KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN IV

Phẩm 9: BỐN HẠNG NGƯỜI ĐỂ NƯƠNG TỰA

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

–Có bốn hạng người, đối với kinh Đại Bát Nê Hoàn này, những vị ấy có thể hướng đến chánh pháp, hộ trì chánh pháp, có thể làm bốn chỗ nương tựa để độ thoát cho nhiều người, làm nhiều điều lợi ích cho kẻ khác để vượt ra khỏi thế gian. Bốn hạng người để nương tựa là hạng nào?

Một là hạng phàm phu tuy chưa xa lìa phiền não và ra khỏi thế gian, song họ có thể độ thoát cho nhiều người và làm nhiều điều lợi ích cho kẻ khác. Hai là hạng người đắc quả Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm. Ba là hạng người đắc quả A-na-hàm. Bốn là hạng người đắc quả A-la-hán. Đó là bốn hạng người làm nơi nương tựa chân thật, độ thoát cho nhiều người và làm nhiều điều lợi ích cho kẻ khác.

Hạng phàm phu kia là người tự mình giữ gìn giới đức, uy nghi đầy đủ, để làm bức thành hộ pháp nên họ đã nghe và lãnh thọ chánh pháp ở chỗ Như Lai, đọc tụng và nắm giữ nghĩa lý cùng ý vị, giảng nói rộng rãi cho mọi người, có thể tự mình ít sự ham muốn. Người ấy lại còn giảng nói Tám pháp nhớ nghĩ của bậc đại nhân cho mọi người, giáo hóa những người phạm giới đều khiến họ sám hối, vị ấy khéo biết đủ thứ ngôn ngữ của chúng sinh, học tập thực hành công đức hộ pháp của Bồ-tát, đó gọi là Bồ-tát phàm phu đứng hàng đầu. Những người phàm phu này chưa được Như Lai ghi nhận về sự việc họ làm địa vị Bồ-tát trong tương lai.

Hạng người Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm kia là những vị đã đạt được chánh pháp, xa lìa các sự nghi hoặc. Chư vị ấy chẳng giảng nói kinh sách không phù hợp chánh pháp cho mọi người, chẳng rời bỏ khế kinh của Phật mà ca tụng ký luận, văn chương trau chuốt của thế gian; chẳng nuôi đầy tớ và cất chứa của cải phi pháp, đó gọi là Bồ-tát Tu-đàhoàn. Mặc dù chưa được an trụ địa vị thứ hai và thứ ba của Bồ-tát, nhưng họ đã được chư Phật trao cho lời ghi nhận ngay trước mặt về việc sẽ thành Phật trong tương lai.

Hạng A-na-hàm là người đã đạt được chánh pháp, lìa khỏi những sự hồ nghi. Chư vị không giảng nói kinh điển sách vở không phù hợp chánh pháp cho mọi người; chẳng rời bỏ khế kinh của Phật mà ca tụng ký luận, văn chương trau chuốt của thế gian; chẳng nuôi đầy tớ và cất giữ của cải phi pháp. Các sự trói buộc chưa khởi lên thì có thể hiểu biết được ngay, những sự kết tập vào thời quá khứ mãi mãi chẳng còn trói buộc được nữa. Các vị ấy có nói ra giáo pháp gì cũng không dứt bỏ Phật tánh, đức hạnh thanh tịnh, thân thể không có bệnh tật bên ngoài, rắn độc bốn đại nương theo đó mà khởi lên các bệnh là điều không thể mắc phải. Lại khéo giảng nói về lý không phải cái ta, vượt chấp ngã, sự cố chấp phân biệt ta và người, xa lìa cái ngã của thế gian mà thực hành phương tiện thuận theo thế gian. Chư vị thường cảm hóa người bằng giáo pháp Đại thừa, không nói đạo lý gì khác. Trong thân thể không có tám vạn hang ổ vi trùng và vô lượng tai ương hoạn nạn. Tâm xa lìa sự ái dục, không có tâm tưởng ác mộng, lìa khỏi tất cả hữu, sống chết, sợ hãi. Ai thực hành như thế thì gọi là người A-na-hàm ở quả vị thứ ba, không quay trở lại cõi Dục nữa nên có tên là A-na-hàm. Các vị ấy tập quen các gốc rễ công đức, điều xấu ác lầm lỗi từ thuở lâu xa không thể làm ô nhiễm, gọi là A-na-hàm. Đó gọi là Bồ-tát A-na-hàm phát tâm ghi nhận lời quyết đoán. Phát tâm ghi nhận lời quyết đoán là người ấy chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật đạo.

A-la-hán là phiền não đã hết sạch, lìa bỏ những gánh nặng, những điều đáng làm các vị ấy đã làm xong, đầy đủ mười địa. Các vị ấy đã được Phật ghi nhận pháp nhẫn hết sức sâu sắc, hết thảy sắc thái hình tượng đều có thể biến hóa thị hiện, tùy theo ý của mình muốn đối với các phương diện, là bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Công đức như thế đều đầy đủ tất cả, gọi là A-la-hán.

