KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 8: LUẬN TỊCH

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích hỏi Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Thưa Bồ-tát! Nay Bồ-tát dùng hành gì làm hạnh?

Bồ-tát Đẳng Hạnh trả lời:

-Tôi dùng hạnh thuận theo tất cả pháp hữu vi nơi chúng sinh làm hạnh.

Phạm thiên hỏi:

-Thuận theo tất cả pháp hữu vi nơi chúng sinh làm hạnh là hạnh như thế nào?

Bồ-tát đáp:

-Nẻo hành hóa của chư Phật là hạnh tùy theo tất cả pháp hữu vi nơi chúng sinh.

Lại hỏi:

-Chư Phật dùng gì làm hạnh?

Bồ-tát đáp:

-Chư Phật dùng Đệ nhất nghĩa không làm hạnh.

Lại hỏi:

-Nẻo hành hóa của hàng phàm phu, chư Phật cũng dùng đấy làm hạnh thì có gì sai khác?

Bồ-tát Đẳng Hạnh nói:

-Ông muốn khiến cho trong “không” có sai biệt chăng?

Phạm thiên đáp:

-Không.

Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi:

-Như Lai không giảng nói tất cả pháp là “không” sao?

Phạm thiên đáp:

-Đúng vậy!

Bồ-tát nói:

-Này Phạm thiên! Do đó, tất cả pháp không có sai biệt, các hành tướng ấy cũng lại như vậy. Vì sao? Vì Như Lai không giảng nói các pháp có sai biệt.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Đã giảng nói về hành thì hành là gì?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Ở trong các hành có bốn phạm hạnh gọi là “hành nơi hành”. Nếu người xa lìa bốn phạm hạnh thì không gọi là “hành nơi hành”. Có thể thực hành bôn phạm hạnh ấy thì gọi là “hành nơi hành”.

Này Phạm thiên! Nếu người thành tựu bốn phạm hạnh thì tuy hành hóa ở nơi tịch tĩnh, vắng vẻ cũng gọi là “hành nơi hành”. Nếu không thành tựu bốn phạm hạnh thì dù hành hóa ở những nơi lầu gác, cung điện, giường vàng, chiếu bạc, y phục tốt đẹp nhưng không gọi là “hành nơi hành”, cũng lại không thể khéo nhận biết về tướng của hành.

Lại hỏi:

-Bồ-tát dùng hành gì để thấy biết thanh tịnh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Ở trong các hành có thể làm thanh tịnh “ngã kiến”.

Lại hỏi:

-Nếu chứng đắc thật tánh của ngã thì chứng được tri kiến chân thật chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu thấy được thật tánh của ngã tức là nhận thức chân thật. Ví như người giữ kho vàng của nhà vua nhân scí vàng đã xuất ra chi dùng mà biết số còn lại. Như vậy nhận biết thật tánh của ngã nên đạt được nhận thức chân thật.

Phạm thiên lại hỏi:

-Thế nào là đạt được thật tánh của ngã?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu đạt được pháp vô ngã thì đạt được thật tánh. Vì sao? Vì ngã hoàn toàn không có nguồn gốc, không chắc chắn. Nếu người nào có thể nhận biết như vậy thì gọi là đạt được thật tánh của ngã.

Phạm thiên lại hỏi:

-Như tôi hiểu về nghĩa do Đại sĩ đã giảng, là nhờ thấy ngã nên liền thấy Phật. Vì sao? Vì tánh của ngã tức là Phật tánh. Thưa Đại sĩ! Ai có thể thấy Phật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Người không hủy hoại ngã kiến. Vì sao? Vì ngã kiến tức là pháp kiến, nhờ pháp kiến mà có thể thấy Phật.

Phạm thiên lại hỏi:

-Lại có không có đối tượng hành, gọi là chánh hành chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Có! Nếu không thực hành theo tất cả pháp hữu vi thì đó gọi là chánh hành.

Phạm thiên lại hỏi:

-Hành như thế nào gọi là chánh hành?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu không vì nhận thức mà thực hành, không vì đoạn trừ, không vì chứng đắc, không vì tu tập mà thực hành, thì đó gọi là chánh hành.

