PHẬT THUYẾT QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI KINH

Hán dịch: Đời Đông Tấn, người xứ Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Phật-đà Bạt-đà-la
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 9: QUÁN TƯỢNG

Lúc bấy giờ, trong hội có vị Đại Bồ-tát tên là Di-lặc liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, cởi chuỗi ngọc trên thân dâng lên Đức Như Lai, dùng hoa trân châu tung lên Đức Phật Thế Tôn và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Số chuỗi ngọc đã tung ra tự nhiên vọt lên trụ trong hư không, hóa thành tám muôn ức đài báu. Trong mỗi đài có trăm ức Phật Thích-ca Văn, đều phóng ánh sáng, hiện sắc thân khắp nơi. Núi rừng sông biển, sắc đẹp của tất cả chúng sinh, các vì sao, mặt trời, mặt trăng, các núi Tu-di, những trời, rồng, thần và các cung điện cũng hiện ở trong đài ấy. Những vị Tiên năm thần thông, trăm ức chú thuật, chín mươi sáu phái ngoại đạo tà kiến, phương thuốc, kỹ nghệ khéo léo, văn chương, ca vịnh… đều ở trên một sợi lông hiển hiện đầy đủ. Uế dục tà kiến của thế gian mà chúng sinh mong được thấy cũng đều ở trong ánh sáng ấy tự vọt ra địa ngục, súc sinh, các A-tu-la, tám nạn, bốn điên đảo, những việc chẳng lành, thọ quả báo tốt, xấu… cũng ở tướng này tự được hiểu biết. Hoa ngọc tung lên trụ bên trên Đức Phật hóa thành hàng trăm ức ánh sáng màu trắng. Hoa ngọc ở bên trên ngài Văn-thù hóa thành hàng trăm ức ánh sáng màu sắc vi diệu. Những ánh sáng này đan xen lẫn nhau như những vua rồng lớn cuộn quấn thân hướng vào nhau. Trong mỗi ánh sáng có năm ức ánh sáng báu như y Tăng-giàlê cắt rời rõ ràng, rồi dùng ánh sáng màu vàng may lại cho liền vào nhau. Chỗ đường may, sinh ra bốn hoa báu. Trong mỗi hoa có Bồ-tát của Hiền kiếp ngồi kiết già. Chư Phật mười phương và các vị Hóa Phật ngồi trên hoa sen báu vì các vị Đại Bồ-tát của Hiền kiếp này nói Tam-muội Ban-chu sâu xa, cũng khen ngợi Tam-muội Quán Phật tối sơ nhân duyên duy vô và định Niệm Phật cảnh giới kim cang thí. Nói pháp đó xong, các Đức Như Lai này đều duỗi tay phải xoa đỉnh đầu Tôn giả A-nan, bảo rằng:

–Này Pháp tử! Nay ông nên khéo giữ gìn lời nói của Phật cẩn thận chớ quên mất.

Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đấng Thiên Tôn đại Từ đại Bi thương xót tất cả chúng sinh tạo nghiệp bất thiện trong đời vị lai, khi Đức Phật chẳng còn hiện tại thì nương cậy vào đâu để có thể trừ diệt tội lỗi?

Đức Phật bảo Di-lặc rằng:

–Này A-dật-đa! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Suy nghĩ cẩn thận! Sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều chúng sinh do chẳng thấy Phật nên làm các điều ác. Những người như vậy phải bảo họ quán tưởng hình tượng Phật. Nếu người quán tưởng hình tượng thì so với sự quan sát thân ta như nhau không khác.

Khi Phật nói lời đó, trong hư không, có hoa và chư Phật ở mười phương đứng giữa hư không, vòng tay, chắp tay khen ngợi rằng:

–Hay thay! Này Phật tử! Ông khéo hỏi việc này! Chỉ có Đức Thích-ca Văn mới cứu khổ cho đời và vì các chúng sinh mù tối sau rốt mà nói pháp Quán tưởng tượng Phật. Hôm nay chính đã đúng thời, cẩn thận chớ nghi ngờ, nghĩ ngợi.

