SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: BỒ-TÁT VÂN TẬP NÓI KỆ Ở ĐIỆN DIỆU THẮNG

Khi ấy, khắp mười phương vượt xa nhiều cõi như bụi của thế giới Phật, mỗi một phương đều có mười thế giới.

Tuần tự tên các thế giới ấy là Nhân-đà-la, Liên hoa, Chúng bảo, Ưu-bát-la, Diệu hạnh, Thiện hạnh, Hoan hỷ, Tinh tú, Vô yếm từ, Hư không.

Danh hiệu Phật ở các cõi ấy là Bất Biến Nguyệt, Vô Tận Nguyệt, Bất Động Nguyệt, Hương Phong Nguyệt, Tự Tai Thiên Nguyệt, Thanh Tịnh Nguyệt, Vô Thượng Nguyệt, Tinh Tú Nguyệt, Bất Suy Biến Nguyệt, Vô Lượng Tự Tại Nguyệt. Các Bồ-tát tên là Pháp Tuệ, Nhất Thiết Tuệ, Thắng Tuệ, Công Đức Tuệ, Tinh Tấn Tuệ, Thiện Tuệ, Trí Tuệ, Chân Thật Tuệ, Vô Thượng Tuệ, Kiên Cố Tuệ. Các Bồ-tát này đều tịnh tu phạm hạnh với Đức Phật nơi quốc độ của mình.

Khi ấy, nương uy thần của Phật, các Bồ-tát ấy đều đem theo các Bồ-tát quyến thuộc nhiều như số bụi trong một thế giới cùng đi đến chỗ Đức Phật và cung kính lễ bái. Lại nhờ thần lực của Phật, các vị ấy hóa ra tòa Sư tử bảo tạng và ngồi kiết già trên ấy, đầy khắp cả mười phương.

Tại thế giới Tu-di sơn đảnh, các Bồ-tát vân tập như vậy, thì các thế giới khắp mười phương cũng như vậy.

Khi ấy, từ đầu các ngón chân của Thế Tôn phóng ra trăm ngàn ức hào quang đẹp rực rỡ chiếu đến tất cả thế giới khắp mười phương.

Như Lai và đại chúng dưới cây Bồ-đề ở bốn thiên hạ, trên điện Diệu thắng của đỉnh núi Tu-di đều hiện rõ.

Bấy giờ, nhờ thần lực của Phật, Bồ-tát Pháp Tuệ nhìn khắp mười phương nói kệ rằng:

Thầy trời người đều hiện
Tất cả cõi nghiêm tịnh
Đỉnh Tu-di sơn vương
Điện Diệu thắng Đế Thích
Nhận lời Thiên vương thỉnh
Nên ngự trong cung ấy
Từng vị đều dùng mười
Kệ an lành khen Phật.
Quyến thuộc lớn chư Phật
Chúng Bồ-tát thanh tịnh
Đều từ mười phương đến
Ngồi kiết già an tọa,
Họ đều đồng danh hiệu
Như chúng Bồ-tát đây
Rời khỏi cõi của mình
Đi đến chỗ chư Phật,
Chư Phật, cõi nước ấy
Danh hiệu đều giống nhau
Bồ-tát nơi Phật mình
Tịnh tu hạnh Bồ-tát.
Các Phật tử nên biết
Thần lực của Như Lai
Trong tất cả thế giới
Đều cho Phật trước mắt,
Chúng ta đang thấy Phật
Ngồi trong điện Diệu thắng
Mười phương cũng như vậy
Như Lai, sức tự tại.
Trong tất cả thế giới
Người phát tâm cầu Phật
Phải lập nguyện thanh tịnh
Tu tập hạnh Bồ-tát,
Bồ-tát tịnh tu hành
Vô lượng, vô số kiếp
Vô ngại trong pháp giới
Không ai trắc lường được,
Đều chiếu khắp mười phương
Diệt trừ ngu si ám
Tất cả chẳng ai bằng
Thế nên không thể biết.

Bấy giờ, nương thần lực của Phật, Bồ-tát Nhất Thiết Tuệ nhìn khắp mười phương nói kệ rằng:

Vô lượng, vô số kiếp
Tuy thường gặp Như Lai
Nhưng trong chánh pháp này
Chưa từng thấy chân thật.
Vọng tưởng lấy các pháp
Tăng thêm lưới si mê
Trong luân hồi sinh tử
Mù tối không thấy Phật.
Tuy có quán các pháp
Vẫn chưa thấy thật tướng
Tất cả pháp sinh diệt
Chỉ chấp tên gọi giả.
Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Ai hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Không lấy, cũng không thấy
Rỗng không, chẳng chân thật
Chư Phật xưa nay không
Không thể nghĩ lường được.
Nếu hiểu tất cả pháp
Không thể nghĩ lường được
Người ấy đối phiền não
Tâm họ không bị nhiễm.
Hư vọng lấy pháp tướng
Thế nên bị si tối
Cho nên không thấy Phật
Cũng không thấy chân thật.
Mâu-ni lìa ba đời
Đầy đủ các tướng tốt
Trú vào nơi không trú
Pháp giới đều thanh tịnh.
Pháp sinh do nhân duyên
Do nhân duyên pháp diệt
Quán Như Lai như vậy
Hoàn toàn lìa si mê.
Như Pháp Tuệ đã nói
Pháp vi diệu thanh tịnh
Tôi nghe từ vị ấy
Bồ-tát khó nghĩ bàn.

Bấy giờ, nương thần lực của Phật, Bồ-tát Thắng Tuệ nhìn khắp mười phương nói kệ rằng:

Trí Như Lai sâu xa
Không sao lường được cả
Không biết pháp chân thật
Nên thế gian mê hoặc,
Khờ dại nên tư duy
Hư vọng giữ các pháp
Thế nên chẳng thấy Phật
Đầy đủ tướng thanh tịnh.
Tâm ngu si mê hoặc
Giữ lầm tướng năm ấm
Không rõ tánh chân thật
Thế nên không thấy Phật.
Phân biệt tất cả pháp
Hoàn toàn không chân thật
Hiểu các pháp như vậy
Thì thấy Lô-xá-na.
Năm ấm trước làm nhân
Tương tục sinh ấm sau
Tuần tự, hiểu năm ấm
Thấy Phật khó nghĩ bàn.
Như báu trong chỗ tối
Không sáng nên chẳng thấy
Chân đế không người nói
Có tuệ cũng khó thấy.
Như mắt không trong sáng
Không thấy sắc xinh đẹp
Như vậy, tâm bất tịnh
Không thấy các Phật pháp.
Như mặt trời trong sáng
Nhưng người mù không thấy
Nếu người tâm dối nịnh
Không thể nào thấy Phật.
Nên cần sạch mắt tuệ
Quán sát các pháp tướng
Thấy pháp tướng rõ rồi
Cũng như hình trong gương.
Nhất Thiết Tuệ đã nói
Pháp vi diệu thanh tịnh
Tôi nghe từ vị ấy
Thấy Phật Lô-xá-na.

Bấy giờ, nương thần lực của Phật, Bồ-tát Công Đức Tuệ nhìn khắp mười phương nói kệ rằng:

Các pháp dối, không thật
Lầm giữ tướng bền chắc
Thế nên kẻ ngây thơ
Thường chuyển xe sinh tử.
Pháp không thiện, chẳng thắng
Lầm là tướng pháp thắng
Thế nên sinh chướng ngại
Ngu si mãi luân chuyển.
Không biết tám Chánh đạo
Làm sao biết tự tâm
Họ do tưởng điên đảo
Tăng trưởng tất cả ác.
Chẳng thấy các pháp không
Nên chịu nhiều đau khổ
Người ấy không thành tựu
Được Pháp nhãn thanh tịnh.
Muốn biết tất cả tâm
Trước phải cầu mắt pháp
Như đúng lời tôi nói
Thấy được Phật chân thật.
Nếu ai được thấy Phật
Mà tâm không còn vướng
Thì thấy được chân thật
Như pháp của Phật dạy.
Nếu thấy Đại trí tuệ
Pháp thân của Như Lai
Thường thấy được Như Lai
Thì có mắt thanh tịnh.
Không thấy mới thấy được
Tất cả pháp chân thật
Với pháp, có sự thấy
Thì thật không có thấy.
Hay thay! Pháp chân thật
Mà Phật dạy chúng sinh
Tất cả trong các cõi
Không sinh, cũng không diệt.
Thắng Tuệ đã nói về
Pháp vi diệu thanh tịnh
Tôi nghe từ vị ấy
Hiểu các đường giác ngộ.

Bấy giờ, nương thần lực của Phật, Bồ-tát Tinh Tấn Tuệ nhìn khắp mười phương nói kệ rằng:

Vì các nghiệp vọng tưởng
Mắt tuệ chẳng thanh tịnh
Tăng ngu si tà kiến
Nên không thấy chư Phật.
Nếu thấy được tà ngụy
Cùng với pháp chân thật
Hiểu rõ thật chẳng thật
Thì thấy Phật thanh tịnh.
Sự thấy chính là cấu
Vì không có sự thấy
Chư Phật lìa sự thấy
Thế nên thấy thanh tịnh.
Pháp ngôn ngữ thế gian
Hư vọng chẳng chân thật
Biết đời do duyên khởi
Thì thoát khổ sinh tử.
Thế gian, chẳng thế gian
Quán sát đều bình đẳng
Biết chân thật cả hai
Gọi là người thấy đúng.
Nếu quán sát như vậy
Hết lậu, được tự tại
Chẳng có, cũng chẳng không
Gọi là thấy không hai.
Hư vọng, chẳng hư vọng
Chẳng phải pháp chư Phật
Chân thật không hai tướng
Pháp tánh là thanh tịnh.
Pháp tánh tự thanh tịnh
Vô tướng như hư không
Tất cả không thể nêu
Bậc trí quán như vậy.
Thích quán tất cả pháp T
ịch diệt không sở hữu
Cũng biết không thể tu
Thì thấy Đức Mâu-ni.
Người thấy Phật như vậy
Công đức không thể lường
Tất cả các hành động
Tịch tĩnh, Không, Vô tướng.

*******

Bấy giờ, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Thiện Tuệ nhìn khắp mười phương và nói kệ rằng:

Đẹp thay, Phật Thế Tôn
Vô lượng các Như Lai
Lìa hại, tâm giải thoát
Tự độ lại độ tha,
Chánh kiến, tâm giải thoát
Như thật, không điên đảo
Vô lượng, vô số kiếp
Tích đức nên gặp Phật.
Các hành không, chẳng thật
Phàm phu cho là thật
Tất cả không tự tánh
Đều rỗng như hư không,
Lời dạy Vô Tận Trí
Người nói, không sự nói
Hiểu rõ đều là không
Nên đắc không nghĩ bàn.
Vô tận thuyết vô tận
Chúng sinh là trống rỗng
Biết tánh chân thật ấy
Thì thấy Đại danh tiếng,
Không thấy nói là thấy
Vô ngã nói chúng sinh
Nói thấy và chúng sinh
Cả hai đều chẳng có,
Thấy mà không sự thấy
Thấy này, tướng không hoại
Gọi là pháp chân thật
Được chư Phật nói ra.
Biết rõ Phật chân thật
Và lời dạy của Phật
Thấy khắp các thế gian
Như Phật Lô-xá-na
Như Lai Đẳng Chánh Giác
Khéo giảng đạo minh tịnh
Bồ-tát Tinh Tấn Tuệ
Diễn thuyết vô lượng pháp.
Tướng các pháp có không
Tu bình đẳng một tướng
Như vậy thấy được Phật
Đứng vào chỗ chân thật.

Bấy giờ, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Trí Tuệ nhìn khắp mười phương và nói kệ rằng:

Con nghe Tối Thắng dạy
Liền sinh hào quang tuệ
Chiếu các cõi mười phương
Thấy hết tất cả Phật,
Nếu chấp có chúng sinh
Đó là nơi nạn lớn.
Pháp vốn không chủ tể
Chỉ có lời giả nói
Ngu si chẳng thể biết
Tánh chân thật tự thân
Như Lai, chẳng lấy tướng
Nên họ chẳng thấy Phật.
Trần cấu che mắt tuệ
Không thấy Đẳng Chánh Giác
Vô lượng, vô số kiếp
Trôi trong biển sinh tử
Lưu chuyển thì sinh tử
Dừng lại là Niết-bàn
Sinh tử và Niết-bàn
Cả hai không thể đắc.
Do mê lầm nên nói
Sinh tử khác Niết-bàn
Hiểu sai pháp Hiền thánh
Không rõ đạo Vô Thượng,
Người chấp tướng như vậy
Nói có Phật, Đẳng giác
Điên đảo không chánh niệm
Cho nên chẳng thấy Phật.
Biết được pháp thật này
Tướng chân như tịch diệt
Thì thấy Tối Chánh Giác
Vượt trên đường ngôn ngữ,
Hư vọng nói các pháp
Pháp thật không sở hữu
Tất cả các Thế Tôn
Không thể tìm cầu được.
Hiểu rõ đời quá khứ
Vị lai cùng hiện tại
Cứu cánh tịch diệt hẳn
Nên nói cùng hiện tại.

Bấy giờ, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Chân Tuệ nhìn khắp mười phương và nói kệ rằng:

Thà chịu khổ vô cùng
Để nghe âm thanh Phật
Không hưởng tất cả vui
Mà không nghe hiệu Phật.
Sở dĩ vô số kiếp
Chịu các khổ não này
Luân hồi trong sinh tử
Vì không nghe hiệu Phật,
Pháp thật và không thật
Giác ngộ cả chân ngụy
Vì không tướng hòa hợp
Nên gọi là Bồ-đề.
Hiện tại chẳng duyên hợp
Khứ, lai cũng như vậy
Tất cả pháp vô tướng
Đó là chân tánh Phật.
Nếu ai quán sát được
Nghĩa thậm thâm các Phật
Thì thấy vô lượng Phật
Pháp thân tướng chân thật.
Với thật biết chân thật
Chẳng thật biết chẳng thật
Hiểu chân thật hoàn toàn
Nên hiệu là Chánh Giác.
Giác, không có sự giác
Là diệu pháp của Phật
Chư Phật tu như vậy
Chẳng một cũng chẳng hai,
Biết một là các pháp
Biết các pháp là một
Pháp không nơi y cứ
Làm sao mà duyên hợp,
Người làm và việc làm
Cả hai chẳng thật có
Ai hiểu được như vậy
Cầu không thể thủ đắc.
Không có chỗ thủ đắc
Đối với quả vị Phật
Pháp không nơi y chỉ
Bậc giác không lệ thuộc.

Bấy giờ, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Vô Thượng Tuệ nhìn khắp mười phương và nói kệ rằng:

Đại Bồ-tát vô thượng
Xa lìa tướng chúng sinh
Không có tướng sở hữu
Nên gọi là Vô thượng.
Vi tế không thật có
Mà thô cũng là không
Sở đắc của chư Phật
Chẳng hy vọng, chẳng làm
Pháp này chẳng thể đếm
Cảnh giới của chư Phật
Cũng xa lìa không đếm
Là chân pháp của Phật.
Tuệ nhật chiếu mười phương
Phá tan các tối tăm
Cũng chẳng có sự chiếu
Cũng chẳng có không chiếu
Thường vui pháp tịch tĩnh
Xa lìa sự lệ thuộc
Giải thoát không chỗ nương
Không nhiễm tất cả pháp.
Bậc Đại trí thấy hết
Nơi nương tựa chân thật
Nếu không có hai pháp
Nên biết một cũng không,
Không một, cũng không hai
Tất cả đều tịch diệt
Ba loại thế gian không
Là tri kiến chư Phật.
Chư Phật dạy chúng sinh
Sống vững trong chánh pháp
Hiểu rõ không chỗ trú
Thì thấy thân chân thật,
Chẳng thân, chính là thân
Không chuyển, không thể thấy
Không chuyển, cũng không thấy
Gọi là thân vô thượng.
Chân Tuệ đã diễn thuyết
Vô số các Phật pháp
Ai nghe được pháp này
Thì được mắt thanh tịnh.

Bấy giờ, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Kiên Cố Tuệ nhìn khắp mười phương và nói kệ rằng:

Chúng sinh chẳng tri ân
Như Lai phát từ tuệ
Xuất hiện trong thế gian
Chiếu sáng trừ các tối.
Khởi tâm đại Từ bi
Nhìn khắp các chúng sinh
Đang chịu nhiều loại khổ
Bị ba cõi nhốt mãi
Chỉ trừ Đẳng Chánh Giác
Bậc Đạo Sư tối thắng
Trong tất cả trời, người
Chẳng ai để quy y.
Nếu thế giới không Phật
Và các vị Hiền thánh
Thì chúng sinh ở đó
Không được sự an lạc,
Như Lai, chúng Hiền thánh
Xuất hiện trong thế gian
Để mở mắt tịnh tuệ
Để được an lạc mãi.
Nếu được thấy Như Lai
Là lợi ích tối thượng
Nghe hiệu Phật, hoan hỷ
Là tháp của thế gian,
Chúng ta được lợi lớn
Hiện tại thấy Như Lai
Được nghe diệu pháp này
Chắc chắn sẽ thành Phật.
Hiểu ba đời, giải thoát
Các cảnh giới thậm thâm
Tất cả chúng Bồ-tát
Thanh tịnh mở mắt tuệ,
Chúng con thêm hoan hỷ
Thấy Phật Lô-xá-na
Trí vô lượng, vô biên
Diễn nói không cùng tận.
Tuệ vô thượng kiên cố
Cùng với các Phật tử
Trong vô số ức kiếp
Nói Đức Phật vô tận.