Phạm thiên lại hỏi:

-Tuệ nhãn là thấy rõ pháp gì?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu có đỐi tượng được thấy thì không gọi là Tuệ nhãn. Tuệ nhãn không thấy pháp hữu vi, không thấy pháp vô vi. Vì sao? Vì các pháp hữu vi đều là phân biệt hư vọng. Không phân biệt hư vọng đó gọi là Tuệ nhãn. Pháp vô vi là không, không thật có, vượt qua sự nhận biết của các mắt, cho nên Tuệ nhãn cũng không thấy pháp vô vi.

Phạm thiên lại hỏi:

-Như Lai lại có Tỳ-kheo nhân theo chánh hành mà không chứng đạo quả chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Có! Trong chánh hành khổng có đạo, không có quả, không có hành, không chứng đắc, không có quả chứng sai khác.

Này Phạm thiên! Vì không có đối tượng được chứng đắc nên mới gọi là chứng đắc. Nếu có đôi tượng được chứng đắc thì nên biết đó là hạng tăng thượng mạn. Người chánh hành dứt mọi tăng thượng mạn. Không tăng thượng mạn tức là không hành, không thủ đắc.

Phạm thiên lại hỏi:

-Chứng đắc pháp gì để gọi là chứng đắc đạo?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu pháp không tự sinh, không do cái khác sinh, cũng không do các duyên sinh, từ xưa đến nay thường không có sinh, chứng đắc pháp ấy thì gọi là đạt đạo.

Phạm thiên hỏi:

-Nếu pháp không sinh thì lấy chỗ nào để chứng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu biết pháp không sinh tức gọi là chứng đắc. Cho nên, Đức Phật thuyết giảng: “Nếu thấy các pháp hữu vi không có tướng sinh tức hội nhập nơi quả vị chân chánh.”

Phạm thiên hỏi:

-Những gì gọi là quả vị chân chánh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Ngã và Niết-bàn bình đẳng không hai, đó gọi là quả vị chân chánh.

Lại nữa, vì thực hành bình đẳng nên gọi là quả vị chân chánh. Dùng sự bình đẳng để ra khỏi các khổ não nên gọi là quả vị chân chánh. Hội nhập trong ý nghĩa rốt ráo nên gọi là quả vị chân chánh. Dứt trừ tất cả mọi thứ nhớ nghĩ gọi là quả vị chân chánh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Lành thay, lành thay! Đại sĩ đã thuyết giảng rất thú vị, đúng như lời ông đã nói.

Khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng pháp này, có bảy ngàn Tỳ-kheo thấy rõ các pháp, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát, ba vạn hai ngàn chư Thiên lìa mọi phiền não, rời cấu uế, chứng được Pháp nhãn thanh tịnh, mười ngàn người xa lìa tham dục được thiền định, hai trăm người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, năm trăm Bồ-tát chứng được pháp Nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi này có thể thực hiện.Phật sự, tạo mọi lợi ích lớn cho chúng sinh.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Đức Phật xuất hiện thân ở đời không vì pháp lợi ích mà xuất hiện, không vì pháp tổn hại mà xuất hiện.

Phạm thiên nói:

-Đức Phật lẽ nào không tạo sự giải thoát cho vô lượng chúng sinh sao? Nhân giả cũng không phải đã tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Ông muốn ở trong chỗ không chúng sinh đạt được chúng sinh chăng?

Phạm thiên đáp:

-Thưa không.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Này Phạm thiên! Ông muốn đạt được tướng quyết định của chúng sinh chăng?

Phạm thiên đáp:

-Thưa không.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Này Phạm thiên! Ông muốn đạt được tướng của chư Phật xuất hiện ở thế gian sao?

Phạm thiên đáp:

-Thưa không.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Này Phạm thiên! Những gì là chúng sinh được chư Phật hóa độ đạt giải thoát?

Phạm thiên nói:

-Như theo nghĩa Đại sĩ đã giảng nói thì không sinh tử tức là không Niết-bàn.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Đúng vậy, chư Phật Thế Tôn không vướng mắc nơi sinh tử, cũng không thủ đắc Niết-bàn. Đệ tử của chư Phật đạt được giải thoát cũng không vướng mắc nơi sinh tử, không thủ đắc Niết-bàn. Vì sao? Vì Niết-bàn và sinh tử ấy chỉ là giả danh, nên có ngôn thuyết, thật ra không có sinh tử, luân hồi, nếu diệt tận tức chứng đắc Niết-bàn.