Bồ-tát Di-lặc một lần nữa ân cần thỉnh Đức Thế Tôn nói pháp Quán tượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ánh sáng như thường lệ soi chiếu tinh xá Ni-câu-lâu-đà và các cõi nước mười phương, tất cả đều trở thành màu vàng. Do thần lực của Đức Phật nên khiến cho đất màu vàng chia làm hai phần. Trong mỗi phần có năm trăm ức Phật từ thế giới phương dưới, vọt lên đứng giữa hư không, chắp tay khen ngợi Đại Bồ-tát Di-lặc rằng:

–Hay thay! Này Phật tử! Chỉ ông mới có thể thương xót chúng sinh đời vị lai sinh vào thời mạt pháp mà thỉnh cầu Đức Thế Tôn nói pháp Quán Tượng!

Các vị Hóa Phật nói lời này xong, vọt thân lên hư không, thực hiện mười tám pháp biến hóa. Đức Phật Thích-ca Văn liền mỉm cười. Khi cười, từ trong miệng sinh ra hoa sen lớn. Hoa ấy có ánh sáng như tập họp hàng trăm ức mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Ở vùng mặt trời, mặt trăng và sao ấy có hàng trăm ức vị Hóa Phật ngồi kiết già trên giường Sư tử.

Lúc ấy, Đức Phật Thích-ca Văn bảo Bồ-tát Di-lặc rằng:

–Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Suy nghĩ kỹ càng! Như Lai hôm nay vì chúng sinh năm đường khổ đời vị lai như: Tỳ-kheo phạm Giới cấm, người ác tạo tội ngũ nghịch, bài báng, người tạo mười sáu luật nghi ác… ta vì những người như vậy nói pháp trừ tội.

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Sau khi Đức Phật vào Niết-bàn, những người ngu này không chỗ nương tựa, không chỗ quay về thì làm sao Đức Như Lai nói pháp trừ tội.

Đức Phật bảo A-nan rằng:

–Ông đối với Phật pháp, lòng chưa thông giải đầy đủ. Như ta còn tại thế thì người nương theo ta gọi là quy y Phật, gọi là quy y Pháp, gọi là quy y Tăng. Sau khi Phật diệt độ, ở trong đời xấu ác, các chúng sinh muốn tiêu trừ tội lỗi, muốn ở ngay đời hiện tại được Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, muốn phát tâm Bồ-đề, muốn hiểu rõ được mười hai nhân duyên… thì phải siêng tu tập Tam-muội Quán Phật.

Tôn giả A-nan bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai còn ở đời, chúng sinh nhìn thấy ngài mà quan sát tướng tốt của Đức Phật, quan sát ánh sáng của Đức Phật còn chẳng rõ ràng, huống là sau khi Đức Phật diệt độ. Đức Phật chẳng còn hiện tại thì phải quán ra sao?

Đức Phật bảo A-nan rằng:

–Sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không có Phật thì phải quán tưởng hình tượng Phật. Quán tượng Phật là nếu có Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, tám bộ, tất cả chúng sinh muốn quán tưởng hình tượng Phật thì trước hết vào tháp Phật dùng bùn hương thơm và đất nung tô bồi nền đất cho sạch, rồi tùy theo sức, có thể đốt hương, tung hoa cúng dường tượng Phật và nói lên việc ác đã tạo, đảnh lễ Phật, sám hối. Điều phục tâm như vậy từ một đến bảy ngày, rồi lại đến trong chúng bồi đắp, quét dọn đất của Tăng chúng, trừ các phân dơ và hướng về chúng Tăng mà sám hối, đảnh lễ dưới chân chúng Tăng. Lại trải qua bảy ngày, cúng dường như vậy, lòng chẳng mệt chán. Nếu là người xuất gia thì nên tụng Tỳ-ni cho hết sức thông lợi, nếu là người tại gia thì hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính sư trưởng. Rồi điều phục tâm cho thuần thục, nếu tâm chẳng thuần thục thì phải chế ngự mạnh mẽ khiến cho tâm điều thuận, như điều phục voi, ngựa chẳng để cho mất sự chế ngự. Tâm đã nhu thuận rồi thì ở nơi vắng lặng, đốt các loại hương thơm, đảnh lễ Đức Phật Thích-ca Văn, nói lên rằng: “Nammô Đại Đức Hòa Thượng của con, Ứng Cúng Chánh Biến Tri Đại Bi Thế Tôn! Nguyện dùng mây lành che chở hộ trì đệ tử!” Nói lời đó xong, năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc rơi lệ trước tượng. Rồi đứng dậy chỉnh đốn y phục, ngồi kiết già, giữ chánh niệm. Tùy theo chúng sinh, hoặc giữ tâm ở đầu mũi, hoặc giữ tâm ở trên trán, hoặc giữ tâm ở ngón chân… Đủ loại như vậy, hành giả tùy ý giữ chánh niệm chuyên đặt vào một chỗ, chớ để chạy tán loạn khiến cho tâm dao động. Tâm nếu dao động thì cất lưỡi chống vòm miệng, ngậm miệng, nhắm mắt, vòng tay ngồi ngay thẳng, từ một ngày đến bảy ngày, khiến cho thân được yên ổn. Thân yên ổn rồi sau đó mới quán tưởng hình tượng Phật.

