KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: BỐ THÍ

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát thành tựu mười luân này, từ lúc mới phát tâm đều xả bỏ tất cả năm dục, vượt hơn tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, cũng có thể vì hàng Nhị thừa đó mà làm ruộng phước. Những gì là mười? Thường thực hành bố thí, đó là các thứ như thức ăn uong, y phục, voi, ngựa, xe cộ, cho đến thân thể, tay chân, đầu mắt, tủy não, tai mũi da xương, máu thịt, tất cả đều xả bỏ. Khi thực hành bố thí không chấp thân mạng, cũng không vì mình mà mong cầu pháp thế gian và pháp xuất thế gian, luôn nhớ nghĩ sự giải thoát cho tất cả chúng sinh. Tu tập đại Từ đại Bi, trí tuệ theo phương tiện thiện xảo. Tâm bố thí đối với các chúng sinh như vậy, làm cho tất cả đều được an lạc nên bố thí, vì diệt hết tất cả kết sử của chúng sinh nên bố thí, không thọ nhận đời sau nên bố thí, tâm cao thượng nên bố thí, tâm không ganh ghét nên bố thí, cho đến đối với kẻ thấp hèn nhất cũng bố thí như vậy, không mong báo đáp nên bố thí, không mong cầu Thanh văn và Bích-chi-phật nên bố thí, mong cầu Nhất thiết chủng trí nên bố thí, kể cả đối với một người cũng thường tu hành bố thí như vậy. Đó gọi là tâm bố thí của Đại Bồ-tát, thành tựu luân thứ nhất cua pháp bố thí trang nghiêm.

Bồ-tát từ khi mới phát tâm như thế, có thể vì tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật làm ruộng phước lớn, phải nên giữ gìn, cung kính cúng dường. Vì sao? Vì tất cả Thanh văn và Bích-chi-phật chỉ chấm dứt thân mình, không còn đọa vào ba đường, chỉ làm lợi ích cho mình, không chỉ dạy người khác tu hành bố thí. Đại Bồ-tát vì đoạn dứt tất cả khổ não của chúng sinh, bằng tâm Từ bi rộng lớn thương xót mà bố thí, cho nên có thể vì hàng Thanh văn và Bíchchi-phật mà làm ruộng phước, không phải vì mình mong cầu quả báo, chỉ nhằm tạo an lạc tối thượng bậc nhất, nên luôn thực hành bố thí, hoàn toàn không đắm nhiễm vào năm thứ dục lạc sinh tử của hàng trời, người nên tu hành bố thí tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, không nghĩ đến thân mình đã nhận chịu nhiều điều thiện ác, nên tu hạnh bố thí, vì đoạn dứt tất cả khổ báo của chúng sinh nên tu hạnh bố thí. Bồ-tát thực hành pháp Bố thí ba-la-mật như vậy, nên có thể gánh vác, làm ruộng phước cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Nếu không đắm nhiễm theo năm dục của thế gian, vì nhằm làm đầy đủ đại Từ đại Bi nên có thể bố thí như vậy. Đó gọi là Đại Bồ-tát, cũng gọi là ruộng phước của hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Giả sử tu hạnh bố thí vô lượng, nếu không đoạn dứt năm dục ở thế gian thì không gọi là bố thí, cũng không gọi là Bồ-tát, không thể làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, không gọi là dấu ấn của bậc Hiền thánh. Do đó phải đoạn trừ năm thứ dục, không còn nhiễm đắm mà bố thí, nếu nhiễm vào năm thứ dục thì không gọi là Bồ-tát, cũng không gọi là ruộng phước. Người bố thí như vậy không thể diệt trừ phần ít phiền não, huống chi là diệt trừ tất cả mọi thứ kết tập.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ lại sự việc trên nên nói kệ:

