KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 9: NÓI VỀ SỰ LÃNH HỘI, GIỮ GÌN

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là lãnh hội giữ gìn tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận lấy hạng chúng sinh cùng khốn không thể tự mình vượt được nỗi khổ cực ấy thì đem pháp thí dẫn dắt khiến họ quy phục, rồi mới dùng của cải quý giá bố thí khiến mọi người đều nghe theo, đó là Bố thí.

Thường dùng gốc của đức hạnh để thực hành các điều thiện, bản thân đã thực hiện, lại khuyến khích kẻ khác cùng làm, như được nghe nhưng không giữ lấy đối với số lượng của cải giàu có lớn lao, đó là Trì giới.

Như được nghe giảng, nói về điều thiện, có thể nhẫn chịu mọi nỗi khổ không lấy đó làm điều buồn phiền. Giả sử có vị Bồ-tát làm kẻ Phạm chí, tất theo kẻ ngu để được nghe những lời chỉ dẫn, tu tập trong mười hai năm mới hưng khởi đạo lớn vô thượng, tỏ ngộ nơi chốn sinh ra của mình, đó là Nhẫn nhục.

Đem sự tinh cần dứt bỏ mọi ràng buộc của sản nghiệp gia đình, không cho đấy là chuyện khó khăn, đó là Tinh tấn.

Hiểu rõ về lẽ vô thường, lãnh hội tính chất nhân duyên của sự vật để dốc tâm tu tập không biếng trễ dở dang, đó là Nhất tâm.

Học hỏi nơi chốn không thầy, sử dụng mọi phương tiện quyền xảo, luôn thể hiện sự bình đẳng đối với mọi lĩnh vực yêu ghét, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vo cực.

–Thế nào gọi là nhận ra sự kéo dài trong cõi sinh tử mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thi ân giúp đỡ là nhằm đạt được pháp nhẫn Vô sở tùng sinh, đó là Bố thí.

Pháp nhẫn ấy được dựa trên nền tảng là tâm thương xót vô bờ đối với muôn loài, đó là Trì giới.

Luôn thể hiện lòng nhu hòa, khuyến khích ham chuộng các thệ nguyện lớn lao, đó là Nhẫn nhục.

Như đem sự hiểu biết rộng rãi của mình để chỉ dẫn giúp đỡ đối với tất cả, đó là Tinh tấn.

Ví như đạt được sự an nhiên tịch tĩnh trên tinh thần vô ngã, đó là Nhất tâm.

Hoặc như đối với hạng người thấp kém đều khiến họ tin theo mình, dốc tâm giảng dạy về nhẫn nhục nhu hòa cùng các pháp thiền định của những bậc Thánh lớn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào goi là không đoạn trừ mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như dùng sự bố thí để tạo được nẻo hưng khởi đối với bốn ân cùng cứu giúp hạng nguy khốn, đó là Bố thí.

Luôn gìn giữ nơi thân, miệng, ý, thể hiện sự cẩn thận trong ba nghiệp, đó là Trì giới.

Đối với người luôn thích ứng, thân tâm hòa đồng, chí nhằm đạt được pháp nhẫn, bốn sự luôn tạo được hòa hợp, đó là Nhẫn nhục.

Như đem công việc tu tập để thực hiện cho được bốn ý đoạn, không bỏ dở giữa chừng, thảy đều do sự tu học ấy mà tạo được quả vị giác ngộ, đó là Tinh tấn.

Hoặc dùng sự tịch tĩnh để từ đấy đạt đến bốn ý chỉ, đó là Nhất tâm.

Như nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ tu tập theo đúng bốn chân lý chắc chắn không rơi trở lại vào sự hư dối, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ những vui thú thuần túy tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với hết thảy mọi sở hữu đều bố thí mà không hề tiếc lẫn, đó là Bố thí.

Dùng nhiều công đức để khai mở giáo hóa chúng sinh thấy được các cánh cửa giải thoát, đó là Trì giới.

Như đem đức lớn để giảng dạy giáo hóa ứng dụng khắp chốn, tuân giữ giới luật thể hiện nơi mọi hành động tạo tác, tâm sinh hướng thượng, dốc tâm khai thị, giáo hóa chúng sinh, làm hiển lộ việc tuân giữ giới luật ấy, dùng nhẫn nhục thuận hợp với ý, đối với hạng người đặc biệt cùng có thể nhận lãnh được, đó là Nhẫn nhục.

Hoặc như đem giáo pháp tùy thời mà dẫn dắt giáo hóa từng ấy chúng sinh nghe theo, đó là Tinh tấn.

Không bỏ hoàn cảnh thích hợp luôn thể hiện tâm Từ bi để thực hiện thành tựu bốn thứ ý, dứt hết mọi khổ vui khác, đó là Nhất tâm.

Chỗ nhằm giảng dạy cho chúng sinh, tất cả đều tỏ lòng lo lắng giữ gìn một cách thích hợp đối với giáo pháp, các nẻo đạt đến sự thích nghi tùy thời mà không bị thất tán, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ các pháp thiền định tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tạo lập các nơi chốn bố thí, ở mỗi moi nơi chốn ấy đều nhằm đúng mục đích, không bị lạc nẻo, đó là Bố thí.

Tâm luôn tỏ bày sự thận trọng, dứt bỏ mọi thứ không thích hợp, đó là Trì giới.

