KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 9: LỰC HẠNH

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Hạnh bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có, chư Phật, Bồ-tát là những bậc đã tạo lợi ích lớn, khiến chúng sinh thực hành tinh tấn theo như chỗ thuyết giảng.

Bạch Thế Tôn! Đối với người biếng nhác thì không thể thực hành đúng như chỗ thuyết giảng, nên tuy gặp được trăm ngàn vạn Đức Phật, cũng không thể thực hiện được. Nên biết, từ sự siêng năng tinh tấn mới đạt đến giác ngộ giải thoát.

Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Này Bồ-tát! Ông biết Bồ-tát thực hành thế nào mới gọi là siêng năng tinh tấn?

Bồ-tát Đẳng Hạnh đáp:

-Nếu Bồ-tát có thể chứng đắc Thánh đạo thì gọi là siêng năng tinh tấn.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

-Thực hành như thế nào thì có thể chứng đắc Thánh đạo?

Bồ-tát Đẳng Hạnh đáp:

-Nếu đối với các pháp mà không có sự phân biệt, hành giả thực hành như vậy thì có thể đạt được Thánh đạo.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

-Thế nào gọi là đạt được Thánh đạo?

Bồ-tát Đẳng Hạnh đáp:

-Nếu hành giả ở trong bình đẳng thấy các pháp bình đẳng, đó gọi là chứng đắc Thánh đạo.

Lại hỏi:

-Bình đẳng có thể thấy được sao?

Bồ-tát Đẳng Hạnh đáp:

-Chẳng thấy! Vì sao? Vì nếu bình đẳng có thể thấy được thì chẳng phải là bình đẳng.

Phạm thiên Tư Ích nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Nếu hành giả ở trong bình đẳng chẳng thấy các pháp thì đó gọi là chứng đắc Thánh đạo.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Vì sao chẳng thấy?

Phạm thiên Tư ích đáp:

-Xa lìa hai tướng nên chẳng thấy, chẳng thấy tức là chánh kiến.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Ai có thể đạt được chánh kiến về thế gian?

Phạm thiên đáp:

-Người không hủy hoại tướng thế gian.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Thế nào là không hủy hoại tướng thế gian?

Phạm thiên đáp:

-“Như” của sắc không riêng, không khác. “Như” của thọ, tưởng, hành, thức cũng không riêng, không khác. Nếu hành giả thấy năm ấm bình đẳng với tướng “Như” thì đó gọi là chánh kiến về thế gian.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Những gì là tướng thế gian?

Phạm thiên đáp:

-Diệt tận là tướng thế gian.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Tướng diệt tận có thể tận chăng?

Phạm thiên đáp:

-Tướng diệt tận ấy không thể tận.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Vì sao nói tướng thế gian là tướng diệt tận?

Phạm thiên đáp:

-Tướng diệt tận hoàn toàn của thế gian là tướng không thể cùng tận. Vì sao? Vì đã diệt tận rồi thì chẳng còn tận nữa.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Đức Phật chẳng phải đã thuyết giảng tất cả pháp hữu vi là tướng diệt tận sao?

Phạm thiên đáp:

-Thế gian là tướng diệt tận mà hoàn toàn không thể diệt tận. Cho nên, Đức Phật giảng thuyết tất cả pháp hữu vi là tướng diệt tận.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Thế nào gọi là pháp hữu vi?

Phạm thiên đáp:

-Do tướng diệt tận nên gọi là pháp hữu vi.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Pháp hữu vi trú ở chỗ nào?

Phạm thiên đáp:

-Trú trong tánh vô vi.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Pháp hữu vi và pháp vô vi có gì sai khác?

Phạm thiên đáp:

-Văn tự, ngôn thuyết của pháp hữu vi và pháp vô vi thì có sự sai khác. Vì sao? Vì do văn tự, ngôn thuyết nêu lên đây là hữu vi, đây là vô vi. Nếu xét về thật tướng của pháp hữu vi và vô vi thì không có sự khác nhau, do thật tướng không sai biệt.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Những gì là nghĩa thật tướng của các pháp?

Phạm thiên đáp:

-Tất cả các pháp bình đẳng không có sự khác biệt, đó là nghĩa thật tướng của các pháp.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Những gì là nghĩa?

Phạm thiên đáp:

-Dùng văn tự để thuyết giảng khiến cho mọi người được hiểu rõ, nên gọi là nghĩa. Vì sao? Vì nghĩa của thật tướng thì không giống như văn tự được nói ra. Tuy chư Phật dùng văn tự để có ngôn thuyết nhưng đối với nghĩa của thật tướng thì không có tăng giảm. Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tất cả ngôn thuyết đều chẳng phải là ngôn thuyết. Cho nên, lời nói của Đức Phật gọi là “không thể nêu bày”. Chư Phật không thể dùng tướng của lời nói để thuyết giảng.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Làm sao diễn tả được thật tướng của Đức Phật?

Phạm thiên đáp:

-Chư Phật Như Lai không thể dùng sắc thân để nói về tướng, không thể dùng ba mươi hai tướng để thuyết giảng về tướng, không thể dùng các pháp công đức để nói về tướng.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Chư Phật có thể lìa ba mươi hai tướng của sắc thân và các pháp công đức để nói về tướng được chăng?

Phạm thiên đáp:

-Không thể. Vì sao? Vì sắc thân là “Như”, ba mươi hai tướng là “Như”, các pháp công đức là “Như”. Chư Phật là “Không”, là “Như”, cũng chẳng phải lìa “Như”. Như vậy có thể nói về thật tướng của Phật mà không làm mất “Như”.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Chư Phật Thế Tôn chứng được những pháp gì mà có danh hiệu là Phật?

Phạm thiên đáp:

-Chư Phật Thế Tôn thông suốt tánh tướng của các pháp là ‘Như” nên gọi là Như Lai, Chánh Biến Tri.