nấy cũng tự giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý, nhàm chán sinh tử; có vị chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng đắc quả Tư-đà-hàm, có vị chứng đắc quả A-na-hàm, có vị chứng đắc quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


94- Truyện Tỳ-Kheo Lê-Quân-Chi

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị Bà-la-môn, người vợ của vị Bà- la-môn này có thai, đủ mười tháng, bà sinh được một bé trai, diện mạo rất xấu xí, thân thể lại hôi hám dơ bẩn. Mỗi khi đứa bé này bú sữa, lập tức khiến sữa mẹ bị hư. Nếu nhờ người cho bú thì sữa cũng hư như vậy. Để cứu lấy tính mạng đứa trẻ, cha mẹ chỉ còn cách dung sữa hay mật thoa lên ngón tay rồi cho con liếm. Do vậy đứa trẻ được đặt tên là Lê-quân-chi.

Lê-quân-chi dần dần khôn lớn, lại càng bạc phước hơn nữa, hễ ăn uống thì không bao giờ no. Một hôm, Lê-quân-chi thấy các Sa-môn có oai nghi khoan thai, tay ôm bình bát vào thành khất thực, được thức ăn đầy bát trở về. Lê-quân-chi thấy vậy rất vui mừng, nghĩ rằng: “Bây giờ ta phải đến chỗ Thế Tôn để xin làm Sa-môn, có thể sẽ được ăn uống no nê”.

Sau khi nghĩ vậy, Lê-quân-chi liền đến tinh xá Kỳ hoàn xin Phật xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Lê-quân-chi tự rơi rụng xuống, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, nhưng khi đi khất thực, cũng không được gì, nên thầy ăn năn tự trách.

Có lần Lê-quân-chi vào tháp, thấy trong tháp có chút ít bụi dơ, ông liền rưới nước quét dọn sạch sẽ. Đến khi đi khất thực, Lê-quân-chi được nhiều thức ăn,

Lê-quân-chi rất vui mừng thưa với chúng Tăng:

–Từ nay về sau xin chúng Tăng cho phép tôi được quét dọn chùa tháp của chúng ta. Bởi vì việc làm ấy, mà đi khất thực tôi được no đủ. Chúng Tăng liền chấp nhận, sau đó thường nhờ Lê-quân-chi quét dọn. Một hôm, vì vô minh che lấp nên Lê-quân-chi ngủ mê man không hay biết gì, do đó không kịp lau quét.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất dẫn đầu năm trăm vị đệ tử, từ xứ khác về để hầu thăm Thế Tôn, thấy trong tháp Phật có chút ít bụi bặm liền dọn sạch sẽ.

Khi Lê-quân-chi thức dậy, thấy Xá-lợi-phất đã làm xong công việc của mình, nên rất hối hận, bèn thưa với ngài Xá-lợi-phất:

–Việc ngài quét dọn tháp sẽ làm cho tôi hôm nay phải nhịn đói. Xá-lợi-phất nghe Lê-quân-chi nói vậy, liền bảo:

–Hôm nay, tôi sẽ đưa thầy vào thành thọ thỉnh, thầy sẽ được no đủ chớ lo lắng.

Lê-quân-chi nghe nói, trong tâm thơi thới. Đến giờ đi thọ cúng, Lê-quân-chi cùng Xá-lợi-phất vào thành thọ thỉnh, gặp lúc vợ chồng nhà đàn-việt đang có chuyện tranh cãi với nhau, nên rốt cuộc Lê-quân-chi cũng chẳng được ăn uống gì, đành mang bụng đói trở về.

Ngày thứ hai Xá-lợi-phất lại bảo:

–Sáng nay, tôi sẽ dẫn thầy đến nhà trưởng giả thọ thỉnh, thầy sẽ được no đủ.

Đến giờ Xá-lợi-phất dẫn Lê-quân-chi cùng đi, đến nơi mọi người đều được ăn uống, chỉ một mình Lê-quân-chi là không được ăn. Lê-quân-chi bèn lớn tiếng nói:

–Tôi chưa được thức ăn.

Lúc ấy người chủ không nghe và Lê-quân-chi lại nhịn đói trở về.

Tôn giả A-nan nghe việc này, trong lòng rất thương xót, nên ngày thứ ba Tôn giả nói cùng Lê-quân-chi:

–Sáng nay tôi theo Phật thọ thỉnh, tôi sẽ lấy thức ăn cho thầy, chắc chắn thầy sẽ được no đủ.

Tuy A-nan là người có khả năng ghi nhớ tám vạn bốn ngàn các môn pháp tạng của Như Lai, không hề sót mất điều gì, thế mà hôm nay hứa lấy thức ăn về cho Tỳ-kheo Lê-quân-chi thì A-nan lại bỗng nhiên không nhớ, chỉ mang bát không trở về.

Ngày thứ tư A-nan lại lấy thức ăn về cho Lê-quân-chi, nhưng

trên đường về gặp con chó hung hăng chạy ra cắn giựt làm đồ ăn đổ hết xuống đất, cũng đành mang bát không mà về, Lê-quân-chi phải nhịn đói nữa.

Ngày thứ năm, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng lấy thức ăn về cho Lê-quân-chi, giữa đường bị chim cánh vàng đầu đàn trông thấy, nó dùng miệng cắp chiếc bình bát ra bỏ giữa biển cả, Lê-quân-chi lại không được ăn.