Người ưa quán tưởng ngược thì từ ngón chân của tượng quán lên. Đầu tiên quán ngón chân là giữ tâm cho chuyên chú, duyên vào ngón chân của Phật trải qua bảy ngày, khiến cho nhắm mắt, mở mắt đều thấy rõ ràng ngón chân của tượng vàng. Dần dần tiếp đến lại quán lên hai mu bàn chân làm cho thấy rõ ràng. Tiếp theo quán đến đùi nai chúa… Tâm đã chuyên chú rồi thì theo thứ lớp quán đến nhục kế trên đỉnh đầu. Từ nhục kế, quán tưởng mặt, nếu chẳng sáng tỏ thì lại sám hối nữa, thêm tự khổ công sách tấn mình. Do giới thanh tịnh nên thấy mặt tượng Phật như tấm gương vàng ròng rõ ràng phân minh. Quán tưởng như vậy rồi, quán tưởng sợi lông giữa hai chân mày như ngọc pha lê uyển chuyển xoắn về bên phải. Khi tướng này hiện thì hành giả thấy lông mày, mắt của Phật như bức họa của họa sĩ của cõi trời. Thấy việc đó rồi thì hành giả tiếp theo quán tưởng ánh sáng đỉnh đầu cho rõ ràng. Quán các tướng như vậy gọi là quán ngược.

Quán thuận tượng là quán từ vùng hoa văn tóc xoăn trên đỉnh đầu Đức Phật. Mỗi hoa văn tóc xoăn, để tâm quán tưởng kỹ càng, khiến cho tâm thấy rõ ràng từng hoa văn tóc xoăn của Đức Phật giống như tơ đen uyển chuyển xoắn về bên phải. Tiếp theo quán tưởng mặt Đức Phật. Quán mặt Phật rồi thì quán tưởng đầy đủ thân, dần dần xuống đến chân. Như vậy, qua lại đến mười bốn lần, quán tưởng kỹ càng một tượng cho thật tỏ rõ. Quán một tượng thành rồi thì dù xuất định hay nhập định, hành giả luôn luôn thấy tượng đứng trước mặt mình. Thấy một tượng rõ ràng lại quán tưởng đến hai tượng. Thấy hai tượng rồi, tiếp theo quán tưởng đến ba tượng… cho đến quán tưởng mười tượng đều thấy rõ ràng. Thấy mười tượng rồi, hành giả quán tưởng bên trong một nhà chứa đầy tượng Phật, không còn một chỗ trống. Quán đầy một nhà tượng Phật rồi, hành giả lại tinh tấn đốt hương, tung hoa, quét tháp, tô đường, dâng nước tắm gội cho chúng Tăng…. Vì cha mẹ, sư trưởng xoa bóp điều hòa thân, tắm gội thân thể, xoa dầu lên chân… đi bốn phương xin ăn, được món ăn ngon thì dâng lên sư trưởng, phân ra phụng dưỡng cha mẹ. Thực hành hạnh đó xong, hành giả phát đại thệ nguyện rằng: “Con nay quán tưởng Đức Phật, bằng công đức này, con chẳng nguyện cầu làm người trời, Thanh văn, Duyên giác mà chính là muốn chuyên cầu đạo Bồ-đề của Phật.” Phát nguyện đó rồi, nếu hành giả thật hết lòng cầu Đại thừa thì phải tu hành sám hối, tu hành sám hối rồi tiếp theo thỉnh Phật, thỉnh Phật rồi tiếp theo tu hành tùy hỷ, tu hành tùy hỷ rồi tiếp theo hồi hướng, hồi hướng rồi tiếp theo phát nguyện. Phát nguyện rồi, hành giả ngồi ngay thẳng, giữ niệm trước mặt, quán tưởng cảnh giới của Phật khiến cho to rộng dần thành tượng Phật đầy trong một tăng phường mà mỗi tượng đều cao lớn một trượng sáu, dưới chân có hoa sen, vừng ánh sáng tròn một tầm và ánh sáng thân như tướng lửa sáng ma-ni cùng những vị Hóa Phật và thị giả của Hóa Phật… mọi màu sắc của ánh sáng trở nên tỏ rõ.