Phạm thiên lại hỏi:

-Ai có thể tin được pháp này?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Là người ở trong các pháp không có tham đắm.

Phạm thiên lại hỏi:

-Nếu tham đắm thì tham đắm cái gì?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Tham đắm sự giả dối. Này Phạm thiên! Nếu tham đắm là thật thì hoàn toàn không có người tăng thượng mạn. Vì tham đắm là hư vọng nên hành giả nhận biết rõ mà không tham cầu. Nếu không tham đắm thì không có dòng chảy sinh tử. Nếu không có dòng chảy sinh tử thì không có sinh tử luân hồi. Nếu không có sinh tử luân hồi tức là giải thoát.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào gọi là giải thoát?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Giải thoát gọi là các duyên không hòa hợp. Nếu vô minh không hòa hợp với nhân duyên của các hành thì khôiig khởi lên các hành. Nếu chẳng khởi lên các hành thì gọi là diệt, chẳng khởi lên tướng là giải thoát hoàn toàn. Chứng đắc đạo ấy tức là cõi Vô sinh. Như vậy gọi là bốn Thánh đế.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Hạnh nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Như những lời Đại sĩ đã giảng nói đều là chân thật chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Tất cả lời nói đều là chân thật.

Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi:

-Lời nói hư vọng cũng là chân thật sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Đúng vậy. Vì sao? Vì những lời nói đều là hư vọng, không nơi chôn, không phương hướng. Do pháp đều là hư vọng, không nơi chốn, không phương hướng nên tất cả lời nói đều là chân thật.

Này Đại sĩ! Lời nói của Đề-bà-đạt-đa và lời nói của Như Lai là không sai khác. Vì sao? Vì tất cả lời nói đều là lời nói của Như Lai chẳng ra ngoài Như. Tất cả lời nói có sự việc để thuyết giảng đều do không có chỗ giảng thuyết nên có thể giảng thuyết. Vì vậy tất cả lời nói đều là bình đẳng, văn tự giống nhau, văn tự không nhớ nghĩ, văn tự là không.

Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi:

-Như Lai chẳng giảng thuyết về ngôn ngữ của hàng phàm phu, ngôn ngữ của bậc Thánh hiền sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Đúng vậy. Như Lai dùng văn tự để giảng thuyết ngôn ngữ của phàm phu, cũng dùng văn tự để giảng thuyết ngôn ngữ của Thánh hiền. Như vậy, này Đại sĩ! Các văn tự có sự phân biệt đây là ngôn ngữ của phàm phu, đây là ngôn ngữ của Thánh hiền?

Bồ-tát Đẳng Hạnh đáp:

-Thưa không có.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Như các văn tự không phân biệt, tất cả Hiền thánh cũng không phân biệt. Cho nên, Hiền thánh không có ngôn thuyêt. Vì sao? Vì Hiền thánh chẳng dùng tướng của văn tự, chẳng dùng tướng của chúng sinh, chẳng dùng tướng của pháp để làm đối tượng được

thuyết giảng. Ví như chuông, trống do mọi duyên hòa hợp mà có âm thanh, những chuông trống đó cũng không phân biệt. Như vậy, chư Hiền thánh khéo nhận biết về mọi nhân duyên, nên đôi với những ngôn thuyết không tham chấp, không ngăn ngại.

Bồ-tát Đẳng Hạnh hỏi:

-Như Đức Phật đã giảng nói: “Các ông tập hợp sẽ làm hai việc: Hoặc thuyết pháp, hoặc im lặng như bậc Thánh”. Thế nào là thuyết pháp, thế nào là im lặng như bậc Thánh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu thuyết pháp không trái với Phật, không trái với Pháp, không trái với Tăng thì gọi là thuyết pháp. Nếu biết pháp tức là Phật, xa lìa tướng tức là Pháp, vô vi tức là Tăng, đó gọi là im lặng như bậc Thánh.

