KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 8: ĐẠO TUỆ

Phật bảo Bồ-tát Tổng Giáo Vương:

–Thiện nam! Hành nghiệp của Bồ-tát không thể tính đếm. Vì sao? Chúng sinh tham dục, tranh chấp, Bồ-tát lại tu tập tích lũy công đức, tu tập các hạnh. Thiện nam! Giả sử chúng sinh trong hằng hà sa cõi Phật đều hành hạnh Thanh văn, Bích-chi-phật vẫn không bằng công đức phát tâm của Bồ-tát, dù chỉ là một phần trong trăm ngàn vạn phần vẫn không thể so sánh được. Vì sao? Vì bản tánh vốn không dục trần. Thanh văn, Duyên giác trụ trong sự hòa hợp, Bồ-tát tiêu trừ tất cả sự hòa hợp dục trần của chúng sinh. Thiện nam! So với nghiệp của chúng sinh, công đức của Thanh văn, Duyên giác, hạnh của Bồtát là hơn hết. Vì sao? Vì phàm phu tạo nghiệp từ sự điên đảo, Thanh văn, Duyên giác vẫn tùy tập duyên, hạnh của Bồ-tát không có điên đảo, công đức khôn lường, vì thế Bồ-tát hơn Thanh văn, Duyên giác, chúng sinh.

Nghe Phật dạy Bồ-tát Tổng Giáo Vương vui mừng khôn tả, phát tâm lành, khen ngợi lời Phật thật hy hữu, khó ai bì kịp:

–Như Lai đã giảng về sự trang nghiêm, hào quang, tâm Từ, việc độ sinh của Bồ-tát. Ngưỡng mong Đức Thế Ton thương xót giảng giải: Tâm Từ bi của Phật đối với chúng sinh, việc làm của Phật, vi diệu thay Thế Tôn. Như Lai thấy biết tất cả, hiểu được các nghiệp, xin phân biệt giảng nói cho chúng con.

Phật nói:

–Hãy lắng nghe va suy nghĩ kỹ! Như Lai sẽ giảng nói về tâm Từ bi, hạnh nguyện và sự thuyết giảng giáo hóa của Phật.

