KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 9: XA LÌA SỰ GANH GHÉT

Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát đối với thừa Thanh văn và Bích-chi-phật không sinh nghi, ghét? Đối với các Bồ-tát khác cũng không sinh xem thường? Thế nào là ở trong chúng Thanh văn của Như Lai thành tựu pháp khí hay không thành tựu pháp khí, đều không chê trách, đối với Đại thừa luôn tu hành hoàn hảo? Làm thế nào để đạt được trí tuệ sáng suốt, đạt tất cả Tam-muội, các Đà-la-ni và các địa nhẫn? Làm thế nào đạt được pháp tăng tiến không thoái lui? Làm thế nào luôn đạt được tri thức thiện? Làm thế nào không xa lìa giáo pháp của Phật, cúng dường chúng Tăng và các Bồ-tát? Làm thế nào đối với căn lành không sinh nhàm chán? Đối với hạnh nguyện của Bồ-tát làm thế nào để không hề chán đủ?

Đức Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Tạng:

–Này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười loại luân. Nếu có thể thành tựu được các luân như vậy thì đối với thừa Thanh văn và Bích-chi-phật đều không xem thường, cho đến đối với thừa Bồ-tát cũng không xem thường. Nếu ở trong chúng Thanh văn của Như Lai, thành tựu pháp khí hay không thành tựu pháp khí, đều không nghi, ghét, thường đạt được pháp luân tiến tới không thoái lui, đối với Đại thừa cũng được tăng trưởng không thiếu sót, luôn đạt được thiền định, các Tổng trì và các địa nhẫn, không xa rời pháp của Đức Phật, cúng dường chúng Tăng và các Bồ-tát, mong cầu căn lành đều không chán đủ, được thanh tịnh vững chắc, phát vô lượng hạnh nguyện, dù quá khứ đã tạo tác các nghiệp xấu ác, đều nhờ trí địa kim cang của bậc Hiền thánh làm cho bặt dứt, đạt được Niết-bàn.

Tất cả nghiệp xấu ác đã gây nơi hiện tại, thảy đều dứt sạch không tạo tác nữa, có thể mau thành tựu pháp luân vô thượng, được ngọc báu bảy Giác chi không chán đủ, có thể dứt trừ tất cả các kết sử đã gắn liền với chúng sinh.

Này thiện nam! Ví như Chuyển luân thánh vương, nếu muốn du hành thì xe báu đi trước nhất, còn các báu khác đều đi theo sau, có thể diệt trừ các thứ ác, trược của tất cả chúng sinh trong bốn châu thiên hạ, cũng làm cho tất cả mọi người nơi bốn châu thiên hạ thân tâm đều thọ hưởng vui sướng. Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Nếu thành tựu đầy đủ mười luân, đối với thừa Thanh văn không sinh xem thường, cho đến tất cả chúng sinh cũng đều nương tựa để tồn tại.

Này thiện nam! Ví như xe lớn đầy đủ bốn bánh, nhiều người nương theo xe này đi trên đường thẳng, hai ben đường có sỏi đá, các cây cối, thậm chí các cành nhánh hoa quả đều bị xe cán nghiền, thảy đều tiêu diệt. Như thế Đại Bồ-tát vì các chúng sinh, nếu còn tất cả tội chướng nơi chánh pháp đều nghiền nát, diệt hết, khiến cho không còn thọ nhận quả báo.

Này thiện nam! Ví như vòng kiếm sắc đều có thể chặt đứt đầu của oán địch, đã chặt đứt tay chân nơi thân thể tất không còn cử động. Đại Bồ-tát nếu có thể thành tựu đầy đủ mười luân như vậy thì tất cả sáu nẻo, các ác nơi Dục giới, thảy đều đoạn trừ, làm cho dứt hết không còn thọ nhận quả báo khác.

Này thiện nam! Ví như lúc năm mặt trời xuất hiện thì tất cả đại địa trong bốn cõi thiên hạ, những chỗ có nước đều bị khô cạn. Đại Bồ-tát thành tựu đầy đủ mười luân như vậy có thể dứt sạch các tội của nghiệp chướng và báo chướng cho chúng sinh, nguồn gốc của các khổ não đều tiêu diệt.

