SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 9: THANH VĂN

81. Truyện Về Người Dẫn Đầu Đoàn Người Đi Buôn Tên Hải Sinh

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có năm trăm người đi buôn định ra biển để tìm châu báu. Trong số những người đi buôn có một người đã cưới vợ trong dòng dõi giàu sang rồi cùng dẫn nhau xuống biển. Trong cuộc hành trình ấy, người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, nhân đó đứa trẻ được đặt tên là Hải Sinh.

Vì bé trai có phước đức lớn, nên khiến các khách buôn tìm được nhiều châu báu và trở về an ổn.

Hải Sinh dần dần khôn lớn, mọi người lại khuyến kích Hải Sinh ra biển lấy châu báu, khi trở về họ gặp một trận bão dữ dội, ghe thuyền bị gió thổi trôi tấp vào cõi nước quỷ La-sát. Vì mong sóng to gió dữ lắng dịu, những người đi buôn cùng quỳ lạy chư Thiên, thiện thần cứu nạn, nhưng không có sự linh ứng nào trong việc cứu họ khỏi tai ách.

Lúc ấy trong số những người đi buôn, có một Ưu-bà-tắc nói với mọi người:

–Có Đức Phật Thế Tôn thường rủ lòng Đại bi, sáu thời trong một ngày đêm luôn quán sát xem chúng sinh nào bị khổ nạn, thì Ngài liền đến cứu hộ. Vậy các anh em hãy cùng nhau xưng niệm danh hiệu Phật, có thể Ngài sẽ đến đây cứu mạng chúng ta.

Những người đi buôn liền cùng nhau xưng niệm:

–Nam-mô Phật-đà.

Bấy giờ Đức Phật từ xa thấy những người đi buôn gặp nạn, Ngài liền phóng ánh sáng chiếu vào trận cuồng phong, cuồng phong liền tan biến.

Mọi người thoát nạn, họ cùng nói với nhau:

–Hôm nay, chúng ta nhờ uy quang của Đức Phật mà thoát nạn, được bình yên trở về, vậy chúng ta hãy xây dựng chùa tháp, thỉnh Đức Phật và chúng Tăng về an trụ, sắm sửa các thức ăn ngon, cung cấp các vật dụng cần thiết không để thiếu thốn.

Nghe rồi mọi người đều bằng lòng. Bấy giờ, tất cả đều trở về an ổn. Theo lời ước nguyện trước kia, họ xây dựng chùa tháp, thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, sắm sửa thức ăn ngon cúng dường. Cúng dường xong, họ lui lại ngồi sang một bên nghe Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, mọi người đều có được dấu hiệu chứng đạo, ở trước Phật xin được xuất gia.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay! các Tỳ-kheo!

Râu tóc trên đầu những người đi buôn tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành các Sa-môn. Họ siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay năm trăm vị Tỳ-kheo là những người đi buôn này đời trước gây ra nghiệp ác gì mà nay gặp các thứ ách nạn như thế? Và nhờ uy quang của Đức Phật mà được thoát nạn, lại gặp Đức Phật Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Chẳng những đời nay Ta cứu họ thoát khỏi ách nạn mà thuở xưa Ta cũng đã từng cứu họ thoát khỏi các ách nạn.

Các Tỳ-kheo lại bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc thuở xưa như thế nào. Cúi mong Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp tại nước Ba-la-nại có một vị Tiên có năm thứ thần thông đang trú ngụ bên một bờ sông.

Lúc ấy có năm trăm người đi buôn muốn ra biển để tìm châu báu. Khi đi về phía bờ sông, những người đi buôn thấy vị Tiên, họ cùng nhau lại chào hỏi và khuyên mời vị Tiên cùng ra biển với họ.

Vị Tiên đáp:

–Các ông cứ đi một mình, nếu bị tai nạn sợ hãi, chỉ cần xưng danh hiệu ta, ta sẽ đến cứu hộ cho.

Những người đi buôn nghe vị Tiên nói, họ bèn ra biển và tìm được nhiều châu báu. Đến khi trở về, những người đi buôn bị trận cuồng phong của quỷ La-sát. Lúc ấy họ cùng nhau dốc lòng xưng niệm danh hiệu vị Tiên. Vị Tiên liền đến cứu họ thoát khỏi ách nạn.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Tiên lúc bấy giờ nay chính là Ta, còn những người đi buôn kia, nay là năm trăm vị Tỳ-kheo. Lúc đó Ta chưa đoạn hết phiền não, mà còn cứu họ thoát được ách nạn, huống chi ngày nay Ta đã vượt ngoài ba cõi mà không thể hóa độ họ được sao.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


82- Truyện Về Người Khi Sinh Ra Đã Mặc Áo Tu-Mạn Hoa

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô số tài sản, vật báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái trong một gia đình cao sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ ấy mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, khi sinh ra đã mặc áo Tu-man-hoa.

Cha mẹ mời các thầy xem tướng về xem tướng con.

Các thầy tướng xem xong hỏi cha mẹ đứa bé:

–Lúc đứa trẻ sinh ra có điềm lành gì?

Cha mẹ đáp:

–Lúc sinh ra đã mặc áo Tu-man hoa che thân.

Do đó đứa bé được đặt tên là Tu-man-na. Tu-man-na bản tánh  hiền hòa, từ tâm và hiếu thuận. Tu-man dần dần khôn lớn, chiếc áo cũng rộng theo.

Vì thương con nên cha mẹ giao con cho Tỳ-kheo A-na-luật để làm Sa-di. A-na-luật dạy Sa-di ngồi thiền, không bao lâu Sa-di Tu-mạn đã chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Một hôm, ngài A-na-luật bảo Sa-di:

–Chú hãy ra sông Bạt-đề múc nước sạch đem về đây.