Quán Phật trong một Tăng phường rồi thì khiến cho lòng lại mở rộng đến trong khoảnh đất chứa đầy tượng Phật. Sự quán tưởng này thành rồi thì tâm được yên ổn, thân thể an lạc. Nếu hành giả dừng tâm tưởng nhạy bén thì thấy tượng Phật đầy trong một vùng đất với hương hoa, đồ cúng và các cờ phướn đều đi theo tượng. Do tâm nhạy bén nên bên trái bên phải, đàng trước, đàng sau đều thấy tượng đi. Rồi tâm rộng lớn dần dần, hành giả thấy tượng Phật đầy trong hàng trăm khoảnh đất, nhắm mắt mở mắt đều khiến cho tâm quán tưởng. Tưởng tưởng chẳng dứt, tâm tâm nối nhau như khát nghĩ đến uống. Sự quán tưởng này thành rồi thì hành giả thấy tượng Phật đầy trong một do-tuần, dần dần xa rộng thêm một trăm do-tuần, thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp phụ kèm theo của tất cả tượng đều rực sáng lên. Tưởng này thành rồi thì hành giả quán tưởng hình tượng Phật đầy trong tám ngàn do-tuần của một cõi Diêm-phù-đề. Tưởng này thành rồi thì hành giả tiếp theo quán tưởng hình tượng Phật đầy trong tám ngàn sáu mươi do-tuần của cõi Phất-bà-đề ở phương Đông. Tưởng này thành rồi thì hành giả lại quán tưởng hình tượng Phật đầy trong tám ngàn chín trăm do-tuần của cõi Cù-da-ni ở phương Tây. Tưởng này thành rồi thì hành giả lại quán tưởng hình tượng Phật đầy trong một vạn sáu ngàn do-tuần của cõi Uất-đan-việt ở phương Bắc. Tưởng này thành rồi thì hành giả lại thấy xa rộng, thấy tượng Phật đầy trong một trăm cõi Diêm-phù-đề. Tưởng này thành rồi, hành giả lại thấy tượng Phật đầy trong một trăm ức bốn thiên hạ. Tưởng này thành rồi thì chỉ trừ khi ăn, trừ khi đại tiểu tiện, trong tất cả mọi lúc hành giả luôn luôn thấy tượng Phật, tượng Phật đầy trong hư không và trên mặt đất, các tượng thứ lớp xen nhau không chỗ trống. Niệm tưởng thành rồi, thân tâm hoan hỷ, càng thêm tinh tấn, hành giả đầu đội cung kính mười hai bộ kinh, đối với người nói pháp cung kính xem như bậc Đại sư, đối với Phật, Pháp, Tăng khởi tưởng xem như cha mẹ, khiến cho lòng điều hòa nhu thuận, chẳng khởi lên tưởng sân hận. Giả sử khi sân nhuế thì phải ở trước Bát-nhã ba-la-mật, năm vóc gieo xống đất, thành tâm sám hối. Như trên đã nói, hành giả theo năm pháp thứ lớp mà làm. Niệm tưởng thành rồi, hành giả nhắm mắt, vòng tay, ngồi thẳng nhập vào thiền định, lại khởi niệm tưởng xa hơn, thấy tất cả tượng Phật đầy trong các cõi khắp mười phương, thân toàn một màu vàng ròng, phóng ra ánh sáng lớn. Nếu ai phạm giới làm điều chẳng lành, do thân đời trước phạm giới nên thân đời nay thấy những tượng Phật hoặc đen hoặc trắng thì dùng pháp sám hối, tượng dần dần thấy hiện màu hồng, thấy màu hồng rồi dần dần thấy màu vàng. Thấy màu vàng rồi thì thân tâm hoan hỷ, cầu thỉnh các tượng Phật phóng ra ánh sáng. Khi khởi lên sự quán tưởng này, niệm tưởng linh lợi nên thấy tất cả tượng Phật, lỗ chân lông của toàn thân đều phóng ra ánh sáng. Mỗi ánh sáng có trăm ức màu sắc báu. Trong mỗi màu sắc có vô lượng màu sắc xen lẫn, các cảnh giới vi diệu đều từ đó vọt ra. Tưởng niệm này thành gọi là quán Lập tượng.