Thể hiện lòng nhân cùng nhẫn chịu, đối với các pháp luôn an nhiên tự tại, hội nhập trong sự hòa đồng, đó là Nhẫn nhục.

Một lòng tu tập, tư duy, tạo dựng, mọi nơi chốn nên buông thả, hủy diệt các nẻo sai trái, đó là Tinh tấn.

Như đem các pháp thiền định dứt bỏ mọi tiếp nhận của can trần, khiến cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được an ổn, từ đấy mà có được ánh sáng trí tuệ, đó là Nhất tâm.

Hoặc như diệt trừ tham dục, đem đức sáng của Bậc Giác Ngộ xua tan mọi thứ cấu uế trong hành động, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là nhằm đạt được thần thông mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem ánh sáng mà bố thí, nhân đó đạt được phước báo có được Thiên nhãn nhìn thấy thấu suốt các nẻo, đó là Bố thí.

Dốc phụng giới luật, tinh chuyên trong việc nghe và lãnh hội kinh điển không hề hủy phạm, do đấy mà đạt được thiên nhĩ có thể nghe biết xa rộng, đó là Trì giới.

Đạt được hai nẻo nhân, hòa làm một, dùng đó mà khuyến trợ tạo điều kiện để phát tâm Bồ-đề, đó là Nhẫn nhục.

Thành tựu được việc nhận biết và nhớ nghĩ về thân mạng cũ cùng mọi việc ở đời quá khứ, có được thần thông tự tại nhưng vì nhằm để hóa độ chúng sinh nên ở ngay trong cõi đời, tích lũy công đức, luôn tự chế ngự với mình, đó là Tinh tấn.

Thần thông, thần túc dẫn đến sự biến hóa nhưng khó đạt được giải thoát, lìa bỏ mọi vướng mắc của nhận thức để thọ lãnh các pháp thiền định bình đẳng, đó là Nhất tâm.

Đem sự báo ứng của nhân duyên do đạt được ân ấy, dùng ánh sáng thần thông tiêu diệt mọi thứ cấu uế, từ pháp Tam-muội ấy thông suốt được ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ đã dứt sạch mọi thứ phiền não.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là từ sự xảo diệu ở đời mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Không thể khuyến khích việc tu học các pháp Ba-la-mật, chỉ ham chuộng những xảo thuật thích ứng ở đời, cùng trao truyền cho kẻ khác cùng làm như mình, đối với những trường hợp này nên dùng các xảo thuật mà bố thí để khiến họ tu đức, đó là Bố thí.

Đời sau được phước báo khiến cho vô số người yêu mến, ham thích dốc tâm vì đạo, đó là Trì giới.

Có thể sử dụng hết thảy mọi thứ kỹ thuật xảo tiện, thảy đều thông suốt không còn sót một lãnh vực nào, đó là Nhẫn nhục.

Như dốc phụng hành các pháp của Bồ-tát có thể đạt được mọi thành tựu, đó là Tinh tấn.

Như tâm luôn thể hiện sự ưa thích, đó là Nhất tâm.

Tham vấn hỏi han để nhận lãnh đạo pháp, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là do tâm Từ bi thương xót nhằm cứu giúp tất cả mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem tâm cứu giúp tất cả chúng sinh, dùng tâm Từ bi mà bố thí, đó là Bố thí.

Vì chúng sinh nên đối với bản thân không còn tham lam, đem sự giữ giới ấy theo hoàn cảnh mà phát thệ nguyện, nhân đó đạt được tự tại ngay nơi chốn hành hóa, từ đấy dạy dỗ, giáo hóa chúng sinh tạo nhân phụng hành điều lành, mà tạo lập phát huy đạo, đó là Trì giới.

Giống như vị vua thời quá khứ tên là Ma-điều, chỗ dấy khởi tinh tấn luôn lo lắng tu, tuân phụng theo hoàn cảnh, đó là Nhẫn nhục.

Như làm vị quốc vương, có người mong được lấy đầu mình mà tâm không dấy sân hận. Vô số người được sinh lên cõi trời, do sự tinh tấn ấy mà có thể gắng gổ chịu đựng, nhận lãnh, lại đem hết tài sản cơ nghiệp để dùng vào việc khai hóa dẫn dắt, đó là Tinh tấn.

Luôn gắn bó với các pháp thiền định nhằm tiêu diệt mọi vọng động của sáu căn, không nơi chốn nào có thể ẩn giấu được, đó là Nhất tâm.

Đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ nêu bày quảng diễn khai thị cho vô số chúng sinh khiến mọi người đều rộng mở nhận lấy những báo ứng lớn lao tốt đẹp, các đức của sáu sự việc xua sạch mọi nơi chốn phiền não bụi bặm, sự báo ưng mạnh mẽ vì không thấy sự xâm phạm, không do quá khứ mà có thêm, bớt, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thực hiện lòng thương mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong việc bố thí, tâm tự dấy ý niệm muốn khiến cho tất cả chúng sinh thảy đều được an lành, đó là Bố thí.

Hoặc như lìa bỏ mọi liên hệ với kẻ khác, chẳng phải vì chán ghét bản thân mình mà là nhằm dứt sạch các mối trói buộc, đó là Trì giới.

