SỐ 231
KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Vương tử Nguyệt-bà-thủ-na, người nước Ưu-thiền-ni
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 8: VÔ SỞ ĐẮC

Lúc bấy giờ, trong chúng có một vị Đại Bồ-tát tên là Tu Chân Chi, thưa với Thắng Thiên vương:

–Như Lai có thọ ký cho Đại vương không?

Thắng Thiên vương đáp:

–Này Bồ-tát khéo suy nghĩ.

–Này thiện nam! Tôi được thọ ký như mộng tướng.

Bồ-tát lại hỏi:

–Này đại vương! Thọ ký như thế sẽ được pháp gì?

Vua đáp:

–Này thiện nam! Phật thọ ký cho tôi hoàn toàn không có sở đắc.

Bồ-tát lại hỏi:

–Vô sở đắc nghĩa là pháp gì?

Vua đáp:

–Không được chúng sinh, tuổi thọ, người, ấm, giới, nhập, nuôi dưỡng đều không có sở đắc; hoặc thiện, bất thiện; hoặc tịnh, bất tịnh; hoặc hữu lậu, vô lậu; hoặc thế gian, xuất thế gian; hoặc hữu vi, vô vi; hoặc sinh tử Niết-bàn đều không sở đắc.

Bồ-tát lại hỏi:

–Nếu không được gì thì thọ ký làm chi?

Vua đáp rằng:

–Này thiện nam! Không sở đắc cho nên được thọ ký.

Bồ-tát lại hỏi:

–Nếu như lời đại vương nói có nghĩa là có hai trí: Một là không sở đắc, hai là được thọ ký?

Vua đáp rằng:

–Nếu có hai trí thì không được thọ ký. Vì sao? Vì trí Phật không hai. Chư Phật Thế Tôn do không có hai trí nên thọ ký cho Bồtát.

Bồ-tát lại hỏi:

–Nếu trí không có hai, tại sao có thọ ký và được thọ ký?

Vua đáp rằng:

–Được thọ ký và thọ ký, thật ra không có hai bên.

Bồ-tát lại hỏi:

–Không có hai bên, tại sao có thọ ký?

Vua đáp:

–Thông đạt, không có hai bên tức là thọ ký.

Bồ-tát lại hỏi:

–Đại vương trụ ở nơi nào mà được thọ ký?

Vua đáp:

–Trụ ở nơi ngã được thọ ký, trụ nơi chúng sinh, nơi thọ mạng, nơi người mà được thọ ký.

Bồ-tát lại hỏi:

–Phải tìm cầu nơi ngã ở đâu?

Vua đáp:

–Cầu ở Như Lai giải thoát.

Bồ-tát lại hỏi:

–Bên Như Lai giải thoát được cầu ở đâu?

Vua đáp:

–Cầu ở nơi vô minh, hữu ái.

Bồ-tát hỏi:

–Vô minh, hữu ái được cầu ở đâu?

Vua đáp:

–Nơi ở nơi rốt ráo không sinh.

Bồ-tát hỏi:

–Nơi rốt ráo không sinh được cầu ở đâu?

Vua đáp:

–Cầu ở nơi vô tri.

Bồ-tát hỏi:

–Vô tri là không biết, tại sao cầu ở nơi vô tri?

Vua đáp:

–Nếu có chỗ biết thì cầu không thể được, do vì vô tri nên cầu ở nơi đó.

Bồ-tát hỏi:

–Nơi đó không nói làm sao có thể cầu?

Vua đáp:

–Do dứt bặt ngôn ngữ cho nên có thể cầu.

Bồ-tát hỏi:

–Tại sao dứt bặt ngôn ngữ?

Vua đáp:

–Các pháp nương nơi nghĩa chớ không nương nơi ngôn ngữ.

Bồ-tát hỏi:

–Tại sao nương nơi nghĩa?

Vua đáp:

–Không thấy tướng của nghĩa.

Bồ-tát hỏi:

–Tại sao không thấy?

Vua đáp:

–Nghĩa không sinh phân biệt là có thể nương nơi ngã làm năng y. Việc này không hai nên gọi là thông đạt. Bồ-tát hỏi:

–Nếu không thấy nghĩa thì có gì mà cầu?

