SỐ 200
SOẠN TẬP KINH MỘT TRĂM TRUYỆN NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 8: TỲ-KHEO-NI

71- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Bảo Châu Lúc Sinh Ra Có Ánh Sáng Chiếu Khắp Trong Thành

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả, tên là Thiện Hiền, có vô lượng tài sản, của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé gái, tướng mạo xinh đẹp khác thường, trên đời ít có; trên đầu bé gái ấy tự nhiên có một hạt châu chiếu sáng khắp thành. Thấy vậy, cha mẹ rất vui mừng và đặt tên con là Bảo Châu.

Bảo Châu dần dần khôn lớn, bản tánh hiếu thuận, thích làm việc bố thí. Hễ có người tới xin hạt châu trên đảnh thì nàng liền lấy cho, cho rồi hạt châu khác lại hiện ra.

Cha mẹ vui mừng, một hôm dẫn Bảo Châu đến chỗ Phật. Bảo Châu thấy Phật, trong lòng vui mừng liền xin Phật xuất gia nhập đạo.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu Bảo Châu tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát, được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Bảo Châu, đời trước đã gieo trồng phước đức gì, mà nay khi ra đời tự nhiên trên đầu có hạt châu, lại gặp Thế Tôn được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp về trước, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi hóa độ chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Lúc ấy có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa thâu lấy xá-lợi Phật, rồi xây dựng ngôi tháp bằng bốn vật báu để cúng dường.

Về sau, có một người vào trong tháp này, treo một hạt châu cúng dường trên đỉnh tháp, sau đó phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên trong chín mươi mốt kiếp, người này không bị đọa vào đường ác; hễ sinh lên cõi trời, cõi người, lúc nào cũng thường có hạt châu trên đầu, thọ hưởng sự vui sướng cõi trời.

Cho đến ngày nay, vị ấy gặp Ta được xuất gia và đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


72- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Thiện Ái Lúc Sinh Ra Tự Nhiên Có Các Thức Ăn Uống

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Tu-già, có vô lượng tài sản, vật báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé gái.

Khi sinh ra bé ấy đã nói được, trong nhà tự nhiên đầy đủ các thức ăn uống. Cha mẹ bé gái thấy vậy nghĩ rằng đó chẳng phải là người mà là quỷ Tỳ-xá-xà, nên sợ sệt chẳng dám gần gũi.

Lúc ấy bé gái thấy cha mẹ tỏ vẻ lo sợ, nên chắp tay nói kệ cho mẹ nghe:

Mong mẹ nghe lời con

Nay con nói lời thật

Chẳng phải Tỳ-xá-xà

Cũng chẳng phải quỷ khác,

Mà con là người thật

Do hạnh nghiệp tạo nên

Do nhân duyên nghiệp lành

Được quả báo như vậy.

Lúc ấy cha mẹ nghe con nói kệ, trong lòng vui mừng khôn xiết, liền ẵm bồng, cho bú và nuôi dưỡng, nhân đó đặt tên con là Thiện Ái.

Thiện Ái thấy cha mẹ vui mừng, liền chắp tay thưa cha mẹ:

–Xin cha mẹ hãy đi thỉnh Đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng để cúng dường giúp con.

Cha mẹ liền nghe lời con đi thỉnh Đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng để cúng dường với đầy đủ các thức ăn uống. Cúng dường xong, Thiện Ái ở trước Phật sinh lòng khát ngưỡng muốn nghe pháp. Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho Thiện Ái nghe. Tâm ý được mở tỏ, nàng liền chứng quả Tu-đà-hoàn.

Thiện Ái dần dần khôn lớn, một hôm xin cha mẹ xuất gia nhập đạo. Vì thương con nên cha mẹ cô không nỡ ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Phật xin Phật cho Thiện Ái được xuất gia nhập đạo.

Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu Thiện Ái tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, trở thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Một hôm, Thế Tôn dẫn đầu một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, đi giáo hóa chúng sinh tại một nước khác. Khi đến một khoảng đồng trống, thì đã đến giờ ăn.

Đức Phật bảo Tỳ-kheo-ni Thiện Ái:

–Cô có thể bày các món ăn uống cúng dường Đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng không?

Đức Phật nói xong, Thiện Ái liền cầm lấy bát Phật tung lên hư không, lúc ấy tự nhiên các thức ăn uống chứa đầy trong bát. Cứ như thế, Thiện Ái lần lượt cầm lấy bát của một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo tung lên hư không cũng được đầy đủ các món ăn.

Lúc bấy giờ, A-nan thấy việc ấy, khen là sự chưa từng có, bèn bước đến bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Thiện Ái đời trước đã gieo trồng phước đức gì, mà nay lại có khả năng làm được việc kỳ diệu như thế, các món ăn uống hễ muốn là có ngay; lại gặp Đức Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp.

Một hôm, Đức Phật Ca-diếp đắp y, ôm bát dẫn đầu các Tỳ-kheo vào thành khất thực. Theo thứ lớp đến nhà một vị đại trưởng giả, trong nhà sắm sửa các món ăn ngon để đãi khách. Trong khi khách chưa đến, một cô gái hầu thấy Đức Phật và chúng Tăng đang đứng ngoài cửa, cô không nói cho ai biết, mà tự mình lấy các món ăn uống để cúng dường hết cho Đức Phật và chúng Tăng.

Sau đó khách đến, trưởng giả mới bảo cô hầu lấy thức ăn ra.

Cô hầu đáp:

–Thưa trưởng giả, hôm nay có Đức Phật và chúng Tăng đến khất thực và đứng ngoài cửa, nên con đã lấy các thức uống ăn cúng dường hết rồi.

Trưởng giả nghe xong, sinh tâm vui mừng và nói với cô hầu:

–Hôm nay ta đã gặp được ruộng phước. Ngươi đem thức ăn cúng dường, thật lòng ta vui không sao nói được. Bây giờ ta cho con được yêu cầu điều gì tùy ý.

Cô hầu đáp:

–Nếu trưởng giả cho phép tùy theo ý con, xin cho con xuất gia nhập đạo.