Tu-mạn-na vâng lời thầy, ra sông múc đầy một bình nước, quăng lên trên hư không và bình nước cứ bay theo Sa-di về nhà.

Các Tỳ-kheo thấy vị Sa-môn ấy, khen là chưa từng có và bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Sa-di Tu-mạn-na đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay được sinh trong nhà giàu có, lúc sinh ra đã mặc áo Tu-mạn hoa, xuất gia không bao lâu đã chứng quả A-la-hán?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Đức Phật nhập Niết-bàn.

Lúc bấy giờ, có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa thâu lấy xá-lợi Phật, rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn thứ báu để cúng dường xá-lợi.

Khi ấy, có một đứa trẻ thấy ngôi tháp sinh lòng vui mừng rồi phát tâm xuất gia, mãi cho đến tuổi già vẫn chưa đắc đạo. Do đó người này tự trách mình, bèn mua hoa Tu-mạn, dùng chỉ xâu lại rồi đem giăng lên khắp ngôi tháp để cúng dường, sau đó phát nguyện rồi ra về.

Nhờ công đức ấy, nên trong chín mươi mốt kiếp người ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, khi sinh ra đời thường mặc áo bằng Tu-man hoa và thọ hưởng sự vui sướng cõi trời, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


83- Truyện Tỳ-Kheo Bảo Thủ

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản vật báu, nhiều không thể tính kể được. Ông chọn con gái trong một gia đình giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau đó vợ trưởng giả mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, ít có trên đời; trong lòng hai bàn tay có sinh ra đồng tiền vàng, hễ lấy đi thì đồng tiền khác lại hiện ra. Cứ lần lượt như vậy, tiền vàng không thể lấy hết.

Cha mẹ đứa bé mời các thầy tướng về xem tướng cho con, các thầy tướng xem xong hỏi:

–Lúc trẻ sinh ra có điềm lành gì?

Cha mẹ đáp:

–Trong hai bàn tay có sinh ra đồng tiền vàng, hễ lấy đi thì đồng tiền vàng khác lại sinh ra. Nhân đó đứa trẻ được đặt tên là Bảo Thủ. Bảo Thủ dần dần khôn lớn, bản tính hiền hậu, từ tâm và hiếu thuận, lại thích việc bố thí. Có ai tới xin thì Bảo Thủ đưa tay ra, liền có đồng tiền vàng rồi bố thí cho họ.

Một hôm, Bảo Thủ cùng các bạn thân ra khỏi thành dạo chơi, dần dần đi đến tinh xá Kỳ hoàn. Bảo Thủ thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như tram ngàn mặt trời. Bảo Thủ vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi chắp tay thỉnh Phật:

–Cúi xin Đức Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng từ bi thương xót thọ nhận con cúng dường.

Lúc ấy A-nan đang đứng hầu Phật, nghe đứa trẻ nói, bèn hỏi:

–Nếu muốn cúng dường phải có tài bảo chứ?

Đứa trẻ nghe A-nan nói, liền đưa hai tay ra và tiền vàng rơi xuống như mưa, trong phút chốc thì tiền vàng chất thành đống.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy đem số tiền vàng báu vật này để mua sắm sửa các món ăn ngon rồi thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường.

A-nan vâng lời Phật, đi sắm sửa thức ăn uống. Thọ trai xong, Đức Phật nói pháp cho Bảo Thủ nghe. Tâm ý được mở tỏ, Bảo Thủ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Bảo Thủ liền trở về thưa với cha mẹ xin được xuất gia. Vì thương con nên cha mẹ Bảo Thủ không ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Phật ngự để xin cho Bảo Thủ xuất gia.

Khi ấy, Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Bảo Thủ tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Tôn giả A-nan thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Bảo Thủ đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay được sinh trong nhà của đại trưởng giả thuộc dòng họ giàu có, tự nhiên hai tay có đồng tiền vàng, hễ lấy đi thì đồng tiền khác lại sinh ra như vậy?

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Ca-sí thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn thứ báu để cúng dường.

Sau đó, có một vị trưởng giả, khi thấy bảo tháp này, sinh tâm tùy hỷ cúng một đồng tiền vàng vào trong tháp, phát nguyện rồi ra về. Nhờ công đức ấy mà trưởng giả không bị đọa vào đường ác, được sinh lên cõi trời, cõi người, trong lòng bàn tay thường sinh ra đồng tiền vàng. Cho đến ngày nay, gặp Ta trong lòng bàn tay vẫn có đồng tiền vàng, hễ lấy đi thì đồng tiền khác được sinh ra, được xuất gia và đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


84- Truyện Về Vị Tỳ-Kheo Thông Suốt Ba Tạng

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ phu nhân của vua Ba-tư-nặc đang mang thai, sau mười tháng bà hạ sinh thái tử, tướng mạo khôi ngô khác thường, ít có trên đời, thân mặc ca-sa và mới sinh ra đã biết nói.

Vừa ra đời, thái tử bỗng nhiên hỏi vua cha:

–Đức Như Lai Thế Tôn còn tại thế không? Các đệ tử lớn của Đức Phật như: Đại đức Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên… có còn tại thế không?

Vua cha đáp:

–Tất cả các vị ấy đều còn tại thế.

Thái tử thưa với vua cha:

–Cúi xin vua cha hãy thiết trai thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường giúp con.

Vua liền ra lệnh thiết trai rồi thỉnh Đức Phật và chúng Tăng vào cung để cúng dường. Khi vào cung, Đức Phật thấy thái tử, Ngài bèn hỏi:

–Thái tử có nhớ dưới thời Phật Ca-diếp, thái tử là một vị Tỳ-kheo thông suốt ba Tạng kinh điển không?

Thái tử thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, con nhớ, đúng như vậy.