Ví như khi tai nạn về gió khởi lên, trong chốc lát gió lớn ở bốn phương cùng thổi mạnh, có thể thổi bay tảng đá to, các ngọn núi đều thành vi trần. Đại Bồ-tát thành tựu mười luân như vậy, vì các chúng sinh nương tựa cùng nhau, làm cho bốn ngọn nui kết sử điên đảo và các nghiệp chướng, tội nặng đều diệt trừ, dứt hết nguồn gốc của khổ đau khiến không còn sót.

Này thiện nam! Ví như sư tử vương, nếu lúc gầm lên thì tất cả các loài súc sinh và các chúng sinh thảy đều sợ hãi. Đại Bồ-tát ấy cũng như vậy, cho đến hàng ngoại đạo và các học phái khác, tri thức ác đều kinh sợ quên mất lời biện luận.

Này thiện nam! Ví như Thích Đề-hoàn Nhân đem quân binh trước sau vây quanh, tay cầm chày kim cang đánh bại A-tu-la. Đại Bồ-tát thành tựu mười luân cũng như vậy, tất cả quyến thuộc của ngoại đạo tà kiến, tri thức ác đều bị trừ diệt.

Này thiện nam! Ví như ngọc báu Như ý, được treo nơi ngọn cờ, từ trên cao mưa xuống vô số vật báu. Đại Bồ-tát thành tựu mười luân như vậy, có thể giữ gìn cờ trì giới, mưa xuống các trận mưa pháp, ban cho vô lượng chúng sinh.

Này thiện nam! Ví như chốn u ám về đêm khi ánh sáng của mặt trăng xuất hiện thì diệt hết tất cả sự tối tăm. Nếu có các chúng sinh mê mờ, quên mất đường đi, tức khiến họ thấy được đường chánh. Đại Bồ-tát thành tựu mười luân cũng như vậy. Chúng sinh bị vô minh tối tăm ngăn che nên bo mất tám con đường chân chánh, Đại Bồ-tát cũng giảng nói vô số giáo pháp cho họ, làm cho ánh sáng ấy chiếu soi tận cùng các khổ, chỉ bày tám con đường chánh.

Này thiện nam! Ví như mặt trời lúc mới ló dạng, tất cả lúa thóc thảy đều tăng trưởng, các đóa hoa đua nở và các cây thuốc đều được thành tựu, làm tan băng tuyết trên núi chảy xuống đầy tràn các sông, dần dần chảy ra biển cả.

Đại Bồ-tát thành tựu đầy đủ mười luân cũng như vậy, điều phục được giới, tâm Từ bi giảng nói vô lượng giáo pháp cho các chúng sinh, có thể phát sinh căn lành và vô số hoa quả, khiến tất cả kết sử nơi nghiệp báo xấu ác và núi tà kiến thảy đều tiêu trừ, cho đến chứng đắc Niết-bàn rốt ráo, đối với tất cả quả vị vi diệu đều đạt được vô lượng. Nhờ tín, giới, thí, nghe, giúp cho trí tuệ đạt được vô lượng Tam-muội, lần lượt như vậy, giống như sông lớn chảy dần tràn đầy, nhờ dần tràn đầy nên có thể làm cho chúng sinh hội nhập vào thành Niết-bàn vô úy.