Đức Phật bảo A-nan rằng:

–Người quán tưởng như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán. Còn tướng khác hiện ra là cảnh giới khác sinh ra, phải mau chóng trừ diệt chúng. Người quán pháp quán đó thì tiêu trừ được tội sinh tử trong sáu mươi ức kiếp, cũng gọi là thấy Phật. Vào đời vị lai, nhờ tâm tưởng linh lợi nên hành giả gặp được một ngàn Đức Thế Tôn của Hiền kiếp. Vì những Hòa thượng ấy, hành giả ở trong Phật pháp lần lượt xuất gia.

Ở mỗi chỗ Phật, người ấy thấy thân tướng Đức Phật rõ ràng phân minh, nghe Phật nói pháp nhớ giữ chẳng quên. Ở chỗ Đức Phật Quang Minh thuộc kiếp Tinh tú, hành giả được hiện tiền thọ ký. Lòng thô thiển quán tưởng tượng Phật mà còn được công đức vô lượng như vậy, huống là giữ chánh niệm quán tưởng ánh sáng tướng Bạch hào vùng chân mày của Đức Phật.

Khi nói lời nói đó thì vua trời Đại phạm với vô lượng Phạm chúng đem các loại hoa cõi trời tung lên cúng dường Đức Thế Tôn. Họ cởi chuỗi ngọc trên thân dâng lên Đức Phật. Những hoa trời ấy như đám mây trụ giữa hư không, trên chỗ chuỗi ngọc, biến thành đài vàng. Ở trong đài vàng có ánh sáng màu vàng. Ánh sáng ấy biến thành tôn tượng của bảy Đức Phật với sắc tướng trang nghiêm vi diệu đều đầy đủ. Phạm vương Loa Kế quỳ gối chắp tay thỉnh cầu Đức Thế Tôn, bạch rằng:

–Kính thưa Đức Như Lai Đại Bi thương các chúng sinh!

Nguyện xin Như Lai vì chúng sinh mù tối đời sau mà diễn nói đầy đủ pháp quán tưởng hình tướng của tượng, khiến cho chúng sinh theo lời Đức Phật nói, luôn luôn được gặp các Đức Phật Thế Tôn, được Tammuội Niệm Phật. Nhờ sức Tam-muội nên khiến cho các chúng sinh được xa lìa tội ác. Do tội diệt nên được thấy các Đức Phật.

Đức Phật bảo Phạm vương rằng:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì những chúng sinh đời sau nên lại nói phép quán tưởng hình tượng Phật ngồi. Quán tưởng hình tượng ngồi là chí tâm giữ chánh niệm khiến cho đứng trước tượng thấy dưới chân tượng sinh ra hoa. Khi hoa này sinh ra thì hành giả phải khởi lên niệm tưởng khiến cho đại địa này trở thành màu vàng ròng, trở thành màu bảy báu, tùy theo sự quán tưởng mà hiện ra. Mỗi màu báu lấy vàng ròng làm giới hạn. Trong mỗi giới hạn sinh ra hoa sen báu. Khi khởi lên sự quán tưởng này thì có hoa sen báu ngàn cánh đầy đủ ứng theo tưởng niệm mà hiện ra. Đã thấy hoa rồi hành giả thỉnh các tượng Phật do ý tưởng sinh ra ngồi lên hoa báu. Khi các tượng ngồi thì đại địa tự nhiên phát ra ánh sáng trắng lớn như màu lưu ly trắng sạch tuyệt đẹp. Trong vùng ánh sáng trắng có trăm ức Bồ-tát trắng như núi Tuyết, từ trong lỗ chân lông của thân tượng hiện ra. Trong lỗ chân lông của thân mỗi Bồ-tát phát ra ánh sáng màu vàng. Ánh sáng ấy như núi vàng Diêm-phù-đàn với trăm ngàn màu vàng. Ánh sáng rực rỡ chẳng thể tính biết được, ứng theo niệm tưởng mà hiện ra. Trên đỉnh mỗi ngọn núi có một tượng cao lớn khả quan màu vàng Diêm-phù-đàn. Ánh sáng rực rỡ ấy soi chiếu làm cho các cõi ở mười phương đều trở thành màu vàng, thấy đất và hư không cũng trở thành màu vàng mà bên trong đầy các tượng vàng, ánh sáng vàng, táng che vàng, đài vàng, hoa vàng, phướn vàng. Hành giả thấy Bồ-tát toàn màu ngọc trắng, tay cầm phất trần trắng hay cầm hoa trắng thì phải khởi lên hết tưởng niệm làm cho tươi trắng. Nếu hành giả thấy còn tạp tưởng, cảnh giới khác hiện ra thì phải mau chóng diệt trừ. Nếu chẳng trừ diệt mà đuổi theo tưởng khác, vui mừng theo cảnh giới khác thì phát ra bệnh phong. Tưởng niệm Phật này chính là đại cam lộ lợi ích cho chúng sinh. Tam-muội Quán Phật như uống thuốc hay lợi ích cho bốn đại. Người uống thuốc này thì chẳng già chẳng chết.

