SỐ 224
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 8: TRÌ

Thích Đề-hoàn Nhân thầm nghĩ: “Người nghe Bát-nhã bala-

mật đều là người của thời Phật quá khứ hà huống là học tập, thọ trì, đọc tụng. Họ học tập, thọ trì, đọc tụng, sống đúng như lời Phật dạy. Những người ấy đời trước đã từng cúng dường biết bao Đức Phật, hôm nay lại được nghe Bát-nhã ba-lamật thâm diệu, học tập, thọ trì, phúng tụng, sống đúng như lời Phật dạy. Người ấy đã từng thưa hỏi pháp này từ thời Phật quá khứ. Thiện nam, thiện nữ đó vì đã gặp Đức Phật quá khứ đã được nghe Bát-nhã ba-la-mật nên không còn nghi ngờ, không còn lo âu, sợ hãi.” Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Đại Bồ-tát tín thọ Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, thì phải được xem như bậc không thoái chuyển. Vì sao? Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu phải dùng tinh tấn để tin nhận Bát-nhã ba-la-mật. Giả sử có người khinh thường Bát-nhã ba-la-mật thì người này đời trước cũng đã từng khinh thường Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì không tin ưa Bátnhã ba-la-mật, vì không thưa hỏi Phật và đệ tử của Phật về pháp này. Vì vậy cần phải biết các lý do đã gây nên.

Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Bát-nhã ba-la-mật rất là thâm diệu hy hữu. Nếu có người nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu mà chẳng tin thì đó là người chưa hành đạo Bồ-tát thành ra thọ trì khó khăn. Còn người tự lễ kính Bát-nhã ba-la-mật là người đã tự lễ kính trí Nhất thiết trí.

Xá-lợi-phất nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đúng thế, đúng thế! Này Câu-dực! Người tự lễ kính trí Nhất thiết trí tức là tự lễ kính Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì từ trong pháp này sinh ra trí Nhất thiết trí của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Trí Nhất thiết trí là ánh sáng chiếu soi của Bát-nhã ba-la-mật. Người trụ trong Bát-nhã ba-la-mật thì hiểu được trí này.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Trụ trong Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Hiểu thế nào về trí Nhất thiết trí trong Bát-nhã ba-la-mật?

Đức Phật dạy:

–Hay thay, hay thay! Này Câu-dực! Ông đặt câu hỏi như thế đều là nhờ oai thần của Phật. Nếu Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng trụ trong sắc, nếu chẳng trụ trong sắc tức là hành. Chẳng trụ trong thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Nếu chẳng trụ trong thức tức là hành. Ở trong sắc chẳng rốt ráo. Như sắc chẳng rốt ráo vì thế chẳng trụ trong sắc. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức chẳng rốt ráo. Như thức chẳng rốt ráo vì thế chẳng trụ trong thức.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật rất thâm diệu. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật rất khó thấy bờ bến.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Sắc thâm diệu cũng chẳng trụ. Nếu chẳng trụ sắc thâm diệu thì người chẳng trụ sắc thâm diệu như thế tức là hiểu thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức thâm diệu chẳng trụ. Nếu chẳng trụ thức thâm diệu thì người chẳng trụ thức thâm diệu như thế tức là hiểu sắc thâm diệu cũng chẳng tùy theo. Người chẳng tùy theo sắc thâm diệu tức là chẳng trụ sắc thâm diệu. Nếu chẳng trụ sắc thâm diệu tức là chẳng tùy theo sắc thâm diệu. Thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức thâm diệu chẳng tùy theo, người chẳng tùy theo thức thâm diệu như thế tức là chẳng trụ thức thâm diệu. Người chẳng trụ thức thâm diệu như thế tức là chẳng tùy theo thức thâm diệu. Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, phải nên đời trước Bồ-tát không thoái chuyển thuyết pháp này. Các vị ấy nghe pháp trí tuệ này chẳng nghi, cũng chẳng chán.

Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Xá-lợi-phất:

–Có gì khác chăng khi thuyết pháp này với các vị Đại Bồtát chưa được thọ ký?

Xá-lợi-phất đáp:

–Các Bồ-tát đó từ khi cầu Phật đạo đến nay đã lâu lắm rồi. Họ là người đã được thọ ký. Nếu người chưa được thọ ký mà nghe thuyết pháp này chì chẳng bao lâu cũng được thọ ký hoặc gặp một Đức Phật hoặc gặp hai Đức Phật thì được thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đại Bồ-tát chưa được thọ ký nghe pháp này sợ hãi bỏ đi.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đúng thế, đúng thế! Đại Bồ-tát cầu Phật đạo từ trước đến nay đã lâu lắm rồi hoặc đã được thọ ký hoặc chưa được thọ ký đều nghe thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu này.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con cũng muốn nói về pháp này để cho người thích nghe được an vui.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Nếu ông thích thì cứ nói.

Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như Đại Bồ-tát trong giấc mộng tự thấy ngồi tòa Phật thì biết là hiện đang gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành Phật. Bạch Đức Thiên Trung Thiên, cũng vậy, Đại Bồ-tát được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu là Đại Bồ-tát học từ trước đến nay đã lâu lắm rồi, nay chẳng còn bao lâu nữa sẽ được thọ ký, công đức của vị ấy sắp thành tựu viên mãn. Đại Bồ-tát nên biết như vầy: “Người đắc Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu là người công đức sắp thành tựu viên mãn.” Đức Phật dạy:

–Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Ông nói được lời như thế đều nhờ oai thần của Phật.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Thiện nam đi một vạn dặm hoặc mấy vạn dặm đến nơi trống trải. Người này từ xa trông thấy kẻ chăn bò, người chăn dê hoặc thấy địa giới hoặc thấy nhà cửa hoặc thấy ruộng vườn, nghĩ rằng: “Sắp đến quận, sắp đến huyện, sắp đến xóm làng.” Nếu muốn đến thì nên nghĩ rằng: “Từ từ đi tới thì sẽ đến gần, không còn sợ giặc cướp.” Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ-tát đắc Bátnhã ba-la-mật thâm diệu cũng giống như vậy, nay chẳng còn bao lâu nữa sẽ được thọ ký cũng chẳng sợ rơi vào quả vị của đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Vì sao? Vì trước đó đã có ý tưởng thấy nghe đến Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như thiện nam muốn thấy biển cả, liền đi về hướng biển cả. Hoặc thấy cây nghĩ về cây, hoặc thấy núi nghĩ về núi, chẳng biết là biển cả hãy còn xa. Người này từ từ đi về phía trước, đến lúc chẳng thấy cây chẳng nghĩ về cây, chẳng thấy núi cũng chẳng nghĩ về núi, trong lòng nghĩ không bao lâu sẽ đến biển. Trên đường đi không còn thấy có cây, cũng không nghĩ về cây, không còn có núi cũng không nghĩ về núi, thiện nam này tuy chưa thấy biển cả nhưng biết rằng sắp đến. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ-tát này phải biết như vầy: Nếu ai nghe được Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, tuy chẳng thấy được Phật thọ ký nhưng biết từ nay cho đến ngày thành Phật không còn xa.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như cây cối mùa xuân từ từ đâm chồi nẩy lộc chẳng bao lâu sẽ ra hoa kết trái. Vì sao? Vì những dấu hiệu này của cây cho biết chẳng bao lâu cây sẽ ra lá rồi sinh hoa trái, người ở châu Diêm-phù-lợi đều rất vui mừng từng nhìn thấy cây này, thì biết chẳng bao lâu hoa trái sẽ chín. Bạch Đức Thiên Trung

Thiên! Cũng thế, Đại Bồ-tát được nghe thấy Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thì công đức của người ấy sắp thành tựu viên mãn, nay ở trong Bát-nhã ba-la-mật tự đạt đến thành tựu. Đại Bồ-tát này phải biết đó là do lúc ở đời quá khứ đã học Bát-nhã ba-la-mật nên công đức ấy sắp thành tựu viên mãn. Vì sao? Vì hiện tại lại được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu. Chư Thiên trên trời đều vì người ấy mà vui mừng nghĩ đến lúc thấy các Đại Bồ-tát quá khứ được thọ ký thì biết Đại Bồ-tát này hôm nay cũng được thọ ký, chẳng bao lâu sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như người đàn bà có thai, bụng dần dần to, thân thể nặng nề không như trước kia, làm việc gì cũng bất tiện, ăn uống ít đi, đi đứng khó khăn, dần dần cảm thấy đau, nói năng chậm chạp, nằm ngồi không yên, đau đớn dồn dập thì biết người đàn bà này chẳng bao lâu sẽ sinh. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Cũng vậy, Đại Bồ-tát công đức sắp thành tựu viên mãn, nếu được nghe thấy Bát-nhã ba-lamật thâm diệu, vị ấy tưởng niệm tu hành thì phải biết vị Đại Bồ-tát ấy hôm nay được thọ ký, chẳng bao lâu được thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật dạy:

–Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Ông nói được như thế là đều nhờ oai thần của Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Hy hữu thay! Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều biết trước về Đại Bồ-tát này.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát ngày đêm xót thương nghĩ đến thế gian, muốn làm cho trời, người đều được yên ổn. Vì thế lúc tự đạt đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành Phật, họ vì hàng trời, người mà thuyết pháp.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Như vậy Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải hành thế nào để được thành tựu?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng thấy lỗi của

sắc là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Chẳng thấy lỗi của thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là thực hành Bát-nhã bala-mật. Chẳng thấy sắc không lỗi là thực hành Bát-nhã ba-lamật. Chẳng thấy thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức không lỗi là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Chẳng thấy pháp đúng là thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng chẳng thấy pháp sai là thực hành Bát-nhã ba-lamật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Điều Thế Tôn nói ra chẳng thể nghĩ bàn.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Sắc cũng chẳng thể nghĩ bàn thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng phân biệt sắc là thực hành Bátnhã ba-la-mật. Chẳng phân biệt thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ai sẽ tin đây là hạnh của Đại Bồ-tát?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Cái gì là hạnh? Giả sử hạnh của Đại Bồ-tát thì cũng chỉ là giả danh. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật đối với mười Lực cũng không gần, đối với bốn Vô sở úy cũng không gần, đối với Phật pháp cũng không gần, đối với trí Nhất thiết trí cũng không gần. Vì sao? Vì mười Lực chẳng thể nghĩ bàn bốn Vô sở úy cũng chẳng thể kể xiết, Phật pháp cũng chẳng thể nghĩ bàn, trí Nhất thiết trí cũng chẳng thể nghĩ bàn, sắc cũng chẳng thể nghĩ bàn, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức cũng chẳng thể nghĩ bàn, các pháp cũng chẳng thể nghĩ bàn, tâm cũng chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Đại Bồ-tát hành như thế tức là vô sở hành, đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Giả sử làm hạnh như thế cũng chỉ là giả danh mà thôi. Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là vua trong các loại trân bảo. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật là vua trong các vị đại tướng. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Bát-nhã ba-la-mật chiến đấu cùng hư không, không ai có thể thắng. Từ trong pháp này không bị đoạn tuyệt. Đức Phật dạy:

–Đúng thế, đúng thế! Này Tu-bồ-đề! Người muốn biên chép nhanh chóng kinh này cũng phải đến một năm mới xong. Vì sao? Vì đối với kinh trân bảo này có nhiều nhân duyên nổi lên khiến cho việc biên chép của thiện nam, thiện nữ nửa chừng bị đứt đoạn.

Tu-bồ-đề thưa:

–Ở trong Bát-nhã ba-la-mật! Đám ma tệ ác thường khiến cho muốn làm đứt đoạn.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Giả sử đám ma tệ ác muốn làm đứt đoạn kinh này thì cũng sẽ không thể thắng được Đại Bồ-tát.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Nhờ oai thần của ai mà đám ma tệ ác không thể làm đứt đoạn nửa chừng?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đều nhờ oai thần của Phật và của chư Phật hiện tại trong vô số cõi nước ở khắp mười phương. Lại nhờ ân của oai thần, chư Phật đều cùng thương tưởng, đều cùng truyền trao, đều cùng ủng hộ người này. Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát này là người đã được Phật ủng hộ nên đám ma tệ ác không thể giữa chừng làm đứt đoạn. Vì sao? Vì chư Phật hiện tại trong vô số thế giới ở khắp mười phương đều cùng ủng hộ Bátnhã ba-la-mật. Nếu có người tụng niệm giảng nói hoặc có người học tập, thọ trì, biên chép đều là do oai thần của chư Phật.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Đại Bồ-tát hoặc có người tụng niệm hoặc có người học tập, thọ trì, biên chép là đã được oai thần của chư Phật ủng hộ.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Đều là ân đức oai thần của chư Phật. Đại Bồ-tát này học Bátnhã ba-la-mật nên biết đó là sự ủng hộ của chư Phật.

Xá-lợi-phất thưa:

–Nếu có người học tập, trì tụng Bát-nhã ba-la-mật, Phật dùng Phật nhãn thấy biết người ấy.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Như Lai dùng Phật nhãn nhìn thấy người học tập, trì tụng Bátnhã ba-la-mật. Sau cùng nếu có người biên chép gìn giữ quyển kinh, phải biết những người này đều đã được Như Lai dùng Phật nhãn nhìn thấy.

Phật nói tiếp với Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát là người chí đức. Người học tập, thọ trì kinh này là Đại Bồ-tát đang ở gần tòa Phật sắp thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau cùng, nếu có người biên chép giữ gìn quyển kinh thì những người cao quý này được công đức rất lớn. Này Xá-lợi-phất! Như vậy sau khi Như Lai diệt độ, Bátnhã ba-la-mật này sẽ ở tại Nam Thiên trúc, pháp này có người học rồi, từ Nam Thiên trúc sẽ chuyển đến Tây Thiên trúc, pháp này có người học rồi, sẽ từ Tây Thiên trúc chuyển đến Bắc Thiên trúc, pháp này cũng có người học.