Này thiện nam! Thế nào gọi là mười loại luân của Đại Bồ-tát? Đó là mười điều thiện. Bồ-tát thành tựu mười loại luân này, mới có thể tạo mọi thành tựu đầy đủ cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát do xa lìa sự sát sinh nên có thể làm cho tất cả chúng sinh không sợ không hãi, không còn tất cả ưu sầu khổ não, căn lành thành tựu, quả báo đầy đủ. Nếu ở đời trước đã lưu chuyển nơi sáu đường, chìm đắm trong dòng sông sinh tử, nhờ nhân duyên không sát sinh này, nên mọi tạo nghiệp xấu ác kia, tất cả các phiền não nơi thân, khẩu, ý, có thể làm cho chúng sinh bị chướng ngại đối với chánh pháp, tự mình làm hay chỉ dạy người khác làm, thậm chí thấy người khác làm đều tùy hỷ, nếu thọ nhận giữ gìn luân không sát hại như vậy, thảy đều nghiền nát tất cả tội báo chướng ngại của nghiệp ác khiến không con sót. Cũng nhờ nhân duyên không sát sinh, nên có thể khiến cho tất cả chư Thiên và loài người đều sinh ưa thích, không còn nghi ngờ, thọ mạng sẽ được dài lâu, sau khi lâm chung, đã có vợ con và quyến thuộc yêu mến thảy đều vây quanh, thân không thọ nhận sự đau khổ, thậm chí thần thức ra đi không trở lại nữa, hoàn toàn không thấy vua Diêm-la và các ngục tốt. Hoặc khi lâm chung gặp tri thức thiện, thanh tịnh giữ giới, tâm ưa thích ruộng phước, xả bỏ thân này rồi được sinh vào trong loài người, các căn lanh lợi thông minh, lại gặp tri thức thiện, giữ giới thanh tịnh, luôn ưa thích ruộng phước, đoạn trừ các việc xấu ác, chỉ mong cầu tất cả hạnh của Đại Bồ-tát, nhập vào biển trí sâu xa, đạt được đạo Bồ-đề. Những chốn sinh ra, thường tránh xa các cõi binh đao, các cõi nước xấu ác, tuổi thọ mạng sống được tăng trưởng, ở nơi nước thanh tịnh tự tại, lìa mọi sự kinh sợ, như tuổi thọ của Đức Phật kia là vô lượng, vô biên, cũng có thể tạo được thọ mạng như thế, vì các chúng sinh giảng nói giáo pháp, hóa độ, thậm chí sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn chánh pháp cũng trụ lâu như vậy. Này thiện nam! Đó gọi là bánh xe thứ nhất của Đại Bồ-tát.

Nếu Đại Bồ-tát thành tựu được luân này, đối với thừa Thanh văn và Bích-chi-phật không còn thiếu sót, đối với tất cả đệ tử Thanh văn của Như Lai cũng không thiếu sót, không thoái lui nơi Đại thừa, tất cả Tam-muội, các Đà-la-ni và các nhẫn… đều đạt đến tất cả địa tự tại, luôn thuận theo tri thức thiện, chư Phật và Bồ-tát để lãnh hội chánh pháp, cúng dường chúng Tăng, gieo trồng các căn lành, luôn không chán đủ, tu tập tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát cũng không biết chán. Vì sao? Vì chư Phật quá khứ, đối với mười ác này thảy đều xa lìa, mỗi mỗi nghiệp ác bất thiện cũng không khen ngợi, vì vậy cho nên, này thiện nam! Đối với mười điều thiện ấy có thể giữ gìn một nghiệp thiện, nhờ tướng như thế nên có thể đạt được quả báo, như trước đã nói.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát tu hành không trộm cắp, có thể ban cho tat cả chúng sinh, không kinh không hãi không sợ, cũng không sầu não, mình đã có các vật dụng ăn uống, thân thể, tài sản, sự nghiệp của pháp, thường mong cầu tất cả sự lợi ích như pháp, không mong muốn điều phi pháp, nhờ quả báo của hạnh nghiệp nơi căn lành ấy. Giả sử trước kia từng lưu chuyển trong sáu nẻo, chìm đắm nơi dòng sông sinh tử, nhờ năng lực không trộm cắp này, cho nên thân, khẩu, ý nghiệp dù đã gây tạo các tội lỗi có thể làm chướng ngại chánh pháp, cho đến tài sản sự nghiệp đều cản trở, hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm, hoặc thấy làm vui theo, nhờ luân không trộm cắp ấy, khiến thảy đều trừ diệt, không còn sót. Cũng làm cho chúng trời, người ưa thích, không còn nghi ngờ, cho đến khi lâm chung, vợ con quyến thuộc tất cả đều vây quanh, đưa tiễn, thân không thọ nhận các sự đau khổ. Sau khi mạng chung thần thức được vãng sinh, không gặp vua Diêm-la và các ngục tốt, luôn gặp các bậc Thiện tri thức, đáng mến, giữ giới thanh tịnh, tâm ưa thích ruộng phước, xa lìa tất cả pháp xấu ác, thành tựu đầy đủ tất cả vô lượng pháp lành, tùy theo chỗ đã sinh ra đều đạt được nhiều tài sản, sự nghiệp. Có của cải và sự nghiệp rồi, tất xa lìa mọi sự sợ hãi, không có các nạn về lửa, nước, giặc cướp, có thể đạt đến quả vị Bồđề, đạt được các báu, đầy đủ cây báu trang nghiêm cõi Phật, không có ngã và ngã sở, không chấp lấy, không đắm nhiễm, thành tựu tất cả hạnh nghiệp của chúng sinh, không còn ngã sở, không có đối tượng nhận lãnh, không thọ mạng, không chúng sinh, thảy đều thâu tóm nơi cõi nước của Phật ấy. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ hai của Đại Bồ-tát.