Có thể nhẫn chịu khi bản thân bị kẻ khác mắng nhiếc hay dùng gậy gộc đánh đập mà thảy đều nhẫn được cả, lại hóa độ người khác cũng thực hien được nhẫn như mình, đó là Nhẫn nhục.

Như dốc tinh chuyên gồm đủ mọi gốc của công đức, không hề chán nản trong việc hóa độ vô số chúng sinh, lại càng tinh chuyên nhằm khuyến khích mọi người khiến họ xuất gia học đạo, đó là Tinh tấn.

Hoặc như chán ghét các nẻo ác, yêu thích các pháp thiền định dốc nhiều công đức để đạt đến cứu cánh, đó là Nhất tâm.

Do lòng thương xót mà trừ sạch mọi điều ác hiện bày, không hề biếng trễ bỏ dở, chỗ dấy khởi pháp thí là nhằm giảng dạy giáo hóa chúng sinh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là hoan hỷ tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong trường hợp thực hiện ân huệ tâm luôn vui vẻ không còn mang lòng giận dữ, đó là Bố thí.

Dốc tâm tin tưởng trong việc tuân giữ giới luật từ đó đạt được các đức lành, đó là Trì giới.

Hoặc như đem tâm nhu hòa tạo nên sự hổ thẹn, không chấp nhận sự thô bạo hung ác, đó là Nhẫn nhục.

Dốc sức siêng năng tu tập tâm không chút sân hận, tự giúp đỡ cho kẻ khác, khéo tư duy nhưng không mang lòng nóng vội hoảng hốt, đó là Tinh tấn.

Như vui thích trong cảnh tịch tĩnh, tâm luôn được thanh tịnh, tạo lập thành tựu dứt trừ các thứ tham dục, đó là Nhất tâm.

Đối với các việc thi ân giúp đỡ tâm không chút dựa cậy nương nhờ, phụng hành đạo pháp luôn dứt bỏ mọi vọng cầu phước báo, quan sát nơi trí tuệ mà nhận lấy giác ý, chọn giác ý rồi thì tu theo pháp vô nguyện để tạo lập các cửa giải thoát, không rơi vào cõi điên đảo nên tránh được mọi nẻo xâm phạm, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vo cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích giúp đỡ tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong trường hợp giúp đỡ tâm luôn dứt hết mọi vướng mắc, tham chấp, phụng hành các pháp bình đẳng, không mang vọng tưởng, đó là Bố thí.

Như thể hiện sự thận trọng gần gũi với các giác ý, tâm tinh tấn, không dấy các phiền não, đó là Trì giới.

Hành động theo nẻo “vô sở tưởng” tâm chí đều thể hiện rõ ràng trong sáng, trong ngoài thảy đều an định dứt trừ hết mọi tham cầu, đó là Nhẫn nhục.

Thông tỏ các pháp hữu vi, quán xét nơi các pháp vô vi, tâm dứt sự phân biệt hai nẻo, đó là Tinh tấn.

Như dùng các pháp thiền định để quan sát về sức lực tạo cho sự tịch nhiên càng thêm tăng trưởng hết mực, ở mọi nơi đạt đến yếu tố ấy luôn đứng đầu, đó là Nhất tâm.

Tin tưởng ở ánh sáng của Bậc Giác Ngộ, tu tập đạo nghĩa, do tình thương vô bờ mà dốc tâm khai hóa dẫn dắt mọi người, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích kẻ theo tà kiến tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Đối với các học thuyết lộn xộn, phiền toái của đám ngoại đạo, có thể đi vào các đền thờ cúng của họ, tùy thuận theo ý họ mà dẫn dắt giáo hóa, cũng như theo gương hàng Phạm chí tạo tác làm hưng khởi phước đức, đó là Bố thí.

Như trường hợp có bọn giặc tập hợp đông đúc làm điên đảo giới luật, bị bọn giặc sai khiến dẫn dắt nhưng ở đấy vẫn làm hiển lộ đức hạnh của mình, duyên theo đó mà hóa độ, đó là Trì giới.

Hoặc ở nơi chốn đông đúc phưc tạp với từng ấy hành động phiền nhiễu dẫn tới những xâm phạm mà mình vẫn không hề tỏ lo âu chán ghét, đó là Nhẫn nhục.

Có những trường hợp cung cấp giúp đỡ, nếu hòa nhập vào các pháp thế tục thì cũng không bị cuốn vào trong ấy mà nhân đó nêu bày giảng giải về ý nghĩa của nẻo tịch tĩnh an nhiên, đó là Tinh tấn.

Như dấy khởi các pháp thiền định, cho dù đi đến các cõi tăm tối vẫn an vui nơi cảnh giới ấy, an vui với nẻo “vô sở lạc” tức lấy đạo pháp làm điều an lạc, đó là Nhất tâm.

Hoặc dùng hình tượng của bậc Phạm chí để nhằm giáo hóa chúng sinh, tùy theo chỗ thuận hợp trong hành động mà dạy dỗ dẫn dắt, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích kẻ theo chánh kiến tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trường hợp nhập vào tập tục là nhằm để nêu bày giảng dạy các pháp: Bố thí đạt được phước đức, giữ đúng giới luật được sinh lên cõi trời, mọi tạo tác lành dữ đều có quả báo thích ứng, đem điều ấy mà cứu giúp họ, đó là Bố thí.