Lại nữa, này Đại sĩ! Nương vào bốn Niệm xứ mà có đối tượng được thuyết giảng gọi là thuyết pháp. Đối với tất cả các pháp không có chỗ nhớ nghĩ, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Nương vào bốn Chánh cần mà có đối tượng được thuyết giảng gọi là thuyết pháp. Do các pháp vốn bình đẳng, không tạo ra bình đẳng, chẳng tạo tác, chẳng bình đẳng, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Nương vào bốn Như ý túc mà có đôi tượng được thuyết giảng, gọi là thuyết phápề Nếu thân tâm không dấy khởi thì gọi là im lặng như bậc Thánh.

Nương vào năm Căn, năm Lực mà có đối tượng được thuyết giảng, gọi là thuyết pháp. Nếu không theo lời nói của người khác để có lòng tin thì chẳng chọn lấy, chẳng xả bỏ, phân biệt các pháp dốc lòng an trú. Trong niệm, vô niệm, hiểu rõ tất cả các pháp, tánh luôn quyết định, đoạn trừ hết thảy mọi hý luận, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Nương vào bảy Bồ-đề phần mà có đối tượng được thuyết giảng gọi là thuyết pháp. Nếu thường thực hành tâm Xả, không có sự phân biệt, không tăng không giảm, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Nương vào tám Thánh đạo mà có đốì tượng được thuyết giảng gọi là thuyết pháp. Nếu nhận biết tướng của việc thuyết pháp dụ như thuyền bè, chẳng dựa chấp vào pháp, chẳng nương chấp vào phi pháp, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Đối với ba mươi bảy phẩm Trợ đạo ấy nếu có thể mở bày, giải thích, giảng thuyết, gọi là thuyết pháp. Nếu thân chứng được pháp ấy thì cũng không lìa thân để thấy pháp, cũng không lìa pháp để thấy thân. Trong pháp quán ấy không thấy hai tướng, chẳng thấy không hai tướng. Như vậy, mọi nhận thức hiện tiền cũng không chấp nơi đó, gọi là im lặng như bậc Thánh.

Lại nữa, này Đại sĩ! Nếu không vọng tưởng chấp về ngã, không vọng tưởng chấp về ngã sở, không vọng tưởng chấp về pháp, có đối tượng được thuyết giảng thì gọi là thuyết pháp. Nếu đạt được tướng không thể thuyết giảng, có thể xa lìa tất cả âm thanh của lời nói, đạt được chôn không động, hội nhập nơi tâm lìa tướng thì gọi là im lặng như bậc Thánh.

Lại nữa, này Đại sĩ! Nếu nhận biết tất cả các căn lanh lợi, thấp kém của chúng sinh, theo đó mà giáo hóa họ, gọi là thuyết pháp. Thường hội nhập nơi thiền định, tâm không tán loạn gọi là im lặng như bậc Thánh.

Bồ-tát Đẳng Hạnh nói:

-Như tôi hiểu nghĩa của Đại sĩ đã giảng thuyết, là tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không có thuyết pháp, cũng không có im lặng như bậc Thánh. Vì sao? Vì không hiểu rõ các căn lanh lợi hay thấp kém của tất cả chúng sinh, cũng lại không thể luôn ở trong thiền định.

Thưa Đại sĩ! Nếu có lời hỏi chân thật: Ai là người thuyết pháp ở thế gian, ai là người im lặng như bậc Thánh ở thế gian, thì phải nói chính là chư Phật. Vì sao? Vì chư Phật có thể phân biệt hoàn toàn các căn lanh lợi hay thấp kém của chúng sinh, cũng thường ở trong thiền định.

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

-Đúng vậy, đúng vậy! Như lời Bồ-tát Đẳng Hạnh nói. Chỉ có chư Phật Như Lai mới có hai pháp này.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Con đích thân theo Phật, được nghe Phật nói: “Chư vị tập hợp nên làm hai việc, hoặc là thuyết pháp, hoặc là im lặng như bậc Thánh”.

Bạch Thế Tôn! Nếu hàng Thanh văn không thể thực hành việc ấy thì tại sao Đức Như Lai lại bảo các Tỳ-kheo thực hành hai việc này?

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

-Theo ý ông thì sao? Nếu hàng Thanh văn không lãnh hội sự thuyết giảng của người khác mà có thể thuyết pháp, có thể im lặng như bậc Thánh chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

-Thưa không.