Đức Phật bảo A-nan rằng:

–Nếu có chúng sinh muốn quán tượng ngồi thì quán tưởng như vậy. Người quán tưởng như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán. Nếu có chúng sinh quán tượng ngồi thì tiêu trừ được tội sinh tử trong năm trăm ức kiếp, đời vị lai được gặp một ngàn Đức Phật của Hiền kiếp. Qua khỏi Hiền kiếp rồi, trong kiếp Tinh Tú người ấy được gặp trọn số mười vạn các Đức Phật, ở chỗ mỗi Đức Phật đều thọ trì lời dạy của Phật, thân tâm yên ổn chẳng hề lầm lẫn rối loạn, được mỗi Đức Thế Tôn thọ ký hiện tiền, qua vô số kiếp được thành Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A-nan rằng:

–Nếu chúng sinh nào quán tượng ngồi rồi thì phải quán tượng đi. Quán tượng đi là thấy tượng Phật đi đầy trong mười phương thế giới. Hành giả thấy trong hư không và trên đất tất cả tượng đều đứng dậy. Khi mỗi tượng đứng dậy thì có năm trăm ức hoa báu hiện ra. Trong mỗi hoa có vô số ánh sáng. Trong mỗi ánh sáng có vô số vị Hóa Phật theo tâm tưởng hiện ra. Tượng ngồi đứng dậy, trong khoảng thời gian chưa đứng dậy, khi thân đang cử động thì sợi lông xoắn trắng vùng chân mày duỗi ra ngắn dài giống như Đức Phật đang thật sự phóng ra ánh sáng trắng làm cho trăm ngàn màu sắc ánh lên ánh sáng vàng đẹp đẽ. Trong những ánh sáng trắng xen vô số tượng bạc, thân màu bạc trắng, ánh sáng bạc, hoa bạc, táng che bạc, phướn bạc, đài bạc… tất cả đều bằng bạc. Lúc đó, các tượng vàng cùng tượng bạc cử động sắp đứng dậy thì trong rốn các tượng đều sinh ra hoa sen. Trong hoa sen ấy vọt ra vô số trăm ngàn vị Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật phóng ra ánh sáng vàng soi chiếu thân của hành giả.

Lúc đó là lúc hành giả vào định tự thấy nước bẩn ba mươi sáu vật của thân mình, chẳng sạch. Khi bất tịnh hiện thì hành giả phải mau chóng diệt trừ mà nghĩ rằng: “Các Đức Phật ba đời, thân tâm thanh tịnh, ta nay học theo Pháp thân chân tịnh của Đức Phật, sự bất tịnh này xem ra từ tham ái phát sinh, hư ngụy chẳng thật thì ta theo sự quan sát-này làm gì?”

Khởi ý niệm đó rồi, hành giả phải tự quán thân, khiến cho các việc bất tịnh biến thành ngọc trắng. Tự thấy thân mình như cái bình bạch ngọc, trong ngoài đều rỗng không. Khi khởi sự quán tưởng đó thì phải uống thuốc sữa chớ khiến thân trống rỗng. Khi tưởng này thành rồi, các tượng đều đứng dậy như đứng trước mặt hành giả.