Vào ngày thứ sáu, ngài Xá-lợi-phất lại lấy thức ăn về cho Lê-quân-chi. Khi về đến cửa phòng Lê-quân-chi, cửa tự nhiên đóng lại. Ngài Xá-lợi-phất phải dùng thần lực để vào, từ dưới đất nhảy vọt lên đứng trước Lê-quân-chi, thì cái bát bị rơi đến tận mé kim cương. Lúc ấy ngài Xá-lợi-phất lại dùng thần thông đưa tay để lấy bát, thì miệng Lê-quân-chi lại bị khóa chặt, cuối cùng cũng không được ăn. Khi giờ ăn đã qua, thì miệng Lê-quân-chi lại được mở ra. Qua ngày thứ bảy, Lê-quân-chi cũng chẳng có gì để ăn, nên sinh lòng hổ thẹn, ở trước bốn chúng đành phải ăn cát uống nước, rồi nhập Niết-bàn.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, lấy làm lạ không hiểu tại sao, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Lê-quân-chi đời trước đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay sinh ra đã bị đói khát, mới đầu lại chịu sự thiếu thốn? Lại nhờ duyên gì, mà được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Đế Tràng. Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo đi giáo hóa chúng sinh.

Lúc ấy có vị trưởng giả tên là Cù-di, thấy Phật và chúng Tăng, tâm ông rất kính tin và hằng ngày thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà để cúng dường. Về sau trưởng giả này qua đời, người vợ vẫn giữ lệ cúng dường như xưa. Nhưng người con lại sinh tâm tiếc rẻ, ngăn cản không cho mẹ bố thí, lại còn giới hạn phần ăn cho mẹ.

Tuy vậy người mẹ vẫn giảm bớt phần ăn của mình để cúng  dường Đức Phật và chúng Tăng. Biết việc ấy, người con rất tức giận và bắt mẹ mình nhốt trong căn nhà trống, khóa cửa rồi bỏ đi. Đến ngày thứ bảy, người mẹ bị đói khát khốn khổ, bà phải xin cơm con để ăn.

Người con đáp: “Sao mẹ không ăn cát uống nước để sống, mà bây giờ mẹ còn xin cơm con để ăn.” Người con nói vậy rồi bỏ đi. Cuối cùng người mẹ không được ăn, nên qua đời.

Về sau, khi người con chết đi liền đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu khổ trong địa ngục A-tỳ, rồi lại được sinh lên cõi người, phải chịu sự đói khát khốn khổ như vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, kẻ bỏ đói người mẹ lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Lê-quân-chi. Lại nhờ thuở xưa có cúng dường Phật, nên nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


95- Truyện Về Tỳ-Kheo Sinh Tử Khổ

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả, có vô lượng tài sản, vật báu không thể tính kể được. Ông chọn con gái ngoan hiền để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, vợ trưởng già ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, mới sinh ra, đứa bé đã tự nhớ đời trước của mình và nói: “Sinh tử rất khổ đau.” Do đó cha mẹ đặt tên con là Sinh Tử Khổ.

Sinh Tử Khổ dần dần khôn lớn, hễ gặp người nào cũng nói:

–Sinh tử rất khổ đau.

Tuy nhiên đối với Cha mẹ, Sư tăng hay những vị lớn tuổi có đức độ thì Sinh Tử Khổ lại rất từ tâm hiếu thuận, nói năng tươi cười, không bao giờ nói lời thô lỗ độc ác.

Một hôm, Sinh Tử Khổ cùng các bạn thân ra khỏi thành để dạo chơi, dần dần đến tinh xá Kỳ hoàn. Thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời…,

Sinh Tử Khổ rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại, ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho Sinh Tử Khổ nghe. Tâm ý được mở tỏ, Sinh Tử Khổ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, liền trở về xin cha mẹ được xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ không ngăn cản, liền dẫn con đến chỗ Phật, xin Phật cho xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Sinh Tử Khổ tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, không bao lâu đã chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Sinh Tử Khổ đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay mới sinh ra đã biết nói, nhớ được việc đời trước của mình, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ.

Trong hiền kiếp này, lúc con người sống đến hai vạn tuổi, tại nước Ba-la-nại, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong chánh pháp của Ngài, có một Sa-di hầu hạ, phụng thờ Hòa thượng. Bấy giờ trong thành có mở lễ hội lớn. Sa-di bạch với Hòa thượng:

–Hôm nay là ngày lễ hội, chúng ta nên khất thực sớm, chắc chắn dẽ được nhiều thức ăn.

Hòa thượng đáp:

–Thời gian còn sớm, chú hãy ngồi thiền.

Lần thứ hai, thứ ba Sa-di cũng bạch thầy như vậy, nhưng thầy vẫn không chịu. Sa-di sinh tâm tức giận, dùng lời ác mắng nhiếc thầy:

–Sao ông không chết đi cho rồi!

Nói xong, Sa-di liền bỏ vào thành khất thực. Khi trở về, Sa-di sám hối với thầy.

Do nghiệp duyên ấy nên trong năm trăm đời, Sinh Tử Khổ phải đọa vào địa ngục, chịu nhiều đau khổ, cho đến ngày nay mới thoát khỏi. Do đó Sinh Tử Khổ mới nói:

–Sinh tử rất khổ đau.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, chú Sa-di mắng nhiếc thầy lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Sinh Tử Khổ vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


96- Truyện Vị Trưởng Giả Thân Thể Bị Ghẻ Lở

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu, nhiều không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó, vợ vị trưởng giả ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, thân thể bị ghẻ lở, rất đau đớn, khổ sở. Đứa trẻ cứ mãi kêu khóc, không thôi. Khi đứa trẻ lớn lên, các mụt ghẻ vỡ ra máu mủ tuôn chảy, thường bị đau nhức, do đó đứa trẻ được đặt tên là Thân Hào (Rên la).

Cha mẹ thương xót, tuy cố công tìm các thứ thuốc để trị liệu cho con, nhưng bệnh không thể nào trị lành.

Thân Hào dần dần khôn lớn nghe mọi người nói:

–Ở tinh xá Kỳ hoàn có một thầy thuốc giỏi, có khả năng trị dứt mọi căn bệnh.