Phật dạy:

-Này Tu-bồ-đề! Vì thế nên biết tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không có thuyết pháp, không im lặng như bậc Thánh.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

-Thưa Trưởng lão Tu-bồ-đề! Như Lai hiểu rõ tám vạn bốn ngàn hành nghiệp của chúng sinh. Trưởng lão ở trong số này là người có trí tuệ, Trưởng lão có thể tùy theo căn cơ thích ứng của chúng sinh để thuyết pháp cho họ không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

-Thưa không được.

Bồ-tát hỏi:

-Này Trưởng lão Tu-bồ-đề! Hiện tại có thể nhập vào Tam-muội, xem xét tâm niệm của tất cả chúng sinh, an trú vào Tam-muội ấy để thấu rõ tâm và mọi nẻo hành hóa nơi tâm của hết thảy chúng sinh, tâm mình, tâm người không bị chướng ngại chăng?

Trưởng lão Tu-bồ-đề đáp:

-Thưa không.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Này Tôn giả Tu-bồ-đề! Như Lai đối với tám vạn bốn ngàn hành nghiệp của chúng sinh, tùy theo căn cơ thích ứng của họ mà thuyết pháp, cho thuốc. Lại luôn an trú trong tướng bình đẳng của định, tâm không lay động mà thấu tỏ mọi tâm niệm và nẻo hành hóa nơi tâm của tất cả chúng sinh.

Này Trưởng lão Tu-bồ-đề! Như vậy, nên biết tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh kịp việc này.

Này Tôn giả Tu-bồ-đề! Hoặc có chúng sinh nhiều dâm dục dùng pháp quán thanh tịnh mà chứng đắc giải thoát, chứ chẳng phải do quán bất tịnh, chỉ có Phật mới có thể nhận biết. Hoặc có chúng sinh nhiều giận dữ, dùng pháp quán về lỗi lầm mà chứng đắc giải thoát, chứ chẳng phải do pháp quán tâm Từ bi, chỉ có Phật mới có thể nhận biết. Hoặc có chúng sinh nhiều ngu si dùng pháp “bất cộng ngữ” mà chứng đắc giải thoát, chứ chẳng phải dùng việc thuyết giảng pháp, chỉ có Phật mới có thể nhận biết. Hoặc có chúng sinh thực hành những pháp trên, chẳng dùng pháp quán thanh tịnh, chẳng dùng pháp quán bất tịnh, chẳng dùng pháp quán lỗi lầm, chẳng dùng pháp quán tâm Từ, chẳng dùng “bất cộng ngữ”, chẳng dùng việc thuyết giảng pháp để được giải thoát, thuận theo căn tánh dùng các pháp bình đẳng để thuyết giảng giáo pháp, khiến họ được giải thoát, chỉ có Đức Phật mới biết được. Cho nên, Đức Như Lai là vị thuyết pháp bậc nhất trong những người thuyết pháp, cũng là vị thiền định bậc nhất trong những người thiền định.

Bấy giờ, Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

-Nếu hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không thể thuyết pháp như vậy, không thể im lặng như bậc Thánh như vậy, thì hàng Bồ-tát thành tựu công đức như vậy, có thể thuyết pháp, có thể im lặng như bậc Thánh không?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Chỉ có Phật mới nhận biết được.

Đức Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

-Có Tam-muội tên là Nhập nhất thiết ngữ ngôn tâm bất tán loạn, nếu Bồ-tát thành tựu Tam-muội này thì đạt được công đức ấy.

Khi đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Thưa Đại sĩ! Vì chúng sinh có tám vạn bốn ngàn hành nghiệp nên Đức Phật thuyết giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn gọi là thuyết pháp. Thường an trú trong hết thảy định diệt thọ, tưởng, hành, nên gọi là im lặng như bậc Thánh.

Thưa Đại sĩ! Tôi ở trong một kiếp, hoặc chưa đầy một kiếp, có thể thuyết giảng về nghĩa này, tức là tướng thuyết pháp, tướng im lặng như bậc Thánh, hãy còn chẳne thể kể hết.