Thiện nam! Chư Phật, Thế Tôn không khởi tâm Bi, cũng không thực hành. Vì sao? Vì chư Phật luôn sống trong tâm Bi, không bo chúng sinh, tích lũy vô số công đức. Vì thế không thoái chuyển, không bỏ chúng sinh. Đó là tâm Bi của Phật. Tâm Bi đó rộng lớn, không thể tính đếm, không thể so sánh, không có chỗ chứa, từ xưa đến nay không ai nói hết. Vì sao? Như Lai thành đạo, luôn sống trong Từ bi, thương yêu chúng sinh. Như pháp Phật, tâm bi cũng thế. Thế nào là sự thành tựu đạo quả của Như Lai? Không gốc, không trụ là thành đạo. Trong đạo đó có gì là gốc là trụ. Nếu chấp thân là gốc thì thuộc tư tưởng không thành. Vì thế, Như Lai tùy thời thành đạo nên không gốc, không trụ. Vì vậy Như Lai thành tựu chánh giác, biết tất cả chúng sinh không trụ, không gốc, hiểu rõ nguồn cội, tùy thuận giảng thuyết, giúp chúng tỏ ngộ. Vì vậy Như Lai luôn thương yêu chúng sinh. Thiện nam! Đạo là sự tịch tĩnh, điềm tịnh. Nghĩa là đối với bên trong là tịch tĩnh, đối với bên ngoài là điềm tịnh. Vì sao? Vì mắt rỗng lặng, không có ta, không có thọ nhận, tai mũi lưỡi thân tâm cũng rỗng lặng, không có ta, không có thọ nhận. Biết được mắt rỗng lặng nên không chạy theo sắc. Đó là tịch tĩnh. Tai, mũi, lưỡi, thân tâm cũng rỗng lặng, biết như thế nên không chạy theo các pháp. Đó là điềm tịnh. Chúng sinh không hiểu rõ tịch tĩnh và điềm tịnh nên dạy cho chúng biết. Vì thế Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo vốn tịnh, cũng rất rõ ràng. Tịnh tức là tâm vốn thanh tịnh. Nghĩa đó ra sao? Tịnh là không chấp trước, không sai phạm, bình đẳng như hư không. Hư không vốn tịnh nên chẳng khác đạo. Vì đạo như hư không nên gọi là không là đẳng tụ. Tuy tịnh nhưng lại rất rõ ràng nên gọi là vốn tịnh và rõ ràng. Phàm phu không thật biết, bị khách trần ô nhiễm, ta giúp chúng hiểu rõ việc ấy nên Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không siêng năng, không lười biếng. Nghĩa là tóm thâu tất cả pháp là không siêng năng, đã đầy đủ tất cả pháp nên Như Lai không thấy có siêng năng, cũng không thấy có không siêng năng, vượt tất cả sự chấp chặt. Hơn nữa, Như Lai đối với các pháp không thấy sinh tử không thấy có Niết-bàn, trừ chấp kia đây. Như Lai hiểu rõ các pháp nên thành Chánh giác, được tôn là Như Lai. Đó là không siêng năng, không lười biếng. Phàm phu ngu si không hiểu điều ấy, Như Lai giảng thuyết giúp chúng hiểu rõ. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không vọng tưởng, không nhân duyên. Nghĩa là mắt đối với thức không nắm bắt là không vọng tưởng, không thấy sắc là không nhân duyên, tai mũi miệng thân tâm cũng thế, không nắm bắt không vọng tưởng, không thấy các pháp là không nhân duyên. Không vọng tưởng không nhân duyên là hạnh của Hiền thánh. Thế nào là hạnh Phật? Vào ba cõi nhưng không tạo nghiệp, ở đây cũng không tạo nghiệp là hạnh Phật. Phàm phu không hiểu hạnh Phật, nên Như Lai chỉ dẫn giác ngộ cho chúng. Vì thế Như Lai thường Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không có quá khứ, vị lai, hiện tại, bình đẳng như ba đời, trừ ba chấp. Nghĩa là tâm không chạy lui theo quá khứ, tuệ không hướng về tương lai, tâm ý thức không dừng ở hiện tại, không nhớ quá khứ, không nghĩ vị lai, không đùa với hiện tại, hiểu được ba đời là trừ ba chấp. Phàm phu không hiểu hạnh Thánh hiền, ta giác ngộ chúng để chúng biết được. Vì thế Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không có thân, không có số, không mắt, không tai, mũi, miệng, thân ý thức. Cái hiểu được là vô vi vô số. Vô vi là không sinh diệt, không nơi chốn, trừ ba tướng. Từ vô vi hiểu hữu vi cũng thế. Vì sao? Vì tất cả những gì hiện có đều là tự nhiên, không sở hữu, không hai. Vì vậy không thân, không làm. Phàm phu ngu si không hiểu được nên ta giác ngộ chúng để chúng nhận biết. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không có dấu tích, không thể hoại. Thế nào là dấu tích, không thể hoại? Không gốc, là dấu tích. Không nơi trụ là không thể hoại; cảnh giới là dấu tích, không ngã là không hoại; bản tế là dấu tích, không động là không hoại; rỗng lặng là dấu tích, không hoạch là không hoại; không tưởng là dấu tích, không niệm là không hoại; không nguyen là dấu tích, không nơi chốn là không hoại; Niết-bàn là dấu tích, không hủy là không hoại. Đó là không hoại dấu tích. Phàm phu không thể hiểu được, nên ta giác ngộ chúng để chúng nhận biết. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không từ thân mà thành Chánh giác, cũng không từ tâm. Vì sao? Thân là ngu muội, như cỏ, cây, tường, vách, ngói, đá, bóng; tâm là huyễn hóa. Biết như vậy về thân tâm là đạo, chỉ mượn ngôn ngữ để nêu. Đạo không có ngôn ngữ, không thân tâm, không phải pháp, phi pháp, không phải đạo, phi đạo, không thành thật, không lừa dối. Vì sao? Đạo không thể nói, trong tất cả pháp không có đạo, không có nơi chốn, trong ngôn ngữ nhưng không thể nói năng, như hư không không có nơi chốn, không nơi dừng, không ngôn ngữ. Đạo cũng vậy không có nơi dừng, không ngôn ngữ. Từ trong các pháp tìm xét kỹ về đạo thì không có văn tự, pháp cũng khong có ngôn ngữ. Hiểu được các pháp không ngôn ngữ là biết xuất xứ của các pháp. Phàm phu ngu si không hiểu, nên ta giúp chúng hiểu. Vì thế Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không nắm bắt, không nương tựa. Nghĩa là đoạn nhãn thức không nhận sắc, không chứng đắc, với tai, mũi, thân, ý, khẩu khi đoạn thức thì không nhận, không chứng đắc. Các pháp không có được nên không có nương tựa. Vì thế Như Lai không thọ nhận, không nương tựa, thức không thoái lui. Tai đối với tiếng, mũi, miệng, thân ý đối với hương, vị, xúc, pháp cũng không nương tựa, thức không thoái lui. Đã không trụ thức thì có thể phân biệt được nơi chốn tâm tánh của tất cả chúng sinh. Thế nào là nơi chốn tâm của chúng sinh? Có bốn: Sắc, thống dương (thọ), tư tưởng (tưởng), sinh tử (hành). Tất cả đều không có nơi dừng. Như Lai hiểu rõ không có nơi dừng. Phàm phu không hiểu nên Như Lai giác ngộ để chúng hiểu. Vì thế Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo là rỗng lặng. Vì tất cả các pháp đều rỗng lặng. Như Lai hiểu sự rỗng lặng ấy, hiểu tất cả pháp nên thành Chánh giác. Sự rỗng lặng lại là rỗng lặng, vì thế thành Chánh giác. Với trí tuệ đó Phật phân biệt việc rỗng lặng, biết không có hai. Nghĩa là sự rỗng lặng và trí đạo không hai. Vì không có hai pháp nên không hai. Đã không hai thì không danh, tưởng, hạnh, căn nguyên, lưu truyền, nói năng, có nương nhận là có nơi hướng về, không phải là chưa đến. Có pháp nào là sắc là không. Không là như hư không. Hư không không thể nói năng là không. Sự rỗng lặng cũng không thể nói năng. Tất cả các pháp đã như thế, không danh, không ngôn ngữ, không kiêu mạn, nơi chốn cũng không nơi chốn. Vì thế tất cả các pháp nói ra đều không có ngôn ngữ, cũng không phải không ngôn ngữ. Sinh cũng thế, không chánh tà. Như Lai không sinh, hiểu rõ không gốc. Sự hiểu biết, sự giải thoát của Như Lai không trói mở, là bình đẳng. Phàm phu không hiểu, ta giúp chúng hiểu. Vì thế Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo như hư không. Hư không không bình đẳng, không nghiêng lệch. Nếu chấp vào sự bình đẳng thì không thành đạo. Từ sự không bình đẳng, không nghiêng lệch, Như Lai hiểu biết tất cả pháp không gốc tích nên thành Chánh giác. Với các pháp, Như Lai không chấp là chính là tà. Pháp đã vậy, trí tuệ cũng vậy. Với pháp, Phật có thọ nhận gọi là có, là quy về, không thọ nhận gọi là không, không chủ tể, tự nhiên thành tựu. Ngoài tự nhiên không có đi lại, không tiến thoái. Nếu có tiến thì có đoạn trừ. Như Lai thuyết pháp đoạn các chấp đó. Phàm phu không hiểu, ta giúp chúng hiểu. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo là dấu thật, vì như đạo sắc cũng vậy, không gốc không thoái lui. Thọ tưởng hành thức cũng không gốc, không thoái chuyển; Đất nước lửa gió cũng không thoái lui; mắt, tai, mũi, thân, khẩu, ý pháp sắc cũng không gốc, không thoái lui, các pháp không phân biệt ba đời. Như Lai hiểu chân đế của các pháp nên thành Chánh giác. Sự hiểu biết đó vượt ngoài điên đảo. Lai nữa, trong quá khứ, vị lai, hiện tại không có gốc, không thoái chuyển. Gốc đó không có nơi sinh. Các pháp khác cũng vậy, nên gọi là dấu chân thật. Một việc là thế, tất cả việc đều thế. Tất cả việc đã vậy, một việc cũng vậy, đều không thể đắc. Phàm phu không hiểu biết, Như Lai giúp chúng hiểu. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo là nhà, không là nhà. Thế nào là nhà, là không nhà? Tu hành tất cả pháp lành là nhà. Không nắm bắt các pháp là không nhà. Vì tâm không dừng, không nơi chốn, không tưởng, không Tam-muội, không giải thoát. Quán sát, tưởng niệm, tính đếm, so sánh là nhà. Không biết là không nhà, quán sát hữu vi là nhà, quán sát vô vi là không nhà. Hiểu không nhà là đạo. Phàm phu không hiểu nên Như Lai giúp chúng hiểu. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo không khuyết lậu, không thọ nhận. Nghĩa là trừ bốn lậu hoặc là không lậu (bốn lậu: dục, hữu, si, kiến). Không thọ la trừ bốn thọ: Dục, hữu, kiến, giới. Bốn thọ đều thuộc vô minh, ân ái, nó từ bên trong khởi phát. Như Lai trừ thọ bên trong. Vì bên trong thanh tịnh nên hướng chúng sinh thanh tịnh. Bên trong thanh tịnh là không vọng tưởng, không điên đảo, chỉ có nhu thuận, không trụ nơi vô minh không trụ nơi mười hai số, không thọ sinh, tịch tĩnh, không nghĩa lí, là Đệ nhất nghĩa, cùng tột, không người, không nắm bắt, là đạo Như Lai, là mười hai nhân duyên, là pháp, là thấy duyên sinh, thấy pháp, thấy Như Lai. Quán sát biết tất cả không có gốc, không có ngọn, không thể thấy. Thế nào là sở hữu? Không thấy nhân duyên trong vọng tưởng. Đó là sự hiểu biết của Như Lai. Tất cả các pháp đều bình đẳng, không thiên lệch, không lậu hoặc, không thọ nhận. Phàm phu không hiểu nên Như Lai giúp chúng hiểu. Vì vậy Như Lai luôn Từ bi với chúng sinh.