–Ở trong bào thai có yên ổn không?

–Nhờ ân Phật, nên con được toàn tánh mạng, sống qua ngày tháng.

Vua và phu nhân thấy thái tử và Đức Phật Thế Tôn vấn đáp với nhau, nên lòng vui mừng khôn xiết. Nhân đó, vua bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đời trước thái tử đã làm được phước lành gì mà nay sinh ra đã biết nói, lại dám cùng Phật vấn đáp? Cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ cho vua nghe:

Xưa làm các nghiệp lành

Trăm kiếp cũng không mất

Nhờ nhân duyên nghiệp lành

Nay được quả báo ấy.

Sau khi nghe Đức Phật Thế Tôn nói kệ, vua Ba-tư-nặc và Phu nhân bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc thuở xưa như thế nào, cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đại vương hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo đi giáo hóa chúng sinh.

Khi Đức Phật và đại chúng đến nước của vua Ca-sí, thái tử của vua tên là Thiện Sinh thấy Phật, sinh tâm rất kính tin, liền trở về thưa với vua cha xin được xuất gia.

Vua không chấp nhận và nói:

–Ta chỉ có một thái tử, sẽ kế vị ngôi vua để cai trị dân chúng. Ta không bao giờ cho phép con xuất gia nhập đạo.

Thái tử nghe vua cha nói, trong lòng buồn bã, ngất xỉu xuống đất. Thái tử bỏ ăn một ngày, hai ngày, cho đến sáu ngày cũng không ăn uống gì cả. Thấy vậy, các quan liền tâu vua:

–Thái tử không ăn đã sáu ngày, e rằng không sống được, xin đại vương cho thái tử xuất gia, để cha con còn được thấy nhau.

Nghe các quan báo tin thái tử bỏ ăn, vua nghĩ không thể ngăn cản được, đành gọi thái tử dạy:

–Con hãy cam kết với ta rằng: Bây giờ nếu con đọc tụng ba tạng kinh điển được thông suốt thì ta sẽ cho con xuất gia, sau đó đến gặp ta.

Nghe vua cha phán, thái tử rất vui mừng. Sau đó được xuất gia, thái tử siêng năng tập tụng ba Tạng kinh điển. Sau khi đã thông suốt bèn trở lại gặp vua cha.

Lúc ấy vua hỏi thái tử nay là Tỳ-kheo:

–Trước kia ta đã ra điều kiện, rằng con phải đọc tụng ba Tạng kinh điển thông suốt sau đó mới đến gặp ta. Vậy nay con đã thong suốt chưa?

Vị Tỳ-kheo đáp:

–Thưa nay con đã thông suốt rồi.

Vua rất vui mừng nói với Tỳ-kheo:

–Giờ đây, tất cả tài vật trong kho tàng của ta con cứ tùy ý dùng, ta không hề tiếc rẻ.

Nghe vua phán như vậy, thái tử Tỳ-kheo liền lấy một số lượng lớn tài vật để sắm sửa nhiều thức ăn ngon rồi thỉnh Phật Ca-diếp và hai vạn vị Tỳ-kheo để cúng dường; sau đó mỗi vị Tỳ-kheo được cúng ba y và sáu vật.

Nhờ công đức ấy, nên vị Tỳ-kheo này không bị đọa vào đường ác; được sinh lên cõi trời, cõi người, lúc sinh ra thân thường mặc ca-sa.

Cho đến ngày nay gặp Ta, vị ấy khi sinh ra vẫn còn áo ca-sa và được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


85- Truyện Da-Xá-Mật-Đa

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Trong thành, có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, không thể tính kể được. Ông chọn con gái trong một gia đình giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Sau người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, trên đời ít có, lúc sinh ra thì trời mưa lớn. Cha mẹ rất vui mừng, mời các thầy tướng về xem tướng cho con.

Các thầy xem tướng xem xong bảo:

–Đây là đứa bé có phước đức, lúc sinh ra trời có mưa lớn, cả nước đều nghe biết.

Do đó đứa bé được đặt tên là Da-xá-mật-đa. Da-xá không bú sữa mẹ, vì ở kẽ răng tự nhiên tiết ra nước tám công đức đủ dùng.

Da-xá dần dần khôn lớn, một hôm cùng các người bạn thân đi dạo chơi. Khi đến tinh xá Kỳ hoàn, Da-xá thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm

ngàn mặt trời, tâm sinh vui mừng, bước tới dưới chân Phật xin được xuất gia.

Đức Phật liền chấp nhận và gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc Da-xá tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Bấy giờ các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, đời trước Tỳ-kheo Da-xá đã làm được phước lành gì, mà nay khi sinh ra trời đã tuôn mưa lành, không bú sữa mẹ, trong kẽ răng tự nhiên tiết ra nước tám công đức đủ dùng; lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong giáo pháp của Ngài có một vị trưởng giả, tuổi đã già mới xuất gia học đạo, nhưng tánh tình biếng nhác, buông lung; không siêng năng tu tập, lại còn bị bệnh nặng. Thầy thuốc xem bệnh, bảo rằng phải dùng bơ thì bệnh mới lành. Tỳ-kheo nghe lời thầy thuốc dùng bơ, trong đêm ấy thuốc bơ làm phát nhiệt và nổi cơn khát. Tỳ-kheo đi tìm nước, nhưng các bình đựng nước toàn là bình không, tìm đến các suối hồ thì suối hồ cũng khô cạn, chạy ra sông thì sông cũng ròng đến tận đáy… tìm khắp nơi như vậy, mà không chỗ nào có nước.

Lúc ấy Tỳ-kheo rất ăn năn tự trách lỗi lầm của mình. Tại bờ sông ấy Tỳ-kheo cởi y máng trên cây rồi bỏ về. Sáng hôm sau, Tỳ-kheo bạch chuyện này lên thầy.