Vua đáp:

–Không thấy, không lấy nên gọi là cầu.

Bồ-tát hỏi:

–Nếu pháp có thể cầu tức là có cầu?

Vua đáp:

–Không đúng, nếu ai cầu pháp là không chỗ cầu. Vì sao? Vì nếu cầu thì đó là phi pháp.

Bồ-tát hỏi:

–Sao gọi là pháp?

Vua đáp:

–Pháp là không văn tự, là xa lìa ngôn ngữ.

Bồ-tát hỏi:

–Lìa văn tự ngôn ngữ sao gọi là pháp?

Vua đáp:

–Tánh của văn tự ngôn ngữ là lìa, dứt bặt tâm hành? Đó gọi là pháp. Tất cả các pháp đều không thể nói, cái không thể nói cũng không nói được.

Này thiện nam! Nếu có nói tức là giả dối, đúng là pháp không thật.

Bồ-tát hỏi:

–Những lời chư Phật, Bồ-tát nói đều là hư vọng chăng?

Vua đáp:

–Chư Phật, Bồ-tát từ xưa đến nay không nói một chữ, sao lại hư vọng.

Bồ-tát hỏi:

–Nếu có nói tại sao có lỗi?

Vua đáp:

–Nói là lỗi của ngôn ngữ.

Bồ-tát hỏi:

–Ngôn ngữ có lỗi gì?

Vua đáp:

–Nghĩa là lỗi của suy lường.

Bồ-tát hỏi:

–Pháp nào không có lỗi?

Vua đáp:

–Không nói và không có chỗ nói; không thấy hai tướng; đó là không lỗi.

Bồ-tát hỏi:

–Gốc của lỗi là gì?

Vua đáp:

–Gốc của lỗi là hay chấp.

Bồ-tát hỏi:

–Gốc của hay chấp là gì?

Vua đáp:

–Gốc của chấp là tâm chấp trước.

Bồ-tát hỏi:

–Gốc của chấp trước là gì?

Vua đáp:

–Là phân biệt giả dối.

Bồ-tát hỏi:

–Gốc của phân biệt giả dối là gì?

Vua đáp:

–Là phan duyên.

Bồ-tát hỏi:

–Phan duyên ở chỗ nào?

Vua đáp:

–Phan duyên với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Bồ-tát hỏi:

–Sao là không duyên?

Vua đáp:

–Nếu lìa ái thủ thì không có chỗ phan duyên. Do nghĩa này nên Như Lai thường nói các pháp bình đẳng.

Khi nói pháp môn này, trong chúng có năm ngàn Tỳ-kheo xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Một vạn hai ngàn Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn; có vô lượng, vô biên chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.

Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương từ chỗ ngồi, đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu làm lễ mà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có thiện nam, tín nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật này, nhưng tại sao có người chưa phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác thì liền có thể phát tâm và đều thành tựu quả vị không thoái chuyển, tu hành luôn tiến tới mà không bị đọa lạc?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ông mà nói.

Có thiện nam, tín nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật, tu hành được tiến tới, không bị rơi rớt.

Thắng Thiên vương thưa:

–Lành thay Thế Tôn, con xin muốn nghe!

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Thiện nam, tín nữ nào nghe Bát-nhã ba-lamật, thì ý sẽ thanh tịnh, nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, đầy đủ lòng tin chân chánh, gần gũi Thánh hiền, ưa nghe chánh pháp, xa lìa sự ganh tỵ ghen ghét, không có tham lam, thường tu vắng lặng, khéo thực hành bố thí, tâm không chướng ngại, thường lìa uế trược, tin chân chánh ở nghiệp quả, tâm không nghi hoặc, biết quả báo trắng đen, không làm những điều không nên làm, dầu phải bỏ thân mạng.

Này đại vương! Thiện nam, tín nữ mà thực hành Bát-nhã ba-lamật như vậy thì xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến. Tâm thường suy nghĩ ở mười thiện pháp này.

