SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 9: HIỂU RÕ TÀ VẠY

Thiện Nghiệp hỏi Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với Bồ-tát, những thứ sắp học tập phải làm thế nào để biết sự khó khăn của nó?

Đức Phật dạy:

–Muốn học Minh độ vô cực thì tâm không ưa thích, phải hiểu tà vạy là tâm vọng động, rồi vội vàng phát tâm muốn học tập, rốt cuộc rối loạn phát sinh. Nếu viết chép kinh này, sấm sét làm lo sợ Bồ-tát chuyển sang nhìn thấy chung quanh đùa giỡn. Viết chép kinh này, niệm tà vạy không dính mắc vào kinh, từ chỗ ngồi đứng dậy đi, tự nghĩ: “Ta không có pháp thọ ký, không ở trong Minh độ thì tâm rối loạn phát sinh, bên trong không được thanh tịnh.” Tự nghĩ: “Quê hương xứ sở của ta không nghe kinh này”, ý hối hận bỏ đi. Người ấy qua nhiều kiếp về sau, nghe kinh đạo khác vui mừng thì không thể nào gánh vác Minh độ, nên theo kinh khác, liền rơi vào đạo Ứng nghi, Duyên giác. Đây là cành lá, ví như người nam được voi, xem chân nó. Thế nào, có đúng không?

Thưa:

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Như vậy cầu đạo Bồ-tát mà vứt bỏ Minh độ, lại tu hành kinh khác thì chỉ được đạo Ứng nghi, Duyên giác, có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Ví như muốn thấy biển lớn nhưng lại nhìn vũng nước rồi nói rằng đó là biển lớn, có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát vứt bỏ Minh độ sâu xa mà lấy kinh khác, rơi vào đạo Ứng nghi, Duyên giác, có trí không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Ví như làm cung điện tuyệt đẹp, ý người thợ muốn cung điện bằng mặt trời mặt trăng, vậy theo ý Thiện Nghiệp có làm được không?

–Bạch Đức Thế Tôn! Chắc chắn không làm được.

–Người thợ này có nhỏ không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Cầu Bồ-tát, đã ở yên trong Minh độ rồi lại vứt bỏ, đi học giáo pháp của đạo Ứng nghi, Duyên giác, muốn ở trong đó cầu Phật đạo, người này có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Ví như thấy hoàng đế Phi Hành, trái lại thấy hình dung của tiểu vương mặc y phục, nhìn kỹ vị ấy rồi nói: “Đây chính là Hoàng đế Phi Hành”, người này có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Bồ-tát vị lai được pháp sâu xa rồi lại vứt bỏ, đi vào pháp Ứng nghi muốn cầu Phật đạo. Thế nào, có trí không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

–Ví như người rất đói, được trăm vị thức ăn lại không ăn, chỉ muốn được sáu mươi vị thức ăn. Người lái buôn được hạt ngọc Minh nguyệt vô giá, đem thủy tinh so với hạt ngọc Minh nguyệt, người này có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát vị lai được kinh Minh độ, lại đem so sánh với đạo

Ứng nghi rồi vứt bỏ, đi vào pháp Ứng nghi muốn được thành Phật. Lại nữa, khi đang viết chép tà vạy làm cho tài lợi từ phương khác đến, nghe lợi liền bỏ pháp, không thể viết hoàn tất được, nên hiểu là do tà vạy gây ra. Khi viết chép kinh này chớ nói rằng tôi viết. Chớ nói như vậy. Nên nghe theo trong kinh quả quyết nói. Tà vạy được dịp thuận tiện. Nếu không như vậy thì cảnh giới tà vạy rỗng không. Khi viết, ý hoặc dính mắc vào binh giặc rối loạn thế gian, thân thuộc, tài lợi, cơm áo, bệnh tật, thuốc men, nhớ cha mẹ, anh em và nhớ nhiều thứ khác. Bồ-tát nên sáng suốt hiểu đây là do tà vạy sai sử. Lại nữa, ta có kinh sâu xa, tà vạy theo thứ lớp học, liền thực hành loạn ý Minh độ, khiến bỏ gốc theo ngọn, bèn không được biến trí tuệ quyền biến.

