SỐ 159
KINH ĐẠI THỪA BẢN SINH TÂM ĐỊA QUÁN
Hán dịch:  Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Bát-nhã, người nước Kế tân
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 9: CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM

Bấy giờ, Đại Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, như Phật nói ở nơi A-lan-nhã, công đức thành tựu sẽ được thành Phật, vậy Bồ tát làm sao và tu các công đức gì mà có thể ở trong nơi A-lan-nhã này được? Kính xin Đức Thế Tôn vì chúng con mà giải thuyết cho.

Lúc đó, Đức Phật bảo Đại Bồ tát Di Lặc:

– Này thiện nam, cần tu học chỉ có một đức, là người ấy có thể ở nơi A-lan-nhã, cầu Vô thượng đạo được. Một đức ấy là gì? Là “quán tất cả căn nguyên phiền não, tức là tự tâm”, hiểu thấu pháp ấy là có thể chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được. Sở dĩ thế là sao? Ví như chó dại bị người đánh đuổi, chỉ đuổi theo ngói, đá, chứ không đuổi theo người. Trong đời mai sau, ở nơi A-lan-nhã, người mới phát tâm cũng như thế. Nếu thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tâm người ấy bị nhiễm đắm, là người ấy không biết căn bản phiền não, không biết nguyên nhân của năm cảnh từ tự tâm sinh ra; đó tức là chưa thể an trụ ổn định nơi A-lan-nhã được. Do nhân duyên ấy, tất cả Đại Bồ tát thích ở nơi tịch tĩnh, cầu đạo Vô thượng. Nếu khi cảnh của năm dục hiện ra trước mắt, nên quán sát tự tâm và nên nghĩ thế này: “Ta từ đời vô thỉ đến ngày nay, luân hồi trong sáu cõi, không có kỳ nào ra được là nơi vọng tâm sinh ra mê hoặc, điên đảo, đối với cảnh của năm dục, tham ái nhiễm đắm”. Bồ tát như thế gọi là người có thể chịu đựng ở nơi A-lan-nhã. Nếu có người hỏi: “Chúng sinh nào ở đời mai sau sẽ được thành Phật?”. Nên chỉ người ấy trong đời sau, thoát khỏi khổ trong ba cõi, phá bốn ma quân chóng thành Bồ đề, chứng nhập trí tuệ Phật, tất cả thế gian: Thiên, Long tám bộ… đều nên cúng dường! Nếu các thiện nam và thiện nữ nào lấy tâm thanh tịnh cúng dường Phật tử ở nơi A-lan-nhã như thế, sẽ được vô lượng vô biên phước đức. Như có người đem mọi thứ châu báu cúng dường mẹ hiền được công đức thế nào, thời công đức kia cũng như thế không khác. Sao vậy? Người ấy sẽ đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển xe Chánh pháp, độ chúng trời, người, nối dòng Tam bảo khiến không đoạn tuyệt và sẽ là chỗ quy y cho chúng sinh.

Lại nữa thiện nam, có hai pháp ràng buộc người tu hành, làm cho họ không chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được: Một là yêu thích tà pháp chấp đoạn. Hai là yêu thích của báu, đồ vui.

Lại nữa thiện nam, có hai hạng người không chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được: Một là hạng người đầy dẫy sự kiêu mạn. Hai là hạng người ghét giáo pháp Đại thừa.

Lại nữa thiện nam, có hai loại người không nên ở nơi A-lan-nhã: Một là hạng người tà kiến, không tin lời Phật. Hai là hạng người tự thân phá giới, coi thường việc giữ giới. Những người như thế không nên ở nơi A-lan-nhã, cầu đạo Vô thượng.