Hoặc ở vào đời không có Phật, Bồ-tát, nhưng chưa từng nghe theo lời các đám bạn ác, đó la Trì giới.

Như các vị Bồ-tát thanh tịnh trong lành không chút cấu uế, cũng như nơi ngọn núi Tuyết sinh ra cây cối xanh tốt, từng có chư Thiên, quỷ thần, chúng Long thần cùng đến vui chơi trong ấy, đó là Nhẫn nhục.

Chỗ dốc sức tu tập dứt trừ bỉ – ngã, ví như kẻ buôn bán muốn đi đến nơi chốn xa xôi thì phải có nơi lo toan mọi việc, đó là Tinh tấn.

Như đem trí tuệ để làm sáng tỏ thêm các pháp ở bậc Tứ thiền, cũng chính là “không có nơi chốn giúp đỡ”, đó là Nhất tâm.

Dùng ánh sáng của bậc Thánh soi tỏ thương xót hết thảy chúng sinh nhất là hạng căn trí còn chậm chạp, cũng như ngày trước đã học về cội rễ của giáo pháp, dùng một câu tụng kệ để giảng giải cho tám vạn bốn ngàn quốc độ, thôn ấp, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích trụ nơi nhận thức tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Bồ-tát, giả sử đang ở trong cảnh mộng, tâm không keo kiệt, ganh ghét, tuy Phật không hiện ra mà tâm vẫn không khác, huống chi là ở trong hiện tại, đó là Bố thí.

Như gặp phải tội lỗi ác độc cùng có thể mất cả thân mạng, nhưng chưa từng phạm các giới cấm, đó là Trì giới.

Nơi chốn sinh ra cùng với ánh sáng hội đủ, vừa sinh thì liền được nghe về cội rễ của pháp nhẫn thanh tịnh nên đạt được Phật đạo, đó là Nhẫn nhục.

Nơi chốn sinh ra thường thấy việc nêu giảng dẫn dắt khai hóa chúng sinh, dùng đạo pháp ấy mà dạy dỗ người khác, đó là Tinh tấn.

Ở mỗi mỗi nơi sinh ra luôn nhớ nghĩ về đạo, thích thú trong việc tạo lập hành động dẫn tới những tiếp cận về nhận thức nơi bản tính như nhiên nên gắng đạt như thế, đó là Nhất tâm.

Như đem việc hóa độ thế gian cùng xem xét mọi sự việc ở đời, thảy đều không chủ thể, bản thân luôn đứng riêng không tùy thuộc kẻ khác, sự hiểu biết sáng suốt ấy như thế là luôn nêu bày hết sức thành thật, mọi tạo tác của thân, khẩu, tâm luôn thận trọng khiêm tốn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích vô trụ tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như sử dụng các ân ích theo phương tiện cứu giúp những nơi chốn có nhieu kẻ cùng khốn, đó là Bố thí.

Thân tâm luôn thận trọng, tâm dứt mọi sai phạm cũng như không hề phóng dật, đó là Trì giới.

Dù đạt đến pháp không thoái chuyển cũng không rời pháp nhẫn, đó là Nhẫn nhục.

Tư duy về het thảy muôn vật để nhận ra tính chất “Bất khả đắc” của chúng, siêng năng theo phương tiện tu tập nẻo “vô sở trụ” do nẻo vô tục ấy mà khuyến trợ sáu pháp Ba-la-mật, đó là Tinh tấn.

Như đối với trong ngoài đều không có chỗ vướng mắc, vì chúng sinh còn mê lầm nên tâm bị che lấp không thông tỏ, lại vướng chấp nẻo ngã tưởng mà không rõ lý vô ngã, vì hạng chúng sinh ấy mà phân biệt nêu giảng để họ ngộ được hết thảy là không, đó là Nhất tâm.

Hoặc chẳng rời bỏ các quả vị Thanh văn, Duyên giác, dùng giáo pháp của Bậc Giác Ngộ sáng suốt, nương nơi Nhất thiết trí, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích dứt mọi dựa cậy tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như tập hợp tăng thêm ân ích khiến cho hết thảy chúng sinh trong ba cõi thảy đều vui mừng, cũng như sự phát khởi thệ nguyện từ thời Phật Định Quang, đó là Bố thí.

Hoặc thực hiện việc tuân giữ giới luật mà tâm dứt mọi nẻo nương tựa cũng như mong cầu, đó là Trì giới.

Ví như tâm luôn thể hiện sự nhân ái, hòa dịu, uyển chuyển, chưa từng dấy vọng tưởng đối với hết thảy các pháp, đó là Nhẫn nhục.

Siêng năng tu tập các hạnh mà không tham vướng, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định, làm chủ các đối tượng đạt đến địa Bồ-tát, dứt hết mọi nẻo điên đảo, đó là Nhất tâm.

Như dùng trí tuệ bậc Thánh tiêu trừ mọi thứ phiền não, quy ngưỡng về đạo lớn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thúc đẩy ý mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Ý luôn tự nhớ nghĩ: Nơi chốn tế độ của Bồ-tát là nhằm thành tựu cõi Phật, là nhân để hoàn tất cứu cánh của quá trình hành hóa, đó là Bố thí.

Luôn tự giữ mình, dứt bỏ ba nẻo ác không tạo các nghiệp dẫn đến tội lỗi, đó là Trì giới.