Này đại vương! Thiện nam, tín nữ thực hành Bát-nhã ba-lamật, dùng sức phương tiện, nếu thấy, Sa-môn, Bà-la-môn chánh hạnh tinh tấn, giới phẩm trong sạch, nghe nhiều học rộng, hiểu biết nghĩa lý, thường chánh niệm, tâm tánh điều phục, vắng lặng không tán loạn, miệng thường nói lời êm dịu, xa lìa các pháp ác, tu tập các pháp lành, không tự kiêu ngạo cống cao mình và hạ thấp người khác, không nói ác và lời vô nghĩa, không bỏ niệm xứ, tâm được ngay thẳng, có khả năng đoạn dứt sinh tử, khéo nhổ tên độc, xả bỏ gánh nặng, có thể vượt qua các nạn rồi sau mới độ chúng sinh.

Này đại vương! Thiện nam, tín nữ nào thực hành Bát-nhã bala-mật, nếu thấy Đại Bồ-tát như vậy thì nên gần gũi mà y chỉ. Người đó là Thiện tri thức, Đại Bồ-tát dùng sức phương tiện mà nói pháp cho.

Này thiện nam! Nếu bố thí thì được giàu có, trì giới thì được sinh Thiên, nghe pháp thì được đại trí.

Bồ-tát lại bảo rằng:

–Đây là bố thí và quả báo của bố thí; đây là ganh ghét nghi kỵ và quả báo của ganh ghét nghi kỵ; đây là nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục; đây là tinh tấn và quả báo của tinh tấn; đây là thiền định và quả báo của thiền định; đây là trí tuệ và quả báo của trí tuệ; đây là ngu si và quả báo của ngu si; đây là nghiệp thiện của thân và quả báo nghiệp thiện của thân; đây là nghiệp ác của thân và quả báo nghiệp ác của thân; đây là nghiệp thiện của miệng và quả báo nghiệp thiện của miệng; đây là nghiệp ác của miệng và quả báo nghiệp ác của miệng; đây là nghiệp thiện của ý và quả báo nghiệp thiện của ý; đây là nghiệp ác của ý và quả báo nghiệp ác của ý.

Này thiện nam, tín nữ! Pháp này nên làm, pháp kia không nên làm. Nếu như vậy mà tu hành thì được an lạc lâu dài, còn không làm như vậy thì bị khổ đau lâu dài.