Đó là bốn hạng người đối với kinh Đại Bát Nê Hoàn này. Chư vị độ thoát cho nhiều người, làm nhiều điều lợi ích cho kẻ khác và vượt ra khỏi thế gian. Các vị ấy làm bậc thầy của hàng trời và người, giống như các Đức Như Lai. Đó là bốn hạng người làm nơi nương dựa chân thật.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con không thể tin bốn hạng người ấy là chỗ nương tựa chân thật, nguyên do ấy thế nào? Vì, như Thế Tôn giảng nói cho trưởng giả Cù-sư-la rằng, nếu ma vương ở cảnh trời thứ sáu cõi Dục và Phạm Thiên vương ở cõi Sắc hiện thân làm Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh hào quang phóng ra từ vòng tròn trên đỉnh đầu xa đến một tầm, hiện ra tướng sợi lông trắng ở giữa chặng mày, nếu vị Phật ấy đi đến chỗ của ông, thì ông nên nhận biết khiến cho Phật kia phải hàng phục. Nay ta để mặc ông làm khuất phục ma xấu ác kia, tại sao phải như thế? Vì chúng không phải A-la-hán mà tự xưng là La-hán. Nếu như loài ma xấu ác có ngồi nằm giữa hư không, hông bên trái phát ra lửa, hông bên phải tuôn ra nước, hoặc cả mình mẩy cháy rực mà bốc ra mây khói, đủ các thứ biến hóa. Lại nữa, chúng có thể giảng nói chín bộ khế kinh còn không thể nào tin được, cho nên ông phải khuất phục loài ma xấu ác kia, đừng sinh lòng nghi hoặc. Ví như có người ở trong đêm tối gặp con chó tinh ranh lẻn vào nhà, người ấy hay biết con chó tinh ranh lẻn vào nhà mình bèn mắng ngay: “Con chó tinh ranh hãy cút đi, đừng để ta giết mày trong giây lát”. Ngay sau đó, con chó tinh ranh bèn chạy nhanh ra ngoài, không dám trở lại nữa. Ma Ba-tuần xấu ác cũng như vậy, ma biến hóa đến thì ông nên đem năm pháp trói buộc của ta mà cột trói nó lại. Bị năm pháp ràng buộc xong, ma Ba-tuần xấu ác khiếp sợ bỏ chạy nhanh, ví như con chó tinh ranh. Như thế, Phật giảng nói cho trưởng giả Cù-sư-la: “Nay nếu như ông có thể hàng phục loài ma xấu ác thì dần dần sẽ gần gũi Nê-hoàn”. Bạch Thế Tôn! Vì những nguyên cớ gì mà hôm nay Thế Tôn nói bốn hạng người làm chỗ nương tựa chân thật? Vì thế, hôm nay con chẳng sinh lòng tin.

Phật bảo Ca-diếp:

–Đúng thế! Này thiện nam! Ta giảng nói pháp này đều nhân vì hàng Thanh văn và những hạng phàm phu mắt thịt mà nói cần phải hàng phục, chẳng phải vì người lãnh thọ và thực hành pháp Ma-hadiễn. Trong các vị Thanh văn, tuy có vị được thiên nhãn, song Ta nói những pháp ấy là nhắm vào số người phàm mắt thịt. Cho dù người phàm mắt thịt tin vào Ma-ha-diễn, song Ta nói những pháp ấy là nhắm vào số người có con mắt Phật. Vì sao? Vì người ấy có năng lực nắm giữ kinh Ma-ha-diễn là Phật thừa.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như vị đại tướng khéo biết phép dụng binh, ông ta dạy cho người hèn kém nhút nhát học võ thuật của mình, bèn nói với người ấy: “Ngươi phải nắm giữ các vũ khí như dao kiếm như thế này, nên giữ tâm mình cho chính xác, giống như lửa cháy hừng hực, hãy thận trọng chớ quay đầu nhìn lại. Cho đến khi lâm trận, mỗi người cầm đồ binh khí, xắn tay áo hô lớn. Giống như lửa rực cháy, binh giặc chắc hẳn rút lui. Đấng Đạo sư Thế Hùng là vị tướng của ba cõi, dạy bảo các Thanh văn hàng phục chúng ma cũng như thế.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có người chủng tánh dũng mãnh, được tập làm quen với phép tắc chiếc tranh, không có sự nhút nhát yếu hèn, đối với các chiến sĩ, người ấy đứng hàng đầu, là người đi trước. Như thế, này thiện nam! Người nào tập học Đại thừa, nghe khế kinh Ma-ha-diễn hết sức sâu xa và giáo pháp bí mật vi diệu mà chẳng phát sinh sự sợ hãi, nên biết người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, nhận sự học tập Đại thừa, cội rễ niềm tin vững chắc. Ức trăm ngàn loài ma biến hóa hiện ra đủ thứ, rốt cuộc người ấy không có nỗi sợ hãi, cũng chẳng có một chút suy nghĩ đối với loài ma kia, thế nhưng chúng ma kia thấy có người học Ma-ha-diễn thì sinh lòng sợ hãi giống như hạng đàn ông nhút nhát yếu hèn. Ví như rắn độc thấy các chú dược thì phát sinh lòng sợ hãi, thiên ma Ba-tuần cũng như thế, ức trăm ngàn ma được nghe kinh Ma-ha-diễn như vậy, âm thanh, mùi thơm, ánh sáng rọi chiếu, khiến chúng lìa khỏi các sự kiêu mạn, cao ngạo, tự đại.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như có người nếu thấy rồng dữ, rắn độc, sư tử, cọp, beo, lang sói, người ấy đều sợ hãi; hoặc giả nghe tiếng kêu của chúng cũng sinh lòng khiếp sợ. Hoặc lại có người có năng lực hàng phục thú dữ như vị trượng phu kia, nếu thấy người kia thì thú dữ sinh lòng sợ hãi. Nên biết hết thảy hàng Thanh văn và Duyên giác cũng như thế, nếu trông thấy loài ma, các vị ấy bèn sinh lòng sợ hãi, thì bị các loài ma có dịp làm hại. Như vị trượng phu kia có năng lực hàng phục loài thú dữ, nên biết đó là người học Ma-ha-diễn cũng như vậy, vị ấy có thể hàng phục chúng ma, đã hàng phục xong mà lại còn thuyết pháp cho chúng. Giống như loài thú độc hại kia, tâm của bọn ma Ba-tuần đã điều phục, họ bèn nói lời này: “Kể từ hôm nay, đối với chánh pháp của Đức Phật, con phát sinh lòng tin và ưa thích, không còn gây rối loạn nữa”. Nên biết hàng Thanh văn sẵn có phiền não, tập khí, sự sợ hãi; Ma-ha-diễn là dứt bỏ vĩnh viễn nỗi sợ hãi; Ma-ha-diễn là sức mạnh rất siêng năng, cho nên Ta nói những hàng Thanh văn cần phải hàng phục, đừng phát sinh nỗi sợ hãi. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Đại Bát-nê-hoàn này rất là hiếm có, nếu nghe kinh nàythì Như Lai tồn tại lâu dài, thật kỳ lạ và hiếm có, người nào có lòng tin và vâng giữ, thì giống như hoa Ưu-đàm-bát, khó có thể gặp được. Kinh Đại Thừa này cũng như thế, hiếm có và kỳ lạ thay! Ta vào Nêhoàn rồi, gặp được kinh Đại Thừa này cũng như vậy. Hiếm có và kỳ lạ thay! Ta vào Nê-hoàn rồi, các hàng chúng sinh nghe được kinh này cũng rất là hiếm có. Sao mà kỳ lạ thế! Này thiện nam! Vào đời sau này, sẽ có chúng sinh chê bai kinh này.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thời gian lâu dài, nếu như có những hạng chúng sinh sẽ phỉ báng kinh này, thì hạng người nào hộ trì pháp này ở đời mai sau?