Phật dạy:

–Bồ-tát Đại sĩ muốn giảng nói biến trí tuệ quyền biến phải theo Minh độ mà tìm, nhưng bây giờ đạt được lại vứt bỏ, đi vào đạo Ứng nghi tìm kiến trí tuệ quyền biến, Bồ-tát này có đúng không?

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy:

–Người lãnh thọ kinh muốn nghe pháp, Pháp sư không an ổn. Nếu Pháp sư an ổn muốn ban cho Minh độ thì người lãnh thọ kinh lại bỏ đi. Thấy trò không hòa hợp, viết chép không hoàn thành. Người học đến lãnh thọ thì Pháp sư muốn đến nơi khác. Cả hai không hòa hợp, hoặc Pháp sư nghĩ về y phục, ăn uống, tài lợi… thì người thọ kinh cũng không đem ra cúng dường, rốt cuộc không được Minh độ. Như vậy nên biết do tà vạy gây ra. Người thọ kinh giả sử không có gì yêu tiếc, không trái nghịch Pháp sư thì đệ tử thưa hỏi mọi việc với Pháp sư có kinh này thì thầy không chịu giải thích. Người thọ kinh oán hận lui sụt, hoặc lúc Pháp sư muốn nói thì người lãnh thọ không vui. Hoặc thân thể Pháp sư mỏi mệt không thể đứng giảng nói kinh được. Người học ý chí mạnh mẽ, mà không được học nên biết là tà vạy gây ra.

Lại nữa, khi giảng nói hay viết chép kinh pháp này chợt có người đến nói địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú rất khốn khổ, nên sớm dứt trừ nó để làm Ứng nghi không bị tai họa nặng. Hoặc đối với mọi người khen ngợi cõi trời vui sướng, nói rằng ở đó có năm dục tùy ý, cũng có thể nhất tâm nghĩ nhớ rỗng không. Tuy được nhớ nghĩ nhưng nên lìa xa thọ các khổ đó, không bằng ở đây cầu đạo Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, chớ tôn thờ hư không hư hoại.

Lại nữa, Pháp sư tâm cao quý có nghĩ rằng: “Có cung kính quy y ta, ta ban cho Minh độ, còn không thì thôi.” Người học tự quy y, không tránh né việc khó khăn nào thì Pháp sư không chịu trao cho, lại muốn đến bốn nơi đáng sợ hãi rồi bảo: “Ta muốn đến giữa năm đầm trống, trong đó có cọp, sói, giặc cướp, nơi lúa gạo quý hiếm, ngươi hãy suy nghĩ, bàn luận cho thật kỹ rồi hãy theo ta đi, chịu đựng các thứ khổ não này về sau không được hối hận.”

Đệ tử buồn lo thưa: “Thầy có sự hiểu biết sâu kín mà không chịu trao truyền, con biết làm sao?” Ý trí thầy trò trái nghịch nhau, lúc viết chép, học tập, tụng kinh, kinh hành về Minh độ thì đệ tử tức giận, chán ghét không chịu lãnh thọ học tập, muốn bỏ về thế tục, làm cho ý nghĩa kinh pháp bị bít lấp, nên biết do tà vạy gây ra.

Lại nữa, thầy mạnh khỏe đi khất thực, khi lười biếng thì liền nói với người học: “Ta nên đến nơi nào có sự thăm hỏi.” Do không biết như vậy nên lúc học tụng, kinh hành mà gặp việc này thì hiểu là do tà vạy gây ra.

Lại nữa, tà vạy xấu xa, thường tìm chỗ thuận lợi của nó, phiền não như thế, không lãnh thọ được pháp sâu xa.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao vậy?

Phật dạy:

–Tà vạy xấu xa, chủ trương hành động phỉ báng Minh độ rằng: “Ta có kinh sâu xa, ý nghĩa nhiệm mầu, ngoài ra đều là phi pháp”, thế nên tâm Bồ-tát mới học nghi ngờ, e rằng chẳng phải Minh độ vô cực nên từ đầu đến cuối không chịu học. Khi việc tà vạy nhất thời nổi lên, nếu có Bồ-tát nào giữ sâu việc hành thiền thì được đạo Dự lưu. Đây là chứng đắc.