Nghe vậy, Thân Hào lập tức tìm đến tinh xá Kỳ hoàn. Thấy Phật Thế Tôn Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, Thân Hào rất vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói về cái khổ của năm ấm lẫy lừng cho Thân Hào nghe, là mụt ghẻ, là ung nhọt, như mũi tên độc bắn thẳng vào tim, làm tổn thương và gây nguy hại cho con người. Cả năm ấm này đều là nguồn gốc của tất cả mọi căn bệnh.

Thân Hào nghe Phật dạy trong lòng ăn năn tự trách, rồi sám hối tội lỗi với Đức Thế Tôn. Khi ấy bệnh ghẻ liền lành, tâm chàng rất vui mừng và xin Phật xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Thân Hào tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Thân Hào đời trước đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay khi mới sinh ra thân thể đã có ghẻ lở, máu mủ lai láng, thật đáng kinh sợ; lại nhờ phước lành gì mà được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có hai vị trưởng giả, cả hai đều là người rất giàu có, tài sản của họ nhiều vô lượng. Nhân vì có sự bất hòa tranh chấp với nhau, nên một trưởng giả đã dâng lên vua một số lượng lớn châu báu.

Nhà vua nhận vật của trưởng giả, nhân đó trưởng giả này đối trước vua có lời gièm siểm: “Trưởng giả kia là người có ác tâm, thường ấp ủ âm mưu gian muốn hãm hại hạ thần. Mong đại vương nghe lời hạ thần trừng trị tên trưởng giả kia.”

Vua liền hứa khả, liền đến nhà bắt trưởng giả kia đem trói rồi đánh đập, làm cho trưởng giả kia đau đớn khổ sở không cùng, toàn thân đầy thương tích, máu chảy lai láng và đau đớn không thể nói hết.

Khi thôi bị hành hạ đánh đập, trưởng giả bèn tự nghĩ: “Có than là có khổ; thân là nơi nhóm họp của mọi điều ác và nhiều tai họa. Thật đáng nhàm chán. Đối với vị trường giả kia ta đâu có oán thù gì lắm đến nỗi phải bị đánh đập hành hạ một cách ngang trái đến như vậy”.

Nghĩ vậy rồi, sau đó vị trưởng giả liền vào chốn núi rừng, quán sát thấy: Các pháp hữu vi đều vô thường, nên ngộ sâu được lý Không, thành Bích-chi-phật, xem kẻ oán người thân đều bình đẳng.

Vị Bích-chi-phật nhớ lại trưởng giả kia đã gây ra sự khổ sở cho mình, đời sau chắc chắn phải đọa vào địa ngục, chịu nhiều đau khổ. Bích-chi-phật nghĩ: “Vậy bây giờ Ta phải đến nhà trưởng giả,  hiện các thứ thần biến cho ông ta thấy để giúp ông được khai ngộ.”

Nghĩ xong, Bích-chi-phật liền đến trước nhà trưởng giả, thân vọt lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến.

Trưởng giả thấy sự biến hóa nên sinh tâm khát ngưỡng, càng thêm kính tin đối với Bích-chi-phật. Trưởng giả bèn thỉnh Bích-chi-phật ngồi nghỉ, ông dọn bày các món ăn ngon để cúng dường và xin sám hối tội ngày trước với Bích-chi-phật.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người đã gièm siểm trưởng giả với vua để vua tra khảo đánh đập trưởng giả lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Thân Hào.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


97- Truyện Vị Tỳ-Kheo Xấu Xí

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây của thái tử Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Trong thành có một vị trưởng giả chọn con gái trong một gia đình cao sang để cưới làm vợ, tấu trổi kỹ nhạc để cho vợ vui lòng.

Sau đó, người vợ ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, mặt mũi thật xấu xí, hình dạng trông giống như ác quỷ; mọi người trông thấy đều xa lánh.

Cậu bé dần dần khôn lớn, cha mẹ lấy làm chán nản và đuổi đi thật xa. Chàng trai này đi đến đâu, ai cũng ghê sợ, thậm chí súc sinh nhìn thấy còn phải sợ hãi huống chi con người.

Một hôm, chàng trai đi vào rừng hái hoa quả ăn để tự nuôi sống.

Các loài chim bay thú chạy mỗi khi trông thấy chàng, thì chẳng có loài nào không sợ, chúng bỏ đi hết, không dám ở trong khu rừng ấy nữa.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn với lòng Đại bi, sáu thời trong một ngày đêm ngài thường quán sát chúng sinh, xem chúng sinh nào độ được thì ngài liền đến cứu độ, Đức Phật biết chàng trai xấu xí kia căn lành đã thuần thục, nhân duyên hóa độ đã đến.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hôm nay, chúng ta nên vào trong rừng để cứu độ chàng trai xấu xí kia. Đức Thế Tôn dẫn đầu các Tỳ-kheo vào rừng. Chàng trai xấu xí kia thấy Phật, liền muốn tránh mặt đi. Nhưng Đức Phật đã dùng thần lực khiến chàng không đi được.

Bấy giờ các thầy Tỳ-kheo ngồi kiết già dưới gốc cây, còn Đức Phật cũng hóa thành một người mặt mũi xấu xí, tay ôm bình bát, bên trong đầy ắp thức ăn, lần lần đi về phía người ấy. Nhìn thấy một người có hình tướng cũng xấu xí như mình, nên chàng trai xấu xí cảm thấy vui và cho: “Người này thật là bạn ta”. Chàng bèn đến nói chuyện, rồi cùng ăn chung trong một cái bát. Bấy giờ cơm trong bát có mùi vị thơm ngon, ăn xong, bỗng nhiên mặt mày Hóa nhân trở nên khôi ngô đẹp đẽ.

Lúc ấy chàng trai xấu bèn hỏi bạn:

–Sao bỗng nhiên ông đẹp đẽ như thế?