Lại nữa thiện nam, người đủ bốn đức cần nên an trụ nơi A-lan-nhã. Những gì là bốn? Một là đa văn: tóm giữ những điều nghe được không quên. Hai là phân minh: hiểu biết rành rẽ nghĩa vi diệu. Ba là chánh niệm: luôn luôn không phóng dật. Bốn là tùy thuận: như giáo lý mà thực hành. Thiện nam tử, nếu có Phật tử thành tựu được bốn thắng đức như thế, cần nên an trụ nơi A-lan-nhã, tu hạnh Bồ tát, cầu đạo Vô thượng.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia lại có bốn đức, trang nghiêm tự thân, ở A-lan-nhã, cầu trí tuệ Phật. Những gì là bốn? Một là đại Từ. Hai là đại Bi. Ba là đại Hỷ. Bốn là đại Xả. Thiện nam, bốn pháp như thế, sinh ra tất cả phước đức, trí tuệ, đem lại lợi ích an vui cho vô lượng chúng sinh, chóng chứng pháp Đại Bồ đề Vô thượng.

Lại nữa, Bồ-tát xuất gia lại có bốn đức, giữ giới thanh tịnh, đạt đến Bồ đề. Những gì là bốn? Một là thường trụ trong bốn Vô cấu tánh. Hai là thường tu tập mười hai hạnh Đầu đà. Ba là xa lìa tại gia, xuất gia. Bốn là bỏ hẳn lừa, nịnh, ghen ghét. Thiện nam, tất cả Bồ tát y vào bốn pháp ấy, khỏi hẳn sinh tử, được Đại Bồ đề.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia lại có bốn pháp tóm thâu tất cả điều thiện. Những gì là bốn? Một là giữ giới cấm thanh tịnh, lại có sự nghe nhiều. Hai là nhập các pháp chánh định, đầy đủ các trí tuệ. Ba là được sáu phép thần thông, tu cả chủng trí. Bốn là phương tiện thiện xảo, lại không phóng dật. Thiện nam, bốn pháp như thế, Bồ tát trong ba đời cùng tu học, Phật tử các ông cũng nên tu tập, sẽ chóng chứng được đạo Bồ đề rộng lớn vô thượng.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia đủ bốn pháp, đối với hạnh Bồ tát được bất thoái chuyển. Những gì là bốn? Một là bố thí. Hai là ái ngữ. Ba là lợi hành. Bốn là đồng sự. Thiện nam, bốn hạnh như thế, là con đường đi tới Bồ đề, là căn bản lợi sinh, tất cả Bồ tát đều nên tu học.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia lại đủ bốn đức ở nơi A-lan-nhã, giữ giới thanh tịnh, trang nghiêm tự thân. Những gì là bốn? Một là quán sát tự thân không có bản tánh, để dẹp dứt hai chấp (ngã, pháp) chứng lý Vô ngã. Hai là quán sát tha thân cũng không có bản tánh, để đối với kẻ oán, thân, lìa bỏ được sự yêu, ghét. Ba là thân tâm an lạc, để tâm và tâm sở pháp không còn phân biệt. Bốn là được bình đẳng trí, để sinh tử và Niết bàn không có sự sai khác. Thiện nam, bốn pháp như thế, tất cả Bồ tát nên tu tập, Phật tử các ông cũng nên tu tập, sẽ đi tới đạo Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Lại nữa thiện nam, tất cả Bồ tát lại có bốn nguyện làm cho chúng sinh được thành tựu đầy đủ và giữ gìn ngôi Tam bảo trải qua nhiều kiếp quyết không thoái chuyển. Những gì là bốn? Một là thề độ tất cả chúng sinh. Hai là thề đoạn tất cả phiền não. Ba là thề học tất cả pháp môn. Bốn là thề chứng tất cả Phật quả. Thiện nam, bốn pháp như thế, Bồ tát lớn, nhỏ đều nên học tập, vì nó là chỗ học của Bồ tát trong ba đời!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia lại có bốn pháp ở nơi A-lan- nhã, giữ giới thanh tịnh. Những gì là bốn? Một là yêu thích “không tánh”, vì “không lý” hiển lộ. Hai là được sự không sợ hãi, vì chứng được chánh định. Ba là đối với các chúng sinh khởi ra bi nguyện lớn. Bốn là đối với hai thứ vô ngã, không có tâm chán ngán. Thiện nam, bốn pháp như thế là điều thiết yếu của tất cả Bồ tát chứng nhập Thánh quả, vì nương vào bốn pháp ấy dứt bỏ được hai chướng!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia lại có bốn pháp, ở nơi A-lan-nhã, khéo giữ giới cấm, trang nghiêm tự thân. Những gì là bốn? Một là bỏ hẳn ngã kiến. Hai là bỏ ngã sở kiến. Ba là lìa đoạn kiến, thường kiến. Bốn là hiểu biết sâu rộng về mười hai nhân duyên. Thiện nam, bốn pháp như thế, trừ được sự hủy phạm giới cấm, giữ gìn tịnh giới, trang nghiêm tự thân.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, lại quán bốn pháp, giữ được giới cấm tu thêm diệu hạnh, cầu đạt Phật trí. Những gì là bốn? Một là quán sát năm uẩn sinh diệt. Hai là quán sát mười hai nhân duyên như làng xóm trống vắng. Ba là quán sát mười tám giới tánh đồng pháp giới. Bốn là đối với pháp Tục đế không bỏ, không tham. Thiện nam, bốn pháp như thế, tất cả Bồ tát nên tu học và vì thế Phật tử ở nơi A-lan-nhã nên một lòng tu tập, cầu đạo Vô thượng!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, đầy đủ bốn pháp trì giới thanh tịnh, trang nghiêm tự thân. Những gì là bốn? Một là thành tựu quán Bất kiến thân. Hai là thành tựu quán Bất kiến ngữ. Ba là thành tựu quán Bất kiến ý. Bốn là xa lìa sáu mươi hai kiến, thành tựu quán Nhất thiết trí. Thiện nam tử, nếu có Phật tử thành tựu bốn pháp thanh tịnh như thế, hiện thân chứng được Chánh tánh ly sinh, cho đến chóng được Vô thượng Bồ đề. Do nhân duyên ấy, Phật tử các ông quán bốn pháp môn như thế, dứt bốn nẻo ác, chứng bốn bậc Niết bàn, hết thuở vị lai, độ các chúng sinh, khiến chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã đầy đủ tám pháp Tam muội thanh tịnh, trang nghiêm tự thân. Những gì là tám?

  1. Ngồi một mình ở nơi A-lan-nhã, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  2. Xa lìa lời nói thêu dệt, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  3. Xa lìa năm dục, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  4. Điều phục thân tâm, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  5. Ăn uống biết đủ, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  6. Xa lìa sự mong cầu, điều xấu ác, thực hiện Tam muội thanh tịnh.
  7. Xa lìa sự nhân nghe giọng tiếng khởi ra tham ái, thực hành Tam muội thanh tịnh.
  8. Vì chúng nói pháp không cầu lợi dưỡng, thực hành Tam- muội thanh tịnh.

Thiện nam, tám pháp thanh tịnh Tam muội này có thể sinh ra trăm ngàn các Tam muội khác, Phật tử các ông cần nên tu tập sẽ chóng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, lại có tám thứ Trí tuệ thanh tịnh. Những gì là tám?

  1. 1. Năm uẩn thiện xảo, được trí tuệ thanh tịnh.
  2. Mười hai xứ thiện xảo, được trí tuệ thanh tịnh.
  3. Mười tám giới thiện xảo, được trí tuệ thanh tịnh.
  4. Hai mươi hai căn phương tiện thiện xảo, đạt trí tuệ thanh tịnh.
  5. Ba giải thoát môn phương tiện thiện xảo, đạt trí tuệ thanh tịnh.
  6. Hay diệt tất cả phiền não phương tiện thiện xảo, đạt trí tuệ thanh tịnh.
  7. Hay diệt tùy phiền não phương tiện thiện xảo, được trí tuệ thanh tịnh.
  8. Hay diệt sáu mươi hai kiến phương tiện thiện xảo, đạt trí tuệ thanh tịnh.

Thiện nam, tám thứ trí tuệ thanh tịnh như thế, Bồ tát các ông nên cần tu tập, sẽ chóng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, lại có tám thứ thần thông thanh tịnh, trang nghiêm tự thân. Những gì là tám?

  1. Đối với mọi sắc pháp không bị chướng ngại, được Thiên nhãn phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  2. Đối với cảnh thanh trần, không bị chướng ngại, được Thiên nhĩ phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  3. Đối với các tâm, tâm sở pháp của chúng sinh không bị chướng ngại, được Tha tâm trí phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  4. Ghi nhớ nơi sinh, nơi chết trong quá khứ không bị chướng ngại, được Túc trụ trí phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  5. Đi khắp vô số cõi Phật trong mười phương không bị chướng ngại, được Thần cảnh trí, phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  6. Biết được lậu nghiệp của chúng sinh hết hay chưa hết không bị chướng ngại, được Lậu tận trí phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  7. Diệt được tất cả phiền não không bị chướng ngại được Vô lậu trí phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.
  8. Hiện thấy tất cả thiện căn nơi tự thân hồi hướng chúng sinh phương tiện thiện xảo, thần thông thanh tịnh.

Thiện nam tử, tám thứ thần thông thanh tịnh như thế, các Bồ tát trong mười phương đồng tu học, Bồ tát các ông cũng nên tu tập, sẽ chóng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, hiện thân được tám thứ thanh tịnh. Những gì là tám?

  1. Thân nghiệp thanh tịnh.
  2. Ngữ nghiệp thanh tịnh.
  3. Ý nghiệp thanh tịnh.
  4. Chánh tánh thanh tịnh.
  5. Chánh niệm thanh tịnh.
  6. Đầu đà thanh tịnh.
  7. Lìa siểm nịnh thanh tịnh.
  8. Một niệm không quên tâm Bồ đề thanh tịnh.

Thiện nam, nếu có Phật tử ở nơi A-lan-nhã, đầy đủ tám thứ thanh tịnh như thế, hiện thân thành tựu vô biên thiện căn, không bị thoái chuyển đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!

Lại nữa thiện nam, Bồ tát xuất gia có tám thứ đa văn thanh tịnh, trang nghiêm tự thân. Những gì là tám?

  1. Tôn kính Hòa thượng, A-xà-lê, được đa văn thanh tịnh.
  2. Xa lìa kiêu mạn, sinh tâm nhún nhường, được đa văn thanh tịnh.
  3. Tinh tấn dũng mãnh, được đa văn thanh tịnh.
  4. An trụ chánh niệm, được đa văn thanh tịnh.
  5. Vì người cầu pháp, nói ý nghĩa sâu rộng, đạt đa văn thanh tịnh.
  6. Không ưa bảo hộ mình, chê người đạt đa văn thanh tịnh.
  7. Thường hay quán sát tất cả thiện pháp, đạt đa văn thanh tịnh.
  8. Lắng nghe Chánh pháp, y như chỗ nói mà tu hành, đạt đa văn thanh tịnh.

Thiện nam, tám thứ đa văn thanh tịnh như thế, Bồ tát các ông đều nên tu tập, sẽ chóng chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề!

Khi Đức Thế Tôn nói những hạnh của Bồ tát như thế rồi, Ngài bảo Đại Bồ tát Di Lặc:

– Thiện nam, sau khi Ta nhập Niết bàn chừng năm trăm năm, lúc Chánh pháp sắp diệt, vô lượng chúng sinh chán, bỏ thế gian, dốc ngưỡng mộ Như Lai, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vào nơi A-lan-nhã, vì đạo Vô thượng, tu tập những hạnh nguyện Bồ tát như thế, đối với đạo Đại Bồ đề được bất thoái chuyển. Vô lượng chúng sinh phát tâm như thế, khi mạng chung được sinh lên cung trời Đâu-suất, được thấy thân ông, Di Lặc Bồ tát vô lượng phước trí trang nghiêm, siêu việt sinh tử, chứng Bất thoái chuyển. Và, ở đời sau, nơi dưới cây Bồ đề của pháp hội Đại bảo Long hoa đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trong lúc Đức Thế Tôn nói pháp ấy, có hai vạn năm ngàn vị Bồ tát mới phát tâm, đối với hạnh Bồ đề sắp bị thoái chuyển, nghe được pháp như thế, liền phát tâm kiên cố, vượt qua ngôi Thập tín đến ngôi thứ sáu trong Thập trụ. Ba vạn tám ngàn Bà-la-môn tịnh hạnh dứt hẳn tà kiến, được đại pháp nhẫn và Đà-la-ni. Bảy vạn sáu ngàn người đều phát tâm Vô đẳng đẳng, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.