Luôn sẵn tâm Từ bi nhân hòa nên nhận được phước báo thân tướng tốt đẹp, đoan chánh tuyệt vời, không ai mà không mến mộ, ca ngợi, đó là Nhẫn nhục.

Dốc sức tu tập, như đi vào biển lớn tìm kiếm ngọc báu Như ý, tiêu diệt hết mọi khó khăn, đạt được pháp tự tại, đó là Tinh tấn.

Như thực hành các pháp thiền định để dứt trừ các thứ phiền não cấu uế, đúng như chí nguyện nêu bày và đã dốc đạt được, đó là Nhất tâm.

Dùng ánh sáng của Bậc Giác Ngộ để trừ diệt chúng ma, nhân đó mà giảng dạy giáo hóa khiến mọi người đều nghe theo, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là khuyến khích nhẫn nhục tu các pháp Độ vô cưc gồm có sáu sự việc?

Nơi chốn thực hiện bố thí, tâm luôn gắn liền với Phật đạo, chưa từng quên pháp nhẫn, đó là Bố thí.

Như đem chí nguyện tịch tĩnh giải thoát cứu giúp chúng sinh ở cõi địa ngục, ma oán không thể xâm phạm mà pháp cũng không thoái chuyển, đó là Trì giới.

Hợp lý trong việc phụng hành chánh pháp, tâm dứt mọi ganh ghét, như vị Vương thái tử hiệu là Đức Quang: Thực hiện công việc bố thí một cách tự tại chỉ trong một ngay xả bỏ hết tất cả mọi thứ sở hữu để làm vị đệ tử của Phật. Vị vương tử ấy đã bố thí xe cộ, voi ngựa, cờ phướn, dù lọng dày kín cả một vùng bốn mươi dặm, nào chuỗi anh lạc, y phục, vật báu, vô số hương hoa. Xả bỏ tám vạn bốn ngàn thể nữ, lìa nước bỏ ngôi, cả chân tay tai mũi đầu mắt xương thịt, các chi thể trên người cùng vợ con thảy đều bố thí, không trái với ý của kẻ đòi hỏi. Rồi vương tử xuất gia làm một vị Sa-môn để phụng hành chánh pháp, đó là Nhẫn nhục.

Chỗ tuân phụng các giới luật là nhằm dốc tu tập dứt trừ mọi vướng chấp, đó là Tinh tấn.

Như ở trong cảnh mộng trông thấy nhiều nàng ngọc nữ mà không dấy tâm tham đắm, thân tướng gom đủ các vẻ tốt đẹp, dung mạo thanh tịnh, đó là Nhất tâm.

Hoặc như đi vào trong thành, tâm luôn giữ lấy trí sáng suốt, trông thấy vị Tỳ-kheo liền dốc tâm tôn kính không hề dấy bất kỳ một vọng tưởng nào, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là tạo nghiệp và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thân tự lập, chuyên tu phạm hạnh, chỗ có thể khuyến trợ đạt được nhiều lợi dưỡng. Gặp lúc đạo phap suy diệt liền lấy y che hình ẩn tu giữ đạo, chí nguyện tu học cùng hành đạo cũng giống như ánh sáng tỏa lên từ một đóa hoa, hiện cầu thân Phật tất không hề bị mất, năm cành hoa mới và năm cành hoa cũ cũng đều bay tơi và trụ nơi vai Phật, do báo ứng ấy mà đạo pháp được hưng thịnh, chánh pháp truyền bá ở đời đến năm trăm năm, tượng pháp cũng như vậy, đó là Bố thí.

Hoặc như đem các giới luật được tuân giữ diệt trừ các hành nghiệp ác của kẻ khác, tùy theo chỗ thiếu và cần của họ mà dốc tâm cứu giúp, đó là Trì giới.

Chỗ thể hiện tâm nhân hòa như gặp trở ngại mà không có được lợi lạc an lành tất sẽ được cứu giúp trong lúc nguy khốn. Cũng như người khách buôn bán đi vào biển lớn gặp phải loài cá Ma-kiệt, chợt thấy vùng biển cạn như những ao tắm, tất cả là hai mươi lăm ao, nơi mỗi ao ấy đều có con voi trắng, tức thì nâng thuyền buôn lên vượt khỏi nạn lớn, đó là Nhẫn nhục.

Giả sử gặp lúc cả thiên thượng và thế gian đều an ổn sung sướng, giống như thời xưa “Vô khai đạo chủ” muốn khiến cho tất cả đều tinh tấn, có vị Đại phạm thiên tên là Anh Diệu đã khuyến hóa vị Thiên đế và dạy dỗ mọi người khiến họ đều được sinh lên cõi trời, đó là Tinh tấn.

Thiền là vô sở sinh, chư Phật, Bồ-tát đều giảng dạy như vậy. Giả sử Bồ-tát khuyến khích chỉ dẫn cho chúng sinh khiến họ được sinh lên cõi Phạm thiên, từ cõi trời Quang âm đến cõi trời Vô tưởng, đó là Nhất tâm.