Phật nói tiếp với Xá-lợi-phất:

–Về sau lúc kinh pháp này sắp đoạn tuyệt, ta đều biết người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật. Nếu sau cùng có người biên chép, Đức Phật đều dự kiến người ấy sẽ ngợi khen và thuyết giảng kinh này.

Xá-lợi-phất hỏi Phật:

–Cuối cùng Bát-nhã ba-la-mật sẽ đến Bắc Thiên trúc chăng?

Đức Phật dạy:

–Sẽ đến Bắc Thiên trúc. Người ở tại đó sẽ nghe Bátnhã ba-lamật và còn thưa hỏi về pháp này thì ông phải biết là Đại Bồ-tát này đã hành Bát-nhã từ trước đến nay đã lâu lắm rồi, vì thế bây giờ họ lại thọ trì Bát-nhã ba-la-mật. Xá-lợi-phất thưa:

–Bắc Thiên trúc sẽ có bao nhiêu Đại Bồ-tát học Bátnhã ba-lamật?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bắc Thiên trúc tuy có rất nhiều Đại Bồ-tát nhưng ít có người học Bát-nhã ba-la-mật. Nếu có người nghe thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật mà không kinh, không hãi, không sợ thì đó là người đời trước đã từng nghe Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết pháp này. Bồ-tát này là người chí đức trì tịnh giới đầy đủ, muốn độ thoát tất cả mọi người. Như Lai biết những người cầu Phật đạo này là thiện nam, thiện nữ hiện nay đang gần trí Nhất thiết trí. Người học pháp này sinh ra ở đâu cũng thường học pháp này, tiếp tục đi đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thiện nam, thiện nữ này là người cực kỳ tôn quý, ma không bao giờ làm gì được, chẳng thể lay động làm cho bỏ đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thiện nam, thiện nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật này thì đã được cực kỳ tôn quý. Công đức khuyến trợ Đại thừa làm cho họ mau gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thiện nam, thiện nữ này tuy chẳng thấy ta nhưng đời sau học đắc Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu là đã tận mặt thấy Phật. Nói lời Bát-nhã ba-la-mật cũng không sai khác, đây là hạnh Bồ-tát cần phải thực hành. Nếu có ngần ấy trăm người, ngần ấy ngàn người cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải giáo hóa họ, phải khuyến trợ họ, phải thuyết pháp cho họ nghe để họ đều hoan hỷ học Phật đạo.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Ta khuyến trợ thiện nam, thiện nữ chí đức đó học đạo Bồ-tát. Nếu người nào dạy như thế tức là đem sự sáng suốt của tâm này chuyển đến tâm kia. Thiện nam, thiện nữ nếu vì người khác mà khuyến trợ thì những người muốn hành đạo Bồ-tát này có đến hàng trăm người, hàng ngàn người cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên giáo hóa họ, phải nên khuyến trợ khiến cho họ hoan hỷ học Phật đạo. Trong lòng các thiện nam, thiện nữ này hớn hở vui mừng nguyện sinh về cõi Phật phương khác. Đã được sinh về phương khác rồi, liền tận mặt thấy Phật thuyết pháp, nghe lại pháp Bát-nhã ba-la-mật đều thông hiểu tất cả rõ ràng. Lại ở trong cõi Phật kia giáo hóa hàng trăm, hàng ngàn người đều hành Phật đạo.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Hy hữu thay! Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì pháp quá khứ, vị lai, hiện tại không pháp nào chẳng hiểu, vì biết hết hạnh của Đại

Bồ-tát ở đời vị lai nên khiến cho họ không lười nhác mà lại tinh tấn học, rồi đi sâu vào trong sáu pháp Ba-la-mật. Đức Phật dạy:

–Thiện nam, thiện nữ này nếu có người nào hành pháp đó thì những điều mong cầu đều được như ý hoặc điều chẳng cầu cũng tự được. Đó là do bản nguyện của thiện nam, thiện nữ nên chẳng lìa pháp này. Tuy họ không có chỗ mong cầu mà tự được sáu pháp Bala-mật.

Xá-lợi-phất hỏi Phật:

–Từ trong Ba-la-mật này có thể sinh ra kinh quyển được chăng?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Thiện nam, thiện nữ này thâm nhập Bát-nhã ba-la-mật thì từ trong pháp này tự lý giải ra mỗi một pháp thâm diệu là một quyển kinh. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Nếu người nào dạy đúng như đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì có thể dạy mọi người, khuyến trợ họ, vì họ thuyết pháp, đều khiến họ hoan hỷ học Phật đạo. Thiện nam, thiện nữ lại tự học pháp này, vì thế sinh ra nơi nào cũng đều được sáu pháp Ba-la-mật.