Thiện nam! Đạo thanh tịnh không cấu, nhiễm. Nghĩa là: rỗng lặng là thanh tịnh, không vọng tưởng là trừ cấu, không nguyện là không nhiễm; không sinh là thanh tịnh, không dơ là trừ cấu, không khởi là không nhiễm; bản tánh thanh tịnh, giải thoát không nhiễm; không phóng dật là thanh tịnh; không đùa bỡn là trừ cấu, tịch tĩnh là không nhiễm; không gốc là tịnh, pháp giới hiển hiện vốn không nhiễm; hư không thanh tịnh, hư không không cấu nhiễm; trí tuệ không chấp quá khứ là tịnh, không khởi vị lai là không cấu, không phân biệt hiện tại trụ trong pháp giới là không nhiễm. Đó là thanh tịnh, không cấu nhiễm, trụ trong một pháp bình đẳng, tịch tĩnh, điềm nhiên, nhân hòa.

Thiện nam! Đạo như hư không; pháp như đạo; chúng sinh như pháp; quốc độ như chúng sinh; Niết-bàn như quốc độ. Tất cả các pháp như Niết-bàn tịch tĩnh. Trong bộ tộc không thấy bộ tộc là thanh tịnh, không cấu nhiễm. Như Lai biết các sắc vốn không hình sắc nên thành Chánh giác. Như Lai quán cõi chúng sinh không sạch dơ. Đó là lòng Từ bi tạo thức tỉnh cho chúng sinh của Như Lai. Như Lai dùng phương tiện quyền biến cảm ứng đến cõi Phạm thiên, vì không thỉnh thì Như Lai không chuyển pháp luân. Lúc ấy, sáu vạn tám ngàn chúng Phạm thiên đều rời khỏi cõi trời, đến vườn Nai thuộc thành Ba-la-nại để thỉnh Thế Tôn thuyết pháp.

Phạm thiên thưa:

–Thế Tôn! Xin giảng kinh pháp. Nhờ nghe pháp, nhiều chúng sinh được hóa độ.