Hành động tạo tác của bậc Thánh giác ngộ là vì mọi nẻo ở thế gian mà nêu giảng về cuộc đời hiện tại, cũng chỉ dạy về các hành động để thoát khỏi cuộc đời này, như tu tập mười điều lành đem lại lợi ích cho đông đảo lê dân. Cũng như ngày xưa có vị quốc chủ tên là Đắc Sinh, vua có đôi mắt đẹp và tỏ ra mến mộ đạo pháp, vô số trong các đời đều thông tỏ diệu nghĩa ấy. Các vị vua đều thực hiện đạo Từ bi theo lời dẫn dạy của chư Phật, Bồ-tát. Rồi vua đem những điều đã được lãnh hội ấy mà nêu bày chỉ dẫn cho tất cả chúng sinh, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là dứt mọi nơi chốn tạo nghiệp mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Trong tâm luôn vui vẻ do từ mọi công sức tạo nên dẫn tới sự an lạc, hết thảy mọi cội nguồn đầu mối tâm đều khuyến trợ giúp đỡ. Nơi chốn có thể khuyến trợ thảy đều là tiêu biểu, nổi tiếng. Như thời xa xưa Bồ-tát gặp Đức Phật Định Quang đã dùng năm cành hoa tung lên để cúng dường Phật. Do chỗ vun trồng gốc công đức ấy nên đều khiến đạt được phước lành lớn và đạo đức dứt sạch mọi thứ vọng tưởng. Đến khi đạo pháp bị suy diệt, đều cùng dựa vào đấy mà tồn tại, đó là Bố thí.

Chỗ tu học luôn tinh tấn, ba nghiệp thân, khẩu, tâm luôn dứt mọi phương tiện quyền biến tính toán về đất đai, nơi chốn sống chết, đó là Trì giới.

Nẻo tu tập luôn thể hiện tâm nhân hòa, hâm mộ vui thích mong đạt được gốc của sự khổ, đó là Nhẫn nhục.

Đối với trường hợp tinh tấn là nhằm tạo lập nhưng liên hệ với cuộc đời để hóa độ đưa về với đạo pháp, đó là Tinh tấn.

Như tu tập các pháp thiền định, quán tưởng về cõi Phạm thiên với thọ mạng dài, ngắn, đó là Nhất tâm.

Chỗ nương theo ánh sáng của Bậc Giác Ngộ chưa từng thốt ra lời. Cũng như có vị Bồ-tát hiệu là Như Lai Nhật, thuận theo chúng sinh mà tuyên giảng một loại pháp, còn lại thì chính từ nơi bản thân nêu bày từng ấy phẩm pháp, tạo lập được cảnh giới tịch nhiên, rồi nhập Niết-bàn. Sau đấy chánh pháp được truyền ở đời trong từng ấy năm rồi mới bị suy diệt, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là “Hữu dư” tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Thơi xa xưa, Bồ-tát gặp Phật Định Quang, dốc tâm cúng dường và nhân đó phát thệ nguyện cầu đạt đạo pháp, đó là Bố thí.

Thân, khẩu đã dứt phiền não, nương tựa, an trụ nơi giới luật, không tin ở các đối tượng khác mà chỉ an vui với bản thân mình, đó là Trì giới.

Tánh thể hiện nhân hòa dứt mọi thô bạo, ác độc, quy ngưỡng về diệu lực của pháp tọa thiền, đó là Nhẫn nhục.

Giả sử trong khoảng thời gian dốc sức tu tập, sự nương tựa chính là chỗ an lạc trong quá trình đạt đến giác ngộ, đó là Tinh tấn.

Thực hành các pháp thiền định tư duy một cách hâm mộ vui thích là nhằm tiếp cận diệu lý không, chứ không chỉ dùng điều ấy làm sự an vui mà thôi, đó là Nhat tâm.

Như lãnh hội ánh sáng giác ngộ của bậc Thánh, tâm không có chỗ vướng mắc hoặc dứt hết mọi tham vướng, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là trụ nơi bậc Hữu dư thực hiện các phap Độ vô cực?

Không thể thuận theo sự thật để trở lại hướng tới một nẻo khác. Chí nguyện đạt đến cõi không là nơi chốn đạt được của hàng Thanh văn, Duyên giác. Pháp Phật như thế là khó trường tồn. Nhập vào mười địa mà hành động còn thoái chuyển, phải nên nhận rõ ý nghĩa ấy. Đó gọi là Bồ-tát “Hữu dư” thực hiện các pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là Bồ-tát Vô dư thể hiện các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Khuyến trợ chúng sinh nhận rõ về lẽ báo ứng trong cõi sinh tử, như có thể chấp nhận với các quả vị Thanh văn, Duyên giác, tạo được cảnh giới tịch nhiên, an định, không ngã theo con đường thoái chuyển, đó là Bố thí.

Sự báo ứng của việc tuân giữ giới luật xem như xa rời trí tuệ nhưng thực chất là có thể thâm nhập làm cho trí tuệ rộng mở, đó là Trì giới.

Thể hiện tâm nhân hòa cũng là bày tỏ sự sợ hãi đối với các nẻo ác, dù gặp chốn khổ nhục tâm cũng không sai phạm, đó là Nhẫn nhục.

Như dùng việc dốc sức tu tập để mong đạt nghiệp ma, bây giờ muốn tiêu diệt cõi ma ấy khiến cho mọi đầu mối cội rễ của tà kiến đều bị dứt sạch, đó là Tinh tấn.