Hóa nhân đáp:

–Tôi nhờ ăn cơm này và quán tưởng các Tỳ-kheo đang ngồi thiền dưới gốc cây đằng kia. Với thiện tâm mà hình tướng của tôi trở nên khôi ngô đẹp đẽ như thế.

Chàng trai xấu xí nghe rồi liền bắt chước, cũng quán tưởng các Tỳ-kheo đang ngồi thiền dưới gốc cây với thiện tâm. Quả nhiên, chàng trai xấu xí này cũng được khôi ngô đẹp đẽ. Trong lòng chàng vui mừng và sinh tâm kính tin đối với Hóa nhân.

Khi ấy Hóa nhân trở lại thân Phật. Chàng trai thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như tram ngàn mặt trời, nên bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói pháp cho chàng trai nghe bằng nhiều cách. Tâm ý được mở tỏ, chàng trai chứng quả Tu-đà-hoàn và xin xuất gia với Phật.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc chàng tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, không bao lâu sau thì chứng đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thấy việc trên, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vị Tỳ-kheo xấu xí kia đời trước đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay tuy được thân người nhưng xấu xí như vậy, lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Phất-sa.

Ngài đang ngồi kiết già dưới một gốc cây, Ta và Di-lặc đều là Bồ-tát cùng đến chỗ Phật cúng dường các món cần dùng. Ta đứng một chân trong bảy ngày để nói kệ:

Trên trời, nhân gian ai bằng Phật
Thế giới mười phương cũng không ai
Tất cả thế giới Ta đều thấy
Không ai có thể bằng như Phật.

Khi Bồ-tát nói kệ xong, trong núi có một Quỷ thần hóa ra hình dạng thật xấu xí đến làm Ta sợ hãi, Ta dùng thần lực khiến Quỷ thần kia gặp non cao vực thẳm rất hiểm trở không thể vượt qua được.

Khi ấy, Thần núi liền nghĩ rằng: “Vì ta có ác tâm làm người khác sợ hãi nên khiến phải gặp chỗ hiểm nạn không vượt qua được.

Vậy ta phải đến chỗ vị ấy để sám hối tội lỗi”. Nghĩ xong, Thần núi liền đến sám hối với Bồ-tát, sám hối xong, phát nguyện rồi ra đi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, Thần núi đã làm cho Ta sợ hãi lúc bấy giờ, nay là chàng trai xấu xí đã chứng quả La-hán kia. Vì lúc bấy giờ làm Ta sợ hãi, nên trong năm trăm đời chàng phải chịu thân hình xấu xí, ai thấy cũng đều xa lánh. Nhưng nhờ biết sám hối, cho nên nay gặp Ta được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


98- Truyện Tỳ-Kheo Hằng-Già-Đạt

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn Nai, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, trong nước có một Phụ tướng, nhà rất giàu có tuy nhiên ông chẳng có mụn con nào.

Lúc ấy bên bờ sông Hằng-già có một ngôi đền thờ trời Ma-ni-bạt-đà, nhân dân địa phương đều cung kính thờ phụng. Một hôm, vị Phụ tướng này đến ngôi đền ấy chú nguyện:

–Tôi không có con, được nghe Thiên thần có công đức lớn, cứu độ chúng sinh, có khả năng làm cho người được toại nguyện, nên tôi đến đây cầu xin Thiên thần cho tôi một đứa con. Nếu được như nguyện, tôi sẽ đem vàng bạc để tô điểm thân thể Thiên thần và dung danh hương tô phết đền Thần, còn bằng không linh nghiệm, tôi sẽ phá hủy ngôi đền này, bôi phẩn uế trên thân ngài.

Vị Thiên thần nghe rồi tự nghĩ: “Người này thuộc dòng họ giàu sang, uy thế mạnh mẽ, không phải là hạng người tầm thường cầu con, thế lực của ta kém cỏi, không thể nào làm cho ông ta được như nguyện. Nếu người ấy không được như nguyện thì sẽ phá hủy miếu Thần”.

Nghĩ xong, vị Thiên thần bèn đến thưa với trời Ma-ni-bạt-đà. Trời Ma-ni-bạt-đà cũng không đủ sức làm việc đó, liền đến gặp vua trời Tỳ-sa-môn để trình bày sự việc.

Vua trời Tỳ-sa-môn nói:

–Năng lực của ta cũng không thể làm cho người ấy có con được. Chỉ phải tìm đến trời Đế Thích mới mong thỏa mãn sự cầu nguyện đó.

Tỳ-sa-môn lập tức lên trời và tâu với Đế Thích:

–Tôi có một thuộc hạ là Ma-ni-bạt-đà, gần đây có một lời trình tấu rằng tại nước Ba-la-nại có một vị Phụ tướng muốn cầu con, đã kết lập lời thề quan trọng. Nếu nguyện của viên Phụ tướng ấy được thành tựu, ông ta sẽ gia tăng cúng dường nhiều thêm, còn bằng không thành, Phụ tướng sẽ phá hoại miếu đền, lại còn hủy nhục Thiên thần nữa.

Người ấy rất giàu có, chắc chắn sẽ làm như vậy, rất mong được Thiên vương giúp cho người ấy có con.

Trời Đế Thích đáp:

–Việc này rất khó, ta phải tìm một người có nhân duyên.

Lúc bấy giờ, có một vị trời năm tướng suy đã hiện, mệnh trời sắp hết. Đế Thích bảo vị trời ấy:

–Nhân duyên của ngươi ở cõi trời sắp hết, hãy nguyện sinh vào nhà một vị Phụ tướng!

Vị trời đáp:

–Tôi có ý muốn xuất gia để phụng tu chánh hạnh, nếu sinh vào nhà giàu sang sung sướng, thì việc ly dục rất khó. Tôi muốn là đầu thai vào nhà trung lưu, thì việc mong ước mới được toại nguyện.