Phật bảo Ca-diếp:

–Sau khi Ta diệt độ, pháp này được truyền khắp nơi trong bốn chục năm rồi sau mới mai một. Này thiện nam! Ví như thế gian lấy mía đường, gạo tẻ, váng sữa, dầu, bơ để làm đồ ăn thức uống; có các chúng sinh ăn uống món ăn này rồi lại phát sinh ốm đau; trở lại họ dùng thức ăn sơ sài, cây cỏ, hoa trái. Các món ăn ngon, gạo tẻ, dầu bơ kia như kinh Ma-ha-diễn, họ chẳng muốn nghe, trái lại họ ăn thứ sơ sài, cây cỏ, hoa trái. Các thừa Thanh văn mãi mãi vứt bỏ món ăn ngon là kinh pháp Đại Bát-nê-hoàn như thế, mà chẳng muốn nghe nói.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có vị vua cư trú trong núi non sâu thẳm, không có các món ăn gạo tẻ, dầu bơ v.v… Các dân chúng trong nước ấy có những món ăn ngon đều gửi dâng cho nhà vua, còn tự mình ăn đồ sơ sài, cây cỏ, hoa trái. Trong số đó có những người gần gũi nhà vua, do được nhờ uy lực của vua, thoạt đầu họ chưa hề thấy món ăn nào sánh bằng các món ăn này, thế mà họ được ăn món đó. Như thế, này thiện nam! Bốn hạng người kia là vị tướng dũng mãnh ở trong pháp Phật, trong những vị Đại Bồ-tát kia, nếu có một người xuất hiện để làm hưng thịnh cho đời, ở nơi vị ấy đến, đem kinh Đại Bát Nê Hoàn Ma-ha-diễn để giáo hóa chúng sinh. Họ liền tự biên chép và thọ trì, hoặc bảo kẻ khác biên chép, viết cuốn kinh ấy xong xuôi rồi đem bố thí cho các chúng sinh. Hoặc có chúng sinh ở bên cạnh vị Đại Bồ-tát kia cảm nghe được món ăn giáo pháp Đại thừa Bát-nê-hoàn đều là nhờ ánh sáng thần lực của Bồ-tát, khiến cho họ được nghe văn chữ, câu nghĩa, cho đến một chữ của pháp chưa từng có này, như chúng sinh kia nhờ uy lực của vua nên được các thức ăn ngon. Do đó, này thiện nam! Kinh Đại Bát Nê Hoàn Ma-ha-diễn đến ở chỗ nào, ông nên biết vùng đất này thảy đều thành kim cương, nơi đó nếu có chúng sinh nghe được pháp này, rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, thậm chí một chữ, ông nên biết toàn thân thể của họ cũng là kim cương. Những chúng sinh ấy đức mỏng phước ít, thế mà kinh Đại Thừa Ma-ha-diễn này là chánh pháp được lưu truyền ở đất nước mình mà họ chẳng nghe và nhận lãnh, giống như chúng sinh kia, từ đất nước mình sản sinh ra đủ thứ mùi vị cao cấp thượng hạng mà mình không ăn được. Thương thay chúng sinh! Nghe nghĩa lý chân thật mà chẳng vâng theo và thọ trì.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, pháp này hưng thịnh ở đời trong bốn mươi năm rồi mới mai một, sau đó bao lâu nữa thì pháp này lại được lưu truyền rộng khắp?

Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Sau khi Ta vào Nê-hoàn, pháp này tồn tại tám mươi năm, sau đó thì chánh pháp sắp mai một, kinh Đại Thừa này sẽ lại được lưu truyền rộng rãi ở cõi Diêm-phù-đề, trải qua bốn chục năm thì kinh này lại mai một.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, khi kinh pháp Đại Bát-nê-hoàn này sắp sửa diệt mất, rồi sẽ lại hưng thịnh trong đời. Đang lúc này, người giữ giới ít ỏi, kẻ phạm giới quá nhiều, chánh pháp sắp sửa diệt mất, sự hướng tới chân chính giảm bớt, thì hạng người nào đủ năng lực nghe theo và thọ trì pháp này, ai có thể nắm giữ, ai có thể đọc, ai có thể tụng, ai có thể cúng dường, ai có thể hiểu rõ và giảng nói, người nào có thể tự mình biên chép, ai có thể dạy bảo kẻ khác viết chép pháp này, xin ước mong Thế Tôn phân biệt giảng giải cho rõ ra, khiến cho tất cả chúng sinh nhờ đây mà được độ thoát. Có các Bồ-tát ưa thích học giáo pháp sâu sắc, nghe lời Thế Tôn nói, họ sẽ vâng theo sự chỉ bảo của Thế Tôn.

Phật bảo Ca-diếp:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng số cát của sông Hi-liên để phát tâm Bồ-đề, thì những chúng sinh ấy có thể khởi lên tâm Bồ-tát vào lúc chánh pháp sắp sửa mai một. Tuy rằng chưa quyết định ở đạo Vô thượng, song vị ấy có năng lực không phỉ báng kinh Phương Đẳng này.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng số cát của một con sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, đối với kinh điển Phương Đẳng này, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng, được tâm tin tưởng và ưa thích, nhưng chưa đủ khả năng giảng nói rộng rãi cho chúng sinh.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng hai lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, đối với kinh điển Phương Đẳng này, vị ấy không khởi lên tâm chê bai, bản thân tự tiếp thu sự học tập, cũng lại chưa thể giảng nói rộng rãi cho người khác.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều gấp ba lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể thọ trì, có thể giảng nói, có thể viết chép, song chưa thể nào giải thích ý nghĩa.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng bốn lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể thọ trì, có thể giảng nói và giải thích một phần mười sáu nghĩa lý giáo pháp sâu xa.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng năm lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể nhận lãnh, có thể giảng nói, có thể biên chép, có thể nắm giữ, hiểu rõ một phần tám nghĩa lý giáo pháp sâu xa.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng sáu lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể nhận lãnh, có thể giảng nói, có thể biên chép, có thể nắm giữ, hiểu rõ một phần tư nghĩa lý giáo pháp sâu xa.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng bảy lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm phỉ báng đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể nhận lãnh, có thể giảng nói, có thể biên chép, có thể chỉ bảo người khác biên chép, có thể nắm giữ, giải thích rõ một phần hai nghĩa lý giáo pháp sâu xa.

Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề ở chỗ các Đức Như Lai nhiều bằng tám lần số cát sông Hằng, thì có thể vào lúc chánh pháp sắp sửa diệt mất, vị ấy không khởi lên tâm chê bai đối với kinh Phương Đẳng; vị ấy có thể nhận lãnh, có thể biên chép, có thể dạy bảo người khác biên chép, có thể nắm giữ, có thể đọc tụng giảng nói, có thể tùy theo nhân duyên mà truyền bá, có thể khéo nói ý nghĩa ẩn náu kín đáo bên trong. Vị ấy cũng có năng lực trông giữ hộ vệ, cũng có thể chỉ bày rõ ràng, thương xót thế gian, khiến cho khắp cả mọi người đều cung kính cúng dường Kinh, chuyển dạy người khác khiến những người ấy cúng dường, trí tuệ đầy đủ, hiểu rõ nghĩa lý trọng yếu sâu sắc. Vị ấy khéo biết Như Lai chính là pháp thường trụ, không phải pháp biến đổi, không phải pháp phai mờ tiêu diệt; yên ổn diệu lạc, khéo hiểu rõ chúng sinh, từ đó phân biệt mỗi mỗi hạng người có Như Lai tánh, mở mang khắp cả cho mọi người. Các Bồ-tát ấy đã từng trải phụng thờ vô lượng chư Phật thuở quá khứ, cho nên có thể hộ trì chánh pháp của Như Lai. Nếu hôm nay lại phát tâm Bồ-đề, thì ở đời sau, người kia cũng sẽ có thể kham nổi việc hộ trì chánh pháp. Đối với hạng người này và các hàng chúng sinh khác, này thiện nam! Ông nên quán xét thế này, nay ở thời hiện tại và đời sau này, nếu có người ưa thích pháp mà phát tâm Bồ-đề, nên biết người ấy là vị hộ pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Có các kẻ ngoại đạo, vì sự lợi dưỡng nên khi nghe tin Phật Nê-hoàn, họ bèn hô hoán bảo rằng Ta chết mãi mà chẳng lo buồn, trái lại họ lại còn vui mừng. Vào đời sau này, có kẻ giả dạng khoác áo ca-sa, xuất gia học đạo ở trong pháp của Ta, song họ lười biếng uể oải, phỉ báng khế kinh Phương Đẳng ấy, nên biết hạng người này đều là các lớp dị đạo ngày nay. Thành tựu vô lượng công đức như thế, tin Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn này và ưa thích giáo pháp sâu xa, cho dù vị Thiện nam ấy đã từng gây ra vô lượng các tội lỗi và làm đủ mọi nghiệp ác vào thời quá khứ, các tội báo nhức đầu ấy tức thời trừ diệt. Hoặc bị khinh dễ, hoặc hình dáng xấu xí, áo quần không đủ mặc, ăn uống sơ sài, mong cầu của cải thì không thuận lợi, sinh vào nhà nghèo hèn và nhà tà kiến. Hoặc gặp phải tai nạn lớn và các thứ quả báo đau khổ trong nhân gian còn sót lại, người ấy chịu quả báo trong đời hiện tại một cách nhẹ nhàng, đây là do nhờ sức lực của công đức hộ pháp.

Này thiện nam! Ví như sương tuyết, khi mặt trời chưa mọc thì không giảm bớt sự tích tụ ngưng đọng; ánh sáng mặt trời đã xuất hiện thì sương tuyết thảy đều tiêu tan hết. Cũng như thế, chúng sinh gây ra vô lượng việc ác, ánh sáng mặt trời của kinh Đại Bát Nê Hoàn này chưa xuất hiện thì vô lượng quả báo xấu ác không giảm sự tích tụ ngưng đọng; khi ánh sáng mặt trời Đại Bát-nê-hoàn này xuất hiện rồi, thì vô lượng quả báo xấu ác đều bị tiêu diệt toàn bộ.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có người xuất gia học đạo, mặc dù người ấy không giữ giới, song được cùng chung với đại chúng đi theo Như Lai, ở khắp mọi nơi, người ấy giả vờ khoác áo ca-sa để nhận sự cúng dường của mọi người, tên người ấy được liệt vào Tăng số của Như Lai. Như thế, này thiện nam! Nếu có Đại Bồ-tát thành tựu trọn vẹn mười địa và các người ngoại đạo có thể tin tưởng và thọ trì kinh Ma-ha-diễn này dù chỉ một lời nghe qua tai, thì những hạng người này đều được kể vào số đại chúng Bồ-tát của Như Lai. Cho dù vì lợi dưỡng hay vì danh dự mà đọc tụng kinh này nhưng mà họ không phỉ báng, những hạng người như thế thảy đều sẽ thành tựu đạo Như Lai Ứng Cúng Đẳng Giác. Vì vậy, Ta nói bốn hạng người kia là bốn chỗ nương tựa thật sự, trong bốn hạng người kia, chỉ cần một người có năng lực tự mình quyết định, không theo ký luận của ngoại đạo thế tục mà gọi là lời nói của Như Lai, cho nên gọi là bốn chỗ nương tựa chân thật, nên thêm sự cúng dường, nhận lãnh sự học tập và hộ pháp. Sao gọi là cúng dường? Nếu có người đủ khả năng thọ trì kinh Ma-ha-diễn, thì ông phải nên đi theo người ấy trọn đời để thu nhận sự học tập và hộ pháp. Theo người ấy học tập xong lại tăng thêm sự cúng dường, cho nên Ta nói bài kệ này:

Nếu người biết chánh pháp
Chẳng hỏi họ lớn bé
Hết lòng thêm cúng dường
Như phép người thờ lửa.
Nếu người biết pháp ấy
Chẳng hỏi họ lớn bé
Hết lòng cung kính lễ
Như trời thờ Đế thích.