Nếu Bồ-tát có thể thành tựu được luân này, đối với thừa Thanh văn và Bích-chi-phật đều không vướng mắc, cho đến đệ tử Thanh văn của Như Lai cũng không hiềm nghi, tự mình đối với luân của Đại thừa đều không nhàm chán, đạt được tất cả các pháp môn Tam-muội và Đà-la-ni, nhẫn địa, cũng không xả bỏ tất cả thệ nguyện.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát thân hoàn toàn xa lìa tà dâm. Tất cả chúng sinh đều bị dâm dục lôi cuốn làm chìm đắm, Bồtát có thể ban cho họ sự không sợ hãi, không ganh ghét, không giận dữ não hại. Đối với nhan sắc của vợ mình luôn sinh biết đủ, không mong muốn điều phi pháp, nhờ năng lực nơi quả báo của căn lành này, cho nên dù đời trước có quả báo do tà dâm, phải sinh tử nơi sáu nẻo, lưu chuyển trong các cõi, tự mình làm hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy làm vui theo, đều khiến xa lìa luân tà dâm, nghiền nát, đoạn trừ hẳn nghiệp xấu ác không còn sót, cho đến thành tựu đạo quả Bồ-đề, sinh vào cõi tịnh, nơi không có người nữ, thanh tịnh bậc nhất, các chúng sinh nơi cõi ấy đều từ hóa sinh, không phải do từ cha mẹ hòa hợp thọ thân. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ ba của Đại Bồtát. Đại Bồ-tát thành tựu được luân này, hoàn toàn không xả bỏ tất cả hạnh nguyện.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát trọn đời xa lìa các lời nói hư vọng, luôn nói lời thuận hợp. Do nhân duyên ấy nên được hàng trời, người hoan hỷ, sớm đạt được Bồ-đề, không dua nịnh chúng sinh, sinh vào nước ấy, lời nói luôn chân thật, không có giả dối. Đó gọi là luân thứ tư của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát thành tựu được luân này, cho đến khi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, luôn mong cầu tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát không chán đủ, hoàn toàn chẳng hề xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với cả đời mình không nói hai lưỡi, do nhờ căn lành này nên thành tựu được đạo Bồ-đề, điều phục chúng sinh, tu tập theo sáu pháp hòa kính, sinh vào cõi nước ấy, đều cùng một lòng cung kính với nhau, không có sai trái, tu tập pháp chân thật. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ năm của Đại Bồ-tát.