Thầy nghe rồi bảo vị ấy:

–Ông gặp cảnh khổ này, tình trạng giống như ngạ quỷ, bây giờ ông hãy lấy nước trong bình của tôi đem đi châm hết các bình trong các Tăng phòng.

Tỳ-kheo vâng lời thầy lấy bình đi châm nước, thì nước cũng không còn. Tâm Tỳ-kheo lúc ấy rất lo sợ, cho rằng khi chết chắc phải đọa vào loài ngạ quỷ.

Tỳ-kheo liền đến nơi Đức Phật Ca-diếp đang ngự, thuật lại việc trên cho Phật nghe, rồi bạch:

–Con bị ách nạn này thật đáng sợ, e rằng con phải đọa vào loài ngạ quỷ. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng Từ bi thương xót dạy bảo.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

–Nay ông hãy làm công việc châm nước uống vào bình trong các Tăng phòng, thì sẽ thoát được thân ngạ quỷ.

Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, trong lòng vui mừng, thường xuyên cung cấp nước uống cho các Tăng phòng. Tỳ-kheo làm công việc ấy trải qua hai vạn năm thì qua đời, được sinh ở đâu cũng thường có nước thanh tịnh tám công đức từ nơi kẽ răng tiết ra đủ dùng, không bú sữa mẹ, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vị Tỳ-kheo già nua lúc bấy giờ, nay chính là Da-xá-mật-đa vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


86- Truyện Tỳ-Kheo Hóa Sinh

Lúc bấy giờ, Đức Phật đang an cư ba tháng tại điện Bảo thạch, dưới cội cây Ba-lợi-chất-đa-la, trên tầng trời Đao-lợi để nói pháp hóa độ mẹ là Hoàng hậu Ma-da. Thuyết pháp xong, Thế Tôn sắp trở lại cõi Diêm-phù-đề.

Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân biết Đức Phật sắp trở lại nhân gian, bèn sai các Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-la-na, Ma-hầu-la-già, Cưu-bàn-trà… tạo ra ba thềm thang báu để Phật từ cõi trời đi xuống. Hai bên thềm thang báu có vô số trăm ngàn vạn ức Thiên, Long, Dạ-xoa, Nhân, Phi nhân… đứng hầu.

Thấy Đức Phật Như Lai từ trên trời đi xuống, ai cũng vui mừng và khao khát được nghe Phật nói pháp.

Lúc ấy Đức Thế Tôn quán sát thấy căn lành của đại chúng đã thuần thục, Ngài liền nói pháp cho họ nghe. Tâm ý được mở tỏ, có chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng đắc quả Tư-đà-hàm, có vị chứng đắc quả A-na-hàm, có vị chứng đắc quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Bấy giờ, trong đại chúng bỗng nhiên có một Tỳ-kheo Hóa sinh thưa với đại chúng:

–Hôm nay xin các vị nhận lời mời cúng dường thức ăn của tôi và  trăm món cần dùng, tôi đều cung cấp.

Khi nghe Tỳ-kheo Hóa sinh nói vậy, các đại chúng đều tư niệm tưởng, quả nhiên đại chúng đều được sự ăn uống đầy đủ với các thức ăn uống ngon đựng trong các đồ đựng quý báu của cõi trời.

Tôn giả A-nan thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Hóa sinh đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay làm cho đại chúng có đầy đủ thức uống ăn như vậy? Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc ấy thế nào?

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Trong chánh pháp của Ngài, có các Tỳ-kheo đang an cư kiết hạ ba tháng tại chốn rừng núi để ngồi thiền và hành đạo, phải đi khất thực nơi xa, rất mệt nhọc, phế bỏ việc hành đạo.

Lúc ấy trong đại chúng có một vị Tỳ-kheo bạch với chúng Tăng:

–Tôi vì các thầy sẽ khuyến hóa đàn-việt cung cấp vật thực cho chúng Tăng không để thiếu thốn. Vậy các thầy nên an tâm hành đạo đừng lo lắng điều gì.

Các Tỳ-kheo được nghe nói, ai nấy cũng đều dụng tâm tu hành trong ba tháng và tất cả đều chứng đắc đạo quả.

Nhờ công đức ấy, cho nên Tỳ-kheo này sinh ra bất cứ nơi nào cũng thường các thức uống ăn, hễ nghĩ là có ngay, cho đến ngày nay được gặp Ta, cũng hễ nghĩ là có ngay để cúng dường đại chúng, không để bị thiếu thốn.

Bấy giờ ngài A-nan lại bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà ngày nay Tỳ-kheo ấy được Hóa sinh?

Đức Phật bảo A-nan:

–Trong hiền kiếp này, dưới thời Phật Ca-diếp có một người đi buôn dẫn đầu đoàn người đi buôn qua xứ khác để buôn bán kiếm lời.

Đang trên đường đi, thì người vợ của người dẫn đầu đoàn buôn vốn đã mang thai, bỗng nhiên chuyển dạ sắp sinh, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, muốn chết cũng không được. Bấy giờ, người dẫn đầu đoàn buôn sinh tâm nhàm chán việc này, sau đó từ giã vợ xuất gia tu học, phát thệ nguyện rộng lớn: “Nguyện hồi hướng công đức căn lành xuất gia này, khiến cho đời sau dù sinh bất cứ nơi đâu, Tôi đều không sinh ra từ bào thai mà được Hóa sinh.” Do đó, ngày nay Tỳ-kheo này được quả báo như vậy.