Thực hành đúng đắn các pháp thiền định để nhận rõ giới hạn của thọ mạng cùng mọi cội rễ một cách rốt ráo, đó là Nhất tâm.

Như dùng trí tuệ để nhận thức biết rõ về thân mạng đời trước, nhằm dứt hết mọi khổ não lo âu mà ham thích thực hiện chí nguyện tu tập, đó là Trí tuệ Vô dư Ba-la-mật.

Do đâu mà được gọi tên là Ba-la-mật (Độ vô cực)? Đó là Bồtát đã đạt được từ chỗ thuận hợp để hóa độ theo sự mong cầu của cuộc đời, do vậy mà gọi tên là Sáu pháp Độ vô cực vô dư.

Thế nào gọi là sáng suốt tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Bồ-tát thực hiện bố thí kính phụng các bậc tôn trưởng không mong được phước báo, trong trăm ngàn kiếp sống ở đời ăn uống sinh hoạt, không chỉ vì thân mạng của riêng mình nên tâm ý không mang nỗi lo buồn, đó là Bố thí.

Chỗ tu tập theo diệu nghĩa của các pháp như đi đến nơi gốc cây chỗ Phật thành đạo, đối với tất cả các pháp không mang tâm hồ nghi, duyên vào đấy mới đạt đến Nhất thiết trí, đó là Trì giới.

Như thực hiện các pháp thiền định luôn dứt mọi vướng mắc tham chấp đối với mọi pháp, vì Nhất thiết trí cũng từ nơi ấy mà phát sinh, đó là Nhẫn nhục.

Siêng năng tu tập, an trụ nơi ánh sáng của trí tuệ để chuyển hóa năm thứ che phủ vây bủa, đó là Tinh tấn.

Như áp dụng các pháp thiền định để thành tựu Bậc Chánh Giác tối thượng, đạt được Thiên nhãn biết rõ về thân mạng đời trước cùng mọi nơi chốn từng trải qua, đó là Nhất tâm.

Nương theo bậc Thánh giác ngộ, nhằm diệt sạch mọi thứ phiền não đạt được Phật nhãn, các pháp đều được thông tỏ khắp nên tâm không còn chút do dự, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là an trụ nơi ánh sáng để giữ vững, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

An trụ nơi chánh pháp, cúng dường giáo pháp của Phật khiến cho kinh điển được tồn tại, lưu truyền, đó là Bố thí.

Nơi chốn hành động cũng như dừng nghỉ đều hội nhập với diệu nghĩa Như Lai, thân trong sáng, khẩu thanh tịnh, dứt sạch mọi thứ tưởng chấp, đó là Trì giới.

Thể hiện sự nhu hòa thuận hợp, hành hóa chẳng ngã về đời, đối với các pháp không hề động chuyển, đó là Nhẫn nhục.

Thấu đạt về các quả vị Thanh văn, Duyên giác, tiêu trừ mọi thứ phiền não cấu uế cho đến đạt được giải thoát, đó là Tinh tấn.

Chỗ thực hiện các pháp thiền định là mong cho chúng sinh tâm niệm cùng mọi nẻo hành động đều theo ánh sáng trí tuệ vang tỏa khắp, đó là Nhất tâm.

Do nhận biết con đường đi đến giải thoát nên không để mất hoàn cảnh thuận tiện mà thực hành đạo Từ bi của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là hưng thịnh, thành tựu tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Phật xuất hiện ở đời chính là đã thành tựu được một thứ tài sản lớn lao quý giá, các bậc Thánh hiền vô lượng đều nhận lãnh những lời chỉ dạy của chư Phật thời quá khứ, đó là Bố thí.

Phật thị hiện ở đời được hưng thịnh diệt trừ mọi thứ phiền não cấu uế, do hành động khuyến trợ ấy mà đạt được giải thoát, đó là Trì giới.

Đem tâm nhân hòa nhận lãnh giáo pháp của Đức Thế Tôn, lại biết rõ nẻo dừng dứt, không rơi vào sự biếng trễ cho tới khi đạt được hạnh nguyện lớn, đó là Nhẫn nhục.

Như đem việc dốc sức tu tập để tạo lập thệ nguyện rộng lớn, như người có được công đức ấy mà ở ngôi vị vua chúa cũng không dấy tâm sai trái đối với đạo pháp, đó là Tinh tấn.

Thực hiện cac pháp tư duy thiền định tâm luôn nhớ nghĩ đến

Phật, không để mất nẻo đường đi đến giác ngộ, đó là Nhất tâm.

Như đem ánh sáng của Bậc Giác Ngộ khuyến trợ việc tu tập đạt giải thoát, như Phật đã từng khai thị giáo hóa thân tâm của năm người đệ tử, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là ý dứt mọi phiền não tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Thực hành việc thi ân thích hợp với ý nguyện, dốc tâm phụng hành đạo pháp là nhằm hóa độ bao kẻ khác, đó là Bố thí.

Tuân phụng đạo pháp, hành động hết mực để giúp cho mọi người chế ngự ba nghiệp thân, khẩu, ý, đó là Trì giới.

Nẻo tu tập nhân hòa chính là sự nhẫn thâm diệu, cho dù gặp lúc chánh pháp bị suy diệt, chí vẫn kiên cố bảo tồn, đó là Nhẫn nhục.