Khi thấy tượng đứng, hành giả phải khởi tưởng niệm mời thỉnh tượng đi. Tượng đã đi rồi thì trong từng bước từng bước, dưới chân mọc ra hoa, rồi biến thành đài hoa sen. Hành giả thấy trong cõi mười phương đầy các tượng đi, đồ cúng dường, âm nhạc, chư Thiên đại chúng cung kính vây quanh. Tượng đi phóng ra ánh sáng soi chiếu đại chúng khiến tất cả đều trở thành màu vàng. Tượng bạc phóng ra ánh sáng soi các đại chúng đều trở thành màu bạc.

Bồ-tát ngọc trắng phóng ra ánh sáng ngọc trắng khiến cho các đại chúng đều trở thành màu ngọc trắng. Các tượng nhiều màu sắc phóng ra ánh sáng nhiều màu ánh chói đẹp vùng ấy. Sự quán tưởng này thành rồi, hành giả lại khởi lên tưởng niệm thỉnh các tượng đang đi đều dùng tay xoa đầu mình. Bấy giờ, các tượng đều duỗi tay phải xoa đầu hành giả.

Lúc đó, mọi tượng đều phóng ra ánh sáng lớn chiếu vào thân hành giả. Khi ánh sáng chiếu vào thân, hành giả thấy thân mình có màu vàng ròng. Sự quán tưởng này thành rồi, hành giả ra khỏi định, vui mừng, lại chí tâm kính lễ các Đức Phật, tu các công đức và đem công đức đó hồi hướng đạo Bồ-đề.

Bấy giờ, hành giả lại phải khởi lên tưởng niệm rằng: “Ta nay tưởng niệm, thấy nhiều tượng vàng đi, ngồi tùy ý mà chưa thấy thần thông.” Hành giả khởi tưởng niệm thỉnh các tượng đang đi và tượng Bồ-tát làm mười tám phép biến hóa. Ứng theo niệm tưởng, các tượng liền thực hiện mười tám phép biến hóa. Hành giả thấy đầy trong mười phương tất cả các tượng, vọt thân lên không trung làm mười tám phép biến hóa, uy thần tự tại, hiện sắc thân khắp nơi. Thấy rồi, hành giả vui mừng, thỉnh tất cả các tượng chuyển bánh xe pháp. Ứng theo niệm tưởng, tức thời tất cả các tượng, khác miệng đồng thanh, khen ngợi sự trì giới, khen ngợi sự niệm Phật.

Niệm tưởng nghe điều này rồi, lòng rất vui mừng, hành giả lại càng thêm tinh tấn. Do tinh tấn nên tâm tưởng được thành. Khi tâm tưởng thành thì hành giả thấy ở các cõi khắp mười phương, tất cả đất đai, sông núi, vách đá… đều biến hóa thành đất kim cương. Trên đất kim cương vọt ra ánh sáng trắng. Ở trong các ánh sáng trắng có vô số vị hóa Phật ngồi trên hoa sen báu. Mỗi vị hóa Phật phóng ra vô số ức trăm ngàn ánh sáng. Mỗi ánh sáng lại hóa ra vô số trăm ngàn vị Hóa Phật.

Khi tưởng này hiện thì hành giả thấy những lỗ chân lông của thân mình phát ra ánh sáng màu vàng soi khắp tất cả. Nếu cảnh giới khác khởi lên thì phải mau chóng diệt trừ. Nếu tâm tưởng này nhanh chóng như gió mạnh thì trong giây lát, hành giả thấy vô số vị Hóa Phật.

Tâm hành giả linh lợi như người mắt sáng cầm gương pha lê tự xem hình dáng mặt của mình. Hành giả quán tượng cũng vậy. Niệm tưởng này thành rồi, hành giả phải khởi ý niệm rằng: “Các Đức Phật Thế Tôn trụ ở Đại tịch diệt, thân tâm thanh tịnh, không lại không đi! Như thân ta đây là do bốn đại, năm uẩn cùng hợp thành như trong thân cây chuối, không hề chắc thật, như bọt trên mặt nước, như trăng đáy nước, như hình ảnh trong gương, như dợn nắng, như thành Cànthát-bà.