Phật bảo Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Này Thiện nam! về đời quá khứ trải qua vô lượng, vô biên, vô số kiếp không thể nghĩ bàn, khi ấy có Đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Phổ Quang, kiếp tên Danh văn, nước tên Hý kiến. Quốc độ kia trang nghiêm thanh tịnh, giàu có, an vui, trời người đông đúc. Cõi đất ấy đều dùng các thứ báu để trang nghiêm, mềm mại, êm dịu, sinh ra hoa sen báu và nhiều loại cây thơm, thường tỏa ra mùi hương vi diệu lan rộng khắp nơi.

Này Bồ-tát Đẳng Hạnh! Cõi nước Hý kiến có bốn trăm ức bốn cõi thiên hạ. Mỗi mỗi cõi thiên hạ dài rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, các thành trong cảnh giới đó dài rộng một do-tuần đều dùng các thứ báu trang hoàng, mỗi thành có một vạn năm ngàn thôn ấp, xóm làng vây quanh, mỗi mỗi làng xóm, thôn ấp có vô lượng trăm ngàn dân chúng sống đông đúc. Khi ấy, dân chúng nếu thấy được sắc màu, hình tượng thì tâm đều vui thích, không hề có khinh ghét, cũng đều đạt được pháp Tam-muội niệm Phật. Cho nên, cõi nước đó gọi là Hý kiến. Nếu có chư Bồ-tát từ thế giới khác đến thì cũng đều đạt được mọi diệu lạc, các cõi khác thì không được như vậy.

Này Bồ-tát Đẳng Hạnh! Đức Phật Phổ Quang kia dùng pháp của ba thừa để thuyết pháp cho đệ tử, cũng thường ưa thích thuyết pháp âm như vầy: “Này các Tỳ-kheo nên thực hành hai việc, hoặc thuyết pháp, hoặc im lặng như bậc Thánh”.

Này Bồ-tát Đẳng Hạnh! Bấy giờ, cõi nước của Đức Phật Y Vương ở phương Trên có hai vị Bồ-tát: Một tên là Vô Tận Ý, hai tên là Ích Ý, đi đến chỗ của Đức Phật Phổ Quang, đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh theo phía bên phải ba vòng, cung kính chắp tay lui ra đứng một bênẻ Khi ấy, Đức Phật Phổ Quang vì hai vị Bồ-tát này mà thuyết giảng Tam-muội Tịnh minh. Sở dĩ gọi là Tam-muội

Tịnh minh, vì nếu Bồ-tát hội nhập Tam-muội ấy liền được giải thoát khỏi tất cả các tướng và phiền não trói buộc, đốì với tất cả pháp của Phật cũng đạt được ánh sáng thanh tịnh.

Lại nữa, hết thảy các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai đều thanh tịnh. Đó là ba đời hoàn toàn thanh tịnh, không thể khiến cho không thanh tịnh vì bản tánh của các pháp thường thanh tịnh, do đấy, nói tánh của tất cả các pháp luôn thanh tịnh.

Thế nào là tánh của các pháp thanh tịnh? Nghĩa là tướng của tất cả pháp là không, lìa mọi thủ đắc. Tướng của các pháp là không tướng, nên xa lìa mọi nhớ tưởng, phân biệt. Tướng của tất cả pháp là không tạo tác, nên không giữ lấy, không xả bỏ, không mong cầu, không chỗ nguyện, hoàn toàn xa lìa tự tánh. Đó gọi là tánh thường thanh tịnh. Do tướng thường thanh tịnh, nên biết tánh sinh tử tức là Niết-bàn, tánh Niết-bàn tức là tánh của tất cả pháp, vì vậy nói tâm tánh thường thanh tịnh.

Này Bồ-tát Đẳng Hạnh! Ví như hư không, nếu thọ nhận cấu uế thì không có điều đó. Tánh của tâm cũng như vậy, nếu có cấu uế thì không có điều ấy.

Lại như hư không, tuy bị khói bụi mây mù che phủ nên chẳng trong sáng, chẳng sạch sẽ, nhưng không thể làm ô nhiễm tánh của hư không. Giả sử tánh của hư không bị nhiễm ô thì không thể thanh tịnh trở lại. Do hư không thật sự không bị nhiễm ô cho nên thấy thanh tịnh trở lại. Tâm của hàng phàm phu cũng như vậy, tuy nhớ nghĩ sai lầm, phát sinh phiền não, nhưng tánh của tâm thì không hề ô nhiễm. Giả sử tánh của tâm bị cấu uế thì không thể trở lại thanh tịnh, do tánh của tâm thật sự không có cấu nhiễm, nên thường sáng tỏ, thanh tịnh, vì thế tâm được giải thoát.