Vị trưởng giả liền bằng lòng cho cô xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Trong một vạn năm người hầu ấy siêng năng tu tập, không hề xao lãng. Khi qua đời, vị ấy không sa vào đường ác; thường được sinh lên các cõi trời, cõi người, các thức ăn uống hễ muốn liền có ngay.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người hầu nữ lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo-ni Thiện Ái. Do vì lúc đó, người hầu nữ đã tinh tấn siêng năng giữ giới, nên nay được gặp Ta, xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


73- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Bạch Tịnh Khi Sinh Ra Đời Đã Có Áo

Một hôm nọ, Phật ngự dưới rừng cây Ni-câu-đà, trong thành Catỳ-la-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Cù-sa, có vô lượng tài sản, của báu, không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé gái, tướng mạo xinh đẹp khác thường, lúc sinh ra đã có mặc áo trắng sạch.

Do vậy mà đứa bé được đặt tên là Bạch Tịnh. Bạch Tịnh dần dần khôn lớn và chiếc áo cũng rộng ra theo, màu sắc vẫn luôn trắng tinh sạch sẽ và không phải mất công giặt giũ, Mọi người trông thấy, ai cũng muốn có được chiếc áo như vậy.

Một hôm, Bạch Tịnh thưa với cha mẹ:

–Con chẳng tham cầu sự vinh hoa thế tục mà chỉ mong được cha mẹ cho xuất gia.

Vì tình thương nên cha mẹ không nỡ ngăn cản, liền dẫn con đến chỗ Phật, xin cho Bạch Tịnh được xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu Bạch Tịnh tự rơi rụng, chiếc áo trắng đang mặc trên mình bỗng hóa ra áo ca-sa, trở thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Tôn giả A-nan thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh đời trước đã làm được phước đức gì, mà nay khi sinh ra tự nhiên đã mặc áo đẹp đẽ thanh tịnh, lại được xuất gia không bao lâu đã chứng đắc đạo quả.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Ngài dẫn đầu các Tỳ-kheo vào xóm làng để giáo hóa chúng sinh.

Lúc ấy có một cô gái, khi thấy Đức Phật và chúng Tăng, tâm rất vui mừng, bèn cúng dường Phật và chúng Tăng một xấp vải, sau đó nàng phát nguyện rồi ra đi.

Nhờ công đức này, cho nên cô gái này, khi được sinh lên cõi trời, cõi người, lúc sinh ra đã mặc áo sạch. Cho đến ngày nay gặp Ta, cô ấy được xuất gia đắc đạo,

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy nên biết, cô gái cúng dường vải lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo-ni Bạch Tịnh vậy.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


74- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Tu-Mạn Có Tài Biện Luận

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị Bà-la-môn tên là Phạm-ma. Ông là người học rộng nghe nhiều, có tài biện luận, hiểu rõ kinh luận. Đối với bốn bộ Vệ-đà, ông đều thấu đạt. Ông chọn con gái trong một gia đình giàu sang để cưới làm vợ.

Người vợ mang thai, đủ mười tháng, nàng sinh được một bé gái, tướng mạo xinh đẹp khác thường, có trí tuệ và tài biện luận không ai sánh kịp. Nghe các Bà-la-môn nghị luận với cha mình, nàng đều ghi nhớ không mất một lời.

Dần dà như vậy, sự hiểu biết của cô ngày càng nhiều. Các bậc Trưởng lão tôn túc đều đến thưa hỏi, không điều gì mà nàng chẳng thông suốt.

Cô nghe rằng trên đời có Đức Phật mới chứng thành quả Chánh giác và đang giáo hóa chúng sinh. Nàng muốn đến cầu xin thọ pháp.

Hôm ấy, nàng đeo chuỗi anh lạc, trang nghiêm thân thể, đến nơi Phật ngự. Thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như trăm ngàn mặt trời, cô gái bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên.

Đức Phật liền nói pháp Tứ đế cho cô nghe, tâm ý được mở tỏ,  nàng liền chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, sau đó nàng cầu xin xuất gia.

Lúc ấy Đức Phật bèn gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu cô gái tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán.

Tôn giả A-nan thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Tu-mạn đời trước đã làm được phước đức gì, mà đời nay tuy làm thân gái, nhưng học rộng nghe nhiều bậc nhất; lại gặp Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo?

Phật bảo A-nan:

–Thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Sau khi giáo hóa chúng sinh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn.

Trong thời kỳ Tượng pháp của Phật Ca-diếp, có một vị Tỳ-kheo-ni siêng năng tu tập không hề xao lãng, tâm thường ưa thích khi nói pháp giáo hóa chúng sinh. Nhân công đức đó Tỳ-kheo-ni ấy phát nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai được sinh trong giáo pháp của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, là người hiểu rõ kinh luận.” Phát nguyện xong, Tỳ-kheo-ni ấy qua đời, được sinh lên cõi trời, cõi người, thông minh trí tuệ, không ai sánh kịp.

Đức Phật bảo A-nan:

–Thầy nên biết, Tỳ-kheo-ni nói pháp giáo hóa chúng sinh lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo-ni Tu-mạn, là người học rộng nghe nhiều bậc nhất, lại được gặp Ta, xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


75- Truyện Cô Gái Múa Trở Thành Tỳ-Kheo-Ni

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca-lan-đà, trong thành Vương xá.

Bấy giờ các vị trưởng giả giàu có trong thành nhóm họp lại, tổ chức đại hội, tấu trổi kỹ nhạc để vui chơi.

Lúc ấy có hai vợ chồng vũ sư từ phương Nam tới, dẫn theo một cô con gái xinh đẹp tên là Thanh Liên Hoa. Thanh Liên Hoa tướng  mạo xinh đẹp khác thường trên đời ít có, lại thông minh trí tuệ, khó ai có thể đối đáp với nàng. Nàng có đến sáu mươi bốn nghề, tất cả đều thành thạo. Nàng còn hiểu rõ về nghệ thuật múa; các động tác như xoay người, cúi xuống, ngẩng lên đều rất linh hoạt khéo léo và khúc hát được biểu hiện bằng tiết điệu của thân thể.