Ca-diếp lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói, đối với những vị sư trưởng, phải nên tăng thêm sự cung kính, thờ phụng, lễ lạy, cúng dường, giả sử người già cả theo người trẻ tuổi để học tập, thì cũng phải cung kính làm lễ hay không? Lại nữa, nếu người cao tuổi tuy biết kinh pháp song không giữ giới cấm, còn người học trò trẻ tuổi mà có thể giữ gìn giới hạnh, thì phải nên kính lễ hay không? Lại nữa, người cư sĩ mặc áo trắng khéo biết kinh pháp, người xuất gia theo người ấy để nhận sự học tập, thì phép tắc cung kính, vâng mệnh, phụng thờ phải nên thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Đối với người thế tục áo trắng, người xuất gia không nên lễ lạy, vì người thế tục không phải là ruộng phước. Phàm là người cao tuổi, thì người xuất gia ấy là ruộng phước của tất cả, phải nên kính lễ, nếu là người phạm giới thì không nên. Vì sao? Vì nuôi lớn cỏ dại sẽ làm hại mầm non cây lúa.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Như Thế Tôn nói, hết lòng cung kính làm lễ, giống như chư Thiên phụng thờ Đế thích, như thế, hai bài kệ cùng với ý nghĩa trái ngược nhau. Nếu tất cả mọi người nên lễ kính người cao tuổi, thì phần nhiều các vị Tỳ-kheo giữ giới có sự phạm tội, ý Thế Tôn thế nào mà nói bài kệ ấy? Lại nữa, ở khế kinh này, Như Lai nói cần phải hàng phục kẻ phạm giới.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ta vì hàng Bồ-tát ở đời sau nên mới nói, hết lòng làm lễ một cách cung kính như chư Thiên phụng thờ Đế thích, hai bài kệ này là nói cho hàng Bồ-tát, chứ không phải nói cho hàng Thanh văn. Này thiện nam! Sau khi Ta vào Nê-hoàn, lúc chánh pháp của Như Lai sắp sửa diệt mất, số đông người giữ giới giảm bớt, số đông người phạm giới tăng thêm, những vị thanh tịnh được giải thoát ấy thảy đều ẩn náu, những người xuất gia nhận của cải không hợp pháp, nuôi dưỡng đầy tớ. Đang lúc ấy, trong bốn hạng người, nếu có một người xuất hiện ở đời tin rằng nhà mình không phải là nhà, bèn xuất gia học đạo; người này cũng thị hiện nhận của cải phi pháp và nuôi dưỡng đầy tớ giống như người kia, thế nhưng người này tự mình có thể phân biệt đúng pháp và phi pháp, đúng luật và trái luật; biết người khác không giữ giới hạnh, cũng biết bản thân mình đã phạm vào điều nhẹ hay nặng, có thể biết Như Lai hành xử điều thích ứng, hiểu biết được thời tiết, nơi chốn, pháp dụng. Khi tụng đọc chín bộ kinh điển của Như Lai, có người học tập và đọc tụng chín bộ kinh điển mà phạm giới trái luật, tuy người này biết kẻ kia phạm tội nặng, song vì việc hộ pháp nên phương tiện im lặng, chẳng nói lỗi của người kia, thế rồi tự khiêm tốn theo người kia để nhận sự học tập, với lòng hộ pháp mà không hủy hoại điều gì. Nên biết người này vì việc hộ pháp nên xuất hiện ở đời.

Này thiện nam! Ví như có đất nước nọ, nhà vua ở nước ấy qua đời, thái tử con vua còn nhỏ dại yếu đuối nên chưa thể trị vì đất nước. Có một người dân dã dòng dõi Chiên-đà-la, nhờ sức mạnh nên làm vua nước kia. Bấy giờ, các vị trưởng giả, Bà-la-môn dấy lên sự suy nghĩ thế này, nay người Chiên-đà-la làm chủ lãnh đạo đất nước này, duyên cớ gì chúng ta tới lui vâng thuận, họ bèn bỏ chạy trốn đến đất nước khác. Vua Chiên-đà-la kia sai người đuổi theo, chặn con đường tắt của họ.

Vua Chiên-đà-la đánh trống ra lệnh, bảo những vị trưởng giả và Bà-lamôn: “Các ngươi đừng bỏ đi, ta sẽ chia một nửa đất nước cho các ngươi cai trị”. Dân chúng trong nước có người không bỏ chạy, vua lại nói: “Này các vị Bà-la-môn! Các ông hãy bảo cho nhau biết lời nói của ta, bảy ngày sau, các hàng Bà-la-môn và những người có học thức sẽ thiết lập đại hội cho vua Chiên-đà-la, các người nên cùng nhau đi đến chỗ nhà vua, để cùng với vị quốc vương kia và hàng Chiên-đà-la là thân tộc của vị vua ấy ăn uống và ngủ nghỉ. Nếu có một người không nghe theo lời chỉ bảo ấy, ta sẽ trị tội gắt gao”. Vua lại còn nói: “Trong nhà ta có vị thuốc cam lộ của tầng trời Ba Mươi Ba. Người nào ăn uống vị thuốc đó thì có thể khiến cho người ấy không chết, lại có cách truyền lại cho nhau”.

Bấy giờ, có một vị Phạm chí tóc quấn chuyên tu tịnh hạnh, nghe chỉ giáo của nhà vua xong, bèn đi đến chỗ vua, đem đầu mặt làm lễ dưới chân, rồi tâu vua: “Tâu đại vương! Đại vương nên biết, người có thể làm điều bất nhẫn, tội ác lớn lao trong thiên hạ thì người đó chính là tôi đây. Nhà vua nên ban quan tước bổng lộc cho tôi, tôi có thể xướng lệnh”.

Tức thời, nhà vua đồng ý. Bấy giờ, người Phạm chí kia lập tức nhận chỉ thị của vua rồi xướng lệnh ở trong nước. Khi ấy, các người Bà-la-môn trong đất nước thảy đều tức giận và quở trách người đó, thế nhưng người Phạm chí ấy vẫn cùng với ông vua kia trông coi việc nước. Mãi đến vào thời gian sau này, vị đại thần Phạm chí bèn thưa với nhà vua: “Tôi và đại vương cùng nhau trông coi việc nước cho đến ngày hôm nay, song đại vương vẫn chưa thể hiện sự tin cậy mà chẳng chỉ bảo cho tôi học một pháp thuật”.

Vị vua nói với Phạm chí: “Từ từ ta sẽ dạy bảo ông học pháp thuật, nay nhà ta có vị thuốc cam lộ của vị vua đời trước để lại, ta sẽ cùng ông dùng chung”.

Tức thời, vua bèn lấy vị thuốc cam lộ này cùng bày cách thức sử dụng cho người Phạm chí kia. Đại thần Phạm chí được vị cam lộ và phương pháp sử dụng này rồi, bèn hòa thuốc với đồ ăn cho ông vua kia dùng. Nhà vua uống phương thuốc kia tức thời qua đời. Khi ấy đại thần Phạm chí liền lập thái tử của Tiên vương lên nối ngôi vua, ông vẫn hộ trì Tiên vương dùng chánh pháp để giáo hóa cai trị. Như thế, đại thần Phạm chí không vứt bỏ phép tắc Bà-la-môn mà tập quen theo phép tắc của hạng Chiên-đà-la, cho nên vị Phạm chí tu hành theo hạnh nghiệp cứu giúp của Bồ-tát. Dân chúng ở trong cõi nước khen ngợi: “Quý hóa thay! Người Bà-la-môn này hộ trì phép tắc của nhà vua”.

Bấy giờ, vị Bồ-tát vì việc giữ gìn chánh pháp nên làm người Bàla-môn, tạo tác các phương tiện, vị ay lập người con của nhà vua kia để làm vua trong nước, mọi người ở bên trong và bên ngoài cung điện cho đến các vị quan lớn đều tiếp nhận chánh pháp, còn vợ con quyến thuộc của vua Chiên-đà-la đều cho uống thuốc độc khiến cho họ mê say, rồi sau mới đuổi họ ra khỏi nước. Đại Bồ-tát cũng như vậy, thị hiện tướng Phạm giới, nuôi dưỡng nô tỳ, tiếp nhận của cải không hợp pháp, rồi Bồ-tát đi đến chỗ Tỳ-kheo xấu ác phạm giới kia để phụng sự, học tập, viết chép kinh của Tỳ-kheo đó. Viết chép kinh xong, vị ấy chuyển đến dạy dỗ cho người giữ giới, cùng với kẻ xấu ác kia ngủ nghỉ, tiếp đãi ăn uống, tự tay làm thức ăn, không cho người khác làm thức ăn, vì việc hộ trì chánh pháp bèn làm phương tiện, đem các sự việc của tám loại phi pháp mà hàng phục họ khiến cho họ mê say, lại chẳng cùng với người kia hòa hợp tự tứ và bố-tát. Hàng phục hết thảy những người phạm giới là cùng với các chúng thanh tịnh hòa hợp làm phép bố-tát và tự tứ, đem thuật pháp Ma-ha-diễn Phương đẳng nói rộng rãi cho mọi người yên ổn, tế độ vô lượng chúng sinh, đó là Bồ-tát hộ trì chánh pháp, Ta vì những hạng người ấy mà nói bài kệ này.

Nếu có hàng Tỳ-kheo nghe điều Ta giảng nói, họ không có tâm hộ pháp, nhưng muốn phương tiện bắt chước vị Bồ-tát kia, khởi lên các lỗi lầm, là điều Phật chẳng cho phép. Họ tự nói mình là Bồ-tát, mà thực ra họ khoan hồng dung túng người làm chuyện xấu ác lỗi lầm, Ta nói những kẻ ấy là hạng người biếng nhác. Giáo pháp phương tiện bí mật tinh tế này của Ta là vì Bồ-tát hộ pháp, nên Ta nói bài kệ này:

Nếu người biết chánh pháp
Chẳng hỏi họ lớn bé
Hết lòng thêm cúng dường
Như phép người thờ lửa.
Nếu người biết pháp ấy
Chẳng hỏi họ lớn bé
Hết lòng cung kính lễ
Như trời thờ Đế thích.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như thế, Bồ-tát kiêu mạn, phóng túng, lười biếng, thì đối với giới Cụ túc, vị ấy được thanh tịnh hay không?

Phật bảo Ca-diếp:

–Thiện nam! Người thọ giới Cụ túc kia nếu biết sám hối thì nên nói họ là người thanh tịnh. Thiện nam! Ví như bờ đê bị phá vỡ thì nước giữ ở bờ đê chảy ra. Vì sao? Vì người chẳng ân cần sửa sang. Thế nhưng, này thiện nam! Bờ đê bị phá vỡ thì sửa sang lại, nước trong bờ ao ấy chảy trở lại; người biếng nhác kia cũng như thế, đối với giới Cụ túc, bố-tát, tự tứ bị phá vỡ, nước giới pháp tuôn chảy ra. Vì sao? Vì sự siêng năng giảm bớt, sự biếng nhác tăng thêm, nhưng giới hạnh của vị Tỳ-kheo ấy giảm bớt cần phải sửa chữa lại. Từ chỗ của các vị Bồ-tát hộ pháp kia, họ gắng sức sửa đổi và sám hối khiến cho được thanh tịnh.

Ca-diếp bạch Phật:

–Giống như điều Thế Tôn nói trong kinh với ví dụ quả A-ma-lặc; việc giữ giới, phạm giới, tướng của chúng khó thể biết được, phải phân biệt thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Thiện nam! Sự giữ giới và phạm giới, muốn biết tướng của chúng thì phải dựa vào kinh Đại Bát Nê Hoàn mới có thể khéo phân biệt. Thiện nam! Ví như người làm ruộng gieo trồng năm loài cây có hạt dùng để ăn, nhổ bỏ cỏ dại rậm rạp thì gọi là thửa ruộng sạch. Vì có giống cỏ kê in hệt mầm lúa tốt tươi, đến khi giống cỏ ấy đơm quả thì cỏ và lúa mỗi thứ khác nhau, rồi sau đó mới biết có sự phân biệt giữa chân và ngụy. Bồ-tát hộ pháp cũng như thế, phương pháp sửa sang thửa ruộng tu tập, trước tiên trừ bỏ tám thứ hành động thô ác tội lỗi, diệt trừ lỗi lầm thô ác xong thì gọi là chúng Tăng có con mắt thịt thanh tịnh, ruộng phước tươi tốt hơn cả cho đến quả vị bậc Thánh. Ngoài vị Tăng mắt thịt ra thì gọi là Tăng thanh tịnh, chỉ cần trừ bỏ tám thứ lỗi lầm lớn lao như rắn độc, thì gọi là chúng Tăng có ruộng phước tốt hơn cả. Tuy chưa hoàn toàn thanh tịnh, nhưng đã là chỗ của hàng trời và người cúng dường, là thửa ruộng phước tốt tươi, huống chi kết cục lại thành tựu diệu quả Hiền thánh và ruộng phước thanh tịnh, vượt ra khỏi sự biểu hiện của con mắt thịt kia trông thấy.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như trong nước có hai cây ăn quả, một cây gọi là Ca-lưu, cây thứ hai gọi là Triêm-mâu. Cây Ca-lưu là thứ cây ra quả đắng, cây Triêm-mâu là loại cây ra quả ngọt, hình dáng hoa lá, trái cây na ná như nhau. Có người không nhận biết bèn hái lẫn lộn những quả ấy, đem ra chợ bán, người ăn chúng bị chết rất nhiều. Bấy giờ, có người trí tuệ nghi ngờ đó là quả độc, bèn đi đến hỏi thăm người bán: “Các ông hái quả này ở đâu mà mang đến đây”. Người kia trả lời: “Ở vùng đất nọ”. Người có trí bèn nói với người kia: “Đây ắt hẳn là có quả độc lẫn lộn, cho nên giết chết nhiều người, ông nên mau mau vứt bỏ nó đi”. Như thế, này thiện nam! Vị Tăng biếng nhác thành tựu tám việc ác, cùng lúc có người giữ giới ở trong số đó, giống như quả ngọt kia ở trong rừng cây độc hại. Bồ-tát hộ pháp dạy bảo khiến cho số Tăng ác bỏ đi, không bảo những hạng đệ tử có lòng tin lễ lạy, cúng dường, cung kính, gần gũi, để bị cắt đứt gốc rễ tuệ mạng, rơi vào trong địa ngục. Cho nên, những hạng Ưu-bà-tắc có lòng tin nên khéo phân biệt, đừng thấy hình dạng áo quần rồi liền làm quen và gần gũi nhau, phải nên hỏi để biết rõ người kia được thành tựu tám thứ pháp hay không? Việc tự tứ và bố-tát được hòa hợp hay không? Hoặc giả người kia đã xa lìa tám thứ pháp xấu ác, những hạng Tăng như thế, Thế Tôn cũng thu nhận, vì xót thương chúng sinh. Ở rừng Kỳ-hoàn các vị ấy cùng hòa hợp nhau như tích tụ vàng thật, nên biết hạng người ấy hãy nên cúng dường. Nếu nói rằng không thu nhận, không cùng hòa hợp bố-tát, tự tứ, nên biết hạng người ấy không phải là người đáng được hàng trời và người cúng dường, các Tỳ-kheo ấy không nhận lời cùng bố-tát và tự tứ chung với họ, nếu họ hỏi thăm vẫn không thể biết, hãy nên dựa vào khế kinh chân thật của Như Lai mà phân biệt. Nếu như người phàm phu ngu si không khéo phân biệt mà bèn cung kính, cúng dường bố thí đồ cần dùng, cùng với người kia gần gũi tập quen nhau, Ta nói hạng người ấy sẽ rơi vào con đường ác.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như núi Tuyết có cây thuốc tốt và ngọt, khi ấy các người buôn bán cùng nhau lấy các cây thuốc rồi đi các nơi để bán. Bấy giờ, có một người không nhận biết các cây thuốc, mới hỏi những lái buôn kia: “Các ông có loại cỏ thuốc ngọt mọc ở núi Tuyết hay không?”. Những người kia trả lời: “Chúng tôi có thứ thuốc ấy”. Người ấy liền nghe theo và đòi mua thứ thuốc ấy, thế nhưng, người buôn kia lại giao cho người mua món thuốc đắng. Người mua thuốc ấy mong cầu vị thuốc ngọt, trái lại mua nhằm vị thuốc đắng. Mọi người thanh tịnh giống như thuốc ở núi Tuyết, cùng với hạng Tỳ-kheo phạm giới biếng nhác kia mà hòa hợp chung, kẻ có lòng tin ấy cúng dường, lễ bái, phụng sự, nên biết đó là hạng người phàm phu mắt thịt, giống như người kia không nhận biết vị thuốc ngọt, sự thanh tịnh hay phạm giới, tướng của chúng khó thể biết được, mắt thịt của kẻ phàm phu không thể nào phân biệt, chỉ có thiên nhãn mới có thể phân biệt mà biết. Cho nên người có đủ tám thứ pháp ác, tuy rằng mặc pháp phục ca-sa, song không nên nhận sự lễ lạy cúng dường của người khác. Nếu có năng lực sửa đổi ăn năn, trừ bỏ tám thứ lỗi lầm, thì gọi là vị Tăng thanh tịnh.

Ca-diếp bạch Phật:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn giảng nói pháp này một cách chắc chắn, con sẽ đảnh lễ thọ trì món báu kim cương ấy.

Bấy giờ, Ca-diếp lại bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, Thế Tôn đã bảo cho các Tỳ-kheo biết có bốn pháp để dựa vào. Những gì là bốn pháp nương tựa? Y theo pháp chẳng y theo người, y theo lời nói quyết định chứ không y theo lời nói chưa quyết định, dựa theo trí tuệ chứ chẳng dựa vào thức, dựa vào nghĩa chứ không nương theo văn tự. Chúng con tin tưởng đây là bốn thứ để dựa vào, chứ không tin bốn hạng người là chỗ nương tựa chân thật.