Này Bồ-tát Đẳng Hạnh! Đó gọi là hội nhập pháp Tam-muội Tịnh minh. Hai vị Bồ-tát kia nghe giảng nói về Tam-muội ấy, ở trong các pháp liền chứng đắc ánh sáng của pháp không thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật Phổ Quang:

-Bạch Thế Tôn! Chúng con đã lãnh hội pháp Tam-muội Tịnh minh thì nên hành trì thế nào để thực hành pháp môn này?

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý:

-Này Bồ-tát! Các vị phải nên thực hành hai việc, hoặc thuyết pháp, hoặc im lặng như bậc Thánh.

Khi ấy, hai vị Bồ-tát nhận lãnh lời dạy của Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi lui ra, đến một khu rừng, tự dùng thần lực hóa thành tòa lầu báu ở trong đó mà tu hành. Bấy giờ có Phạm thiên tên Diệu Quang cùng bảy vạn hai ngàn Phạm thiên đi đến khu rừng ấy, cung kính đảnh lễ hai vị Bồ-tát, thưa hỏi:

-Thưa hai vị Đại sĩ! Đức Phật Phổ Quang đã dạy: “Chư Tỳ-kheo nhóm họp nên làm hai việc, hoặc thuyết pháp, hoặc im lặng như bậc Thánh”. Thưa Bồ-tát! Thế nào là thuyết pháp, thế nào là im lặng như bậc Thánh?

Hai vị Bồ-tát nói:

-Nay các ông hãy lắng nghe, chúng tôi sẽ nói một phần nhỏ, chỉ có Đức Như Lai mới thông đạt hết thảy.

Lúc này, hai vị Bồ-tát dùng nghĩa của hai câu vì các Phạm chúng mà phân biệt, thuyết giảng. Khi ấy, bảy vạn hai ngàn Phạm chúng đều chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh. Phạm thiên Diệu Quang chứng đắc Tam-muội Phổ quang minh. Hai vị Bồ-tát đó ở trong bảy vạn sáu ngàn năm, dùng diệu lực của biện tài vô ngại giải đáp những câu hỏi của những Phạm chúng kia mà chẳng hề biếng trễ, chẳng dừng nghỉ, phân biệt về nghĩa lý của hai câu, cùng nhau hỏi đáp không cùng tận. Lúc đó, Đức Phật Phổ Quang ở trong hư không nói như vầy:

-Này Bồ-tát! Chớ đối với văn tự, ngôn thuyết mà khởi lên sự tranh luận. Phàm các lời nói đều là không, như tiếng vang, sự hỏi, đáp này cũng như vậy. Hai vị đều đạt được biện tài vô ngại và Đà-la-ni vô tận, nếu ở trong một kiếp, hoặc trăm kiếp giảng nói về hai câu này thì biện luận cũng không thể hết.

Này hai vị! Pháp của Phật là nghĩa bậc nhất, là tướng vắng lặng, trong đó không có văn tự, chẳng thể thuyết giảng, những ngôn thuyết đều không có ý nghĩa, lợi ích. Cho nên, phải thuận theo diệu nghĩa ấy, chớ nên chấp theo văn tự.

Hai vị Bồ-tát nghe Đức Phật dạy rồi đều im lặng thọ nhận.

Đức Phật bảo Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Vì vậy nên biết, nếu Bồ-tát dùng biện tài để thuyết pháp thì trăm ngàn vạn kiếp, hoặc hơn trăm ngàn vạn kiếp cũng chẳng thể cùng tận.

Lại bảo Bồ-tát Đẳng Hạnh:

-Ý ông thế nào? Hai vị Bồ-tát ở thời ấy là người khác lạ chăng? Ông chớ suy nghĩ như thế. Bồ-tát Vô Tận Ý nay là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Bồ-tát Ích Ý nay chính là ông đó, còn Phạm thiên Diệu Quang nay là Phạm thiên Tư ích.