Chỗ dốc tu tập kiên định sẽ mang lại ánh sáng của đạo pháp khiến tâm không bị mê lầm, đó là Tinh tấn.

Giả sử nơi các pháp thiền định là nhằm tiếp cận thể hiện diệu lý không–vô, dứt hết mọi tưởng, nguyện, cũng như tâm không chút mong cầu, đó là Nhất tâm.

Nương theo ánh sáng của bậc Thánh để suy nghĩ về nẻo lo lắng buồn phiền của chúng sinh, dốc tâm từ nhớ nghĩ đến tất cả và muốn cứu giúp, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–The nào gọi là tạo lập sự hưng thịnh của Phật ngay nơi chốn nhà ở mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có các trường hợp bố thí nên luôn dấy khởi năm sự việc, đó là:

  1. Tạo nên chỗ ngồi đàng hoàng.
  2. Tạo nên nơi chốn để giảng nói pháp.
  3. Tạo được số quyến thuộc đông đảo.
  4. Tạo nên sự ham thích nghe pháp.
  5. Tạo nên sự biên chép thành sách báo, đó là Bố thí.

Chỗ thể hiện việc thực hành các giới luật luôn đầy đủ không he bị sai phạm, đó là Trì giới.

Đem tâm nhân hòa để dứt bỏ mọi vọng tưởng chấp trước của con người chẳng tính kể đến thọ mạng, đó là Nhẫn nhục.

Như dốc siêng năng tu tập thể hiện mọi tạo tác bình đẳng nhằm nêu bày ro diệu nghĩa của đạo pháp, đó là Tinh tấn.

Dùng tâm tĩnh lặng an định để thực hiện sự bình đẳng khắp chốn, phụng hành đức lớn, ý dứt mọi sở nguyện, đó là Nhất tâm.

Như đem ánh sáng của trí tuệ quy ngưỡng về các chân lý của Bậc Giác Ngộ, không nơi chốn nào là không thông tỏ, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là thấy người xuất gia đến mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối với trường hợp bố thí, giữa tâm niệm và việc làm đều thuận hợp để dẫn tới nẻo hành hóa vô lậu, đó là Bố thí.

Luôn tỏ ra thận trọng nhằm giữ gìn các nghiệp về thân, khẩu, thích hợp với quá trình tu tập giải thoát, đó là Trì giới.

Như đem tâm nhân hòa bày tỏ mối chán ghét đối với ba cõi cùng dứt hết mọi tham vướng, đó là Nhẫn nhục.

Dốc tu các hạnh chính đáng, quy ngưỡng về nẻo dừng của bốn ý thú mà phát sinh đạo ý, đó là Tinh tấn.

Dùng các pháp thiền định thể hiện bốn tâm vô lượng, lo lắng chán ghét về các nạn trong khắp nẻo sinh tử, đó là Nhất tâm.

Như đem ánh sáng của bậc Thánh mà xua tan giũ sạch mọi thứ tư duy sầu não nhằm tu theo nẻo giải thoát, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là do nghe rộng biết nhiều dẫn tới tâm thương xót mà tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như trong trường hợp đem giáo pháp nêu bày chỉ dẫn về nẻo tinh tấn cùng giúp đỡ cho đám người cùng khổ, đó là Bố thí.

Thọ trì đạo pháp, cho dù phải xả bỏ thân mạng cũng không tham tiếc, đó là Trì giới.

Trong thời kỳ chánh pháp sắp bị suy diệt, vẫn thể hiện đúng tâm nhân ái hòa hợp, Bồ-tát phát tâm tùy thuận một cách thích ứng với hoàn cảnh, tự hy sinh thân mình để bày tỏ sự yêu mến bảo vệ chánh pháp, đó là Nhẫn nhục.

Như dốc sức tu tập nhằm đạt được các pháp Tổng trì, luôn lãnh hội thâm nhập không hề quên, đó là Tinh tấn.

Dùng các pháp thiền định khiến tâm được thông tỏ, thể nhập diệu lý mười hai duyên khởi tức là “Không nơi chốn nào dấy khởi cả”, đó là Nhất tâm.

Như đem sự hiểu biết để nhận rõ mọi nơi chốn từng trải qua để dốc tu các pháp tịch tĩnh giải thoát, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

–Thế nào gọi là xuất gia không lìa giới luật tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Chỗ giúp đỡ kẻ khác theo sở nguyện của mình cũng là nhằm phụng hành đúng lời dạy của bậc Pháp sư, đó là Bố thí.

Nẻo thực hành giới luật là nhằm tuân thủ thể hiện lòng thương lớn lao, dứt hết moi khía cạnh giận dữ, đó là Trì giới.

Chí nguyện nhân hòa không mang tâm mưu hại sâu hiểm, luôn khiêm tốn, cung thuận dứt mọi vẻ tự đại, ngã mạn, đó là Nhẫn nhục.

Con đường siêng năng tu tập là dũng mãnh, tự tin không hề khiếp nhược, đó là Tinh tấn.

Nẻo thiền định tư duy hết mực là nhằm thực hiện bảy Giác ý, thông tỏ mọi nẻo xa gần, không chốn nào là không thấu đạt, đó là Nhất tâm.

Nơi chốn cùng tột của sự hiểu biết là từ khả năng thấu tỏ tất cả mà vẫn không rời pháp nhẫn, đó là Trí tuệ.

Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.