Phật bảo Ca-diếp:

–Những điều đó gọi là pháp, chính là sự Đại Bát-nê-hoàn của Như Lai, tất cả chư Phật đều cùng pháp này. Chư Phật Như Lai đạt được pháp này rồi, đó là pháp thường trú không thay đổi, không phải pháp phai mờ tiêu diệt. Nếu người nào dấy lên ý nghĩ vô thường đối với Như Lai, thì Ta nói hạng người này không phải là người biết pháp, là người không thể tin cậy. Như Ta đã nói bốn hạng người ấy khéo hiểu rõ giáo pháp bí mật phương tiện của Như Lai. Họ biết các Đức Như Lai là pháp thường trụ, không phải pháp biến đổi, không phải pháp phai mờ tiêu diệt. Chư Phật Như Lai cũng lại ở tại những người kia, trong số bốn hạng người và các chúng sinh khác. Đối với giáo pháp bí mật phương tiện của Như Lai thường trú, người nào khéo hiểu rõ nghĩa ấy, Ta nói hạng người ấy là nơi nương dựa căn bản, nên biết có thể tin tưởng, vì ý nghĩa ấy nên Ta nói bốn hạng người là chỗ nương dựa chân thật.

Nương dựa vào pháp, nghĩa là các hàng Thanh văn ấy có trí tuệ và đạo đức lớn, ở trong chánh pháp tâm họ chẳng lầm lẫn sơ hở. Chánh pháp ấy là Như Lai thường trú, đối với chánh pháp này là phương tiện siêng năng, gọi là nương theo pháp. Chẳng y theo người là, nếu cho rằng người này phạm giới, tham lam vẩn đục, lại nói Như Lai là pháp vô thường, người kia không phải là kẻ đáng tin, cho nên Ta nói không nương theo người mà nương theo nghĩa quyết định. Nghĩa quyết định chính là Bồ-tát. Các hàng Thanh văn đối với giáo pháp bí mật phương tiện của Như Lai này, họ nghi hoặc, không tin tưởng. Biển trí Đại thừa khiến cho họ quyết định lìa khỏi các sự nghi hoặc. Lại nữa, quyết định chính là trí Đại thừa, mãi mãi lìa khỏi các sự ngăn ngại. Ngăn ngại là trí của hàng Thanh văn, các Bồ-tát ấy có thể lấy trí tuệ Đại thừa quyết định để hiểu rõ các Đức Như Lai là pháp thường trụ. Do đó lời của Bồtát nói là đáng tin cậy. Chưa quyết định chính là trí của hàng Thanh văn, họ nói rằng, thân uế thực của các Như Lai khi vào Nê-hoàn thì diệt hết, ví như lửa tắt thì không thể tin. Sở dĩ Như Lai nói những kinh này là vì phương tiện giáo hóa, như các hạng chúng sinh mê hoặc hai đạo. Trí của hàng Thanh văn chính là hữu dư, là không quyết định, cho nên các Thanh văn gọi là số không quyết định, vì trí tuệ kia không hiểu rõ lời nói của đấng tôn quý Đại Thánh Như Lai, cho nên nói hạng người kia là người không thể tin. Do đó, Phật nói nghĩa quyết định chính là bốn chỗ nương dựa thật sự, nương dựa vào trí tuệ. Trí tuệ ấy tức là pháp thân Như Lai đáng tin, còn thân phương tiện là chẳng đáng tin. Tại sao chỉ cần thấy thân phương tiện của Như Lai xong, rồi nói thật có ấm, giới và các nhập, nếu thân ấy không có, thành ra thân ấy từ đâu đến, mà nay hiện có xá-lợi tích tụ, vì có xá-lợi hiện ra ở đời nên gọi pháp thân ấy là thân uế thực, dấy lên sự suy nghĩ xằng bậy ấy, vì nguyên cớ đó mà sự nhận biết không đáng tin, sự nhận thức không đáng tin nên dấy lên thức tưởng, nên biết người ấy cũng là người không đáng tin.

Nương dựa vào nghĩa, nghĩa là chính nghĩa, chính là nghĩa đầy đủ, đầy đủ là nghĩa không tiêu giảm, không tiêu giảm là nghĩa thường của Như Lai, thường của Như Lai là nghĩa thường pháp, thường pháp ấy là nghĩa thường của chúng Tăng, đó chính là Đức Phật nói, gọi là nghĩa nương dựa theo. Nếu có hạng phàm phu dua nịnh quanh co, được nhờ lòng từ của Như Lai che chở, người ấy xuất gia học đạo rồi bèn biếng nhác, buông bỏ giới cấm, người ấy nói rằng, Đức Phật cho phép ta thu nhận nuôi dưỡng đầy tớ và cất giữ những của cải phi pháp. Hoặc lúc mất mùa đói kém, người ấy nói rằng, các đệ tử của ta chớ tự chịu khốn khổ, ta để mặc cho họ thu nhận nuôi dưỡng đầy tớ, tiền tài, vàng bạc, của báu, bò ngựa, gạo thóc, mua bán kiếm lời. Người kia nói ra đủ thứ văn từ như thế, nếu nói kinh luật đều chẳng đáng tin, kẻ tin lời nói ấy, nên biết kẻ đó cũng là người không đáng tin. Vì nghĩa ấy nên nói là y theo nghĩa. Phi nghĩa ấy là nói rằng, ba pháp này đều là vô thường, biến đổi phai mờ tiêu diệt, đó gọi là phi nghĩa, đó gọi là văn tự. Cho nên nói rằng, dựa theo nghĩa chứ không dựa theo văn tự. Cho dù kinh nghĩa của ngoại đạo nói mà phù hợp với Ma-ha-diễn, thì đó đều là việc có thể tin, không phải là văn tự. Cho nên bốn pháp để dựa vào, cho đến kể ra bốn hạng người mắt thịt là chỗ nương tựa chân thật. Thiện nam! Đó là bốn thứ nương dựa theo, ông phải nên học như thế.