Đức Phật lại bảo A-nan:

–Thầy nên biết, người dẫn đầu đoàn người đi buôn lúc bấy giờ, nay chính là vị Tỳ-kheo hóa sinh vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


87- Truyện Tỳ-Kheo Chúng Bảo Trang Nghiêm

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới cội cây Ni-câu-đà, trong thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả có nhiều tài sản của báu, nhiều không thể tính kể được, nhưng lại chẳng có một mụn con nào. Ông cầu khẩn Thần linh để mong được sinh con, nhờ lòng chân thành nên cảm ứng đến Thần linh.

Sau đó vợ trưởng giả có thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé trai, tướng mạo khôi ngô khác thường, trên đời ít có. Trong nhà tự nhiên có dòng suối từ lòng đất vọt lên, trong suối có đầy châu báu; lại có cây trổ hoa, trên cành treo y phục bậc nhất cõi trời.

Trưởng giả thấy vậy, lòng vui mừng khôn xiết. Ông mời các thầy xem tướng về xem tướng cho con. Các thầy xem tướng xem xong hỏi cha mẹ đứa bé:

–Khi trẻ này sinh ra có điềm lành gì?

Cha mẹ đứa bé đáp:

–Lúc con tôi sinh ra, tự nhiên trong nhà có dòng suối từ lòng đất vọt lên, trong suối có đầy châu báu, trên cây có treo áo của chư Tiên rất đẹp.

Nhân đó đứa trẻ được đặt tên là Chúng Bảo Trang Nghiêm. Chúng Bảo dần dần khôn lớn, bản tánh hiền hậu, từ tâm hiếu thuận. Một hôm cùng các bạn thân ra khỏi thành dạo chơi, dần dần đến rừng cây Ni-câu-đà, thấy Đức Phật Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời. Chúng Bảo vui mừng bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui  lại, ngồi sang một bên, nghe Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, Chúng Bảo Trang Nghiêm chứng quả Tu-đà-hoàn, bèn trở về xin cha mẹ xuất gia.

Vì thương con nên cha mẹ Chúng Bảo không ngăn cản, họ bèn dẫn con đến chỗ rừng Ni-câu-đà để cầu xin Phật cho Chúng Bảo xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc trên đầu Chúng Bảo Trang Nghiêm tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Chúng Bảo Trang Nghiêm đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay khi sinh ra tự nhiên có những điều lạ kỳ như vậy, lại xuất gia không bao lâu đã chứng đắc đạo quả?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Calưu-tôn-đà. Sau khi hóa độ chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Lúc ấy vua nước này tên là Phạm-ma-đạt-đa thâu lấy xá-lợi Phật, rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn thứ báu cao một do-tuần để cúng dường xá-lợi. Về sau, có một vị trưởng giả thấy ngôi tháp sinh tâm vui mừng, bèn treo các thứ châu báu, các thứ y phục trên cành cây có hoa và đặt một bình nước trước tháp phát nguyện cúng dường.

Nhờ công đức ấy, nên trong vô lượng kiếp trưởng giả không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; được sinh lên cõi trời, cõi người, khi sinh ra đã có suối nước và cây có hoa, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người đem cây có hoa để cúng dường ngôi tháp lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Chúng Bảo Trang Nghiêm vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


88- Truyện Về Vua Kế-Tân-Ninh

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, ở phía Nam nước Xá-vệ, có một nước tên là Kim địa, vua nước ấy tên là Kế-tân cùng với phu nhân chung sống hạnh phúc.

Về sau phu nhân thọ thai, đủ mười tháng, hạ sinh một vị thái tử, xương cốt rắn chắc, có sức mạnh hơn người.

Ngày thái tử ra đời cũng là ngày một vạn tám ngàn người con của các vị quan lớn ra đời và tất cả các công tử này cũng đều có sức mạnh hơn người.

Thái tử con vua Kế-tân dần dần khôn lớn, được lên nối ngôi, lấy hiệu là Kế-tân-ninh, lập tức phong cho một vạn tám ngàn vị công tử của các quan lớn kia làm đại thần, cùng nhau trông coi việc nước.

Một hôm, vua Kế-tân-ninh cùng các quan đi săn bắn, vua bỗng hỏi các quan:

–Hiện nay, trên thế gian này, có ai có sức mạnh như ta không?

Lúc ấy trong đoàn người theo hầu vua có một người đi buôn nghe vua hỏi liền tâu:

–Dưới miền Trung đô có một vị vua tên là Ba-tư-nặc, là người có sức mạnh phi thường hơn hẳn đại vương cả trăm ngàn muôn lần.

Vua Kế-tân-ninh nghe người đi buôn nói rất tức giận, liền sai sứ giả đến báo cho vua Ba-tư-nặc biết rằng trong bảy ngày nữa, vua Batư-nặc phải dẫn đoàn người thị tùng đến nước ta để triều bái thăm hỏi.

Nếu không, ta sẽ giết sạch năm họ của vua Ba-tư-nặc không để ai sống sót.

Lúc ấy vua Ba-tư-nặc nghe sứ giả nói, rất đỗi lo sợ, chưa biết làm cách nào để đối phó, liền đến chỗ Phật, bạch Phật:

–Vua Kế-tân-ninh đã ra lệnh cho con nội trong bảy ngày phải dẫn đoàn thị tùng đến nước ấy để triều bái thăm hỏi. Nếu không, vua ấy sẽ giết con. Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay con phải làm như thế nào?

Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đại vương chớ lo, chỉ cần nói với sứ giả kia rằng đại vương chỉ  là vị vua nhỏ còn có một vị vua lớn ở gần tinh xá Kỳ hoàn và bảo sứ giả hãy đến đó mà truyền lệnh.

Lúc ấy sứ giả liền đến Kỳ hoàn, thấy Đức Phật Thế Tôn lúc ấy là một vị Chuyển luân thánh vương. Đức Phật sai Đại Mục-kiền-liên coi nắm binh quyền, dẫn đầu các binh chúng tuần nhiễu xung quanh Kỳ hoàn. Ngài dùng thần lực khiến bốn phía đều có bảy lớp hào thành và các cây bằng bảy chất báu xếp thành hàng tương xứng. Đức Phật lại khiến trong các hào thành ấy có các hoa sen nhiều màu sắc.

Ánh sáng rực rỡ chiếu khắp trong thành. Vua ngự trên điện thật tôn nghiêm đáng sợ.

Sứ giả kia thấy vua, trong lòng run sợ, tự nghĩ: “Vua mình vô cớ chuốc lấy tai họa.” Nhưng bất đắc dĩ sứ giả phải bước đến dâng lên bức thư của vua mình.

Bấy giờ, vị vua do biến hóa ra này nhận thư rồi đạp dưới chân, bảo sứ giả:

–Ta là đại vương thống lãnh bốn cõi, nay ngươi về bên đó đem giáo sắc của ta trình lại cho vua ngươi biết rằng ngay khi được lệnh này, hãy mau tới đây mà hầu hạ, nếu vua ngươi đang nằm, nghe lệnh thì phải ngồi dậy; còn đang ngồi thì phải đứng lên; nếu đứng nghe lệnh ta thì phải lên đường. Ta kỳ hạn cho vua ngươi trong bảy ngày nữa, phải dẫn đoàn thị tùng đến đây triều bái, ra mắt ta. Nếu trái lệnh, tội ấy không tha.

Sứ giả trở về, tâu lại việc trên cho vua nghe, vua nghe rồi, tự trách lỗi mình và liền triệu tập ba vạn sáu ngàn vị quan, xa giá chỉnh tề định đến triều bái vị đại vương kia. Nhưng lòng vua vẫn còn hồ nghi, nên chưa chịu lên đường. Vua trước sai sứ giả đến tâu cùng đại vương:

–Chúng thần thống lãnh ba vạn sáu ngàn vị vua nhỏ, nhưng xin mang theo một nửa số thị tùng thôi, còn bao nhiêu sẽ đến sau.

Lúc ấy vị vua do biến hóa ra bảo sứ giả:

–Hãy mau đem nửa số người ấy đến đây.

Sứ giả trở về tâu lại vua Kế-tân-ninh về mệnh lệnh của vị đại vương. Kế-tân-ninh cho ở lại một nửa, còn đem theo một muôn tám ngàn các vua nhỏ đến triều bái vị đại vương. Đến nơi, triều bái xong, Kế-tân-ninh tự nghĩ: “Vị đại vương này tuy dung mạo vượt trội hơn ta, nhưng sức mạnh không bằng ta”.

Bấy giờ vị vua do biến hóa ra xa biết ý nghĩ của vua kia, liền bảo vị quan coi kho:

–Ngươi hãy đem cái cung lớn của Tổ tiên đến đây cho ta.

Vị vua biến hóa đưa cung cho vua kia bảo hãy kéo cung, nhưng vua kia không kéo nổi. Vị vua biến hóa bèn lấy cung lại, chỉ dung ngón tay là đủ kéo được, rồi đưa lại cho vua kia bảo kéo một lần nữa.

Vua ấy hoàn toàn không đủ sức làm động dây cung. Khi đó, vị vua biến hóa lại lấy cung, trương cung ra rồi dùng ngón tay gảy lên dây cung, dây cung phát ra âm thanh làm rung động thế giới Tam thiên đại thiên. Sau đó, vị vua biến hóa bắn một mũi tên, mũi tên này lại hóa thành năm mũi nữa, trên đầu mỗi mũi đều có hoa sen, trên mỗi hoa sen lại có Đức Hóa Phật, phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp cả thế giới Tam thiên đại thiên. Chúng sinh trong năm đường, đều nương nhờ ánh sáng ấy. Chư Thiên và loài người có vị chứng đắc đạo quả, người trong địa ngục thì mát mẻ, lửa nóng tắt ngấm; còn người trong loài ngạ quỷ đều được no đủ; còn loài súc sinh thì không còn bị chở nặng; các chúng sinh tham dục, giận tức, ngu si phiền não gặp được ánh sáng này thì đều được điều phục, kính tin Phật pháp.

Vua Kế-tân-ninh thấy sự biến hóa như vậy, tâm liền được điều phục bèn đảnh lễ vị vua biến hóa năm vóc sát đất. Bấy giờ, vị vua biến hóa biết tâm vua Kế-tân-ninh đã được điều phục, bèn trở lại than Phật với bốn chúng xung quanh.

Đức Phật liền nói pháp cho vua Kế-tân-ninh và một vạn tám ngàn vị vua nhỏ nghe. Tâm ý được mở tỏ, các vị vua nhỏ đều được dấu vết của sự chứng đạo và chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, liền ở trước Phật xin được xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Râu tóc trên đầu các vị vua nhỏ tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Lúc ấy Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các vị Tỳ-kheo như vua Kế-tân-ninh… này đời trước đã làm được phước lành gì mà đều sinh vào dòng họ giàu sang, có sức mạnh hơn người, được gặp Phật Thế Tôn và đều chứng đắc đạo quả như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, tại nước Ba-la-nại, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo đến nước Bảo điện, vua nước này hiệu là Bàn-đầu-mạt-đế nghe tin Phật đến, sinh tâm vui mừng, dẫn đầu các quan gồm một vạn tám ngàn người ra khỏi thành đón rước Đức Phật. Họ bước đến đảnh lễ dưới chân Phật và quỳ thẳng chắp tay thỉnh:

–Cúi xin Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng từ bi thương xót thọ nhận bốn thứ cúng dường của chúng con trong ba tháng.

Đức Phật liền chấp nhận. Đức Phật và chúng Tăng thọ cúng dường xong, Ngài liền nói pháp cho vua và các quan nghe bằng nhiều cách. Vua rất vui mừng, bèn cùng các quan đồng phát nguyện: “Xin hồi hướng công đức căn lành cúng dường này nguyện cho chúng con đời sau, khi sinh ra ở nơi nào cũng cùng với đại vương đồng sinh trong một ngày.” Phát nguyện xong mọi người đều ra về.

Nhờ công đức ấy, nên trong vô lượng kiếp, vua và các quan không bị đọa vào đường ác, được sinh lên cõi trời, cõi người đều sinh ra trong một ngày và thọ hưởng sự vui sướng cõi trời, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


89- Truyện Vua Bạt-Đề-Thích Làm Tỳ-Kheo

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc bấy giờ Đức Như Lai sau sáu năm khổ hạnh đã thành Chánh giác được mười hai năm. Ngài dẫn đầu một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đến nước Ca-tỳ-la-vệ.

Đức Phật tự nghĩ: “Nay Ta về nước đó không giống lúc bình thường, vì họ phần nhiều là những người kiêu mạn, nên tất cả đều hiện thần biến, mới về đó được.”

Nghĩ xong Đức Phật liền bảo một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo:

–Nay Ta muốn về bổn quốc, các thầy hãy hiện thần biến, thần thông, làm cho những người trong hoàng tộc họ Thích thành kính tin phục quy y.

Bấy giờ Đức Thế Tôn phóng ánh sáng rực rỡ, cùng với các Tỳ-kheo đi trên hư không để về Ca-tỳ-la-vệ. Vua Tịnh Phạn nghe Đức Phật trở về, liền sai những người trong dòng họ Thích sửa sang đường sá, quét dọn sạch sẽ, dựng cờ treo phướn, treo các linh báu, rưới nước thơm dưới đất, rải các thứ hoa thơm, tấu trổi kỹ nhạc để đón rước Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi thỉnh Ngài vào cung, thọ vua cúng dường.

Lúc ấy vua Tịnh Phạn thấy các đệ tử Phật tuy có thần lực, nhưng hình dạng lại xấu xí không hợp với lòng người, nên thầm nói: “Ta nay nên chọn năm trăm người như Bạt-đề-thích… là những người có dung mạo khôi ngô để hầu Thế Tôn”. Nói xong vua liền chọn ra năm tram người cùng đến chỗ Thế Tôn và sai Ưu-ba-ly cạo bỏ râu tóc cho Bạt-đề-thích.

Lúc ấy ông Ưu-ba-ly nước mắt tuôn đầm đìa, rơi trên người Bạt-đề-thích.

Bạt-đề-thích vương hỏi Ưu-ba-ly:

–Tại sao ông lại khóc như vậy?

Ưu-bà-ly đáp:

–Vì vua hiện nay là người tôn quý trong những người dòng họ Thích, chẳng ngờ trong phút chốc đã cởi bỏ áo vương gia, để mặc áo nhà tu và sống đời kham khổ. Thấy vậy nên tôi rơi nước mắt.

Bạt-đề-thích nghe Ưu-ba-ly nói, trong lòng buồn bã nhưng tanh kiêu mạn vẫn còn. Sau khi đã cạo bỏ râu tóc, đắp y ôm bát, sắp thọ giới Cụ túc để vào Tăng đoàn, vị ấy phải theo thứ tự bước tới làm lễ đại chúng. Khi đến trước ngài Ưu-ba-ly, Bạt-đề-thích chỉ đứng mà không đảnh lễ. Thấy vậy, Đức Phật hỏi Bạt-đề-thích:

–Vì sao chỉ có Ưu-ba-ly là thầy không đảnh lễ?

Bạt-đề-thích thưa:

–Vì ông ấy là hạng người thấp kém, còn con thuộc dòng họ cao quý. Do đó mà không đảnh lễ.

Đức Phật nói:

–Trong giáo pháp của Ta, không có thấp kém hay cao quý, giống như huyễn hóa, an nguy khó giữ.

Bạt-đề-hoàn vẫn nói:

–Ông ta là kẻ tôi tớ của con, nên con không thể đảnh lễ.

Đức Phật dạy:

–Tất cả những người tôi tớ, giàu nghèo sang hèn, ân ái chia ly…có gì là sai khác nhau?

Nghe Phật dạy xong, Bạt-đề-thích bước tới cúi lạy Ưu-ba-ly. Lúc ấy đại địa rung chuyển và trên hư không có tiếng khen:

–Chưa từng có! Bạt-đề-thích vương vì cầu đạo nên hạ mình quỳ lạy một người thấp kém. Ngọn cờ ngã mạn đã gãy đổ rồi.

Sau khi Bạt-đề-thích thọ giới Cụ túc, ông lui lại ngồi sang một bên để nghe Phật nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, Bạt-đề-thích chứng quả A-la-hán.

Từ đó, Bạt-đề-thích ôm bát đi khất thực, vào gò mả, nghỉ dưới gốc cây, nhưng tâm ý lại thư thái, không còn lo sợ gì, Bạt-đề-thích nói:

–Ngày trước, khi còn ở cung vua, ta được những người có sức mạnh cầm khí trượng đứng hầu hai bên, thế mà lòng vẫn lo sợ nguy khốn. Còn nay, ta xuất gia nhập đạo, dù ở nơi gò mả mà không sợ sệt điều gì, thật là vui sướng không thể nói được.

Lúc ấy nghe Bạt-đề-thích nói vậy, Tôn giả A-nan bước ra bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Bạt-đề-thích đời trước đã làm được phước lành gì, mà nay được sinh trong nhà giàu sang, xuất gia không bao lâu đã chứng quả A-la-hán.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có một vị Bích-chi-phật. Trong lúc đang ôm bát đi khất thực, ngài gặp một người nghèo trong cơn đói khát đi trên đường. Chỉ còn chút bánh, người ấy định ăn nhưng khi thấy vị Bích-chi-phật có oai nghi khoan thai, ôm bát đi khất thực, người nghèo kia sinh tâm vui mừng bèn cúng dường bánh ấy cho vị Bích-chi-phật.