Cô kiêu hãnh nói rằng:

–Trong thành này, có người nào múa được như ta không; hay hiểu rõ kinh luận có thể đối đáp với ta không?

Khi đó có người trả lời:

–Đức Phật Thế Tôn tại vườn trúc Ca-lan-đà có khả năng đối đáp, làm cho cô không còn kiêu hãnh.

Cô gái múa nghe nói, liền dẫn đầu đoàn người vừa ca vừa múa đi đến vườn Trúc. Khi đến vườn Trúc, cô gái thấy Đức Thế Tôn, vẫn còn kiêu mạn, buông lung và cười đùa vô lễ, tỏ ra bất kính Như Lai.

Đức Phật thấy vậy, Ngài liền dùng thần lực biến cô gái múa thành một bà lão tóc bạc trắng, mặt nhăn nheo, răng rụng lưa thưa và đi lom khom.

Lúc ấy cô gái múa tự thấy thân mình già nua như một bà lão, bèn nói:

–Vì sao thân thể ta bỗng nhiên lại già nua suy yếu thế này? Đây chắc chắn là do uy thần của Đức Phật gây ra.

Nàng liền ở trước Phật sinh tâm hổ thẹn, bước đến bạch Đức Phật:

–Hôm nay con ở trước Thế Tôn mà dám kiêu mạn, tự đại, buông lung tâm ý. Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi tha thứ lỗi lầm.

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm cô gái múa được điều phục. Ngài bèn dùng năng lực thần thông biến bà lão trở lại thành cô gái múa, như trước không khác.

Mọi người thấy cô gái múa thoạt già, thoạt trẻ không nhất định, nên ai nấy đều sinh tâm nhàm chán thân người, hiểu rõ lý vô thường.

Tâm ý mở tỏ, có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, cho đến có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Bây giờ cô gái múa cùng cha mẹ đến trước Phật, ông bà cầu xin cho cô gái múa được xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu cô gái tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành Tỳ-kheo-ni. Cô siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được cõi trời, cõi người tôn kính.

Đại chúng thấy vậy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, làm sao đối với một người buông lung, xinh đẹp, không có lòng tin Phật, mà Ngài hóa độ được khiến cho cô ta khai ngộ, xuất gia đắc đạo như thế.

Đức Phật bảo đại chúng:

–Đâu phải ngày nay Ta mới giáo hóa nàng ấy, mà thuở quá khứ xa xưa Ta từng giáo hóa nàng ấy rồi.

Sau khi nghe Phật dạy, đại chúng lại bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay việc ở quá khứ thế nào, cúi xin Ngài giải thích cho chúng con được biết.

Bấy giờ Đức Phật bảo đại chúng:

–Các vị hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, vua nước Ba-la-nại có vị thái tử tên là Tôn-đà-lợi vào núi học đạo, đạt được năm thứ thần thông…

Một hôm, thái tử gặp một vị nữ Khẩn-na-la, tướng mạo xinh đẹp khác thường, giống như chư Thiên, nhưng lại có phong cách lẳng lơ, vừa đi vừa múa nhằm làm động tâm thái tử, muốn làm cho thái tử mê đắm, lui sụt Tiên đạo. Nhưng tâm thái tử lúc đó vẫn bền chắc, không hề có ý tưởng tham dục.

Lúc ấy thái tử nói với vị nữ Khẩn-na-la: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, nay ta quán sát thấy thân ngươi, toàn là chất hôi thối chứa đầy bên trong, với lớp da mỏng bao phủ bên ngoài, không thể giữ được lâu bền, rồi sẽ có lúc tóc bạc, mặt nhăn và lưng còm. Vậy bây giờ, ngươi lấy cớ gì còn kiêu mạn buông lung đến như thế; giọng ca hay của ngươi ngày trước, cũng bị biến đổi, tại sao ngươi còn dựa vào đó mà có những hành động lẳng lơ như thế?!”

Nghe thái tử nói, vị nữ Khẩn-na-la liền sám hối tội lỗi với thái tử và nhân đó phát nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai dứt bỏ được sinh tử và được gặp Ngài, chứng đắc đạo quả.”

Phật bảo đại chúng:

–Các vị nên biết, vị vương tử học đạo Tiên lúc bấy giờ, chính là Ta hiện nay, còn vị nữ Khẩn-na-la bấy giờ, nay là Tỳ-kheo-ni Thanh Liên Hoa. Nhờ năng lực phát nguyện lúc đó mà nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


76- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Ca-Thi Khi Sinh Ra Đã Mặc Ca-Sa

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại vườn Lộc dã, trong thành Ba-lanại.

Bấy giờ hoàng hậu của vua Phạm-ma-đạt-đa mang thai, đủ mười tháng, bà sinh được một công chúa, thân mặc ca-sa, tướng mạo xinh đẹp khác thường, trên đời ít có. Vua cho vời các thầy xem tướng đến xem tướng cho công chúa. Các thầy xem tướng xem xong hỏi cha mẹ:

–Lúc công chúa sinh ra có điềm lành gì chăng?

Vua đáp:

–Lúc công chúa ra đời, trên người có mặc ca-sa.

Do đó đặt tên là Ca-thi-tôn-đà-lợi. Ca-thi dần dần khôn lớn, chiếc áo ca-sa trên người cũng rộng theo. Ca-thi bản tính hiền lành, nhân từ và hiếu thuận. Một hôm, Ca-thi dẫn các người hầu ra khỏi thành dạo chơi, dần dần đến vườn Nai. Ca-thi thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ánh sáng chiếu soi như tram ngàn mặt trời, nàng sinh lòng vui mừng, bước đến đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui lại ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho Ca-thi nghe. Tâm ý được mở tỏ, nàng liền chứng đắc quả Tu-đà-hoàn. Ca-thi liền trở về tâu vua cha:

–Tâu vua cha, hôm nay con ra khỏi thành dạo chơi, khi đến vườn Nai, con thấy Đức Phật Thế Tôn có tướng tốt đẹp trăm phước, trang nghiêm thân Ngài, oai nghi khoan thai, dung mạo đáng chiêm ngưỡng.