Trời Đế Thích lại nói:

–Chỉ cần ngươi sinh vào đó, mếu muốn học đạo ta sẽ ủng hộ cho.

Vị vua trời qua đời, thần thức thọ thai trong nhà Phụ tướng, khi sinh ra dung mạo rất khôi ngô. Phụ tướng mời thầy xem tướng về đặt tên cho con.

Thầy xem tướng hỏi Phụ tướng:

–Ông cầu được đứa con này ở đâu?

Phụ tướng đáp;

–Trước kia tôi cầu trời Hằng-già nên được cháu.

–Vậy, nhân đó hãy đặt tên là Hằng-già-đạt.

Hằng-già-đạt dần dần khôn lớn, một hôm xin cha mẹ đi xuất gia.

Cha mẹ đáp:

–Nhà ta giàu sang, sự nghiệp rộng lớn, chỉ có một mình con, Vậy con phải nối nghiệp gia đình, ngày nào ta còn sống, không bao giờ cho con đi xuất gia.

Hằng-già-đạt không toại nguyện, sinh ra buồn rầu, rồi nghĩ đến việc xả thân để cầu sinh trong nhà thường dân, ở đó việc cầu xuất gia sẽ được dễ dàng. Do vậy mà Hằng-già-đạt đã lén đi, tự gieo mình xuống sườn núi, nhưng khi rơi xuống lại chẳng tổn thương gì; lại đến bờ sông nhảy xuống nước, thì nước liền đưa vào bờ, cũng không hề gì; lại dùng thuốc độc, nhưng khi uống vào, chất độc không tác dụng…

Hằng-già-đạt không có cách gì để chết, rồi có ý định phạm vào phép vua để bị vua giết chết. Sau đó Hằng-già-đạt gặp phu nhân của vua cùng các thể nữ rời cung điện đến một cái hồ để tắm rửa, họ cởi y phục và để trong lùm cây.

Lúc ấy Hằng-già-đạt lẻn vào lấy hết đồ phục sức của phu nhân và các thể nữ rồi mang đi. Người giữ cửa thấy được, liền báo cho vua A-xà-thế.

Vua nghe rất tức giận và đem cung tên tự mình bắn Hằng-già- đạt, nhưng khi bắn thì mũi tên bay ngược về chính hướng nhà vua. Vua A-xà-thế bắn ba lần như vậy, đều không trúng Hằng-già-đạt. Vua sợ hãi liệng cả cung tên và hỏi Hằng-già-đạt:

–Ngươi là Trời, Rồng hay Quỷ thần?

Hằng-già-đạt nói:

–Xin cho tôi một điều kiện, tôi mới dám nói.

Vua bảo:

–Ta bằng lòng, nói đi.

Hằng-già-đạt nói:

–Tôi chẳng phải Trời, Rồng hay Quỷ thần gì cả, mà là con của một vị Phụ tướng ở Xá-vệ. Tôi muốn xuất gia, nhưng cha mẹ không cho, nên muốn tự sát để được sinh vào nhà khác. Tôi đã nhảy xuống vực, lao xuống sông, uống thuốc độc… nhưng đều không chết nên tôi cố phạm pháp vua, hy vọng được chết, giờ đây vua muốn hại lại bắn không trúng. Sự tình như vậy, thật là quá đỗi, xin đại vương thương xót cho tôi xuất gia.

Vua A-xà-thế bảo Hằng-già-đạt:

–Ta cho ngươi xuất gia.

Nhân đó, vua A-xà-thế dẫn Hằng-già-đạt đến chỗ Đức Phật và kể lại sự việc trên cho Đức Thế Tôn nghe.

Bấy giờ Đức Phật cho Hằng-già-đạt xuất gia làm Sa-môn, được mặc pháp phục, trở thành Tỳ-kheo. Đức Phật nói pháp cho Hằng-già-đạt nghe. Tâm ý được mở tỏ, Hằng-già-đạt chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát.

Thấy vậy, vua A-xà-thế bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Hằng-già-đạt đời trước đã gieo trồng căn lành gì, mà nay gieo mình xuống sườn núi không chết, rơi xuống nước không chìm, uống thuốc độc chẳng hề gì, tên bắn không trúng… lại gặp Thế Tôn, được thoát khỏi sinh tử?

Phật bảo vua A-xà-thế:

–Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, có một nước lớn tên là Ba-la-nại, vua nước ấy là Phạm-ma-đạt-đa. Một hôm, vua dẫn các cung nhân đi dạo chơi trong vườn cây. Vua ra lệnh cho các thể nữ cùng nhau ca hát. Bấy giờ bên ngoài có người cất tiếng họa lại. Vua nghe tiếng hát ấy, liền nổi giận, sai người bắt trói và bảo đem giết.

Lúc ấy có một vị quan lớn từ ngoài thành đi vào, thấy một người bị trói, liền hỏi: “Vì sao trói người như vậy.”

Những người xung quanh kể lại sự việc cho vị quan nghe. Vị quan nghe xong liền bảo: “Hãy ngừng tay, đợi tôi gặp đức vua.”

Nói xong, vị quan vào gặp vua tâu: “Tội người kia không đến nỗi quá nặng, sao đại vương lại giết ông ta. Tuy ông ta có họa tiếng nhưng không thấy thân; như vậy là không có việc thông dâm gian tà.

Rất mong đại vương rủ lòng thương mà tha tội chết cho người.”

Lúc ấy vua nghĩ không thể trái lời vị quan, bèn tha tội chết cho kẻ kia. Được thoát chết, người ấy xin theo phục vụ một cách ân cần và chu đáo đối với vị quan đã cứu mạng mình. Việc phục vụ cho vị quan như vậy đã trải qua nhiều năm; một hôm ông tự nghĩ: “Dâm dục làm tổn thương con người còn hơn dao bén, ta bị khốn khổ tai ách đều do lòng dục mà ra cả”.

Nghĩ vậy rồi, người ấy thưa với vị quan xin được xuất gia để huân tu đạo nghiệp. Vị quan đáp: “Tôi đâu dám ngăn cản, nếu ông tu học thành đạo, xin trở lại cho tôi được gặp.”

Sau đó, người ấy đi vào chỗ núi rừng thanh vắng, để tư duy về diệu lý. Nhờ siêng năng tu tập, tâm ý vị ấy được mở tỏ, thành Bích-chi-phật.

Thành đạo rồi, Bích-chi-phật trở lại thành ấp ngày xưa để gặp vị quan. Vị quan rất vui mừng, thỉnh Bích-chi-phật vào trong nhà để cúng dường các thức ăn ngon, bốn thứ cúng dường đầy đủ.

Lúc ấy Bích-chi-phật bay lên không trung, hiện các pháp thần biến như thân tuôn ra nước, lửa; phóng ánh sáng lớn rực rỡ… Vị đại quan thấy vậy, lòng mừng vô hạn, nhân đó thệ nguyện: “Cũng nhờ tôi nên Ngài mới sống còn. Với ân đức ấy, tôi nguyện đời sau khiến tôi được giàu sang sống lâu, đặc biệt khác thường gấp ngàn vạn lần và cũng khiến cho tôi được trí đức như Ngài.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vua A-xà-thế:

–Vị quan đã cứu một người thoát chết lúc bấy giờ, nay chính là Hằng-già-đạt. Do nhân duyên này nên Hằng-già-đạt khi sinh ở đâu, cũng được sống lâu và nay được gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Khi Phật kể truyện nhân duyên của Tỳ-kheo Hằng-già-đạt, những người hiện diện trong đại hội lúc ấy đều sinh tâm kính tin vui mừng và thực hành.


99- Truyện Về Phạm Chí Trường Trảo

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, có một vị Phạm chí tên là Điệt Sử, ông có hai người con, con trai tên là Trường Trảo và con gái tên là Xá-lợi.

Trường Trảo rất thông minh, học rộng hiểu nhiều và giỏi tranh luận. Hễ mỗi lần tranh luận với chị là Xá-lợi thì ông thường thắng, nhưng từ ngày người chị mang thai, thì Trưởng Trảo không thắng được chị nữa.

Lúc ấy Trường Trảo suy nghĩ: “Trước kia chị ta tranh luận với ta thì chị thường không bằng ta, nhưng từ lúc mang thai, chị lại hơn hẳn ta. Đó là sức mạnh phước đức của bào thai. Nếu đứa con ấy ra đời, luận biện tất phải hơn ta. Vậy ta phải đi các nơi tìm học bốn bộ Vệ-đà, mười tám thứ phương thuật, sau đó về nước, ta sẽ tranh luận với cháu”.

Nghĩ xong, Trường Trảo đi về phía Nam Thiên trúc để học tập các luận, thề rằng: “Nếu không thông suốt, trở thành vị thầy bậc nhất, thì chẳng cắt móng tay.”

Trong khi đó ở nhà, người chị Xá-lợi mang thai đủ mười tháng, sinh được một bé trai. Dựa theo tên mẹ, bé trai được đặt tên là Xá-lợi-phất.

Xá-lợi-phất tướng mạo khôi ngô khác thường, lại thông minh trí tuệ, học rộng. Các luận, khó ai có thể đối đáp với Xá-lợi-phất.

Một hôm, các Phạm chí trong thành Vương xá đánh chiếc trống lớn bằng vàng để tập hợp tám ngàn ức dân chúng, cùng tụ hội tại nhà tranh luận.

Xá-lợi-phất mới tám tuổi cũng đến đó, thấy bốn tòa cao được thiết lập, bèn hỏi mọi người:

–Thiết lập bốn tòa cao kia là muốn đợi ai vậy?

Mọi người trả lời:

–Tòa thứ nhất dành cho quốc vương, tòa thứ nhì dành cho thái tử, tòa thứ ba cho quan đại thần, còn tòa thứ tư dành cho luận sĩ.

Xá-lợi-phất nghe nói, liền lên ngồi trên tòa cao, nơi dành cho  luận sĩ.

Lúc ấy các Phạm chí kỳ cựu đức độ cùng tất cả đồ chúng của họ đều kinh ngạc nghĩ rằng: “Các luận sĩ chúng ta, nếu tranh luận với đứa bé kia, dù chiến thắng cũng chưa phải vinh dự, còn nếu thua thì là điều rất xấu hổ nhục nhã”.

Nghĩ xong, các Phạm chí liền sai một Bà-la-môn nhỏ thuộc hàng hạ tọa để cùng luận nghị với Xá-lợi-phất. Hai bên cùng vấn đáp với nhau, ngôn từ lý luận của vị Bà-la-môn đều bế tắc. Họ lần lượt đưa lên người này người kia, cho đến các luận sĩ hàng thượng tọa, thì cuộc tranh luận cũng không quá mấy phen đều thua. Lúc ấy Xá-lợi-phất luận nghị chiến thắng, nổi tiếng khắp mười sáu nước lớn gần xa là bậc trí tuệ, học rộng biết nhiều, độc đáo khác người.

Một hôm, ở tại thành Vương xá, Xá-lợi-phất lên lầu cao để ngắm nhìn phong cảnh xung quanh. Thấy dân chúng trong thành nhóm họp vui chơi trong ngày lễ, Xá-lợi-phất chợt nghĩ: “Cảnh xôn xao kia một trăm năm sau cũng đâu còn gì”.

Nghĩ xong, Xá-lợi-phất bước xuống lầu. Sau đó, Xá-lợi-phất xuất gia cầu đạo với ngoại đạo.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới thành Chánh giác; mười sáu nước lớn chưa ai hay biết. Như Lai vì lòng Đại từ bi muốn giáo hóa chúng sinh, nên sai Tỳ-kheo A-tỳ đắp y, ôm bát vào thành Vương xá khất thực.

Lúc ấy Xá-lợi-phất thấy Tỳ-kheo A-tỳ oai nghi khoan thai đáng chiêm ngưỡng, bèn tự hỏi: “Đây là ai, mà phước đức như thế? Từ trước tới giờ ta chưa gặp vị này.”

Xá-lợi-phất bèn bước đến hỏi Tỳ-kheo:

–Ông phụng thờ vị Thầy nào mà có phép tắc như vậy?

Tỳ-kheo A-tỳ dùng kệ đáp:

Thầy tôi, trời trong trời
Chí tôn trong ba cõi
Tướng tốt, thân trượng sáu
Thần thông dạo hư không.

Tỳ-kheo A-tỳ nói kệ xong bèn đứng im lặng. Xá-lợi-phất nói với A-tỳ:

–Thầy ông dung mạo trang nghiêm, thần thông, trí tuệ… nay tôi  mới được nghe, vậy Thầy ông ngộ đạo gì mà được như vậy?

Tỳ-kheo A-tỳ dùng kệ đáp:

Trí tuệ khử năm ấm
Nhổ sạch mười hai căn
Chẳng tham vui trời, người
Tâm tịnh mở pháp môn.

Lúc ấy Xá-lợi-phất lại hỏi Tỳ-kheo A-tỳ:

–Đối với lời Thầy ông dạy, ông đã học được bao lâu và đã học tập được pháp gì?

A-tỳ cũng dùng kệ đáp:

Tuổi đời tôi còn nhỏ
Sức học lại nông cạn
Làm sao nói cho đúng
Giáo nghĩa rộng của Phật.

Xá-lợi-phất lại nói với A-tỳ:

–Những điều Thầy ông chỉ dạy, rất mong ông chỉ dạy lại cho.

Lúc ấy A-tỳ lại nói kệ đáp:

Trong tất cả các pháp
Nhân duyên sinh không chủ.
Dứt tâm đạt bổn nguyên
Nên gọi là Sa-môn.

Xá-lợi-phất nghe kệ, tâm liền tỏ ngộ và chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Bấy giờ, Mục-kiền-liên thấy Xá-lợi-phất mặt mày hớn hở, bèn hỏi:

–Xưa kia tôi và bạn đã có lời thệ ước: Nếu ai được pháp vị cam lộ trước, thì phải nói cho người còn lại biết. Nay tôi thấy bạn dường như có sở đắc, nên vẻ mặt hớn hở như thế?

Lúc ấy Xá-lợi-phất liền đọc ba lần bài kệ trên cho Mục-kiềnliên nghe. Mục-kiền-liên nghe xong, tâm ý được mở tỏ, cũng chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Bấy giờ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đều chứng được đạo quả, trong lòng vui mừng, trở về kể hết sự việc trên cho đồ chúng nghe và nói:

–Hôm nay, ta muốn đến chỗ Phật để xin xuất gia; vậy ý các ngươi thế nào?

Các đệ tử đều bạch với thầy:

–Nay Đại sư muốn học tập theo lời dạy của Sa-môn Cù-đàm, đệ tử chúng con cũng xin theo thầy.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nghe đồ chúng nói như vậy, mỗi người dẫn hai trăm năm mươi đệ tử của mình đi theo Tỳ-kheo A-tỳ đến vườn trúc Ca-lan-đà. Đến nơi, thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, trong lòng mọi người đều vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, xin được xuất gia.

Đức Phật chấp nhận và gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Râu tóc trên đầu Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và đồ chúng tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành các Sa-môn, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Bấy giờ, Phạm chí Trường Trảo nghe Xá-lợi-phất đã xuất gia nhập đạo, lòng buồn bã tức giận và nói:

–Xá-lợi-phất là cháu của ta, bản tánh trí tuệ, quán thông tất cả các sách. Các luận sư kỳ cựu của mười sáu nước lớn đều phải bái phục. Vì sao bỗng nhiên lại xả bỏ danh vọng cao sang để phụng thờ Cù-đàm?

Nói xong, Trường Trảo từ Nam Thiên trúc liền đến chỗ Phật để tranh luận với Ngài.

Lúc ấy Thế Tôn bảo Trường Trảo:

–Điều thấy biết của ngươi không phải là con đường đi đến Niếtbàn rốt ráo.

Phạm chí nghe Phật nói, im lặng không đáp. Đức Phật nói ba phen như vậy, Phạm chí cũng im lặng.

Bấy giờ, thần Kim cang Mật Tích từ trên hư không, dùng chày Kim cang định đánh trên đầu Phạm chí. Kim cang Mật Tích nói:

–Nếu ngươi không trả lời, ta sẽ dùng chày Kim cang đập nát thân nhà ngươi.

Lúc ấy Phạm chí rất sợ hãi, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, chẳng biết trốn đi đâu, giấu mặt nơi nào, liền hạ mình chịu khuất phục.

Phạm chí sinh tâm kính phục đối với Phật và cầu xin xuất gia làm đệ tử Phật.

Đức Phật nhận lời và gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Râu tóc của vị ấy tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Samôn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Phạm chí này đời trước làm được phước lành gì, mà nay bỏ tà theo chánh, gặp Phật Thế Tôn, được xuất gia, đắc đạo như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có một vị Bích-chi-phật đang ngồi thiền tư duy trong một khu rừng.

Lúc ấy có năm trăm tên cướp, chuyên cướp bóc của người. Họ định vào khu rừng ấy. Tên cầm đầu trước sai một tên vào rừng xem có ai không, thấy vị Bích-chi-phật đang ngồi thiền dưới gốc cây, gã liền bắt trói dẫn đến chỗ tên cầm đầu, tên cầm đầu định giết Bíchchi-phật.