Phạm thiên nói kệ khen Phật:

Tất cả các pháp
Tịch nhiên điềm tĩnh
Thanh tịnh thuần khiết
Không nhơ không nhiễm.
Không thể nắm bắt
Không tiếng, không làm
Với trí tuệ đạo
Phật biết hết thảy.
Trái vô số kiếp
Thương yêu cứu độ
Siêng năng khó lường
Luôn luôn tinh tấn.
Mong được giáo hóa
Chúng sinh mê họăc
Chìm trong giấc ngủ
Vô minh che lấp.
Có nhiều chúng sinh
Từng tích công đức
Siêng năng tu tập
Đến chỗ Thế Tôn.
Tất cả đều biết
Chánh pháp vi diệu
Ngưỡng mong Như Lai
Tùy thời thuyết pháp.
Hàng phục thâu nhiếp
Hết thảy quân ma
Tùy cơ giáo hóa
Ban pháp cam lồ.
Vì mọi chúng sinh
Giảng pháp Hiền thánh
Ngưỡng mong Đạo sư
Chỉ rõ đường đi.
Thành tựu chánh giác
Lòng thương vô tận
Rủ xuống mọi loài
Giảng kinh vi diệu.
Ngày nay chúng con
Kính thỉnh Như Lai
Mong nghe pháp mầu
Bánh xe đạo pháp.
Được Phật vần xoay
Nhờ ân đức nầy
Như Câu-na-hàm
Phật giảng kinh pháp.
Như Phật Ca-diếp
Chuyển xe chánh pháp
Ngưỡng mong Thế Tôn
Tuyên thuyết kinh pháp.
Như trời tuôn mưa
Nhuầm thấm tất cả
Cỏ cây tốt tươi
Lúa má chín đều.
Phật tuôn mưa Từ
Thấm khắp thế gian
Như Lai tuôn ra
Nước mưa chánh pháp.
Từ lúc thọ sinh
Đã báo điềm lành
Và tự thệ nguyện
Độ hết chúng sinh.
Tất cả về đây
Đói khát cầu xin
Xin ban pháp vị
Cho mọi chúng sinh.

Phật nói:

–Thiện nam! Phạm thiên thiết tha thỉnh cầu ta như thế. Vì lòng Từ bi Phật đã giảng pháp vô thượng tại vườn Nai thuộc thành Ba-lanại. Sa-môn, Phạm chí, Ma, Thần, Phạm thiên, Trời, Người không ai chế phục được.

Lời Phật là lời vi diệu, vang khắp tam thiên đại thiên cõi nước. Tỳ-kheo Câu-luân là người đầu tiên hiểu pháp. Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Thâm diệu không thể đạt
Tối tôn, không tạo tác
Câu-luân hiểu nghĩa mầu
Trừ hết mọi kết sử.

Lúc Phật giảng lời này, có vô số chúng sinh thọ nhận giáo pháp phát khởi đại Bi, vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng.

Thiện nam! Như Lai nêu mười sáu việc Từ bi đối với chúng sinh của chư Phật. Song hạnh Từ bi ba-la-mật của Phật thì không thể nào tính đếm được. Tùy từng chúng sinh Như Lai cứu độ; hằng hà sa số kiếp Như Lai luôn cứu khổ nơi địa ngục, không thoái tâm, dùng mọi phương tiện làm cho chúng sinh tin học luật, pháp của các Hiền thánh. Vì chúng sinh Như Lai thị hiện vô số thân hình, chịu khổ thay chúng học pháp Phật. Như Lai không mỏi mệt, không chán ghét, không trái lòng Từ. Thiện nam! Lòng Từ bi của Như Lai vòi vọi như thế.

Thiện nam! Hàng Thanh văn luôn sợ khổ, lòng Từ chỉ là bên ngoài da. Lòng Từ của Bồ-tát vào đến xương cốt lòng Từ của chư Phật là không cùng không tận. Phật thường khuyên tất cả cầu trí Phật, dạy Thanh văn phát tâm hành đạo Từ bi của Bồ-tát. Lòng Từ của Phật có từ trí tuệ. Lòng Từ của Thanh văn bắt nguồn từ tâm thương yêu. Lòng Từ của Bồ-tát là sự giáo hóa. Lòng Từ của Phật thì rốt ráo, rộng lớn. Chán ghét sinh tử là lòng Từ của Thanh văn; tinh tấn tăng trưởng là lòng Từ của Bo-tát; siêu vượt các hành là lòng Từ của Phật.

Thiện nam! Chư Phật Thế Tôn luôn Từ bi đối với chúng sinh. Vì một chúng sinh Phật vào thế gian một kiếp, ngàn vạn kiếp, không thể tính đếm kiếp số, Phật không vĩnh viễn tru nơi Niết-bàn là để độ sinh. Thiện nam! Đó là lòng Từ bi của Phật đối với chúng sinh.