Thành tựu luân bố thí
Bậc trí tâm thanh tịnh
Lìa hết năm thứ dục
Khiến chúng sinh an lạc.
Thậm chí bố thí ít
Đều vì trừ các khổ
Không thọ nhận quả báo
Đạt được ruộng phước trên.
Tuy bố thí rất nhiều
Nhưng không lìa năm dục
Thí chẳng phải ấn Thánh
Chẳng vào quyết định tụ.
Bỏ dục, hành bố thí
Thí ít mà quả nhiều
Thanh văn, Bích-chi-phật
Đều nhờ ruộng phước ấy.
Cho nên phải lìa dục
Thường được thí thanh tịnh
An lạc các chúng sinh
Là ruộng phước chân thật.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười loại luân pháp bố thí, nếu có thể thành tựu mười loại luân pháp bố thí, sớm đạt được Tam-muội ánh sáng, có thể vì tất cả hàng Thanh văn và Bích-chiphật làm ruộng phước lớn. Những gì là mười? Đó là nương tựa vào pháp của Phật, nương tựa vào pháp của Thanh văn, nương tựa vào pháp của Bích-chi-phật, nương tựa vào pháp Đại thừa, nương tựa vào pháp thế gian và xuất thế gian, nương tựa vào pháp hữu lậu và vô lậu, cung kính, tôn trọng, lãnh thọ tất cả, tùy thuận giữ gìn, giảng nói rộng cho người khác.

Hoặc nói cho hàng Thanh văn, nên nói về pháp bốn Đế, Niếtbàn rốt ráo, không có tâm ganh ghét, kiêu mạn, không vì lợi dưỡng mà khen ngợi tất cả, cũng không tự đề cao mình, không khinh chê người khác, đối với tất cả chúng sinh luôn khởi tâm Từ bi lớn, phân biệt giảng nói rõ ràng, không nói pháp của Bích-chi-phật cùng với pháp Đại thừa.

Hoặc nói pháp cho hàng Bích-chi-phật, nên nói pháp mười hai nhân duyên, xa lìa sinh, già, bệnh, chết, dứt hết các khổ, cũng không nói các pháp của Tiểu thừa, Thanh văn, Bồ-tát.

Hoặc nói pháp cho hàng Đại thừa, nên nói sáu pháp Ba-la-mật,

đầy đủ các hạnh, chứng đắc đạo vô thượng, cũng không nói pháp của Thanh văn và Bích-chi-phật. Chỉ thuận theo căn cơ ứng hợp của các chúng sinh tu hành mà giảng nói cho họ. Đối với lời giảng dạy của Đức Như Lai, kể cả một câu hay một bài kệ đều cung kính tôn trọng, trọn đời không hủy báng, cũng không ẩn giấu để làm chướng ngại. Đối với người giảng nói giáo pháp đều xem như là bậc Thế Tôn, đối với người nghe pháp đều coi như người đang bệnh, đối với chánh pháp đều quý như vị thuốc hay, xả bỏ năm thứ dục, nhằm giảng nói giáo pháp luôn bình đẳng, không chấp tướng.

Này thiện nam! Đó gọi là mười thư luân pháp bố thí của Đại Bồ-tát. Nếu Bồ-tát thành tựu mười thứ luân pháp bố thí như vậy, liền mau đạt được Tam-muội ánh sáng, có thể làm ruộng phước lớn cho tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, luôn vì tất cả ma giữ gìn cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ lại sự việc trên, liền dùng kệ:

Bậc trí tu pháp thí
Giảng nói về ba thừa
Người không gánh pháp khí
Cũng không hủy báng pháp.
Thanh văn và Duyên giác
Mọi người đều tu tập
Bích-chi-phật lợi trí
Chỉ dạy vào Đại thừa.
Vì thành tựu pháp khí
Không nói vọng, phi pháp
Tùy các căn lợi, độn
Dần dần dạy tiến tới.
Cung kính đối với pháp
Tin nhận không hủy báng
Có thể nói giáo pháp
Cúng dường Đức Thế Tôn.
Những chúng sinh nghe pháp
Đều diệt hết phiền não
Không tham đắm tiếng khen
Và lợi dưỡng nói pháp.