Này đại vương! Thiện nam, tín nữ dùng sức phương tiện, gần gũi Thiện tri thức thì được nghe thuyết pháp thứ lớp như thế. Đại Bồtát nếu biết người kia là pháp khí thì nên nói pháp Bát-nhã ba-la-mật sâu xa cho họ, nghĩa là Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô tác, không sinh, không diệt, không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không nhân giả mà nói pháp nhân duyên sâu xa. Nhân nơi pháp này mà pháp kia sinh, pháp này diệt thì pháp kia diệt. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái, diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu, bi, khổ, não diệt.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện nói pháp như vầy: Ở trong pháp chân thật, không có một pháp nào có thể sinh và có thể diệt. Vì sao? Vì các pháp ở thế gian đều do nhân duyên sinh, không có người tạo tác, bởi do nhân duyên hòa hợp; không có một pháp chân thật nào bị sinh diệt; ở trong ba cõi chỉ có hư vọng, phân biệt và giả danh, theo nghiệp phiền não mà chịu quả báo. Nếu dùng Bát-nhã ba-la-mật, quán sát tất cả pháp như thật không sinh, không diệt, không tạo tác, không thọ lãnh. Nếu pháp không tạo tác thì cũng không thực hành; đối với các pháp thì tâm không chấp trước nghĩa là không chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không chấp trước vào nhãn, sắc thức; không chấp trước vào ý thức, pháp thức.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát nói như vầy: “Tự tánh của tất cả các pháp là không, xa lìa, không giữ, không đắm.” Thiện nam, tín nữ nhân nơi lời nói như thế thì không bị thoái lui.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ưa thấy chư Phật, ưa nghe chánh pháp thì không bị đọa nơi thấp hèn, sinh ở chốn nào cũng đều nghe thấy Phật và nghe nhận Chánh pháp, cúng dường chúng Tăng, gặp được chư Phật và dũng mãnh tinh tấn, quyết chí cầu chánh pháp, không chấp trước pháp hữu vi, vợ con, tôi tớ, tiền của đều không tham đắm, không nhiễm dục, thường nương chánh pháp, nhớ nghĩ chư Phật, bỏ thế tục, xuất gia tu hành đúng pháp, thường giảng pháp cho người khác với tâm không mong cầu, thấy chúng nghe pháp thường sinh tâm đại Từ, với tất cả chúng sinh thì sinh khởi tâm đại Bi, học rộng nghe nhiều, không tiếc thân mạng, biết đủ, ít ham muốn, thường ưa vắng lặng, chỉ cầu nghĩa lý, không vướng mắc vào ngôn từ, nói pháp tu hành không vì tự thân, chỉ mong giáo hóa chúng sinh được vui vô thướng; đó là Phật trí.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu hành như vậy sẽ xa lìa được sự buông thả, giữ gìn các căn. Nếu mắt thấy sắc không đắm trước sắc tướng, quán sát như thật, sắc này là tai họa sinh ra tội lỗi. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý khởi đều cũng như vậy. Nếu các căn phóng túng gọi là buông lung, hoặc hay giữ gìn các căn gọi là không buông lung.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, điều phục tự tâm và giúp người khác giữ gìn ý, gọi là không buông lung, xa lìa tham dục, tâm thuận theo thiện pháp. Phải thấy và hiểu, sân si có nguồn gốc bất thiện; thân làm ác, miệng nói ác và tà niệm, tất cả đều là bất thiện nên xa lìa, gọi là không buông lung.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm thường chánh niệm gọi là không buông lung.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tất cả các pháp tín là đứng đầu. Người chánh tín không sinh vào đường ác, tâm không làm việc ác được Thánh nhân khen ngợi.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, theo như pháp mà tu hành, thì sinh ở mọi nơi thường gặp chư Phật, xa lìa Nhị thừa, an trụ chánh đạo, được đại tự tại, thành tựu việc lớn được chánh trí của Như Lai.

Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, muốn cầu an lạc cần phải thuận theo con đường Nhất thiết trí.

Này đại vương! Nay đại chúng này nghe được Bát-nhã ba-lamật sâu xa là do ở nơi quá khứ trăm ngàn vạn kiếp đã từng cúng dường chư Phật và tu tập căn lành, cho nên cần phải tinh tấn chớ để cho lui mất.

Này đại vương! Nếu trời hoặc người chế ngự được các căn, không đắm trước năm dục, xa lìa thế gian, thường tu pháp xuất thế, ba nghiệp thanh tịnh, tu tập pháp trợ đạo gọi là không buông lung.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chánh tín đầy đủ, tâm không buông lung, chuyên cần tu tinh tấn nên được pháp thắng, gọi là không buông lung.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát muốn đầy đủ chánh tín, tâm không buông lung, tinh tấn chánh niệm thì phải học Bát-nhã ba-lamật, nhân nơi niệm trí này mà có thể mau thành tựu pháp Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đầy đủ chánh trí, tâm không buông lung, cần tu tinh tấn, liền được chánh niệm, dùng niệm trí đó nên biết có, biết không.

Tại sao gọi là có và không?

Nếu tu chánh hạnh được chánh giải thoát, gọi đó là có. Nếu tu tà hạnh được chánh giải thoát, gọi đó là không. Nhãn, nhĩ, tỷ, nhiệt, thân, ý và pháp của thế gian gọi là có, trong chân thật gọi là không.

Đại Bồ-tát cần tu tinh tấn, có thể được giải thoát, gọi đó là có. Bồ-tát biếng lười mà được giác ngộ, gọi đó là không.

Nếu nói năm ấm đều từ hư vọng điên đảo sinh ra, gọi đó là có. Nếu nói pháp thế gian không từ nhân duyên mà tự nhiên sinh ra, gọi đó là không.

Sắc là pháp vô thường, khổ, hư hoại, gọi đó là có. Nếu nói thường lạc chẳng phải pháp hư hoại, gọi đó là không. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng là như vậy.

Vô minh duyên hành gọi đó là có. Nếu lìa vô minh mà hành sinh, gọi đó là không. Hành duyên thức cho đến sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não cũng đều như vậy.

Bố thí thì được giàu có, gọi đó là có. Bố thí mà bị nghèo hèn, gọi đó là không. Tinh tấn, trì giới được sinh vào đường thiện, gọi đó là có. Nếu sinh vào đường ác, gọi đó là không; cho đến Bát-nhã bala-mật có thể được thành Phật gọi đó là có, tu hành Bát-nhã ba-lamật mà làm phàm phu, gọi đó là không.

Nếu tu đa văn thì được đại trí, gọi đó là có; nếu bị ngu si, gọi đó là không. Nếu tu chánh niệm thì được xuất ly, gọi đó là có; nếu không được thì gọi đó là không nếu hành tà niệm không được xuất ly gọi đó là có, nếu được gọi đó là không.

Không ngã và ngã sở có thể được giải thoát, gọi đó là có; có ngã và ngã sở mà được giải thoát gọi đó là không. Nếu nói hư không có khắp tất cả chỗ, gọi đó là có; trong ngũ ấm có ngã, gọi đó là không. Như thật tu trí có thể giải thoát, gọi đó là có. Nếu chấp trước tà trí mà được giải thoát, gọi đó là không.

Nếu lìa ngã kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, nhân kiến có thể được trí không, gọi đó là có; chấp ngã, chúng sinh, thọ giả, nhân kiến có thể được trí không thì gọi đó là không.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, biết các pháp thế gian có và không, như vậy thì có thể tu bình đẳng; rõ biết nhân duyên sinh ra các pháp của thế gian, cho nên có mà không khởi thường kiến; biết nhân duyên của các pháp căn bản tự tánh vốn không, nên không sinh đoạn kiến. Đối với các lời dạy chư Phật đã thông đạt như thật.

Này đại vương! Chư Phật Như Lai nói tóm lược cho Bồ-tát nghe, bốn pháp đó là: Thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn và trời Trường thọ; tâm đều chấp vào thường, vì phá chấp này nên nói hạnh vô thường. Có các trời, người nhiều tham đắm, lạc thú; vì phá chấp này nên nói tất cả khổ. Ngoại đạo tà kiến chấp trong thân có ngã, vì phá chấp này nên nói vô ngã. Lại vì muốn phá tăng thượng mạn của người, cho nên nói Niết-bàn vắng lặng.

Nói vô thường, nghĩa là làm cho họ quyết chí cầu pháp cứu cánh. Nói khổ nghĩa là làm cho họ lìa mong cầu. Nói vô ngã nghĩa là làm cho họ hiển bày nữa không. Nói vắng lặng nghĩa là làm cho họ thông đạt vô tướng.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tu học như vậy, đối với các pháp thiện không bao giờ thoái lui, mau thành Vô thượng Chánh đẳng giác.

Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tu hành những hạnh gì để hộ trì chánh pháp?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, việc làm không trái với lời nói, kính trọng bậc Tôn trưởng và thuận theo chánh pháp, tâm hạnh ngay thẳng, các căn vắng lặng, xa lìa các điều ác và pháp ác, tu tập căn lành nên gọi là hộ trì chánh pháp.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu thân nghiệp từ bi, khẩu nghiệp từ bi, ý nghiệp từ bi, không cầu danh lợi, trì giới trong sạch, xa lìa các kiến hoặc, gọi đó là hộ trì chánh pháp.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, không làm theo ái, không làm theo sân, không làm theo si, không làm theo sự sợ sệt, gọi là hộ trì chánh pháp.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, biết tu tập hạnh hổ thẹn, gọi là hộ trì chánh pháp. Này đại vương! Bậc Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, thuyết pháp tu hành đúng như lời Phật dạy, gọi là hộ trì chánh pháp.