Con mong vua cha hãy thương xót, cho con được xuất gia. Vì thương con nên vua cha không nỡ ngăn cản, bèn dẫn con đến chỗ Phật xin Phật cho con xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu Ca-thi-tôn-đà tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Ca-thi-tôn-đà-lợi đời trước đã gieo trồng phước đức gì, mà nay được sinh trong gia đình giàu sang, khi sinh ra đời đã có mặc ca-sa và tu hành đắc đạo.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-na-ca Mâu-ni. Đức Phật dẫn đầu các Tỳ-kheo đi giáo hóa chúng sinh.

Lúc ấy công chúa, đang trên đường đi bỗng gặp Phật, tâm nàng vui mừng bèn bước đến đảnh lễ dưới chân Phật và bạch: “Cúi xin Đức Phật và chúng Tăng từ bi nhận bốn thứ cúng dường của chúng con trong ba tháng.”

Đức Phật liền chấp nhận.

Công chúa cúng dường trong ba tháng xong, lại còn hiến cúng Đức Phật và chúng Tăng mỗi vị một chiếc y.

Nhờ công đức ấy mà được sinh lên cõi trời, cõi người, Ca-thi luôn được sự tôn kính và được sinh trong gia đình giàu có, khi sinh ra đời thường có mặc ca-sa.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, công chúa lúc bấy giờ, nay chính là Tỳ-kheo-ni Ca-thi-tôn-đà-lợi.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


77- Truyện Tỳ-Kheo-Ni Trên Trán Có Vòng Trân Châu

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành có một vị trưởng giả tên là Phất Sơ, có vô lượng tài sản, vật báu không thể tính kể được. Ông chọn con gái nhà giàu sang để cưới làm vợ, tấu trổi âm nhạc để mua vui cho nàng.

Người vợ này mang thai, đủ mười tháng cưu mang, nàng sinh được một bé gái, tướng mạo xinh đẹp khác thường, trên đời ít có, lại có vòng ngọc trên trán. Cha mẹ bé gái thấy con như vậy rất vui mừng, liền mời các thầy xem tướng đến xem tướng cho bé gái.

Các thầy xem tướng xem xong hỏi cha mẹ:

–Lúc trẻ này sinh ra có điềm gì lành?

Cha mẹ đáp:

–Khi con tôi ra đời, tự nhiên trên trán có vòng ngọc.

Do đó mà đặt tên con là Chơn Châu Man. Chơn Châu Man dần dần khôn lớn, bản tính hiền lành, hay thương xót những kẻ nghèo cô đơn. Khi có người tới xin, cô liền cởi vòng ngọc cho. Sau đó, lại có chiếc vòng ngọc khác y như trước.

Bấy giờ trưởng giả Tu-đạt nghe trưởng giả Phất Sơ có cô con gái xinh đẹp như vậy, nên ông có ý muốn giao hảo với Phất Sơ để xin cưới nàng ấy cho con mình. Nhưng khi Chơn Châu Man hay tin trưởng giả Tu-đạt muốn cưới mình làm dâu, nàng liền thưa với cha mẹ:

–Xin cha mẹ thương xót, nếu muốn gả con cho con trai của trưởng giả Tu-đạt, thì nên ra một điều kiện chàng phải thệ nguyện sau khi thành hôn cả hai sẽ cùng xuất gia. Nếu được như thế, cha mẹ mới gả con cho anh ấy; bằng không con sẽ không bằng lòng vì con chẳng tham đắm sự vinh hoa phú quý của thế tục.

Lúc ấy vợ chồng trưởng giả Phất Sơ vì thương con, nên không thể làm trái ý con, bèn nói ý nguyện của Chơn Châu Man cho trưởng giả Tu-đạt biết. Trưởng giả Tu-đạt nghe rồi liền bằng lòng.

Sau đó hai bên đồng tiến hành hôn lễ. Vợ chồng Chơn Châu Man chung sống được ít lâu, cả hai đều sinh tâm nhàm chán, cùng nhau đến chỗ Đức Phật, cầu xin xuất gia.

Đức Phật liền gọi:

–Lành thay, Tỳ-kheo-ni!

Tóc trên đầu Chơn Châu Man tự rơi rụng, thân mặc pháp phục, thành Tỳ-kheo-ni. Siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vợ chồng Chơn Châu Man, đời trước đã làm được phước đức gì, mà nay khi sinh ra tự nhiên có vòng ngọc trên trán, xuất gia không bao lâu đã chứng đắc quả A-la-hán.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đến vườn Nai để quay bánh xe pháp hóa độ chúng sinh.

Lúc ấy có vị trưởng giả A-sa-la nghe tin Đức Phật đang giáo hóa chúng sinh tại vườn Nai, ông bèn nghĩ: “Ta sẽ đi khuyến hóa dân chúng trong thành, mở đại hội Vô già”.

Nghĩ xong, trưởng giả liền thưa với vua cho mình cỡi voi trắng lớn đi khắp chợ, khắp mọi nơi chốn, khắp mọi con đường khuyến hóa mọi người đóng góp để mở đại hội Vô già.

Lúc ấy có một phụ nữ nghe lời khuyến hóa, liền đem hạt châu trên đầu để bố thí. Người chồng từ xa trở về, thấy hạt châu trên đầu vợ không còn, nên hỏi: “Nàng đã đem hạt châu cho ai?”

Người vợ đáp: “Hôm nay, trưởng giả A-sa-la đi khắp nơi để khuyến hóa mọi người bố thí, nên tôi đã bố thí hạt châu rồi.” Người chồng nghe nói, rất vui mừng, cũng đem hạt châu ra bố thí.

Nhân đó người vợ phát nguyện: “Con nguyện ở đời vị lai không bị đọa vào đường ác, được sinh lên cõi trời, cõi người, khi sinh ra thường có vòng trân châu.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nhờ bố thí hạt châu lúc bấy giờ nên Tỳ-kheo-ni Chơn Châu

Man ngày nay gặp Ta, được xuất gia đắc đạo.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


78- Truyện Nhờ Tỳ-Kheo-Ni Sai-Ma Ra Đời Mà Hai Vị Vua Hòa Giải Với Nhau

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc  thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc và vua Phạm-ma-đạt, thường có sự bất hòa, mỗi bên đều đem các binh chủng như: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh để trú đóng tại hai bên bờ sông.

Lúc ấy hai phu nhân của hai vua đến lúc sinh nở, một vị sinh được thái tử, một người sinh được công chúa. Cả hai trẻ đều có tướng mạo khôi ngô, xinh đẹp khác thường. Hai vua đều vui mừng, đánh trống ra lệnh tập hợp các binh chúng để ban thưởng tài vật. Nhân đó, hai vị vua đều vui mừng cầu hòa và kết mối thông gia với nhau, từ đó hai nước không còn xâm chiếm nhau nữa, mãi đến đời con cháu sau này, vẫn giữ được mối giao hảo như xưa.

Sau khi có sự hòa giải giữa hai vị vua, ai về nước nấy.

Bấy giờ thái tử con vua Phạm-ma-đạt mới bảy tuổi, được vua cha cho phép đem các thứ đồ châu báu đến xin cầu hôn công chúa của vua Ba-tư-nặc. Công chúa của vua Ba-tư-nặc nghe tin, nàng liền thưa vua cha:

–Thân người khó được, nay con đã được; các căn khó đầy đủ, nay con đã đầy đủ; tín tâm khó sinh, nay tín tâm con đã sinh; ở đời khó gặp Phật, nay con đã được gặp. Cúi xin vua cha đừng đẩy con vào chốn hiểm nạn, khiến con mãi xa lìa các bậc Thiện tri thức, xin vua cha thương xót cho con được xuất gia.

Vua đáp:

–Khi con nằm trong thai, ta đã hứa hôn với vua Phạm-ma-đạt rồi. Nhờ con ra đời mà hai nước trở nên hòa bình thân thiện, không còn xâm chiếm nhau nữa. Giờ đây, nếu ta không giữ lời, tức là phụ lòng tin của người, vua Phạm-ma-đạt chắc chắn đối xem ta như kẻ thù nghịch, chư Thiên sẽ chê trách mà không giúp đỡ cho ta, các quan và nhân dân sẽ không tin phục ta. Như vậy, ta đã đi ngược lại pháp chế lâu đời của Tiên vương. Con chưa từng nghe hay sao: Hai vị vua A-xà-thế và Ba-cù-lợi, cùng mấy mươi vị vua nữa… đều do nói dối mà phải đọa ngục. Vì sao ngày nay con muốn ta giống như các vua kia phải chịu khổ nơi địa ngục vì lời nói dối của mình. Con chớ nên bỏ ta đi xuất gia.

Nói xong, vua Ba-tư-nặc liền sai sứ giả đến báo tin cho vua Phạm-ma-đạt biết, nội trong bảy ngày hãy mau mang sính lễ đến. Sứ giả vâng lệnh vua, liền đến báo tin cho vua Phạm-ma-đạt biết bảy ngày nữa sẽ làm lễ cưới.

Khi nghe vua cha đã sai sứ giả đi hối thúc vua Phạm-ma-đạt phải tiến hành nhanh việc cưới hỏi, nàng rất buồn phiền, bèn mặc y phục dơ bẩn, cởi bỏ các chuỗi anh lạc và làm cho thân thể trở nên tiều tụy hao mòn, rồi nàng lên lầu cao, quỳ thẳng chắp tay hướng về tinh xá Kỳ hoàn bạch Phật:

–Đức Như Lai Thế Tôn từ bi thương xót tất cả chúng sinh, trong một niệm biết rõ ba đời. Hôm nay, con gặp khổ nạn, cúi mong Thế Tôn thương xót cứu giúp.

Lúc ấy Thế Tôn từ xa biết công chúa chân thành cầu nguyện, mong được cứu giúp. Trong phút chốc, Thế Tôn liền hiện ra trước mặt công chúa để nói pháp. Tâm ý được mở tỏ, công chúa liền chứng đắc quả A-na-hàm.

Đến ngày thứ bảy, thái tử của vua Phạm-ma-đạt dẫn đầu đoàn thị tùng, đến mấy ngàn muôn người, mang theo châu báu, các đồ phục sức đến để cầu hôn. Vào đến trong cung, thái tử sắp tiến hành lễ cưới, bỗng nhiên công chúa từ trên hư không hiện ra mười tám thứ thần biến, ẩn đi ở phía Tây xuất hiện ở phía Đông, xuất hiện ở phía Nam ẩn đi ở phía Bắc, đi đứng nằm ngồi biến hóa tự tại, rồi từ không trung bước xuống.

Vua Ba-tư-nặc thấy công chúa biến hóa như vậy, sinh tâm sợ hãi và nói với con gái:

–Ta vì ngu muội không biết con có thần thông biến hóa, vậy mà cố đẩy con vào chốn ô uế cấu nhiễu của trần gian. Ta xin sám hối tội lỗi và cho phép con xuất gia.

Bấy giờ thái tử cũng sinh tâm kính tin, nói:

–Ta cũng ngu si, không biết phân biệt, nên có ý định như vậy. Xin cũng cho ta sám hối tội lỗi, ta cho phép nàng xuất gia.

Bấy giờ công chúa được nghe những lời ấy, nàng liền đến tinh xá Kỳ hoàn, gặp Đức Phật và xin được xuất gia.

Đức Phật liền chấp nhận. Công chúa trở thành Tỳ-kheo-ni, siêng năng tu tập, chứng đắc quả La-hán.

Các Tỳ-kheo thấy việc ấy, bèn bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo-ni Sai-ma này đời trước đã làm được phước đức gì mà nay được sinh trong hoàng tộc mà không hề có tư tưởng tham dục, lại được xuất gia đắc đạo?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ. Trong hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong chánh pháp của Ngài, có một đôi vợ chồng không có sự thương cảm nhau, thường hay kình cãi bất hòa.

Một hôm, vợ chồng khuyến khích nhau đến chỗ các Tỳ-kheo để thọ Bát quan trai giới. Nhân đó, vợ chồng đồng phát nguyện: “Chúng con nguyện đời sau được sinh nơi tôn quý sang trọng, thường hòa giải nhau khi có tranh cãi.” Sau khi phát nguyện, cả hai tùy theo tuổi thọ, lần lượt qua đời, cùng sinh vào hoàng tộc.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết, người cha chồng nay chính là vua Phạm-ma-đạt; cha vợ nay là vua Ba-tư-nặc; người chồng nay là thái tử, người vợ nay là công chúa.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, vui mừng thực hành.


79- Truyện Nàng Công Chúa Xấu Xí Con Vua Ba-Tư-Nặc

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, phu nhân Mạt-lợi của vua Ba-tư-nặc hạ sinh được một nàng công chúa, diện mạo xấu xí, thân thể thô nhám như da rắn, tóc cứng như lông đuôi ngựa.

Vua Ba-tư-nặc thấy vậy, nên lòng buồn bã, ra lệnh cho các quan trong cung phải canh giữ cẩn thận không cho con gái ra ngoài để ai nhìn thấy.

Vua tự nghĩ: “Con gái ta tuy hình dạng xấu xí chẳng giống người, nhưng là con do phu nhân Mạt-lợi sinh ra nên ta vẫn nuôi dưỡng”.

Công chúa dần dần khôn lớn, đã đến tuổi phải có chồng. Vua rất ưu sầu không biết phải làm thế nào. Một hôm, vua truyền lệnh cho  một vị quan:

–Khanh hãy đi tìm và dẫn về đây một chàng trai vốn là con nhà giàu sang, nhưng nay đã sa sút nghèo khổ.

Vị quan vâng lệnh vua đi khắp nơi để tìm kiếm và tìm được một người có điều kiện như vậy, liền dẫn đến gặp vua.

Vua gọi chàng trai ấy đến chỗ khuất, nói riêng:

–Ta nghe khanh vốn là con nhà giàu sang, nhưng nay đã nghèo khổ. Về việc ấy ta hứa sẽ lo liệu cho. Điều ta muốn nói là ta có một công chúa diện mạo rất xấu xí. Ta mong khanh không chê và ta sẽ gả con gái cho.

Kẻ nghèo khổ kia quỳ thẳng tâu rằng:

–Thần xin vâng lệnh đại vương, giả sử đại vương có đem chó để gả cho thần, thì thần cũng xin nhận không dám trái lệnh, huống chi đây là công chúa do phu nhân Mạt-lợi sinh ra. Đại vương có nhã ý con xin vâng lệnh.

Sau khi gả công chúa cho người này, vua cho xây dựng phòng ốc, làm bảy lớp cửa rào vững chắc để nhốt công chúa bên trong và căn dặn phò mã:

–Con phải giữ công việc đóng mở cửa, nếu muốn ra ngoài chính con phải cài cửa chặt, luôn nhốt vợ con vào trong, không được để người ngoài thấy khuôn mặt xấu xí của công chúa.

Vua xuất tài vật tùy theo nhu cầu, để cung cấp cho phò mã không thiếu thốn món gì. Một hôm, nhà vua bảo phò mã và ban cho chàng chức quan Đại thần trong triều.

Một thời gian sau, vị Đại thần này trở nên giàu có, có rất nhiều tài sản vật báu, không còn thiếu thốn vật gì. Từ đó, viên Đại thần này và những người thuộc dòng dõi giàu sang thường cùng nhau tổ chức những cuộc hội họp vui chơi. Ngày qua tháng lại, trong những lần gặp gỡ ấy, những đôi vợ chồng hoặc trai gái cùng vui vẻ đi chung với nhau. Nhận thấy những người dự hội, ai cũng đem vợ mình theo, chỉ có vị Đại thần kia là không có vợ đi chung, cho nên mọi người mới lấy làm lạ cho rằng: “Hoặc là vợ ngài rất xinh đẹp, nhan sắc mỹ miều; hoặc là quá xấu, nên không dám trình diện trước công chúng.” Do đó bọn người kia bèn tính mưu kế để đi xem tận mặt người vợ. Họ âm thầm toan tính với nhau là dụ Đại thần uống rượu, đến hồi say khước  ngã lăn ra đất, họ mới mở lấy chìa khóa cửa và bọn họ gồm năm người về nhà Đại thần để xem mặt cô vợ thế nào.

Lúc ấy người vợ ở nhà đang buồn bã, tự trách lỗi mình:

–Đời trước ta đã gây ra nghiệp ác gì, mà nay khiến chồng ghét bỏ, lại thường bị giam hãm nơi tăm tối, không được thấy mặt trời, mặt trăng và mọi người.

Công chúa tự nghĩ: “Hiện nay Đức Phật ra đời, Ngài từ bi thường quán sát chúng sinh, hễ chúng sinh nào gặp khổ nạn, Ngài liền đến cứu độ.

Khi ấy công chúa liền dốc lòng, từ xa đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch:

–Cúi xin Đức Phật thương xót, đến trước mặt con để ban cho con lời giáo huấn.

Biết tâm chân thành, kính tin của công chúa đã thuần thục, Đức Phật liền đến nhà, hiện đến trước mặt nàng. Khi ấy, Đức Phật từ dưới đất hiện lên. Đầu tiên Ngài hiện tướng tóc xanh, công chúa ngẩng đầu nhìn màu tóc của Phật, trong lòng vui mừng và càng tôn kính. Lúc ấy tóc công chúa tự nhiên mềm mại trở lại và biến thành màu xanh. Đức Phật lại hiện tướng mặt, công chúa thấy cũng sinh tâm vui mừng, gương mặt nàng bỗng trở nên xinh đẹp, tướng thô kệch cùng làn da thô nhám tự biến mất. Đức Phật lại hiện ra thân màu vàng sáng rỡ cho công chúa thấy. Khi thấy thân Phật, công chúa càng vui mừng hơn nữa. Bấy giờ thân thể công chúa hoàn toàn xinh đẹp chẳng khác nào các Thiên nữ. Đức Phật liền giảng nói các pháp yếu cho công chúa nghe. Tâm ý được mở tỏ, công chúa chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, trong lòng nàng hớn hở, thế gian không ai bằng. Giáo hóa công chúa xong, Đức Phật trở về.

Bấy giờ năm người kia đến nhà vị Đại thần mở cửa vào, họ thấy người vợ có dung mạo xinh đẹp khác thường, trên đời không hai. Năm người bèn bảo nhau:

–Thật lạ! Tại sao Đại thần lại không đem vợ cùng đi?

Sau khi thấy vợ Đại thần có dung nghi xinh đẹp như vậy, họ đóng cửa cột khóa rồi ra về.

Cuộc hội ngộ giải tán, Đại thần trở về nhà, mở cửa vào thấy vợ mình trong dáng điệu đẹp đẽ, khác thường hơn người. Vị Đại thần  mừng rỡ hỏi:

–Nàng là ai vậy?

Người vợ đáp:

–Thiếp đây chính là vợ chàng.

Vị Đại thần lại hỏi:

–Trước kia nàng rất xấu xí, sao giờ đây lại xinh đẹp như vậy?

Công chúa bèn kể lại sự việc cho chồng nghe:

–Đó là nhờ công đức oai thần lực của Đức Phật làm cho thiếp có được thân tướng như vậy. Bây giờ thiếp muốn được gặp vua cha, chàng hãy thưa lên vua cha giùm thiếp.

Đại thần nghe lời vợ, bèn tâu với vua cha:

–Vợ con muốn diện kiến vua cha.

Nhà vua liền nói:

–Con chớ nói việc ấy, hãy mau đóng chặt cửa nhốt lại, đừng để công chúa ra ngoài.

Vị Đại thần bèn hỏi:

–Thưa vua cha sao như vậy? Bởi vợ con hôm nay nhờ oai thần của Đức Phật nên có được thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ, chẳng

khác gì Thiên nữ.

Vua nghe xong, xét quả đúng như vậy, rồi cho người sửa soạn một cỗ xe, tức tốc đến rước công chúa về cung. Vua thấy con gái mình dung mạo xinh đẹp khác thường, trên đời không hai nên lòng vui mừng vô cùng. Vua liền cho người sửa soạn một cỗ xe, để đến chỗ Phật. Đến nơi, vua đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui sang một bên, quỳ thẳng chắp tay bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, không biết công chúa con trẫm đời trước đã làm được phước lành gì mà nay được sinh trong dòng họ quý tộc, giàu sang, nhưng lại gây ra nghiệp ác gì mà nay phải chịu thân hình xấu xí, da tóc khô cứng còn hơn súc sinh. Cúi xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết.

Đức Thế Tôn bảo vua và phu nhân:

–Đại vương và phu nhân hãy lắng nghe, Ta sẽ giải thích rõ.

Thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, có một nước lớn tên là Ba-la-nại, có một vị trưởng giả có vô lượng tài sản, vật báu không thể tính kể được. Trưởng giả cùng những người trong nhà thường cúng dường một vị Bích-chi-phật, có thân thể thô kệch, tướng mạo xấu xí, xơ xác không ai muốn nhìn.

Lúc ấy có một cô bé thấy vị Bích-chi-phật đến, sinh ác tâm khinh mạn, mắng nhiếc, hủy báng: “Người gì đâu mà tướng mạo xấu xí, thân thể thô kệch đáng ghét thế!”

Vị Bích-chi-phật thường đến nhà trưởng giả để thọ cúng dường. Trụ thế đã lâu, nay Ngài muốn nhập Niết-bàn, liền vì cô gái, hiện các đại thần biến như: thân vọt lên hư không xuất ra nước lửa, xuất hiện ở phía Đông ẩn đi ở phía Tây, xuất hiện ở Nam ẩn đi ở phía Bắc, đi đứng nằm ngồi ở trong hư không, tùy ý biến hóa, khiến cho tất cả mọi người trong nhà trưởng giả đều thấy; rồi từ trên hư không bước xuống, đến nhà trưởng giả. Trưởng giả sinh tâm vui mừng khôn xiết. Riêng cô con gái trưởng giả hối lỗi tự trách: “Cúi xin Ngài từ bi tha thứ ác tâm của con trước đây. Tội con quá nặng, mong Ngài bỏ qua, cho con được sám hối để không còn tội lỗi gì”.

Đức Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đại vương nên biết, người con gái của trưởng giả lúc ấy vì đã hủy báng chê bai vị Bích-chi-phật, nên về sau khi sinh ra nơi nào cũng thường có thân hình xấu xí. Nhưng nhờ sau đó, do thấy sự biến hóa của Bích-chi-phật, cô gái ấy bèn sám hối với Ngài, cho nên nay được dung mạo xinh đẹp, hơn hẳn thế gian, không ai sánh bằng; và nhờ lúc ấy cúng dường vị Bích-chi-phật, nên khi sinh ra nơi nào cũng thường sinh trong nhà giàu có, tôn quý sang trọng, không thiếu thốn vật gì, lại được gặp Ta, thoát khỏi lo buồn khổ não.

Vua Ba-tư-nặc và các quan, dân chúng nghe Đức Phật dạy về nhân duyên nghiệp báo, tâm ý được mở tỏ. Có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có vị chứng quả Tư-đà-hàm, có vị chứng quả A-na-hàm, có vị chứng quả A-la-hán, có vị phát tâm Bích-chi-phật, có vị phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.


80- Truyện Về Tên Trộm

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong giảng đường Trùng các, thuộc nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, trong thành có một kẻ ngu, tâm thường ưa thích sống bằng nghề trộm cắp, dân địa phương ai cũng biết. Một hôm, nghe trong phòng chư Tăng có một cái lọ quý bằng đồng, kẻ ngu định đánh cắp chiếc lọ ấy. Kẻ ngu theo những người đi đường để vào tăng phòng định lấy cái lọ, nhưng cuối cùng không lấy được. Tên trộm nghe các thầy Tỳ-kheo giảng về một bài kệ bốn câu, ý nói: Cái chớp mắt của chư Thiên rất chậm, còn nháy mắt của người đời thì nhanh. Tên cướp nghe kệ và ghi nhận trong lòng rồi ra về.

Sau đó, có một người đi buôn từ xứ khác tới, mang theo một hạt châu Ma-ni rất giá trị để dâng lên nhà vua. Vua được hạt châu, liền sai người treo lên đỉnh tháp để cúng dường.

Lúc ấy tên trộm biết rằng vua đã treo bảo châu trên đỉnh tháp nên âm thầm để bụng, sau đó, liền đến trộm lấy rồi trốn biệt dạng.

Khi vua nghe hạt châu bị mất, trong lòng tức giận, liền thong báo khắp trong nước:

–Ai bắt được kẻ cắp, mật báo cho vua, sẽ được trọng thưởng. Qua một thời gian, không ai dám đáp ứng lời kêu gọi của vua.

Vua tức giận sai người đi tìm, cũng chẳng kết quả.

Lúc ấy có một vị quan mưu trí tâu vua:

–Hiện nay, trong kinh thành của đại vương, nhân dân đều giàu có thịnh vượng, rất ít kẻ trộm cắp, chỉ còn một người sống bằng nghề trộm cắp mà cả nước đều biết tiếng, hạt châu này chắc chắn do hắn lấy. Nhưng nếu bắt hắn trói lại rồi tra khảo đánh đập, chắc chắn hắn không thú nhận. Nay đại vương phải bày mưu tính kế, mới biết được kẻ kia có lấy hay không.

Vua hỏi vị quan này rằng:

–Nên lập kế gì?

Vị quan đáp:

–Đại vương hãy âm thầm sai người đi mời tên trộm đến cùng ngồi ăn thịt uống rượu. Khi hắn thật say, đại vương cho xe chở về trước điện, đừng cho hắn hay biết gì cả. Trang nghiêm điện đường và các kỹ nữ cực kỳ xinh đẹp, tấu trổi âm nhạc làm cho hắn thích thú.

Lúc ấy tên trộm tất phải bàng hoàng ngơ ngác, nhân đó đại vương bảo các kỹ nữ: “Vì lúc còn ở Diêm-phù-đề, ông đã lấy cắp hạt châu trên đỉnh tháp, nên nay được sinh lên tầng trời Đao-lợi. Các kỹ nữ chúng tôi đang trổi nhạc hầu hạ ông đây, mà thật ông có lấy hạt châu không?”

Vua y kế ấy thi hành. Bấy giờ, tên trộm trong cơn say, nửa muốn nói thật, nhưng còn sợ đây không phải cõi trời, nửa chẳng muốn nói mà các cô gái bắt ép phải nói. Khi đó, tên trộm bỗng nhớ lại lúc trước ta có nghe Sa-môn giảng: “Cái chớp mắt của chư Thiên rất chậm, còn của người đời rất nhanh, mà giờ đây cái nháy mắt của các kỹ nữ rất nhanh chẳng phải là cõi trời rồi. Tên trộm chỉ cúi đầu không chịu nói.

Chẳng bao lâu hắn tỉnh rượu, quan cũng không hỏi tội, tên trộm được thoát chết.

Lúc ấy vị quan mưu trí kia lại tâu vua:

–Xin đại vương thay đổi mưu kế để buộc tên trộm nhận tội.

Vua hỏi:

–Ta phải lập kế gì?

Vị Đại thần đáp:

–Đại vương hãy giả cách thân thiện, gọi kẻ cắp lại và ban cho hắn chức Đại thần. Tất cả kho tàng, đại vương âm thầm tính đếm số lượng rồi giao cho hắn giữ. Sau đó đại vương dùng lời lẽ nhẹ nhàng nói với hắn ta: “Nay chưa có người nào thân thiết như ngươi, hãy giữ gìn kho tàng, đừng để thất thoát vật gì.” Kẻ cắp nghe rồi, chắc chắn sẽ vui mừng. Nhân đó đại vương từ từ hỏi: “Trước kia ta có treo hạt châu Ma-ni trên đỉnh tháp, ngươi có biết không?”

Lúc ấy kẻ cắp sẽ thú thật. Tại sao biết được? Là vì nay hắn đã được đại vương quý trọng và đem tất cả tài sản, tin tưởng ủy thác cho hắn. Chắc chắn là hắn sẽ thú nhận tội lỗi với đại vương.

Vua Ba-tư-nặc theo lời vị quan, sắp đặt kế hoạch thi hành. Quả đúng như lời vị quan nói. Kẻ cắp đã thú thật với vua:

–Chính bề tôi này đã lấy cắp hạt châu và vì sợ nên chẳng dám ra mặt.

Vua lại hỏi:

–Trước kia ngươi say rượu tại cung điện của ta, các kỹ nữ có gạn hỏi, cho rằng ngươi đang ở tại cõi trời, tại sao ngươi không nhận tội?

Kẻ cắp đáp:

–Ngày xưa, tôi có vào tăng phòng và được nghe các Tỳ-kheo  giảng về một bài kệ bốn câu ý nói: “Cái chớp mắt của chư Thiên thì rất chậm, còn chớp mắt của người đời thì nhanh lắm.” Lúc ấy tôi nhớ lại, nên biết rằng đó chẳng phải cõi trời, do đó tôi không thú tội.

Sau đó kẻ trộm đã trả lại hạt châu cho vua. Vua Ba-tư-nặc được trả lại hạt châu, rất đổi vui mừng và không hỏi tội vị đại thần trộm cắp.

Lúc ấy vị đại thần trộm cắp thoát chết, liền tâu vua:

–Xin đại vương tha tội và cho phép tôi xuất gia.

Vua hỏi:

–Ngày nay, ngươi rất được tôn trọng, giàu sang sung sướng. Vì lẽ gì lại muốn xuất gia?

Vị đại thần trộm cắp đáp:

–Tôi nhờ nghe Sa-môn giảng nói bài kệ bốn câu mà được thoát chết. Chỉ nhờ nghe kệ mà được thoát nạn huống chi được học rộng nghe nhiều, đọc tụng tu tập, y như pháp tu hành, chắc chắn phải được nhiều lợi ích. Vì thế nên tôi muốn xuất gia.

Vua nghe xong liền chấp nhận cho vị đại thần trộm cắp xuất gia. Khi được xuất gia, người ấy siêng năng tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba Minh, sáu phép Thần thông, tám pháp Giải thoát; được trời, người tôn kính.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều vui mừng thực hành.