Khởi niệm tưởng đó rồi, các tượng liền diệt, có ánh sáng màu vàng hiện ra. Ở vùng ánh sáng vàng có ảnh Phật vàng như hình dáng trong gương, hiển hiện tất cả hình sắc trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm. Khi niệm tưởng này thành, hành giả phải nghĩ đến thân trì giới của Như Lai.

Khi nghĩ thân trì giới thì hành giả thấy ánh sáng vùng chân mày của ảnh chư Phật giống như sợi tơ trắng từ không trung thanh tịnh đến trước hành giả. Hành giả thấy rồi, phải nghĩ rằng: “Đức Thích-ca Mâu-ni Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đời quá khứ đã dùng đại giới thân mà tự trang nghiêm. Vậy nên ngày nay ngài được Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến!” Khi tác khởi niệm tưởng đó thì Đức Phật Thích-ca Văn ngồi trong hang lưu ly, thân màu vàng tía, trang nghiêm vi diệu cùng với những đại chúng Tỳ-kheo Bồ-tát làm quyến thuộc trụ ở trước mặt hành giả mà bảo rằng: “Này Pháp tử! Ông tu lực Tam-muội quán Phật nên ta dùng năng lực tướng Niết-bàn thị hiện sắc thân cho ông khiến cho ông quan sát kỹ càng. Nay ông ngồi thiền chẳng được quan sát nhiều. Người đời sau làm nhiều việc ác, chỉ cần quán ánh sáng tướng Bạch hào vùng lông mày. Khi khởi sự quán tưởng này thì được thấy cảnh giới như đã nói trên.”

Bấy giờ, hành giả một niệm tình cũng không tham đắm, lòng rất vui mừng, tức thời đạt được Tam-muội niệm Phật. Người đạt Tam-muội niệm Phật thì thấy sắc thân Đức Phật rõ ràng phân minh, cũng thấy tất cả cảnh giới của tâm Phật như trên đã nói “quán tâm Phật”, cũng thấy tất cả ánh sáng của thân Phật như trên đã nói “quán ánh sáng thân Phật”, cũng thấy tất cả lỗ chân lông thân Phật, mỗi lỗ chân lông đều mọc ra tám muôn bốn ngàn hoa sen. Trong mỗi hoa có tám muôn bốn ngàn vị Hóa Phật, từng vị Phật từng vị Phật tiếp nhau đầy các thế giới khắp mười phương.

Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền duỗi cánh tay phải ra xoa đỉnh đầu hành giả. Tất cả các vị Hóa Phật cũng duỗi tay phải xoa đỉnh đầu hành giả. Được sự quán tưởng này gọi là Tam-muội Phật hiện tiền, cũng gọi là Tam-muội Niệm Phật, cũng gọi là Tammuội Quán Phật sắc thân.

Lúc ấy, các Đức Phật, khác miệng đồng lời, đều vì hành giả nói pháp. Tuy chưa đắc đạo nhưng thấy Phật, nghe pháp Tổng trì chẳng mất thì đây gọi là Tam-muội Niệm Phật của phàm phu.

Người được Tam-muội này thì từng sát-na luôn luôn thấy các Đức Phật, trong từng niệm đều nghe Phật nói pháp. Như là kinh điển Đại thừa Phương đẳng chỉ trong một ngày một đêm liền được hiểu thông suốt. Cha mẹ sinh ra thân trong đời xấu ác phiền não nhưng nhờ niệm Phật nên được nghe Tổng trì, sau khi qua đời khác nhất định được thấy Phật, ở chỗ các Đức Phật được ngàn vạn ức Đà-la-ni Toàn. Được Đà-la-ni rồi thì tám mươi ức Đức Phật đều duỗi tay phải xoa đầu hành giả. Tất cả các Đức Phật đều nói lời thọ ký rằng: “Ông niệm Phật nên qua kiếp Tinh tú sẽ được thành Phật thân tướng có ánh sáng so với ta không khác.”

Nói lời đó xong, tám mươi ức Đức Phật cùng một lúc phóng ra ánh sáng. Trong ánh sáng lại có vô lượng vị Hóa Phật mà mỗi vị đều nói lời đó.

Đức Phật bảo A-nan rằng:

–Như vậy, mọi pháp gọi là pháp quán tượng. Như khi quán tượng, hành giả tự sẽ có vô lượng trăm ngàn những cảnh giới thù thắng. Người quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán.