ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 6: DANH TỰ CÔNG ĐỨC

Danh tự thế gian thì có khác có đồng, nói đồng thì đó là tên gọi về mặt Thể, nói khác thì đó là dùng danh để gọi Thể. Tự là dùng để khen ngợi đức. Phật pháp cũng giống như thế, thuận theo thế gian mà gượng chia ra đồng khác. Như lấy đại Niết-bàn làm danh, còn tất cả các lời khen ngợi khác như không thể nghĩ bàn, cảnh giới chư Phật, chánh pháp môn, v.v… đều là Tự. Nhưng Danh và Tự này đều có công đức. Ở đây đầu tiên là phân biệt công đức của Danh. Văn kinh nêu bảy thiện bảy dụ để giải thích danh của kinh này; đó là: Ngữ thiện, Nghĩa thiện, Văn thiện, tinh thuần đầy đủ là Độc nhất thiện, thanh tịnh là Hạnh thiện, phạm hạnh là Từ thiện, Kim cương bảo tạng là Bị cụ thiện. Dung thành y cứ vào Thượng, Trung, Hạ mà lập ra mười thiện, Khai Thiện hợp thành tám thiện. Nay y cứ vào bảy thiện lành, nên chẳng cần kể hai thuyết kia. Dụ thứ nhất nói về Đại là nghĩa rộng, đó là tám con sông đều đổ về biển; là nghĩa sâu: là nói một phương thuốc sâu xa bí mật; là nghĩa cực: là nói sự mong cầu dứt hẳn; là Đệ nhất nghĩa tức nói dấu chân voi là bậc nhất; là nghĩa thắng tức là nói mùa thu cày cấy là tốt nhất; là nghĩa tịch, tức là nói khéo trị loạn tâm; là nghĩa cụ túc, tức nói tám vị đầy đủ. Mỗi nghĩa đều gọi đó là Đại Bát-niết-bàn. Đây là công đức của Danh.

Kế là khen ngợi công đức của Tự: Công đức có ba: 1/ Thầy của chư Phật, văn kinh ghi: “Là pháp tu tập của vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn”. 2/ Môn của các Bồ-tát, văn kinh ghi: “Bồ-tát tu tập Đại Niết-bàn này, đạt được chánh pháp môn, có thể làm lương y. 3/ Lấp bốn đường ác cho chúng sinh, văn kinh ghi: “Chúng sinh nghe danh hiệu kinh này mà đọa vào bốn đường, thì không bao giờ có việc ấy”. Nhưng công đức của Niết-bàn thật vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, chỉ lược nêu ba điều mà thôi. Giải thích công đức của Tự, kinh Niết-bàn bản sáu quyển ghi là phẩm Thọ Trì, đây là từ người năng trì mà đặt tên, kinh này theo pháp được trì mà đặt tên, mỗi bản cho nêu một bên. Phẩm này trong lời đáp câu hỏi: “Vì sao đối với kinh này, rốt ráo đến bờ kia?” Trong văn nói chư Phật tu tập đã đến bờ kia, Bồ-tát được nghe thì đến giữa dòng, chúng sinh nghe tên thì bắt đầu đi ở bờ này. Nhưng sông Niết-bàn chẳng có bờ này, bờ kia hay giữa dòng mà hiện bờ này, bờ kia và giữa dòng. Theo văn có thể chia làm bốn đoạn: 1/ Khuyên trì; 2/ Hỏi; 3/ Đáp; / Lãnh ngộ,

Khuyên, lại có hai: 1/ Khuyên trì, 2/ Thọ trì.

Thọ trì công đức chẳng rơi vào bốn đường. Xưa nói rằng: “Nghe kinh, tu hành, đạt đến Thánh địa thì chẳng đọa”, Vì tạo duyên xa, khởi ác thì đọa, nhưng nhờ duyên này nên sau có thể phản tỉnh hối tâm”. Lại nói khi nghe kinh này thì lý giải và văn tuệ tương ưng, theo lý thì chẳng đọa. Hưng Hoàng nói: “Nghe tên kinh”, vì văn sau ghi: “Vì danh tức vô danh cho nên nghe tức chẳng nghe”, vì vậy mà biết đây là nói nghe tên, thì chánh giải vô sinh còn vượt ngoài trời người, huống chi là bốn đường? Nên biết công đức vượt được giòng Hữu, là cảnh giới Phật, Nhị thừa chẳng biết được”. Nay chẳng giải thích như thế. Vì nghe kinh thì danh giải ngộ, công đức của sự giải ngộ tự sinh, đâu liên quan gì đến công đức nghe kinh, đó chẳng nói gì đến tương ưng. Vì chỉ giữ năm giới, năm giới chỉ có một ít điều lành mà còn chẳng đọa vào đường ác, huống chi là tu hành. Đại Niết-bàn là tên gọi sâu rộng, cao siêu bậc nhất, vắng lặng đầy đủ, tin điều này là thọ, chẳng để quên sót là trì, nghe tên được như thế, thì chẳng đọa vào đường ác, chẳng đợi hiểu sâu.

Từ câu: “Bồ-tát Ca-diếp v.v…” trở xuống là phần hỏi, có hai ý: a/ Hỏi về công đức của tên gọi. b/ Hỏi về vâng giữ công đức.

Trước nghe khuyên trì, cho đến nghe danh, nhưng vẫn chưa hiểu, cho nên mới hỏi lại.

Phật đáp hai câu hỏi ở trên, cũng có hai chương. Trước trả lời về danh, lại có ba: 1/ Định danh; 2/ Nói về bảy thiện; 3./ Nêu bảy dụ. Văn thứ nhất rất dễ hiểu. Văn thứ ba nêu bảy thiện.

Xưa giải thích rằng ba phần Tựa, Chánh và Lưu thông tức đầu, giữa và sau đều thiện. Chiêu-đề nói muôn đức là sơ thiện; quả và thiện khác nhau, thuyết này chẳng nên dùng. Kinh y cứ theo hành thí làm sơ thiện, giữ giới làm trung thiện, được quả báo làm hậu thiện, v.v… Văn thứ ba, là nói về bảy dụ.

Có người giải thích chỉ có sáu dụ, lược giảng thí dụ lớn sau cùng giải thích về Đại Bát-niết-bàn. Nay hãy xét văn kinh, thì dụ đầu tiên giải thích về Đại, sáu dụ sau giải thích Bát-niết-bàn. Nhưng nói chung là giải thích tên gọi mà chẳng phân biệt.

Hỏi: Trong đây dùng Thường, vì chẳng khác nhau phải không?

Đáp: Xem qua thì tên khác mà ý thì đồng. Vì chẳng phải Thường chẳng phải Vô thường, nên gọi là Thường; vì chẳng Tiểu chẳng Đại, nên nói là Đại, vì thế lấy sự tương quan nhau mà giải thích. Nói “hàng phục các kiết” tức ma phiền não; ma tánh tức ma trời, buông bỏ thân mạng tức ma ấm và ma chết. Còn năm dụ khác rất dễ hiểu. Một dụ sau cùng nói tám vị là dụ cho bốn đức. Khai thường mà có ra Hằng, vì chẳng phải duyên sinh nên là thường, chẳng vì duyên mà diệt nên gọi là Hằng. Khai lạc ra ngoài an, vì bên ngoài không thể phá hoại là an, bên trong không có thọ dụng điều gì là lạc; vô cấu và mát mẻ đều thuộc về Tịnh, chẳng già chẳng chết đều thuộc về Ngã. Hỏi: “Vì sao tám vị của bơ có người dùng làm nước tám công đức? Đáp: Ở đây chẳng phải như thế, nước và sữa có thể khác nhau, chẳng quan hệ, v.v… nhuyễn mịn thuộc về xúc, chẳng hôi thuộc về hương, khi uống vào thì chẳng có vị đắng, mà điều hòa vui sướng, đó là công năng, sao đều cho là vị? Có người chỉ nói sáu vị? Đáp: Ở đây cũng chẳng phải vì đắng, cay, mặn, lạt, ngọt, vừa, không bao giờ đối nhau, nghĩa ý chẳng hợp, số lượng lại chẳng đủ.

Nay cho rằng khi còn là sữa và lạc thì vị loãng, lại không có đủ các vị, khi thành đề hồ thì lại quá đặc, vị đã thuần nhất, chỉ một chất bơ ở khoảng giữa mới gồm đủ các vị, mới làm dụ được. Bơ thì có sinh vị, thục vị, hai vị lạc và tương, sữa là vị gốc, tất cả là năm vị, thêm ngọt, lạt, và béo thành tám vị.

Thứ hai, từ: Này người thiện nam v.v…” trở xuống là đáp câu hỏi vâng giữ.

Trên trả lời về sinh thì rộng, nay đáp vâng giữ vì sao lại sơ lược? Vì đã thông đạt danh tự rồi, thị thọ trì công đức cũng chẳng phải ít, cho nên chẳng nói nhiều.

Lãnh ngộ: Từ “Bạch Phật, v.v…” trở xuống là lãnh hiểu. Thứ nhất là lãnh, đầu tiên là lãnh nhận danh hiệu, sau là lãnh nhận thọ trì.