Đại Bồ-tát thành tựu được luân này, luôn mong cầu hạnh nguyện của Bồ-tát không biết nhàm chán, trọn đời không xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát xa lìa ác khẩu, cho đến thành tựu được quả Bồ-đề, tai hoàn toàn không nghe những việc không vừa ý, luôn sinh vào nước của chư Phật, thường nghe tiếng hòa nhã của vô số người và âm thanh vi diệu, nghe tiếng các pháp đầy khắp cõi Phật, tâm niệm thành tựu Phạm âm thanh tịnh sâu xa, chúng sinh như vậy được sinh vào cõi Phật. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ sáu của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát thành tựu được luân này, từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, thường mong cầu tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát, không biết chán đủ, trọn không xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát, đối với thân mạng của đời mình luôn xa lìa lời nói thêu dệt, cho đến đạt đạo quả Bồ-đề, thường ở cõi nước của Phật, nghe trăm ngàn pháp âm của các Đại Bồ-tát đầy khắp cảnh giới, luôn xa lìa tất cả lời nói thêu dệt, thành tựu vô lượng lời nói pháp thiện, chúng sinh như vậy đều sinh vào cõi nước Đức Phật ấy. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ bảy của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát thành tựu được luân này, cho đến đạo quả Bồ-đề, luôn mong cầu tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát không nhàm chán, trọn đời không xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với thân mình xa lìa tham dục, cho đến đạt đạo Bồ-đề, thường sinh vào nước thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đầy đủ các thứ báu, cũng lay cây báu làm trang nghiêm cõi ấy, lại có bao nhiêu thứ y báu quý giá, anh lạc, cờ phướn, dây vàng, chuỗi ngọc, trong thế giới ấy có vô số cây báu nối kết đan xen tạo nên vẻ tráng lệ. Chúng sinh nơi cõi nước ấy xa lìa sự cao ngạo, ngã mạn, dáng mạo đoan trang, các căn đầy đủ, tâm ấy bình đẳng, chúng sinh như vậy đều sinh vào cõi nước ấy. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ tám của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát thành tựu được luân này, cho đến đạt đạo quả Bồ-đề, luôn mong cầu tất cả hạnh nguyện của Bồ-tát không nhàm chán, trọn không xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với cả đời mình luôn xa lìa sự giận dữ, cho đến đạt đạo quả Bồ-đề đều dưt trừ tất cả phiền não cấu uế, mây bụi, gió dữ. Ở trong nước thanh tịnh ấy không còn các thứ uế trược, đoạn trừ kiêu mạn. Sinh vào cõi nước kia rồi, thân hình đẹp đẽ, tướng tốt bậc nhất, các căn đầy đủ, dùng thiền định, Từ bi để trang nghiêm nơi mình, những chúng sinh như vậy đều sinh vào cõi nước ấy. Này thiện nam! Đó là luân thứ chín của Đại Bồ-tát.

Bồ-tát thành tựu được luân này cho đến khi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, luôn mong cầu làm mọi hạnh nguyện của Bồ-tát, không hề nhàm chán, trọn đời không xả bỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nơi trọn đời mình luôn xa mọi tà kiến, lại có thể do xa lìa luân tà kiến này, khiến chư Thiên và loài người ưa thích. Nếu có chúng sinh luân hồi trong sáu nẻo, chìm đắm nơi dòng sâu sinh tử, những người này dấy khởi tất cả nghiệp chướng và phiền não chướng nơi thân, khẩu và ý, làm chướng ngại chánh pháp, hoặc tự mình làm, hoặc dạy người khác làm, hoặc thấy làm vui theo, nhờ xa lìa luân tà kiến này, nên đoạn dứt hết mọi nghiệp buộc trói, khiến không còn sót, lúc lâm chung, vợ con, quyến thuộc vây quanh, thân không còn thọ nhận các kho, thần thức được vãng sinh, hoàn toàn không gặp vua Diêm-la và các ngục tốt, thường gặp tri thức thiện, giữ giới thanh tịnh, tâm ưa thích ruộng phước, thường sinh lòng tin chân chánh. Sau khi mạng chung, được sinh vào trong loài người, cũng gặp bậc Thiện tri thức và các bậc giữ giới, tạo ruộng phước, nương tựa vào đó đạt được chánh kiến, được bậc Thiện tri thức trao truyền, chỉ dạy, tu tập pháp lành, thường xa lìa các pháp bất thiện, các căn lành được thành tựu đầy đủ, theo đúng con đường của Bồ-tát đã thực hành tu tập. Nhờ nhân duyên này có thể vượt qua tất cả các cõi của chúng sinh, hội nhập vào biển lớn chánh pháp của Đại thừa, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề, tất cả lưới nghi và các kiến chấp về đoạn, thường đều xa lìa, kiến chấp về ngã và ngã sở cũng lìa bỏ. Những chúng sinh như vậy đều sinh vào cõi nước ấy, thọ mạng vô lượng, đều đồng một pháp vị, đều là Đại thừa, từ bỏ thừa Thanh văn và Bích-chi-phật. Các loại thiên ma, tất cả ngoại đạo quyến thuộc của ma thảy đều đã lìa hẳn. Sinh vào trong cõi nước kia, thọ mạng của Đức Phật ấy là vô lượng, vô biên, luôn ở trong cõi ấy làm Phật sự, sau khi Bát-niết-bàn, khiến cho chánh pháp trụ lâu ở đời, không còn tổn giảm, mà càng thêm sáng tỏ, hưng khởi thảy đều một vị. Này thiện nam! Đó là luân thứ mười của Đại Bồ-tát.