Lúc ấy vị Bích-chi-phật suy nghĩ: “Nếu Ta làm thinh để hắn giết Ta, tức làm cho tội nghiệp của hắn thêm lớn và hắn sẽ bị đọa địa ngục không có ngày ra khỏi, vậy bây giờ ta phải hiện các thần biến, làm cho hắn tin phục”.

Nghĩ rồi, vị Bích-chi-phật thân bay lên hư không, xuất hiện ở phía Đông, ẩn ở phía Tây, xuất hiện ở phía Nam, ẩn mất ở phía Bắc, thân tuôn ra nước lửa, hoặc hiện thân hình to lớn đầy khắp hư không, rồi hiện nhỏ lại… vị Bích-chi-phật xoay vần hiện mười tám thứ biến hóa như vậy.

Bọn cướp thấy sự thần biến, trong lòng sợ hãi. Tất cả đều sụp lạy, chí thành quy y sám hối. Vị Bích-chi-phật nhận sự sám hối của bọn cướp, sau đó họ sắm sửa các món ăn ngon để thỉnh Ngài cúng dường. Cúng dường xong, họ phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, mà trong vô lượng kiếp kẻ ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; thường sinh lên cõi trời, cõi người, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia  đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, tên cầm đầu bọn cướp lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Phạm chí Trường Trảo vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


100- Truyện Về Tỳ-Kheo Tôn-Đà-Lợi Khôi Ngô Tuấn Tú

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ, phu nhân của vua Ba-tư-nặc đã thụ thai, đủ mười tháng, bà sinh được một thái tử có hình tướng khôi ngô, đẹp đẽ trên đời ít có, đôi mắt sáng trong như chim Câu-na-la vậy, do đó vua đặt tên thái tử là Câu-na-la. Vua cho thái tử đeo các chuỗi anh lạc, mặc quần áo tốt đẹp, rồi sai người bồng đi khắp phố phường hỏi mọi người rằng:

–Trên thế gian này, có đứa trẻ nào khôi ngô đẹp đẽ như con ta không?

Lúc ấy trong xóm làng có những người đi buôn tâu với vua:

–Xin đại vương tha thứ, đừng bắt tội thì chúng tôi mới dám nói.

Vua liền bảo:

–Các ngươi cứ nói, đừng sợ.

Khi đó những người đi buôn tâu:

–Thưa đại vương, trong xóm chúng tôi ở có một đứa trẻ tên là Tôn-đà-lợi, tướng mạo khôi ngô khác thường, dung mạo như vị trời, đẹp hơn con vua cả trăm ngàn vạn lần, con vua không thể nào sánh được. Lại lúc sinh ra, trong nhà tự nhiên lại vọt lên một dòng suối, hương vị thơm tho, trong mát, lại có các thứ châu báu.

Vua nghe nói, liền sai người truyền lệnh cho dân chúng trong làng ấy biết:

–Chính ta sẽ đích thân đến thăm Tôn-đà-lợi.

Khi trưởng làng biết rằng vua sẽ đến xem Tôn-đà-lợi, ông bàn với những người trong làng:

–Hôm nay vua sẽ đến, nhưng hơi đâu mà trông đợi, chi bằng ta  trước đưa đứa trẻ đến cho vua xem.

Sau khi bàn như vậy, họ cho Tôn-đà-lợi đeo chuỗi anh lạc, mặc quần áo tốt đẹp để trang nghiêm, rồi bồng đến cho vua xem.

Vua thấy Tôn-đà-lợi có dung mạo khôi ngô khác thường, trên đời có một không hai, nên rất ngạc nhiên, khen đây là đứa trẻ chưa từng có. Sau đó vua đem Tôn-đà-lợi đến chỗ Đức Phật, muốn hỏi Đức Phật do đâu mà bé trai này lại có thân tướng tốt đẹp như vậy. Đến nơi thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, đứa bé bèn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên.

Bấy giờ Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho đứa bé nghe. Tâm ý được mở tỏ, Tôn-đà-lợi chứng quả Tu-đà-hoàn và xin Phật xuất gia.

Đức Phật chấp nhận và gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc trên đầu đứa bé trai tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán.

Vua Ba-tư-nặc thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Tôn-đà-lợi đời trước đã gieo trồng phước lành gì mà đời nay sinh ra tự nhiên có dòng suối vọt lên và các món châu báu đầy dưới suối ấy, lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đại vương hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp.

Lúc bấy giờ, có một vạn tám ngàn vị Tỳ-kheo đang ngồi thiền, hành đạo trong rừng. Lại có một vị trưởng giả trong khi đang đi, tình cờ gặp các Tỳ-kheo ấy, sinh tâm vui mừng liền trở về nhà chuẩn bị nước thơm, để thỉnh chúng Tăng tắm rửa, dọn bày thức ăn ngon cúng dường các thầy Tỳ-kheo. Cúng dường xong trưởng giả lại đem các món châu báu bỏ vào thau nước để dâng lên chúng Tăng. Sau đó trưởng giả phát nguyện rồi ra về.

Nhờ công đức này, mà trong nhiều đời trưởng giả không đọa vào đường ác, thường sinh lên cõi trời, cõi người; khi sinh ra luôn có dòng  suối vọt lên và các thứ châu báu trong dòng suối ấy.

Đức Phật bảo đại vương:

–Đại vương nên biết, người con của vị đại trưởng giả đã chuẩn bị nước thơm để chúng Tăng tắm rửa và cúng dường ẩm thực cho chúng Tăng cho nên thường được thân tướng tốt đẹp lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Tôn-đà-lợi.

Lúc ấy các Tỳ-kheo và vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.