Này đại vương! Ba đời chư Phật vì hộ trì chánh pháp, cho nên ủng hộ vua trời, vua người để cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, nên nói đại thần chú:

Đa điệt tha a hống la hống la bà để hậu la nõa sa cửu trà chá chá chá chá chá nĩ phú nõa sứu đa xoa đa xoa diên đa xoa dã sa ma xà ma nĩ kha la âu lâu âu lâu bà để kỷ la bà để kim a-tỳ xá để nĩ sa la nĩ xã xà xã xã ma đễ a bà tha nĩ bà tha bạt đa bạt đa nâu sa lý bầu đa nâu tất mật lý đễ đề bà đa nâu tất mật lý đễ.

Hoặc Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già và tất cả chúng sinh đều được an ổn.

Này đại vương! Ba đời chư Phật, nói đại thần chú này là để hộ trì chánh pháp, ủng hộ vua trời, vua người nên tụng trì; các oán tặc, ác nạn ma chướng chánh pháp đều bị tiêu diệt. Chư Phật Như-Lai vì làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở đời, cho nên ủng hộ vua trời, người, khiến họ hộ trì chánh pháp.

Khi nói pháp môn thần chú Bát-nhã ba-la-mật này; tất cả cung trời, đại địa, các núi, biển lớn đều chấn động và trong chúng có tám vạn chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.

Lúc bấy giờ, Thắng Thiên vương dùng lưới kết bằng bảy thứ báu che ở trên Đức Phật, mà bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu những pháp gì mà đối với tâm Vô thượng Chánh đẳng giác không bị dao động?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu đại Bi vô ngại và khhông nhàm chán đại Bi, nên thành tựu việc lớn này; chuyên cần tinh tấn học Tam-muội không, tu trí bình đẳng, dùng sức phương tiện, thì có thể thông đạt trí thanh tịnh, hiểu rõ như thật ba đời bình đẳng, không có chướng ngại ngăn che con đường mà ba đời chư Phật đã đi.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu pháp như vậy thì đối với tâm Vô thượng Chánh đẳng giác sẽ không bị dao động.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, làm sao nghe được việc chẳng nghĩ bàn của Phật mà không sợ sệt, không kinh hãi?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bồ-tát phải đầy đủ trí tuệ và đầy đủ đức hạnh, gần gũi Thiện tri thức, ưa nghe những pháp sâu xa; hiểu rõ các pháp đều như huyễn, ngộ lý vô thường ở thế gian, tâm không trụ vào chấp trước cũng như hư không, biết tất cả pháp có sinh thì có diệt.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tu pháp và nghe được việc chẳng nghĩ bàn của Phật như vậy thì không sợ sệt, không kinh hãi.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, làm sao được tự tại ở mọi nơi?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, tu năm Thần thông. Đầy đủ vô ngại và các môn Giải thoát, bốn Thiền, bốn Vô lượng tâm, phương tiện; nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật được tự tại ở mọi nơi.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, được những pháp môn gì?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, được pháp môn đức hạnh, có thể độ chúng sinh có căn cơ lanh lợi và chậm lụt; được pháp môn trí tuệ, phân biệt cú nghĩa; được pháp môn Đà-la-ni, biết hết tất cả ngôn ngữ và âm thanh; được pháp môn vô ngại, nói pháp bất tận.

Này đại vương! Đó là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được các pháp môn như vậy.

Thắng Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, được những sức gì?

Phật bảo Thắng Thiên vương:

–Này đại vương! Bồ-tát được sức vắng lặng: thành tựu đại Bi; được sức tinh tấn: thành tựu quả vị không thoái chuyển; được sức đa văn: thành tựu đại trí; được sức tin ưa: thành tựu giải thoát; được sức tu hành: thành tựu xa lìa; được sức nhẫn nhục: thường giúp chúng sinh; được sức tâm Bồ-tát: đoạn trừ ngã kiến; được sức đại Bi: giáo hóa chúng sinh; được sức Vô sinh nhẫn: thành tựu mười Lực.

Này đại vương! Bậc Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, được thành tựu các lực như vậy.

Khi nói pháp môn này, trong chúng có năm trăm Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn; tám ngàn Thiên tử đạt được quả vị không thoái chuyển; một vạn hai ngàn Thiên tử xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh; bốn vạn trời, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.