Nếu Đại Bồ-tát thành tựu được luân này, đối với thừa Thanh văn và Bích-chi-phật không sinh lòng ganh ghét, đối với người của Nhị thừa cũng không chê trách, cho đến Đại thừa cũng vậy, đối với người Đại thừa làm hưng thịnh Tam bảo, đối với đệ tử Thanh văn của Như Lai, người thành tựu pháp khí hay không thành tựu pháp khí, cũng không hiềm khích. Có thể làm trang nghiêm Đại thừa, tất cả Tam-muội, các Đà-la-ni cho đến nhẫn địa cũng luôn được tu học, chứng đắc pháp thắng tiến, không xa lìa chư Phật và Đại Bồ-tát, bậc Thiện tri thức… lắng nghe và thọ nhận giáo pháp, ưa thích cúng dường Tăng chúng, tâm không nhàm chán, mong cầu các căn lành, trọn đời không bỏ. Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật cũng không nhàm chán.

Này thiện nam! Nếu có thể thành tựu đầy đủ mười luân này thì Đại Bồ-tát sớm thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh chân. Vì sao? Vì đối với chư Phật ở đời quá khứ, tu tập mười điều thiện, xa lìa tất cả điều ác, có thể hiện rõ vô số nhân duyên quả báo, vô lượng hình tướng như vậy, đầy đủ đạo quả Bồ-đề, đều đoạn dứt tất cả phiền não kết sử, làm khô cạn ba ác, khiến không còn sót, do đó mới có thể nối tiếp dòng Tam bảo, trụ lâu ở đời, luôn được hưng thịnh, khiến thân không còn thọ nhận nơi ba cõi, hướng đến Niết-bàn, vì đoạn trừ năm ấm, sáu nhập, mười tám giới, hội nhập vào thành vô úy, đều nhờ nhân duyên xa lìa mười điều ác, đầy đủ quả báo như trên đã nói. Do ý nghĩa ấy, cho nên này thiện nam! Nếu đối với mười điều thiện ấy không tu tập một điều, mà mong cầu Phật đạo, lại nói ta là Đại thừa, đều ứng hợp với Bồ-đề vô thượng, người như vậy là đại vọng ngữ, phần nhiều làm theo sự dua nịnh và vô số khi dối, ở nơi trụ xứ của chư Phật có thể đoạn trừ tất cả căn lành của chúng sinh, hướng đến ba ác. Do đó, này thiện nam! Dòng họ Sát-lợi lớn đầy đủ mười điều thiện, đại gia Bà-la-môn, trời Tứ Thiên vương, cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa đều tu hành mười điều thiện đạt công đức như vậy, đều có thể thành tựu đầy đủ đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này thiện nam! Nhờ mười điều thiện này mà trang nghiêm thân mình, mong cầu quả vô thượng, tu học Đại thừa, chóng thành tựu được Phật đạo, có thể an lập cho tất cả xứ sơ của căn lành công đức. Nếu có thể giữ gìn mười điều thiện thì đối với căn lành nơi thệ nguyện đều đạt đầy đủ, thành tựu đạo quả Vô thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nhắc lại sự việc trên, liền nói kệ:

Do giác ngộ mười luân
Nhằm lìa tất cả khổ
Không ganh ghét Thanh văn
Chê người mặc ca-sa.
Thuận theo thừa Duyên giác
Tâm tin siêng tinh tấn
An lạc các chúng sinh
Nhận lãnh việc Đại thừa.
Tất cả các Duyên giác
Hiểu rõ pháp toi thắng
Tu Phật đạo thanh tịnh
Mau chứng đắc Bồ-đề.
Xa lìa sự sát sinh
Trời, người đều thường, nghĩ
Đời đời thêm tuổi thọ
Khéo tu nghiệp không hại.
Sinh bất cứ nơi nào
Luôn ưa thích pháp Phật
Gần gũi Bậc Thế Tôn
Mau chứng đắc Bồ-đề.
Xa lìa sự trộm cướp
Cung kính các bậc trí
Diệt trừ các tham lam
Giữ gìn giới không trộm
Ở đâu cũng giàu có
Làm thí chủ người khác
Được cõi nước thanh tịnh
Trang nghiêm bằng các báu.
Trừ diệt phiền não uế
Làm khô cạn ái dục
Xa lìa sự tà dâm
Sinh vào nước thanh tịnh.
Vĩnh viễn lìa bùn nhơ
Giải thoát hết chúng sinh
Hội nhập vào Đại thừa
Do xa lìa tà dâm.
Muốn đạt được Thánh trí
Khen ngợi lời nói thật
Xả bỏ lời dối trá
Diệt trừ các khổ não.
Hoàn toàn nói chân thật
Thường gặp các Đức Phật
Mau thành tựu Bồ-đề
Xa lìa lời nói dối.
Gánh vác pháp khí Phật
Không còn nói hai chiều
Luôn hiểu được chư Phật
Dứt bỏ các đoạn kiến.
Bậc Thánh không đắm nhiễm
Được Biện tài, Tổng trì
Biết biển pháp sâu xa
Không lâu được Bồ-đề.
Thường nói lời nhu hòa
Xa lìa mọi ác khẩu
Chỗ chúng sinh ưa thích
Diệt trừ nghiệp đời trước.
Khiến chúng sinh vui vẻ
Tướng pháp của Bồ-tát
Biết rõ hạnh chư Phật
Nhập vào Địa thứ mười.
Người trí thích cung kính
Xa lìa lời thêu dệt
Đầy đủ năm công đức
Giảng nói đều hiểu rõ.
Muốn nghe bậc hiền dạy
Và mong cầu Thánh đạo
Cúng dường biển chư Phật
Mau được Nhất thiết trí.
Nhất tâm trừ tham dục
Không hủy hoại chánh pháp
Cúng dường áo ca-sa
Làm hưng thịnh ba thừa.
Luôn sinh nước thanh tịnh
An trụ nơi chánh pháp
Đạt được diệu trí kia
Thừa vô thượng bậc nhất.
Luôn thực hành tâm Từ
Xa lìa các giận dữ
Mau đạt được thiền định
Chí mến hạnh Thánh hiền.
Sinh nơi nước thanh tịnh
Lìa bỏ mọi lỗi lầm
An trụ nơi chư Phật
Dứt hết các giận dữ.
Chăm chú tu thuần thục
Xa lìa các tà kiến
Hiển bày đạo ba thừa
Gọi là cúng dường pháp.
Tránh khỏi nẻo xấu ác
Giải thoát gặp Thánh hiền
Đầy đủ hạnh Bồ-tát
Chứng đắc trí tối thượng.
Giảng nói pháp an trụ
Thành tựu được Bồ-đề
Tam-muội, Tổng trì, nhẫn
Đều nhờ mười điều thiện.
Đầy đủ luân oai đức
Nghiền nát con đường ác
Diệt hết nghiệp phiền não
Mau thành tựu chánh pháp.