Vị Bích-chi-phật nhận bánh rồi liền bay lên hư không hiện mười  tám thứ thần biến, xuất hiện ở phía Đông, ẩn mất ở phía Tây, xuất hiện ở phía Nam, ẩn mất ở phía Bắc, hoặc từ thân tuôn ra nước, lửa…

Vị Bích-chi Phật lần lượt hiện mười tám thứ biến hóa như vậy.

Lúc bấy giờ người cúng dường bánh thấy sự biến hóa ấy, tâm rất kính tin, phát nguyện rồi mới đi.

Nhờ công đức ấy, cho nên trong vô lượng đời, người ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ thường sinh lên cõi trời, cõi người, được giàu sang sung sướng, thọ hưởng sự an vui cõi trời, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật dạy A-nan:

–Thầy nên biết, người cúng dường bánh lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo Bạt-đề-thích vương.

Khi Đức Phật kể truyện nhân duyên của Bạt-đề-thích làm Tỳ-kheo rồi, có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


90- Truyện Phật Độ Vương Tử Hộ Quốc Xuất Gia

Một thuở nọ, Đức Phật ngự dưới rừng cây Thổ-la, thuộc nước Câu-tỳ-la.

Bấy giờ, Đức Phật khởi ý nghĩ: “Nay Ta nên đến hóa độ vương tử Hộ Quốc, giúp cho vương tử xuất gia”.

Nghĩ xong, Đức Phật liền dẫn đầu các Tỳ-kheo vào cung. Khi chân vừa bước đến cổng thành, thì trời đất rung chuyển sáu cách, hoa trời tuôn rải như mưa.

Lúc ấy Đức Phật phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp trong thành, khiến cho người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được và người què đi được.

Vương tử thấy ánh sáng, khen là việc chưa từng có, liền đến chỗ Phật. Thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, oai nghi khoan thai, vương tử vui mừng, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên, Đức  Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho vương tử nghe. Tâm ý được mở tỏ, Vương tử chứng quả Tu-đà-hoàn.

Sau khi chứng được Sơ quả, vương tử định trở về gặp vua cha, trong lòng khen ngợi công đức của Đức Phật: “Nếu Đức Thế Tôn ở thế gian, Ngài sẽ là vị Chuyển luân thánh vương, thống lãnh bốn cõi thiên hạ, bảy thức báu theo mình, đi đâu cũng được tự tại… mà Ngài còn xả bỏ tất cả, để xuất gia nhập đạo. Huống chi ta đây mà không thể theo Phật xuất gia hay sao?”

Nghĩ xong,vương tử liền đến thưa vua cha:

–Cúi xin phụ vương rủ lòng thương xót cho phép con được xuất gia theo Đức Phật.

Nghe thái tử xin xuất gia, vua Tu-đề không chấp nhận. Từ đó, thái tử sinh ra buồn bã và bỏ ăn một ngày, hai ngày, cho đến sáu ngày. Lúc ấy các quan thấy thái tử đã bỏ ăn sáu ngày, nên quỳ tâu với vua:

–Thái tử bỏ ăn đã sáu ngày nay, e rằng khó sống được, cúi xin đại vương cho thái tử xuất gia, để cha con còn được thấy nhau.

Sau khi nghe các quan nói, vua Tu-đề mới bằng lòng cho thái tử xuất gia. Lúc ấy thái tử liền đến chỗ Phật, cầu xin xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo!

Tóc vương tử tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành vị Sa-môn, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo vương tử Hộ Quốc đời trước đã gieo trồng phước lành gì, mà nay được sinh ra trong cung vua, xuất gia chưa bao lâu đã được chứng quả như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các vị hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có vị vua tên là Tỳ-đề dấy binh giao chiến với vua nước láng giềng.

Lúc ấy vua láng giềng bị thua và dẫn binh chúng tháo chạy. Khi chạy đến chỗ đồng trống, đang lúc gặp trời nắng hạn, không có đồng  cỏ và nguồn nước, nên vua và quân lính bị đói khát gần chết. Đoàn người bèn đến chỗ một vị Bích-chi-phật, được vị Bích-chi-phật này chỉ cho chỗ có đồng cỏ và nguồn nước.

Qua được cơn đói khát, vua dẫn đoàn quân trở về nước mình, lòng vui mừng khôn tả. Lúc ấy vua nói với các quan:

–Chúng ta thoát được cơn đói khát là nhờ ân đức của vị Bích-chi-phật, vậy nay ta phải thiết lễ để cúng dường vị Bích-chi-Phật ấy.

Nói xong, vua bèn cho người sắm sửa các thức ăn ngon, rồi thỉnh vị Bích-chi-phật vào cung để cúng dường. Sau khi thọ cúng, vị Bích-chi-phật bèn nhập Niết-bàn.

Lúc ấy vua Tu-đề cùng các quan, hậu phi và thể nữ đều than khóc thảm thiết. Vua thâu lấy xá-lợi Phật rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn thứ báu để cúng dường xá-lợi. Nhờ công đức này cho nên trong nhiều đời vị vua ấy không bị đọa địa ngục, súc sinh ngạ quỷ; thường sinh lên cõi trời, cõi người, được giàu sang sung sướng, thọ hưởng sự an vui cõi trời, cho đến ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, vua Tu-đề lúc bấy giờ, nhờ công đức cúng dường vị Bích-chi-phật, nên nay gặp Ta, được xuất gia và chứng đắc đạo quả.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.